banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Kế thừa di sản Giáo dục của VNCH

tại sao không?

Lê Quang Huy

Cách đây không lâu, tôi có đọc một bài viết của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong đó ông so sánh, phân tích và nêu lên tính ưu việt của nền giáo dục VNCH so với nền giáo dục của miền bắc XHCN bên kia vĩ tuyến 17 (mà ông gọi là “nền giáo dục chiến tranh”). Sau đó, đọc được bài phỏng vấn của RFA ghi nhận ý kiến của các nhà trí thức Mạc Văn Trang, Nguyễn Đăng Hưng, Phạm Minh Hoàng quanh nhận định về “triết lý giáo dục” Việt Nam của ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 01/11/2018, tôi rất tâm đắc với ý kiến của TS Mạc Văn Trang khi ông cho rằng ngành giáo dục Việt Nam nên kế thừa di sản giáo dục của VNCH.
Tôi nghĩ rằng đối với những ai đã từng được hưởng thụ nền giáo dục VNCH rồi sau đó có những trải nghiệm khó quên đối với nền giáo dục XHCN chắc hẳn sẽ không khỏi không nuối tiếc cho một nền giáo dục nhân bản – dân tộc – khai phóng của Miền Nam. Vì những mục đích chính trị vĩ cuồng sinh ra từ một học thuyết tư tưởng ngoại lai hiếu chiến, nền giáo dục tốt đẹp đó đã bị thôn tính một cách thô bạo bởi nền “giáo dục chiến tranh” nặng tính chính trị đảng phái.

Các quốc gia khác nhau đều có triết lý giáo dục rõ ràng để xác định mục tiêu cần nhắm đến của nền giáo dục nước nhà. Ở Miền Nam trước 1975, nền giáo dục VNCH đã xác định và chính thức hóa ba nguyên tắc giáo dục là “nhân bản”, “dân tộc”, “khai phóng” tại Đại hội Giáo dục Quốc gia lần 1 tại Sài Gòn vào năm 1958. Thiển nghĩ các nền giáo dục tiên tiến dân chủ khác cũng xoay quanh các giá trị này nhưng có thể chúng được diễn đạt bằng những câu chữ khác nhau tùy theo văn hóa của mỗi quốc gia.
“Nhân bản” để đề cao giá trị con người, xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Giá trị nhân bản không chấp nhận mọi sự kỳ thị hay phân biệt giữa người và người.
“Dân tộc” để tôn vinh các giá trị đặc thù, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia, bảo tồn và phát huy được những tinh hoa và truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc.
“Khai phóng” để giáo dục luôn hướng tới sự tiến bộ, sẵn sàng tiếp nhận tinh thần dân chủ, làm cho xã hội tiến bộ tự do tiếp cận với văn minh thế giới. Giá trị khai phóng trong giáo dục sẽ góp phần tạo nên những con người tự do và có trách nhiệm với cộng đồng.

Tuy nhiên giá trị giáo dục nhân bản và dân tộc trong giáo dục sau ngày Miền Nam thất thủ đã bị đẩy lùi bởi những tư tưởng của một học thuyết ngoại lai cổ súy bạo lực giữa người với người và kích động hận thù giai cấp. Và để phục vụ cho mục tiêu đó, nền giáo dục cũng đã bỏ qua yếu tố khai phóng mà chỉ bó hẹp trong việc tuyên truyền lâu dài và lặp đi lặp lại những lý luận giáo điều và những luận điểm của một cuộc đấu tranh giai cấp “ai thắng ai” nhằm đào tạo ra những thế hệ công dân ngoan ngoãn chỉ biết cúi đầu tuân phục mù quáng và lo sợ mơ hồ các thế lực thù địch. Thay vì đào tạo nên những con người tự do trong suy nghĩ và hành động, nền giáo dục XHCN chỉ chú tâm vào giáo dục và áp đặt sự ngoan ngoãn, nín lặng và tuân phục.

Những giá trị tiến bộ của giáo dục Pháp thời thuộc địa và của văn minh Âu – Mỹ trong nền giáo dục Miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 đã không được những người CS tiếp thu khi thôn tính Miền Nam. Họ tìm cách xoá bỏ tất cả những gì mà họ cho là “tàn dư của chế độ Mỹ - nguỵ” trong cơn cuồng say tả khuynh cực đoan. Mục tiêu xây dựng CNXH như một nhiệm vụ chính trị cao cả đã thôi thúc những nhà quản lý giáo dục đến từ Miền Bắc ra sức bồi đắp một nền giáo dục nặng tính chính trị thiếu tính nhân bản để đào tạo những con người ngoan ngoãn chỉ biết tuân phục. Trong nền giáo dục đó, họ dạy cho trẻ con rằng “bác Hồ hơn mẹ hơn cha”, rằng phải biết ơn đảng, rằng yêu nước thì phải yêu CNXH(!?!)

Sau gần nửa thế kỷ hăng say lao vào một mục tiêu vô định, bây giờ người ta mới nhận ra những hậu quả tệ hại của nền giáo dục hiện hành khi đất nước đã tụt hậu rất xa trong hành trình tiến hoá chung của nhân loại. Mọi dự án cải cách nửa vời chắp vá chỉ làm cho tình trạng thêm tồi tệ, lại hao tốn ngân sách quốc gia. Mọi cố gắng để định nghĩa triết lý giáo dục Việt Nam đều loanh quanh và sa vào ngõ cụt.
Giờ đây, sự mong muốn phục hồi lại những giá trị giáo dục cũ giờ đây xem ra chẳng dễ dàng chút nào, tuy nhiên cũng chưa phải là quá muộn nếu người ta thực tâm muốn làm.
Kế thừa di sản giáo dục của VNCH, tại sao không?

02 tháng 12.2018
Lê Quang Huy




Bia tri ân Giáo sĩ Alexandre de Rhodes

ở Isfahan (Iran) của người Việt

Lê Quang Huy

Tháng 11/2018, một nhóm nhân sĩ trí thức Việt Nam, với sự giúp đỡ tài chính của nhiều Mạnh Thường Quân và sự khích lệ của nhiều cá nhân khác, đã lặn lội sang tận thành phố Isfahan (Iran) để làm lễ khánh thành 3 tấm bia tri ân đặt quanh mộ giáo sĩ Alexandre de Rhodes tại nghĩa trang Armenia vào ngày 05/11/2018, đúng dịp 358 ngày mất của ông khi đang thực hiện công việc truyền giáo tại đây. Xin trân trọng cảm ơn những người Việt Nam đã in dấu chân ở Isfahan.

Thời Pháp thuộc, để ghi nhớ công ơn Alexandre de Rhodes, theo sáng kiến của cụ Nguyễn Văn Tố – nhà nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác Cổ, sáng lập viên Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ – nhà bia tưởng niệm nhà truyền giáo có công rất lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ đã được dựng cạnh đền Bà Kiệu bên Hồ Gươm và khánh thành vào ngày 29/5/1941. Nhưng sau đó, vì những lý do chính trị, chính quyền Hà Nội đã dựng lên tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trên nền nhà bia đó. Còn tấm bia thì bị gỡ bỏ mang đi vất bỏ từ năm 1957 đến mãi năm 1995 người ta mới tìm lại được.

Trong khi đó ở miền Nam, để ghi nhớ công ơn của ông, chính quyền VNCH đã phát hành một bộ bốn con tem kỷ niệm 300 năm ngày mất của ông, nhưng ra trễ 1 năm (phát hành ngày 05/11/1961), trên đó có ghi: "Sách Quốc ngữ, chữ nước ta". Tên của ông cũng được đặt cho con đường ở gần Dinh Độc Lập.
Cũng con người ấy, nhưng hai chế độ chính trị ở 2 miền đất nước bị phân ly có cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau.

Xin được mượn phần cuối trong bài diễn văn của GS Nguyễn Đăng Hưng – Viện Trưởng Viện Vinh Danh Chữ Quốc Ngữ và Bảo tồn Tiếng Việt, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) – để kết thúc bài viết này:
“...Chữ Quốc Ngữ đã quyện cùng tiếng Việt, thấm vào hồn người Việt và trong giai đoạn khó khăn đầy bất trắc hôm nay của đất nước, chúng tôi tin tưởng không gì có thể lay chuyển được. Vinh danh Chữ Quốc Ngữ chính là bảo tồn tiếng Việt, chính là bảo vệ đất nước Việt Nam!”

Xin tỏ lòng tri ân sâu sắc đến giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người có công lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Và một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn những người Việt Nam đã lặn lội đến Isfahan (Iran) để thay mặt cho những người yêu quí và trân trọng chữ Quốc ngữ thực hiện nghĩa cử trên.

02 tháng 12.2018
Lê Quang Huy

 

Đăng ngày 28 tháng 04.2019