banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Những năm tháng không thể nào quên

Lê Quang Huy

Viết sử chỉ một ít người. Nhưng để có sử, bao người đấu tranh.
(History is written by few, fought for by many - Jeffrey Archer).

Vì thế, những trang sử dân tộc được viết bằng máu của hàng ngàn đồng bào đã ngã xuống cách đây 39 năm nhất định không thể nào bị lãng quên, dù một số ít người cố tình tìm cách quay lưng ngoảnh mặt.

Ngày 17/02/1979, để thực hiện kế hoạch “Vây Nguỵ cứu Triệu” của Tôn Tẫn nhằm giúp đỡ tàn quân Khmer Đỏ, Trung Quốc đã xua 60 vạn quân tràn sang biên giới trong cái mà truyền thông Bắc Kinh ra rả gọi là “Đối Việt tự vệ hoàn kích chiến” (cuộc chiến đánh trả để tự vệ trước Việt Nam). Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh đại quân khu Quảng Châu được cử làm tổng tư lệnh cuộc chiến tranh, trực tiếp chỉ huy hướng xâm lược Cao Bằng - Lạng Sơn. (Không rõ Hứa Thế Hữu có phải là hậu duệ của chiến tướng Hứa Thế Hanh đã từng theo Tôn Sĩ Nghị xâm lược Đại Việt và bị tướng Tây Sơn Ngô Văn Sở bêu đầu giữa trận tiền đầu xuân Kỷ Dậu 1789?)

Chiến tranh chỉ kéo dài trong khoảng một tháng nhưng rất nhiều máu của người Việt Nam vô tội đã đổ và thấm đẫm những nơi gót giầy quân Trung Quốc đi qua. Thậm chí ngay cả khi rút quân về nước, quân xâm lược còn xuống tay tàn bạo gây nên cuộc thảm sát ngày 09/03/1979 giết hại 43 người, phần lớn là phụ nữ, trẻ em ở thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng.

Hằng năm, cứ đến ngày này, người dân yêu nước vẫn tìm mọi cách để kỷ niệm sự kiện này dưới mọi hình thức, dâng hương tưởng niệm những người đã ngã xuống và khắc sâu tội ác xâm lược dã man của Trung Quốc. Ba mươi chín năm đã trôi qua kể từ những ngày bi tráng ấy, nhưng ký ức chiến tranh và tội ác thì chẳng bao giờ bị xóa nhòa theo thời gian. Cũng trong ba mươi chín năm ấy, dù thời gian chưa lâu nhưng nhiều người đã dễ dàng vội quên xương máu đồng bào. Nếu như 39 năm trước, những ngôn từ nặng nề nhất được mang ra để nói về Trung Quốc thì ngày nay cách nói cương cường ấy đã phải nhường bước cho sự nhũn nhặn, rụt rè, khép nép. Vòng cương tỏa của tình hữu nghị viển vong đã khiến dấu tích chiến tranh ở nhiều nơi bị đục xoá nham nhở, những vòng hoa tưởng niệm bị giằng bỏ giày xéo thô bạo, những buổi lễ tưởng niệm trang nghiêm bị phá rối bởi những kẻ thiếu ý thức dân tộc nhưng thừa thói xu thời nịnh thế.

Nhưng lịch sử không thể nào bị đảo ngược. Những trang sử được viết bằng máu của bao thế hệ người Việt sẽ không thể dễ dàng bị lãng quên. Từng sự kiện, từng sự việc, từng con người nhất định sẽ được trả về đúng với vị trí và tên gọi của nó. Đó chính là sự công bằng chính trực của lịch sử khách quan. Những ai cố tình lãng quên những tội ác xâm lược của cuộc chiến tranh biên giới 1979 là có tội với dân tộc và có tội với những người đã ngã xuống vì chủ quyền quốc gia.

L’image contient peut-être : une personne ou plus
L’image contient peut-être : plante et nature
Aucun texte alternatif disponible.
L’image contient peut-être : une personne ou plus et plein air
L’image contient peut-être : plante

17/02/2018

Fb Lê Quang Huy


Viết sớm cho ngày 17 tháng 02

Lê Quang Huy

Cách đây 39 năm, ngày 17 tháng 02 năm 1979, thực hiện chỉ đạo “Dạy cho Việt Nam” một bài học của Đặng Tiểu Bình, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt ồ ạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam. Truyền thông Bắc Kinh lúc đó ra rả gọi là Chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam (Đối Việt tự vệ hoàn kích chiến). Việt Nam có tấn công đâu mà Trung Quốc phải tự vệ?
Từng khe núi ngọn đồi, từng con sông dòng suối, từng thôn bản góc phố ... đều thấm đẫm máu người Việt Nam đã ngã xuống dưới những họng súng xâm lược bạo tàn. Ngay cả khi rút quân về nước, quân xâm lược còn xuống tay tàn bạo gây nên cuộc thảm sát ngày 09 tháng 03 năm 1979 giết hại 43 người, phần lớn là phụ nữ, trẻ em ở thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, rồi sau đó quẳng tất cả các thi thể xuống một giếng cổ.

Ba mươi chín năm đã trôi qua kể từ những ngày bi tráng ấy. Nhưng ký ức chiến tranh và tội ác thì chẳng bao giờ bị xóa nhòa theo thời gian. Hồn thiêng sông núi và tâm trí những người Việt Nam chân chính sẽ mãi mãi khắc ghi những thời khắc bi hùng này của dân tộc. Các thế hệ người Việt Nam mãi mãi không bao giờ quên những tội ác xâm lược dã man này.

Cuộc chiến ngày ấy đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn binh lính và thường dân Việt Nam, để lại một mối thù khó phai. Thế mà chỉ sau vài thập kỷ, nhiều người đã vội quên xương máu đồng bào. Dấu tích nhiều nơi bị đục xoá, nhiều dòng chữ bị nắn chữ bẻ từ. Nhưng lịch sử thì không thể bị đảo ngược. Tôi tin chắc rằng sự công bằng của lịch sử sẽ trả lại từng sự việc, từng con người trở về đúng với vị trí và tên gọi của nó.

Những ai cố tình lãng quên là có tội với những người đã ngã xuống vì chủ quyền quốc gia và với dân tộc. Phải ghi nhớ những tội ác xâm lược để luôn tỉnh táo trước những lời đường mật.

14/02/2018

FB Lê Quang Huy

 

Phát biểu đầu năm 2018 của Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong


Cộng sản VN đưa sách Đặng Tiểu Bình

về Việt Nam để tuyên truyền


Phạm Thịnh

Ong duong trung quoc gay gat noi ve sach dang tieu binh o viet nam 0
        Cộng sản Việt Nam đưa sách Đặng Tiểu Bình về Việt Nam tuyên truyền

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng dịch sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình mà không đả động gì tới trách nhiệm của nhân vật đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thì nhân dân khó có thể chấp nhận.
Gần đây dư luận xôn xao về việc một nhà xuất bản trong nước cho tái bản một cuốn sách dịch với tựa đề “Đặng Tiểu Bình – một trí tuệ siêu việt". Dư luận bức xúc vì cuốn sách dùng những ngôn từ hoa mỹ để ca ngợi Đặng Tiểu Bình (người đã ra lệnh cho quân Trung Quốc tấn công các tỉnh biên giới Việt Nam năm 1979).
Tổng thư ký Hội Sử học VN, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm gay gắt về việc xuất bản cuốn sách này ở Việt Nam.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng khẳng định Đặng Tiểu Bình là một nhân vật lớn của nước Trung Quốc hiện đại và có ảnh hưởng với thế giới. Cũng như nhiều nhân vật lịch sử khác, đã có nhiều công trình nghiên cứu về tiểu sử của ông Đặng được xuất bản với nhiều cách đánh giá khác nhau. “Việc xuất bản sách viết về nhân vật này lẽ ra là điều bình thường. Nhưng Đặng Tiểu Bình cũng chính là người trực tiếp chỉ đạo phát động cuộc chiến tranh xâm lược tấn công vào biên giới phía Bắc của nước ta (2/1979) và khởi động cho một chính sách thù địch xâm hại đến lợi ích, chủ quyền lãnh thổ trên đất liền cũng như trên biển của Việt Nam. Chính sách đó vẫn nhất quán sau khi ông Đặng qua đời cho dù đến nay hai nước đã bình thường hóa và đã gọi nhau là đối tác chiến lược”, nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích.
“Sự thật đó cả thế giới đều biết. Chính ông Đặng cũng luôn công khai quảng bá mình là "tác giả" của việc "dạy cho Việt Nam một bài học", ông Quốc nói thêm.
Do vậy, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng việc xuất bản sách về nhân vật này ở Việt Nam cần được quan tâm đến hiệu ứng xã hội và chính trị của cuốn sách. Đây không phải là cuốn sách đầu tiên viết về Đặng Tiểu Bình được xuất bản ở Việt Nam.
Phần lớn là sách dịch có xuất xứ từ Trung Quốc nên nhìn chung là đề cao nhân vật này. Việc có nên dịch ra tiếng Việt hay không như loại sách tham khảo đòi hỏi người chủ trương xuất bản phải cân nhắc.
Ở nước ta, hoạt động xuất bản vừa là một thị trường vừa là một lĩnh vực "văn hóa - chính trị và tư tưởng". Do vậy cả luật và chính sách đều chọn những người có "trình độ chính trị cao" đứng đầu nhà xuất bản.
Đã có nhiều cuốn sách viết về Đặng Tiểu Bình được xuất bản ở nước ta, nhưng đến cuốn sách này dư luận xã hội mới lên tiếng gay gắt tựa như giọt nước làm tràn cốc nước.
Đó là nỗi bức xúc của người dân trước hiện trạng sự thật lịch sử dường như chỉ được trình bày... một nửa, mà một nửa thì không còn là sự thật.
“Dịch loại sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình theo nhận thức của tác giả nước ngoài mà không đả động gì tới trách nhiệm của nhân vật đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược quy mô và sự tàn hại không thua kém gì những triều đại nhà Minh, nhà Thanh đối với Đất nước và Nhân dân ta là điều người dân ta khó chấp nhận”, ông Quốc nêu quan điểm.
Đương nhiên việc dịch sách nước ngoài phải tôn trọng bản quyền không thể cắt bỏ thì nhà xuất bản hoàn toàn có quyền viết trong lời giới thiệu những lưu ý cần thiết để người đọc có cơ sở để nhận thức.
Còn nếu không làm việc ấy thì tốt nhất là đừng xuất bản, còn nếu chỉ để bán sách thì đó đáng gọi là sách... lậu hiểu theo nghĩa là lừa người đọc.
Sự bức xúc còn tăng thêm khi có một sự thật là cái sự thật liên quan đến cuộc chiến tranh của quân và dân ta chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do ông Đặng phát động dường như không được đề cập tương xứng trên các phương tiện đại chúng, trong giảng dạy lịch sử và nhất là trên lĩnh vực xuất bản đã kéo dài nhiều năm.
Dư luận xã hội và ngay trong diễn đàn Quốc hội về vấn đề giáo dục lịch sử trong thời gian qua là một bằng chứng.
“Tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 vừa qua tôi có văn bản chất vấn chính phủ về vấn đề này nhưng cho đến nay vẫn... chưa nhận được hồi âm? Việc kéo dài thời gian cấp phép cho một cuốn sách viết về sự kiện quân đội Trung Quốc tàn bạo đánh chiếm Gạc Ma của Việt Nam, tàn sát các chiến sỹ hải quân Việt Nam cũng là một câu hỏi cần được trả lời”, ông Quốc băn khoăn.
Vị đại biểu Quốc hội cho rằng dư luận xã hội hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về sự không bình thường này, không chỉ với nhà xuất bản cho ra mắt ấn phẩm trên mà cho những cơ quan quản lý nhà nước rằng đây là chủ trương có chỉ đạo hay chỉ là sự thiếu bản lĩnh chính trị của những người có trách nhiệm.
Dù là của ai thì hiện tượng này cũng là không thể kéo dài được nữa. Người dân đủ ý thức về sự "nhạy cảm" trong quan hệ Viêt - Trung và chẳng ai muốn phương hại đến sự hòa hiếu với nước láng giềng không lồ và nhiều hệ lụy này.
Dân tộc ta đã có trải nghiệm chiến tranh với nhiều cuộc xâm lăng trong quá khứ. Chúng ta vẫn in nhiều sách, viết nhiều bài báo và giảng dạy trong nhà trường về cuộc chiến tranh với nước Pháp thực dân và nước Mỹ can thiệp, vậy mà Việt Nam với các quốc gia này vẫn từng bước hòa giải được quá khứ, thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... cũng vậy.
“Không lẽ với Trung Quốc là một ngoại lệ? Nói cách khác, lịch sử cho thấy: Dám nhìn thẳng vào sự thật của chiến tranh trong quá khứ chúng ta sẽ tìm thấy những bài học hòa bình và thân thiện của tương lai”, vị đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm.
“Sự việc liên quan đến cuốn sách viết về ông Đặng Tiểu Bình (một trí tuệ siêu việt) cũng vậy thôi, che đậy cái sự thật mà chính nhân vật của sách không giấu giếm là thù địch với Việt Nam, cuốn sách sẽ chẳng mang lại sự mở mang trí óc cho người đọc ngoài thói quen xấu là chỉ nhìn một phần sự thật, thực chất là xuyên tạc sự thật,”, ông Dương Trung Quốc nói.
“Một cuốn sách như vậy có đáng giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam vào thời điểm này không?” ông Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.

Phạm Thịnh/VTC

https://www.facebook.com/TinhthanTVB


Chiến tranh 1979

dưới con mắt một viên tướng Trung cộng

ctvt

Tác giả: Lưu Á Châu

Dưới đây là trích dẫn từ bài phát biểu tại căn cứ Không quân Côn Minh – Vân Nam của Lưu Á Châu, Trung tướng, Chính ủy Đại học Quốc Phòng Trung Quốc. Qua đó bạn đọc có thể tìm hiểu một vấn đề lịch sử nhìn từ phía bên kia và thấy rõ hơn “cung cách” Trung Quốc ứng xử với thế giới hiện đại.
Sau khi kể “Giấc mơ quân đội và đất nước hùng mạnh”, tướng Lưu nói về việc “quân đội Trung Quốc đã hai lần phát huy vai trò chính trị quan trọng”.

Cuộc chiến Việt Nam 1979
Một lần Quân Giải phóng phát huy vai trò chính trị quan trọng là trong đợt sóng gió chính trị ngày mồng 4 tháng 6 [sự kiện quân đội Trung Quốc đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989]. “Có thể nói, không giải quyết vấn đề mồng 4 tháng 6 thì không có cục diện phát triển phồn vinh của Trung Quốc ngày nay; không có quân đội [thì] sẽ không giải quyết được vấn đề ngày mồng 4 tháng 6, và cũng không thể có 13 năm huy hoàng”.
“Một lần khác là cuộc chiến tự vệ chống Việt Nam năm 1979 và cuộc chiến “Lưỡng Sơn” sau này[i]. Đặc biệt là cuộc chiến tự vệ đánh trả Việt Nam năm 1979, nhiều đồng chí chưa nhận thức được ý nghĩa của cuộc chiến đó.
Khi ấy có người nói: chúng ta đánh nhau với người Việt Nam, hiện nay, những người hy sinh là liệt sĩ, sau khi quan hệ hai nước trở lại tốt đẹp, họ sẽ là gì? Tôi trả lời: “Vẫn là liệt sĩ!”. Vì sao? Chúng ta phải nhìn nhận cuộc chiến này từ góc độ chính trị. Ý nghĩa của cuộc chiến này nằm bên ngoài cuộc chiến. Cuộc chiến này của đồng chí Đặng Tiểu Bình là đánh để hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là người Mỹ.
Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền vào năm 1978, tháng 1/1979, ông thăm Mỹ, tháng 2/1979 đánh Việt Nam. Về chính trị, cuộc chiến này không thể không đánh. Vì sao? Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, chương trình cải cách mở cửa của Trung Quốc đã được ông vạch sẵn, muốn thực hiện chương trình này phải xác lập quyền lực tuyệt đối trong nội bộ Đảng. Phải đánh một trận. Khi đó, “bè lũ bốn tên” vừa bị đập tan, những người có tư tưởng cực tả trong nội bộ Đảng còn rất đông, họ vừa chống lại Đặng Tiểu Bình, vừa phản đối đường lối và chính sách của ông. Muốn cải cách phải có quyền lực. Biện pháp xác định quyền lực nhanh nhất là gây chiến tranh. Lưu Dụ (?) cũng làm như vậy. Khi đó, rất nhiều người phản đối chiến tranh, cho rằng Quân Giải phóng vừa trải qua “Cách mạng văn hoá”, không thể đánh trận được. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình rất quyết đoán, dẹp mọi tranh cãi, chỉ huy Quân Giải phóng ào ạt vượt qua biên giới vào ngày 17/2. Thứ hai là người Mỹ, ý nghĩa của việc này cũng rất lớn.
Đến nay, Đặng Tiểu Bình đã xa chúng ta được 5 năm, nhưng tôi cũng luôn cảm thấy ông ở cạnh bên chúng ta. Lý Hiến Trung (Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Không quân Bắc Kinh) nói: “Mao Trạch Đông của chúng ta, càng ngẫm càng thấy vĩ đại”. Thời gian càng lùi xa, sự vĩ đại của Đặng Tiểu Bình càng khiến chúng ta cảm nhận rõ ràng hơn. Ông chuyển hướng cả đất nước Trung Quốc chúng ta. Các đồng chí thấy đấy, cuộc chiến này xảy ra năm 1979.
Năm 1975, sau khi hao binh tổn tướng, người Mỹ cuống cuồng tháo chạy khỏi Việt Nam. Năm 1979 Đặng Tiểu Bình nói: Tôi dạy cho Việt Nam một bài học. Khi đó, Việt Nam đang theo ai? Đang theo Liên Xô. Đặng Tiểu Bình tấn công. Cuộc chiến phản kích tự vệ đối với Việt Nam vào lúc đó của Đặng Tiểu Bình thực sự đã đưa Trung Quốc ra khỏi cái gọi là phe xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Khi ấy, nhiều nước Đông Âu không hài lòng, nói rằng một nước xã hội chủ nghĩa lại đánh một nước xã hội chủ nghĩa khác. Khi đó, Đặng Tiểu Bình đã thấy rõ không cần thứ chủ nghĩa xã hội ấy của họ. Kết quả như thế nào? Chủ nghĩa xã hội giả hiệu đã chết yểu.
Vào năm 1989, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ hàng loạt. Ngay cả Liên Xô cũng tan rã. 10 năm trước đó, Đặng Tiểu Bình đã nhận ra vấn đề này, dùng chiến tranh để vạch rõ ranh giới với các nước xã hội chủ nghĩa. Đặng Tiểu Bình thật là một kỳ tài! Vừa rồi, tôi nói gây ra cuộc chiến tranh này vì người Mỹ, chính là trả hận cho người Mỹ. Có bằng chứng không? Có đấy. Ngày hôm trước rời Nhà Trắng thì ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình bắt đầu đánh Việt Nam. Vì sao có thể giúp Mỹ hả giận? Bởi vì, người Mỹ vừa tháo chạy nhục nhã khỏi Việt Nam. Chúng ta sao lại giúp người Mỹ hả giận? Thực ra không phải vì Mỹ, mà là vì chúng ta, vì cải cách mở cửa. Trung Quốc không thể cải cách mở cửa mà không có viện trợ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Nhờ cuộc chiến này, Mỹ đã ồ ạt viện trợ kinh tế, kỹ thuật, khoa học kỹ thuật và cả viện trợ quân sự, tiền vốn cho Trung Quốc.
Tuần trăng mật giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài đến mười năm, đến ngày 4/6/1989 mới tạm lắng. Cuộc chiến này đem lại cho Trung Quốc những gì? Đó là một lượng lớn thời gian, tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố này, Trung Quốc tiếp tục đứng vững sau khi Liên Xô sụp đổ. Đây là thành công vĩ đại. Thậm chí có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa Trung Quốc chính là từ cuộc chiến tranh này. Với ý nghĩa đó, cống hiến của quân đội Trung Quốc đối với công cuộc cải cách mở cửa thật to lớn vô cùng”.[ii]

Tâm lý quân đội Trung Quốc
Khi đó, tôi đến thăm bộ đội tham gia chiến đấu, họ để lại ấn tượng rất sâu đậm đối với tôi. Cải cách mở cửa đã bắt đầu, đặc biệt là khi tác chiến ở “Lưỡng Sơn”, hậu phương vẫn ca hát nhảy múa trong thanh bình. Các cán bộ chiến sĩ không những phải đối mặt với thử thách sinh tử, mà đều có gánh nặng cuộc sống. Đặc biệt là cán bộ cơ sở, hầu hết gia đình đều rất khó khăn. Lúc đó, tôi đến viếng một chính trị viên đại đội của Quân đoàn 14, anh ta đã hy sinh. Vợ anh ta gặp tôi, nói rằng, trước khi ra trận, chồng chị vẫn còn nợ tiền, khi phát lương tháng cuối cùng trước khi ra trận, trừ hết các khoản nợ, chỉ còn 5 xu tiền lương trong túi. Cuối cùng, cô ấy đưa cho tôi xem bản kê di vật, chỉ còn đúng 5 xu. Tôi thấy thật xót xa.
Có một chiến sĩ gia đình nghèo đói, di chúc của họ thật đầy máu và nước mắt. Trong di chúc của một chiến sĩ, có đoạn: Nếu tôi chết, mong công xã hãy cho gia đình tôi một con bò. Có người khác viết, nếu tôi chết, hãy cởi bộ quân phục của tôi đem về quê, anh em nhà tôi không có quần áo để mặc. Xem những trang viết này thật là xót xa.
Tinh thần của các binh sĩ vĩ đại như núi Thái Sơn. Từ hậu phương đến tiền tuyến, tôi thấy sự chênh lệch quá lớn, không thể nói lên lời! Không chỉ là cuộc sống mà còn những cái khác. Chẳng hạn, tôi đã từng điều tra bộ đội tham chiến ở bốn quân đoàn, những cán bộ có vợ chưa cưới thì 100% đều [bị vợ chưa cưới] từ hôn, không có trường hợp ngoại lệ. Tôi xem một bức thư đoạn tuyệt hôn nhân của một cô gái, viết cũng rất có lý: “Anh hy sinh không còn nữa thì chẳng sao; nếu anh bị thương mất chân mất tay, chúng ta sẽ biết sống ra sao?”. Đây cũng là thực tế. Một chính trị viên phó đại đội ở quân đoàn 27 dẫn đầu đội xung kích tấn công một ngọn núi, bị hy sinh, cả đội xung kích có 30 người thì hy sinh 20.
Sau khi trở về, đại đội tập hợp những người sống sót trong toàn đại đội điểm danh, thi thể của chính trị viên phó đại đội và hai mươi mấy chiến sĩ đặt trên một sân phơi của dân. Vào lúc đó, thư của vợ chưa cưới chính trị viên phó cũng vừa gửi đến. Thư gì vậy? Thư cắt đứt quan hệ hôn nhân. Trước mặt những người sống sót và trước thi thể những người đã hy sinh trong đó có chính trị viên phó, đại đội trưởng đã đọc bức thư ấy, các chiến sĩ toàn đơn vị ai cũng đầm đìa nước mắt. Tôi luôn thấm thía khung cảnh khi ấy và tâm trạng của họ. Ánh sáng tính người [nhân tính] vào thời điểm ấy mới rực sáng nhất. Khi bước vào chiến đấu rất hiếm thấy lời nói hùng hồn. Thật sự có thể làm rung động lòng người thì tuyệt đối không thể tràng giang đại hải, càng không thể là đạo lý suông. Trầm tĩnh có sức mạnh lớn hơn nhiều so với ồn ào náo động.
Tôi đi qua một đơn vị chuẩn bị bước vào chiến đấu, tâm trạng háo hức trước khi tham chiến của bộ đội như miêu tả trong tiểu thuyết, trên phim ảnh, truyền hình… tất cả đều chỉ là sự phóng đại. Trước khi tác chiến, một vùng bộ đội đóng quân tĩnh lặng như tờ. Cán bộ chỉ huy đều ẩn nấp ở nơi rất xa. Khi thời bình, số cán bộ chỉ huy này rất khí phách hào hùng. Có một cán bộ cho đến nay vẫn còn duy trì quan hệ với tôi. Khi đó tôi là cán bộ cấp Tiểu đoàn phó, anh là Sư đoàn trưởng. Anh gặp tôi, nói một cách khí phách: “Tôi có 3 suy nghĩ, cậu hãy viết thành sách cho tôi! Thứ nhất, tôi muốn làm George Smith Patton Jr của Trung Quốc; thứ hai, binh sĩ được coi là gì? Binh sĩ chính là những con số Ả rập; thứ 3, tôi mong mỏi được đánh trận. Đánh một trận [sẽ được] thăng một cấp”.
Chính vì mấy câu nói đó, tôi đã không tha thứ cho anh ấy. Anh ấy không có thiện cảm với chiến sĩ. Thời bình, nếu Đại đội trưởng, người chỉ huy có quan hệ tốt với chiến sĩ, thì có thể đoàn kết thành một tập thể vững mạnh, nhưng nếu có chút mâu thuẫn, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng mỗi người một phách. Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ sẵn sàng xông pha không chùn bước.
Các bạn đều biết tôi từng viết một tác phẩm có tiêu đề Vương Nhân Tiên. Tác phẩm này đã gây tiếng vang rất lớn. Vương Nhân Tiên là Phó Tham mưu Đại đội thuộc Sư đoàn 14, Quân đoàn 14, người Côn Minh, thuộc dòng dõi con em cán bộ. Trước chiến tranh, Vương Nhân Tiên từng bị xử lý do vi phạm kỷ luật, sau này hy sinh. Có người cho rằng anh ấy không phải là anh hùng, nhưng tôi cho rằng anh ấy là anh hùng, hơn thế nữa còn là anh hùng đích thực.
Quân đoàn trưởng Quân đoàn 14 khi đó là XXX từng nói: “Nghe nói Lưu Á Châu muốn viết về Vương Nhân Tiên? Quân đoàn 14 có nhiều nhân vật anh hùng như vậy sao không viết, lại đi viết về một người như thế?” Người khác đem chuyện này kể với tôi, tôi chỉ bĩu môi một cách khinh thường. Hugo từng nói, trong chủ nghĩa anh hùng đích thực tuyệt đối có một chủ nghĩa nhân đạo đích thực tuyệt đối. Rủi ro của Vương Nhân Tiên chính là điển hình của chủ nghĩa nhân đạo, đồng thời cũng là điển hình của chủ nghĩa anh hùng.
Vương Nhân Tiên vốn yêu một bạn gái tại Côn Minh, nhưng khi quân đội di chuyển đến Lão Sơn, cô bạn này đã cắt đứt quan hệ với anh. Sau khi quân đội tiến vào khu vực Lão Sơn, đóng quân tại một địa phương gọi là Lạc Thủy Động. Vương Nhân Tiên và một số cán bộ khác ở trong một gia đình nông dân người dân tộc Miêu. Nữ chủ nhân là một cô gái dân tộc Miêu rất xinh đẹp, vừa kết hôn không lâu, có một đứa con mới sinh. Tính cách của cô gái này tràn đầy nhiệt huyết, rắn rỏi khí khái. Đa phần các cô gái dân tộc thiểu số đều có đặc điểm chung như vậy. Không giống với các cô gái dân tộc Hán, không dám yêu cũng không dám oán hận. Dân tộc Hán là một dân tộc không có tình yêu nhất. Dù dân tộc Hán có dân số đông nhất trên thế giới, nhưng họ không có tình yêu. Ở nước ngoài vì tình yêu có thể gây chiến tranh, Trung Quốc có thể không? Ngô Tam Quế được coi là nam nhi dám chiến đấu vì tình yêu, lại vẫn bị cho là Hán gian.
Cô gái người Miêu ở Lạc Thủy Động thấy Vương Nhân Tiên đẹp trai, phong độ, cao một mét tám hai. Nghe nói khuôn mặt anh ấy luôn mỉm cười. Ban đầu Vương Nhân Tiên không hề để ý tới cô ta. Phụ nữ nông thôn mà, gia cảnh rất nghèo. Mặc dù lớn lên rất xinh đẹp, nhưng đã là người có con. Trước khi bộ đội lên Lão Sơn, cô gái người Miêu đã rót nước vào bình cho tất cả các chiến sĩ đóng quân tại nhà cô và cố ý cho thêm đường vào bình của Vương Nhân Tiên, đường cho vào nhiều đến mức ngọt như mật ong.
Buổi tối, cô gái người Miêu bế con đến phòng của Vương Nhân Tiên. Cô đã hành động một cách tự nhiên nhất trước mặt Vương Nhân Tiên: cởi áo cho con bú. Hai người cứ ngồi với nhau như vậy trong căn phòng. Vương Nhân Tiên ra sức rít thuốc. Anh ấy đang cố gắng kiềm chế. Nhưng cuối cùng không kiềm chế nổi. Vì sao không thể? Điều này là có lý do, lý do đó chính là ngày mai bộ đội phải lên Lão Sơn. Chuyến đi này có thể anh ấy muốn “ghi danh”. Anh ấy là người đàn ông có tâm huyết, chính trực, chưa từng quan hệ với phụ nữ. Anh khẳng định, nghĩ lại chuyện đó anh vẫn không đành lòng. Đây là lẽ hết sức thường tình của con người.
Khi đó, hai người đã quan hệ trong chuồng heo. Ngày thứ 2, tình hình đột nhiên thay đổi, các cuộc tiến công đã bị hoãn lại. Kế hoạch tác chiến bị trì hoãn, vì vậy tình yêu của họ đã đến một cách tự nhiên như vậy. Bất cứ việc gì đều giống nhau, đã có một lần thì sẽ có một trăm lần. Trong những ngày đó, bất cứ nơi đâu của Lạc Thủy Động đều lưu lại những hình ảnh yêu thương của họ. Tuy nhiên, số lần quan hệ trong chuồng heo cũng tương đối nhiều. Vương Nhân Tiên sau mỗi lần làm chuyện đó đều hút thuốc, hết điếu này đến điếu khác, thật là nguy hiểm. Cô gái Miêu rất hạnh phúc, đã hát ngay tại chuồng heo. Một cô gái thật có cá tính!
Sau này, người chồng của cô đã phát hiện ra, hỏi cô đã quan hệ với ai, cô không nói, cuối cùng chồng cô đã báo cáo vụ việc lên đơn vị. Tập đoàn quân 14 cảm thấy đây là một sự việc hết sức nghiêm trọng, phá hoại kỷ luật quần chúng. Quân đoàn trưởng Quân đoàn 14 XXX ra lệnh xử nghiêm. Quân đội đã triệu tập tất cả các cán bộ và binh lính đóng gần nhà cô gái Miêu, xếp thành hàng, gọi cho cô gái đến nhận mặt. Cô gái người Miêu thật cương nghị, hôm đó tôi cảm thấy còn phải cung kính nể phục. Cô bước tới phía trước Vương Nhân Tiên, chỉ tay nói: “Chính là anh ấy” rồi lại nói một câu gì đó, tôi nghe không hết, nhưng ý nói là tôi thích anh ấy, tôi yêu anh ấy. Trưởng ban Bảo vệ nói: “Tôi đã sớm đoán được là Vương Nhân Tiên. Tôi đã nhìn thấy đầu thuốc lá cao cấp có ở khắp nơi trong chuồng heo. Mùi thơm của những đầu thuốc này chỉ có anh ta hút”.
Vương Nhân Tiên bị kỷ luật và giáng cấp từ Đại đội phó xuống cấp Trung đội. Ngày tấn công Lão Sơn, Trung đoàn điều Vương Nhân Tiên lên tuyến đầu. Ngày 12/7, một sư đoàn của Việt Nam và quân ta đã xảy ra một cuộc chiến giằng co quyết liệt tại khu vực Lão Sơn. Pháo bắn suốt ngày đêm. Vì Lạc Thủy Động cách tuyến đầu rất gần, có thể nhìn thấy một vùng trời rực lửa đạn bom. Cô gái người Miêu cứ ngồi ở đầu thôn, ngóng về phía Lão Sơn. Người chồng đã đánh cô, xuống tay rất nặng. Đầu và miệng cô đều bị chảy máu, làm cô bất động. Vương Nhân Tiên đang chiến đấu tại điểm cao nhất của mặt trận. Anh là tham mưu pháo binh, đã kịp thời báo cáo hàng nghìn tình huống cho pháo binh tuyến sau. Hoả lực pháo binh của quân ta dài như tầm mắt, dội lên đầu kẻ địch.
Tháng 8, tôi leo lên Lão Sơn, nhìn xuống phía dưới, vẫn còn nhìn thấy cảnh thây xác. Đó đều là xác quân địch bị bắn chết trong cuộc chiến “12/7”. Sau này, quân địch phát hiện trên địa phương này có căn cứ, đã tập trung hoả lực đánh vào đây. Vương Nhân Tiên đã hy sinh. Đồng đội của anh ấy nói rằng, khi chết, anh đang dựa vào một gốc cây và cứ đứng chết như vậy. Sau khi bộ đội rút đi, vẫn đi qua Lạc Thủy Động. Cô gái người Miêu đứng ở đầu thôn, tìm từng người, từng người một. Các sĩ quan binh lính đi ngang qua cô, họ đều cúi đầu, giống như đã phạm một lỗi lầm. Họ đã thay đổi quan điểm về Vương Nhân Tiên và khi đó đã có một tâm trạng hoàn toàn thay đổi.
Cuối cùng, cô gái cũng biết Vương Nhân Tiên đã hy sinh. Bạn xem cô gái đó sẽ làm gì? Cô đã bán tài sản trong nhà lấy tiền mặt, mua hai tút thuốc lá đầu lọc tương đối cao cấp, đến trước mộ của Vương Nhân Tiên, bóc hết hai tút thuốc, rồi châm lửa từng điếu từng điếu một, cắm lên mộ. Trên mộ đã cắm đầy thuốc. Khi nghe kể chuyện ấy, tôi hết sức cảm động.
Năm 1984, khi tôi đến Lão Sơn thì mộ của Vương Nhân Tiên đã được xây rồi. Ban đầu, trong quân đội không ghi công cho Vương Nhân Tiên, sau này, do yêu cầu mạnh mẽ của các nhà văn như chúng tôi, Vương Nhân Tiên đã được ghi công, đại để được ghi công hạng nhất. Khi đó, tôi đi tìm bia mộ tại nghĩa trang liệt sĩ và tôi đã tìm thấy. Tôi đã học theo cách của cô gái người Miêu, bóc một bao thuốc lá, đốt từng điếu và cắm lên mộ anh. Hồi ấy tôi là Tiểu đoàn phó Ban Liên lạc Không quân.
Năm 1999, tức 15 năm sau đó, khi đang đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Chính trị Không quân Bắc Kinh, tôi lại cùng một vài đồng chí Trưởng ban như Vương Xuân Ba, Lưu Phan đến nghĩa trang liệt sĩ Ma Lật Pha. Lão Sơn vẫn xanh tươi như xưa. Lần đó, tôi chỉ mang rượu, thuốc lá từ Bắc Kinh, trước mộ Vương Nhân Tiên tôi đã rót rượu và châm thuốc mời anh. Tôi và các đồng chí đi cùng đều không cầm được nước mắt. Họ nói, Chủ nhiệm vẫn còn tình cảm sâu đậm với vùng đất này quá! Sau khi tôi đến công tác tại Không quân Thành Đô, tạm thời tôi vẫn chưa đi [Ma Lật Pha]. Đương nhiên là tôi muốn đi. Bia mộ ngàn năm vẫn biết nói. Khu vực Ma Lật Pha có vài nghìn ngôi mộ, đến gần mỗi ngôi mộ là đến gần một linh hồn. Đến gần nghĩa trang liệt sĩ Ma Lật Pha, những toan tính đời thường trong đầu không còn tồn tại nữa.[iii]

_______

Bài đã đăng lần đầu tại trang Đông Tác Giao lưu (http://dongtac.hncity.org/) dưới tiêu đề “Vì sao Trung Quốc đánh Việt Nam?”.

[i] TQ gọi là cuộc chiến “Lão Sơn (VN gọi là Núi Đất)” và “Giả Âm Sơn (VN gọi là Núi Bạc)”, tức cuộc lấn chiếm của TQ ở khu vực điểm cao 1509 huyện Vị Xuyên và Núi Bạc, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, VN, năm 1984. Trong một bài viết khác, Lưu Á Châu từng nói do thấy lính TQ chết nhiều quá mà điểm cao này không có giá trị chiến lược lớn, ông đã viết thư cho CTTQ Dương Thượng Côn kiến nghị hủy bỏ chiến dịch này. Mấy tháng sau phía TQ đã ngừng tấn công các điểm cao nói trên. N.D
[ii] Bản dịch của TTXVN.
[iii] Bản dịch của TTXVN.

 

Đăng ngày 27 tháng 02.2018