banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Nhớ Trần Công Nghị

Nguyễn Khiêm

Trước 1975 tôi không quen TCN. Nói ngay tôi có biết anh học sau tôi vài lớp tại lò Trần Quí Cáp nhưng không có dịp gặp. Ai đó chỉ tôi tiệm thuốc bắc của gia đình anh ở Ái nghĩa. Mỗi lần chạy xe đạp từ trường về quê, tôi đều nhìn vào nhà anh, nghĩ anh thuộc hạng khá giả, có thể là giàu nữa, theo xét đoán của tôi. Giữa một thị trấn nghèo khó mà tọa lạc một cửa hàng thuốc bắc tươm tất vậy thì lúc đó là “đại gia” rồi. Sau 75, buổi sáng tôi đang ngồi chỗ văn phòng trường trung học Văn Lang thì Ngô Thi dắt Nghị tới. Nói chuyện một hồi Ngô Thi mới vào đề nhờ tôi giới thiệu với người quen ở sở giáo dục xét cho anh “chuyển công tác” từ miền Tây về Sài gòn hay xin dạy giờ gì đó tôi quên mất. Hồi này mới mẻ, các qui định này nọ chưa rõ ràng nên chuyện chuyển đổi hoặc dạy giờ đều còn có thể. Tất nhiên tôi vội vã làm ngay. Vụ đó không biết anh còn chạy chọt gì nữa không, hình như may mắn thành công, nay tôi không còn nhớ anh về trường nào.
Từ đó tôi thường xuyên gặp Nghị ở cơ sở sản xuất bột nuôi trẻ Đông Phương của nhóm Ngô Thi, Phan Xuân Sinh… Tôi không rõ Nghị có cổ phần ở đó không, chỉ thấy anh hay đến chơi vào buổi chiều, ngồi chơi một lúc là không tránh khỏi màn chót rủ mọi người “làm vài chai”. Chuyện này thường xuyên tới nỗi hình như có lúc anh mang biệt danh làm vài chai. Những ngày trống trải, thưa vắng bạn bè, tôi cũng hay la cà ở đó nói chuyện tào lao thiên địa, thấy anh Tường Linh, Đinh Trầm Ca cũng làm việc cho nhóm Đông Phương nữa. Tôi luôn được đi theo băng này không phải để làm vài chai vì tôi chỉ làm một ly là đủ té ngửa, mặt đỏ gay không giống ai, trông khá thô bỉ , tôi đi theo chỉ để phá mồi mà không bị phàn nàn gì nên cũng siêng đi. Những năm cả nước điêu đứng vì cơm gạo thì mấy anh này tiền xu rủng rỉnh, ăn nhậu tưng bừng bởi những đồng tiền kiếm được một cách lương thiện, gần như trúng mối vì sản xuất được thứ bột nuôi trẻ khá tốt trong tình cảnh đất nước “bế quan tỏa cảng” ngặt nghèo. Anh nào cũng nhà cửa tử tế, xe Honda mới cáu xếp cả dọc dài trước phòng giao dịch, lúc đó như vậy thật đáng nể và oai lắm.
Trần Công Nghị và Nguyễn Tịnh Đông làm rể một gia đình giàu có, chủ nhà máy xay lúa ở Cai lậy, nghe đâu hai anh đều có đất vườn ở Long Khánh ông già vợ chia cho. Không rõ còn nguồn lợi gì khác không mà tôi thấy lúc nào anh cũng sống thong thả. Phải thừa nhận Nghị là tay rong chơi thứ thiệt, nói hào hoa phong nhã thì hơi quá nhưng đúng là anh ta có tính tình rộng rãi, luôn đóng vai chính chuyện chi trả trong những cuộc vui và ít để người nào chịu thiệt. Ai cũng rõ không thể nói vì có tiền nên rộng, tất cả chỉ là đặc trưng của tính cách thôi.
Năm 78 tôi dự một lớp “tập huấn” trong chiến dịch đánh tư sản đợt 2 ở Chợ lớn, gần nhà Nghị. Anh bảo tôi:
- Này, đừng có mà ăn cơm tập thể chi cho cực, toi ghé nhà moi ăn cơm trưa nói chuyện bậy bạ cho vui đi!
Thế là tôi ở lại nhà anh ăn bữa trưa hơn tuần nhựt. Chị Kim Anh, bà xã Nghị hiền hậu, dịu dàng, mấy đứa nhỏ con anh thật ngoan, (nghe đâu nay rất thành đạt bên Canada , cũng là tự nhiên). Dịp này tôi được biết anh định vượt biên, mang theo cả nhà.Tôi nghĩ bụng, lại một ông Quảng nam liều mạng! Gia đình đang bình an no đủ, nhà cửa đàng hoàng thế mà vẫn đánh đổi tất trong một canh bạc hoàn toàn phiêu lưu may rủi. Nghe như Nghị là tay đánh phé cao kỳ, nay anh đánh phé với cả định mệnh mình, thế mà anh lại được, có đáng nể không chớ.
Thấy tôi cứ bán dần đồ đạt để tồn tại một cách thô bỉ, sự bất lực được phô bày lộ liễu, Nghị ái ngại:
- Còn cái gì (không cần thiết) muốn bán thì cho biết nghe!
Tôi liền chở lên nhà anh cái máy quay đĩa 33 tua và mấy đĩa dân ca của Joan Baez, mấy đĩa nhạc cổ điển của tay vĩ cầm Leonid Kogan… tôi mua được lúc mới đứt phim ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng. Tất nhiên anh trả tôi món tiền kha khá vượt xa giá trị một đồ vật phù phiếm trong thời gạo châu củi quế bấy giờ. Thời gian ngắn sau, gặp anh chỗ Đông Phương, anh nói nhỏ vào tai tôi:
- Moi sắp đi xa, toi ghé nhà chở cái máy quay đĩa về có dịp nghe nhạc nhiếc cho đỡ buồn.
Tôi nấn ná vì bận vài việc linh tinh, định ít hôm sẽ đi thì một buổi chiều ông xe thồ kêu cửa:
- Tôi ở xóm với anh Nghị, ảnh nhờ tôi chở tới địa chỉ anh cái này.
Tôi trả tiền công nhưng anh ta bảo anh Nghị trả rồi. Hôm sau tôi ghé qua nhà thì thấy cửa khóa trái, không dám hỏi lôi thôi, tôi ân hận tự trách mình nấn ná, nghĩ Nghị đã đi. Tôi thẫn thờ quay trở về, đạp xe ngang qua cổng trường ĐHSP Saigon đường Cộng Hòa, thấy “cây xưa vẫn gầy phơi nghiêng ráng đỏ”, tự nhiên nhớ đến se lòng bạn bè chung lớp nay tan lạc mười phương trong cơn địa chấn đổi đời “long trời lở đất”, thót tim buồn lo về cuộc phiêu lưu hiểm nghèo cùa vợ chồng Nghị cùng lũ con thơ.

Hôm nghe tin Trần Công Nghị qua đời, tôi ngồi café quán cóc với Ngô Thi và Trần Công Chín, Thi nói chuyện về Nghị suốt buổi. Theo anh, Nghị là tay chơi rất dễ mến, coi sự đời nhẹ tênh, không phải người chăm chỉ nhưng thông minh, có óc tổ chức, học nhẹ nhàng, thi cử dễ dàng. Ngoài ra, rất lạ, Nghị thành công còn nhờ luôn gặp may. Ví như lúc thi chứng chỉ Văn chương quốc âm hay Văn minh Việt nam gì đó ở trường Đại học Văn khoa, anh ta đi chơi và đánh phé suốt đêm ở nhà Phạm Phú Lợi, (không ngờ ông này về sau tình cờ sui gia với tôi), mờ sáng chạy về rửa mặt, liếc qua vài chương giáo trình nghi ngờ có thể ra đề thi. Thế mà trúng ngay chóc, đậu bình thứ nữa! Thi còn kể, nhiều lần gia đình gởi tiền cho anh mua cours để học, anh đem nướng hết trong mấy canh xì phé. Tàn cuộc, anh “đề nghị” tên nào ăn nhiều bạc phải dẫn ra quán nhậu. Mọi người ngạc nhiên thấy anh không chịu ăn gì ngoài mấy món cua rang, cua hấp. Gặn hỏi, anh tỉnh bơ giải đáp thắc mắc:
- Nhà tau gởi tiền cho tau mua cours, không mua được cours, chừ tau gỡ gạc ăn cua cho trúng mục đích chút ít, cua chi cũng cua.
Kỳ về VN lần cuối (có ai ngờ!), tôi có dịp mời anh cùng mấy bạn nhóm Đông Phương (Rất tiếc Ngô Thi ăn chay nên không đến, tôi nói với Thi đó là kỳ chay đáng tiếc nhất). Sau này, ai cũng công nhận bữa đó ăn ngon nhờ món cà ri dê độc chiêu cùng với cháo nghêu kiểu Mỹ tôi học lóm ông Việt kiều chủ trường Anh ngữ Quốc tế khi làm thuê cho ông. Bữa đó ai cũng tranh nhau nói, tôi kể chuyện một anh chàng giáo viên ba gay liều mạng xỏ lá ba que trong trường tôi từng là hiệu phó, mọi người cười vui hể hả, vui tới nỗi tôi linh cảm điều gì đó không lành một cách mông lung, không cơ sở, nhưng có thật trong tôi, rồi tự nhiên đâm lo, nghĩ rằng rất khó lặp lại một ngày vui như thế. (Tôi nhớ ông lão đánh cá Santiago của Hemingway lẩm bẩm khi con cá to đùng vừa câu đươc chẳng bao lâu chỉ còn trơ bộ xương: “Vậy đó, cái gì mà tốt đẹp quá rồi thì cũng qua mau thôi”). Và quả thật, chẳng có sai, còn lần nào như thế nữa đâu, Nghị ơi!
Mấy bữa sau, tôi có dịp đèo anh sau xe gắn máy từ Bình thạnh về nhà ông anh của Nghị ở Nhà bè. Nghị bảo ghé vào quán nhỏ ven sông… làm vài chai. Tôi nói chuyện thơ Tô Thùy Yên với anh, anh bảo:
- Toa viết tất cả cái đó ra đi, đừng có lo không hay, mạnh dạn lên, đừng tưởng mình làm không được, uổng lắm, hết thì giờ rồi.
Tôi kể với anh đã hỏi được Tô Thùy Yên lai lịch, bối cảnh mấy bài thơ quan trọng như Trường Sa Hành, Góa phụ…Nghị nói:
- Hỏi gì thì hỏi lẹ đi, hỏi thêm nữa đi, viết nhanh đi kẻo không còn thì giờ.
Anh lo lắng không còn dịp gặp người cao tuổi hơn thế hệ mình, không ngờ nỗi lo đó lại vận vào anh. Nghị tỏ ra nhạy bén trong thưởng thức thi ca không kém ai. Anh khoái câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn:
Về đâu thì cũng về đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ

Anh cho câu thơ sau là một tiên cảm thiên tài của thi sĩ. Đất Hán Hồ, đa nghĩa quá! Đâu cũng đất Hán Hồ mà thôi. Chúng tôi cũng nhắc tới câu “Đất ta ta dẫm mà ghê chân” của Tô Thùy Yên. Tô quân còn có câu:
Cuộc cờ kỳ lạ không bày tướng
Ăn sạch quân trừ tính được thua

Phải chăng, thi sĩ, từ cách nhìn kiểu chiến tranh khủng bố (đặt mìn bừa bãi, pháo kích cẩu thả…miễn có nổ có chết, ai chết cũng được) nay ứng vào kiểu chiến tranh đánh bom tự sát làm kinh hoàng nhân loại, nổ càng to càng tốt, chết càng nhiều càng hay, bất luận ai chết, thi sĩ chính là đấng tiên tri?
Sau này tôi khởi sự viết Ký Ức Sơ Sài, Nghị là người đầu tiên tôi chuyển qua mail cho anh đọc trước, sửa lỗi chính tả, cái tôi vốn rất bất cẩn. Anh vui mừng ra mặt nói:
_ Thấy chưa, moi nói đâu có sai, toa viết dễ dàng mà, tới lắm. Anh chuyển cho tôi mấy chục cái mail khen ngợi, khuyến khích tận tới ngày đau bệnh.

Bữa đó là lần cuối tôi gặp Trần Công Nghị trên đời. Thật không thể tin được. Dẫu biết ai rồi cũng ra đi, sớm muộn thật ra chẳng có gì khác biệt lắm, muộn cũng chỉ là triển hạn chút đỉnh mà thôi. Biết vậy nhưng mỗi lúc nghĩ tới người đàn ông tử tế đó vẫn còn tráng kiện, nụ cười vẫn còn tươi, ánh mắt vẫn tinh nghịch…mà bất ngờ phải giã biệt cõi đời vui, thật không khỏi không đau lòng. Thôi thì đành xin mượn mấy câu thơ của bác Việt Trang như nén nhang vĩnh biệt bạn hiền:
Câu thơ bạn cũ tìm trong mộng
Tiếng ngọc người xưa biệt giữa đời
Đốt nén tâm hương xin bái vọng
Theo niềm thương tiếc lệ châu rơi.


Nguyễn Anh Khiêm