Múa cù và tuổi thơ tôi ở Thủ Dầu Một
Võ Kỳ Điền
Thời gian dạy học ở trường Hoàng Diệu Sóc Trăng, nhân dịp Tết Nguyên Đán tôi có nhắc lại chuyện lúc còn nhỏ suốt ngày ở ngoài đường đi coi múa cù, rồi chờ cho đến ngày rằm tháng Giêng xem cộ rước Bà Thiên Hậu có đoàn cù râu bạc, râu xanh, mấy chục con ở Chợ Lớn và các tỉnh miền Đông tụ tập về đông vui lắm. Đám rước đông nghẹt ồn áo náo nhiệt cả phố xá xung quanh tỉnh lỵ.
Mấy em học sinh nhao nhao lên hỏi: múa cù là múa gì vậy thầy? Khiến tôi ngạc nhiên sững sờ
- Trời, múa cù mà không biết!
Hỏi tới hỏi lui một hồi tôi mới biết ở Sóc Trăng gọi múa cù là múa lân. Phải đến lúc đó lúc đó tôi mới giựt mình sững sờ, hồi nhỏ tới lớn tôi chỉ nghe và biết là múa cù, phải khi về đến Sóc Trăng thì mới vỡ lẽ ra là múa lân. Tại sao múa cù ở Thủ Dầu Một lại là múa lân ở Sóc Trăng? cù với lân, giống và khác ở chỗ nào, sao kỳ cục vậy?
Tôi tức mình và tra kiếm các tài liệu tại sao có sự khác biệt nầy, đúng sai ra làm sao. Từ Phan Kế Bính đến Đào Duy Anh, đến Trương Vĩnh Ký, rồi Huỳnh Tịnh Của đến các học giả kỳ cựu, nhà văn nhà báo, tất cả đều viết là nước ta có phong tục múa lân vào các ngày lễ Tết. Không ai nhắc tới múa cù của tôi một tiếng. Vậy mà hồi nào tới giờ cứ tưởng là mình đúng. À thì ra, chân lý bên nầy núi Pyrénées thì nó sai ở bên kia (Vérité en-deçà des Pyrénées, erreur au-delà). Cám ơn các em đã giúp tôi sửa chữa cái thiếu sót lớn lao.
Tôi xin được trích dẫn bài viết của học giả Hoàng Anh, người Thủ Dầu Một viết về đề tài hấp dẫn nầy.
MÚA CÙ
Hoàng Anh
Ở Việt Nam không biết chính xác trò múa lân được du nhập từ lúc nào, nhưng có thể suy đoán, có lẽ là do chính từ những cộng đồng người Trung Quốc sang sống ở nước ta đem theo. Đáng nói thêm, cả nước ta, ở đâu cũng gọi con ấy là con lân, là múa lân, chỉ riêng tại Bình Dương xưa giờ, người ta cứ nói là múa cù. Tại sao có cách gọi khác biệt như thế là chuyện nay ít ai còn biết.
Có một cách giải thích được nhiều người tán thành, mặc dù cũng không có gì để chứng minh cụ thể và chính xác cho lắm. Thời trước, khoảng đầu thế kỷ hai mươi, tại vùng chợ Thủ Dầu Một có một người rất giàu và có thế lực tên là Trần Văn Lân. Ngôi mộ ông nay vẫn còn ở phường Hiệp Thành, chiếm một khu đất khá rộng trên một quả đồi với nhiều cây rừng mọc lâu năm tạo ra một địa danh gọi là Mả Ông Lân. Nơi đây đã được nhiều đoàn phim chọn làm cảnh quay cho nhiều bộ phim khác nhau. Con cháu ông Lân cũng là những người giàu có nổi tiếng ở vùng chợ Thủ như ông Trần Văn Hổ (Đốc phủ Đẩu), và một vài người họ Trần khác, có thể cũng cùng tộc họ như ông Trần Công Vàng, Trần Văn Tề, Trần Trung Hiếu… nay vẫn còn lưu lại nhiều ngôi nhà cổ được xếp hạng công trình kiến trúc văn hóa của tỉnh.
Mả Ông Lân (Bình Dương)
Chính vì tôn kính ông Lân, người ta không nói múa lân mà chuyển qua nói múa cù, theo cách kỵ húy thông thường của người Việt thời trước.
Cứ tạm chấp nhận cách giải thích như trên là đúng thì vẫn chưa hết thắc mắc, vì sao không dùng một từ nào khác mà lại chọn chữ cù? Đó là việc ngẫu nhiên hay người xưa đã có dụng ý khi thay thế lân bằng tên của một con vật trong truyền thuyết dân gian Việt Nam?
Trong bộ từ điển chữ quốc ngữ xưa nhất nước ta là Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) thì con cù là: “Loài rồng không sừng, tục hiểu nó thường nằm dưới đất, chỗ nó dậy thành sông”.
Về con cù này, nhà văn Đoàn Giỏi, trong những năm sáu bảy mươi có viết quyển “Những chuyện lạ về cá”. Trong sách này ông có nhắc tới hiện tượng “cù dậy”, một thành ngữ khá quen thuộc ở miền Nam. Ông có trích dẫn nhiều bài báo của các tác giả khác nhau ở miền Nam viết về hiện tượng này. Theo họ thì có những con cá sấu tu luyện lâu năm biến thành rồng, nằm ẩn mình trong đất sâu. Khi trời mưa to gió lớn, sấm sét rung chuyển đất trời, rồng sẽ tung mình bay lên mây, để lại nơi chỗ nó nằm một cái hố to có thể dài đến vài chục thước. Ông Đoàn Giỏi trưng dẫn tạp chí Bách Khoa số 331 ngày 15 tháng 10 năm 1970, trong đó có bài “Hiện tượng lạ cù dậy” của tác giả Lê văn Hương, kể một số giai thoại về cù dậy ở miền Tây xảy ra trong thế kỷ hai mươi, xin trích dẫn vài chuyện:
1. Cù dậy ở rạch Cẩm Sơn và rạch Sấu:
Cuối năm 1945 quân Pháp đánh lan ra Sóc Trăng. Dân ở Kế Sách bỏ chạy qua sông Bát Xắc vào xã Ninh Thới quận Tiểu Cần (Trà Vinh) ở bên bờ rạch Cẩm Sơn, trong đất của ông Trương Hoàng Lâu, tục gọi là ông Hàm Lâu. Qua năm 1946 đến năm 1947, một hôm tháng 6 trời mưa dầm, vào khoảng 4 giờ sáng bỗng nghe tiếng nổ ầm ầm. Mọi người cứ tưởng Tây ném bom, sau mới biết là tiếng động ở dưới đất, kéo dài hàng giờ. Ông Hàm Lâu bảo dân chúng hãy rình xem chỗ có tiếng nổ ở bãi xoài ven sông. Đến 5 giờ thình lình đất chuyển mạnh, dừa, ổi, xoài trốc gốc đổ nhào. Mặt đất mở ra, một vật đen to bằng chiếc ghe dài 30m bay vụt lên cao, biến trong mây. Ra đo chỗ đất: lỗ sâu hơn 3 mét, ngang 2 mét, dài khoảng 30 mét. Đó là Cù dậy.
2. Rạch Sấu xã Nhân Mỹ, quận Kế Sách (Sóc Trăng):
Cách tỉnh lỵ 25km. Tháng 07 năm 1969, 3 giờ sáng trời mưa. Nhiều người nghe có tiếng nổ cứ tưởng bom Mỹ. Nhưng lại nghe động ở dưới đất. 5 giờ 30 sáng, đất chuyển mạnh rồi thấy một vật đen thui từ dưới đất bay lên, hướng về Bãi Giá Rạch Gòi mà bay ra biển. Xem đất: Thấy hố sâu ở sau khu vườn dài 80 công đất. Ở Mương Sìn hai căn nhà bay tung, tại Rạch Sấu đến Phụng Tường nhà cửa xiêu vẹo. Ở sông Hậu, sóng cuốn một ghe chìm, hai người chết đuối. Tổng cộng thiệt hại một vệt dài trên 8 km, vườn tược, cây cối gãy đổ, nhà cửa hư sập do cù dậy rất lớn. Xem lại cái hố thì sâu 3 mét, rộng 2 mét, dài khoảng 30 mét. Dân địa phương khẳng định vệt đen từ vùng đất bay lên, bay đi ấy là cù dậy sau khi đã tu luyện thành công. Năm 1970 khi tác giả ấy viết bài này cái hố đó vẫn chưa bị lấp.
Liên quan đến danh từ “Cù”, ở Qui Nhơn, Bình Định, có một cái đèo tên là Cù Mông, nằm trải dài từ An Khê đổ ra biển, uốn lượn như một con rồng. Vì vậy tên xưa của đèo này là Cù Mãng. Mãng là con rắn thần, cù là linh vật đầu lân mình rồng. Một tác giả đã giải thích sự tích này như sau:
“Những khi thời tiết thay đổi, mưa gió bão bùng nổi lên, thì dân địa phương gọi là Cù dậy, bởi cả một vùng đầy sấm chớp, những ngọn cây cong oằn trong màn mưa dày đặc tựa như cả thân con linh vật chuyển mình, đặc biệt từ ngoài biển ngó vào, những rìa đá lởm chởm, những ngọn núi chạy dài tận mép nước hứng nhận những đợt sóng tạt lên trông giống như đầu con rồng đang há mõm hút nước vậy, mà đầu là từ Bãi Bàng, Bãi Bầu, Bãi Sấu…
Ngày xa xưa, mảnh đất từ An Khê đến Vân Canh đổ về phía La Hiên, Đa Lộc là nơi có nhiều âm binh quấy phá dân lành, phá hoại hoa màu, nhưng tệ hơn cả là có con beo thần mình dài 8 thước, hai chân sau có thể đứng thẳng và đi như con người. Con beo thần này thường lén hút hết nước từ các sông suối đưa lên tận Man Khê (An Khê?) khiến cho người dân trong vùng không có nước tưới hoa màu, gây hạn hán và đói kém triền miên cho nhân dân cả một vùng rộng lớn. Những ngày cầu đảo cúng tế đất trời kéo dài với tiếng than khóc của những người dân cùng khổ khiến thiên đình động lòng, bèn sai thần làm mưa đưa con rắn xanh Cù Mãng (có nhiệm vụ coi sóc giếng nước thiên đình) xuống trần gian, nằm phủ phục trên đỉnh Cù Mông để bắt con beo thần và làm mưa cho vùng đất này. Beo thần bị con Cù Mãng bắt đưa về trời sau cuộc chiến kéo dài ròng rã mấy năm trời. Vì vậy, hàng năm cứ vào tháng 9, tháng 10 âm lịch là cả vùng đất Cù Mông mưa gió, sấm chớp nổi lên đùng đùng mà người dân gọi là cuộc huyết chiến giữa thần Cù Mãng và Beo thần ngày trước”. (trích từ internet)
Cũng tại Bình Định còn có một ngọn núi tên là Xà Cù, xưa là nơi hoang vu có nhiều loài trăn rắn lớn sinh sống, vì vậy mà đặt tên là Xà. Còn ghép chữ Cù, không hiểu có phải vì niềm tin dân gian vào sự biến hóa của hai con vật này hay không.
Tại Hội An có một ngôi chùa cổ nổi tiếng gọi là chùa Cầu, do thương gia người Nhật xây dựng vào thế kỷ 17 (có thể là năm 1617), nên tên gọi ban đầu của nó là Nhật Bản Kiều. Đến năm 1791, khi chúa Nguyễn Phước Chu tuần du đến đây mới đặt cho cái tên mới là Lai Viễn Kiều. Có một số truyền thuyết xoay quanh việc xây dựng ngôi chùa này, cũng liên quan đến con cù mà ta đang bàn:
“Ở cảng thị Hội An ngày xưa cộng đồng người Việt, người Nhật, người Hoa có chung một truyền thuyết về nguyên nhân gây ra động đất. Họ cho rằng ở ngoài đại dương có một loài thuỷ quái mà người Việt gọi là Con Cù, người Nhật gọi là Mamazu, người Hoa gọi là Câu Long, đầu của nó ở Nhật Bản, đuôi của nó ở Ấn Độ và lưng của nó vắt qua khe ở Hội An mà cầu Nhật Bản bắc qua. Mỗi khi con thuỷ quái đó quẫy mình thì nước Nhật bị động đất và Hội An không được yên ổn để người Nhật, người Hoa, người Việt được bình yên làm ăn buôn bán.
Chùa Cầu ở Hội An
Để khống chế con Mamazu, người Nhật đã thờ các Thần Khỉ và các Thần Chó trên hai đầu cầu để "yểm" con thuỷ quái đó.
Những học giả của Trường Đại học Showa (Chiêu Hoà) đã đến nghiên cứu ở Hội An tháng 9-1992, tháng 3-1993 và tháng 9-1993 đã trao đổi với Ban Quản lý Di tích Hội An rằng những con thú thờ trên cầu không phải là những con thú bất kỳ mà là những vật linh theo tín ngưỡng vật tổ của người Nhật.
Người ta cũng thấy rằng người Minh Hương lập ngôi chùa nhỏ nằm sát cây cầu cổ để thờ Bắc Đế Chân Võ (hay Huyền Thiên Đại Đế) cũng với mục đích khống chế con Câu Long không gây ra động đất.
(Nguyễn Phước Tương, Đôi Điều về Chùa Cầu Hội An, http://chimvie3.free.fr/17/levanhao/lvhs058b.htm)
Một nhà nghiên cứu khác cũng viết tương tự:
“Tục truyền xưa kia người Nhật qua đây buôn bán cho rằng chỗ này là cái sống lưng con Cù, một quái vật giống như con rồng, đầu ở tận Ấn Độ và đuôi ở tận đất Phù Tang (Nhật Bản). Mỗi lần nó quẫy đuôi là nước Nhật bị động đất dữ dội. Vì thế họ cùng với người Việt, người Minh hương ở Hội An cùng dựng lên cầu này coi như yểm thanh kiếm xuống huyệt lưng con cù, mong trừ tai họa cho nhân dân Nhật bản và dân chúng bản địa”.
(Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam, Đất Nước và Nhân Vật, Nxb.Văn Hóa Thông Tin, 2001, tr.100)
Trong các sách biên khảo về đồng bằng sông Cửu Long, nhà văn Sơn Nam cũng có đôi lần nhắc đến cụm từ “cù dậy”, nhưng ông không giải thích điều gì thêm, có lẽ vì tác giả thấy chúng là thành ngữ quá quen thuộc ở địa phương, không cần nói dài dòng. Một nhà văn nổi tiếng khác chuyên viết về phong tục đồng quê Nam Bộ là Bình Nguyên Lộc, trong truyện ngắn Câu Dầm kể chuyện con cù ở chợ Tân Uyên bên bờ sông Đồng Nai, quê hương của chính tác giả, giúp ta biết thêm một sự tích khác về cù dậy:
“Trong khu rừng cấm trước chợ lại có cặp “cù” cũng tu lâu đời thành thần. Nhưng đó là hai vị thần nhỏ, tướng của thần cá bóng. Thần Cù rất hung ác, tham lam…
“À! Quên cái này, mấy ông nói nhỏ cho nghe rằng Thần Cù là cặp rắn, lớn mà ngắn, mồng đỏ, mỏ nhọn… hễ năm nào dân làng không cúng hối lộ thì năm đó thế nào cũng bị tai họa. Cái chợ hồi trước còn lợp tranh, cứ vài năm lại cháy một lần. Đêm trước khi cháy chợ, dân làng nghe bên rừng tiếng gầm thét vang trời. Bởi vậy, hằng năm làng có lập đàn làm chay trước chợ, để tế Thần Cù và luôn tiện bố thí cô hồn, các đảng.
Mấy ông lại thuật rằng có lần kia, một người câu xuồng, bỏ neo tại bến Trâu, núp dưới bóng một cây nhông. Chỗ ấy rậm rạp, đi thuyền trên sông không thấy được. Khi đương câu, anh ta thấy giữa dòng sông nổi lên một con rùa lớn bằng cái nia. Rùa ngó quanh quất rồi lặn xuống liền, nửa giờ sau, người đi câu được mục kích một cảnh tượng hết sức lạ lùng. Nơi mà con rùa hiện lên hồi nãy, thấy có khói từ dưới nước bay lên khắp mặt sông. Rồi từ từ nổi lên hai vị thần, một vị nam, một vị nữ, ngồi đối diện trước một bàn thạch. Hai vị thần này, đen hắc, đầu đội mão hình đuôi cá, xiêm y rực rỡ những vảy cá ngũ sắc, những vỏ ốc xa cừ. Xem kỹ lại thì thấy thần đương đánh cờ. Chừng đâu được tàn một điếu thuốc bỗng nghe vị nữ thần nói: “Ông nè, ở đây nghe như có hơi phàm”. Vị nam thần bèn ngước lên, nhìn quanh, dừng mắt lại phía xuồng câu, nhìn chăm chỉ rồi châu mày, tỏ vẻ khó chịu. Người đi câu còn hoảng sợ thì cả thần và bàn thạch đều chìm một cách mau lẹ.
“Một lát sau, nơi khúc sông ấy, máu trào lên nhuộm đỏ khói nước và thây con rùa ban nãy nổi lềnh bềnh. Các ông nói đó là một vụ trừng phạt tên lính dọ đường không kỹ, để mắt tục dòm thấy cảnh thân mật của thần.
“Tôi chặn ông Ba lại nói: “Tích này tôi đã biết, người nào ở Tân Uyên lại không rõ chuyện “Cặp Cá Bóng tu dưới chùa Ông và chuyện Cặp Cù gây cháy chợ”.
(Bình Nguyên Lộc, Câu Dầm, Cuốn Rún Chưa Lìa, Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, nxb. Văn Học, 2002, tr.988)
Múa cù ở Bình Dương
Tại xã Thạnh Mỹ Lợi, nay thuộc phường Cát Lái, quận Thủ Đức trước đây có một cái gò gọi là gò Cát vì trên gò ấy có rất nhiều cát. Gò cũng có nhiều cây quéo mọc, một loại xoài rừng, trái chua và nhỏ hơn xoài trồng, nên còn có tên là gò Quéo. Điều lạ là mỗi khi dân địa phương đến đây đào lấy cát tạo thành cái hố lớn, thì hôm sau cát lấp đầy bằng phẳng trở lại. Gần đồi có một cái trũng gọi là trũng Bứa, chắc do có nhiều cây bứa mọc tại đây, một loại cây có trái màu vàng, ăn được, lá non thì dùng làm rau. Trũng này quanh năm lúc nào cũng có nước, trong và ngọt. Người ta cho rằng đây là đầu Cù. Quả đồi đó còn có tên là đồi Cù Quéo. Sau năm 1975, khi có người lên ở trên đồi, cát trên ấy từ từ biến mất, đồng thời cát lại xuất hiện phía bên kia, nơi gọi là gò Quéo trên, lấp kín bến nước ở doi sông. Nay thì những điều trên không còn lưu lại dấu vết gì nữa.
Qua các giai thoại về cù vừa kể, ta không biết hình dạng con cù ra sao, ngoài đặc điểm chung rằng nó là con vật nằm ẩn mình trong đất, khi trời có mưa to gió lớn, nó vùng mình bay vào không trung mất dạng, để lại những hố đất sâu. Rất có thể, đó chỉ là cách giải thích của dân gian cho những hiện tượng sụp lỡ đất thường xảy ra ở những vùng ven sông nước, mà thời xưa kiến thức về khoa học tự nhiên của họ chưa đủ để hiểu hết. Giải thích hiện tượng cù dậy, bộ từ điển của ông Huỳnh Tịnh Của cũng nói: “Cù đội đất mà lên. Tục hiểu cù lao nổi cũng là tại cù dậy”.
Ngày nay, ta không còn có thể biết chính xác có phải người Thủ Dầu Một xưa, đúng là vì kỵ húy ông Lân mà gọi “cù” thay cho “lân” hay không. Dẫu sao việc dùng tên một con vật huyền thoại của miền Nam, có nhiều đặc tính tương tự như con lân của người Tàu để thay thế cho nó cũng là lựa chọn khá thông minh, hợp lý và phản ánh khuynh hướng chung muốn Việt hóa những du nhập từ bên ngoài của người Việt. Có thể vì sự hợp lý này nên “Múa Cù” đã dễ được số đông chấp nhận và trở thành tên gọi đặc trưng của dân xứ Thủ Dầu Một từ thời ấy cho đến bây giờ.
(9/9/2011)
Ý kiến riêng tôi. Do chủ quan mà tôi thấy dùng từ Múa Cù tương đối hợp lý hơn Múa Lân hay Múa Sư Tử của Tàu (獅子舞 - Sư Tử Vũ). Con Lân hay Kỳ Lân và Sư Tử thì có bốn chưn. Nếu múa lân thì phải nhảy lôm xôm chớ, bốn chưn và cái mình ngắn ngủn mà. Còn Cù là con của con rồng, con rồng còn nhỏ, còn non. Mà rồng thì mình dài như rắn, khi múa thì uốn éo như bay lượn, rõ ràng là người Tàu họ đã nhảy múa nhịp nhàng như vậy. Và chúng ta đã thấy cái mình của nó là một tấm vải dài được thêu màu sắc sặc sỡ giống y như mình rồng. Cái mình dài ngoằn lại uốn lượn làm sao gọi là lân cho được!
Cho nên ai nói thì tôi nghe và chấp nhận nhưng riêng tôi thôi, tôi vẫn cho rằng hồi nhỏ ở Thủ Dầu Một, thường đi coi múa cù.
21.03.2023
Brossard. Quebec
Võ Kỳ Điền
Võ Kỳ Điền (vokydien.blogspot.com)
Đăng ngày 28 tháng 03.2023