banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

nguyễn anh khiêmNguyễn Khiêm là bút hiệu của Nguyễn Anh Khiêm, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Việt Hán, niên khóa 1965-1969. Ông đã dạy học tại các trường: Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), Trung học Nhơn Trạch (Biên Hòa), Văn Lang, Trần Quốc Tuấn (Sàigòn), Trung học Sư phạm và Cao đẳng Sư phạm Sàigòn. Hiện nay, ông đang hưu trí tại Sàigòn.

Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn hân hạnh giới thiệu bài phê bình sau đây của Nguyễn Khiêm đã được đăng tải trên "newvietart" (ngày 24 tháng 4 năm 2009).

 Vài ý lan man không đầu không đuôi

Trường Sa Hành là một tác phẩm lớn viết về thân phận nhỏ nhoi của con người trước Thiên nhiên (hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi). Từ phận người nghĩ tới phận mình (dập giận vác khòm lưng nhẫn nhục, đường thân thế lỡ, cố đi nhanh. Tô Thùy Yên như một đời thơ hay trách phận mình: cát bụi đã đành thân tấm mẳn,thì danh với phận kể mà chi,cảm thương con cá thia lia bại,có sót huy hoàng cũng xếp vi -Vườn Hạ). Bài thơ nói tới người lính trấn giữ trên đảo hoang, người lính thú, với lòng thương cảm kín đáo, những người lính tác giả gọi là “chú em”, đặc giọng miền Nam hào sảng, thân tình.
Có lần tôi hỏi anh sao nói sầu vây trắng bốn bề, anh bảo trên trực thăng nhìn xuống thấy sóng trắng xóa vây quanh đảo như một vành khăn tang. Có tới bốn khổ thơ tả gió trên đảo, tôi hỏi thêm anh về gió ở đó, anh nói gió đến lá dừa cũng bị xé rách tưa.

Tô Thùy Yên là người của chữ nghĩa, tài dụng ngữ có một. Cô đọng, hàm súc, tối ưu, gợi tả tới tận cùng. Đặc biệt nhất là những tĩnh từ tối ưu bổ ngữ cho động từ, làm định ngữ cho danh từ (đảo chếnh choáng, thăm thẳm sầu, miên man thổi, sóng thiên cổ, biển tang chế, thảng thốt quầng, đống lửa man rợ, gió trùng điệp, nỗi tả tơi, mảng đời tê điếng, đỏ thảm thê...).Toàn bài không một từ thừa, không một câu loãng. Khổ thơ đầu tả dải đất nhỏ bé bập bềnh giữa biển khơi tưởng không cách nào hay hơn được. Nếu nói ”gió mùa đông bắc miên man thổi” thì đó chỉ là câu văn xuôi dở, đem mùa đông bắc lên đầu thì đó là một câu thơ hay!
Phải chăng cuộc chiến tương tàn khốc liệt, đau thương quá, tác giả chỉ toàn thấy thiên nhiên qua màn nước mắt (sóng thiên cổ khóc, biển tang chế, trùng dương khóc trắng trời). Tác giả bảo ”...mái đầu ta chớ cúi sâu ” nhưng đọc bài thơ, ta có cảm tưởng tác giả mãi cúi mình xuống nỗi đau của dân tộc, của tuổi thanh xuân của chính ông và đồng đội (ngày, ngày trắng chói chang như giũa ,ánh sáng vang lừng điệu múa điên, mái tóc sầu nung từng sợi đỏ, kêu dòn như tiếng nứt hoa niên...). Ôi, tiếng nứt hoa niên, độc đáo quá. (Trong một bài khác,ông nói: ta chắt cho nhau giọt rượu sót, tưởng đời sót chút thiếu niên đây).

Hầu như bài thơ nào của Tô Thùy Yên cũng là tác phẩm văn học đồ sộ và hoàn chỉnh. Tôi chủ quan cho rằng Trương Sa Hành lớn nhất, hoàn chỉnh nhất.
Một ý này nữa: Hình như toàn bài là một tiên cảm của tác giả về sự sụp đổ,tan nát của đất nước,sự trôi giạt điêu linh phần không ít của dân tộc (đọc lại các khổ thơ này xem::5,6,8,910,,11,12,14,15). ”bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi” , nghe như sấm truyền, ”...mây đỏ thảm thê”, nghe sợ quá. Lại nữa ”đám cây bật gốc chờ tan xác, có hối ra đời chẳng chọn nơi”...

Nguyễn Anh Khiêm
Sàigòn-cuối tháng 4/2009


*

tô thùy yên

TRƯỜNG SA HÀNH

Toujours il y eut cette clameur,
toujours il y eut cette fureur...
Saint John Perse

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ.

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ.
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên.

Bốn trăm hải lý nhớ không tới.
Ta khóc cười như tự bạo hành,
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục,
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh.

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế.
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi.
Đám cây bật gốc chờ tan xác,
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng,
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển.
Vầng khói chim đen thảng thốt quần,
Kinh động trời đất như cháy đảo.
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

Ta ngồi bên đống lửa man rợ,
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ,
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya,
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.

Ta nói với từng tinh tú một,
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng.
Bãi lân tinh thức, âm u sáng.
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng.

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng.
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc.
Con chim động giấc gào cô đơn.

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa.
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên.

Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp,
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh,
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.

San hô mọc tủa thêm cành nhánh.
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai.
Thời gian kết đá mốc u tịch,
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.
(3-1974)

 

© tác giả giữ bản quyền.
. đăng ngày 24.04.2009 theo nguyên bản của tác giả do Nguyễn Anh Khiêm chuyển.