Người mù bán đất
Trần Bang Thạch
Thân tặng các bạn ĐHSP, nhân mùa Giáng sinh
Gà vừa gáy canh tư thì bà Hai như một cái lò xo, ngồi bật dậy, dùng các ngón tay chải tóc, bới vội cái đầu tóc rồi bước xuống giường. Bà không quên tấn lại vách mùng dưới mép chiếu. Muỗi nhiều lắm, sơ xẫy để nó tọt vào mùng thì coi như ông chồng hết ngủ. Bà vặn tiêm đèn cho ngọn lửa cao hơn. Thật sự thì ông Hai đã thức đâu hồi canh ba, định chờ bà thức dậy để bàn một việc trọng đại. Tính thì như vậy nhưng tự nhiên ông thấy ngại ngần trước một việc quá lớn, liên quan tới sinh hoạt đã thành nếp từ hàng chục năm của gia đình. Ông nghĩ chắc mình cần phải bàn tính thêm với vợ chiều nay. Ông Hai lăn vào sát vách, giả đò ngủ tiếp.
Như mọi ngày, bà Hai lần đi vào bếp, nhúm lửa nấu nồi nước 20 lít đã bắt sẵn trên bếp từ tối hôm qua. Khi nước sôi, bà Hai bỏ vào nguyên một gói trà xanh. Nồi nước nầy phải nấu trước, sáng đem ra quán thì nước vừa nguội để bán trà đá. Con bé Tư cũng đã thức, đang chuẩn bị hai phần cơm cho mẹ con. Thêm mấy tiếng gà gáy ở nhà kế, rồi nhà ngang sông. Tiếng chó tru tận cuối xóm nghe như tiếng tù và u u trong đêm vắng. Dưới sông đã nghe tiếng ghe xuồng. Mỗi đêm giờ nầy xóm bắt đầu thức. Ánh đèn dầu yếu ớt hắt ra từ mỗi nhà. Hơn năm mươi nóc gia tại khu kinh tế mới Năm Ngàn này hình như chỉ ngủ vài tiếng mỗi đêm. Trước kia, khi còn ruộng đất tập thể, chăn nuôi tập thể, làm cái gì cũng tập thể, thì người ta ngủ nhiều, làm ít. Từ khi được phép làm ăn cá thể thì người ta ngủ ít, làm nhiều. Làm nhiều hay làm ít gì thì dân ở đây hơn ba mươi năm nay đa số vẫn nghèo. Càng bám trụ thì càng nghèo. Nghèo tận mạng. Nghèo rớt mùng tơi. Thời buổi nầy nhiều vùng thôn quê đã có điện, có nước giếng mà ở đây thì vẫn nước sông, đèn dầu. Đường xá khó khăn, kinh rạch chằng chịt, muỗi mòng, rắn rít, ít ai dám tới. Khu kinh tế mới nầy đã bị bỏ rơi từ lâu lắm rồi. Những khi trà dư tửu hậu, chòm xóm thường tán gẫu chuyện đời. Có chuyện nầy nghe cũng vui vui:
- Tao đố các chú mầy: Vậy chớ ở đâu có nhiều khỉ nhứt?
- Thì ở rừng U Minh chớ đâu. Tía ơi, dễ ợt mà cũng đố.
- Vậy còn ở vùng đồng ruộng nào có nhiều khỉ nhứt?
- Cái nầy thì coi bộ bất thường à nghen. Chịu thua rồi đó.
- Thua thì chịu phạt một ly đi. Ai chịu thua thì tự giác dô một ly.Tại làng mình đó.
- Làng mình có nhiều khỉ? Tía xĩnh chưa vậy?
- Thằng Tám mầy hãy đếm đi, có làng nào nhiều cầu khỉ bằng làng mình không?
- Nhiều cầu khỉ thì mần sao?
- Thằng nầy tối dạ! Không có nhiều khỉ thì mình bắt làm chi tới mấy trăm cây cầu khỉ trong một cái làng nhỏ như hột mít? Bộ cầu khỉ dành cho cá lóc nó trườn à?
- Hay! Hay! Phục tía sát đất! Dô!Dô!
Sáng ra, khi vợ con đã chèo xuồng ra quán, còn lại mình ênh trong nhà, ông Hai mang bình trà và cái tách ra mái hiên sau nhà. Vừa uống trà một mình vừa suy nghĩ lung tung. Ông Hai suy nghĩ nhiều nhứt về câu nói của ông giáo mấy ngày trước tại nhà nầy: “Thời nào cũng vậy, những người bán đất bán nước…”
Từ đầu người ta dùng tên của một liệt sĩ chống Mỹ Ngụy đặt tên cho khu kinh tế mới này. Nhưng người dân thì gọi là khu kinh tế mới Năm Ngàn; riết rồi không ai còn nhớ tên người liệt sĩ ấy là gì. Khu kinh tế mới Năm Ngàn ở vùng Cờ Đỏ nầy bây giờ cũng chỉ còn cái tên gọi, như tên gọi của một địa danh thông thường. Đặc tính kinh tế mới cũng đã biến mất tiêu hai mươi mấy năm trước rồi. Ở những vùng đồng ruộng miền Nam các tên Năm Ngàn, Bảy Ngàn, Tám Ngàn…từ xưa nay đã có; nhiều khi ba, bốn địa phương mang cùng một tên, như Kinh Năm Ngàn ở miệt Cà Mau, cạnh sông Trèm Trẹm cũng có, ở vùng Phụng Hiệp cũng có. Ở Chắc Băng Cạnh Đền cũng có Kinh Năm Ngàn. Cái thời vợ chồng anh Hai Trắng về đây thì đã có cả trăm gia đình đến đây trước rồi. Đây là những người bị đưa vào đợt đầu sau vụ đánh tư sản, mại bản. Họ được nhà nước đánh bóng là những người tự nguyện tự giác đi làm công dân mới, đi xây dựng nếp sống mới. Tiếp theo đợt hai có thêm vài chục gia đình nữa. Đợt của anh Hai Trắng thì có vợ chồng anh và ba gia đình khác, cọng chung đúng chục mười hai. Sau đó thì không có thêm ai nữa. Người ta nói những người vào đây sớm nhứt chính là những người giàu có ở Cần Thơ, Bình Thủy, Ô Môn, có cả ở Long Xuyên, Rạch Giá. Có lẽ vì vậy mà dân cư ở đây trồi sụt bất thường như con nước. Có nhiều người như bắt cóc bỏ dĩa, vào ở cái nhà mới, nền đất chưa khô, ngồi chưa nóng đít thì đã thấy mất tiêu, đồ đạc còn chất lủ khủ trong nhà, nhiều món còn cột trong thùng giấy, làm như họ đã tính toán, móc nối, liên hệ từ hồi nào rồi. Không biết họ chèo chống khéo léo thế nào mà mới thấy đó thì đã nghe đồn rùm beng họ đã cập bến Song- khờ- la, hay đang ngồi cà phê cà pháo ở Bi- đông Bi- tây gì đó ! Tài tình thiệt! Họp dân, họp xóm cũng không đi tới đâu. Mà nếu có đi tới đâu thì đó là đi tới những bến bờ xa lắc hay đi vào miệng cá mập. Nhiều khi ông làng, ông xóm, ông nông hội, ông chủ nhiệm hợp tác xã cũng dông mất. Người ta nói ở vào cái thời điểm ma- ra- tông, ai lẹ chưn, lanh tay thì có lợi. Lẹ chưn để chạy xa, lanh tay để bóc và hốt. Không có hai cái vũ khí thời đại nầy thì coi như lúa, cứ ngồi đó mà than nghèo.
Vợ chồng anh Hai Trắng thuộc hạng thiếu cái tay, cái chưn loại thời trang nầy. Anh chị không có nghề ngỗng gì hết, chỉ có đôi tay, đôi chưn bình thường của mình. Chắc nhờ vậy mà anh chị còn ở đây để làm quen với cái đất, cái nước miền nam ngõ hầu sau nầy có dịp bán buôn đất nước. Hồi mới vào đây, người ta dẩn anh chị tới cuối xóm, ở đó chỉ có trơ cái nền đất rộng bằng hai chiếc đệm.
- Nhà của vợ chồng chú đó nghen. Ký nhận đi.
- Dạ... dạ...
- Thì ký đi. Bộ hổng biết chữ hả?
- Dạ...Nhưng...Nhưng mà...
- Nhưn với nhị gì nữa. Ký!
Người ta chìa cuốn sổ trước mặt bắt anh phải ký. Ký thì ký nhận cái nhà hẳn hòi, nhưng vách, nóc...đâu chẳng thấy, chỉ thấy một đống lá, tranh và cây còn nằm trên nền đất ẩm. Thiệt là tận cùng bằng số ! Đúng là cái số con rệp. Vợ tay yếu chân mềm, có biết làm gì đâu, từ miền trung chạy vào, tứ cố vô thân. Hồi nào tới giờ anh đâu có cất nhà, cất cửa gì! Toàn là ở đồn, ở trại. Tan đàn rả nghé thì tìm đường mà chạy, dắt theo được cô bồ đã là điều may mắn. Cái nào là đòn tay, đòn dông ? Cái nào là mè ? Là rui ? Sáng nay, lúc tập trung ở phường Hưng Lợi ngoài chợ Cần Thơ, người cán bộ nói nhà cửa ở đó nhà lước đã no sẵn hết cả rồi, cứ tha hồ vào đấy mà an cư nại với nạc nghiệp đi nhé ! Có nhiều chữ vợ anh nghe lạ tai, không hiểu, nhưng cùnG thì tắc biến. Đâu còn chọn lựa nào khác. Điều cần thiết bây giờ là cái nhà để che mưa tránh nắng. Tại phường người ta nói hai người phải là vợ chồng mới được vào ở chung một hộ. Vậy thì phải làm đám cưới gấp. Trong đời, anh Hai chưa bao giờ thấy cái đám cưới nào nhanh và gọn như đám cưới của anh. Cách mạng có khác. Cặp tình nhân bao nhiêu năm cứ chờ hoài một ngày im tiếng súng để làm đám cưới ; bây giờ hòa bình họ nhanh chóng thành đôi vợ chồng nơi xứ lạ, ngay tại phường dưới sự chủ hôn của ông phường trưởng và vài người hàng xóm chứng kiến. Ông phường trưởng ngồi kiểu nước lụt sau cái bàn ngổn ngang giấy tờ. Vợ chồng anh và các gia đình khác ngồi chờ đến trưa mới có người phụ trách đưa ra xe, hướng dẩn đi về hướng huyện Ô Môn, tới vùng kinh tế mới Năm Ngàn. Vợ chồng anh Hai tới nơi thì đã quá chạng vạng. Đồng không mông quạnh. Chỉ còn thiếu tiếng vượn hú chim kêu là thành rừng tràm Cà Mau! Thôi thì cũng được, cho tạm yên cái thân lang bạt. Thật sự thì Hai Trắng không phải là tên thật của anh. Ở đây hễ không biết tên thì cứ kêu là thằng hai cho gọn, khỏi phải hỏi han lôi thôi. Mấy chị đàn bà thấy anh trắng trẻo thì gọi luôn là Hai Trắng để phân biệt với anh Hai Đen ở đầu xóm. Cái tên Thông cúng cơm coi như khai tử từ đó. Sau mấy ngày tắm nắng dầm mưa, cho dù anh Hai trở thành đen thui thì anh vẫn là Hai Trắng.
Từ đó vợ chồng Hai Trắng nhập vào đoàn người lao động mới của vùng đất cách xa thị thành cả năm bảy chục cây số đường chim bay. Riết rồi cũng quen. Cũng quen luôn với những thiếu ăn, thiếu mặc, những muỗi mòng, đĩa vắt. Người ta cứ hô hào nào là với sức người sỏi đá cũng thành cơm. Ở đây sức người thì có nhưng kể cả hột lúa giống cũng khó mà thành cơm đừng nói chi cái thứ sỏi đá đất cát. Ai không chịu được thì trốn đi nơi khác. Xóm do đó mỗi ngày một vắng. Vợ chồng Hai Trắng thêm con thêm cái, còn biết đi đâu. Nhiều khi ngồi buồn ngẫm nghĩ chuyện đời, Hai Trắng thấy mình như giề lục bình rau mát, từ đâu trôi vào miền đất hoang vu nầy để rồi từ ngọn kinh theo con nước ròng trôi ra, chưa kịp tới ngả tư đầu vàm để đi về hướng khác thì bị con nước lớn đưa trở lại vào ngọn kinh cùn cũ. Càng nghĩ thì càng không muốn nghĩ ngợi lôi thôi gì nữa cho uổng công, để sức mà làm lụng. Cứ sớm vát cuốc, vát phảng ra đồng, chiều về săn sóc mấy liếp khoai lang, khoai mì. Mùa nước nổi, ngập ruộng, ngập nhà thì vợ chồng con cái ngồi cả ngày trên chõng tre, ăn khoai sấy trừ cơm. Heo cúi, gà vịt cũng leo lên sạp, lên giàn. Điều không may là vùng nầy mỗi năm có vài lần lụt lội, mỗi lần kéo dài cả năm bảy bữa. Lúa giống vừa mới sạ, nước lên cuốn trôi hết ra các dòng kinh, muốn chận lại cũng không kịp. Thiếu ăn là cái chắc. May mà chị Hai còn có đồng ra đồng vào nhờ cái quán nước ở giao lộ Kinh Năm và Kinh Sáu, cách nhà ba tiếng hú. Chung quanh đó người ta gọi chị là chị Hai Bán Nước. Già thêm mấy tuổi thì chị được nâng cấp thành bà Hai Bán Nước. Đứa con gái phụ với chị thì người ta kêu là con Tư Bán Nước. Có lần ông anh từ Đà Nẵng vào tìm chị, ông anh cứ đưa cái tên Lê Thu Hà của chị ra hỏi. Dĩ nhiên là ở đây đâu có ai biết. Hỏi về cặp vợ chồng người Trung thì ai cũng biết, họ còn cho ông biết tên của người ông muốn tìm là bà Hai Bán Nước, tên ông chồng là ông Hai Bán Đất. Ông anh nghe cái tên oái oăm mà đau lòng cho hai đứa em lưu lạc của mình.
Gia đình ông Hai Trắng gặp khốn đốn khi mắt ông bắt đầu mờ sau cơn sốt thương hàn xém chết, có đi chữa trị mà đâu có hết, mang kiếng cũng như không. Lúc đó ông đã ngót nghét năm lăm. Sức vóc đã yếu lại thêm mắt mũi kèm nhèm thì làm ăn gì nữa. Hôm nào đi ruộng về trễ lúc trời nhá nhem tối mà nước ngập quá gối thì coi như mười lần ông đi lạc hết ba, bốn. Không biết học từ đâu mà đứa con út của ông bắt ông phải mang trên cổ cái tu huýt để nếu có đi lạc thì thổi lên để người ta biết mà dẩn về nhà. Chuyện nầy thì rắc rối quá. Con chó, con mèo đi xa còn biết về nhà, cả con gà, con vịt lạc bầy còn biết về chuồng, con chim còn biết bay về tổ mà ông thì không. Quả là tệ. Phải tính cách khác. Tính toán chưa ra cách thì đến lúc đôi mắt ông Hai Trắng hoàn toàn mù. Người trụ cột trong gia đình mà suốt ngày sống với bóng tối, ăn không ngồi rồi thì gia đình nầy rồi sẽ đi đến đâu? Suy nghĩ đưa ông Hai Trắng trở về một làng đánh cá ở quê cũ ngoài Trung. Hồi ấy cậu bé làng chài tên Thông đã biết bơi lội từ ba, bốn tuổi. Đến 15 tuổi thì nổi tiếng là thợ lặn. Vậy thì tại sao không dùng cái khả năng này bây giờ? Ý tưởng này khiến ông Hai Trắng nghĩ tới một nghề mới mà ông có thể làm được dù bị khiếm thị hoàn toàn. Đó là việc lặn lấy đất dưới lòng kinh cung cấp cho lối xóm.
Trong một vùng đất ngập nước, đất thường trùi sụp và kinh rạch thì mỗi ngày tích tụ thêm đất bùn màu mỡ phù sa, nhà nào cũng cần có thêm đất để đắp lên những nơi đất thấp hoặc đất lở; nhiều khi phải làm cao thêm nền nhà hay bồi đắp khoảnh vườn thêm sum xuê cây trái. Không ai ngờ việc làm của ông Hai Trắng tiến triển thuận lợi và tốt đẹp. Làm việc ở dưới nước tối om om thì người mù hay người sáng mắt cũng như nhau, chỉ cần có làn hơi dài để đủ thì giờ lặn xuống lòng kinh xúc lên một khối đất bỏ vào chiếc xuồng đang neo trên mặt nước gần đó. Đầy xuồng thì bơi vào bờ đem bán cho khách hàng. Của không vốn mà thu hoạch khá. Nguồn tài nguyên vô tận. Đất bán hoài cũng không hết. Chỗ trũng của lòng kinh hôm trước cho cả năm bảy xuồng đất thì hôm sau con nước lớn đưa bùn sình làm đầy lại như cũ. Trong tình trạng thiếu đất gò và thiếu phân bón thì công việc của người bán đất trở nên khấm khá mà trước đây không ai ngờ. Nhiều khi người ta phải đặt cọc mới có hàng. Chắc nhờ trời thương mà ông Hai lặn cả ngày vẫn không thấy mệt. Gặp lúc nước ròng vào ban đêm, thì càng tiện cho ông Hai, vừa mát vừa vắng ghe xuồng qua lại. Mù thì đêm như ngày. Bây giờ thì ông Hai Trắng có cái tên mới: Ông Hai Bán Đất. Không bao lâu sau đó ông Hai Bán Đất có thêm đồng nghiệp, có thêm người bán đất. Họ đã kiên nhẫn tập luyện ém hơi thở để lặn sâu dưới nước. Chuyện không dễ nên người làm nghề này không nhiều. Đất cứ trùi, cứ lỡ, người bán đất cứ vét kinh vét rạch mà xây nhà gạch, đi xe cúp, mua vườn, mua đất. Tối ngày lặn hụp dưới nước đâu cần phải lỗi phải, chè chén, giao thiệp với ai cho tốn kém mà lại thêm phiền.
Nhưng chuyện đời của ông Hai Bán Đất không phải lúc nào cũng trôi xuôi như dòng nước chảy. Mấy tháng nay ông Hai bổng có nhiều ưu tư. Những ưu tư nầy nảy sinh sau tiệc mừng ông bà Hai có ngôi nhà mới. Căn nhà ba gian, hai chái, mái ngói, tường gạch phết vôi trắng nằm giữa khu vườn cam quít xanh um rộng 2 công đất vừa ra trái chiếng. Căn nhà đối diện bên sông của ông bà Tư Cầu Khỉ vẫn là một mái lá tả tơi, không che hết mưa nắng. Căn nhà bên trái là của ông năm Ếch, bên phải là của bà ba Bánh Ú cũng đã ọp ẹp lắm rồi, không biết có qua nỗi mùa mưa nầy không. Họ và đa số người trong xóm không có tài lặn để vét đất bán nên cả đời vẫn nghèo. Không biết có phải vì lý do ganh tị mà trên bàn tiệc hôm đó có người nói xa nói gần công việc sinh sống của gia đình ông bà chủ nhà. Có người còn tỏ ra làu thông sử sách, hiểu biết thời sự:
- Thời nào cũng vậy, những người bán nước bán đất bao giờ cũng vinh thân phì gia. Vua chúa hồi xưa, hay quan chức bây giờ làm cái nghề nầy nhiều khi khỏi cần học, một cái chữ ký hay một cái hiệp ước là an toàn ngồi đó mà cai trị dân.
Người nói câu nầy là ông thầy giáo của trường tiểu học trong làng. Câu này khiến ông Hai suy nghĩ suốt nhiều đêm. Có thể ông giáo không có ám chỉ nào xấu đối với vợ chồng ông; chắc ông chỉ vô tình mà phát ngôn khi thấy nhà cửa, đất vườn nầy nhờ nghề nghiệp, nhờ công khó của ông bà mà có. Cái nghề ông bán đất, bà bán nước. Nghĩ tới đây ông Hai bổng giựt mình. Bao nhiêu năm nay từ người lớn cho tới con nít, mọi người gọi ông bà như vậy, mà sao cả ông lẫn bà không hề để ý gì hết vậy cà? Ông Hai Bán Đất. Bà Hai Bán Nước. Nghe sao chói tai quá. Bị gọi như vậy cả trăm, cả triệu ngàn lần mà không nghe thấy khó chịu, kể cũng là vô ý vô tứ hết chỗ nói rồi. Cái nghề của vợ chồng ông đâu có xấu, nhưng mang hỗn danh ấy thì xấu thiệt, cực kỳ xấu! Ông chịu hết nỗi rồi, nghe mà phát nhột. May mà những lúc đi chợ Cần Thơ không có ai vô tình lớn tiếng chào hỏi ông giữa chợ: Ông Hai Bán Đất! Đã đến lúc ông bà Hai phải bỏ cái nghề bán đất, bán nước nầy ngay bây giờ. Giá mà không có khu vườn cam quít nuôi sống gia đình thì ông bà cũng quyết định bỏ nghề. Nhưng bỏ nghề, sang quán thì cái tên ông Hai Bán Đất, bà Hai Bán Nước có còn đeo mãi theo ông bà cho đến chết không? Đã có lần ông anh vợ từ quê nhắn vào: “Sao tụi mi có cái tên gì mà kỳ cục rứa, bỏ quách nó đi!”
Càng suy nghĩ ông Hai thấy thương, thấy nhớ cái tên Hai Trắng làm sao. Bây giờ ông bà sau bao nhiêu năm tháng dãi nắng dầm mưa đã đen như sình như đất, nhưng ông bà sẽ vui biết bao khi mọi người gọi ông bà là Hai Trắng. Ông Hai hớp hết tách trà rồi trở vào nhà, chui vô mùng ngủ tiếp, không đẩy chiếc xuồng ra giữa dòng kinh như mọi buổi sáng trước đây. Chiều nay khi vợ về nhà, ông sẽ bàn với vợ ý định đột ngột này.
Cái tên xấu xí Kẻ Bán Buôn Đất Nước hãy để cho người khác thì thích hợp hơn, mình dại gì mà xí phần của họ chớ!
Trần Bang Thạch
* Trần Bang Thạch là bút hiệu của Nguyễn Công Danh, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Anh văn, khóa 1967-1970.
Hiện ông đang định cư tại Houston, Texas - USA.