banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tâm Tình Xuân… Đại Dịch

Nguyễn thị Ngọc Dung
 

Hôm nay là ngày đầu Xuân ở Canada. Trời tự nhiên đẹp. Măc dù vẫn lạnh, nhưng nắng lên làm không khí vui tươi. Thời tiết Vancouver vốn bất thường. Một nắng, hai mưa... đã là quý lắm. Nhiêù khi một nắng, mà có đến bốn năm ngày, hay cả tuần... mưa! Nhưng từ hôm qua đến hôm nay, trời bỗng dưng "tử tế", khiến lòng người cũng vui thêm.
 
Lâu lắm, nhất là từ hai năm nay, hầu như không có tổ chức Hội Chợ Tết Cộng đồng, cũng như những sinh hoạt xã hội khác. Sinh hoạt nhà thờ hay chùa chiền cũng trong tình trạng hạn chế. Cũng chỉ vì con covid "vô duyên" ấy. Năm nay Vancouver cũng thế. Chỉ có một vài siêu thị Việt Nam thì cũng trưng bày cho có vẻ Tết. Tuy không phải là Hội Chợ Tết, mà chỉ là nơi mua bán. Nhưng được trang hoàng khác với những ngày thường, trông cũng tạm vui mắt. Không thì nhớ Tết xưa vô cùng. Ở chốn siêu thị, lấy đâu ra những sinh hoạt văn nghệ, hay những gian hàng bày biện như những tổ chức sinh hoạt xã hội, cộng đồng trước kia (vì không phải chỗ). Thôi thì, đành lấy việc đi chợ Tết... làm vui tạm. Không ồn ào, đông đúc, vô tư như lúc chưa có đại dịch được. Chọn cái tương đối là quý rồi. Bây giờ người ta chỉ đi mua bán, về nấu nướng là vui. Những sinh hoạt hội họp đông người không còn là nhu cầu bắt buộc nữa. Đâu cũng thế. Con người trở nên thực tế hơn. Đi chợ hay đi mua bán gì là phải nhớ... khư khư mang theo cái giỏ riêng hay túi, bao, bị cá nhân, để mua bán thì bỏ vào. Thời buổi khó khăn thì ít, mà vấn đề hủy hoaị môi trưòng thì mới là vấn đề chinh. Thế cũng là điều hay. Và người ta trở nên "mindful" hơn. Không phí phạm nữa. Không thể sống một cách vô thức được. Điều này cũng có cái hay của nó. Hàng hoá, xăng nhớt mắc mỏ hơn trưóc gấp đôi. Đâu phải chỉ có ở Mỹ? Nhưng con người hay ở chỗ dễ thích nghi với hoàn cảnh. Xứ nào bây giờ cũng thế. Nhất là ngưòi Việt mình. Dù hoàn cảnh đại dịch, hay vấn đề môi trường thế nào, mọi chuyện gác sang một bên. Như một thói quen khó bỏ. Vô hình chung, không ai bảo ai, cứ thấy “bóng dáng” ngày Tết, là người ta không thể lơ là. Nhìn những bức tranh con hổ trông đẹp mắt làm sao. Nó cho người ta cái cảm giác phấn khởi để chuẩn bị đón mừng năm mới. Ai cũng như ai, tự nhiên thấy mình “bận” hẳn. Tết, người ta không phải chỉ chuẩn bị cho riêng mình, mà cho mọi người trong gia đình và cả bạn bè gần gũi chung quanh nên cũng cố muốn... bận, để mà vui. Vui, là vui cùng với mọi người. Và là tâm lý chung, ai cũng thế. Dù văn hoá nào đi nữa, Tết đến, bùi ngùi tấc dạ. Nhớ đến ngày này, năm xưa...
 
Nhớ đến Tết năm xưa, là nhớ đến những gì gọi là truyền thống. Và, không thể không nhớ đến những món ăn bánh chưng. Cũng không thể quên dưa chua hay giò thủ. Thịt heo luộc, không thể thiếu nước mắm nguyên chất. Còn nhiều nữa, đâu phải chỉ có thế. Làm được gì thì làm, tuỳ sức, không ai bắt buộc phải nhiều hay ít. Ý nghĩa mới là chính. Chỉ kể sơ thế, cũng đủ thấy: Làm sao có thể bỏ cái Tết dân tộc được. Đó là một cái gì rất là "Việt nam". Người ta có quyền chê một dân tộc nào đó về tính nết, thái độ hoặc cách cư xử không đẹp, để mang tiếng cả một dân tôc. Nhưng không ai nỡ chê món ăn của dân tộc... Miễn là biết xử dụng đúng chỗ cúa nó. Chắc chắn, dù có yêu chuộng văn hoá mình thế nào đi nữa, ở xứ người, không ai dại gì đem mắm tôm (truyền thống) của mình để ăn “lunch” tại sở. Nhập gia tùy tục mà.
 
Bao lâu người ta còn nhớ đến những món ăn ngày Tết, với thói quen đẹp về văn hoá. Thì không thể bỏ đuợc Tết. Dù Tết Tây, Giáng Sinh có thể được coi như Tết của Việt Nam, Tết ta cũng vẫn không thể nào thay thế. Nó thuộc về đời sống của ta. Đời sống vật chất và cả tinh thần nữa. Còn ăn những món ăn thuần túy, là còn văn hoá. Là còn… quê hương. Đi đâu mang theo quê hương đến đó, là thế. Tết của người Việt bao giờ cũng vẫn có một ý nghĩa riêng của nó. Những năm còn thanh- bình- không-covid, khắp nơi Cộng đồng hải ngoại tổ chức Tết tưng bừng. Ở đó, không phải chỉ trưng bày những gì hào nhoáng, lòe loẹt, hay... rỗng không. Mà là nơi gợi lại những nét đẹp tiêu biểu của truyền thống tốt Á đông. Nói riêng của văn hoá Việt Nam. Nhiều hay ít, đậm hay lạt. Dưới hình thúc này hay hình thức khác... (Nhưng hủ tục thì đương nhiên là không nên... có đất đứng).
 
Nói về Tết thì có biết bao nhiêu điều để nói. Vì nó còn liên quan đến cả người trong gia đình cho đến ngoài xã hôi. Có những điều trong quá khứ, cho đến hiện tại. Vì Tết không chỉ một lần trong đời. Cho nên có thể hiểu vì sao "người ta" lại bận thế. Cũng vì bận ngoài đời, mà mãi mấy hôm sau, mới vào FB hoặc vô email chúc Tết được. Tận dụng đủ mọi phương tiện “truyền thông” để gọi là “đáp lễ”. Không email thì cũng điện thoại, text message, messenger v.v… nữa. Thế mà vẫn còn bỏ sót một vài. Càng ngày càng thấy, trong một xã hội tiến bộ thế mấy, cái gì cũng có thể mua được. Mà thời giờ thì không (!)
 
Xin cảm ơn tất cả những thiệp chúc Tết, cùng những lời thăm hỏi. Bây giờ, có thể nói, “kẻ thù ta đâu có phải là người”. Mà chính là đại dịch mà ta cần phải loại trừ: Để người người không phải bị giam hãm mãi, khiến nhiều lúc phải cảm thấy tù túng, "bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra" (NGT). Hi vọng năm nay cọp có thể đẩy lùi được omicron và tất cả mọi thứ biến thể của covid-19... để mọi người còn có dịp đi đây, đi đó.
 
Khắp nơi, đã đến lúc, người ta cảm thấy đành sống chung với đaị dịch. Từ người địa vị cho  đến thường dân. Hi vọng biến thể rồi cũng sẽ bị đẩy lùi hoặc yếu đi. Chỉ trừ trường hợp nào ngoại lệ... thì không biết được. Cũng mong tình hình không đến nỗi bi đát như thế.
Xuân này, xin chúc tất cả khắp nơi, muôn người, muôn nhà: Một năm mới Nhâm Dần sở cầu như ý, để có thể sống yên lành trong một thế giới phi đại dịch hoàn toàn...
                                                   
Nguyễn thị Ngọc Dung
Những ngày đầu Xuân

 

Đăng ngày 08  tháng 02.2022