Người suốt đời lắc chuông giữa chợ
Trần Bang Thạch
Thân gởi các bạn ĐHSP, nhân mùa Giáng sinh
Gần cuối tháng 12 dương lịch năm nay có một thiệp chúc Xuân đến với tôi thật sớm, trước Tết Nguyên Đán cả tháng . Đó là một điều lạ. Tôi chưa hề nhận một thiệp xuân nào sớm như vậy, từ trước đến nay. Điều lạ thứ hai là cùng một bao thư với thiệp chúc xuân này, tôi có cả một thiệp chúc mừng Giáng Sinh đến trễ cả tuần. Hai điều lạ này được giải thích trong một mảnh giấy nhỏ viết tay kèm theo. Qua mảnh giấy nhỏ này, thắc mắc của tôi được giải tỏa: anh con thấy trong các giấy tờ để lại của người cha mới chết một thiệp Giáng Sinh và một thiệp chúc mừng Năm Mới Ất Dậu. Mỗi tấm thiệp được để trong một bao thơ có đề sẵn địa chỉ của tôi. Anh con bỏ cả hai tấm thiệp vào một bao thơ rồi gởi cho tôi. Coi như thay người chết gởi lời chúc tới ông bạn còn sống. Lá thư bất ngờ cũng báo cho tôi biết một cái chết bất ngờ. Cùng một lúc với những lời chúc tốt đẹp là một nỗi buồn thật lớn đến với tôi. Tôi biết từ nay tôi vĩnh viễn mất một ông bạn hàng xóm tốt bụng của tôi từ hơn hai mươi lăm năm qua. Tội nghiệp ông già, biết mình tuổi đã cao, sống nay chết mai, nên ông đã chuẩn bị sẵn những gì cần phải làm. 24 lần Giáng Sinh và 24 lần Tết Nguyên Đán đã qua chưa lần nào gia đình tôi thiếu các tấm thiệp chúc mừng của ông. Năm nay, năm thứ 25, ở giờ phút thứ 25, giờ phút cuối của cuộc đời, ông vẫn không quên chúng tôi.
Thật sự thì chúng tôi là bạn hàng xóm chỉ trong hai năm đầu khi chúng tôi đến Mỹ. Mới chân ướt chân ráo nhập vào một dòng sống hoàn toàn mới lạ, không có một người thân quen, chúng tôi thấy tạm yên lòng cư ngụ trong một căn nhà nhỏ tại một khu khá tạp nhạp, toàn là dân da đen và dân Nam Mỹ có lợi tức thấp; hiếm thấy một người da trắng lạc lõng đi ngang qua xóm. Sau hai năm gia đình chúng tôi làm ăn có khấm khá hơn và các con cũng cần có những trường tốt hơn nên chúng tôi dời đến một nơi khác, cách chỗ cũ hơn một giờ lái xe. Hai năm ở cạnh nhau đã đủ cho một tình hàng xóm nẩy nở. Những năm còn lại chúng tôi vẫn hay gặp gỡ, nhứt là vào những dịp lễ lạc hay ăn mừng năm mới, mừng sinh nhật....hoặc thăm hỏi tin tức nhau qua thư từ và điện thoại.
Thuở đó là vào khoảng cuối năm 80, chúng tôi đến Mỹ trong cái lạnh cóng da của một nhiệt độ đông đá. Căn nhà chúng tôi mướn thuộc căn nhà đã quá cũ, cả trăm năm tuổi, vách ván, sàn gỗ kê trên những cục gạch xi măng khiến gió lạnh chui vào nhà một cách dễ dàng từ bốn bên và từ dưới sàn nhà. Ba đứa con tôi tuổi từ một rưỡi đến 12 tuổi, chúng mặc vào nhiều lớp áo quần mà răng vẫn đánh lặp cặp. Đó là những giờ đầu tiên khi chúng tôi mới dọn vào nhà. Tôi thấy một cái máy sưởi đặt âm trong vách nơi phòng khách, tôi vặn hết nút nầy đến nút nọ mà vẫn không thấy hơi nóng phát ra. Túng cùng, vợ tôi đưa ý kiến là nên nhờ người ở nhà kế bên sang chỉ dẫn. Tôi rất ngại ngùng khi phải gõ cửa nhà người hàng xóm không quen vì lúc đó đã hơn mười giờ đêm. Chỉ cần không đầy một phút, ông hàng xóm đã làm chiếc máy sưởi tỏa hơi nóng. Rồi vợ con ông mang cả đống quần áo ấm cho chúng tôi, có cả mấy bao potato chips họ nói là ăn cho ấm bụng. Cả nhà chúng tôi cảm ơn. Ông hàng xóm nắm chặt tay tôi, ông nói rõ và chậm từng lời, sợ rằng tôi chưa quen tiếng Mỹ. Tôi vẫn còn nhớ như in hình dáng cao gầy, gương mặt đen mun làm rõ hàm răng trắng và đôi tròng mắt trắng nhìn thẳng vào mắt tôi. Ông nói là ông luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi, đừng ngại ngùng gì hết. Ông cho tôi số điện thoại, bảo cứ gọi ông hay vợ con ông bất cứ khi nào chúng tôi cần. Ông nói ông tên là Otis Clark, nhưng ông thích được gọi là The Bell Ringer, hãy gọi ông là Ringer cho gọn. Thuở đó cả nhà chúng tôi gọi ông là Ringer, coi như là một cái tên riêng; sau nầy mới biết ý nghĩa của nó và biết vì sao ông Otis thích được gọi như vậy. Sau cái đêm đầu tiên đó thì chúng tôi cần họ nhiều trăm lần nữa trong suốt hai năm ở gần nhau và cả khi ở xa nhau. Ông bà là cố vấn của gia đình chúng tôi về đủ mọi chuyện. Từ chuyện ông Ringer dạy tôi cách sử dụng máy cắt cỏ, máy xén cỏ đến việc thay nhớt cái xe. Bà Ringer thì từ việc đưa vợ tôi và các con đi ghi danh ở trường, đến việc dạy vợ tôi tiết kiệm bằng cách mua hàng sale và cách dùng coupons khi đi chợ. Khi chuyện trò với chúng tôi, họ nói chậm rãi, rõ ràng từng tiếng. Đặc biệt là họ hay gợi chuyện để chúng tôi nói. Tiếng Mỹ chúng tôi khá hơn nhờ gia đình này. Cách sinh hoạt chúng tôi được xuôi chèo mát mái hơn trong cái xã hội lạ lẫm nầy phần lớn là nhờ họ. Cũng qua gia đình nầy chúng tôi có cái cảm tưởng đầu tiên là người Mỹ tử tế.Về sau chúng tôi biết ông bà Otis không những chỉ tử tế với riêng gia đình chúng tôi hay vài gia đình trong khu xóm, mà ông bà nầy tử tế với tất cả mọi người. Điều nầy thì tôi xin được nói sau. Cái ấm áp của đêm đầu tiên đó đã bắt đầu cho một nghĩa tình lân lý kéo dài suốt hai mươi lăm năm nay. Suốt thời gian đó chúng tôi thương mến và hiểu nhau hơn. Bà Otis mất 12 năm trước, sau đó cậu con trai duy nhứt đi làm xa, ông già Otis đã nghỉ hưu từ hơn hai mươi năm trước. Ông sống một mình trong căn nhà cũ, nhưng ông không cô đơn vì chừng như công việc chiếm hết thì giờ của ông. Muốn đến thăm ông, chúng tôi phải thông báo vài ngày trước. Hoặc đôi khi tự dưng ông ghé nhà tôi ngủ một đêm để kể cho chúng tôi nghe chuyện đời. Các con tôi rất thích nghe Uncle Ringer kể chuyện. Càng hiểu tâm tình của ông và càng biết nhiều những sinh hoạt của ông, chúng tôi càng quí trọng ông. Bây giờ thì ông đã đi rồi. Tấm thiệp Xuân Ất Dậu tôi chưa kịp gởi cho ông. Những dòng tưởng nhớ này như lời cuối cùng chúng tôi tiễn đưa ông, người hàng xóm tốt bụng.
Nhớ tới ông Otis là tôi nhớ tới điều mà ông đã nói với tôi khi hai người ngồi uống bia ở sau nhà ông hơn hai mươi năm trước. Ông chỉ nói có một lần mà tôi mãi nhớ hoài. Ông Otis nói ông nợ cuộc đời quá nhiều, sợ rằng cả đời của ông, ông cũng không trả nổi. Ông mất ở tuổi tám mươi lăm. Một đời người như thế cũng gọi là dài. Nhưng cái nợ với cuộc đời mà ông tự nguyện gánh trên vai đã hết chưa hay ông vẫn còn khệnh khạng vác xuống tuyền đài? Nghĩ tới điều nầy khiến tôi càng thương ông, vì tôi biết một khi thế giới nầy còn hỏa hoạn, thiên tai, chiến tranh, bịnh tật và xã hội này còn những kẻ nghèo đói, tật nguyền, không nhà, không miếng ăn, không cái mặc... thì The Bell Ringer thỏi đồng đen của tôi vẫn ngày ngày muốn làm người lắc chuông nơi cửa chợ. Tôi biết ông muốn mãi mãi là người lắc chuông, dù cho trăm năm, dù cho ngàn năm nữa. Người đàn ông da đen cao, gầy, xương xẩu, ít học mà có trái tim to như trái núi, một tấm lòng dào dạt mênh mông như nước đại dương. Gần cả đời lắc chuông giữa chợ kêu gọi tình thương, chắc chỉ có một ông Otis Clark nầy. Ông nói từ khi nhận diện được những đau khổ của cuộc đời đến với riêng ông, ông muốn được góp phần nhỏ mọn của mình làm vơi đi ít nhiều những đau khổ cho càng nhiều người càng tốt. Ông Otis kể với mọi người về cuộc đời của ông. Cậu bé Otis lúc mới 5 tuổi đã là một bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người ta nói cha mẹ cậu một hôm từ thị trấn Cheyenne của tiểu bang Wyoming mang đứa con trai Otis 5 tuổi xuôi nam lập nghiệp, mong thoát khỏi kiếp tôi đòi. Lúc tới gần dãy Rocky Mountains thì ông bà Clark mất tích trong một trận bão tuyết. May mắn được cứu, cậu bé Otis sống lang thang không nhà với người cha nuôi nghiện rượu và với một con chó đói. Cha con ngày ngày kiếm miếng ăn nơi khu Lincoln Park của tiểu bang Colorado. Khi cha nuôi chết, cậu Otis 10 tuổi đã biết phải tìm cái sống bằng chính sức lực và ý chí của mình. Tiếp tục ước muốn của cha mẹ, Otis xuôi nam, sống vất vưởng trên các đường phố với đủ ngành nghề, từ bán báo đến quét dọn nhà hàng, lau chùi cầu tiêu công cộng.... Lớn hơn một chút, Otis về vùng đồng cỏ Texas làm các công việc nơi trang trại, chăn bò, vắt sữa, lái máy cày. Cuộc đời Otis thật sự thay đổi ở tuổi 18 khi một ân nhân đem Otis về thành phố lớn, dạy cho ít chữ nghĩa và dạy nghề thợ tiện. Từ đó Otis đứng vững vàng trên hai chân mình. Cũng từ đó chàng thanh niên Otis bắt đầu nghĩ tới một sự trả ơn cho người đã cứu mình ra khỏi vùng u tối. Otis cũng không thể quên những cảnh khổ chung quanh, cảnh khổ mà suốt quãng đời niên thiếu mình đã chịu. Những ngày cuối tuần người ta thấy chàng thanh niên Otis la cà nơi các công viên, hay các góc đường dưới cầu xa lộ mang những bịch đồ ăn thức uống cho những người không nhà. Nhiều người trong số nầy đã được Otis giới thiệu việc làm, tạo dựng lại cuộc đời và tiếp tục trả ơn đời như anh Otis. Một thanh niên da trắng thất tình thất chí, bỏ học, bỏ nhà cửa đi làm homeless, Otis tới lui, chuyện trò, khuyên nhủ, rồi đem về nhà nuôi ăn học. Ngày anh thanh niên nhận bằng kỹ sư điện, anh đã ôm Otis giữa hội trường mà khóc như một đứa con nít. Nhiều lần Otis đến các nhà tạm trú cùng với các người thiện nguyện phục vụ những bữa ăn cho người vô gia cư. Sau khi tham dự thế chiến thứ Hai, người lính giải ngũ Otis biết được các hoạt động cứu trợ rất hữu hiệu của hơn 3000 đơn vị phục vụ thuộc tổ chức thiện nguyện The Salvation Army. Otis bắt đầu tham gia hoạt động cho The Salvation Army kể từ đó. Cũng kể từ đó Otis chỉ thích được gọi là Người Lắc Chuông- The Bell Ringer. Từ mùa đông năm 1945 The Bell Ringer tên Otis bắt đầu mặc bộ đồng phục của The Salvation Army, cầm cái chuông đồng đứng tại các cửa chợ vào những ngày lễ để kêu gọi lòng hảo tâm của con người đối với con người.
Những ngày đầu ở Mỹ, không ai trong gia đình tôi biết The Salvation Army là gì. Chúng tôi chỉ biết tổ chức thiện nguyện Đạo Binh Cứu Khổ này qua người hàng xóm mà chúng tôi gọi là Ringer. Vào những ngày cuối tuần hay những ngày lễ như Thanksgiving hay Christmas chúng tôi thấy Ringer cùng các bạn của ông mặc vào tấm áo choàng màu đỏ, choàng phủ phía trước ngực và phía lưng, trên có in dấu hiệu của The Salvation Army và có dòng chữ: I Am A Bell Ringer. Người bell ringer tay cầm cái chuông đồng nhỏ đứng lắc chuông bên cạnh cửa ra vào tại các khu chợ. Người hảo tâm bỏ tiền vào cái thùng đỏ có nắp khóa kín, treo trên cái giá 3 chân. Hai năm ở bên cạnh ông tôi biết thêm rất nhiều điều về The Salvation Army, một tổ chức quốc tế được hình thành từ năm 1865 tại Luân Đôn để giúp đỡ về mặt tinh thần và vật chất cho cho những người kém may mắn trên toàn thế giới, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo. Bằng vào cố gắng tích cực của cô bé 16 tuổi tên Eliza Shirley, một di dân gốc Anh, Tổ chức được du nhập vào Mỹ từ năm 1880 với chi nhánh đầu tiên ở New York City. Các con tôi thì có bên cạnh một nhân vật sống để nghe, để biết và để học những bài học quí giá về tình người. Thằng con lớn của tôi đã gia nhập The Salvation Army ngay sau khi tốt nghiệp đại học hồi năm 1992. Ông Ringer trông thật hào hứng mỗi lần nói chuyện với chúng tôi về công việc lắc chuông của ông. Công việc nào thì cũng có niềm vui, nỗi buồn. Nhưng với ông Ringer thì suốt mấy mươi năm lắc chuông, ông chỉ có niềm vui, ông quả quyết nói với chúng tôi như vậy. Ông không có nỗi buồn. Ông lắc chuông xin tiền, có người cau có với ông, ông cười tươi đáp lễ. Có người ngước mặt làm ngơ, ông thương cho họ và cầu nguyện cho họï.Thỉnh thoảng có người mua cho ông bữa ăn trưa hay một chai nước uống, ông vui vẻ cảm ơn. Trên chục năm trước, có em nhỏ tự nhiên rời tay mẹ, chạy tới kéo ông ngồi xuống, hun một cái chụt vào má ông, rồi bé kề tai nói với ông rằng bé thương ông quá, khi lớn bé sẽ làm như ông. Chuyện đã xảy ra thật. Cô bé 5 tuổi lúc ấy đã không đợi khi lớn mới thực hiện được lời hứa với người Bell Ringer nơi cửa chợ. Lúc 7 tuổi, cô bé biết bày ra một cái bàn đặt bên lối ra vào công viên gần nhà để bán nươc giải khát vào mỗi cuối tuần. Cô bé đã kiếm được vài chục đồng mỗi tháng. Người ta mua nước lemonade của em như là một cách giúp em thực hiện ước muốn của mình. Mỗi năm, đúng vào buổi chiều trước ngày Lễ Giáng Sinh, Christmas Eve, như một hẹn ước bất thành lời, cô bé đến gặp người Bell Ringer của cô, thân mật nói những lời chúc lành với ông rồi nhét vội món tiền góp nhặt cả năm vào cái thùng 3 chân màu đỏ. Năm nào cô cũng làm như vậy, hơn chục năm rồi. Cô bé gọi ông là Ringer. Ông gọi cô là Little Santa. Như vậy là đã đủ cho một sự quen biết nhau. Có lẽ cả hai không thấy cần phải biết tên thật của nhau. Họ biết họ đang làm gì. Có một lần vào đầu năm 82, ông Ringer hăm hở nói với tôi về một đồng tiền vàng, một loại gold coin, trị giá hơn 200 đô la, lần đầu tiên được một người bí mật nào đó bỏ vào thùng tiền tại Chicago. Rồi sau đó cứ mỗi lần một nơi nào đó nhận những đồng gold coins thì ông Ringer đều cho tôi hay để cùng vui với ông. Nhiều khi ông chỉ ghé nhà tôi một vài phút đồng hồ chỉ để thông báo những tin vui như vậy. Chẳng hạn như hồi năm 85, một người nào đã bỏ vào thùng ở thành phố Kirsville, bang Missouri, một đồng gold coin sản xuất 20 năm trước cuộc Nội Chiến, có giá trị cả ngàn đô la; đủ cho một nhóm hơn trăm người nghèo có một bữa ăn Giáng Sinh thịnh soạn. Hàng năm, như là một trò chơi nhân hậu tốt đẹp từ một hay nhiều nhà hảo tâm bí mật, những đồng gold coins cứ rơi vào nơi nầy, nơi nọ; đến nay tổ chức The Salvation Army nhận được hơn 300 đồng gold coins. Năm năm trước, ông Ringer của tôi muốn có một đồng gold coin rớt vào cái thùng của ông coi như quà sinh nhật thứ 80 của ông. Mùa Giáng Sinh năm đó rồi cũng qua, lễ mừng sinh nhật của ông cũng đã qua mà đồng gold coin cũng chưa chịu đến với ông. Ông than với tôi là các đồng gold coins vẫn chưa chịu xuôi Nam. Tôi an ủi ông rằng ông đã nhận và đã cho biết bao nhiêu là những đồng gold coins từ cả sáu mươi năm nay rồi. Một tuần trước lễ Giáng Sinh năm nay, từ một nơi cách xa tỉnh nhà hàng ngàn dặm, xem báo tôi thấy loan tin nhân viên Salvation Army tìm thấy một đồng vàng tên là South African Krugerrand bọc trong một đồng bạc giấy, có lẽ người bí mật muốn tránh tiếng kêu khi bỏ vào thùng ở trước cửa một tiệm Walgreens trên đường West University của Houston. Đây là lần đầu tiên một đồng gold coin trị giá 400 đô la đã xuôi Nam, đã đến Houston. Tự nhiên tôi thấy vui và nghĩ ngay tới ông bạn già Ringer của tôi. Tôi bỏ lững cột báo tại đây, không muốn đọc tiếp tên người bell ringer để được hồi hộp mà nghĩ rằng chính cái thùng tiền của người Ringer thân mến của tôi đã nhận được đồng tiền quí hiếm ấy. Có thể lắm chứ. Ở cái tuổi 85, người Bell Ringer của tôi không còn bao nhiêu ngày tháng nữa. Chẳng lẽ niềm mơ ước của ông không thành sự thật sao?
Bây giờ nhận được tin ông mất, tôi thấy dù cho đồng tiền ấy có rơi vào thùng của ông hay không thì ông cũng là người đón nhận và phân phát nó, cũng như ông đã đón nhận hàng vạn tấm lòng vàng và phân phát hàng ngàn đồng tiền vàng trong suốt hơn sáu mươi năm làm người lắc chuông giữa chợ. Cả cuộc đời ông, ông cũng đã cho thiên hạ rồi!
Ông Otis Clark, người Bell Ringer của tình thương, chúc ông ngàn đời yên ngủ trong niềm mến yêu của những người khốn khó. Ông ngủ nhưng tiếng chuông đồng của ông vẫn còn rung trên tay của cả ngàn người khác tiếp nối ông. Khi những trái tim còn biết thổn thức thì tiếng chuông đồng còn ngân vang. Bằng cách nầy hay bằng cách khác, tình thương luôn có mặt trên thế gian nầy. Cô bé 7 tuổi đã biết đem những đồng tiền nhân nghĩa đến gởi gấm ông. Cô bé ấy bây giờ là một thiếu nữ và vẫn là người Santa Nhỏ Bé của ông, vẫn hàng năm làm nhiệm vụ của một Ông-Già-Nô-En-Có-Thật.
Ngủ đi ông, The Bell Ringer, người hàng xóm tuyệt vời của tôi.
Trần Bang Thạch
* Trần Bang Thạch là bút hiệu của Nguyễn Công Danh, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Anh văn, khóa 1967-1970.
Hiện ông đang định cư tại Houston, Texas - USA.