banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

BẤT MÃN & TIẾN BỘ


Chân Diện Mục

Tôi đọc một tác giả trích dẫn Upanishad, nói Bất Mãn đưa tới Tiến Bộ! Hình như tôi có đọc sơ bản dịch Việt Upanishad, bản dịch Anh hay Pháp chưa đọc. Còn nguyên bản thì tôi không biết mặt mũi nó làm sao! Tôi cũng hơi nghi ngờ! Làm sao mấy ngàn năm trước mà Ân Độ văn minh đến thế! Cứ cho là như thế đi, vì ông bạn Ấn Độ đã nổi tiếng là có nền văn minh lâu đời mà! Ông bạn phương Bắc mấy ngàn năm trước đã sản sinh ra nhà văn vĩ đại Tư Mã Thiên đó sao! Chính vì cái ông Tư Mã này đã rất “Bất Mãn“ nên mới để lại cho đời tác phẩm “Sử Kí“ bất hủ đó!

Mấy ngàn năm qua, các tác giả lớn, các nhà lập thuyết lớn đều là những người không phục vua quan, không đồng ý với chính sách quân sự, chính trị, kinh tế đương thời, nên họ đã gửi tâm sự vào các tác phẩm lớn! Đã mày mò tìm kiếm một con đường mới khả dĩ… hay hơn con đường hiện hành (dĩ nhiên chẳng ai ưa con đường mới của Các Mác. Những con đường mới có vẻ khả thi như của Thương Ưởng, Vương Mãng, Vương an Thạch… còn thất bại nữa kìa!)
Thời xưa chưa có tác giả nào mang danh “Đối Lập“, chưa có tác giả nào tự xưng "Tranh Đấu“… Những tác giả của Tây Du Kí, nhất là tác giả của Thuỷ Hử hẳn phải của những người Bất Mãn kinh niên, Bất Mãn cùng mình!!!
Sau này ta còn thấy “Nho Lâm Ngoại Sử, Quan Trường Hiện Hình Kí “ và Những Hiện Trạng Quái Dị Hai Mươi Năm Gần Đây (Nhị Thập Niên…) đều là tả những cảnh xã hội khiến người t … “Bất Mãn"…

Trở về Việt Nam thân yêu của chúng ta. Cụ Nguyễn Dữ, chắc chắn chán thời cuối Lê nên mới viết “Câu chuyện ở đền Hạng Võ“. Sống ở thời phong kiến, cụ không dám viết trái với đa số viết Lưu Bang chính nghĩa. Nhưng những tranh luận qua lại hai phe cho ta thấy những lời chê trách Lưu Bang không ít… và… cái người chính nghĩa không hơn cái người phi nghĩa bao nhiêu…!
Cụ Nguyễn Du hẳn là chán thời cuối Lê, Tây Sơn… mà nhân vật Từ Hải ra đời.
Hội Thăng Bình của Nguyễn Khuyến, những bài thơ trào phúng của Trần Tế Xương là những bài tác giả làm khi không chịu nổi những cảnh lố lăng, dị hợm, hãnh tiến…
Nguyễn công Trứ cho ra đời những bài Cách ở Đời là cụ không ưng ý cái xã hội “Thịnh Nguyễn“ mà nhiều người ca tụng là đang vươn lên (?)
Ngay cả hai anh em nhà thơ Cung Đình : Tùng Thiện Vương và Mai Am công chúa cũng không vừa lòng với chuyện cung đình và chuyện thời đó nên hai người đã có những bài ca ngợi các chiến sĩ chống Pháp ở miền Nam.

Khi nền Tân Học phát triển, ta thấy các thanh niên Tân Học đã bất mãn rất sớm. Những Đồ Phồn, Tú Mỡ rồi những Vũ trọng Phụng, Nam Cao đã phê phán xã hội nhiều vấn đề. Những vấn đề không vừa lòng trí thức, không hợp lòng dân, vẫn phải mổ xẻ để sửa chữa. Xuân Tóc Đỏ và Chí Phèo là hai nhân vật khiến người ta phải mắc cỡ cho cái xã hội đó. Hoàng Đạo bất mãn với chính sách cai trị thuộc địa của Pháp nên ông viết “Trước Vành Móng Ngựa" để diễu cái công lí của Pháp ở Đông Dương. Quan Tòa thật là ngớ ngẩn khi phán những cái án : “ba tháng một ngày nhà pha“.

Sau 1954, nếu khách quan thì người ta sẽ thấy Miền Bắc Bất Mãn nhiều hơn miền Nam. Phong Trào Nhân Văn đã cho ra : Lời Mẹ Dặn, Cũng Những Thằng Nịnh Hót… Hoàng Cầm viết : Em Bé Và Củ Khoai Lang. Em bé trần truồng ăn khoai lang cả vỏ trông rất thương, nhưng em là con Địa Chủ mà người ta dậy phải ghét, căm thù (!) Hoàng Cầm viết :
Giá ghét được em bé
Lòng thảnh thơi bao nhiêu.
Bùi quang Đoài viết chuyện tình của người sinh viên. Bị cán bộ hủ hóa, nói một đằng làm một nẻo, vì yêu cô nên trù dập cậu sinh viên đó.
Tạ Hữu Thiện đi tìm người yêu trong giới cán bộ, sinh viên, công nhân quét rác đổ thùng… nhưng không gặp ai cả :
Có phài em là người không bao giờ tôi gặp
Mới là người tôi ấp ủ trong tim.
Ông không gặp được người nào vì :
Em, người suốt đời tôi tìm gặp
Chỉ là người biết ghét biết yêu.

Những người trong nhóm này đã bị trù dập khốn khổ khốn nạn. Nhưng bài học họ để lại cho lớp sau thì quí giá vô cùng
Phan Khôi lúc đó đã lớn tuổi rồi mà ngòi bút vẫn sắc bén vô cùng. Người ta tranh luận không lại cụ, bèn phán rằng: Giấy mực đâu thừa mà phí phạm để cho ông ấy viết. Người ta đưa đề cho cụ viết bài, nhưng còn dặn dò nội dung cùng số trang, số chữ… khiến cụ bực mình la toáng lên: Ối cụ Nguyễn đình Chiểu ơi là cụ Nguyễn đình Chiểu ơi, bây giờ là thời đại nào mà còn :
Ở đây nào phải trường thi
Ra đề hạn vận một khi buộc ràng
Cụ Phan đã nóng mắt khi người ta phát giải văn chương quá dị hợm, không giống ai! Xuân Diệu ở trong ban giám khảo, phát giải thưởng cao cho mình (!) Một kiểu làm trơ trẽn, không biết nhục, thật thua xa ngày xưa, một vì quan được đề cử làm giám khảo, phải nộp đơn xin “hồi tỵ“ nếu có con em đi thi!
Phan Khôi bất mãn ngay từ trong gia đình. Cụ chỉ thần tượng ông ngoại mình là Hoàng Diệu, trong khi coi thường cha mình! Ông Năm Chuột là một người trong làng bị mọi người khinh bỉ, kể cả cha Phan Khôi, nên Phan Khôi “tức mình“ viết chuyện “khen“ ông Năm Chuột.
Thời Nhân Văn, nhiều người bất mãn với Phan Khôi, nhưng độc giả khách quan lại "Bất Mãn“ với những người “Bất Mãn“ đó… Thật đáng khen một người đã đến tuổi “chạng vạng“ rồi mà còn ánh lên nét đẹp “Nắng Chiều“.
Tới thời Đổi Mới, Cởi Trói, Mở Cửa… văn chương mạng đã phát triển rầm rộ! Tôi nào dám theo kịp các ông Hà Sĩ Phu, Nguyễn Quang A. Tên phụ tá phó thường dân này chỉ ngồi góc nhà, viết tào lao vui thôi!

10/2015
Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 24 tháng 12.2015