banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

ngocdung

 Nguyễn thị Ngọc Dung, tốt nghiệp ban Việt Hán - Đại học Sư phạm Huế. Bà đã giảng dạy tại trường Nữ Trung học Nha trang Võ Tánh và trường Ngô Quyền (Biên hòa).
Định cư tại Canada từ năm 1983. Tốt nghiệp Cao học Giáo dục tại Đại học Ottawa về ngành counselling và làm "cố vấn tâm lý gia đình" tại cơ quan MOSAIC, Vancouver.

 

Để có thể gọi là "Quê hương"

Nguyễn thị Ngọc Dung


“Quê hương khuất bóng hoàng hôn....” (Tản Đà ) (*)
 
Nếu có một ngày được gọi là ngày Hội lớn của Canada thì có lẽ phải là ngày 1 tháng 7, ngày CANADA  DAY.  Tiếng Anh gọi ngày này là National Day of Canada. Và tiếng Pháp thì gọi là ngày Tết của Canada (Fête du Canada). Vì ở Canada, hai ngôn ngữ chính thức là Anh và Pháp. Nên cả hai tên gọi đều có cùng một ý nghĩa. Cũng có nghĩa là Ngày Quốc Khánh trong tiếng Việt.
Lễ chào mừng ngày Canada Day hàng năm thường được tổ chức ở nhiều khu vực khác nhau. Từ nơi thị tứ cho đến vùng ngoại ô. Nơi nào cũng nhộn nhịp, vui tươi. Ở tại trung tâm thì không khí luôn tưng bừng và náo nhiệt. Vừa long trọng, bên trong các sảnh đường, vào lúc khai mạc. Vừa nhộn nhịp ngoài trời, với các sinh hoạt phong phú và đa dạng. Mục đích để quần chúng tham dự càng đông, càng vui. Đó là nơi có thể quy tụ hàng ngàn khán giả. Già có, trẻ có... với những khuôn mặt hớn hở, vui tươi. Cả năm chỉ có một lần hội hè... Đúng nghĩa là Hội (vào dịp) Hè. Cũng có “cờ kéo, với đèn treo”, nhưng là trong một đất nưóc thanh bình thật sự, không phải là thứ thanh bình giả tạo của Hội Tây thuở nào dưới thời Pháp thuộc, với những trò chơi làm nhục quốc thể, trong cảnh quốc phá, gia vong, (**)... Khiến bậc thức giả, nhà Nho yêu nước Tam Nguyên Yên Đổ phải đau lòng cất tiếng than:
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế, bao nhiêu, nhục bấy nhiêu...
Nhưng ở đây, trong khung cảnh thanh bình thật sự, câu thơ sau phải đổi thành “Vui thế bao nhiêu, thú bấy nhiêu” mới... phù hợp! Trong một đất nưóc không có những vấn nạn về kinh tế, chính trị, xã hội - như Canada - thì người dân chỉ chờ dịp là vui chơi cho thoải mái. Cũng là điều tự nhiên.
 
Thường thường vào mùa này, thời tiết Canada nói chung, khá nóng. Nhất là ở miền Đông Canada. Như Ottawa, Montreal, Toronto. Riêng tại Vancouver, thuộc miền Tây, tháng 7 lại là tháng lý tưởng. Canada là xứ ôn đới và Vancouver lại càng “ôn đới” hơn. Khí hậu ôn hoà, không... nóng nảy, bồn chồn. Con người cũng vậy (dĩ nhiên cái gì cũng có ngoại lệ...).
Đầu tháng 7 năm nay, thời tiết Vancouver có hơi khác. Vừa ngày hôm trước, 30 tháng 6, trời còn nắng ráo, thiên hạ ngồi chơi công viên đông đúc, mát mẻ. Vậy mà hôm sau, đúng vào ngày Canada Day, trời bỗng âm u, mưa gió. Mưa không lớn, gió không mạnh nhưng đủ để lay động cành lá. Cảnh vật bỗng đìu hiu, tưởng như mùa Thu. Mà trời chiều thì “man mác, buồn nát con tim”. Phải chăng tạo hoá cũng muốn cho phù hợp với tình trạng thành phố mới phục hồi sau cơn đại dịch? Vì, thế nào Covid -19 chẳng còn vương vất đâu đây? Nhưng ngay cả dù có nắng đi nữa, thời điểm này cũng không phải là lúc có thể tổ chức tưng bừng như những năm... xưa được. Nhất là trong khi các nước láng giềng còn đang phải đánh vật với sự lây lan của Covid-19. Vui sao được. Người dân vẫn dè dặt cho chắc ăn. Người ta biết ơn chính phủ đã hết sức lo cho dân. Nhà vẫn còn nóc, chưa đến nỗi bị... giột.
Trên thực tế, Canada đã lấy lại được sự yên bình từ hơn tháng nay. Chính quyền trung ương cũng như địa phương quả đã rất “care” cho dân. Nên người dân cảm thấy rất ấm áp tình người. Đặc biệt ở BC, bà bác sĩ Giám đốc Y Tế Tỉnh Bang, Bonnie Henry, được tiếng khen là một vị y sĩ lãnh đạo giàu lòng vị tha. Sự nhẫn nại, đức khiêm tốn cùng tấm lòng nhân hậu đã là những đức tính cao quý, đáng ngưỡng mộ. Bà là một tấm gương sáng trong thời đại dịch. Chính vì thế bà đã được đề cử để nhận Bằng “Order of Canada” là một thứ bằng danh dự cao nhất của Canada – Thế mới biết, sự tận tâm và lòng nhân ái cũng có cái giá của nó.
 
Canada không hẹp hòi, ích kỷ. Nguời dân tôn trọng luật pháp và con người. Đồng thời, chuộng sự bình đẳng. Người ta quý trọng nhau “as a person”, dù là lãnh tụ hay thường dân. Đã quen với những khái niệm này từ những ngày mới chân ướt chân ráo đến Canada. Được may mắn sống trong một xã hội dân chủ, cắp sách đi học lại và làm quen với những kiến thức, cách suy nghĩ, và nếp sinh hoạt của đất nước này đã lâu nên nếu có ai làm khác đi, thì thấy... lạ. Nhập gia tuỳ tục. Người dân hiền hoà, không cạnh tranh. Lại lấy sự tự trọng và tôn trọng nhau làm đầu. Và, sự tôn trọng ấy đi đôi với quan niệm bình đẳng, do đó, không nhất thiết là phài sợ hãi đến... hèn cả người. Cũng không sùng bái quá độ, như kiểu Bắc Hàn, dù có là nhà lãnh đạo đi nữa. Người dân trọng lẽ phải, không thích gây hiềm khích. Không gây hiềm khích, nhưng vẫn giữ thái độ độc lập và tự trọng. Lịch sự, nhưng không giả dối. Tự tin, nhưng không kiêu ngạo. “Arrogance” là điều người ta kỵ. “Đó chính là... Canada.  
Từ khi đặt chân đến xứ Canada, tôi chưa có dịp nói nhiều về xứ lá phong này. Một xứ đặc biệt với nhiều khía cạnh mà tôi phải để dành cho dịp khác. Hôm nay nhân ngày Canada Day, chỉ xin chia xẻ một số cảm nghĩ đơn sơ.
 
Hẳn ai cũng biết Canada là một xứ đa văn hoá. Người dân đủ mọi sắc tộc, màu da. Và cái đẹp của Canada là cái đẹp của màu sắc hài hoà (harmony), của văn hoá đa diện. Văn hoá Canada cò thể coi như là một phiến đá lớn, kết hợp bởi nhiều phiến nhỏ, màu sắc riêng biệt và đặc thù. Một tác phẩm bằng đá quy tụ những “mảng” đá đặc biệt và quý hiếm. Không bị hoà tan, nát vụn hay phá huỷ. Một thứ văn hoá đa dạng, không bị áp đặt hay đồng hoá (assimilation) khiến cho người dân phải theo một mô thức nào cố định. Đẹp và giàu, như thiên nhiên, đất nước và con người. Nhưng Canada không giàu như... người ta. Canada "giàu" và "đẹp" là nhờ những giá trị khác. Tinh thần bình đẳng, sự công bằng và lòng nhân ái đã khiến Canada trở nên GIÀU. Người Canada đối xử tử tế, nhã nhặn và lịch sự. Điều này khiến Canada ngày càng ĐẸP thêm. Canada là một nước tân tiến, tân dân chủ, tân tự do, và “non-socialism”. Những khái niệm về dân chủ (democracy), bất bạo động (non-violence), bình đẳng (equality),  nhân quyền (human rights) là cả một ý thức, cần được hiểu theo ý nghĩa chân chính của nó. Người dân nào, ở một đất nước nào cũng cần có những yếu tố căn bản này. Như vậy mới có thể được coi là một đời sống giá trị, đáng sống - một thứ “quality of life”. Canada không thái quá - (cái gì quá đáng cũng dễ gẫy). Canada chủ trương ôn hoà, không baọ động, nhưng tuyệt đối không chấp nhận "human rights violation" (vi phạm nhân quyền). Canada không phải là nước theo chủ nghĩa xã hội (non-Socialism). Lại càng không phải theo Chủ Nghiã Cộng Sản (non-Communism). Bằng cớ là qua các kỳ bầu cử điạ phương, Đảng Cộng sản (Communist party) chỉ kiếm đưọc có 1, 2 phiếu. Về ý thức chính trị, sẽ xin nói rõ hơn, trong một bài khác.
 
Canada không mạnh (về gạo), cũng không cần "bạo" (về tiền). Nhưng lại "lành" về quan niệm với phong cách sống và "mạnh" về ý thức nhân quyền và lòng nhân đạo. Đặc biệt, đối  với những vụ vi phạm nhân quyền ở các nơi, Canada (là một trong những nước, nếu không muốn nói là luôn luôn đi tiên phong trong việc lên án. Dĩ nhiên, không ai dám tự nhận mình là hoàn hảo vì những ưu điểm của một quốc gia, hay của con người bao giờ cũng có ngoại lệ.
Bấy lâu nay, có thể có người nghĩ rằng Thủ tướng Canada là trẻ người non dạ. Nhưng qua đại dịch này, người ta đã thấy rõ hơn. Ôn hoà nhưng cứng rắn, uyển  chuyển mà cương quyết, là thái độ và cách làm việc của ông Thủ Tướng trẻ tuổi này. Người dân cảm thấy yên tâm và tin tưởng. Hơn thế nữa, người dân cảm thấy có sự quan tâm, săn sóc từ chính quyền. Không phải chỉ là lới hứa hẹn suông. Mà là thái độ ân cần, không giả dối. Từ cấp Liên bang đến Tiểu bang... Một bề ngoài trẻ trung, nhưng đối phó với công việc bằng một nhận thức già dặn, mới là đáng kể.
 
Xin đồng ý với Thủ Tướng Canada, Justin Trudeau, rằng:
"Canada là một nơi tuyệt vời để có thể gọi là quê hương. Và chính người Canada đã làm cho đất nước này trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta hiện diện cho nhau. Ngay cả "trong loạn ly hay giữa lúc thanh bình" (***) Và chúng ta sẽ luôn luôn (gắn bó) như vậy. Điều này đã xứng đáng để chúng ta chào đón NGÀY CANADA DAY" (Trudeau, nhân ngày Canada Day).
Hơn thế nữa:
"Điều làm cho Canada đặc biệt, không phải vì người Canada biết rằng đây là một xứ sở tốt đẹp nhất trên thế giới - mà là chúng ta biết rằng Canada có thể trở thành như vậy".  (Trudeau)
Chúng ta ý thức rằng công việc chúng ta cùng nhau gánh vác còn chưa hoàn tất... (Trudeau). Nhưng chính sự đoàn kết, gắn bó khiến chúng ta - người già cũng như người trẻ - cảm thấy hạnh phúc, an bình (Lời ngườì dịch thêm cho trọn ý).
 
Rõ ràng là lời nói khéo léo của một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, nhưng khôn ngoan, vừa khiêm tốn, lại vừa tự hào.
Ước mong Canada sẽ mãi mãi là Canada, không bị ảnh hưởng bởi những gì tiêu cực. Và người Việt Nam có thể yên tâm khi chọn Canada làm quê hương thứ hai mà không sợ lầm.
Nguyễn thị Ngọc Dung
(Viết, nhân dịp kỷ niệm ngày Canada Day, 2020)

(*) Một trong hai câu cuối cuả bài dịch “Hoàng Hạc Lâu”: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”... (Nguyên văn: “Nhật mộ hương quan, hà xứ thị? Yên ba giang thượng sử nhân sầu”). 
(**)  Cậy sức, cây đu, nhiều chị nhún
     Tham tiền, cột mỡ, lắm anh leo
    (Nguyễn Khuyến – Hội Tây)
(***) Câu thơ trích trong hai câu:
     “Họ là những anh hùng không tên tuổi,
     Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình”...
    (Từ bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của Đằng Phong, bút hiệu của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy)

Đăng ngày 15 tháng 07.2020
Bổ túc ngày 03 tháng 08.2021