banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Một câu chuyện riêng tư

Võ Kỳ Điền

Tôi nhớ khi nhận định về tập sách Luân Hoán Một Đời Thơ, tôi có ghi lại về chuyện chơi chim của thi sĩ như vầy:
“Nhà văn Hồ Ðình Nghiêm đã có lần viết cách nuôi chim và chơi chim của Luân Hoán. Hình như nhà văn kể tên còn thiếu một loài chim quí mà cả đời thi sĩ yêu thích, say mê”
Tôi tin rằng bạn Hồ Đình Nghiêm cũng biết rất rõ bạn mình thích chơi loại chim nào nhứt nhưng chưa dám nói ra. Phải thật thân tình như nhà văn Song Thao thì mới dám he hé chút đỉnh, chúng ta tha hồ mà đoán non đoán già:
- Nầy, anh có nuôi chim không? Mang con chim của tôi về mà nuôi.
- Sao vậy? Con chim đó hót hay lắm mà.
- Thì hót hay chứ sao? Mà còn hót suốt ngày nửa chứ, dễ thương lắm.
- Vậy sao anh không nuôi nữa?
- Lười biếng quá, anh ơi!
- Dân nuôi chim từ Ðà Nẵng tới Montréal mà bây giờ sao lại chán chim rồi?
- Nuôi nó bận quá!
- Thế còn cá thì sao?
- Cá thì vẫn nuôi, nhưng nuôi ít thôi!
- Tưởng anh chán cả chim lẫn cá! Này, nhưng chim và cá cơ hữu vẫn còn trong nhà chứ?
- (cười) Thứ đó thì đâu có bỏ được.
- Vừa thôi chứ, cha nộí!
Bạn Luân Hoán xuống câu kết nầy, đọc ngang qua, tôi khoái chí quá trời.

Sáng nay tình cờ đọc được bài thơ hay của thi sĩ Luân Hoán cũng nói về chim. Tôi quen thi sĩ một thời gian khá dài, đâu chừng trên dưới ba, bốn mươi năm. Chuyện thi sĩ làm cái gì, chơi cái gì tôi đều biết biết ráo trọi. Thi sĩ có dấu đâu, mỗi ngày kể ra một chuyện, bạn đọc ai ai cũng biết hết trơn mà... Trong các trò chơi đó, thi sĩ chơi chim là số một, ngoài chơi cá và chơi đầm (các bạn đừng hiêu lầm chữ nầy nghe tôi muốn nói chơi đầm của thi sĩ là ra phố phường đông đúc ngó đầm non đầm già, bên Québec nầy thiếu gì, đâu cần phải đi ra biển!)  

Bài thơ ca tụng chim đó như vầy:
MÊ CHIM
Luân Hoán

thiên nhiên vang vọng tiếng tình
một phần trời đất u minh tỏ lời
tiếng chim tha thiết yêu đời
pha than van những bồi hồi nhớ nhung
phân cao thấp, luận anh hùng ?
bảo vệ lãnh thổ một vùng sống riêng
sảng khoái hách dịch hồn nhiên
chim vườn rừng núi điệu triền miên ca
*
tôi đang lưu lạc xa nhà
thèm xót ruột tiếng sơn-ca chích-chòe
nhớ con chèo-bẻo ngọn tre
lời thô thiển rớt rè rè khô khan
chào-mào lảnh lót nhịp nhàng
xa gần trầm bổng tràn lan góc trời
những con khướu núi tôi nuôi
ô cùng bạc má giúp tôi nở mày
vành-khuyên trong lồng xách tay
với nghệ thuật líu đủ gây mê lòng
họa-mi nhẹ đổ từng dòng
thôi thúc, tha thiết, mặn nồng, thị uy
lâu lâu nhiều giọng lạ kỳ
cộc lốc, chua chát đôi khi xa vời…
tiếng chim phong phú giữa trời
nguồn ngôn ngữ, gọi tuyệt vời thôi sao ?
*
chưa bao giờ chưa lúc nào
nghe chim gì hót tôi không nao lòng
kể cả tiếng cú qua song
tiếng chim khách tạt viễn vông báo chờ
mê chim từ thuở ấu thơ
nỗi mê già đến tận giờ vẫn mê
thiên nhiên hoang dã bốn bề
nhiều khi hơn cả môn lề đường đi
trăm năm giữ tuổi thiếu nhi
nhưng dễ chi được nhiều khi già khằn
em viện trợ chút tình chăng ?
mà thôi, tình ái thêm nhăn mặt lòng.
Luân Hoán
6h17AM, 12-12-2022

Tôi một người không rành về thơ nhưng rất thích thơ và mê thơ từ nhỏ. Bài nào cũng đọc, thi sĩ nào cũng đọc, miễn là gặp thơ được in trên báo giấy trắng mực đen. Tôi cũng để ý thấy độc giả Việt Nam khi ái mộ một thi sĩ nào đó thì thường thêm cho họ một cái tên mới kèm theo nghề nghiệp như thi sĩ không quân, thi sĩ hải quân, thi sĩ bác sĩ, thi sĩ anh hùng, thi sĩ nhảy dù, thi sĩ học trò, thi sĩ quê hương v.v... Thêm tên tuổi cho một nghệ sĩ mình ái mộ như một phong trào. Tôi cũng bắt chước mạo muội cách đặt tên nầy, đặt thêm tên cho bạn tôi là “thi sĩ mê chim”.
“mê chim từ thuở ấu thơ
nỗi mê già đến tận giờ vẫn mê”
Các bạn thấy sao, cái biệt danh tôi đặt thêm cho bạn tôi đúng thiệt mà!

Tôi cũng có một câu chuyện liên quan tới chim từ lâu rồi nhưng không dám nói ra, thiệt tình không dám nói, dấu thiệt kín.  Hôm nay thấy bạn khoe, tôi cũng rụt rè mà kể lại, một lần rồi thôi. Chuyện nầy để trong bụng hoài chịu không nổi, mà kể ra thì cũng chịu không nổi. Các bạn cũng nhớ tôi là một nhà giáo mà, lại cũng là một ông nhà nho...

Chuyện xảy ra vào một đêm Giáng Sinh lúc mới qua xứ lạnh nầy. Lúc đó mình trần thân trụi trong túi không có một cắc mà trong bụng thì vui thiệt là vui. Vợ chồng tôi mướn một căn phố nhỏ gần métro Beaubien ở thành phố Montréal cho tiện việc đi lại. Đầu đường là nhà tôi, cuối đường là nhà anh Mạnh và chị Hạnh. Anh chị qua trước từ năm 1975 nên các chuyện xứ nầy vợ chồng tôi học hỏi ở anh chị được nhiều điều. Anh là một dược sĩ bên nhà, qua đây nên phải ngày đêm lo chuyện học lại để lấy bằng hành nghề tương đương. Chị là nhân viên ngân hàng nhưng không xin lại được việc như xưa nên đành phải chọn việc khác ở hãng may.  Chị người thanh mảnh, xinh xắn, vui vẻ và tánh tình đoan trang hòa nhã. Vợ chồng tôi rất thích và quí cặp bạn mới nầy. Mỗi tuần chúng tôi cùng bạn bè lối xóm, làm món ngon vật lạ, rủ nhau ăn uống chuyện trò... Các câu chuyện vượt biên và đời sống quê nhà nói cho nhau nghe, sao mà có quá nhiều chuyện để nói, nói hòai không hết.
 
Tôi còn  nhớ chị Hạnh đã dạy chúng tôi đổ bánh cuốn bằng chảo chống dính, trộn chung bột gạo và bột năng, khá dễ làm, ăn cũng ngon y như bánh cuốn nóng bên nhà. Có lần anh chị rủ chúng tôi đi hái đọt choại trong rừng núi. Ngộ ghê chưa, nơi đây là xứ lạnh mà cũng có đọt choại y như ở Cà Mau, U Minh, Rạch Giá... Chuyện khó tin mà có thiệt. Đọt choại thì tôi đọc thấy nhiều trong các tiểu thuyết đồng quê nhưng chưa biết hình dáng ra sao. Lần đầu tiên trong đời tới lúc qua Québec tôi mới biết, trong vùng rừng rậm ẩm ướt sình lầy dây choại được mọc tràn lan, nhiều lắm. Rau nầy thuộc loại dây mọc dài trên cả chục thước, lá giống lá dương xỉ và đọt tươi xanh non uốn cong tròn lại giống đầu nhạc cụ vĩ cầm.  Vì mọc hoang trong rừng nên không sợ nhiễm thuốc trừ sâu, tôi ham quá nên hái cả bao đầy. Vị ngọt thanh dòn dòn và hơi chát, có thể nấu canh, luộc hoặc xào...
Nhìn bao quát đám rau choại nầy tôi mừng lắm và yên tâm. Nói ra thì thiệt tình xấu hỗ. Lúc đó vợ chồng tôi vừa vượt biên bên đảo Mã Lai mới qua, nhớ lại những gian nan vất vả ở đảo hoang mà giưt mình. Cũng may là không bị bão tố, cướp bóc, hải tặc... chỉ bị đói vài ngày, cho đến khi Liên Hiệp Quốc biết được kịp thời cứu trợ. Lúc đói, tôi suy nghĩ đủ cách như bắt cá, bắt đồn đột, cạy hàu vách đá và hái dừa để vợ con sống sót qua ngày  Cuộc đời thu gọn chỉ có bấy nhiêu. Còn bây giờ thì khỏe quá rồi. Nghĩ tới nghĩ lui, nếu bất chợt xảy ra điều gì trắc trở đến mấy cũng không cần phải lo. Ở xứ Québec nầy cái gì cũng rẻ quá, một bao khoai tây mười cân thiệt bự chỉ có một đồng, còn đầu cá các loại, chưn gà, cánh gà thì tiệm cho không, ngoài cửa để đầy, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Vậy thì mỗi bữa tôi sẽ vô rừng hái đọt choại rồi kho, xào, nấu canh với chưn gà, cánh gà, đầu cá... làm sao mà chết đói cho được. Còn quần áo thì nhà thờ nào cũng bày ra như tiệm tạp hóa, để từng hàng kệ dài, cũng cho không! Vui ơi là vui, còn lo sợ gì nữa. Canada đúng là xứ sở thiên đường!

Nhớ vào mùa Giáng Sinh năm ấy, chúng tôi được anh Mạnh và chị Hạnh mời ăn réveillon tại nhà.  Bạn bè chừng năm sáu cặp. Người nào người nấy quần là áo lượt, mặt mày vui tuơi. Thức ăn đầy một bàn, các loại rượu đỏ trắng có đủ, ly tách bóng loáng, đèn nến sáng choang, tất cả chìm trong tiếng nhạc Giáng Sinh dìu dặt.  Chị Hạnh nấu đồ ăn là số một, tôi lại ham ăn nên hầu như không nói một tiếng nào. Mà đâu phải chỉ có mình tôi, ai ai cũng hào hứng ăn uống tận tình. Món ăn ngon thiệt là ngon.
Coi đi coi lại chỉ có thằng Bi là bỏ đũa sớm nhứt. Lúc đó Tâm Bi mới chừng ba bốn tuổi. Nó tuột xuống chiếc ghế dành riêng cho con nít và chạy lon ton chơi trong phòng, bên cây thông Noel chất đầy những gói quà phía dưới. Tôi yên tâm, ăn tiếp món ăn nửa chừng.  Đến một lúc tôi ngẩng đầu lên thì thấy Bi đương săm soi hai con chim được chưng bày trên tủ  rượu ở phòng khách. Tôi nhớ rồi, hai con chim bồ câu lông trắng mịn châu đầu ríu rít nhau nầy được đặt trên bánh cưới vào mùa hè vừa qua lúc đám cưới anh Mạnh và chị Hạnh. Bây giờ nó được anh chị đem về đặt trên tủ rượu kỷ niệm lễ thành hôn của đôi uyên ương.
Thằng Bi đứng một hồi nhìn ngắm đôi chim, tay chưn con nít đâu chịu để yên. Nó rờ tới rờ lui, thấy vậy tôi sợ quá bèn la lớn:
- Bi, Bi, con đừng rờ con chim cô Hạnh!
Câu nói vừa thoát ra khỏi miệng, tôi quê quá sững sờ im bặt. Mà đâu phải chỉ có mình tôi. Cô Hạnh, anh Mạnh mặt cứng trơ ra. Cả đám bạn bè đều ngừng đũa. Không ai nói thêm một lời nào. Không gian im lặng ngang xương...  Tôi suốt đời không thể nào quên được Giáng Sinh năm đó.

Bạn ơi, tôi nói đúng hay sai, đến bây giờ là trên bốn mươi năm rồi, tôi cũng không biết sao nữa. Lời nói đã thốt ra, làm sao mà lấy lại cho được. Tôi là một ông giáo lại là một nhà nho, đã có lần ăn nói hàm hồ như vậy đó với một người bạn thật lòng quí mến.
Anh Luân Hoán ơi, chuyện của tôi và anh đều là chuyện chim. Nhưng chim của anh và chim của tôi khác nhau xa phải không. Nhưng có điều anh khoe là đúng, còn tôi giấu cũng là đúng, phải không.

Brossard, le 12 dec 2022
VÕ KỲ ĐIỀN  

 

Đăng ngày 25 tháng 01.2023