banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Một chút gì để nhớ...

Nguyễn thị Ngọc Dung


"Nắng hè" - Họa sĩ: Bé Ký (vẽ lại theo tranh của Lê Văn Đệ)

Có phải trong cuộc đời này dường như cái gì cũng có thể trở thành kỷ niệm? Môt bài thơ. Một bản nhạc. Một tấm ảnh . Một bức tranh vẽ... Và cuộc đời lại cũng có lắm cái tình cờ. Thường là thú vị. Một hoàn cảnh tình cờ nào đó bây giờ, biết đâu lại chẳng trở thành một kỷ niệm đẹp sau này. Và, đôi khi, sự tình cờ cũng có cái “giá” của nó.
Bức tranh mà tôi gìn giữ bấy lâu nay là có ý định từ trước; nhưng lại cùng có một chút tình cờ (trong đó). Thể  mà bây giờ cũng đã trở thành kỷ niệm. Một kỷ niệm quý...để tôi có thể tự nhủ rằng, dù có thể "một đi không trở lại ", ít nhất minh cũng vẫn "còn một chút gì để nhớ" . Trong trường hợp này, là để kỷ niệm bức tranh lụa được vẽ bởì họa sĩ Bé Ký.
photo: nanghe
Thoạt nhìn bức tranh, hẳn ai cũng biết và cũng sẽ bảo đây là bức tranh luạ "Nắng Hè" và tác giả là hoạ sĩ Lê văn Đệ ! Vâng, đúng thế. Nhưng, cũng không hẳn thế. Và, nếu có ai bảo rằng đây là bức tranh do hoạ sĩ Bé Ký vẽ , thì chắc chắn nhiều nguời cũng sẽ ngạc nhiên, vì không phải! Nhưng, éo le thay điều này cũng không hoàn toàn sai. Như thế là... thế nào?
Điều này có “lai lịch” hẳn hoi.

Năm 1983. Trước khi lên đường đi định cư tại Canada, tôi chợt nảy ra ý định muốn có một chút kỷ niêm về VN. Vì nghĩ "Ra đi là hết rồi..." (*). Biết bao giờ về lại. Muốn lưu giữ kỷ niệm đặc biệt về quê huong, thì theo tôi, bức tranh là có ý nghĩa, và có thể để được lâu. Về tranh vẽ, tôi rất thích tranh luạ. Từ lúc nào tôi  cũng không rõ. Chỉ biết rằng ngay từ những ngày còn nhỏ, tôi đã mê bức tranh luạ “Nắng Hè” của hoạ sĩ Lê văn Đệ. Tôi nghe nhắc đến tên ông trên báo chí đâu đó. Còn nhỏ, lo học, đâu đã biết gì mà theo dõi, với tìm hiểu! Có điều là, khi nhìn thấy bức tranh lần đầu tiên, tôi đã thích ngay. Có lẽ nó hợp với cái “goût» của tôi từ những ngày còn bé. Bức tranh toát ra một vẻ thanh thoát, tao nhã. Mà tôi thì lai vốn tâm hồn hoài cổ, thích cái gì có vẻ văn hoá, và gần với Á Đông. Dù rằng tôi cũng chẳng rành gì về nghệ thuật. Nhưng cứ nhìn nét vẽ mềm mại, màu sắc hài hoà, tôi đã “cảm” ngay. Và cứ nhớ mãi. Lần này (năm đó), cờ đến tay thì phất, tôi mới nảy ra ý định đặt vẽ bức tranh Nắng Hè mà tôi hằng ấp ủ bấy lâu. Như một sự  tự đền bù, sau gần mười năm trời vất vả, chưa kịp... hoàn hồn.
Tôi đã thăm dò, được giới thiệu đến một hoạ sĩ, để đặt vẽ bức tranh luạ "Nắng Hè" mà từ lâu đã thích. Trong thâm tâm lúc đó, cứ yên trí là nhà họa sĩ còn sống. Tôi đã nêu tên bức tranh cùng với tên tác giả. Nghĩ rằng nguời ta sẽ "liên hệ" với họa sĩ Lê văn Đệ để hoàn tất bức tranh.  Được vui vẻ nhận lờì.  Lâu ngày tôi cũng không nhớ do ai giới thiệu,  mà tôi lại đến ngay nhà hoạ sĩ Bé Ký. Và khi đến nhận bức tranh, tôi mới được biết là do chính bà vẽ. Nhưng vì vội, tôi cũng không thắc mắc về hoạ sĩ Lê Văn Đệ có còn sống hay không. Sau này mới rõ, thì ra “cụ” đã mất từ lâu.
Cũng may, nếu lúc đó tôi (dở hơi) mà cố tìm cho bằng được hoạ sĩ Lê văn Đệ, để nhờ vẽ, thì chắc phải đợi... kiếp sau.  Âu cũng là một cái duyên may.  Do tình cờ, tôi đến với hoạ sĩ Bé Ký...
Bây giờ, nghĩ lại, kể cũng hơi lạ. Đến nhà một hoạ sĩ, lại nhờ vẽ bức tranh mà mình thích của một hoạ sĩ khác! Ngu ngơ làm sao. Người khó tính, biết đâu lại chẳng trách. Nhưng may cho tôi, nhà nữ hoạ sĩ - dường như cũng sẵn nhạy bén - thông cảm với niềm ao ước của tôi, đề nghị của tôi đưọc nhận, qua một người giới thiệu. Đúng là “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Lâu ngày quá, tôi không nhớ rõ chi tiết. Mãi đến ngày hẹn để đem tranh về, tôi mới hay là bức tranh này do chính hoạ sĩ Bé Ký vẽ. Thật là quý. Âu cũng là cái duyên. Một bức tranh mang “dấu ấn” của hai hoạ sĩ. Một, là sáng tác của nhà hoạ sĩ bậc thầy trong ngành hội hoạ. Nhờ bức tranh của ông mà tôi có được chủ đề. Đó là hình ảnh một thiếu phụ tóc dài chấm đất. Nằm võng, ôm con. Đôi guốc mộc, chiếc gần, chiếc xa, ngay ở dưới sàn nhà, trước võng. Đàng sau, ngoài hàng hiên là chiếc chõng tre, cạnh cột nhà. Không gian yên tĩnh của một buổi trưa hè. Một cái gì êm ả và rất Việt Nam. Hình ảnh quen thuộc ấy lại được tái tạo bởi một hoạ sĩ, từng vẽ những bức tranh chân phương, đầy dân tộc tính. Quý biết bao. Nhờ vậy mà, với tôi, bức tranh luạ này mang hai ý nghĩa. Nhìn kỹ, nét vẽ của nữ hoạ sĩ chỉ hơi khác bức tranh nguyên thuỷ ở một vài nét. Nhưng, nhìn tổng quát, khó ai phân biệt được. Nhất là khi hoạ sĩ LVĐ lúc ấy đã không còn nữa, trên đời. Mới biết mọi sự tuỳ duyên. Và thế là tôi may mắn có đưọc chút kỷ niêm với hoạ sĩ Bé Ký. Nhìn bức hoạ, tôi có thể nhớ cả hai hoạ sĩ một lúc. Một sáng tạo, hoạ sĩ Lê văn Đệ. Một tái tạo, Bé Ký, nổi tiếng về nét vẽ dân gian, tròn triạ và bình dị. Cả hai vị đều đã đi vào lịch sử (hội hoạ). Cả hai đều đã đi về bên kia thế giới. Và, cả hai vị đều nổi tiếng - trước, sau.

Sống ở Canada bao nhiêu năm, bức tranh được bấy nhiêu tuổi. Trong khi ấy, bức tranh lụa kỳ cưụ của hoạ sĩ Lê văn Đệ thì đựợc vẽ từ năm 1954. Đã 67 năm.
Thời gian qua, tất cả có còn lại gì, ngoài giá trị tinh thần và lại được cụ thể hoá bằng hình ảnh, màu sắc. Kỷ niêm thật vô giá. Sự tình cờ, lại cũng có cái “giá” của nó. “Vô giá” với “có giá” , rốt cuộc, cũng là một.

Nguyễn thị Ngọc Dung
Tháng Năm, 2021

(*) Một câu trong bài “Từ Giã Kinh Thành” của Châu Kỳ và Hồ đình Phương:
“...Ra đi là hết rồi !
Quay nhìn đoạn đời trôi
Hôm nay sao lạnh lùng hồn lưu luyến...”



Bé Ký:

Nữ họa sĩ tranh dân gian miền Nam

Trong hồi ức của người Sài Gòn lớn tuổi chắc vẫn còn nhớ hình ảnh một cô gái trẻ với mái tóc dài kẹp sau lưng, tay cô cắp tập giấy “croquis” trắng tinh kèm theo những bức tranh đã vẽ. Cô thường lang thang trên những con đường mang tên Tây như Catinat (Đồng Khởi), Charner (Nguyễn Huệ)… Một công đôi việc, cô vừa vẽ và vừa bán tranh cho khách qua lại…
Đặc biệt, trong số khách hàng mua tranh còn có những người ngoại quốc. Họ có  mặt tại Sài Gòn và muốn giữ lại những hình ảnh của “Hòn ngọc Viễn đông” để đem về nước làm kỷ niệm. Hóa ra tranh của cô là một “đại sứ lưu động” tỏa ra thế giới để giới thiệu những hoạt cảnh của một đất nước khi đó hãy còn là một “ẩn số” đối với người Phương Tây.   
Tranh của cô thuộc loại “carricature” hay còn có tên “sketching”. Nói khác đi chỉ là những bức ký họa, tốc họa, hoạt họa hay phác họa… mô tả những cảnh “đời thường” diễn biến trong cuộc sống… Chỉ qua vài nét bút giản dị, cô bé vẽ từ con chim, con cá, con trâu, con ngựa, con gà…cho đến những hình ảnh mẹ con, trẻ thơ, gồng gánh, chợ búa…
Cô gái đó là Bé Ký. Danh hiệu “Nữ nghệ sĩ trẻ tuổi của đô thành” được dành cho Bé Ký thời cuối thập niên 50 sau đợt di cư của người miền Bắc vào Nam năm 1954. Bé Ký sinh ra tại Hải Dương (năm 1938) với một cái tên thật mộc mạc: Nguyễn Thị Bé.
Vốn mồ côi từ thuở tấm bé, cô được họa sĩ Trần Đắc nhận làm con nuôi đồng thời là học trò tại Hải Phòng rồi theo gia đình cha nuôi cùng di cư vào Nam. Họa sĩ Trần Đắc đã mang kinh nghiệm của mình, dạy cho Bé Ký phương pháp vẽ bằng chì than rồi đi dần qua màu sắc trên lụa.
Bé Ký mê vẽ từ thuở còn lên 4, lên 5. Cô bé bước vào hội họa một cách tự nhiên theo năng khiếu, không hề qua một trường lớp nào. Khởi đầu bằng những nét vẽ nguệch ngoạc và cho đến khi thành danh cũng chỉ bằng những nét đơn sơ, không cầu kỳ..................
Vốn là phụ nữ nên Bé Ký vẽ rất nhiều tranh về mẹ và con............
Hàng loạt những bức ký họa về mẹ & con đã được Bé Ký khai thác, có thể nói đây là chủ đề nổi bật nhất của người họa sĩ vốn là một đứa trẻ mồ côi. Bao ấp ủ thầm kín, bao nỗi niềm sâu lắng, bao khát khao cháy bỏng được người vẽ thể hiện một cách nồng nàn trên tranh.
Đó là một hiện tượng rất hiếm trong hội họa. “Mẹ con”, “Mẹ chải tóc cho con” là những bức điển hình cho bộ sưu tập có chủ đề “Mẹ & Con” của Bé Ký...................
Chuyển sang giai đoạn tranh màu ta vẫn thấy chủ đề “Mẹ & Con” vẫn được Bé Ký khai thác, khai thác một cách triệt để. Thường là tranh lụa hay sơn mài được vẽ theo một phong cách riêng. Mới thoạt nhìn tựa như tranh dân gian ngày xưa nhưng lại pha trộn những đường nét trừu tượng của thời hiện đại.
Từ năm 1957 đến năm 1975, Bé Ký đã mở 18 cuộc triển lãm tranh, trong đó có 16 lần tại Sài Gòn, 1 lần tại Pháp và 1 lần tại Nhật Bản. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ chị cũng đã có 8 lần triển lãm để khẳng định tên tuổi của người họa sĩ dân gian điển hình của miền Nam Việt Nam.

Văn học Nguồn cội
https://trangvhntnguoncoi.wordpress.com/2016/03/23/nu-hoa-si-be-ky/

* Họa sĩ Bé Ký qua đời ngày 12 tháng 5 năm 2021, tại Westminster - California, hưởng thọ 83 tuổi.



Lê Văn Đệ:

một bậc thầy về tranh lụa Việt Nam

Ông am hiểu sâu rộng nghệ thuật phương Tây cũng như phương Đông. Ông góp công lớn trong việc đặt nền móng vững chắc cho Nghệ Thuật Hiện Đại Miền Nam. Họa sĩ Lê Văn Đệ cũng luôn dành nhiều thời gian và tâm sức trong việc giáo dục, đào tạo thế hệ họa sĩ tài năng sau này.

Đôi nét về họa sĩ Lê Văn Đệ:
Họa sĩ Lê Văn Đệ Họa sĩ Lê văn Đệ sinh ngày 24 tháng 8 năm 1906 tại Mỏ Cày, Bến Tre, qua đời ngày 16 tháng 3 năm 1966 tại Sài Gòn. Lê Văn Đệ là người con thứ 10 trong gia đình 13 anh chị em. Ông xuất thân từ gia đình nho giáo nên được thừa hưởng một nền giáo dục chu đáo. Từ nhỏ, Lê Văn Đệ ham thích nghệ thuật hội họa và sớm bộc lộ tài năng vì vậy thời đi học ông luôn được thầy cô và bạn bè khen ngợi về tài vẽ tranh.
Năm 1925, sau khi tốt nghiệp trung học, ông thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội và đỗ thủ khoa. Trong những năm theo học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật, ông luôn được xếp vào hạng sinh viên xuất sắc của trường. Năm 1930, Lê Văn Đệ tốt nghiệp thủ khoa và được ghi nhận là họa sĩ sở trường về thể loại tranh lụa, tranh sơn dầu và bích họa.
Năm 1931, Lê Văn Đệ được học bổng của Hội SAMPIC sang học tại Trường Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật Pháp ở Thủ đô Paris. Trong thời gian học tại Paris, nhiều tác phẩm của ông đã gây được sự chú ý trong giới nghệ thuật. Với thành tích này xuất sắc, ông được nhận tiếp một học bổng đi tu nghiệp thêm về hội họa tại Ý và Hy Lạp.
Năm 1938, ông trở về nước, vừa sáng tác vừa tiếp tục nghiên cứu hội họa Phương Đông và hội họa dân tộc. Năm 1942, ông quy tụ các họa sĩ tài danh lúc bấy giờ, lập ra nhóm Nghệ thuật An Nam tổ chức nhiều triển lãm gây tiếng vang lớn, với nhiều tác phẩm đi vào lòng người. Năm 1945, ông  là người chịu trách nhiệm trang trí cho lễ đài tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Đề tài tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Đệ xoay quanh cuộc sống đời thường giản dị, dân dã. Các tác phẩm tranh lụa của ông hường óng ả, mềm mại, thớ lụa rõ ràng, bố cục mạch lạc tạo nên cảm giác trong trẻo, dịu dàng. Ông đã có những tìm tòi độc đáo như dùng màu sắc thiên nhiên thay thế cho màu hóa học, để làm tăng thêm chất hiện thực và vẻ mềm mại của loại tranh lụa.
Một số tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Lê Văn Đệ:
- Nắng hè
- Trong gia đình
- Ba cậu bé
- Thiếu nữ
- Thiếu nữ bên cầu ao.


"Nắng hè" - Họa sĩ: Lê Văn Đệ"


Blog Mỹ thuật Bụi

https://mythuatbui.edu.vn/hoa-si-le-van-de-mot-bac-thay-ve-tranh-lua-viet-nam/



Đăng ngày 08 tháng 06.2021