ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG


Chân Diện Mục

Đồng bằng sông Cửu Long là miền đất hứa. Là miền trời ban cho dân Việt! Biết bao nhiêu thời kỳ, biết bao nhiêu năm tháng nó đã là cái phao cứu sinh của dân Việt !
Tới đời Nguyễn, ta vẫn còn ăn gạo của miệt trên: Cơm Nai Rịa, Cá Rí Rang.
Mãi đến cuối thời Nguyễn, những đồn điền quanh Sài Gòn như Gia Thuận, Gia Hòa… mới phát huy tác dụng. Mà tôi cũng cần nói thêm là đồn điền không chỉ cung cấp lúa gạo đâu! Chứng cớ là cái đồn điền Thảo Câu đã cung cấp bàng, lác… cho nhà nước làm nệm, chiếu…! (Thảo Câu là Rạch Bàng ở vùng khánh Hội ngày nay! Không phài cái sông Vàm Cỏ đâu! Các cụ ơi! Câu là con rạch nhỏ chứ không phài cái vàm sông đâu!)
Đồn điền hồi đó cung cấp lúa gạo, than củi, cá mắm và…trầu cau nữa! Sông Lật Giang là rạch Tàu Hủ sau này nó sẽ bay xuống Bến Lức, cũng như Xóm Đệm Buồm sau này bay xuống chợ Đệm gần Bến Lức và cái chợ Gạo Phú Lâm sau này bay xuống Chợ Gạo mà sau này người Pháp đặt tỉnh lỵ Định Tường ở đó! Còn cái mà là Mỹ Tho bây giờ chẳng dính dáng gì với Định Tường cả, xưa nó chỉ là cái trạm nhỏ ven sông: Điều Hòa Giang Trạm. Rồi cái thôn hẻo lánh Điều Hòa trở thành xã, và cái xã này hô biến trên bản đồ Việt Nam vì nó nằm ngay giữa trung tâm thành phố Mỹ Tho!

Tôi nói lan man để thấy rằng ông thầy người Pháp vĩ đại của chúng ta chính là cứu tinh, đã đưa chúng ta ra khỏi tối tăm đói khổ!!! Chính người Pháp đã khai hóa miền Nam, đã đưa xuất khẩu gạo tăng vọt mỗi năm. Xin lỗi quí vị tôi mệt quá không tra cứu năm nào người Pháp đưa máy xay lúa vào hoạt động. Không biết người Hoa lập chành gạo với những cối xay lớn hai, rồi bốn, rồi tám người xay vào những năm nào?

Nhưng tôi nhấn mạnh là năm 1915 người Pháp đào kinh ở Trung Nam Bộ, năm 1930 người Pháp đào kinh ở Tây Nam Bộ, rồi những tàu xáng múc lớn thì miền Nam đã trở thành Thiên Đường Hạ Giới!
Những nơi trù mật lúc đầu ở giao điểm của những con sông con kinh, sau mới dời ra giao lộ những con đường.
Lúc đầu đặt tỉnh Bắc Trang ở phía bắc sông Hâu, sau mới dời xuống ở chỗ Sóc Trang ngày nay. Cần Thơ lúc đầu ở Cái Vồn sau mới dời xuống Cái Răng, sau nữa mới tới chỗ Cần Thơ ngày nay. Câu ca
Cái Răng, Vàm Xáng, Ba Láng, Phong Điền
Anh thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng làm thố lộ láng giềng cười em
Cho ta thấy sự rủng rỉnh tiền bạc của những ngả ba, ngã tư, ngã năm, ngã bảy sông!
Cái hải cảng Mỹ Thạnh ở Sóc Trang nằm trên sông Mỹ Thạnh. Mỹ Thạnh có lẽ là con sông duy nhứt ở miền Tây đổ nước ra biển. Các sông ở Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, người Pháp gọi là các con sông “phát nguyên từ biển“. Phía trên, ngoài con sông Mỹ Thạnh, các con rạch ở Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ đều là những con rạch nhỏ xíu đổ vào sông Hậu! Chúng nó chẳng liên hệ gì với những con sông phát nguyên từ biển ở phía Nam.

Tôi lại xin lỗi quí vị một lần nữa về hoạt động rầm rộ của cảng Mỹ Thạnh là từ năm nào tới năm nào? Chỉ biết rằng nó xuất khẩu gạo đứng thứ nhì, chỉ sau sài Gòn.
Chính cái thừa gạo xuất khẩu này, mà đồng bằng sông Cửu Long đã giúp ích rất nhiều cho các nơi khác. Như Cô Tư Hồng ở miền Bắc, bà Ba Ngỡi (Nghĩa) ở miền Nam đã bỏ tiền mua lúa gạo, làm từ thiện, giúp đỡ các nơi khác!

Còn trận đói năm 1945, mà nhiều nhà viết sử đổ lỗi hết cho người Nhật và người Pháp. Thật ra thủ phạm chính là Mỹ đã oanh tạc các tầu vận tải chở lương thực ra Bắc, và các ông ba Tầu gian thương, ém lúa gạo, chờ lên giá. Người ta cũng kể các tòng phạm khác là Nhật, Pháp và những người du kích. Pháp thì vô can rồi vì hắn chỉ là bù nhìn thôi, còn chút quyền hành gì đâu! Còn mấy ông du kích kiếm gạo đem vào các chiến khu tính kế kháng chiến lâu dài, tôi nghĩ cũng có, nhưng không nhiều. Mắc cười nhất là mấy ông con cháu Thái Dương Thần Nữ. Dĩ nhiên là mấy ông có thu gom lúa gạo, kể cả các thực phẩm khác để cung cấp cho thị trường mênh mông Đông Nam Á. Nhưng tôi cười mấy ông ái quốc, mấy ông du kích tuyên truyền bậy rằng Nhật thiếu than, dầu để chạy máy nên đã đốt lúa để chạy máy! Ôi! Nếu mấy ông tuyên truyền này đốt lúa mà cháy được chắc tôi phải đi ngược. Tôi xin nói nhỏ thôi (nhỏ thôi vì sợ bị quy chụp là phản tuyên truyền, phản động) là người ta đốt trấu đấy! Mấy ông mắt quáng gà hay mắt toét viền chỉ đỏ nhìn ra là thóc thôi! Hay là mấy ông thấy dân ngu quá cứ tuyên truyền kiểu đó đo…. đã chết thằng Tây nào (!). Thực ra thì lúc đó là giai đoạn cuối trận chiến rồi. Từ sau trận chiến ở biển San Hô, người Mỹ đã áp sát biển Đông và làm chủ không phận. Một trí thúc thứ thiệt của Nhật tất biết chắc là Nhật sẽ thua! Mà ngay cả các tướng lãnh của Nhật, rất cứng cỏi vì phải theo lệnh của Thiên Hoàng, theo lệnh của thủ tướng ToGo. nhưng trong thâm tâm thì đã sửa soạn… mổ bụng (harakiri). Thật là oan ơi ông Địa cho Nhật, và thật là bùi ngùi cho dân Đồng Bằng Sông Cửu Long ngồi trên núi của mà đành nhìn bà con mình ngoài Bắc chết đói!

Cái con sông Mỹ Thạnh không được kể là một trong chín con rồng! Cửa sông Hậu chỉ có hai chứ nào có ba! Ở giữa là cù lao Dung, hai bên là hai cửa Định An, Ba Thắc. Cửa phía Nam có người gọi là Bassac (Ba Thắc), Hậu Giang, Trần Đề (Chanh Đề) chỉ là đặt tên bậy bạ. Rồi có người đếm hoài không đủ 9 nên kéo luôn cái ông Mỹ Thạnh này vào cho đủ số (trên kia tôi đã nói rồi, sông Mỹ Thạnh không dính dáng gì tới sông Cửu Long, nó phát nguyên từ Sóc Trang, đổ thẳng ra biển. Sự thật thì chẳng có 9 con rồng linh thiêng nào mà Cửu Long có thể xuất xứ từ Kroong chăng?

Cái vùng ngày nay gọi là Đồng Tháp Mười là mới có tên sau này. Khi người Pháp tới thì ở đây không một bóng người. Bản đồ người Pháp ghi là Plaine de joncs vắt dài suốt từ vùng Cái Dầu Châu Đốc cho tới Đức Hoà, Đức Huệ - Tân An. Plaine de joncs có nghĩa là chỉ có cỏ bàng và lác thôi… không có gì… ăn được!!!

Trước khi người Pháp ra đi, tỉnh Sa Đéc vắt qua Cái Bè, tỉnh Long Xuyên vắt từ Long Xuyên qua Chợ Mới qua Bắc sông Tiền, tỉnh Châu Đốc vắt ngang từ Châu Đốc qua Tân Châu, Hồng Ngự… Sau này ông Diệm đặt lại tỉnh mới có Kiến Tường, Kiến Phong, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc. Chắc chẳng mấy người được đọc cái bản đồ đó!
Phía Nam sông Hậu: vùng phía Nam của Châu Đốc, Cái Dầu người ta gọi là Láng Linh, ngập nước, là Quang Đàng Chi Địa (Hoang Nhàn Nê Địa). Cái vùng sau này là Chương Thiện của ông Diệm cũng mịt mùng rừng rậm, đi mút chỉ cá tha không gặp người ta. Còn vùng Cà Mau thì… ố la la, thật là huyền sử thi cho những người trốn tránh! Có tỉnh có quận nào đâu cho các cụ ngồi đó mà mơ!!! Mãi tới 1945 người Pháp chưa hề đặt tỉnh hay quận! Nó không phải là một quận của Bạc Liêu! Cái bán đảo huyền bí này người Pháp gọi là Đặc Khu. Cái ông Đặc Khu Trưởng này ở tận bên Pháp. Một năm ông ta tới Sài Gòn một lần, đợi mấy ông cai tổng ở Cà Mau lên nộp thuế… rồi ông ta… về Pháp… chơi!!! Cho nên tôi kết luận rằng chính người Pháp đã hoàn thành… cuộc Nam Tiến cho người Việt.
Trong khói sóng mênh mang
Có bóng người di cư
Từ bên này sông Tiền
Sang bên kia sông Hậu
Mang cây độc huyền cầm
Điệu thơ Lục Vân Tiên

Tôi xin lưu ý qui‎ vị là không phải tập thơ, câu thơ mà là điệu thơ (!) Phải chăng điệu thơ lục bát lần đầu tiên vượt sông qua miền Hậu Giang? Phải chăng người Việt lần đầu tiên vượt sông xuống miền Tây???

Khi người Pháp đem dân Thái Bình (nhân mãn) xuống vùng Nam Thái sơn (còn gọi là vùng Tri Tôn, Hòn Đất sau này) thì chung quanh chỉ toàn là người Miên. Người di cư thiếu thốn trăm đường (mặc dù được giúp đỡ trâu bò, leng, cuốc) dĩ nhiên thiếu ông thầy lang và tiệm thuốc Bắc! Người Bắc Kỳ và một số người Hoa mỗi khi đau yếu lại mời mấy ông thầy bùa người Miên tới… làm phép.
Trước đó thì người Pháp đem một số người Hoa tới Hòn Chông để trồng tiêu. Tôi nhấn mạnh: ở Hòn Chông chớ không phài chỗ thị xã Hà Tiên ngày nay! Sau này nghề trồng tiêu mới từ từ Tây Tiến tới vùng Mỹ Đức Dương Hòa của Hà Tiên sau này. Đọc Trương Vĩnh Kí và các tác giả cùng thời ta chỉ thấy ghi năm ba sóc Miên ở đây! Không hề có một tài liệu nào ghi tên các xóm, ấp, thôn, xã, tổng của người Việt và cũng không hề có địa danh ghi bằng Hán Tự.
Mãi đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 này mà tôi vẫn thấy vào mùa nắng những chiếc xe đạp treo tòn ten những chiếc can 20 lít đi mười cây số lên phía Bắc để kiếm nước ngọt. Những địa danh mà Trương Vĩnh Kí ghi không biết của người Miên hay người Trà? Xưa có lẽ người Miên bò lết lên phía Bắc, phía dãy Tà Lơn để kiếm nước, còn người trà hải tặc thì ra các đảo để kiếm nước (?)

Năm 1855 người Pháp nói rằng hầu hết đất rạch Giá đều là bỏ hoang. Còn Hà Tiên thì đặt, bỏ, đặt… Năm 1892 chính thức đặt lại tỉnh Hà Tiên (Theo tôi nó không ở chỗ mà người Pháp đặt trước đó). Năm 1914 người Pháp ghi 480 mẫu (hecta) người Việt ghi hơn 1000 mẫu (mẫu ta), dĩ nhiên những cây lương thực khác… và tiêu, muối nhiều hơn lúa gạo và nhờ trời mưa là chính chứ không có nước ngọt. Nhân khẩu gồm người Miên là chính, và gồm cả người Pháp và mã tà, lính tập thì khoảng 5000 người. Với tình trạng nhân khẩu như thế (nhất là nhân khẩu Việt là những người có thể cung cấp lúa gạo), với tình trạng nước nôi như thế, với tình trạng giao thông như thế mà bảo Hà Tiên trước kia là một trọng Trấn có hàng chục ngàn binh lính thì ai mà tin được.

Mãi tới 1960 tôi đi từ Rạch Giá tới Hà Tiên thì thấy hai bên đường hoang vu ngút ngàn! Tôi thấy rằng trước khi người Pháp đào kinh Rạch Giá – Hà Tiên, trước khi người Pháp đắp con lô bên sông ( sau này là quốc lộ 80 ) thì đất bên trong con lộ cũng ngập tràn nước mặn! Tôi đã tới Hà Tiên, quần đi đảo lại xem xét ít nhất là 20 lần.. Dụi mắt 7 lần nhìn đỏ con mắt có thấy vết tích cái Lư Khê nào đâu! Chỉ thấy lờ mờ một cái khe rất nhỏ, rất ngắn, không thể có nước dù là đang mùa mưa!!! Chỗ đó không thể cho người ta ngồi câu cá thơ mộng được, và vùng này cũng chẳng có nhiều cá Vược ngon đâu!!!

Ông Trương Minh Đạt gần đây có viết một cuốn khảo về Hà Tiên, rất công phu, kỹ lưỡng và khoa học, nhưng có ai thèm đọc đâu! Ông Đạt là một người vô danh tiểu tốt (theo ý nghĩ của những người chỉ trọng danh hão) làm sao so sánh được với cụ Đông Hồ, một Đại Thi Hào và đã từng dạy ở Đại Học Văn Khoa! Thế mới biết trên văn đàn cũng như trên thương trường, người ta rất cần Xây Dựng Một Thương Hiệu!!! Vâng! Tôi nói cụ Đông Hồ (một người tôi trọng như cha, chú, bậc thầy) chỉ có danh hão thôi. Cụ đã mạo tác rất nhiều về Hà Tiên và Chiêu Anh Các, Thụ Đức Hiên… Một người phiêu lưu như Mạc Thiên Tứ sao nỡ coi như vua Hải Quốc. Vâng! Chỉ có vua mới có Thụ Đức Hiên!!! Những chuyện liên hệ với tên Trần Hải Thuỷ ở Quảng Đông mà đáng tin sao? Những bài thơ truyền là của Mạc Thiên Tứ với những bài thơ trên tường của đền thờ Mạc Cửu có trùng khớp với nhau dâu! chữ nghĩa của những bài thơ trên tường lung tung sai bét, rõ ra người ít học, và hàng chục điều nữa khiến người ta nghi ngờ mà không giải được.

Cụ Đông Hồ cũng mạo tác, tưởng tượng nhiều về chuyện Nguyễn trung Trực. Bài thơ truyền là của cụ Huỳnh Mẫn Đạt nói về Kiên Giang Lũy. Lũy không thể là thành, luỹ không thể xây bằng gạch (?). Chính tài liệu của người Pháp nói các Inspecteur hồi đó đóng đồn nổi trên sông! Cái đồn nổi trên sông của ông Inspecteur Kiên Giang không thể ở chỗ cái thành gạch ở thị xã rạch Giá sau này! Người Pháp nếu bắn chết thủ lãnh nghĩa quân, lấy được xác, hoặc bắt sống thì họ chặt đầu rồi treo ở đầu thuyền đem đi rao , chứ họ không dư hơi mà đem ra xét xử. Cái biên bản hỏi cung và xét xử cụ Quản Lịch là cụ Đông Hồ mạo tác đấy. Nhiều người muốn tiếp cận tài liệu này thì nhiều năm sau cụ Đông Hồ mới trả lời là cụ đọc ở Tổng Thư Viện Quốc Gia (Thư viện đường Gia Long) và khoảng 1965 cụ tìm lại thì biên bản đó mất rồi (?). Cụ Đông Hồ há không biết rằng sau vụ Quản Lịch mấy chục năm người Pháp mới lập toà án ở Sài gòn, và nhiều năm sau nữa mới có ở các tỉnh! Ở vùng Cần Lố, Mỹ Trà gần Cao Lành có chỗ gọi là Trường Án. Các nhà khảo cứu tay mơ nói rằng xưa người Pháp xây tòa án ở đó!!! Thưc ra thì dân gian người ta gọi chỗ bắn người là Trường Án! Lúc đó người Pháp bắn người rồi đẩy đại xuống sông chứ nào cho chôn cất!

Trên đây là tôi nói về Chính Trị. Khi người Pháp tới thì họ rất là tàn ác, đểu cáng, lật lọng. Những vụ Phan Thanh Giản, Trương Định, Quản Lịch, Thủ Khoa Huân cho ta thấy điều đó! Họ chỉ đàng hoàng, đối xử có vẻ văn minh vào khoảng năm bẩy chục năm sau thôi. Nhưng về kinh tế họ không bóc lột “tận xương tuỷ“ không “vắt cổ chày ra nước“ như nhiều người viết đâu. Bởi dân có làm ăn được thì họ mới có tiền đóng thuế chứ!

Người Pháp đào kinh, lập sở đồn điền, trồng cao su, lập khu khai thác mỏ than Hòn Gay, Cẩm Phả tuy là kiếm lợi lớn nhưng chắc chắn họ cũng nghĩ rằng cái này làm cho kinh tế phát triển, có việc làm cho dân nghèo và dân Việt phải biết ơn họ (!). Một vài vụ như Ninh Thạnh Lợi (Rạc Giá ), cánh đồng Nọc Nạn (Bạc Liêu) chỉ là một vài tên cường hào núp bóng quan Tây, chiếm ruộng của dân. Chính người Pháp cho đem vụ Nọc Nạn ra toà, có luật sư Pháp từ Paris tới đứng ra bênh vực cho nạn nhân, và ông luật sư này đã đả kích chính quyền Đông Dương, coi đây như một điều ô nhục của luật pháp Đông Dương và ngành luật nước Đại Pháp! Những phu đồn điền cao su và phu mỏ ở Hòn Gay không bị người Pháp đối xử thậm tệ, trái lại đồng lương của họ so với việc cày thuê cuốc mướn ở quê nhà thì cao hơn nhiều! Những người này sống không ra gì chỉ vì họ nhớ cha mẹ, mồ mả tổ tiên… buồn quá nên uống rượu và hút xách…!

Nói đến chuyện khai hoang ở miền Tây, chuyện đưa đồng bằng sông Cửu Long trở nên trù phú, không thể quên công lao của người Minh Huơng, người Hoa.
Tôi không phải người kỳ thị! Nhưng tôi phủ nhận các ông Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình, những tên phiêu lưu muốn xưng hùng xưng bá. Tôi phủ nhận cha con Mạc Cửu, Thiên Tứ, những tên tầu ô, cướp bóc, chứa bạc. Nghe cách đặt tên con của những tụi có chí lớn này ta đã thấy phát ghét rồi: Trần Đại Định, Hồ Huân Nghiệp… thật là chướng tai! Tôi rất ghét tụi Xô Vanh tô vẽ chuyện Trịnh Hòa đem binh thuyền đi cảm hóa và gieo rắc văn minh Trung Hoa (!) xuống các nước Đông Nam Á… và còn tới tận Ấn Độ… Đông Phi Châu!!! Các học giả Âu Mỹ đã bác bỏ chuyện Trịnh Hoà này rồi! Tôi xin nhấn mạnh cái ông Bổn hay ông Bổn Đầu Công mà người ta thờ ở đây chẳng dính dáng gì tới cái tên Trịnh Hòa Trịnh Hèo kia! Có nơi người ta còn gọi là ông Bổn Đầu Sông! Ôi! Cái ông Bổn Đầu Sông này đã đóng góp công lao to lớn cho công cuộc khai hoang. Người khai hoang thường là người nghèo, chỉ có hai bàn tay trắng với thăng dực rựa, vào vùng sâu, vùng xa, ít ra thị tứ. Cái ông Bổn đầu sông này đã bán cho người ta đủ thứ: dao, kéo, cuốc leng, bát đĩa, kim chỉ, trà đường, thuốc rê … đặc biệt là mấy ông ghé xuồng tới tận nhà, bán thiếu, tới mùa mới trả bằng lúa. Rồi mấy ông lại đem lúa đi bán, lời thêm tầng nữa. Người ta tính lời cho họ trước hết chứ có nhân đạo, làm từ thiện gì đâu. Nhưng thuận mua vừa bán, thật là tiện lợi! Thật là một sự Công Sinh tuyệt vời!!!

Sau này miền Tây trù phú rồi thì cũng chính là các Chú Ba, Anh Ba mở tiệm ở chợ xã, chợ huyện… đây chính là những người làm ăn dễ thương, trung hậu, tín nghĩa. Đa số là người Tiều nên những người Việt sau này vẫn xài ngôn ngữ của họ: Hên xui là may rủi (Hưng Suy) Khui là mở (khai) Bế là gói, đóng lại; bán xa cạ là bán hàng tốt xấu đồng giá (như bán Son ở Sài gòn). Trong các đức tính của người Hoa tôi nhấn mạnh hai chữ Tín Nghĩa. Đã nhận giao hàng số lượng, giá cả, thời gian… là phải giao đúng như đinh đóng cột, không mè nheo đòi tăng giá vì giá đang lên cao, không đánh tháo, dù có bị lỗ vì sau đó phải mua vào giá cao! Câu cửa miệng của người ta là: “Khi này khi khác “. Vì kỳ này mình huề vốn hoặc lỗ, nhưng trước đây mình đã từng ăn lời người ta, và sau này mình còn ăn lời người ta nữa vì cái tín nghĩa của mình đã được người ta khâm phục, kính trọng! Ôi! Người Hoa đã đóng góp lớn vào vào cuộc khai hoang, và còn mãi mãi là người thầy Việt Nam trên thương trường (không kể các Đại Gian Thương người Hoa ở Chợ Lớn sau này)

Còn việc mở mang dân trí, việc xây trường học! Thử ngẫm lại coi! Cái mà chúng ta đang học ngày nay: Toán, lí hoá vạn vật… là người Pháp đem lại chứ ai! Ta đang học Khổng Tử viết, Mạnh Tử viết… làm sao một sớm một chiều mở trường tiểu học, trung học, y khoa, luật khoa! Thực là tức cười khi gần 100 năm sau ông Trường Chinh còn viết: Chữ Quốc ngữ là chữ Cố đạo đặt ra để truyền đạo, tụi thực dân lấy làm công cụ để cai trị Việt Nam. Ông ta đề nghị trở lại học chữ Nho! Viết như thế mà cũng được sao? Chắc các đệ tử của ông thấy không ăn khách nên không nhắc đến bài đó nữa!

Nếu không có người Pháp thì ta đâu hiểu con vi trùng là con gì, chủng đậu để làm gì?. Không có người Pháp dậy ta dùng xà bông, kem đánh răng, khăn mặt … thì ta vẫn rửa mặt như mèo và người đầy ghẻ lở, chấy rận và còn… mùi hôi! Người ta làm đồng cũng vẫn hãy còn lây tay bụm nước ruộng, lấy nón rách vục nước ruộng lên uống (!). Chính mắt tôi đã thấy người ta đi đại tiện xong, để quần ngang gối, không đứng lên mà đi cà xàng như cóc, lết ra bờ ao, bờ ruộng để rửa đít!!! Chính mắt tôi thấy bà mẹ xi đứa con ỉa ngoài hàng hiên rồi gọi chó tới dọn giùm, nhiều khi bà để cho tiện, gọi chó chỉ đít con cho chó liếm đít con luôn cho khỏi phải rửa (Ôi! mùa Đông, đống phân trẻ bốc khói thì chắc mấy chú cẩu khoái món nóng sốt này quá!). Tôi xin thề trước bóng đèn tu‎p 40 watt những điều tôi vừa kể là toàn sự thật, không có bôi bác bịa đặt gì cả!

Ôi! Ông thầy Pháp vĩ đại của chúng ta, đã dậy chúng ta rất nhiều điều hữu ích, tiến bộ! đã mở mang phát triển kinh tế, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, người Pháp đã dắt chúng ta những bước đi kỳ diệu, những bước đi hia bẩy dặm!

Nhưng khi người Pháp dạy chúng ta dân chủ, những tư tưởng của Jean Jacques Rousseau, Montesquieu thì ta hấp thụ rất mau và đây là con dao hai lưỡi, ta sẽ dùng đâm người Pháp sau này khi họ nói một đàng làm một nẻo.
Khi bên Pháp có mặt trận bình dân. Một quan Pháp được kính cẩn chào đón, đã vỗ ngực nói lớn: Thưa ngài tôi là một người Bình Dân, Thì ta đã giác ngộ, không còn coi người Pháp là chủ, ta là cu ly. Không còn cảnh một cụ Lí Trưởng ra thành phố, bị một ông Tây vẫy: Ê! Cu ly! Cu Ly. Cụ Lí Trưởng hớn hở: Ố, Tây nó thông minh thật, mình vừa mới ở quê ra mà nó đã biết mình là Cụ Lí! Học sinh ta và học sinh Tây đã chơi với nhau rất thân ái, bình đẳng. Thằng Việt nói: “Mày cứ khoe văn minh, đi tắm biển mà mặc cái slip bé tí teo, chìa cả râu ria ra!“. Thằng Tây đáp lại: Tụi tao lòi râu ria ra còn hơn tụi mày mặc cái quần đùi (xà lỏn), khi đi khi chạy nó cứ vắt vẻo, vắt vẻo! Thế rồi hai thằng bá vai nhau cười xòa, chẳng biết dân nào văn minh hơn!. Ở một Công Sở miền Nam, một nhân viên nhậu ở cửa hàng với một xếp Tây. Khi đã quá say, thằng Việt ép thằng Tây uống tiếp không được, bèn lấy chai rượu đổ lên đầu thằng Tây. Hôm sau vào sở, thằng Việt nhìn thằng Tây rón rén sợ hãi. Thằng Tây nói: Nếu ở công sở mày làm thế tao bắn mày vì mày làm loạn công sở. Còn ở quán rượu thì bình đẳng, tao trả thù mày tao sẽ không xứng đáng là dân nước Pháp văn minh, dân chủ! Có lẽ tôi không thiên vị khi nói rằng đồng bằng Cửu Long có tinh thần dân chủ hơn miền Trung, miền Bắc! Phải thì làm, không phải thỉ nghỉ, về làm ruộng lợi tức còn cao hơn lương công chức Pháp!

Sau thế chiến II, không hiểu là người Pháp luyến tiếc thời oanh liệt xưa kia hay “thua me gỡ bài cào“ muốn vơ vét để bù lại những thiệt hại đã qua! Nhưng… Người Pháp đã trót dậy người Việt là phải yêu nước, khi nước mất phải biết nhục… vùng lên giành độc lập. Như De Gaule đã kết tội Pétain phản quốc và lãnh đạo dân Pháp chống Đức.

Người Pháp đã trở lại Việt Nam. Nhưng họ đã lầm. Không những các chí sĩ, các nhà văn nhà báo, làm nghề tự do chống Pháp. Mà ngay cả các công chức trước kia, những người đã từng "Tối rượu Sâm Banh sáng sữa bò", những người đã từng thân thiết với Pháp, chơi bài Tây, chơi quần vợt, xem đua ngựa sẵn sàng hô hào con em chống Pháp, và bản thân cũng sẵn sàng cầm súng bắn người Pháp!
Tôi lúc này còn bé, mới 11 tuổi. Nhưng nếu tôi đã trưởng thành, có bạn thân là người Pháp thì tôi sẽ ngâm Kiều cho anh ta nghe :
Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi
Người yêu ta xấu với người
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.

11-12-2015
Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 24 tháng 12.2015