DÒNG SAINT-LAURENT CỦA RIÊNG TÔI

Võ Kỳ Điền


Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương*

Em yêu,
Sáng nay cũng như mọi ngày, anh đi dọc theo bờ sông như thường lệ. Như một cách thể thao giúp cho thân thể hoạt động điều hòa. Ngày nào mưa gió bão bùng không đi lại được, anh cảm thấy mình có lỗi với bản thân. Tấm thân già nua, yếu ớt, nhiều bịnh hoạn. Trời đã vào đông nên khá lạnh, mười độ âm chứ ít gì, gió rét thổi từng cơn, gào thét phần phật, cả không gian lạnh buốt. Mặt nước vẫn trôi theo nhịp lững lờ, vì mới vào đầu mùa lạnh nên nước chưa kịp đóng băng, chỗ nầy dòng sông lớn rộng mênh mông bị tách đôi ra hai ngã, có nổi lên một hòn đảo nhỏ dài sọc nằm ở giữa, trên đó lố nhố một rặng bạch dương dài trụi lá, chỉ còn trơ những cành khô khốc xám ngoét đưa lên trời cao. Cũng thời là gió thổi, nhưng gió bên nầy sông khiến người ta tê tái hơn gió trên đường phố.
Em yêu, tuy cảnh vật buồn bã thê lương nhất là hiu quạnh như vậy nhưng anh có cảm thấy lạnh lẽo chút nào đâu. Bộ đồ mùa đông, chiếc khăn len quàng cổ cùng đôi găng tay đã giúp anh sưởi ấm toàn thân. Có phải vậy không, em yêu? Phải rồi nhưng nếu như vậy thì chỉ đúng có phân nữa. Cái gì đã khiến anh quên những cơn gió phần phật, những đợt lạnh buốt thịt da, tê tái, cái gì đã khiến anh quên hết những cảnh vật thê lương mà đi những bước chân nhịp nhàng, khoan thai, ung dung nhàn hạ như một khách lãng du sáng nay, bên cạnh bờ sông mênh mông nầy.

Em yêu, đó là câu nói em đã rủ rỉ bên tai, như một yêu thương, như một vỗ về. Từng tiếng, từng tiếng ngọt ngào mà lần đầu tiên trong đời anh mới được nghe. Nghe như trong giấc chiêm bao mộng mị. Đến bây giờ anh không biết đâu là thật, đâu là mộng. Vừa đi vừa nhớ tới em, hình ảnh em tràn ngập trong đầu, trong mắt, trong tim, nhớ tới câu nói em đêm qua khiến anh muốn ngộp thở. Đã từ lâu rồi, lòng anh trở nên nguội lạnh như đống tro tàn. Tại sao bây giờ yêu em, nhịp đập tim lại rộn ràng như vậy, thiệt tình anh không giải nghĩa được.
Anh nhớ từng chữ, từng câu trong một giây phút xúc động, em đã thỏ thẻ bên tai như vầy:
- Một ngày nào đó, em sẽ rất vui và hạnh phúc, cùng anh đi dọc theo bờ sông sau nhà mà anh thường tả cho em nghe, hai đứa mình cùng tay trong tay chiêm ngắm dòng nước lững lờ trôi chầm chậm phía dưới, dòng Saint-Laurent mà anh từng mến yêu và ca ngợi, em ở một nơi quá xa xôi nên chưa biết được nét nên thơ của nó như thế nào. Em ước mơ sẽ có một ngày cùng anh nhìn ngắm nó, bởi vì em tưởng tượng nó êm ái dịu dàng thơ mộng như mối tình của chúng ta. Anh yêu của em, em đã từng nói với anh, yêu anh em nguyện sẽ yêu tất cả những gì của anh và có liên quan đến anh, bằng tất cả con tim và tấm lòng.
Từng lời từng lời như mật ngọt em thỏ thẻ bên tai, trước mắt anh dòng Saint-Laurent không chảy nữa. Anh nhìn thấy dưới mặt nước trong xanh, khuôn mặt đẹp đẽ yêu kiều của em nhìn anh mỉm cười. Không phải chỉ có mặt nước của dòng sông, mà bên vách đá anh cũng thấy em, trong công viên ghế đá anh cũng thấy em và hình ảnh em đầy trong mắt, trong tim. Em yêu, trời ơi, sao mà em xinh tươi, đẹp đẽ, kiều diễm, duyên dáng, dễ thương tới như vậy.
- Ờ, ờ, sẽ có một ngày anh dìu em đi dọc bờ sông thơ mộng nầy, em yêu của anh. Anh sẽ rất hạnh phúc, run rẩy ôm em trong tay cùng ngắm dòng nước chảy xuôi và nhắc lại cho em nghe câu nói trứ danh của Đức Khổng: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ!”. Anh đoán khi nói ra câu nầy thì Ngài chắc cũng đang cặp tay cùng người yêu mà ngắm dòng nước rồi buột miệng mà than: -chảy hoài như thế nầy sao, đêm ngày không nghỉ.
Em biết tại sao không, có lẽ lúc đó Ngài đã lớn tuổi rồi, mà người yêu còn quá trẻ đẹp như em bây giờ. Rồi ngày qua ngày, dòng nước chảy không ngừng nghỉ một giây một phút nào. Hình tượng dòng nước chảy xuôi ra biển, có khác gì thời gian lần lượt qua dần rồi biến mất hút. Rồi đến một ngày nào đó, chuyện tang thương dâu bể xảy ra, biết phải làm sao được. Ngài đã thở dài mà ngậm ngùi cho dòng nước, mà cũng là dòng đời, của một kiếp người. Thời gian quả rất khắc nghiệt và nhất là vô tình. Nó không hề thiên vị bất cứ một ai...
 Rồi bỗng dưng em ngậm ngùi nói tiếp, nghe xong tim anh muốn ngừng đập.. Em đã nói trong hơi thở:
- Thế nào em cũng phải qua một lần để được cùng anh ngắm dòng sông thương yêu nầy. Để rồi một ngày xa xôi nào đó, em sẽ đi dọc theo bờ sông nầy,... trơ trọi một mình, mà nhớ tới anh.
Giọng em chùng xuống và nghẹn ngào. Nghe em nói xong, anh đã khóc như chưa từng được khóc. Sáng nay anh đã nhớ đoạn tâm sự nầy. Đoạn đường trước mặt hình như dài hơn mọi bận. Nước mắt anh nhòe nhoẹt đầy mặt và anh nhìn thấy hàng bạch dương bên kia bờ mờ mờ ảo ảo, cố đưa lên trời những cánh tay khẳng kheo, như bám víu một hy vọng hão huyền nào đó giữa cảnh trời đông thê lương...

Em yêu, anh rất thương em. Và trong kiếp nầy khó khăn lắm, anh mới tìm thấy tri kỷ đời mình. Còn hạnh phúc nào hơn nữa, còn ước mơ nào đẹp hơn nữa. Trong đời chỉ cần có một người thương yêu mình thật lòng, mến trọng tin tưởng mình thật lòng, là đủ mãn nguyện rồi. Em không vì tiền tài danh vọng, giàu sang phú quí hay vật dục nào mà đến với anh với thứ tình yêu trong sáng, thanh cao, từ trái tim thương yêu đến một trái tim, cùng một hiểu biết như nhau, cùng một suy nghĩ như nhau, cùng đập một nhịp xao xuyến, rộn ràng như nhau, không một chút xíu tư lợi, ích kỷ, chi ly, tính toán nhỏ mọn xấu xa nào xen vào...
Em yêu của anh, anh cám ơn tình em. Rất sung sướng hạnh phúc, anh sẽ chờ đợi hầu ôm em trọn trong vòng tay ấm áp của anh, bên dòng Saint-Laurent của riêng... đôi mình.
VÕ KỲ ĐIỀN
Brossard. Quebec 18. dec. 2018
 
*Quế trạo hề, lan tương,
 Kích không minh hề, tố lưu quang,
 Diễu diễu hề, dư hoài,
 Vọng mỹ nhân hề, thiên nhất phương.
 (Tiền Xích Bích Phú, Tô Đông Pha)

 Thung thăng thuyền quế chèo lan,
 Theo vầng trăng tỏ, vượt làn nước trong,
 Nhớ ai canh cánh bên lòng,
 Nhớ người quân tử ngóng trông bên trời.
 (Phan Kế Bính dịch).



BÀN VỀ KHÚC NGÂM

NGƯỜI TIẾT PHỤ ĐỜI ĐƯỜNG

Võ Kỳ Điền

Tôi nhớ có lần thi sĩ Borges xứ Argentina, Nam Bán Cầu viết câu thơ hay : "Tôi sanh ra ở xứ lạnh, để sưởi ấm đôi bàn tay, nên tôi làm thơ”. Tứ thơ đẹp lung linh khiến người đọc giật mình nên tôi mạo muội bắt chước ý nghĩ đó - mình cũng hiện ở xứ lạnh nè, ngó qua ngó lại thì sự nghiệp công danh không có gì hết, trơ trọi một thân già, những khi trời đông lạnh, tuyết bay phơi phới trắng xóa đầy trời, thì tại sao không mượn câu thơ để gầy lò sưởi ấm. Và hôm nay tôi mượn bài Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch, một thi sĩ nổi tiếng thời Trung Đường, vì bài nầy cứ mỗi lần đọc là mỗi lần thú vị, thâm trầm.
Tiết Phụ Ngâm
Trương Tịch (766-827 đời Đường)
Quân tri thiếp hữu phu
Tặng thiếp song minh châu,
Cảm quân triền miên ý,
Hệ tại hồng la nhu
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi
Lương nhân chấp kích Minh Quang lý
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt
Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử
Hoàn quân minh châu song lệ thùy
Hận bất tương phùng vị giá thì.

Khúc Ngâm Của Người Thiếu Phụ Trinh Tiết
Bản dịch của: Ngô Tất Tố
Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Vấn vương những mối cảm tình,
Em đeo trong áo lót mình màu sen.
Nhà em vườn ngự kề bên,
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
Như gương, vâng biết lòng chàng,
Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.
Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.

Ngay từ nhan đề là hai chữ “tiết phụ” tác giả muốn khoe ngay cái ý chánh của bài thơ, không mập mờ, xa xôi, tượng trưng, bóng bẩy gì ráo trọi. Tiết phụ là người đàn bà thủ tiết thờ chồng, theo quan niệm ngàn xưa đức Khổng Tử đặt ra. Tam tòng, tứ đức là khuôn vàng thước ngọc người phụ nữ phải biết gìữ mình cho trọn vẹn. -Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Như vậy ở phương trời Á Đông theo chế độ phụ hệ nầy, gái có chồng thì phải biết thờ chồng, nuôi con, đó là phẩm hạnh cao quí của người đàn bà, chấm hết, không cần phải nói thêm một chữ nào. Nói cho rõ hơn một chút nếu một ngày đẹp trời nào đó trời xui đất khiến bất chợt gặp một người dưng khác họ, con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai, nhiều cảm tình, lại cuốn hút, hào hoa phong nhã, rồi đem lòng nhớ thương, khiến trái tim nàng đập trật nhịp, thì cũng không được nghĩ nầy nghĩ kia, đầu mày cuối mặt, đi ngang về tắt, thêm bớt vẽ vời gì hết trơn. Một người đàn bà đã có chồng, không thể để phải lỗi đạo chồng con, phạm vào lễ nghi phong giáo. “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra.”

Vào cuối thế kỷ 19 ở VN mình có bà mẹ nho sĩ Nguyễn Cao đi hái lá trong ruộng dâu, có một quan huyện (hay lý trưởng gì đó) buông lời chọc ghẹo, sàm sỡ nắm lấy bàn tay. Bà cho như vậy là đã thất tiết với nguời chồng khuất núi, bèn lấy dao mà chặt cánh tay bị ô nhục kia. Hành động đó được mọi người xưng tụng là bậc tiết hạnh khả phong (không rõ là có được vua ban tặng hay không?) Tiết phụ phải là như vậy.
Câu chuyện bắt đầu của bài Tiết Phụ Ngâm nầy là chàng đã biết rõ, và rất rõ là em đã có chồng rồi. Vậy mà vẫn khăng khăng tặng cặp minh châu để làm quà. Nếu suy nghĩ cho thấu đáo, chuyện quà cáp cho nhau không hề đơn giản. Không phải ai, cũng rán tặng cho được và cũng không phải ai cho, mình cũng nhận quà được. Phải tặng đúng người và đúng lúc, phải biết rõ mục đích tặng quà là gì, cùng giá trị của món quà quí tiện như thế nào. Chuyện giao tế rất tế nhị không hề đơn giản. Vậy mà ở trường hợp nầy em đã có chồng rồi mà khi chàng tặng quà lại nhận ngay không một thắc mắc, do dự.
Ngay từ đầu, chúng ta đã thấy rõ hai người đã có tình ý với nhau. Cái chữ “quân” và “thiếp” (chàng và thiếp hay anh và em) Cách xưng hô đó chỉ dành cho vợ chồng và tình nhân, không hơn không kém. Nếu là người xa lạ, người dưng thì không thể dùng hai chữ nầy. Nét tình tứ đã lộ rõ trong cách xưng hô..
Vì đã có tình ý với nhau nên chuyện tặng quà quả nhiên là hợp lý hợp tình. Chúng ta phải xét kỹ chỗ nầy. Tuy là có tình ý nhưng là tình ý lén lút vì hoa đà có chủ, không thể công khai. Mọi chuyện phải hiểu ngầm mà không cần phải nói ra. “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, Em đã có chồng anh tiếc lắm thay.”
Món quà là gì đây. Một cái khăn thêu, một chiếc quạt đề thơ một cây bút lông thỏ hay một cặp sách như ta thường bắt gặp trong tiểu thuyết Trung Hoa? Tất cả đều không phải. Món quà nầy cực kỳ đáng giá, bất cứ ai thoáng nghe đều hết hồn. Đó là một cặp ngọc minh châu. Xã hội Tàu vào thời đại nhà Đường chỉ có giới quí tộc mới có khả năng chơi ngọc. Đám bình dân tầm thường cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, làm gì có được mấy thứ châu ngọc đó mà mơ ước. Như vậy chàng ở đây thuộc giới quí tộc hoặc là doanh thương giàu có. Xét thêm điểm nữa, nếu là minh châu để tặng người đẹp thì tặng một viên là sang trọng, quí phái lắm rồi, tặng chi tới những hai viên! Ý niệm âm dương hòa hợp của Trung Hoa lần nầy lộ rõ nét. Hai viên ngọc tròn vành vạnh đó cũng tượng trưng ý nghĩa chúng ta sẽ sống ân ái bên nhau có đôi có cặp, hạnh phúc suốt đời. Anh chàng nầy thương yêu người ngọc đến độ vung tay không tiếc của, hào hoa phong nhã rất mực. Rõ ràng chàng muốn đạt được mục tiêu nên bất chấp giá nào, không thể thất bại được. Thấp thoáng cạnh món quà vừa có ân tình, vừa có lợi dụng riêng tư, hình như bên trong có thêm giá cả mua bán nữa. Và cuộc tấn công ồ ạt bằng sức mạnh kim tiền đã thắng. Người đẹp đã đưa tay ra mà nhận. Bước đầu thoạt thấy chàng đã thành công. Người nào cũng vui!
Nhận ngọc rồi cất vào đâu đây cho ổn, chuyện nầy không thể người ngoài biết được. Làm sao che giấu chuyện tai vách mạch rừng. Viết tới đây tôi thiệt tình thán phục thi sĩ Trương Tịch. Thiệt tình là phục sát đất ở từng chữ từng câu. “Cảm quân triền miên ý, Hệ tại hồng la nhu.” Khi nhận quà của người yêu xong thì nàng suy tính việc cất giữ vào đâu? Món quà nầy không tầm thường, vừa là vật quí hiếm, vùa là ân tình thương yêu. Chỉ có thể cất vào một nơi kín đáo riêng tư, không ai biết, không ai hay. Chỗ lý tưởng nhất là trong chiếc áo lót mình bằng lụa màu hồng thơm tho, gần gũi, ấm áp. Như vậy là đôi viên ngọc thương yêu được nằm ngay trái tim ép sát lồng ngực. Ôi chao, còn chỗ nào tình tứ và kín đáo hơn nữa được.
Trong khi đó thì anh chồng tội nghiệp, đáng thương kia có hay biết gì đâu, suốt ngày cầm kích đứng gác cho ông vua ngủ ngon, quên mất cô vợ xinh đẹp, xuân sắc ở nhà trống vắng, quạnh hiu, cô độc một mình. Quên luôn anh hàng xóm lực lưỡng, đẹp trai, giàu có, phong lưu thập thò suốt ngày bên cạnh. Tuy vậy câu chuyện tới đây bỗng nhiên đột biến. Tới cái giây phút nàng sắp sa ngã đó thì lương tri chợt tỉnh táo kêu gọi, không thể được, không thể được, mình là gái đã có chồng, hoa đà có chủ và sực nhớ lại lời thề xưa. Không thể vì giàu sang mà phụ bạc tình chồng nghĩa vợ, đã sống với nhau bao nhiêu năm đầu gối tay ấp, thương yêu chưa đủ đầy, nếu không có tình thì cũng còn có cái nghĩa. “Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi, lương nhân chấp kích Minh Quang lý.” Cô nàng đứng trên lầu cao chợt nhìn thấy chồng cầm kích đứng gác bên điện Quang Minh, chỉ trong một phút bèn sực tỉnh cơn mơ mà quyết định trả ngọc.
Chuyện trả ngọc tưởng là đơn giản nhưng thiệt ra không hề đơn giản chút nào. Trả ngọc tức là dứt khoát từ chối mối tình chàng đã trao. Làm sao mà nỡ. Trong cuộc đời nầy gặp gỡ biết bao người, chỉ có chàng là người hết lòng hết dạ để tâm thương yêu mình, ngàn vàng dễ kiếm, tri kỷ khó tìm. Người ngoài làm sao cảm nhận được nỗi đau thương. Phải là người trong cuộc mới biết, lòng nào mà đành đoạn, yêu nhau mà phải xa, lòng đau như đứt từng đoạn ruột. Gặp nhau đã khó, xa nhau lại càng khó hơn. “Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt. Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử” (như gương, vâng biết lòng chàng. Thờ chồng quyết chẳng phụ phàng thề xưa)

Chuyện gì cũng vậy, có bắt đầu thì ắt phải có lúc kết thúc Làm sao mà nói, làm sao mà vui được. Phút chia tay sao mà buồn bã thê lương. “Hoàn quân minh châu song lệ thùy” Trả ngọc cho chàng trong hai hàng nước mắt. Tiếc ngọc hay tiếc người tình ? Tiếc người tình hay tiếc ngọc? Dù như thế nào thì cũng giống nhau một chữ tiếc. Đức Phật từng đã có lần nói: -Ghét nhau mà phải gần là khổ. Thương nhau mà phải xa là khổ. Sao mà cái gì cũng khổ hêt trơn. Ngậm ngùi mà bịn rịn, nắm níu mà xa, miệng thốt lên lời oán trách số phận nghiệt ngã.
Cuối cùng thì thời gian lại bị đem ra mà đổ thừa. Cái câu -”phải chi hồi đó” một lần nữa được lập lại trong tiếc nuối những gì đời không thực hiện được. “Hận bất tương phùng vị giá thì.” Hận là không gặp chàng khi chưa có chồng. Chữ “hận” ở đây gần với nghĩa ân hận, tiếc nuối, chớ không gần với nghĩa hờn giận.
“Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không,
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra”
Như vậy toàn bài thơ là diễn tả cuộc xung đột giữa bản năng tình dục và đức hạnh của người đàn bà có chồng với những khuôn phép xã hội quy định. Nàng đã có giây phút yếu lòng, bồng bột yêu thương. Con tim mù quáng theo sự dẫn dắt của bản năng mê say cái đẹp giàu sang danh vọng và lý trí đã can thiệp kịp thời vào phút chót. Cuộc dằng co giữa tốt xấu, thiện ác, bản năng dục vọng và phẩm hạnh khá gay go....
Có bạn đọc trách cứ nàng đã phản bội người chồng, tuy chưa sa ngã nhưng đã có ngoại tình trong tư tưởng. Tôi không trách như vậy và cực kỳ thương xót cho nàng, ai ai cũng có những giây phút yếu lòng... Ông trời sanh con người có trái tim tuy lớn nhỏ khác nhau. Nếu có trách thì trách trái tim tại sao lại rung động nhịp nhàng trước cái đẹp. Mà trái tim nào cũng đâu phải có một ngăn, nó có nhiều ngăn mà. Nó đập theo nhịp của nó, mình không phải là nó thì làm sao hiểu được cái gì mà nói nầy nói kia....
Trong nền văn học Trung Hoa mấy ngàn năm các tác phẩm thơ văn hầu như tất cả đều vô khuôn phép mẫu mức của lễ giáo tiết nghĩa. Hiếm khi bắt gặp những tác phẩm đề cao bản năng con người. Mà con người thì trời sanh có ba đời sống. Đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống tình cảm gồm có tình dục. Tác phẩm bàn về bản năng tình dục tuy cũng có nhưng rất hiếm hoi. Và nàng tiết phụ trong bài nầy đã nói lên được cái ước muốn thầm kín của bản năng tình dục đó, tuy nhiên cuối cùng cũng đầu hàng trước lễ giáo của xã hội.
Mà quả đúng như vậy, CON NGƯỜI là sản phẩm của xã hội mà.
VÕ KỲ ĐIỀN
(Brossard. Quebec. 2018-11-26)



THA HƯƠNG NGỘ CỐ TRI

Hồ Đình Nghiêm thưa chuyện cùng nhà văn Võ Kỳ Điền

Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Mến chào anh Võ Kỳ Điền. Đầu tiên xin được chia vui, niềm vui khi nhà văn vừa in xong tác phẩm mới. Bấy chầy sức khoẻ anh ra sao? Có sung như khi trải lòng bằng chữ viết?
Võ Kỳ Điền (VKĐ): Cám ơn Nghiêm đã hỏi thăm. Tới tuổi nầy hình như anh đã già. Anh chỉ nói là hình như thôi nghe, tuy vậy trong bụng cứ nghĩ mình còn trẻ măng. Anh em mình có một cái sướng là khi nào muốn già thì già mà muốn trẻ thì cứ tha hồ cho trái tim đập nhịp phơi phới như lúc mười tám vậy đó. Thời gian của anh bây giờ hết để dành cho nhà thuốc đến nhà thương, rồi sẽ có một ngày không xa đến nhà dưỡng lão... Nhưng càng không đi ra ngoài nhiều như xưa thì lại gần gũi tới bàn viết, hết đọc cái nầy thì viết cái kia, không viết được chữ nào thì giấy nó trách mực nó buồn, nhờ vậy mà có lại niềm vui của mấy chục năm về trước. Đã lỡ vướng vào cái nghiệp văn chương bút mực dù ít dù nhiều rồi, làm sao mà đành lòng không liếc ngang liếc dọc trở lại cho được, phải không Nghiêm.

HĐN: Có khi nghe anh nói “thiệt là mang nặng đẻ đau”. Anh có thể ta thán thêm về nỗi khổ ấy cho những người (ví dụ như tôi) đang chuẩn bị sanh con? Để hắn liệu thần hồn mà xoay trở, dù biết mỗi người đau riêng một kiểu. Cảm ơn kinh nghiệm của anh.
- Anh xuất thân là một nhà giáo. Anh là người thích đọc cổ văn, giỏi chữ Hán chữ Nôm. Những vòng “cương toả” ấy có làm khó anh khi bày giấy bút ra để gửi tấc lòng? Hình như anh tự khắc nghiệt với chính mình khi viết?
VKĐ: Mỗi bà bầu, mỗi người đau một kiểu. Không phải tới bây giờ anh mới rên đâu, ngay cả ba mươi năm về trước anh đã từng than thở rên rỉ rồi. Anh thấy các bạn viết sao mà dễ dàng, cứ vài ba tháng có một hay cuốn thơ hoặc truyện ngắn, truyện dài ra mắt. Nghe thấy mà sốt ruột. Còn anh thì có nhiều khi chỉ một cái tựa hay một câu,anh viết cả tuần, suy nghĩ đắn đo, lựa chữ nầy, chọn chữ kia, đổi tới đổi lui từng ý, từng tứ...Thành ra thời gian sáng tác của anh phải tính bằng năm hoặc phải cả chục năm, rồi tới cuốn Câu Hỏi Kiếp Người nầy tính ra là hai mươi lăm năm. Hình như là anh đi lạc vô khu vườn văn chương của các bạn rồi. Anh có ông anh bên Mỹ thương thằng em nầy lắm và bài nào anh viết, ảnh cũng tìm đọc say mê. Hình như đối với ảnh, nhà văn Võ Kỳ Điền là tài hoa số một. Tuy vậy nhiều lần ảnh điện thoại qua hỏi -mầy làm cái gì mà chậm lụt quá vậy, tao đợi mấy tháng rồi mà không thấy được bài mới nào?
Trời đất, ông anh cứ tưởng em của ổng giỏi như hàng xóm. Không được vậy đâu anh ơi, anh cho em phân trần một chút, một là em thuộc mẫu người chậm rề, không lanh lẹ bằng người. Hai là em bị ông Lưu Hiệp đời Tấn cản trở. Ông nầy đã viết trong cuốn Văn Tâm Điêu Long, quyển phê bình văn học đầu tiên của Trung Hoa, hồi thế kỷ thứ 6, trong đó có chỉ tám cái bịnh của văn chương (Văn Chương Bát Bịnh). Thành ra khi viết em cứ sợ hết bịnh nầy tới bịnh kia, nên không dám viết lẹ, phạm lỗi... Nào ngờ vì sợ bịnh nên mắc thêm một bịnh mới là bịnh sợ sai sót,rồi bịnh làm biếng, đó là một vài lý do riêng tư, không viết được nhiều. Nghiêm và bạn đọc thông cảm cho anh nghen.

HĐN: Anh có từng đơm ý nghĩ: Tại sao bạn văn của mình hồi đó đông vui nhiệt náo mà giờ này lạnh ngắt vậy nè? Thưa anh, điều gì khiến xảy ra tình cảnh ấy?
-Anh vắng mặt quá lâu mới trở lại sinh hoạt “ở chốn nhân gian không thể hiểu” (Du Tử Lê?). Thưa anh, sông có khúc người có lúc. Lúc anh dấu mặt đi ắt là khi anh phải đương cự với phong ba. Sóng gió chừng nghe êm, phải không thưa anh?
VKĐ: Nghiêm ơi, mỗi người có một thời, dài ngắn khác nhau, không thời nào giống thời nào, không chuyện nào giống chuyện nào. Đừng bao giờ trách người mà phải coi lại mình. Mình sống khép kín, xa lánh bạn bè, gậm nhấm nỗi đau, ngay cả chuyện mình mình còn không hiểu rõ thì bạn làm sao mà hiểu được, làm sao mà giúp đỡ mình. Ngày xưa Đức Phật cầm một hột muối đưa cho một đệ tử và nói -con coi nè, đây là hột muối mặn lắm. Cậu đệ tử ngây thơ hỏi lại -dạ thưa đức Phật,mặn là sao, con không hiểu? Đức Phật tìm mọi cách để giải nghĩa. Cậu đệ tử vẫn không biết, cuối cùng Đức Phật nói -con liếm đi thì biết liền. Như vậy phải sống trong nỗi đau thì mới biết đau là thế nào. Kết luận với Nghiêm là lỗi của anh chớ không phải của bạn hay lỗi của cuộc đời. Ý niệm tác thành định mệnh, mình muốn nó như vậy thì tương lai mình sẽ như vậy.

HĐN: Không chừng mà gần hai chục năm đã trôi qua, nhớ về ngày cũ nọ tôi có làm cuộc phỏng vấn anh khi người ta nhiễu sự đẻ ra cụm chữ “văn chương miệt vườn”. Tôi nhớ là anh đã phản bác việc phân biệt đầy cắc cớ đó. Lâu quá rồi, anh còn nhớ những quan điểm của anh? Quên nó đi, hay nên nhắc lại chút xíu?
VKĐ: Cái vụ “Văn Chương Miệt Vườn” đó rầm rộ một thời gian, trong giai đoạn trước đây và bây giờ hình như đã lụi tàn. Thực sự thì anh không thích khi gọi một nhà văn hay một nhà thơ kèm theo chữ nầy hay chữ kia. Ví như nhà thơ hải quân, không quân, bác sĩ, dược sĩ, miệt vườn, tình yêu, rừng núi, hầm bà lằng gì đó... Tại sao phải thêm nghề nghiệp riêng tư vô chỗ nầy. Trong nghệ thuật chỉ có hay hoặc dở. Chấm hết. Thời gian sẽ làm nên giá trị của mỗi người. Tác phẩm viết ra, năm năm, mười năm, ba bốn chục năm sau người ta còn nhắc tới, tên tuổi còn nghe người ta nói tới thì người đó thành công được. Còn mới tháng trước qua tháng sau không ai nhắc tới nữa thì dầu có quảng cáo rầm rộ, đặt tên miêt nầy miệt kia... thì cũng đâu có giá trị gì... Cục đá quăng xuống nước phải có tiếng vang, lớn hay nhỏ là tùy tài năng cao hay thấp. Chỉ có bấy nhiêu thôi. Không phải ở cái quảng cáo, cũng không phải ở cái danh xưng. Ngọc thì cứ là ngọc và đá thì dù đặt tên nó là gì đi nữa thì trước sau gì cũng là đá thôi.

HĐN: Dạo đó, đôi ba người trong giới phê bình văn chương hải ngoại đã xếp anh vào nhóm “những nhà văn chống Cọng”. Thưa tác giả tập truyện “Kẻ Đưa Đường”, nhà văn nghe vậy và nhà văn có ý nghĩ gì không?
VKĐ: Có lẽ điểm nầy đúng và anh cũng thích như vậy. Từ nhỏ anh không có ý nghĩ mình sẽ viết văn và mơ mộng sẽ trở thành nhà văn, điều nầy quá khó đối với anh. Nhưng cuộc biến động sau 30-4-1975 làm đất nước tan tành và cuộc sống toàn dân bị xáo trộn nặng nề khiến anh trăn trở nghĩ suy, cảm thấy mình phải có bổn phận góp lên tiếng nói chống sự áp bức độc tài, tàn bạo của chủ nghĩa Cọng Sản. Cho nên trong lời tựa cuốn “Kẻ Đưa Đường” anh đã viết – “Tôi nghĩ rằng văn chương có nhiều loại nhưng theo tôi thứ văn chương đích thực phải là tiếng nói của kẻ yếu chống độc tài, áp bức, bạo lực, bất công bất cứ từ đâu đến. Nó phải chống bất cứ hình thức nô lệ nào, chống sự ngu xuẩn, hầu đưa CON NGƯỜI vươn lên từ tối tăm đổ vỡ.”
Anh cũng đồng ý văn chương là một bộ môn nghệ thuật. Nhưng nếu nghệ thuật nào phản ánh được thời thế có lẽ nó làm cho cuộc sống thăng hoa hơn. Anh không dám phê bình hay so sánh với các quan niệm khác về việc nầy. Có bạn chê anh viết dở vì kém khía cạnh nghệ thuật.Anh cám ơn lời nhận định thẳng thắn nầy và cũng biết rõ ràng như vậy nhưng không thể nào viết khác được. Tài năng anh chỉ có chừng đó, không thể nào bắt chước bạn khác được...

HĐN: “Pulau Bidong, Miền Đất Lạ” là cách thu xếp những chương đời đầy lôi cuốn, những nhân vật thật sống động lui tới thoải mái trong các trang sách do bởi cách dựng chuyện thật cao tay nghề của tác giả. Tôi chưa thể là người phê bình, tôi chỉ là một độc giả tầm thường, nhưng tôi khóc cười theo lối dẫn đắt của anh. Cho phép tôi được tò mò, cuốn sách đó hình như phải chứa tới 90 phần trăm của sự thật?
VKĐ: Bạn nè, cuốn Pulau Bidong Miền Đất Lạ nầy mới nhìn cái nhan đề thì bạn đọc cứ tưởng là một quyển hồi ký vượt biên, nếu tinh ý bạn sẽ thấy có cái gì không phải. Rõ ràng nó là cuốn kể chuyện vượt biên từ Việt Nam đến Mã Lai nhưng khi đọc sẽ thấy mỗi chương là một truyện ngắn, viết không phải theo loại bút ký, phóng sự mà viết theo bút pháp của một nhà văn. Khi viết anh đắn đo, phân nửa dành riêng cho chuyện vượt biên, một biến cố lớn của đất nước mà những thuyền nhân là nhân chứng sống của lịch sử đương đại, còn lại nửa kia dành cho văn chương tâm tình, để cho cõi lòng mình xô dạt theo sóng nước đảo xa, lẫn trình bày quan niệm sống sao cho đời mình đẹp đẽ, sống có ý nghĩa. Bao nhiêu là sự thật, bao nhiêu là hư cấu, xin thành khẩn khai báo, các sự kiện đều là thật, còn cái gì có thể thêm tại sao mình lại không thêm, nêm thêm một chút tiêu, một chút muối, một chút đường, bỏ thêm vài cọng hành, cọng ngò thái nhỏ, nồi canh văn chương chẳng cũng thơm ngọt hơn sao?

HĐN: Tôi cũng là một thuyền nhân nhưng thú thật là tôi bất lực khi muốn chia sẻ niềm đau với những số phần không may. Do vậy tôi xin cảm ơn anh, ít ra thì mai này người sau sẽ hay biết dân tộc mình đã có lúc phải chịu qua một thảm trạng như vậy. Giả như tôi nói “sinh bất phùng thời” thì anh có góp thêm cho tôi một ý tưởng nào khác chăng?
VKĐ: Nghiêm đừng nghĩ như vậy, anh em mình may mắn biết viết chút đỉnh, người viết được chuyện nầy, kẻ viết được chuyện kia, làm sao mà nói ai nhiều ai ít được. Ngay cả bạn đọc không viết nhưng ủng hộ việc làm của anh em mình mấy chục năm nay cũng là đáng quí rồi. Trong một khu vườn không phải chỉ có một thứ cây, cũng không phải chỉ có thuần một loài hoa cỏ. Nếu giống hệt nhau thì buồn lắm, phải có hoa nầy hoa kia, trái nầy trái nọ thì mới đúng nghĩa một khu vườn đẹp muôn hồng ngàn tía. Còn nếu chỉ toàn một loài vạn thọ...thì chán chết,ai mà mê.
Anh đôi khi cũng có nghĩ đến câu “Sinh bất phùng thời” có lẽ đúng một lối nhìn nào đó. Anh, Nghiêm và bao nhiêu đồng bào cùng thế hệ mình hầu như không có tuổi trẻ. Ba mươi năm chiến tranh tàn khốc, đổ vỡ, tang thương, chết chóc suốt ngày rình rập, tuổi hoa niên vụt qua hồi nào không hay... rồi xứ lạ quê người. Vui là vui gượng kẻo là. Ai tri âm đó mặn mà với ai...
Nhưng trời đất công bình lắm Nghiêm ơi, mất cái nầy được cái kia. Anh em mình, đồng bào mình mất rất nhiều và được cũng rất nhiều. Thanh niên mình ở hải ngoại nè, đã có biết bao nhiêu là nhân tài. Mấy triệu người thuyền nhân học hỏi được bao nhiêu là cái hay cái lạ của thế giới. Văn minh như vết dầu loang, nó đã loang về tận quê hương và anh để ý thấy đồng bào trong nước có nhiều suy nghĩ mới đáng khích lệ... Lúc nào anh cũng hy vọng một ngày tươi sáng của đất nước, của dân tộc.

HĐN: Bây giờ tuổi anh đã cao, về già vui thú cùng văn chương là giải pháp thoả đáng nhất. Nhưng… nhưng thưa anh, một nhân vật trong Tam Quốc Diễn Nghĩa từng than: “Ta không phụ người sao người nỡ phụ ta”. Cuộc chơi này xem chừng đang phụ mình,anh có thấy vậy không? Hay anh nghe theo Nguyễn Du: “Rằng: Trăm năm cũng từ đây, của tin gọi một chút này làm ghi”.
VKĐ: Anh hoàn toàn không nghĩ tới khía cạnh bị cuộc đời hay văn chương phụ và không hề trách cứ ai một điều gì. Anh đạo Phật nhưng rất thích câu của Thiên Chúa. Bất cứ trường hợp nào khi bị thất bại, suy nghĩ tới nghĩ lui, nghiền ngẫm cho thấu đáo thì té ra – “lỗi tại ta mọi đàng”. Quả đúng vậy.

HĐN: Mang nặng đẻ đau. Sinh xong thì buộc phải có thời gian hậu sản. Thưa nhà văn Võ Kỳ Điền, trong lúc dưỡng sức anh có dự tính, có mơ mòng về một giấc mộng nào không? Về văn chương cũng như về thời cuộc? Tôi có dọ hỏi nhà thơ Bắc Phong, anh ấy lạc quan tin rằng rồi quê hương sẽ đổi thay. “Kẻ Đưa Đường” nghĩ sao?
VKĐ: Anh cũng hy vọng như bạn Bắc Phong,chuyện đất nước khi lên thì phải xuống, khi xuống thì phải lên. Từ bên Tây tới bên Tàu có triều đại nào bền vững muôn đời đâu. Theo Dịch lý thì “vật cùng tắc biến, khí mãn tắc khuynh” Chuyện đời phải thay đổi, không có bất cứ cái gì đứng yên hoài được. Chỉ có một ước mong anh đã viết trong câu kết bài “Cây Sầu Riêng Vườn Cũ” là sau khi đất nước thay đổi thì “...cầu trời cho nó đừng quá đổ nát tang thương.” Nhưng mà Nghiêm ơi, mỗi ngày anh đọc báo bên nhà, thấy nhiều chuyện hằng ngày xảy ra trên quê hương... mà muốn khóc. Làm sao bây giờ, đành phải chờ thôi...

HĐN: “Dùng dằng chưa nỡ rời tay, vầng đông trông đã đứng ngay góc nhà”. Thốt lời tạm biệt cùng anh đây. Nếu tâm sự chưa đã, thì xin anh chia sẻ một lời sau cùng.
VKĐ: Anh em mình gặp nhau phương trời nầy, được độc giả thương mến bao nhiêu năm, được bạn bè sẻ chia ngọt bùi, tất cả là do nghiệp duyên của bao kiếp trước, không phải tự nhiên mà có được. Để kết thúc cuộc đối thoại thân tình nầy anh xin mượn hai câu thơ của Hồ Dzếnh:
Đã trót tương phùng trong một quán,
Dẫu trà ôi rượu nhạt cũng là duyên

HĐN: Thành thật cảm ơn phút bộc bạch đáng trân trọng anh dành cho. Xin được thay mặt số đông bạn đọc, mến gửi lời chúc sức khoẻ đến nhà văn Võ Kỳ Điền. Xin bảo trọng.
VKĐ: Anh cám ơn Nghiêm, cám ơn quí độc giả theo dõi bài nói chuyện nầy. Nhà văn chúng tôi không có gì hết ngoài một tấm lòng biết ơn. Trân trọng.

Hồ Đình Nghiêm thực hiện bằng điện thư.
Montréal, ngày 11 tháng 1 năm 2018.

 

Đăng ngày 09 tháng 12.2019