banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

LÃNG MẠN TRẦM HÙNG

Chân Diện Mục

Bài học đầu tiên mà người Pháp dạy chúng ta là Lãng Mạn! Trước đó các cụ dạy chúng ta là văn dĩ tải đạo! Phài thận trọng ngay khi ở một mình Thủ khẩu như bình, phòng ý như thành! Người Pháp nói thơ văn ta trói buộc, ước lệ, khuôn mẫu… khó hiểu!
Ta được cởi trói(!) bèn mê man: Lamartine, V. Hugo, J Prévert… nhất là Rimbeau, Verlaine, A. Musset… Suốt ngày ngâm đọc:
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sấu
Mà người gieo thảm như hầu không hay
Và:
Những câu bất hủ trên đời
Là câu tuyệt mệnh với lời thương tâm
Rồi thì… thơ ca Việt Nam nở rộ(!) muôn mầu muôn sắc(!) với Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính. Ai mà không ngâm đọc những tác giả này, ai mà không mượn năm ba câu dằn túi, mặc cho các cụ chê là trò Uyên Ương Hồ Điệp.

Tôi tuy mê mẩn với thứ thơ này, nhưng nay tính sổ lại thì phải gọi đó là thứ lãng mạn mơ mộng, ướt át, buông thả để so sánh với thứ lãng mạn “Trầm Hùng“ (tôi gọi là trầm hùng chứ không gọi là hào hùng, hùng tráng, vì nó không gào thét, quyết liệt, khẩu hiệu) từ thập niên 40, nhất là cuối thập niên này khi đã xuất hiện nhiều những chữ ái quốc, chiến chinh, hy sinh. Vâng! Tôi gọi là Lãng Mạn vì các tác giả này tuy ái quốc ngút ngàn nhưng lòng vẫn tràn đầy tình cảm, thiết tha, lưu luyến, nhớ nhung…
Mịt mù cách dặm quan san
Trăng tuần vò võ mây ngàn xa xôi
Ra đi không hẹn một lời
Ngày về không biết còn người năm xưa
Rừng mai lá úa bơ thờ
Hắt hiu gió núi mịt mờ đồi thông

Ông Hoàng Tấn này đã đăng bài trong tập Thơ Mùa Chinh Chiến. Cũng như Hoàng Tố Nguyên mà tôi đã giới thiệu nhiều lần:
Mười phương hẹn chín phương chờ
Đầu xanh bụi bám mắt mờ hận vương
Ưu tư đã chín đo luờng
Quỷ Nam thà chết Bắc Vương sao đành
Giờ đây sóng dậy bất bình
Sông tràn máu hận núi chênh sắc trời
Đèn chong không sáng chuyện đời
Khóc ư! Là nhục, Nhưng cười! Cũng đau
Tơ vò sấy tóc canh thâu
Gửi cho ai gửi về đâu bây giờ
Oan cừu nặng gánh tương tư
Mực nhòa giấy lạnh bút trơ thép cùn

Ôi! Không gọi là Lãng Mạn sao được khi tràn đầy mộng mơ, nhưng mộng mơ lành mạnh! Tràn đầy nhớ nhung,nhưng nhớ nhưng sạch sẽ (!)
Đứng trước cảnh núi sông nghiêng đổ:
Ôi! Khói lửa tan hoang chìm cổ độ
Buổi thăng trầm dấu vết có còn đâu
Ai vỗ kiếm lên yên thề trả nợ
Ai xô ngàn đạp núi nhủ đàn sau

Chàng lên ngựa ra chốn biên cương, để lại người yêu trong lạnh lẽo cô đơn:
Ai đã khóc những đêm trăng sáng tỏ
Ai hững hờ ngày tháng ruổi theo mau
Giấc mơ bay cuốn lên rồi tan vỡ
Ta buồn ư chưa chắc đã vuơng sầu

Chàng đeo túi sầu bên lưng con ngựa gầy ruổi qua rừng núi Vân Nam, Quảng Tây mà lòng không nguôi mơ ước một ngày mai. Lòng trộn lẫn khí hào hùng:
Từng lớp ngựa hồng men rẻo núi
Từng hàng dũng sĩ lặng trên yên
Từng cơn bụi cuốn mờ biên ải
Từng loạt dòn tan tiếng súng rền

Nhớ nhung:
Một buổi rừng cây lặng lẽ chờ
Gió ngàn vi vút họa vần thơ
Suối xa quằn quại reo lên nhạc
Sương xuống đầu non dáng ảo mờ

Mơ mộng:
Hiu hắt heo may mấy độ rồi
Chàng đi non nước nẻo xa xôi
Em về vun lại nương dâu ấy
Khép cánh phên thưa giữ trọn lời
( Hoàng Hải )

Những chàng dũng sĩ này luôn luôn lấy những tấm gương sáng lòa của tiền nhân để nung chí:
Đây trăng vàng lạnh của Thu xưa
Soi sáng Lam Sơn một bóng mờ
Ghè đá mài gươm ngâm khúc hận
Trông chừng non nước vẽ mưu cơ
Và:
Đây nơi oanh liệt của sơn hà
Nắng đẹp tô vàng cảnh Đống Đa
Khí phách oai linh còn rộn rực
Chưa màng nghe khúc Thái Bình Ca

Thật là những bài thơ đập vào tim thanh niên, xoáy vào gan thanh niên!
Cái không khí Lãng Mạn Trầm Hùng phủ kín hai vai ngay cả khi chàng dũng sĩ lội bùn và cầm súng:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
(Quang Dũng)
Những chàng dũng sĩ này rất buồn, rất buồn khi chiều tà qua những đồi sim để thăm ngôi mộ của người vợ bé nhỏ mà khôn nguôi…..

Tím cả chiều hoang đến ngồi bên mộ nàng…..
(Thơ Hữu Loan - Dzũng Chinh phổ nhạc)

Lãng mạn quá đi chứ!!!

C. D. M.


DƯƠNG XUÂN BẠCH TUYẾT

Chân Diện Mục

Một người hát khúc Hạ Lí Ba Nhân ngoài đường,Thiên hạ bu lại nghe một cách thích thú. Đến lúc người đó chuyển qua khúc Dương Xuân Bạch Tuyết thì thiên hạ từ từ bỏ đi! Đó là phần đông người ta chỉ thích những bài dễ hiểu dễ hát! Ôi! Đa số người ta chỉ thích những tác phẩm bình dân, dễ đọc, dễ nghe, dễ nhìn! Còn nếu tác giả lập ngôn, dụng ý cao xa, ẩn ý, uyên áo thì người ta chẳng hiểu ông ta viết gì? hát gì? vẽ gì?
Từ hình thức tới nội dung càng cao xa thì người ta càng quay đi, không truyền bá và… chẳng nhớ tác giả là ai!
Một trí thức uyên bác như ông Vũ ngọc Phan mà khi nói tới bài "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ cũng gọi đó là thứ thơ “hũ nút“. Một người đọc nhiều như Hoài Thanh mà cũng không nhận ra Bích Khê là một thi sĩ lớn. Hoặc trích tuyển một thi sĩ mà chỉ nhè những bài tầm thường mà bỏ sót những bài tuyệt tác!
Người ta trích dẫn những bài kia, mà bỏ sót những bài "Đà Lạt trăng mờ" và bài "Bẽn lẽn" của Hàn Mặc Tử.
Thơ miền Bắc người ta ít biết đến "Đôi bờ" của Quang Dũng và bài "Em bé và củ khoai lang" của Hoàng Cầm. Ở Miền Nam người ta càng ít biết đến "Trăng thiếu phụ" của Quách Thoại và "Khóc Quách Thoại" của Thanh Tâm Tuyền.
Truyện "Bước qua lời nguyền" của Tạ Duy Anh tuy được một số người ca tụng, nhưng hình như những người này là văn sĩ chuyên nghiệp, chứ có lẽ nhiều trí thức cũng chưa biết tới! "Muối của rừng" của Nguyễn Huy Thiệp cũng cùng chung số phận.
Tôi nhớ cụ Nguyễn Hiến Lê có nói: "Một đám cưới" là chuyện ngắn hay nhất của Nam Cao! Tôi cũng đồng ý với cụ rằng "Một đám cưới" hay hơn "Chí Phèo" nhiều lắm!
Trần Thùy Mai viết "Nữ Thần đi chân đất", thật là tuyệt vời! Có lẽ bà muốn ngụ ý: Vua chúa ngày xưa cũng biết tuyên truyền chứ bộ! Nhưng hình như dụng ý này của bà ít người biết đến.
Lỗ Tấn viết những: "Thuốc", "Lễ chúc phúc", "Người ngu Người thông minh""Người điên" là những truyện ngắn tuyệt vời. Nhưng có lẽ nhiều người đọc không thấm!!!
Vũ Ngọc Tiến viết: "Âm bản chiến tranh", "Vị Phồn thực", "Chù Mìn Phủ và Tôi", Phạm lưu Vũ viết "Chị Cả Bống" cũng không được nhiều người đọc đâu! Một anh bạn tôi cũng trí thức, cũng viết văn, nhưng… lại không biết Phạm Lưu Vũ là ai! Người ta chỉ sưu tầm rới rở những cuốn bị kiểm duyệt, bị thu hồi, bị… cho vào máy nghiền! Trong đó có những vị sưu tầm với giá rất đắt để trưng ở phòng khách… chơi! Rồi sau đó người ta quên luôn Phạm Lưu Vũ mà không biết rằng ông còn nhiều bài hay nữa!
Người ta chỉ thích những bài dí dỏm, đặc sệt giọng miền Tây Nam bộ, tươi rói, nghe sướng tai của Nguyễn Ngọc Tư trong khi người ta ít biết tới: "Cái nhìn khắc khoải", "Núi lở", "Chuyện cục kẹo" của cô!
Phan Nhật Nam viết: "Bắt đầu từ một đêm trăng", thật là đầy tâm hồn nghệ sĩ. Một thứ tự do phóng khoáng đầy tình người của các chàng nghệ sĩ, nhưng không được người ta thưởng thức bằng thứ văn ngổ ngáo, thời thượng trong "Mùa hè đỏ lửa".
Vũ Thư Hiên rất nổi đình đám, Tôi không dám nói là tôi không thích, nhưng tôi thích nhất là: "Lời xưng tội lúc nửa đêm" của chàng! Đây chính là: Dương Xuân Bạch Tuyết!!!
25-05-2016
Chân Diện Mục


Thông điệp từ truyện ngắn "Thuốc" của Lỗ Tấn

Nguyễn Đình Minh

Lỗ Tấn ( 1881-1936 ) tên thật là Chu Thụ Nhân, quê ở phủ Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông là nhà văn cách mạng lỗi lạc của Trung Quốc đầu thế kỉ XX : “Trước Lỗ Tấn, chưa hề có Lỗ Tấn , sau Lỗ Tấn , có vô vàn Lỗ Tấn” (Quách Mạc Nhược ). Ông được tôn vinh là linh hồn dân tộc. Ông chuyên vạch trần những thói hư tật xấu trong lòng xã hội Trung Quốc và hướng tới tìm cách chạy chữa cứu nguy dân tộc u mê. Tác phẩm chính của Lỗ Tấn là AQ chính truyện , Cố hương…

Truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn viết năm 1919, đây là thời điểm diễn ra cuộc vận động Ngũ Tứ ( Phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ của học sinh , sinh viên Bắc Kinh ) bùng nổ. Câu chuyện được kể về những người dân quê mê muội trong một vùng quê u ám tù đọng lạc hậu; Trên cơ sở cảm nhận ánh sáng cách mạng của phong trào này, Lỗ Tấn xây dựng truyện với kỳ vọng giải thiêng nỗi u mê của dân tộc mình.
1. Một đêm mùa thu gần về sáng , Lão Hoa đem số tiền vợ chồng dành dụm được ra pháp trường , gặp đao phủ mua một cái bánh tẩm máu tử tù về cho thằng Thuyên, con trai lão ăn để chữa bệnh lao.
Trời sáng, quán trà của vợ chồng lão Hoa đông khách dần , mọi người bàn tán về cái chết của tử tù. Tử tù là Hạ Du, một người cách mạng bị xử chém vì chống Nhật. Mọi người cho Hạ Du là thằng điên, thằng khốn nạn và khen Cụ Ba là khôn vì đã tố cáo cháu mình để lấy tiền thưởng. Họ cũng cho vợ chồng lão Hoa là may vì tìm được máu để tẩm bánh bao làm thuốc. Tuy nhiên, thằng Thuyên vẫn chết vì bệnh lao dù đã ăn bánh bao tẩm máu người.

Tiết thanh minh vào mùa xuân năm sau, bà Hoa đi thăm mộ con. Bà gặp bà mẹ của Hạ Du. Mẹ Hạ Du lúc đầu còn ngại ngùng , nhưng sau đó bà Hoa đã bước qua ranh giới phân chia khu nghĩa địa dành cho dành cho người nghèo sang khu dành cho ngưòi chết chém để an ủi mẹ Hạ Du. Cả hai bà mẹ đều hết sức kinh ngạc khi thấy trên mộ Hạ Du có một vòng hoa.
2. Chọn nhan đề thiên truyện là “Thuốc” (nguyên văn là Dược) Lỗ Tấn muốn đặt vấn đề chữa căn bệnh u mê trầm kha của dân tộc Trung Hoa? Nhưng Thuốc ở đây chính là chiếc bánh bao tẩm máu người mà lão Hoa đã mua về cho thằng Thuyên ăn để chữa bệnh lao. Nhan đề này đã tạo ra nhiều lớp nghĩa trùng phức. Tầng nghĩa thứ nhất của Thuốc là nghĩa tường minh, chỉ phương thuốc chữa bệnh lao bằng chiếc bánh bao tẩm máu người. Đây là một phương thuốc mê tín lạc hậu tương tự như hai vị thuốc mà ông thầy lang đã bốc cho cho bố Lỗ Tấn để chữa bệnh phù thủng là rễ cây mía đã kinh sương ba năm và một đôi dế đủ con đực, con cái dẫn đến cái chết của ông cụ. Sựu u mê dẫn đến cái ác thật đơn giản, chiếc bánh bao tẩm máu người trở thành nỗi ám ảnh về sự man rợ của thời kỳ “người ăn thịt người” trong những đêm trường trung cổ. Nhưng ở thời hiện đại, nó vẫn tái diễn trong lòng xã hội Trung Quốc.

Tầng nghĩa thứ hai của Thuốc là nghĩa hàm ẩn, đó là phương thuốc để chữa bệnh tinh thần: căn bệnh gia trưởng, căn bệnh u mê lạc hậu về mặt khoa học của người dân Trung Quốc. Bố mẹ thằng Thuyên vì lạc hậu và gia trưởng đã áp đặt cho nó một phương thuốc là chiếc bánh bao tẩm máu người dẫn đến cái chết của nó. Rồi tất cả đám người trong quán trà cũng sai lầm như vậy. Chiếc bánh bao tẩm máu vô hại kia đã trở thành một thứ thuốc độc vì người ta quá tin vào nó mà không lo tìm một thứ thuốc khác. Đề cập điều này thông điệp của Lỗ Tấn muốn người dân Trung Quốc phải tỉnh giấc, không được “ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”.

Tầng nghĩa thứ ba của “Thuốc”, thông qua hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người là phương thuốc nhằm chữa căn bệnh u mê lạc hậu về mặt chính trị của người dân Trung Quốc và căn bệnh xa rời quần chúng của người cách mạng Trung Quốc thời bấy giờ. Máu để tẩm chiếc bánh bao là dòng máu người chiến sĩ cánh mạng Hạ Du đã đổ xuống để giải phóng cho nhân dân. Thế mà nhân dân lại u mê cho anh là làm giặc, là thằng điên và mua máu anh để tẩm bánh bánh bao. Còn Hạ Du làm cách mạng cứu nước, cứu dân mà lại quá xa rời quần chúng Anh như ngôi sao cô đơn giữa bầu trời giông gió. Dân không hiểu anh đang làm gì và mà mẹ anh cũng không hiểu con mình đang làm gì. Với ý này, phải chăng nhà văn có ý “cắt” cho những nhà làm cách mạng Trung Quốc một bài thuốc chữa trị?


3. Ngoài những ý nghĩa này, chúng ta có thể thấy, ngòi bút Lỗ Tấn đã dựng dậy những hình ảnh rất điển hình về một Trung Quốc giai đoạn này. Đó là một không gian u mê tăm tối giống như thời cổ đại. Quan hệ giữa con người với con người là quan hệ ăn thịt nhau. Chú vì tăm tối mà bán cháu lấy tiền thưởng, người làng vì ngu muội mà uống cả máu nhau.

Hình ảnh quần chúng dưới ngòi bút Lỗ Tấn là một đám đông dốt nát mê muội: Buổi sáng sớm, ở pháp trường , lão Hoa đi mua bánh bao tẩm máu tử tù về chữa bệnh cho con thì bị một đám đông xô đẩy nhau ào ào,chen bật lão suýt ngã. Đó là những người đi xem hành hình nhà cách mạng Hạ Du. Họ là những kẻ u mê, sự hiểu biết và thái độ của họ về những vấn đề của đất nước, về bệnh tật, về cuộc đời… Từ những tình tiết này cũng hé mở cho người đọc thấy được xã hội Trung Quốc mà ở đó giai cấp thống trị luôn thực hiện chính sách ngu dân. Những thông tin đích thực về khoa học như những tia sáng bị cánh cửa mê muội chặn đứng. Niềm tin ngây dại của cả cộng động người về một ảo tưởng trở thành thứ thuốc phiện tinh thần trong vùng tối tù hãm. Sự ảo tưởng ấy trở thành thứ ánh sáng, căn cứ nhìn nhận đánh giá, tầm nhìn nông cạn và chệch hướng của người dân. Một xã hội mà giai cấp thống trị tôn thờ lý thuyết “Chăn dân” (Dân như gia súc) thì đây là một phương pháp phản động phi nhân tính mà giai cấp thống trị đã thành công.

Nhân vật Hạ Du không xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm mà được giới thiệu thông qua các nhân vật khác và qua thái độ của người kể chuyện. Hạ Du là một người yêu nước, một nhà cách mạng; nhưng anh rất cô đơn, không ai hiểu anh kể cả mẹ anh. Anh đã đổ máu vì quần chúng thế mà họ lại lấy máu anh để tẩm bánh bao chữa bệnh lao. Hạ Du chính là hình ảnh tượng trưng của cuộc cách mạng Tân Hợi, một cuộc cách mạng góp phần đánh đổ chế độ phong kiến Trung Quốc nhưng lại xa rời quần chúng nên thất bại. Đồng thời nó cũng gợi lên suy ngẫm về một không gian dân số trùng trùng với những tăm tối bao phủ, ánh sáng của chân lý rất khó lọt vào soi sáng nếu không đúng cách thức và rất dễ bị cái ác thao túng lợi dụng.

4. Nhưng có lẽ cảnh gây xúc động ấn tượng nhất là cảnh hai bà mẹ đi thăm mộ con: Thời gian nghệ thuật của truyện tiến triển từ mùa thu Hạ Du bị chém đến tiết thanh minh năm sau. lúc hai bà mẹ đi thăm mộ con. Cái chết của nhân vật cách mạng (Hạ Du) và cái chết của thằng Thuyên (Ăn bánh bao máu) có làm Hai bà mẹ ngộ ra điều gì?
“Nghĩa địa của làng mộ dày khít như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ”, có một con đường mòn ở giữa chia làm hai: Nghĩa địa người chết chém phía bên trái nghĩa địa người nghèo phía bên phải. Hình ảnh nghĩa địa rợn ngợp hoang lạnh. Tại đây cũng có sự phân biệt rất tàn khốc. Lối so sánh rất “độc”, bằng cách đối lập những chiếc bánh bao với những nấm mộ, tác giả tố cáo tội ác của giai cấp thống trị : sống phè phỡn trên xương xương máu của những người nghèo và chiến sĩ cách mạng. Cùng với đó là hình ảnh con đường mòn vạch ranh giới 2 phần nghĩa địa là biểu tượng cho một hủ tục đồi bại, nó vốn tồn tại trong giai cấp thống trị và buồn hơn là ở cả lòng người dân ngàn năm không xóa được.

Một chút ánh sáng lóe lên trong không gian làng quê Trung Quốc tù đọng u ám, khi tác giả để cho hai bà mẹ đã bước qua con đường mòn để đến gặp nhau vì đồng cảm ở tình thương con sâu sắc. Cả hai bà mẹ cùng rất kinh ngạc khi thấy trên mộ Hạ Du có một vòng hoa : “hoa trắng hoa hồng nằm khoanh trên nấm mộ khum khum”. Bà mẹ Hạ Du cứ lẩm bẩm câu hỏi “Thế này là thế nào?”. Câu hỏi vừa hàm chứa sự sửng sốt, vừa ẩn giấu niềm vui vì có người đã hiểu con mình. Đồng thời đây cũng là điều buộc người dân phải suy ngẫm về việc làm của Hạ Du. Với hình ảnh vòng hoa xuát hiện bất ngờ trên mộ của người bị chém, Lỗ Tấn đã bày tỏ sự trân trọng và tiếc thương đối với người chiến sĩ cách mạng đã chết oan khuất khi mà không gian thời gian và lòng người của chính quê hương anh u mê ghẻ lạnh, vô ơn với chính anh. Vòng hoa trên mộ Hạ Du là cực đối lập của “chiếc bánh bao tẩm máu”. Phủ định vị thuốc là bằng chiếc bánh bao tẩm máu, tác giả mơ ước tìm kiếm một vị thuốc mới chữa căn bệnh tinh thần cho toàn xã hội, đó là sự giác ngộ cách mạng thoát khỏi mê bùa thống trị trong tư tưởng ngàn năm của dân tộc Hoa.

5.Truyện “Thuốc” của Lỗ Tấn ẩn tàng nhiều lớp nghĩa sâu sắc và nén nhiều tình tiết, hình ảnh ấn tượng. Những yếu tố nghệ thuật này, góp phần tạo ra sự bùng nổ của chủ đề tư tưởng tác phẩm: Lỗ Tấn đã đau nỗi đau của dân tộc Trung Hoa thời cận đại: nhân dân thì mê muội “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt” còn người cách mạng thì “bôn ba trong chốn quạnh hiu”. Và đây là chủ đích trong việc viết truyện “Thuốc”; Lỗ Tấn đi đến quyết định: Chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần cho quốc dân Trung Hoa.

Nguyễn Đình Minh

http://vanhaiphong.com

 

Đăng ngày 05 tháng 07.2016