banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

U MẶC ĐẠI VƯƠNG

 chan dien muc
Chân Diện Mục

Người Tầu dùng chữ U Mặc để phiên âm chữ Iu Mơ của Anh Quốc. Người ta nói dân tộc nào có tinh thần U Mặc thì lạc quan, đáng sống? U Mặc cũng có những từ tương tự như Hoạt Kê, Khôi hài! Người Tầu cũng có nhiều như Lâm Ngữ Đường, Lỗ Tấn. Việt Nam cũng chẳng kém như Trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất… Nhưng nói chuyện cận, hiện đại… sướng hơn!

Tản Đà thì Ái Quốc, Ngông Nghênh … nhưng đôi khi giọng… đểu ra phết: Ông tả người đẹp đánh dậm, xắn quần quá đầu gối khiến:
Bác xã nhà đâu sốt ruột mong
Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương thì thơ hoạt kê nghe đầy tai rồi!
Đến như anh chàng Tú Kếu rất biết ơn trên vì được ăn ngô khoai thay cơm! Rồi ngạo cả ông Trời khi ông làm trọng tài cho trận đá banh giữa Adam và Eva! Adam làm bàn 1-0 mà coi lại thì Trọng Tài trốn từ lâu!!!
Diệu Thanh thì hỏi đùa ông Trời cắc cớ quá khiến ông cứng họng:
Bắt tôi trọn kiếp lưu đầy
Phải chăng Thượng Đế là tay cai tù
Tôi đọc thơ ngụ ngôn La Fon taine không khoái bằng đọc thơ Tú Mỡ! Khi ông hạ những câu xỏ xiên toàn quyền Đờ Cu thì tôi khoái chí tử:
Đô Đốc không thuyền nhớ biển khơi
Chiều chiều được vợ dắt đi chơi
Việc nhà việc nước trao cho Nhật
Cai trị An Nam thế đủ rồi
Cái ông Tế Nhị thật là rất tế nhị khi ông chửi mình chửi người! Một ông già nghèo đến nỗi bán cả bàn thờ:
Chợt nhớ bàn thờ đi tháng trước
Thôi đành lễ bái ở hàng ba
Ngắm nàng xuân thì:
Chợt một tiếng cười xen tiếng pháo
Nàng Xuân xuất hiện ốm lòi xương

Ông già đã nghèo xơ xác, nghèo rớt mồng tơi, nhưng vẫn chịu chơi một cách chẳng chịu chơi chút nào:
CHỊU CHƠI
Cũng muốn khoanh tay gác bút rồi
Nhưng đời đâu chịu để mình thôi
Khi nhà khảo cổ buôn nồi đất
Và bậc tôn sư bán chợ trời
Khi nữ danh ca rao bánh ngọt
Và nhà hội hoạ sạc bình hơi
Nghẹn ngào nhìn cảnh trâu hòa nhạc
Khi cóc bình thơ , khỉ dạy đời

Ông Bọ Lập viết Quê Choa bằng giọng tửng tửng, ngạo đời. Trong Xóm Gái Hoang ông ngạo cái hoang của những người lỡ thời, cười ra nước mắt! Những người không đáng sống và những người ham sống trong một xã hội nhí nhố, trong một xã hội quá tức cười! Trong Đa Phu thì có giọng chua cay, diễu cợt còn hơn… chửi!
Trong Bù Khú Tiên Sinh, Đào Hiếu viết chẳng ra bù khú, chẳng ra triết lí. Ông tả những hạng người muốn sống cho ra người, nhưng ông gặp toàn những người như Vi Tiểu Bảo! Muốn đạt đạo như thầy của Bù Khú Tiên Sinh… khó lắm thay!
Võ thị Hảo và Y Ban cũng viết với giọng hoạt kê ác liệt lắm…
Bậc thầy của văn luận chiến viết bài nào thì… một là người ta chửi, hai là người ta trốn!!! Phan viết Ông Năm Chuột, một người thợ bạc trong làng bị người ta rất ghét… nhưng Phan ca tụng cái khôn lanh và cũng biết điều của ông ta! Đúng là một chân dung đặc sắc! Phan có cách bỏ lửng câu một cách nhẹ nhàng, thú vị và … thấm! Trong cuộc tranh luận người ta nói giọng láo xược, cụ viết: Tôi lại im lặng, tôi im lặng là tôi nói nhiều rồi. Trong cuộc tranh luận, người ta nói cụ viết khó hiểu, mơ hồ… viết như thế là muốn vi dê ai? Cụ trả lời: Tôi đâu có tâm địa xỏ lá là viết cái gì cũng phài ám chỉ người khác. Trong một bận khác người ta than phiền rằng khó viết về ông lớn này, ông lớn nọ, cụ phang ngay: Mày không biết nó là cậu ông trời à?Người ta giao đề tài cho cụ, nhưng chỉ đạo phải viết như thế nào ? Bao nhiêu trang, bao nhiêu chữ… Cụ bèn gọi đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu lên mà mách: Ối cụ Đồ Chiểu ơi là cụ Đồ Chiểu ơi:
Ở đây nào phải trường thi
Ra đề hạn vận một khi buộc ràng
Một lần chấm điểm cho một tác phẩm (mà người ta cho là lớn). Người ta nịnh bợ thúi hoắc, nhưng cụ chê tràn, chẳng kiêng. Người ta hỏi sao cụ không thấy ưu điểm! Phải tìm cho ra ưu điểm chứ! Về nhà cụ viết lại: Người ta bắt tôi tìm ưu điểm của chị Cóc, nhưng tôi chỉ thấy chị ta da dẻ sần sùi… gớm ghiếc!!!
Xuân Sách cất công đi gặp Tôn Ngộ Không để phỏng vấn, ai ngờ hắn là một tên láo toét, vô tích sự. 72 phép thần thông của hắn sao bì với 1000 phép biến hóa không ngờ của ngày nay: Người ta biến bị cáo thành luật sư, thành quan toà… Chán quá Xuân Sách vẽ chân dung các nhà văn cho… đỡ buồn:

TÚ MỠ
… Tưởng cụ vẫn bơi giòng nước ngược
Ai ngờ trở gió lại về xuôi

HOÀI THANH
Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời còn lại vị người ngồi trên …

CHÍNH HỮU
…Trăng còn một mảnh treo đầu súng
Cái ghế quan trường giết chết thơ

NGÔ TẤT TỐ
… Việc làng việc nước là như vậy
Tối lửa cho nên phải tắt đèn

LƯU TRỌNG LƯ
…Con nai vờ ngơ ngác
Nó ca bài cải lương

HUY CẬN
…Tôi hát chiến tranh như trẩy hội
Không nên xấu hổ khi nói dối…

VŨ TRỌNG PHỤNG
…Còn để lại những thằng Xuân Tóc Đỏ
Vẫn nghênh ngang cho đến tận bây giờ

TỐ HỮU
…Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường hoa ở đây

Ông Hà Sĩ Phu có phải phu gánh đất đắp bờ sông Hồng Hà chống lũ lụt chăng ? Chống không nổi nên ông trở thành một kẻ U MẶC.Bài thơ vịnh Trí Phú Địa Hào của ông quá hài hước. Ông muốn chạy theo Phú Địa Hào mà không kịp mặc dủ ba ông này đã bụng phệ rồi! Bài Văn Hóa Chửi của ông mượn lời một bà rủa mất gà là một văn hóa rất đặc thù của ta, còn hay hơn cả “ Tau Chửi “ của Trần Vàng Sao!
Hà Sĩ Phu cũng rất thích chơi chữ kiểu câu đối. Câu đối tết mà như thế này thì … quá siêu rồi:
Thân tàn chưa hết trò con khỉ
Dậu nát cò che đám cỏ gà
Câu đối này của ông:
Thầy giáo tháo giầy, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo
Được một người bạn đối lại rất hay:
Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhoà cả hương, lĩnh lương hưu lưu hương
Một câu đối khác của ông:
Xuân đến tàn canh dần sẽ sáng
Được một thi hữu đối lại:
Ngực vừa cởi giáo tí càng thơm
Thật làm người ta cười bể bụng!
Nhưng câu sau đây hình như chưa có ai đối lại cho hay:
Nhân Quyền đâu phải Hổ Quyền, trói đối thủ lại giữ quyền thách đấu.

Nhân dịp cuối năm, tôi xin mạn phép phong các vị: Phan Khôi, Tế Nhị, Xuân Sách, Hà Sĩ Phu là U MẶC ĐẠI VƯƠNG!

Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 25 tháng 02.2017