banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Sáu mươi năm ấy…

Nguyễn thị Ngọc Dung

 
Thủa mới ra trường

Dạy học của một thời
Kể từ khi tôi chính thức bước chân vào nghề dạy học, tính cho đến nay cũng đã trên mấy chục niên. Thoắt một cái, tưởng như mới ngày nào...Thời gian nhanh khủng khiếp. Nhiều lúc nghĩ lại, không khỏi cảm thấy bùi ngùi. Thời gian không chỉ “lặng rót một giòng buồn tênh” như tiếng quay tơ, dệt lụa trong “Vần thơ sầu rụng” của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Bính. Mà là cả một cảnh tang thương ngẫu lục bày ra trước mắt. Thiệt thòi biết bao cho lứa tuổi xuân xanh !
Ngẫm lại, đời người trải qua bao kinh nghiệm, ôm ấp biết bao kỷ niệm. Kỷ niệm đối với quê hương lại càng là những gì quý giá không thể mua được. Giải sơn hà gấm vóc mà gia đình tôi cũng bao nhiêu gia đình đã, hơn một lần, phải dời xa - cũng là những nỗi đoạn trường. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, người Viêt Nam vốn đã từng chịu đựng như thế. Dời bỏ quê hưong ra đi, cho đến suốt cuộc đời! Một lần đi xa là một lần vất vả. Làm lại từ đầu. Nỗi nhớ trong lòng người tha hương biết bao giờ phôi pha? Ấy là chưa kể những cuộc đổi dời do nghề nghiệp, sở thích…Thì không đến nỗi phải u hoài. Nhớ về quê cũ đã xa vời, mà vì lý do riêng hay nỗi niềm chung, không thể quay trở lại thì lại, thì buồn biết bao nhiêu? Những kỷ niệm thời ấu thơ. Cho đến giờ, vẫn chưa mai một. Lại thêm những biến cố lớn, nhỏ của từng giai đoạn. Không kỷ niệm nào giống kỷ niệm nào. Từ khoảng thời gian 1954 -1975, suốt cả quãng đời học sinh cho đến khi trưởng thành, đã  có biết bao nhiêu điều chứng kiến và đáng suy ngẫm. Bao nhiêu nỗi đắng cay, con người phải chiụ đựng. Vui có, buồn có. Hà Nội của thời trước năm 1954. Sàigòn. ĐàLạt. Huế. Nha Trang thời kỳ trước 1975... Bình thường, chẳng ai có thì giờ nghĩ tới. Nhưng khi ngoảnh lại nhìn, tất cả đều vẫn chưa quên.  Quên sao đành?  Người từ miền Bắc di cư, hơn một lần gạt nước mắt ra đi. Bỏ lại quê hương, họ hàng, bất chấp muôn vàn thử thách, cũng chỉ vì hai chữ Tự do. Mong một ngày mai tươi sáng cho thế hệ tương lai. Thế mà, ngoảnh đi ngoảnh lại, chốc đã mấy chục năm trời, sống đời lưu vong. Vui thì có vui, nhưng nỗi buồn cũng không phải là dễ nguôi.  Quê hương đất nước còn đó. Mà hồn dân tộc thì liệu có còn không?
…Chỉ riêng về Nha Trang thôi, đã có biết bao điều đáng nói. Đặc biêt, thành phố miền duyên hải này đã để lại cho tôi những kỷ niệm sâu sắc của thưở ban đầu, khi mới đặt chân đến. Là nơi đánh dấu chặng đường mới của một người vừa bưóc vào đời, bắt đầu trưởng thành. Và là nơi cuối cùng, trưóc khi tôi dời xa hẳn. Đô là một quyển hồi ký của riêng tôi, ghi lại những kỷ niệm vui, buồn của cả một quãng đời hoa niên cho đến lúc trưởng thành. Từ những ngày trước 1975 trở đi...
Có những kỷ niệm tôi còn nhớ rõ mồn một. Cũng có những điều chỉ nhớ mơ hồ.  Dù sao đi nữa, với tôi, hai cột mốc đáng nhớ nhất là lúc đầu tiên, khi đặt chân đến Nha Trang. Và lần cuối cùng, khi vội vã dờì đi. Xen vào giữa hai giai đoạn ấy là cả một quãng thời gian đầy ắp những kỷ niệm nhẹ nhàng, đủ làm thi vị cho cuộc sống ở  lứa tuổi còn chưa vướng âu lo.

Khi cùng gia đình dời về Nha Trang, lần đầu tiên, chị em chúng tôi chỉ mới còn là học sinh Trung học. Mười mấy tuổi đầu, chưa phải lo việc đờì, tôi chưa thấy mình đã trưởng thành. Cứ vô tư sống với bổn phận bình thương nhất của một người con trong gia đinh, một hoc sinh nơi trường học. Cảm giác ban đầu của tôi lúc ấy thật trong sáng, tươi mát như ... gió biển Nha Trang. Thay đổi chỗ ở, thay đổi môi trường sống, tôi cảm thấy như có một luồng sinh khí mới. Tươi vui bên ngoài và rộn ràng trong tâm. Mới chân ướt chân ráo đến Nha Trang để bắt đầu một cuộc sống mới, tôi cảm thấy vô cùng nao nức. Ngày đầu mới giọn tới, chưa kịp nấu nướng, ba tôi dẫn cả nhà đi ăn tiệm.  Buổi tối hôm ấy, chủng tôi ăn thật ngon miệng.  Một phần tại đi đường xa, đói bụng. Phần thì món ăn nấu khéo. Một trong số các món ăn hôm ấy là món tôm bao bột mì, chiên ròn, bày trên dĩa salade, với sauce chua ngọt nóng hổi rưới lên trên. Vừa chua, cay, ngọt...đậm đà và ngọt ngào hương vị. Cảm tưởng của tôi lúc ấy là một niềm hạnh phúc đơn giản, được sống dưới một mái gia đình ấm cúng có mẹ, có cha, có các em tôi. Hai ông anh lớn thì đi học, đi làm xa. Ở nhà còn một lũ năm em đang đi học. Tiểu học có, sắp bắt đầu vào trường Trung học cũng có…
Rồi, tôi vào Sàigòn, học tiếp bậc Trung học. Sau mấy năm đi học xa, duyên đưa đẩy, tôi thi vào viện Hán Học Huế. Kỳ thi được tổ chức tại Sàigòn; mục đích tuyển những học sinh trong Nam ra Huế. Trong đó có tôi. Rõ ràng, đây quả là một cuộc hành trình không định trước. Nhưng lại có hướng đi hẳn hoi. Các sinh viên ra trường đều có cơ hội để làm tuỳ viên ở toà Đại Sứ Hồng Kông.  Định mệnh an bài như thế. Nhưng vì biến cố thời cuộc, viện phải đóng cửa, khi tôi còn học năm thứ tư. Còn một năm nữa thì ra trưòng. Tôi cũng không tiếc lắm. Vì còn có những chọn lựa khác. Tiếp tục học nữa, tôi ghi danh vào Đại Học Sư Pham Huế. Và cả Văn khoa nữa, cho... đủ bộ. Thời gian này, Nha Trang còn hơi xa lạ đối với tôi. Thường, tôi chỉ đi đi về về, mỗi dịp Tết hay Hè. Chưa ở hẳn Nha Trang. Mãi cho đến khi tốt nghiệp, mới là lúc tôi chính thức…thường trú tại đây.  Tôi dần dần càng cảm thấy quý Nha Trang hơn.  Kỷ niệm của tôi không nhiều như những người sinh ra và lớn lên tại Nha Trang. Nhưng mười mấy năm sống tại đây đã là thời gian lâu nhất cho gia đinh tôi và cho chính tôi. Nếu kể từ lúc sinh ra, chưa kịp lớn đã phải chạy tản cư. Rồi hồi cư. Rồi di cư… Biết bao nhiêu chữ "cư" mà không nơi nào chúng tôi định cư được quá 5 năm, như Đàlạt!  Trải qua một  giai đoạn "lịch sử" dài với bao nhiêu biến cố như thế, chỉ có Nha trang là chúng tôi sống lâu nhất, những ngày còn ở Việt Nam. Và những kỷ niệm dù ngắn, dù dài cũng đều là... kỷ niệm. Và đều quý cả.

Dạo ấy, mỗi khi đi học xa về, vừa đến cổng nhà, tôi đã thấy đàn em chạy ra đón chị. Nhìn hình ảnh này, tôi chợt nhớ đến mấy câu hát thật dễ thương dạo đó:
           Lớp lớp đàn em,
           Hớn hở theo sau.
          (Các Anh Đi  - Văn Phụng)
và cảm thấy mình như một “nhân vật” quan trọng lắm.
Khác một điều,  tôi không phải là các anh, như trong bài "Các anh đi". Cũng không có cảnh mẹ già bịn rịn áo nâu. Tên của bài hát là "Các anh đi". Còn tôi lại là …“người chị" từ xa về ! Rõ ràng không có gì liên quan cả. Nhưng cứ nhìn thấy các em tôi vui mừng chạy ra cổng đón và xách đồ đạc vào, mở quà ra... cũng đủ thấy vui.

Nói đến Nha Trang mà không nhắc đến trường Nữ Trung Học thì quả là thiếu sót. Nhiệm sở đầu tiên của tôi là ở ngôi Trường này. Kỷ niệm dạy học đầu tiên của tôi cũng chính là ở nơi đây. Tình Thầy Trò, đồng nghiệp đâu phải là…không có gì. Nói đến trường Nữ Trung Học thì không thể không nhắc đến trường Võ Tánh, ngôi trường nam lớn nhất tỉnh. Và là ngôi trường kỳ cựu nhất tại thành phố miền duyên hải này. Là trường nam, nhưng lại được coi là “trường mẹ” của trường Nữ Trung Học Nha Trang. Nghe như nghịch lý, nhưng lại có lý do chính đáng. Vào thời kỳ ấy, do nhu cầu học vấn của các nữ sinh bắt đầu cao. Mà trường Võ Tánh đã quá đông học sinh. nên việc thành lập một trường Nữ Trung Học Nha Trang lúc ấy được coi là cần thiết. Về điểm này thì bà Hiệu Trưởng là người rõ hơn ai hết. Ngôi trường Võ Tánh, nơi xuất thân của những nam học sinh ưu tú. Khi ra trường, nhiều người không những chỉ được đào tạo xuất sắc để trở thành những quân nhân thuộc ba binh chủng Hải-Lục-Không quân; mà còn là nơi xuất hiện những văn thi sĩ có tiếng, mà ai nấy đều biết. Mối thân tình giữa Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang thì vô cùng tha thiết. Điều này không phải chỉ có trong quá khứ, mà còn tiếp diễn đến ngày nay. Và điều này thực ra cũng không xa lạ đối với các trường khác tại Việt Nam. Ra đến hải ngoại thì cái “duyên đồng môn” giữa hai trường lại càng thêm gắn bó. Cho đến tận bây giờ. Vượt cả không gian và thời gian. Kể cả quãng thời gian gay go nhất.
Hình như gia đình tôi cũng có "duyên" với hai trường, theo kiểu khác. Ba tôi từ Đà Lạt đổi về, dạy tại Trường Nữ Trung Học vào những năm đầu tiên. Lúc ấy tôi còn đi học xa. Sau này đến phiên tôi được bổ về dạy. Các em trai tôi -cả 4 người- đều theo học Võ Tánh. Trong gia đình có lẽ chỉ có tôi nối nghiệp bố. Các anh em tôi toàn theo về ngành khoa học. Có cô em gái học trường Nữ Trung Học Nha Trang.  Sau đó vào Đại họcCộng đồng. “Suýt” ra trường thì xảy ra vụ di tản.  Thế là hết. Riêng tôi, còn ở lại với nỗi nhớ tiếc những ngày tháng cũ, trên quê hương đã "đổi mới"!
Nhớ làm sao, những năm trước 1975 !  Mỗi buổi sáng Thứ Hai, toàn trường làm lễ chào     cờ ngoài sân. Không khí trang nghiêm. Học sinh im phăng phắc. Tôi đã quen với bầu     không khí ấy từ nhiều năm. Tại nhiều nơi tôi đã học.  Đơn giản chỉ là chuyện chào cờ. Nhưng nó cũng nói lên được điều gì đó. Tuổi học trò hồn nhiên, vui tươi. Hồn nhiên, thì vẫn hồn nhiên. Nhưng lúc cần trang nghiêm, ở những nơi cần thiết, thì cũng nghiêm trang không kém. Và có lẽ đây chính là điểm chung - một “common sense”- của tất cả các quốc gia trên địa cầu này. Đủ thấy cái ý thức về lá cờ biểu tượng - vốn chính danh-của một nước, là sâu xa như thế nào. Cũng vì ý thức ấy mà, cũng tại sân trường này, có người đã ứa nước mắt, khi phải hát một bài quốc ca khác, dưới một lá cờ khác, trong một hoàn cảnh bất như ý... Thì buồn biết bao. Nhưng “rồi đờI người cũng (phải) qua”. Và, điều quan trọng là sự hiểu biết của người xử dụng lá cờ. Không  thể vì “yêu” lá cờ mà lạm dụng quá mức. Có người mang ra, dùng không đúng lúc, treo không đúng chỗ thích hợp. Thì chẳng khác nào “đày đoạ” lá cờ; và làm mất cả ý nghĩa thiêng liêng đi.
Thuở ấy, sân trường Nữ Trung Học Nha Trang còn toàn cát, với những hàng dươnglác đác, xanh, nổi bật trên nền cát trắng. Mỗi kỳ cắm trại toàn trường, các nữ sinh thường dựng lều trên cát. Dịp Lễ Trưng Vương bao giờ cũng có những màn nấu ăn, triển     lãm thật hào hứng. Các nữ sinh được dịp trổ tài, thi đua...

Cắm trại, dịp Lễ Trưng Vương tại Trường

Tôi thấy nhớ thật nhiều, những kỷ niệm nho nhỏ của quãng thời gian ấy... Nhớ con đường Tô Hiến Thành mà tôi thường thong dong đến trường dạy mỗi ngày. Sáng sáng, chiều chiều, cùng sánh bước với chị bạn đồng nghiệp, cô Ngọc Hương, dạy Vạn Vật. Cô là con bác Vỹ, cũng quen với ba mẹ tôi.  Các cụ thân nhau, vì hay đi chùa. Tôi nhớ nhiều những buổi Lễ Khai Trường đầu năm. Hay Lễ Phát phần thưởng cuối năm;hay những buổi lễ đặc biệt trong năm. Mỗi lần như vậy, tôi lại được giao cho nhiệm vụ đọc chương trình. Bên cạnh là thầy Trần văn Châu và thầy Hồ Viết Đốc, hai MC chuyên nghiệp. Những sinh hoạt Trường, những dịp tiếp đón quan khách, những buổi lễ lạc, hay những lúc tổ chức khóa thi Tú Tài vào dịp đầu Hè...Tất cả đều diễn ra tại ngôi trường mới, trẻ trung này. Đây cũng là nơi tôi mang “sự vụ lệnh” đến trình diện bà Hiệu Trưởng, khi mới được bổ về dạy. Mỗi lần hội đồng giáo sư nhóm họp, cũng đều tổ chức tại đây. Vào những hôm trời mưa, cũng như những ngày nắng ráo. Cũng là nhờ có phòng ốc đầy đủ, khang trang. Hỏi ai là người quên cho được? Ngay đến cả hình ảnh khu Trường cũ, nơi có mấy lớp đệ nhị mà tôi thường đến dạy những buổi chiều, cũng là những gì khó quên. Khu “Trường Nữ Cũ” này nằm khiêm nhượng trên con đường Lê văn Duyệt. Tuy không rộng rãi như trường mới, nhưng cũng có một vẻ ấm cúng riêng. Mà chỉ có thầy, cô say sưa dạy và trò hăng hái học, mới có được thứ tình ấm áp ấy. Khi nắng, khi mưa, ngôi trường âm thầm chịu đựng. Trời mưa, sân trường còn đọng nước chung quanh. Mỗi lần vào cổng, hay lúc tan trường, cả cô lẫn trò, lại phải một tay xách cặp, một tay vừa vén áo dài, vừa túm ống quần, bước vội trên một khúc đường ngắn đủ bước vài bước vào đến hàng hiên lớp. Khúc đường ngắn nho nhỏ có lát gạch này, chỉ cao hơn sân trường một chút. Nhưng cũng đủ làm đỡ ướt ống quần nữ sinh! Hành lang nằm ngay cạnh các lớp học, nhìn ra sân. Các lớp đều có cửa ra vào và cửa sổ. Khiến ở ngoài đường có thể nhìn thấy lớp. (Không hiểu lúc ấy có em nào nhìn qua cửa sổ mơ mộng không?  Hình như không thì phải). Gần cuối giờ, còn độ năm, mười phút, tôi thường cho các học sinh đố vui văn chương. Có khi hát, để thay đổi không khí. Buổi chiều, nắng đã nhạt bên ngoài cửa sổ. Nhưng không vì “nhạt nắng” mà lớp học cảm thấy buồn tẻ. Vẫn gần gũi, thân thiện. Hình ảnh lớp học ngày ấy, bây giờ nhớ lại, dường như đang hiện ra trước mắt tôi. Tưởng như mới hôm nào. Mấy chục năm gói gọn lại, chẳng là bao! Ngôi Trường nho nhỏ ban đầu, đã là nơi chứa đầy kỷ niệm của một thời. Thời của những nữ sinh áo trắng năm xưa. Cũng là nơi xuất thân của nhiều tài năng gồm đủ mọi mặt. Văn sĩ có, thi sĩ có. Nhạc sĩ có. Tình học đường quả có khác! Không câu nệ nắng, mưa, khô, ướt... Dù đã có khu trường mới rộng rãi, là nơi quy tụ những sinh hoạt văn nghệ, cắm trại, tiếp tân - Rõ ra là một trường Nữ Trung học lớn nhất thành phố-. Mái trường cũ ấm cúng này đã từng là nơi “sản xuất” ra những nữ sinh, đàn chị kỳ cựu trước đó. Để lớp đàn em có quyền tự hào. Để các giáo sư cảm thấy vui mừng nhìn hoạt động Trường ngày càng khởi sắc.

Khi Trường được thành lập, tôi còn ở mãi… đâu đâu. Cũng đến gần chục năm sau, tôi mới đến dạy. Lúc ấy, trường đã ổn định, với hai khu vực: Cũ và Mới. Lúc đầu, tôi chỉ biết ngôi trường mới. Sau này, mấy lớp tôi dạy là những lớp đệ nhị cấp, học tại trường cũ. Mới đi dạy, tôi được trao cho ba lớp Đệ Nhị A và B (lớp 11 sau này) do anh bạn đồng nghiệp- giáo sư Ngô văn Lại -phụ trách. Thầy Lại phải động viên vào quân đội, để lại cho tôi mấy lớp của Thầy. Đồng thời, cũng nhờ tôi dạy thay ở lớp 10C của Trường Khải Minh; là một trường Trung học Tàu. Học sinh gồm cả nam lẫn nữ. Khá ngoan và có kỷ luật, chẳng kém gì trường Việt. Cũng mặc đồng phục. Nữ sinh mặc áo chemise trắng, váy xanh. Nam sinh, chemise trắng, quần xanh dương.
Cũng không thể không nhớ những buổi Trường tổ chức cắm trại, nhân dịp lễ Trưng Vương. Vào dịp này, các nữ sinh lạì có cơ hội  tham gia những cuộc thi văn nghệ, thể thao, nấu ăn ... tranh tài. Đặc biệt có màn trình diễn Hai Bà Trưng. Nữ sinh cưỡi voi, mặc áo Trưng Trắc, Trưng Nhi. Nhắc đến đây, lại bùi ngùi nhớ đến Trần Ngọc Bích Lan, cô học trò khả ái, từng đóng vai Trưng Trắc một dạo. Sau này đã đi thật xa…Không bao giờ còn được gặp nữa! Kỷ niệm về Trường thì nhiều vô kể, hẳn không ai nhớ rõ bằng các nữ sinh.
Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên đến Trường trình diện, là vào một buổi trưa mùa Hè. Nắng sáng ngời, và lòng tôi cũng tươi sáng như ngập đầy ánh nắng. Mang tâm trạng phơi phới của một cô giáo mới tốt nghiệp, cảm thấy tương lai hứa hẹn, tôi thấy vui vui; quên cả nhút nhát. Gặp Bà Hiệu Trưởng, tôi trình sự vụ lệnh và được nhận ngay. Dạo ấy, sau kỳ thi tốt nghiệp ở trường ĐHSP Huế, tôi là sinh viên nữ được chọn đầu tiên trong danh sách những nữ sinh viên tốt nghiệp. Đối với nam sinh viên, người đậu đầu cũng được chọn nhiệm sở trước tiên. Rồi đến phiên người kế tiếp. Không hiểu sao hồi ấy lại sắp xếp như thế. Mặc dù không bắt buộc nam giáo sư phải dạy trường Nam, nữ giáo sư phải dạy trường Nữ. Nhưng, do sự sắp đặt của Ban Giám Đốc trường Đại Học Sư Phạm, chúng tôi cứ tự nhiên theo tiến trình như vậy. Dù chẳng ai "kỳ thị nam -nữ" gì cả. Nhưng hình như hồi ấy, hễ là nữ sinh viên, thì khi ra trường chi mong chọn nhiệm sở ở trường Nữ. Có lẽ trong thâm tâm, ngầm sợ rằng dạy trường Nam e rằng học trò con trai dễ... bắt nạt cô giáo chăng. Thực ra, theo kinh nghiệm của tôi; đã có lần dạy học tại một trường trong Nam, gồm cả nam lẫn nữ sinh. Trường Ngô Quyền Biên Hoà. Mà có sao đâu? Các nam sinh cũng rất lễ độ, đàng hoàng. Đôi khi lại có thêm niềm vui là hai "phe" nam- nữ càng ganh đua học tập. Có khi “phe” này còn sợ “phe” kia cười nếu học dở nữa. Đối với người Canada, khi nghe nói trường hợp nam nữ học riêng, người ta hơi ngạc nhiên. Có lẽ văn hoá khác biệt, nên người ta thắc mắc. Ở Việt Nam, đó là chuyện thường. Vì trường toàn nữ, bao giờ cũng có cái hay riêng. Phụ huynh yên tâm và các nữ sinh cũng lấy làm hãnh diện.  Có lẽ thời trước, nam nữ còn …thụ thụ bất thân chăng? Sau này, thế giới tiến bộ về nhiều phương diện, việc học chung nam nữ không phải là vấn đề phiền toái. Thậm chí lại là điều hay để học sinh đôi bên thi nhau cố gắng học hành. Chính tôi cũng từng là học sinh trường Trung Học Trần Hưng Đạo ở Đàlạt, khi trường còn gồm cả nam lẫn nữ. Sau đó được chuyển sang Bùi thị Xuân, toàn nữ cả. Tôi vẫn cảm thấy vui thật vui. Và, trước đó, cũng đã từng là học sinh của một trường (thuần) Nữ (Trưng Vương). Mới thấy rằng dù ở đâu, truờng nam hay trưòng nữ, mình vẫn chỉ là ...mình.  
 
Thi cử ngày ấy
Đi coi thi-chấm thi cũng là thời kỳ đẹp và đáng nhớ. Cứ sau mỗi kỳ thi, tôi lại có thêm bạn mới ở khắp bốn “vùng chiến thuật”. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ...Có người giờ còn liên lạc. Có người bị thất lạc tin từ dạo ấy. Thêm bạn mới, cảm giác mới và “mạng lưới” đồng nghiệp của tôi ngày càng mở rộng  thêm. Có những kỷ niệm vui vui. Mỗi lần nhớ đến chỉ biết…cười!
Dạo ấy, mỗi lần đi gác thi, vào trường thi, tôi thường bị nhiều người hiểu lầm là… thí sinh đi thi! (dám cả gan đi vào  khu vực hội đồng gác thi!). May mà không … bị đuổi. Chỉ thấy các vị ấy hỏi nhẹ, xem tôi- cô thí sinh tóc ngắn-có cần gì không? Tôi cũng chỉ đáp nhẹ rằng, tôi chỉ … vào gác thi thôi. Mỗi lần đi gác thi là một lần tôi thông cảm với tâm trạng lo âu hồi hộp của các thí sinh. Tôi không nỡ tỏ ra nghiêm khắc, vì không muốn người đi thi lo âu, căng thẳng quá, khi làm bài. Học hành đã vất vả rồi. Đên trường thi mà khiếp sợ nữa, tội nghiệp.
Tôi chẳng có tấm hình nào làm kỷ niệm, trong dịp đi gác thi. Chỉ có một tấm duy nhất chụp lúc tôi vừa tới đến hãng Hàng Không Viêt Nam, ở Nha Trang, sau khi chấm thi về.

Đi chấm thi về - Tại hãng Hàng không Nha Trang

Có thể nói quãng đời đi dạy học, đi chấm thi thật là vui. Được ưu đãi tử tế, lại được gặp thêm bạn mới, khắp nơi. Cuộc sống thêm phần ý nghĩa...Tôi chẳng có tấm hình nào làm kỷ niệm, trong dịp đi gác thi. Chỉ có một tấm duy nhất chụp lúc tôi vừa tới đến hãng Hàng Không Viêt Nam, ở Nha Trang, sau khi chấm thi về. Dù sao, tấm hình cũng là một sự gợi nhớ về một thời đã qua. Bây giờ không còn nữa. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm ...khó quên. Những kỷ niệm nho nhỏ như thế, nhưng cũng đủ thấy ẩm áp và vui, mỗi khi nhớ về. Rồi, biến cố xảy ra. Rồi vội vã thu xếp theo gia đình vào Sàigòn, tôi bùi ngùi tạm biệt Nha Trang. Tiếp tục sống những năm kế tiếp. Vui ít, buồn nhiều. Khắc khoải chờ mong…

Giã từ Sài gòn
Năm ấy, khi nhận được giấy bảo lãnh của ba tôi gửi về, tôi vội vàng, ba chân bốn cẳng, chạy đi lo giấy tờ. Làm thật nhanh trước khi "họ" đổi ý, hoặc làm khó dễ.  Cũng may, mọi chuyện đều thông suốt. Tôi là nhờ gặp những ngưòi tử tế, từ những chú công an phường cho đến những nhân viên lo giấy tờ...Không ai làm khó dễ như ngưòi ta thường gặp. Đôi khi trong cát sỏi, vẫn có trạch vàng. Thời kỳ đen tối đã qua. Tôi như ngưòi vừa ra khỏi cơn ác mộng. Để cuối cùng, đã tôi đã thực sự "ra đi khi trời vừa sáng" (***). Cũng là một lối thoát...nhẹ nhàng, hợp pháp và không nguy hiểm.  Âu cũng là điều may mắn. Thánh nhân, một lần nữa, đãi kẻ… khù khờ! Tôi đi định cư ở xứ người bằng con đường đoàn tụ gia đình. Là cư dân của xứ lá phong, xin nhận nơi đây làm quê hương thứ... mấy, sau Saigon, Đalat, Nha Trang!

Nha Trang: về thăm lại
Bao năm lưu lạc xứ người,
Giờ đây ngẫm lại, thấy đời… phù du.
Nếu thực sự chuyện đổi đời năm 1975 đến thật bất ngờ thì cơ hội trở lại cũng bất ngờ không kém. Những tưởng đi là... đi luôn, không mong gì trở lại.
Mỗi cuộc trở về đều mang một ý nghĩa riêng của nó. Nếu người đi có ý thức về việc mình chọn lựa; thì khi trở về cũng có ý nghĩa riêng, tùy hoàn cảnh mỗi người. Đó có thể là một dự tính có ý thức hẳn hoi, dù chỉ là về thăm ít ngày. Và tôi đã trở lại, sau bao lần lưỡng lự.  Thăm quê hương. Thăm bà con ruột thịt. Thăm bạn bè ngày xưa. Thăm học trò cũ... Càng gặp gỡ lại càng thêm đậm đà. Một lần không đủ, có lẽ tại “tình thầy trò” vẫn chân thành, không… tính toán.

Trường xưa vẫn còn đây
Sáu mươi năm ra đời, trưởng thành, trường Nữ Trung Học Nha Trang - cũng như bao nhiêu trường hợp khác- đã chứng kiến bao trò dâu bể, đã vẫn đứng vững nhờ lớp lớp cựu môn sinh dắt díu nhau, cùng tiến lên, “dấn bước thăng trầm” đi vào tương lai.  Tương lai ấy là đây, ở chốn quê nhà cũng như nơi hải ngoại, là những dịp gặp gỡ, thăm hỏi, là những kỳ hội ngộ lớn nhỏ, tại điạ phương này, hay thành phố khác. Tất cả không ngoài ý hướng thắt chặt thêm mối thâm tình giữa Thầy với Trò, giữa đồng nghiệp, đồng môn với nhau. Nếu không thể hội ngộ bằng xương bằng thịt, thì cũng còn các phương tiện kỹ thuật hiện có...Để có thể tìm lại được những kỷ niệm cũ, qua bóng dáng trường xưa.
Đặc San kỷ niệm 60 năm thành lập Trường đã là đại diện cho tất cả các khuôn mặt thầy cô, bạn bè, về nhiều phương diện. Và là cả một hội ngộ lớn, về tinh thần, với những bài viết, những tâm tình thay cho tiếng nói. Hội ngộ ngay- tại- chỗ, trên trang giấy, nơi xứ người. Cũng là cả một đền bù. Nha Trang tuy xa, nhưng tình người lại rất gần: Ở đâu có thày trò trường Nữ, ở đó có bóng dáng Trường xưa. Gặp gỡ cả quê hương trong lòng đất Mỹ… qua cuốn Đặc San Hội Ngộ 2021. Còn gì tuyệt vời hơn?  Để không còn ai ngỡ ngàng:
“Phải chăng mình có nên ngờ”(**)
Sáu mươi năm ấy, bây giờ là đây?

(*) Hai câu hát trong bản nhạc “Trở Về” của Châu Kỳ
(**) Một câu thơ trong Truyện Kiều, của Nguyễn Du
(***) Tên một bản nhạc ca Phạm đình Chương

 Một vài hình ảnh quá khứ

Buổi cắm trại toàn trường               

        
Bạn đồng nghiệp khi đi coi thi

Nguyễn thị Ngọc Dung
Vancouver, một chiều mưa
Khi chớm Thu về 2021.

 

Đăng ngày 19 tháng 02.2022