banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

BÀI THƠ TÌNH BẤT CHỢT

Võ Kỳ Điền

Bạn hiền nè,
Bạn hiền, hình như tôi và bạn hơi hơi lớn tuổi rồi phải không? Chắc là vậy vì nếu mà tính ra và nhớ lại, nhớ hoài, sao mà có nhiều chuyện đáng để nhớ, chuyện nào cũng muốn nhớ, nhớ hoài không hết! May mà, đầu óc chưa bị méo móp, còn nhớ được đầy đủ y nguyên. Một ngày nào đó chuyện xấu sẽ xảy ra, trí óc không còn nhớ được cái gì nữa, dù rán hết sức, cũng không biết bạn là ai. Rồi, rồi, suy nghĩ, suy nghĩ nữa... tôi cũng không biết mình là ai luôn. Viết tới đây, tôi không muốn viết tiếp... vì biết bạn không muốn nghe. Tôi cũng vậy, ai mà hơi đâu nghe chuyện ... của một ông già lẩm cẩm!

Thôi, anh em mình nói chuyện gì cho vui vui một chút. Tôi và bạn cách xa nhau gần bốn mươi năm, một khoản thời gian khá dài. Tin tức về nhau hầu như thưa vắng. Nơi tôi cư ngụ là một làng quê, cách xa thành phố, có nhiều người nghe đến cái tên, cũng không biết cái làng nhỏ nầy nó ở đâu trên bản đồ thế giới. Bạn hiền thì ở nơi xa thiệt xa, làm sao biết được cuộc sống tôi như thế nào. Nếu bạn tưởng tượng hoặc nghe thiên hạ đồn thì thiệt tình, không đúng đâu. Cũng muốn khoe một chút hoàn cảnh sống của tôi bây giờ. Đại khái thì xe hơi nhà lầu tôi không có, lấy gì để kể lể. Duy chỗ tôi ở, có được tuyết trắng và cái lạnh teo ruột teo gan, cũng có nhiều nước đá lắm, đóng thành khối phủ đầy làng mac, ruộng vườn, tất cả có được là nhờ ở gần vùng Bắc Cực... Trời cho! Cái nầy tôi khoe với bạn mà không mắc cở vì cả tỉnh nầy ai ai cũng có, thiếu gì. Trong một bức thư, thầy Thanh Tâm Tuyền có viết cho tôi: -thầy trò mình bây giờ như bị ướp trong cây nước đá ! Quả đúng y như vậy, tôi ngồi trong nhà nhìn ra bên ngoài... thấy cả bầu trời là một khối nước đá khổng lồ. Rồi bất chợt nhớ lại những ngày xa xưa ở quê nhà. Trong một bài viết, tôi có nói câu nầy để thố lộ tâm can: -Nhiều khi nhìn tuyết rơi ngập trời mà thèm một chút nắng ấm quê hương, nơi đó một thời tôi đã tìm thấy mùa xuân. Cái thời gian đó, tôi với bạn hiền vui đùa trong cái không khí thân tình ấm áp, có những em học trò vây quanh, bên khung trường nhỏ, cạnh con đường làng phủ mờ bụi đỏ thương yêu của chúng ta. Nhớ lại mà ngậm ngùi.
Thèm lắm nhưng làm sao được, bây giờ chống gậy đi chợ còn muốn không nổi, nói chi ra tới phi trường, ngồi trên chuyến bay trên nửa vòng trái đất. Lúc đó chắc người thân và bạn phải cực khổ rồi, kiếm xe cứu thương mà khiên vác tôi vô bịnh viện... Nếu vậy thì quả là ái ngại, tôi không dám làm phiền bạn đâu. Thôi đành ở nhà, nhờ lò sưởi để sưởi ấm áp tấm thân ốm yếu, bịnh hoạn và rán lụt lọi trong cái trí nhớ còm cõi ngày một hao hụt, rán nhớ coi mình còn được cái gì sau khi đã mất hết trơn hết trọi. A, rán mà nhớ, rán nhớ... cái bằng cấp có chút chéo, mình cũng đã vụt bỏ từ lâu lắm rồi, từ ngày bước chân xuống thuyền, nước mắt... như mưa!. Còn tiền bạc hả, cũng có hơi nhiều nhưng của nhà băng cho mượn xài đỡ, mỗi tháng cầm tới sổ nợ, mồ hôi tự nhiên toát ra, sao kỳ cục vậy hổng biết nữa.. Bạn bè xung quanh có nhà lớn, xe sang, đều sung sướng vui vẻ thoãi mái, còn tôi thì mỗi lần nhìn cái nhà có chút xíu, càng nhìn càng ứa gan. Ước ao phải chi có phép, biến nó thành cái chòi. Thiệt tình, sao hổng giống ai hết, kỳ cục quá trời!
Vậy thì cho đến tuổi nầy, tôi còn lại được cái gì nè để khoe với cố nhơn từ phương trời cũ, hỗng lẽ trụi lũi, vô sản chơn chính, đúng tiêu chuẩn nhà nước ta quy định?

Tôi với bạn xa nhau đếm tới đếm lui, gần trên bốn mươi năm rồi. Hồi mới chân ướt chân ráo qua đây, tình cờ nghe được bản nhạc Mười Năm Tình Cũ, đâm nhớ người xưa mà muốn khóc. Mười năm, đoạn đường thương yêu, xa cách nhau quá dài. Vậy mà giờ đây nhớ lại, dù cho tới Hai Mươi Năm Tình Cũ, ngẫm ra cũng đâu có bao nhiêu! Phải không bạn hiền?
Thôi, thư cũng đã dài mà tình thì chưa nói hết. Tôi thì cả đời không biết làm thơ đành mượn đỡ bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn làm món quà gởi tặng bạn hiền phương xa. Nhờ bạn khi nào buồn, đọc dùm để vui cho bạn, sưởi ấm cho tôi, người bạn cũ ở một phương trời thiệt xa và thiệt lạnh!


THƠ TÌNH THÁNG CHẠP

(thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn)

Cảm ơn em đã viết cho anh những bức thư tình
Tình thảo nguyên hoa quỳ vàng đắm đuối
Em không nói tiếng người
em nói tiếng chim, em nói bằng tiếng suối
Tiếng nói em thơm ngát suốt hồn anh
Cảm ơn em đã đi cùng anh trong khu vườn xanh
Vườn trĩu trái, trái hồng như trái ngực
Anh thương những hàng cây suốt ngày bực tức
Vì giận mình sao chưa biết đi
Dù cho cây biết đi như mây bay
Vẫn còn thua bước chân người tình đầy dấu ấn
Khi loài chim bước tình cờ tha thẩn
Là lúc tâm hồn anh đầy dấu chân
Cảm ơn ngôi nhà em, ngôi nhà đã bao dung người thiếu nữ
Vừa ngọt ngào vừa cay đắng như em
Những đêm mưa em có thắp ngọn đèn
Để chiếu sáng những góc lòng đen tối
Thôi câu chuyện tình nói cho nhiều rồi cũng vậy
Trăm năm dài rồi sẽ đụng ngàn năm
Tất cả sẽ qua đi điều gì còn ở lại
Một đóa hoa quỳ trong cõi trăm năm

Võ Kỳ Điền
(Laval. Canada. 2017 sept)



CÁCH VIẾT CỦA NHÀ VĂN

(đối thoại giữa nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến và Võ Kỳ Điền)

Trọng Tuyến Phan Thị:
- A tại em viết truyện, tưởng tượng đủ thứ, he he, một chị bạn khen em nói dóc như thiệt!

Võ Kỳ Điền:
- Anh ở Laval thuộc Quebec Phan Thị Trọng Tuyến ơi, xa thiệt là xa với Paris gần 7,8 giờ bay lận. Anh cũng bị độc giả hỏi tới hỏi lui như vậy hoài hà. Nhà văn mà viết thiệt thì đâu phải là nhà văn. Mà nhà văn viết láo ai mà đọc. Muốn biết cách viết của nhà văn như thế nào thì rán mà tìm giữa hai hàng chữ.. coi cách họ viết ra sao. Đó là bút pháp của mỗi người (style) Phải không nè? À, đúng rồi, nói dóc mà thiên hạ cứ tưởng mình nói thiệt, mới đúng là tay cao thủ. Trong văn chương anh em mình thường gọi là hư cấu... là chuyện không có thiệt, tiểu thuyết là gì. Tiểu là vụn vặt, thuyết là câu chuyện. Câu chuyện vụn vặt là gì... là nói tầm bậy tầm bạ chớ còn gì nữa ! Rõ như ban ngày. Còn muốn đọc cho đúng sự thật thì nên đọc báo, các ký giả họ viết chính xác từng giờ giấc, các chi tiết và số lượng, các biến cố xảy ra... Những vị đó là nhà báo, không phải là nhà văn.
- Nhà báo mà viết bậy, đặt điều sai sự thật... là nhà báo thiếu lương tâm, không chuyên nghiệp, độc giả sẽ đánh giá thấp, coi thường. (như chuyện Con Ma Vú Dài, chuyện Khỉ Cà Mau của bà Bút Trà, cậu bé Lê Văn Tám tẩm xăng tự bật lửa mà đốt kho xăng Nhà Bè...)
- Nhà văn mà viết bậy không giống sự thật thì độc giả sẽ chê trách vì thiếu quan sát, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhưng phải phân biệt và để ý chỗ nầy: Cái thấy, cái nghe của nhà văn khác cái thấy và cái nghe của độc giả. Nó khác xa lắm. Như ông Kim Dung nói Trương Vô Kỵ vẽ lông mày cho Triệu Mẫn trên đỉnh Quang Minh, các bạn tin không? Trịnh Công Sơn nói: khóc tới đầy hồ nước mắt long lanh... bạn thấy thế nào? Nguyễn Tất Nhiên: mưa rơi trên tượng đá, mưa rơi trên mặt Duyên... Có thật ổng thấy mưa rơi trên mặt cô Duyên lúc đó hay không? Thi sĩ Bích Khê đã viết: Ô hay, buồn vương cây ngô đồng, Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông. Như vậy là thi sĩ thấy được cây ngô đồng bị mấy nỗi buồn giăng lơ lửng như mạng nhện rối vậy hả? Và tại sao khi nghe tới các chuyện nói quá sự thật như vậy chúng ta lại say mê.
Đúng vậy, đó là cái thấy của nhà văn, nhà thơ khác lắm so với cái thấy của chúng ta và không thể nói là thấy như vậy là trật, là sai, Đó là cái thấy của người nghệ sĩ, họ làm đẹp cho cuộc đời. Nó rất cần cho đời sống nầy, ngoài cơm ăn, áo mặc!
Viết tới đây tôi ngưng không đành lòng. Làm sao mà tôi quên được bài thơ "Giặt Áo Quần Cho Vợ" của thi sĩ Luân Hoán, ông bạn vàng thân quí của tôi. Tôi mê thơ bạn từ khi còn đi học. Qua tới đây may mắn kết thân thành bạn bè. Khen bạn thì mắc cở lắm vì tại sao lại làm một chuyện dư thừa. Nhưng do nhắc tới cái thấy của nhà văn nhà thơ, chợt nhớ tới bạn hiền, bèn chép lại bài thơ đã thuộc từ lâu, dù chỉ đọc qua có một lần:

GIẶT ÁO QUẦN CHO VỢ
trộn chút tình ta vào trong bột giặt
vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau
vải còn đượm mùi thịt da em thơm ngát
tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau

Trời đất ơi! đã ơi là đã. Giặt quần áo là một cực hình, khổ muốn chết, vậy mà nghe ông tả, tôi cũng muốn ôm đống quần áo dơ mà đi giặt nè. Mà nè ông bạn, ở Canada gần mấy chục năm nay, làm gì có chuyện giặt quần áo kiểu như ở xứ Quảng Nam của ông bạn vậy? Máy giặt không hà. Rõ ràng là ông bạn tưởng tượng chuyện trăm năm hồi trước, rồi nói láo ào ào... vậy mà không ai để ý gì ráo trọi, lại xúm nhau say mê, trong đó có bạn ông là tôi đây nè. Hèn chi các giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc ngày xưa, một mình ông ẳm hết. Bài thơ tả tình yêu vợ chồng, không đá động chuyện hôn hít yêu đương... vậy mà độc giả vẫn thấy thấp thoáng phía sau câu thơ. Bội phục, bội phục.
Ngày nào bạn cho tôi mượn cặp mắt kiếng để tôi đeo... để cái thấy của mình cũng giống được chút đỉnh như bạn. Nói theo Kim Thánh Thán: chẳng cũng sướng sao.


Phụ lục:

GIẶT ÁO QUẦN CHO VỢ

trộn chút tình ta vào trong bột giặt
vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau
vải còn đượm mùi thịt da em thơm ngát
tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau

trông thau nước đục lờ những cáu bẩn
ta bỗng thương lớp bụi nổi màng màng
chúng là những nhọc nhằn em gánh chịu
nuôi chồng con dài năm tháng gian nan

vòi nước nhỏ chảy qua từng thớ vải
như chảy vào trong cùng tận lòng ta
em có thấy giọt lệ ta thầm nhỏ
và tan trên màu vải những thiết tha?

hơn bốn mươi lần đầu ta tập giặt
để tiêu xài cho bớt chút thời gian
thân nam tử ở trong thời mất nước
sao trói nơi này lẩm cẩm kêu than?

đời không giữ giùm ta hai chân đứng
có lẽ nào vô dụng mãi hay sao
giặt giũ làm thơ đọc vài trang báo
hai mươi bốn giờ thường trực chiêm bao.
LUÂN HOÁN
(Bài thơ Giặt Áo Quần Cho Vợ trong tập Ngơ Ngác Cõi Người)

Võ Kỳ Điền
(30-8-2017)



MỘT LỰA CHỌN KHÓ KHĂN

Võ Kỳ Điền

Tôi có ông bạn già thân tình. Mỗi lần gặp nhau là vui lắm vì có nhiều chuyện để nói. Bạn có một quá khứ đầy ắp, nói hoài cũng không hết. May là bạn không bị đi học tập, nếu mà vào trại cải tạo thì lý lịch của bạn khai báo, phải dầy như cuốn tự điển. Mà chuyện mới thì không nói gì, có nhiều chuyện cũ xì, được bạn kể đi kể lại, không biết bao nhiêu lần, mà mỗi lần kể, như là câu chuyện chưa bao giờ được nói ra. Thiệt là ngộ. Mỗi lần nghe bạn kể tôi thấy như là câu chuyện mới tinh khôi, sôi nổi, hào hứng. Nghe hoài, không chán. Rõ ràng là ông lẩm cẩm nầy kể chuyện cho ông lẩm cẩm kia nghe. Hổng vui sao được.
Cứ như vậy mà ngày tháng trôi qua hồi nào không hay. Mỗi ngày gặp bạn, có nói chuyện, không nhớ là chuyện gì, cũng đủ ấm áp và vui vẻ. Đó là một ngày trọn vẹn của hai ông già, xa quê từ lâu lắm rồi!
Nhưng có lần tâm sự, bạn đã khổ tâm than phiền chuyện nhà dâu con. Thông thường là tôi gật đầu đồng ý cho bạn vui, vì tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về mấy chuyện tình duyên gia đạo nầy. Thiệt ra chuyện nhà người ta mình biết cái gì mà xía vô.
- Anh biết không, hổm rày, tôi với bả không ngủ được. Tức mình hết sức!
Tôi ngạc nhiên:
- Sao kỳ vậy anh? Có chuyện gì lạ không? Nói nghe coi.
Anh bạn thều thào qua hàm răng giả:
- Anh nghĩ coi, gia tài có thằng con trai, rán nuôi nấng o bế, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của, công sức, cho nó ăn học nên người như anh biết đó...
Tôi bèn làm một hơi để an ủi ông bạn:
- Ờ, ờ, tôi biết mà, thằng con anh giỏi quá ngon lành, nghề nghiệp nó bây giờ ai cũng mê, lại có địa vị vững vàng. Trong giới người mình, tài năng như vậy là hiếm quí lắm đó. Tôi tin cháu sẽ có một tương lai sáng sủa hơn nữa và thường khen. Thiệt là anh chị có phước. Nhiều người muốn như vậy mà không được.
Ông bạn xụ mặt xuống, đắn đo:
- Anh không biết gì hết nên mới khen nó. Tôi coi anh như người thân trong gia đình nên mới thố lộ chuyện nầy. Nói thiệt anh nghe, mấy ngày nay tôi với bả muốn khùng luôn đây nè...
- Trời đất, chuyện gì mà dữ vậy?
- Anh không biết, nó đâm thương một con đầm Québecoise và đòi cưới, thiếu điều làm giặc trong nhà. Rồi nó hăm dọa tôi với bả, nếu không cho cưới nó sẽ mua nhà xa hơn, rồi, rồi... vẫn cưới con quỉ cái đó, không cần so tuổi hôn nhân, cúng kiếng, lễ bái ông bà tổ tiên gì ráo trọi. Anh nghĩ coi có chịu nổi không? Tụi tôi cản trở đủ mọi cách mà không được. Việt Nam mình thiếu gì đứa đẹp, nết na, học giỏi, bằng cấp đầy mình, tại sao không thương mà lại đi thương mấy con đầm trời ơi đất hỡi... Phước đâu không thấy, vô phước thì có.
Nghe xong tôi cười ngất, tưởng trời sập tới nơi, nào ngờ chuyện có lớn lao gì đâu.
Tôi bèn viết câu chuyện nầy để tặng cho cặp bạn già thân tình. Và cầu mong bạn thân gặp may mắn có con dâu như cô đầm Québecoise đồng hành mấy năm trước đây của tôi, trong một chuyến đi chơi xa, thiệt là xa, vòng quanh trái đất.

Chuyến bay đường dài kỳ đó đúng một ngày một đêm. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh và vào đến khách sạn thì ai nấy rã rời. Tôi lếch thếch kéo cái valise vừa lớn vừa nặng, rán đi theo đoàn cho kịp. Trong đoàn chỉ có tôi và cậu em là Việt Nam, còn lại là người ngoại quốc da trắng. Tụi Tây sao mà mạnh và đi lẹ quá sức, tôi thiếu điều chạy mà cũng không kịp, lệt bệt hổn hển theo sau đuôi. Chợt thấy một cô đầm dáng còn trẻ, dáng thon thon xinh xinh, tay kéo hai valise hành lý đi theo sau một chiếc xe lăn đen trên có một ông già to lớn con ngồi bệ vệ, có nhân viên phi trường đẩy đi phía trước. Như vậy ông già nầy bị tê liệt ở chân hay là bịnh Parkinson, tay chân run rẩy? Mà sao kỳ cục vậy, đã bịnh hoạn như vầy, đi đứng không nổi, khó khăn, mà lại đòi đi chơi xa... Hổng hiểu thiệt tình ?
Tôi trẻ hơn ông nhiều, tay chưn lành lặn mà còn khổ sở trăm bề. Rồi nhìn qua cô đầm trẻ, thấy mặt mày vẫn tươi tắn bình thường, không một nét mệt mõi hay khó chịu gì. Có lẽ cô trẻ tuổi, lại là người Tây phương nên khỏe mạnh hơn người mình. Mà người mình ở đây là tôi. Vì đi chung một đoàn, qua câu chuyện hàn huyên cùng nhau, tôi biêt cô và ông già là hai cha con và để tâm chú ý. Mà không chú ý cũng không được. Vì mọi sinh hoạt của đoàn là phải ăn khớp giờ giấc cùng nhau từ chuyện đi ăn, đi chơi, tới đi ngủ... Nếu có một người trễ nãi hoặc đi lạc.. thì cả đoàn phải chờ đợi và rắc rối xảy ra...
Vì lẽ đó, do yếu sức hơn mọi người, để khỏi gây phiền phức cho bạn đồng hành, tôi lúc nào cũng chuẩn bị trước giờ giấc theo lời chỉ dẫn của anh hướng dẫn viên.
Tôi vừa lo phần tôi, và vừa lo để ý thêm phần hai cha con ông Tây già, coi họ chuẩn bị có kịp không? Các bạn biết không, cái xe lăn của ông được mở ra và xếp lại dễ dàng. Từ phòng khách sạn ra thang máy, đến phòng ăn, cô con gái đẩy xe ông cha ra tận bàn ăn, khi tới nơi, đỡ cho ông ngồi vững vàng trên ghế xếp quanh bàn tròn, lo cho cha xong, cô xếp chiếc xe lại dựng sát bên ở góc tường. Cô đến ngồi cạnh sát bên cha, lấy đồ ăn vừa đút cho cha, vừa lo cho mình. Vén khéo, ngăn nắp, và cái hay là lúc nào cô cũng tươi tắn, tiếp chuyện với người xung quanh. Cả đội mười hai người cùng nhau ăn uống, cùng nhau vui vẻ trao đổi những câu chuyện vui thấy được vừa qua. Cô gái cũng tham gia câu chuyện, cử chỉ dịu dàng xinh xắn, vui vẻ, hòa đồng với tất cả mọi người. Sau khi ăn xong, tôi thấy cô có chuẩn bị thuốc men cho cha uống. Rồi cô lấy cái xe lăn, mở rộng ra, đở ông ngồi vào và hai cha con đi về phía phòng vệ sinh. Phải khá lâu, tôi mới thấy lại chiếc xe lăn đen tiến lên thang máy đi trở về phòng.
Và cứ như vậy mỗi ngày lên xuống, ra vô phòng ăn, rồi lên xuống xe bus, đều đặn đến các di tích du ngoạn,... không nơi nào vắng bóng chiếc xe lăn đen hai cha con nầy.
Tuy vất vả, khó khăn, nhiều phiền lụy nhưng chưa bao giờ tôi thấy nét cau có, bực dọc trên nét mặt xinh xắn vui tươi của cô hay nghe được một lời cằn nhằn dù nhỏ, dù lớn thế nào... Chưa bao giờ và chưa hề bao giờ có, từ khi bắt đầu chuyến đi cho tới khi trở về...
Từ một người hoàn toàn xa lạ, do gần gũi nhau trên ba tuần qua, thật lòng tôi rất quí trọng thương mến cô đầm nầy. Cô không đẹp rực rỡ nhưng trang nhã, dịu dàng, nhất là xinh xắn dễ thương. Tuy phải lo lắng, săn sóc người cha bịnh tật nhưng cô không hề giận hờn, trách móc, quạu quọ... Cô thường nhờ tôi chụp cho cô với nhiều cảnh đẹp yêu thích. Tôi rất vui và sẳn lòng. Rất, rất nhiều lần như vậy. Và có lần cô nói với cậu em tôi đi chung đoàn
– Tại sao không bao giờ tao thấy anh mầy nhờ tao chụp cho mà cứ đứng riêng chụp một mình?
Nghe em thuật lại, tôi bật cười: – Cô đầm bé nhỏ xinh xinh ơi, cô không biết chuyện bí mật riêng tư nầy. Từ nhỏ tới lớn, tôi có một tật xấu, hễ thấy đàn bà con gái đẹp thì run lắm, sao kỳ cục quá, đôi khi cũng muốn nhờ cô chụp dùm, mà không biết tại sao lúc đó líu lưỡi nói không ra hơi!
Câu chuyện nầy xảy ra từ lâu rồi, nhưng cử chỉ dáng điệu cô bạn đồng hành trong chuyến bay năm đó tôi không bao giờ quên. Tôi viết lai câu chuyện nầy không dụng ý so sánh hay phê bình nầy nọ, mà là trình bày cho các bạn một hình ảnh đẹp mà tôi tình cờ gặp được. Dân tộc nào cũng có người vầy người kia. Không thể lấy một người rồi cho là cả dân tộc đó giống y như vậy. Kết luận chung chung như vậy là bậy lắm, không được.
Riêng tôi, tôi ước ao có được một nàng dâu như cô đầm mà tôi đã gặp trong chuyến đi thì đời tôi không còn gì sung sướng hơn nữa. Tôi sẽ mua một chiếc xe lăn thật tốt, và tôi sẽ tha hồ mà đi xứ nầy xứ kia, khi về già!
Và trên hết, tôi viết câu chuyện nầy để an ủi đôi vợ chồng già, bạn thân thiết của tôi. Bạn ơi, chuyện đời, biết đâu là phúc biết đâu là họa, lựa chọn theo ý mình đôi khi cũng không đúng đâu. Chuyện yêu đương là chuyện của trái tim. Trái tim của nó thì đập theo nhịp rung động, mau chậm của nó. Làm sao anh lấy trái tim anh đập thế dùm cho cháu nó được. Anh em mình già rồi, thỉnh thoảng nhớ lại chuyện người nầy người nọ, thấy cuộc đời tang thương dâu bể lắm. Bao nhiêu cảnh nước chảy qua cầu. Làm sao bảo đãm lựa chọn cho hay, cho đúng được? Thôi, chuyện của cháu, cứ để cháu tự lo lấy, may nhờ rủi chịu, nữa sau tốt hay xấu nó không trách cứ gì mình... Lo cho con tới như vậy là quá đủ bổn phận làm cha mẹ rồi, lo chi đến chuyện tình cảm riêng tư đời nó... Bạn hiền nè, chuyện của nó để nó tự lo.

Võ Kỳ Điền
(28-8-2017)


CHUYỆN NGƯỜI THỢ RÈN

THÀNH PHỐ LUÂN ĐÔN

Tôi thiệt tình mê nhà phê bình gia văn học trứ danh Kim Thánh Thán vào thế kỷ 17 đời nhà Thanh. Mê từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ, mê từng câu nói. Nhiều khi không biết ổng nói thiệt hay nói chơi mà sao mê chết lên chết xuống. Kỳ cục quá không biết nữa! Chắc kiếp trước tôi là tiểu đồng chuyên pha trà, ôm tráp theo hầu cho ổng sai vặt. Nếu được vậy thì cũng là phúc đức mười đời còn sót lại, không biết có đúng hay không. Bất cứ điều gì ước mơ vượt quá sự thật, tôi đều cho là do... kiếp trước. Như kỳ đi chơi ở Tây Ban Nha cùng nhà văn Song Thao mấy năm vừa qua, hai anh em thử vòng tay ôm cây cột, mỗi bề chừng ba thước vuông bằng đá hoa cương, mỗi cột là những tảng đá, được xếp chồng lên nhau, cái aqueduct tại tỉnh Segovia, hệ thống dẫn nước từ núi cao về thành phố lớn chần dần cổ xưa. Tôi nhớ đã buột miêng thốt lên - như vậy kiếp trước hai anh em mình là lính La Mã đã è ạch khiêng mấy trăm ngàn tảng đá vuông vức to lớn mà xây nên công trình dẫn nước đồ sộ nầy. Bây giờ được đầu thai trở lại để vuốt ve, nhìn ngắm, thăm lại chốn cũ. Miệng thì cứ láp dáp quên mất là ông bạn nầy, có tin thuyết luân hồi như tôi đã tin? Chỉ thấy anh chàng đẹp trai nầy cười mím chi. Nhưng dù gì đi nữa, miễn cười là được rồi. Như Kim Thánh Thán đã từng nói - chẳng cũng vui sao!

Trở về chuyện đại sư phụ Kim Thánh Thán, thiên hạ đều biết nhiều câu nói lạ lùng và nhiều truyền thuyết của ông. Nhưng riêng tôi thì tôi nhớ mãi câu nầy khi đi chơi xa - Người biết đi du lịch là người phải có đôi biệt nhãn dưới hàng lông mày. Vậy đôi biệt nhãn ra làm sao. Hàng lông mày thì ai cũng có, chỉ khác nhau ở đậm và lợt, ngắn và dài. Biệt nhãn là cặp mắt đặc biệt.
Cặp mắt sáng và mờ, viễn thị hay cận thị nếu hiểu theo ý của tôi thì thiệt là... tội nghiệp cho câu nói của Kim Sư Phụ. Tôi suy nghĩ tới, suy nghĩ lui và hiểu như vầy, không biết đúng không? Ý ổng nói là cái gì thiên hạ nhìn thì mình đừng nhìn nữa và cái mình nhìn thì thiên hạ hổng thèm nhìn hoặc có nhìn mà không thấy... Chắc là như vậy. Tánh tôi khá bộp chộp, đúng sai không cần biết, hễ nghĩ sao là làm vậy liền hà, có sư phụ Kim Thánh Thán dạy rồi mà, không hề đắn đo gì hết trơn hết trọi!
Năm đó, tôi lạc bước đến Luân Đôn, rồi lang thang đến thăm một cái nhà thờ thiệt lâu năm, lớn thiệt là lớn. Hồi nào tới giờ tôi cũng có vô vài nhà thờ, vài cái chùa nhưng đây là lần đầu tiên tôi ngộp thở. Thiệt tình là thở không ra hơi. Sao mà lớn quá, lớn chần dần, không biết cửa chánh là cửa nào, không biết tượng nào là tượng nào, phòng nào là phòng nào, đông tây, nam bắc, rối mù... Đó là Abbé Westminster. Về sau thấy báo đăng đám cưới Hoàng Tử Charles với công Nương Diana tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường nầy. Đó là chuyện sau nầy. Chuyện Hoàng Tử cưới Công Chúa, báo nào cũng có nói...

Bây giờ tôi kể tiếp. Khi vào bên trong tôi quýnh quá, ngó ngang ngó dọc, cái gì cũng lạ, cái gì cũng lớn. Tiếng Anh tôi kém lắm, chỉ biết lỏm bỏm qua cuốn Anglais vivant mà cũng quên đi gần hết. Nghe dân Anh nói chuyện như vịt nghe sấm nhưng đọc thì biết được vài chữ dễ dễ.. Ngàn năm một thuở dễ gì có được cơ hội nầy, tôi bèn rán nhìn và nhớ câu nói của Kim Thánh Thán - phải có đôi biệt nhãn dưới hàng lông mày. Đôi mắt tôi lúc đó chưa cần đeo kiếng, nhìn đâu cũng thấy sáng trưng, vậy thì chắc mình cũng có đôi biệt nhãn. Hổng lo. Trong nhà thờ lại có nhiều phần mộ các vua chúa nước Anh. Chỗ nầy là phần mộ các vua Edward, các vua Henry, các vua William, từng đời vua nối tiếp... nhiều lắm, không sao nhớ hết. Mỗi phần mộ là một kiến trúc lớn như ngôi nhà được những người thợ tài hoa thời đó chạm trổ tinh vi khéo léo, nạm đầy vàng ngọc trên cửa, trên tường, xa hoa cùng cực...
Chân tôi bước đi và bước đi hoài, mắt cũng nhìn và nhìn hoài, các phần mộ vua chúa nước Anh nối tiếp nhau, từ đời nầy sang đời kia, coi hoài mà không hết... Tôi hơi chán nên không nhìn lên nữa, mõi cổ quá, rồi không còn nhìn lên trên nữa, nhìn quanh nhìn quất, rồi tôi cuối nhìn xuống dưới chân. Hình như trên nền đá cẩm thạch có khắc chữ, tôi rán nhìn và rán đọc, coi coi họ đã khắc cái gì giữa sân nhà thờ uy nghi nầy...
A, biệt nhãn mà Kim Thánh Thán nói, chắc là cái sàn đá cẩm thạch đen láng bong của nhà thờ nầy.
Trời đất ơi, dưới chân tôi cũng là những phần mộ của những người có công với đất nước Anh. Chỗ tôi đang đứng là phần mộ của Đô Đốc Nelson, vị đại anh hùng của hải quân Anh đã đập tan hạm đội của Đại Đế Napoléon của Pháp và Tây Ban Nha ở trận Trafalgar. Tên tuổi nầy, cả thế giới, ai mà không biết. Nếu bạn đi du lịch Luân Đôn, thế nào bạn cũng có dịp đến công trường Trafalgar nổi tiếng xứ nầy, có tượng con sư tử bằng đồng đen nằm dài đường bệ. Nội cái đuôi nó, cả gia đình tôi ba người đứng vừa bằng. Tôi đâm ngạc nhiên đến độ sững sờ. Kỳ lạ hơn nữa, những hàng chữ Anh viết theo lối văn cổ xưa, vậy mà tôi, một người không rành, lại đọc và hiểu được. Chắc cũng nhờ ... kiếp trước có ở xứ nầy...

Lại bước thêm bước nữa, lại một ngạc nhiên thú vị. Đây là phần mộ của một người thợ rèn đã có công cứu thành phố Luân Đôn, thoát khỏi một trận hỏa hoạn khủng khiếp. Nếu không có ông hy sinh mạng sống thì bao nhiêu công trình huy hoàng tráng lệ, lâu đài dinh thự đẹp đẽ, thành quách uy nghi, bao nhiêu của cải tiền bạc của thành phố Luân Đôn tích lũy cả mấy ngàn năm sẽ tiêu tan thành tro bụi, bao nhiêu sinh mạng sẽ bị điêu tàn trong biển lửa, biến mất cùng mây khói. Một cái chết đã cứu được hàng ngàn mạng sống. Phải nói cho đúng. Đó là cái chết phi thường của một vị anh hùng!

Rồi dưới mỗi một bước chân rón rén đày kính cẩn của tôi là một vị anh hùng, có vị là đại tướng, trung tướng, có vị là trung sĩ, thượng sĩ, có vị là dân thường, nam có nữ có, hàng hàng lớp lớp nằm bên nhau, đều đặn trên mặt sàn cẩm thạch đen của giáo đường... họ đều là những người đã yêu nước đem tài năng, tâm huyết, lẫn sinh mạng để cống hiến cho quê hương, xứ sở. Điều mà tôi thán phục là phần mộ của vị Đại Tướng và phần mộ của người thợ rèn ngang bằng nhau, không lớn nhỏ, không cầu kỳ chạm trổ... tất cả mỗi viên gạch cẩm đen bóng loáng mà tôi bước lên đều giống hệch nhau, đều là chốn yên nghĩ ngàn đời cho những người con dân ưu tú của tổ quốc Anh Cát Lợi. Họ đã sống cho nước Anh và họ đã chết vì nước Anh. Họ đã chết cho những người còn lại, vươn cao lên dưới ánh mặt trời.
Và tôi đâm chợt hiểu lý do tại sao người dân Anh lại yêu tổ quốc họ cuồng nhiệt như vậy. Tôi một người xa lạ, khi thấy những công trình như vầy, thì nghĩ rằng nếu mình là dân Anh thì cũng sẽ tự đứng lên cầm súng bảo vệ quê hương đất nước cho đến hơi thở cuối cùng, không một chút do dự.

Rồi tôi cũng lẩn thẩn so sánh, nếu chúng ta đứng trước cầu Thê Húc hay núi Dục Thúy, chúng ta hoàn toàn không đọc được những chữ ngoằn ngoèo khắc trên bia đá, cũng không hiểu được cha ông tại sao lại đặt những tên nầy tên kia và những danh xưng như vậy là muốn nói điều gì. Rồi đến tên ông bà tổ tiên dòng họ, trên các mộ bia, bài vị thờ cúng, chữ hán thì viết một đằng, trong giấy tờ thì ghi một nẽo. Vậy sai đúng ở cái chỗ nào... Trong khi đó, cùng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa mà dân tộc Nhật Bản, dân tộc Đại Hàn họ đọc và hiểu được tất cả những gì tổ tiên họ để lại từ mấy ngàn năm trước. Trong khi đó chúng ta vứt bỏ không do dự, không tiếc thương. Tuy họ đã giữ gìn cái cũ nhưng bây giờ họ cũng văn minh, tiến bộ như thường, đâu thua kém ai. Tôi không muốn nhắc tới điều nầy và thiệt tình là không muốn!

Tôi viết những dòng nầy, cốt chỉ để nhắc lại câu nói của Kim Sư Phụ mà thôi, chớ không có ý thảo luận, phê bình hay tranh luận gì đến chuyện ngôn ngữ và chữ viết của đất nước. Chuyện nầy dành riêng cho các nhà học giả uyên thâm.

Tóm lai, khi đi du lịch, nói theo Kim Thánh Thán là phải có đôi biệt nhãn dưới hàng lông mày. Công án nầy ông đã đưa ra từ mấy thế kỷ trước, tôi cũng nghiền ngẫm hoài, chưa giải đáp được. Nói theo nhà Phật là phải còn trôi lăn hàng bao nhiêu kiếp nữa mới mong “hoát nhiên đại ngộ” được!

Võ Kỳ Điền
21-08-2017

 

Đăng ngày 28 tháng 03.2018