NHỚ LẠI BÀI THƠ “MÙA HẠN” CỦA TÔ THÙY YÊN
Nguyễn Anh Khiêm
Hạn hán dữ dội miền Tây Nam bộ hổm rày khiến nhớ bài thơ Mùa Hạn của Tô Thùy Yên viết năm 1979 ở Nghệ Tĩnh.
Bài thơ thất ngôn trường thiên vĩ đại gồm 47 khổ – 188 câu – là một sử thi bao quát một giai đoạn hậu chiến tuy ngắn nhưng đau thương, tàn khốc và oan khiên nhất lịch sử dân tộc.
Khổ thơ mở màn bi kịch như sau:
Ở đây, địa ngục chin tầng sâu,
Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.
Chỉ mỗi hai khổ thơ đầu ta hiểu nhà thơ nói đến hoàn cảnh tù đày của mình. Và mùa hạn ở đây khiến ta nghĩ không chỉ riêng Hà Tĩnh mà là mùa khô hạn vĩnh cửu trên quê hương đất nước. (nay đã hiển hiện nhãn tiền). Phận tù ở đây không hẳn của riêng tác giả mà là thân phận khốn cùng của cả một dân tộc. Từ khổ thơ thứ 3 trở đi ông đã khái quát:
Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc.
Than ôi, trời đã bỏ rơi dân !
Nắng kim khí chảy, đá ran nứt,
Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn.
Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng.
Muông thú điên lầm lũi bỏ đàn.
Dân làng lũ lượt kéo lên rú
Lùng sục đào khoai củ đã khan
Côn trùng kiệt sức lìa hang ổ
Lên chết thiêu trên mặt đất hừng.
Ác điểu ngày đêm gào xáo xác.
Cơ hồ cả thế giới lâm chung.
Những câu thơ viết theo lối thậm xưng (cường điệu) nhưng vô cùng hiện thực và đầy hình tượng, gợi nơi tâm thức ta nỗi rùng rợn thê lương:
Cây đa râu tóc già thiên cổ
Trụi lá, trơ cành, xương nám đen
Khiến lũ ma hoang hằng ẩn náu
Bỏ đi nhường chỗ cho chim kên.
Cái chết tru rân giờ nguyệt tận…
Máu bung từ mỗi lỗ chân lông,
Mọi người nghe chính mình kêu rú…
Liệu sáng mai còn ai nữa không
Và đây là đám chủ nhân ông của cuộc chiến khốc liệt, bằng mọi giá, đám ngông cuồng muốn triệt để cải tạo loài người, “lăn địa cầu ra khỏi lối xưa”:
Đám chủ mới y trang xúng xính,
Súng nghênh ngang, tiếng hét phàm phu,
Xua trăm họ, sá chi thân mạng
Lăn địa cầu ra khỏi lối xưa.
Những hư tưởng cuồng điên của họ cũng chẳng qua trò đồng bóng nhưng dư thừa dã man tàn hại:
Như tên phù thủy già điên loạn
Lịch sử lên cơn dữ bất thường,
Treo ngược con đen trên lửa đỏ,
Quật mồ thánh đế phi tang xương.
Trong những bài nói chuyện về thơ, Tô Thùy Yên luôn tỏ ra coi khinh bọn làm thơ phù thịnh, nói trắng là bọn xu nịnh cường quyền, xem họ không phải thi sĩ, cùng lắm cũng chỉ thứ poète maudit. Thời trai trẻ, ông từng là quan chức của chế độ miền Nam nhưng đố ai tìm được một dòng nào khen chế độ đó. Ông là vậy nên ở đây người chứng này vô cùng đáng tin cậy. Sự phẩn nộ, bi thiết cao ngút tầng mây:
Ta khóc lẻ loi, cười một mình…
Thu hình ẩn náu dưới tâm linh,
Mắt chong kinh hãi đêm hư sử,
Thân lõa lồ đau cháy khổ hình.
Gõ lấy đầu mình như gõ cửa.
Liên hồi kêu cứu giữa đêm khuya.
Đầu ta như chiếc đầu lâu cổ,
Tiếng rỗng không, khô khốc não nề.
Trong cùng cực đau thương và tràn đầy uất nghẹn, tâm hồn ông bỗng dịu lại nghĩ về những hình bóng cũ cùng đất nước miền Nam yêu dấu. Hơn ba phần tư bài thơ còn lại là những dòng thi ca đẹp với nghệ thuật miêu tả bậc thầy. Tôi nghĩ nhờ « ơn kẻ ác », trong cảnh cùng quẩn phải trải qua, ông đã viết những câu thơ hay nhất ca tụng tình yêu cùng cảnh tượng miền Nam ngày thanh bình xưa cũ :
Còn ở đâu miền xanh bóng cây
Để ta đến đó ngồi trưa nay.
Dường như hơi mát trong vòm lá
Có chất men làm ta thoảng say.
Còn ở đâu làn nước giếng khơi
Để ta đến uống một hơi dài,
Thỏa cơn khát nhớ như điên dại…
Nước giếng quê nhà mát ngọt thay!
Ở đâu còn ngọn suối thần tiên
Đã chảy đi từ tuổi dịu hiền,
Dàn khúc trường ca xanh bất tận
Còn nghe vang vọng cuối trời quên.
Ở đâu còn bóng chim huyền diệu
Hót gọi tiền thân ta tái sinh,
Hót gọi vô vàn mơ ước cũ
Bay lên trời lớn, đọ mông mênh.
Ở đâu còn cụm mây hư ảo
Bay tự ngàn năm trắng cổ thi.
Tưởng tượng ta gom vào hiện kiếp
Trọn luân hồi ấy, một lần đi.
Ở đâu còn trận gió thênh thang
Thổi mới trần gian mùa rộn ràng.
Tiếng biển lời rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang.
Và đây có phải những dòng tình thi nhẹ nhàng êm ái, dòng hoài niệm êm đềm một thời thanh xuân mộng ước, một thuở « nước thanh bình ba trăm năm cũ » ?
Mùa hè, em bới tóc lên cao,
Môi ửng son và má chớm đào,
Ngày nghỉ về vườn thăm họ ngoại,
Lòng như con sáo trong ca dao.
Em mặc bà ba ra bến nước,
Đưa tay khỏa nhẹ nhớ thương nào.
Đến nay lòng ấy còn xao gợn…
Mùa trái cây nào hái tặng nhau.
Bao giờ, cho đến bao giờ nữa,
Em gánh vui về họp chợ đông,
Lòng ngát như hoa còn kịp buổi,
Áo chưa người giữ để xin buông?
Lòng ta nay vẫn lòng ta trước,
Vẫn chảy về con nước thuở nào.
Sợi tóc mai kia dù có rụng,
Ba sinh còn để nhớ cho nhau.
Trên hai mươi khổ thơ còn lại tác giả tỏ bày nỗi lòng tha thứ xí xóa, xem bi kịch đời mình và của dân tộc như một “lẽ biến thiên”. Nỗi ước mơ và niềm tin hiển hiện:
Ta nghe cánh cửa lâu đời sập,
Những xích xiềng han rỉ đứt tung,
Sấm động một trời u uất vỡ,
Muôn nghìn năm thế giới còn rung.
Tất cả rồi đây sẽ đổi thay,
Đổi thay từ quặng mỏ, mầm cây,
Đổi thay cả mặt người tăm tối,
Những bớt chàm xưa được xóa trôi.
Những ai hôm trước từng gây tội,
Hãy lắng tâm tha lỗi lấy mình.
Tự tại, thời gian chôn chính nó.
Đời lên lại mãi tựa bình minh.
Bài thơ dài, nhiều ít có “tính truyện” nên không tránh khỏi những câu chuyển mạch gần với văn xuôi, điều ít thấy trong thơ Tô quân. Tuy vậy tác giả thoát khỏi tính truyện những câu thơ tuyệt vời viết về sông nước quê hương và những hoài niệm tình xuân phơi phới.
Quê ta đâu cũng là sông nước,
Phơi phới triều lên bát ngát bờ,
Cuốn tiếng đàn khuya trên bến bắc
Trải tình về lại lạch nguồn xưa.
Hy vọng lên từ đất dịu hòa.
Con chim bay kiếm lại trời xa.
Em về vườn cũ thăm cây trái,
Gặp tuổi lưng chừng khóc giữa hoa.
(Chỉ buồn một nỗi, thi sĩ ở xa nhưng chắc đã biết nay «Cửu Long đã cạn dòng và Biển Đông dậy sóng»).
Tôi viết ít dòng nhắc lại một bài thơ lớn của một tiếng thơ lớn. Xin độc giả hiểu cho chẳng phải phân tích bình luận gì. Bởi lẽ phê bình thi ca đòi hỏi người tài hoa uyên bác, mà tôi, rủi thay, không được là hạng người đó.
Nguyễn Anh Khiêm
MÙA HẠN
Tô Thùy Yên
Ở đây, địa ngục chín tầng sâu,
Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.
Bước tới, chân không đè đá sắc,
Vai trần chín rạn gánh oan khiên,
Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc,
Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng.
Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc.
Than ôi, trời đã bỏ rơi dân!
Nắng kim khí chảy, đá rạn nứt,
Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn.
Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng.
Muông thú điên lầm lũi bỏ đàn.
Dân làng lũ lượt kéo lên rú
Lùng sục đào khoai củ đã khan.
Côn trùng kiệt sức lìa hang ổ
Lên chết thiêu trên mặt đất hừng.
Ác điểu ngày đêm gào xáo xác.
Cơ hồ cả thế giới lâm chung.
Cây đa râu tóc già thiên cổ
Trụi lá, trơ cành, xương nám đen
Khiến lũ ma hoang hằng ẩn náu
Bỏ đi nhường chỗ cho chim kên.
Cái chết tru rân giờ nguyệt tận…
Máu bung từ mỗi lỗ chân lông,
Mọi người nghe chính mình kêu rú…
Liệu sáng mai còn ai nữa không?
Đám chủ mới, y trang xúng xính,
Súng nghênh ngang, tiếng hét phàm phu,
Xua trăm họ sá chi thân mạng
Lăn địa cầu ra khỏi lối xưa.
Như tên phù thủy già điên loạn,
Lịch sử lên cơn dữ bất thường,
Treo ngược con đen trên lửa đỏ,
Quật mồ thánh đế phi tang xương.
Có gã hề cuồng ra giữa chợ,
Hát ngao những đoạn sấm truyền xưa.
Bao giờ trời nổi cơn nồm lớn,
Minh chúa giong thuyền ra cố đô.
Người mẹ trẻ buồn đôi mắt trũng,
Thân gầy nhóm, tóc cháy, da cằn…
Địu con, một dúm thịt nhăn nhúm,
Ra ruộng khê tìm mót cái ăn.
Làng mạc giờ đây đã trống trơn…
Con dê, con chó cũng không còn.
Người đi bỏ xác nơi bờ bụi.
Miếu sạt, thần hoàng rũ héo hon.
Ta khóc lẻ loi, cười một mình,
Thu hình ẩn náu dưới tâm linh,
Mắt chong kinh hãi đêm hư sử,
Thân lõa lồ đau cháy khổ hình.
Gõ lấy đầu mình như gõ cửa
Liên hồi kêu cứu giữa đêm khuya.
Đầu ta như chiếc đầu lâu cổ,
Tiếng rỗng không khô khốc não nề.
Ta thương vô kể mầm cây lụi,
Con suối trinh nguyên chết cạn lòng,
Thương bậc hiền nhân về động đá
Quyên sinh. Từ đó, hạc bay không…
Còn ở đâu miền xanh bóng cây
Để ta đến đó ngồi trưa nay.
Dường như hơi mát trong vòm lá
Có chất men làm ta thoảng say.
Còn ở đâu làn nước giếng khơi
Để ta đến uống một hơi dài,
Thỏa cơn khát nhớ như điên dại…
Nước giếng quê nhà mát ngọt thay!
Ở đâu còn ngọn suối thần tiên
Đã chảy đi từ tuổi dịu hiền,
Dàn khúc trường ca xanh bất tận
Còn nghe vang vọng cuối trời quên.
Ở đâu còn bóng chim huyền diệu
Hót gọi tiền thân ta tái sinh,
Hót gọi vô vàn mơ ước cũ
Bay lên trời lớn, đọ mông mênh.
Ở đâu còn cụm mây hư ảo
Bay tự ngàn năm trắng cổ thi.
Tưởng tượng ta gom vào hiện kiếp
Trọn luân hồi ấy, một lần đi.
Ở đâu còn trận gió thênh thang
Thổi mới trần gian mùa rộn ràng.
Tiếng biển lời rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang.
Mùa hè, em bới tóc lên cao,
Môi ửng son và má chớm đào,
Ngày nghỉ về vườn thăm họ ngoại,
Lòng như con sáo trong ca dao.
Trời cẩm thạch ngời, bông mía trắng.
Ngoài đồng dậy tiếng trẻ thơ reo.
Con chuồn chuồn đó thong dong quá,
Mùa hết, còn bay dõi dõi theo…
Em mặc bà ba ra bến nước,
Đưa tay khỏa nhẹ nhớ thương nào.
Đến nay, lòng ấy còn xao gợn…
Mùa trái cây nào hái tặng nhau.
Đỏ mắt đăm đăm, ngày lại ngày…
Bao giờ mây sẽ chuyển về đây?
Bao giờ trời sẽ mưa như xối
Hạnh phúc chan hòa lên cỏ cây?
Bao giờ, cho đến bao giờ nữa,
Em gánh vui về họp chợ đông,
Lòng ngát như hoa còn kịp buổi,
Áo chưa người giữ để xin buông?
Mưa ôm choàng đất khóc thương mong.
Mưa báo tin vui chạy sáng đồng.
Mưa đuổi bắt gào reo hớn hở.
Mưa mừng trẩy hội nước trăm sông.
Ông lão mù lòa ra trước hiên,
Nghe mưa cũng ngước mắt nhìn lên.
Má nhăn bỗng sáng hai hàng lệ…
Ông hiểu ra rồi lẽ biến thiên.
Ta nghe cánh cửa lâu đời sập,
Những xích xiềng han rỉ đứt tung,
Sấm động một trời u uất vỡ,
Muôn nghìn năm thế giới còn rung.
Tất cả rồi đây sẽ đổi thay.
Đổi thay từ quặng mỏ, mầm cây,
Đổi thay cả mặt người tăm tối,
Những bớt chàm xưa được xóa trôi.
Ta nhặt từng trang sách rách toang
Đứa ngu đã xé vứt ra đường.
Ta gom từng hạt cây luân lạc,
Mong mỏi gầy lên một địa đàng.
Đi nào, chú bé của ta ơi,
Đem tấm lòng trang trải với đời,
Yêu cả con sâu cùng cái kiến,
Thả hồn vào cỏ lá bung phơi.
Bao giờ ta trở về dương thế,
Sống đáng vinh danh lại kiếp người,
Để thấy đường đi muôn lối rộng
Dập dìu những chéo áo reo vui?
Quê ta đâu cũng là sông nước,
Phơi phới triều lên bát ngát bờ,
Cuốn tiếng đàn khuya trên bến bắc
Trải tình về lại lạch nguồn xưa.
Biển khơi mở cửa như đêm tối,
Cung hiến bao nhiêu mộng dị thường,
Cho thấy cuộc đời sinh động mãi,
Lòng người rộng ngợp mấy không gian.
Đêm ta để cửa chong đèn đợi.
Người khách xa nào sẽ đến đây?
Ta đợi vì nghe ngoài ngõ trúc,
Có con chim khách kêu chiều nay.
Đêm bạc hà thơm nghe cổ tích,
Muôn sao trẻ nhỏ đùa rì rào.
Trong vườn, cây cỏ dường linh hiển
Đã hiện thành người đi dưới sao.
Dỗ cho ta giấc ngủ bình yên,
Đêm tựa bàn tay rất đỗi hiền
Kéo tấm chăn thêu màu sặc sỡ
Đắp lên ta tuổi cũ hồn nhiên.
Nhà ta biết có còn nguyên vẹn?
Tái hợp nào không nhuốm ngậm ngùi?
Người chết cũng xin tề tựu đủ,
Tình dù u hiển chẳng đang nguôi.
Nhóm lên bếp lửa đêm trừ tịch,
Hát với nhau vài điệu hát vui,
Nâng chén uống mừng ta sống sót…
Chợt nghe nồng lệ tự đâu rơi.
Hy vọng lên từ đất dịu hòa.
Con chim bay kiếm lại trời xa.
Em về vườn cũ thăm cây trái,
Gặp tuổi lưng chừng khóc giữa hoa.
Lòng ta nay vẫn lòng ta trước,
Vẫn chảy về con nước thuở nào.
Sợi tóc mai kia dù có rụng,
Ba sinh còn để nhớ cho nhau.
Đất trời không có chi còn mất.
Ta bước ra thân đón tuổi già.
Trước mắt, ta còn trăm thứ việc:
Sửa nhà, chăm sóc lại vườn hoa…
Những ai hôm trước từng gây tội,
Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình.
Tự tại, thời gian chôn chính nó.
Đời lên lại mãi tựa bình minh.
Sẽ lo chẳng những cho người sống,
Lo cả cho người khuất mặt kia.
Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ,
Chung lời thương tiếc khóc trên bia.
Con ta giờ đã làm cha mẹ,
Lớp lớp truyền lưu máu một dòng,
Không cạn nguồn tình thiên bẩm ấy.
Đời đời nhân loại sống như sông.
Nghe này ba tiếng gõ sân khấu.
Màn mở, người tham dự đứng lên…
Thế giới, hãy còn thơ trẻ nhé,
Bắt đầu câu chuyện lớn thần tiên.
Nghệ Tĩnh, 1979
Đăng ngày 18 tháng 03.2016