Nguyễn Thị Thảo An sinh năm 1959 tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Sài Gòn.
Ðịnh cư tại Hoa Kỳ năm 1982. Theo học tại Kennesaw University năm 1988. Hiện ngụ tại Kennesaw Georgia, USA.
Tác phẩm: Tuyển Tập (in chung với 4 tác giả khác)
Bức Phù điêu Khắc Cạn (tập truyện, Văn Mới xuất bản 2011)
Nghĩ về...
Trước khi viết bài này tôi đã đọc qua bài Yêu ai Ghét ai của TTH. Vì vậy, tôi xin lướt qua những điều TTH đã bàn, chỉ viết về những suy nghĩ của mình.
Ai đọc bài của ông NAK đều dễ dàng nhận ra đây là một bài tùy bút. Vả lại tác giả đã nhiều lần khẳng định đó là một bài tùy bút. Đã là tùy bút thì tác giả tha hồ nói lên những suy nghĩ của mình. Điều khác ở đây là ông NAK đã đưa ra những dẫn chứng cho những suy nghĩ đó. Như vậy khách quan mà xét thì có thể nói đó là một dạng tùy bút phá cách chứ không thể nào là một bài nhận định lý luận phê bình văn học được. Điều lạ là tại sao ông VLX cứ khăng khăng cho đó là một bài phê bình văn học? Có thể xếp nó vào dạng phê bình văn học thì mới có thể "phê bình một bài phê bình văn học" được chăng?
Đọc bài "Nghĩ về bài "Nghĩ về..." của ông VLX làm cho người đọc sốc qua lời " tự thú" của ông:
"Tới đây xin bẽn lẽn nói nhỏ một điều: dù được chế độ cũ đào tạo chính thức để dạy Việt văn, nhưng trước khi đọc NAK, tôi chưa hề đọc một câu nào của TTY, kể cả nhiều nhà thơ, nhà văn miền Nam nổi tiếng khác. Nói thế không phải tôi có ý miệt thị các tác giả, mà chỉ vì cái bệnh “lười lớn” (đại lãn), tính trời, vốn xấu, biết sao. Hơn nữa tôi muốn “tìm” và “sống” cảm xúc thực sự của mình giữa đời thường, hơn là nhờ người khác cảm xúc hộ. Cuộc đời ngắn quá mà, sống còn chưa đủ thời gian… nếu đồng môn nào chê tôi là ếch ngồi đáy giếng, kiến thức nhỏ bằng hạt đậu, cũng đành, thở dài một tiếng, rồi lại rong chơi, kệ, thật tội lỗi, tội lỗi!
– Lời tự thú đáng xấu hổ này chỉ muốn chứng minh một điều: dù không “có” TTY, nhưng tiếng Việt của tôi vẫn “còn”, và vẫn lằng nhằng xài được".
Một ông nông dân, một bà bán cá có thể không hề đọc một câu thơ nào hết - chứ không cứ gì là thơ TTY - cũng có thể nói tiếng Việt được, không hề chi. Cái đáng quý là họ chỉ cày cuốc, chỉ bán cá để phục vụ cho xã hội, cho con người chứ họ không đứng trên bục giảng để dạy văn chương. Điều lương thiện là họ làm đúng với khả năng của họ. Một ông giáo sư văn chương thì khác. Dạy văn chương mà không đọc văn chương thì khác.
Hồi nhỏ học môn Việt văn lớp 8 cô giáo dạy văn Ngô Thị Liên thỉnh thoảng đem 1,2 bài văn của Mai Thảo, của Thanh Tâm Tuyền, của Tô Thùy Yên vào lớp bắt chúng tôi đọc. Dù những bài đó không có trong chương trình. Nó chỉ là đọc thêm tùy ý. Cô nói "học cổ văn chớ chìm đắm trong những tư tưởng của người xưa, các em cần phải biết những tư tưởng mới, những nhà văn, nhà thơ hiện đại của nước nhà, dù thành danh hay chưa. Có vậy các em mới bắt kịp thời đại". Cô luôn luôn dặn chúng tôi phải đọc, đọc mãi.
Lời nói của thầy "dính" mãi trong tâm trí tôi cho đến bây giờ.
Đọc cả một cuốn sách người ta mới rút ra được một câu.
Đọc 10 cuốn sách mới viết ra được một trang giấy.
Đó là bởi vì đọc sách chứ không phải chép sách.
Khi đọc giống như khi ăn. Người ta nhai cơm nhai cá là để tiêu hóa chứ không phải nuốt cơm nuốt cá để rồi thải ra lại là cơm và cá. Cơm cá sau khi tiêu hóa trở thành năng lượng, năng lượng hóa thành sức sống để con người tồn tại.
Sống trong Nam, "được chế độ cũ đào tạo chính thức để dạy Việt Văn" mà ông VLX không đọc văn chương Miền Nam thì ông đọc gì?
Tới đây, bắt chước TTH, xin tếu một chút "hiểu chết liền".
Vì sao nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong xã hội? Vì trí óc trẻ thơ như một tờ giấy trắng mà người thầy là người đặt ngòi bút đầu tiên. Có rất nhiều người đầu đã bạc mà không sao quên những bài thơ vỡ lòng thời mới cắp sách.
"Vỏ cau nho nhỏ,
Cái vỏ vân vân..."
Hay
"Chúng em là lũ chim non
Là đàn chim nhỏ dưới vòm trời cao
Là hoa xuân tắm nắng đào
Là hy vọng của đồng bào Việt Nam..."
Người thầy phóng bút khai phá tâm hồn tuổi thơ. Mà cả một đời người ta mở đầu bằng những bước đi đó.
Nói về thơ, chúng ta thấy, một ngôn ngữ nào mà không có thi ca thì ngôn ngữ đó trước sau cũng sẽ chết. Thi ca là phần ảo diệu nhất của ngôn ngữ. Thi ca là máu để cho ngôn ngữ đó sinh tồn. Một dân tộc có thể mất đất đai nhưng không thể nào mất tiếng nói. Mất đất đai, người ta có thể lấy lại được, nhưng mất tiếng nói dân tộc đó sẽ bị diệt vong. Như tiếng Hebrew của Do Thái. Như tiếng Chàm của người Chàm ở Bình Thuận.
Trong văn chương VN, từ khi cụ Phạm Quỳnh tuyên bố "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn." thì Truyện Kiều đã được đặt lên hàng đại tác phẩm của thi ca Việt Nam. Nguyễn Du được trân trọng xếp hạng đại thi hào của dân tộc. Kiều được đưa vào chương trình giáo dục. Học sinh trung học ai cũng học, cũng biết thi phẩm này. Vả lại, Truyện Kiều được viết theo thể lục bát, âm điệu gần gũi với ca dao nên dễ đọc dễ nhớ. Người bình dân có thể không hiểu hết vẫn có thể thuộc một hai câu Kiều. Do vậy Kiều trở nên gần gũi, tầm mức ảnh hưởng sâu rộng với quần chúng.
Trong thi ca, Nguyễn Du luôn luôn xứng đáng là đại thi hào của Việt Nam. Ông là người mang thơ lục bát lên tới đỉnh cao của nó. Cho tới bây giờ vẫn chưa ai có thể làm thơ lục bát hay hơn. Ông là nhà thơ lớn trong lòng dân tộc, điều này không ai không đồng ý. Nhưng dù tôn quý Nguyễn Du cách mấy người ta cũng không thể nói Truyện Kiều là thi phẩm tiêu biểu, mang hồn tính dân tộc Việt Nam được. Vì cốt truyện Kiều là cốt truyện vay mượn của Tàu. Phong cách hành xử của Kiều, của gia đình Kiều, của Kim Trọng,... không phải là phong cách hành xử của người Việt. Nếu Kiều là người Việt, Kiều sẽ bán đồ đạc, bán tư trang, bán nhà cửa, đi làm thuê, làm mướn, ở đợ,... cho tới khi không còn chi bán nữa, không cách chi xoay xở nữa cuối cùng mới phải bán thân. Nhưng người Tàu thì khác. Dân số đông, đất đai quý. Kiếm một công việc làm, một miếng đất, một chỗ trú thân không phải dễ nên người Tàu quý gia sản, địa vị còn hơn quý bản thân. Đàn ông còn bán thân nói chi đàn bà. Bán thân cứu gia đình là chuyện thường. Nhưng người Việt thì thường hy sinh của cải để cứu con cái. Có ông cha nào bình tâm để con gái bán thân cứu mình? Có người mẹ, người em nào để chị mình lưu lạc trong giới giang hồ mà không đi tìm kiếm? Cái gia đình Kiều nhất định không phải là gia đình Việt Nam. Kiều không phải người Việt thì sao mang hồn tính dân tộc Việt được?
Cụ Phạm Quỳnh nói, "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn,..." Dĩ nhiên, trước khi có Kiều người Việt vẫn nói tiếng Việt với nhau đấy chứ. Và nếu có ai không đọc Kiều, người ta vẫn nói tiếng Việt rào rào chứ đâu có sao. Có nên trách cụ Quỳnh cường điệu chăng? Nếu xét, phải đưa câu nói này về thời điểm của nó. Đó là lúc xã hội VN từ bỏ Nho học, làm quen với nền văn học Tây Phương. Trí thức VN bắt đầu đua nhau học tiếng Pháp, xã hội nghiêng về văn minh Pháp. Người Việt nói chuyện với nhau đã xưng bằng toa, moa. Không ít những nước thuộc địa Pháp cho tới bây giờ tiếng Pháp đã trở thành ngôn ngữ chính.Làm thế nào để người Việt duy trì được ngôn ngữ của mình. Chữ quốc ngữ là sự lựa chọn duy nhất. Xã hội VN thời đó, người biết đọc biết viết là thiểu số. Muốn khuyến khích người dân học quốc ngữ để đọc báo chí, đọc truyền đơn chống Pháp, nhiều nhà ái quốc cùng nhau vận động phong trào đọc quốc ngữ. "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn... " vì thế được truyền bá sâu rộng.
Trong KUSS, ông NAK cũng mượn câu nói của cụ Phạm, mượn chuyện bói Kiều để ví von. Rằng thơ ông TTY cũng là một đại tác phẩm. Thi sĩ TTY cũng xứng đáng là một thi hào như cụ Nguyễn Du vậy.
Nhân tài như sao buổi sớm (Nguyễn Trãi)
Lịch sử văn học nước nhà bao nhiêu năm mới có được một Nguyễn Du? Bao nhiêu năm mới có được một Tô Thùy Yên?
Chúng ta có những khoa học gia , những nhà toán học nổi tiếng. Họ là những kho báu của đất nước. Nhân tài về khoa học kỹ thuật có thể học tập mà thành, nhưng người ta không thể học để trở thành thi sĩ. Những khoa học gia có thể đóng góp cho đất nước bằng những thành tựu thiên về vật chất, làm đời sống tốt đẹp hơn. Nhưng thi sĩ mang đến cho con người một sức mạnh tâm linh. Chính cái nội lực này đã giúp con người vượt qua được những lúc yếu đuối nhất, khổ nhục nhất.
"Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét...." Lời thơ đã thành cách ngôn xử thế.
Trong ngục tù Cộng Sản, người ta lấy cái chi để sống sót qua những năm tháng biền biệt ngoài thơ. Người tù vin vào thơ để đứng dậy, để còn ý chí mà sống sót.
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay...
Bài Ta Về ra đời, thơ tù vơi đi. Ta Về đã giải oan cho những người tù oan khiên của Miền Nam. Tù nhân xúc động. Người không ở tù cũng xót xa. Những kẻ cai tù chợt thấy ra cái tâm hồn tri thức, hiền lành, sâu sắc, nhân bản của người bị cầm tù. Không khiến người ta chạnh lòng mà hỏi, vậy ra chế độ ta đã giam cầm những ai?
Truyện Kiều nói lên thân phận của một người tài sắc vẹn toàn do hoàn cảnh sa cơ vào cảnh bùn nhơ.
Ta Về nói lên thân phận hơn hai trăm ngàn tù nhân cải tạo khắp nơi sau chiến tranh, trong bối cảnh thanh bình.
Lục bát tuyệt hay trong Kiều nhưng không phải câu nào cũng hay.
Trong Ta Về, từ đầu tới cuối, câu nào cũng hay.
Trong Kiều, tư tưởng xuyên suốt là thuyết "Tài Mệnh tương đố".
Ta Về hiển hiện triết thuyết Đông Tây, nhưng vẫn không thấy Khổng, không thấy Lão, không thấy Socrate, không thấy Platon hay Aristote ở đâu cả. Không thấy Phật mà tâm hồn vẫn Phật. Không thấy Lão mà đời trong thơ vẫn thấy vô vi. Bởi vì triết học Đông Tây đã được Việt hóa. Việt hóa tuyệt vời đến nỗi không còn thấy một lằn ranh. Tất cả đã trở thành tính Việt.
Nhân sinh quan trong bài thơ hoàn toàn là nhân sinh quan của người Việt. Cái nhìn, cái nghĩ nào trong thơ cũng làm cho ta cảm thấy gần gũi, thân thiết vô cùng. Bàng bạc trong Ta Về là ca dao. Hình ảnh ca dao loáng thoáng khắp nơi dù tác giả không hề trích một câu ca dao nào.
Ta Về ăm ắp tình người, tràn ngập hình ảnh quê hương.
Ta Về mang đầy hồn tính dân tộc.
Vậy Ta Về có xứng đáng là một đại tác phẩm không?
Tô Thùy Yên có phải là một nhà thơ lớn, một thi hào của Việt Nam?
Rất xứng đáng.
Nhưng vấn đề này mai sau khi soạn lại thi ca văn học nước nhà, người ta sẽ phải nghiên cứu sắp xếp lại.
Trong giới hạn của một bài viết ngắn, tôi không đào sâu hay phân tích nhiều hơn về điểm này.
Cùng một bài thơ, nhưng thời gian, không gian khi đọc cũng làm người đọc cảm nhận khác đi. Và cách cảm nhận thơ mỗi người mỗi khác.
"Tiếng biển lời rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang."
Sau 30/04/75, hàng trăm ngàn quân nhân cán chính Miền Nam lũ lượt vào tù. Vào tù tóc xanh, ra tù tóc bạc. Người tù bỗng có hôm giật mình soi bóng, thấy tuổi già thấp thoáng. Rũ xác trong tù chính là cái chết gấp hai. Phải về. Người tù tự giục. Về cho kịp trước tuổi xuân tàn.
Đọc thơ TTY, sau mỗi câu thơ đều ẩn hiện những câu thơ khác. Sau mỗi ý thơ, trùng trùng những ý tưởng khác.
"Chim đã bay quanh từ vạn cổ.
Gió thật xưa, mây cũng già nua."
Chim nào mà bay quanh tới vạn cổ? Có phải là cái bóng bay qua lầu Hoàng Hạc còn rơi rớt trong thi ca cho tới bây giờ?
Gió sinh ra từ sự thay đổi áp suất dồn nén luân chuyển từ nơi này qua nơi khác. Sự dồn nén trong trời đất chưa bao giờ ngừng. Và gió chưa bao giờ ngưng, nó chỉ chuyển dịch từ nơi này đến nơi khác. Cơn gió hôm nay chính là cơn gió từ thuở khai thiên lập địa. Gió xưa không? Gió thật xưa.
Mây cũng vậy. Mây do nơi nước từ biển bốc lên thành mây. Mây theo gió bay quanh trời đất. Mây gặp lạnh thành mưa. Mưa rơi xuống theo sông ra biển. Chu kỳ sẽ lập lại hàng ngàn năm, hàng triệu năm. Mây già không?
Hay câu:
"Ta nhớ lắm
Mái nhà xưa khắng khít ngói âm dương
Cỏ bay bám tàn đi rồi mọc lại.
Che những đời lạt nhạt sống cho qua..."
Hồi nhỏ, thỉnh thoảng hình ảnh những cọng cỏ khô lấp ló trên khe ngói tình cờ bắt gặp khiến trẻ con không khỏi thắc mắc.Cỏ ở đâu sao lại bám trên mái nhà? Trẻ con ném chơi ư? Không thể. Sức trẻ không ném tới. Người lớn thì không dại. Có thể một cơn giông nào đó đã thổi tốc một vài cọng khô máng lên mái ngói. Cỏ khô kẹt trong khe ngói. Nằm đó và chờ. Một ngày nào đó lâm râm một hai cơn mưa thấm vào ngói. Cỏ hồi sinh. Màu xanh lại phất phơ, run run trong gió. Một mầm sống lại trở về. Có những con người sống như một mầm cỏ héo. Giập vùi trong cơn hoạn nạn. Qua cơn mê, trời lại sáng. Một mầm sống lại bật dậy. Sức sống thật đáng quý.
Câu thơ TTY làm cho người ta bật dậy trong trí nhớ những hình ảnh qua đi trong quá khứ, chợt sống dậy rộn ràng.
Thơ TTY đầy ắp những tư tưởng, vừa hiện thực vừa siêu hình. Một phong cách vừa khinh bạc, vừa thiết tha sôi nổi, vừa gắn bó với cuộc đời.
Đời đáng sống hay không đáng sống? (Albert Camus).
"Đời ta sáng mượn ánh tàn dư
Đến từ một hành tinh đã tắt nghỉ.
...
Hãy hạnh phúc nhất thời
Như dấu lặng.
hãy hạnh phúc nhất thời
Như tiếng mưa rào, như lời cỏ hát
Như ánh chớp đùa, như hạt sương gieo
Như gợn nước lan reo mà tự hủy,..."
Giọt nước trong lúc rơi xuống đất, trong cái quá trình đi đến cái chết của chính mình mà vẫn reo như vui mừng, như hớn hở.
"Như những gì biến hiện...
Hãy hạnh phúc nhất thời,
Hạnh phúc mãi.
Ôi cuộc trăm năm... "
Vạn vật như một. Ôi giọt nước. Ôi con người. Đều đáng thương cả. Đáng sống cả. Kể cả lúc trầm luân nhất, hay hạnh phúc nhất.
Con người là ai?
Có phải chúng ta là một hạt bụi trong vũ trụ hỗn mang nào đó vô tình đang tấp qua đây, sống một kiếp người.
"Biểu dương - hãy biểu dương cùng tận
Vinh dự lầm than của kiếp người
Hy hữu một lần trên trái đất
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai."
Những nỗi khó nhọc, lầm than hay tủi nhục ư? Những hạt bụi nhỏ bé đang thở hơi thở của con người. Đó đều là vinh dự cả. Vinh dự được hiểu biết,. Mặc dù hiểu để chẳng làm chi. Chỉ vì nó còn hơn những hạt bụi chưa hiểu biết còn ở chốn mịt mùng.
Bàn về thơ TTY thì khôn cùng. Tôi chỉ có thể nói rằng, trong thi ca Việt Nam hiện đại, nếu ai không đọc thơ TTY, thì đừng bàn thi ca với họ. Vì họ là những người chưa quan tâm đúng mức. Hoặc họ chỉ biết thi ca dưới chế độ Cộng Sản. Hoặc còn lan man ám ảnh bởi thơ Tàu.
Ai chỉ sống trong chế độ Cộng Sản thì mới chỉ biết được phân nửa thế giới. Ai chỉ đọc sách vở Cộng Sản thì chỉ thấy bằng một con mắt, suy nghĩ bằng một nửa cái đầu.
Văn học Việt Nam phải là một nền văn học của người Việt viết ra. Không ai có đủ khả năng bôi xóa. Việc đốt sách sau ngày 30/04/75, bắt giam những văn nghệ sĩ Miền Nam… chỉ làm người dân liên tưởng và so sánh chế độ Cộng Sản với triều đại đốt sách chôn học trò của Tần Thủy Hoàng. Đó là một vết nhơ bẩn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Bàn về thơ, thì chừng nào mới hết?
Những con chữ ví như trăm loại thực quả, mà thơ là rượu. Thi sĩ là người cất men thành rượu.
Thượng đế sinh ra nho.
Con người làm ra rượu.(trích)
Bài viết này cũng không phải là một bài phê bình văn học. Chớ để cho ông Bao Bất Đồng nào đó la lên "Không phải đâu là không phải đâu..." nữa thì khổ (cười). Tôi không có ý định và cũng không có thời gian để tranh cãi. Mà nếu có cãi cũng không cầu thắng, chỉ cố làm sao đừng thua thôi.
Nguyễn thị Thảo An
http://damau.org/archives/author/nguyenthithaoan
http://www.vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=3120
http://www.macdinhchi71.com/giatai/vinhdanhchotruong/nguyenthithaoan/