Năm học mới cận kề, lại nhớ đến
chí sĩ Phan Châu Trinh
Lê Quang Huy
Đầu thế kỷ 20, trong khi các sĩ phu và thủ lĩnh yêu nước đang miệt mài tranh đấu kháng Pháp bằng con đường đấu tranh bạo động vũ trang thì chí sĩ Phan Châu Trinh đã rẽ sang một hướng đi hoàn toàn mới.
Hơn một trăm năm sau nhìn lại, càng thấy những nội dung của phong trào Duy Tân lúc bấy giờ với chủ trương “Khai Dân Trí – Chấn Dân Khí – Hâu Dân Sinh” của Phan chí sĩ vẫn còn hoàn toàn mới. Có lẽ ông là người duy nhất lúc bấy giờ nhận ra nguyên nhân mất nước và ách nô lệ tròng vào cổ dân tộc chính là sự lạc hậu về dân trí của đất nước so với thế giới bên ngoài. “Ông nói chính sự tăm tối và ngu dốt, sự lạc hậu quá xa so với thế giới hiện đại là nguyên nhân khiến Việt Nam mất nước. Ông khẳng định căn bệnh chết người của dân tộc là căn bệnh về văn hóa, ngu dốt và lạc hậu về văn hóa. Và để chữa trị một căn bệnh về văn hóa thì chỉ có một phương thuốc duy nhất, đó là Giáo dục.” (Trích từ diễn văn bài phát biểu của ông Nguyên Ngọc tại lễ khai giảng khóa học 2015 - 2019 trường đại học Phan Châu Trinh – Hội An)
Nhưng sau đó, người Pháp và chính phủ Nam Triều đã nhanh chóng dập tắt phong trào Duy Tân, xem phong trào cải cách bất bạo động đó cũng nguy hiểm chẳng kém gì các phong trào khởi nghĩa vũ trang lúc bấy giờ. Những điều kiện khắc nghiệt của lịch sử và định kiến cực đoan của con người đã khiến chương trình cải cách lớn lao đó không được thực hiện. Những tư tưởng về Nhân Quyền và Dân Quyền mà ông muốn truyền bá cho nhân dân khiến cho những người cầm quyền lo lắng. Bánh xe lịch sử đã đưa vận mệnh dân tộc rẽ sang một hướng khác. Trong một thời gian dài, những sử gia của chế độ đã không ngừng phê phán “chủ nghĩa cải lương” của Phan Châu Trinh. Ngày nay, dù người ta có cố tình tô hồng những thành tích nhỏ nhoi đã đạt được, dù người ta cố vẽ ra hình ảnh một đất nước đang trên đà phát triển thì căn bệnh trầm kha về văn hóa – dân trí mà Phan Châu Trinh đã chẩn đoán được và đã muốn lên phác đồ điều trị cho dân tộc hơn một trăm năm trước về cơ bản vẫn còn nguyên. Chính vì căn bệnh kéo dài và điều trị không đúng cách đó đã làm cho Việt Nam vẫn dậm chân trong vòng lạc hậu, và đang tụt dần về cuối bảng xếp hạng ngay cả trong khối ASEAN.
Với cá nhân tôi, Phan Châu Trinh không chỉ là một nhà cách mạng xã hội. Ông còn là một nhà giáo dục với tinh thần Khai Phóng. Trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang khủng hoảng triền miên bởi những ràng buộc cứng ngắt và bảo thủ của ý thức hệ lỗi thời, tinh thần Khai Phóng chính là điều mà nền giáo dục Việt nam đang rất cần nhằm đào tạo những con người tự do biết đóng góp cho xã hội – nhân quần chứ không phải là những người máy ngoan ngoãn được lập trình bằng những kiến thức giáo điều.
(28.08.2016)
Lê Quang Huy
(ĐHSPSG, ban Pháp Văn, 1982-1986)
Vì sao Obama nhắc tới Phan Châu Trinh
trong bài phát biểu “chạm trái tim”?
Vì sao một Tổng thống Mỹ như ông Obama lại nhắc tới Phan Châu Trinh chứ không phải một nhà Duy Tân nào khác và điều đó gợi mở cho chúng ta điều gì trong bối cảnh hiện nay?
LTS: Trong bài phát biểu được đánh giá “chạm tới trái tim” của người Việt Nam, Tổng thống Obama đã nhắc tới "tư tưởng Phan Châu Trinh" như đại diện của tri thức Việt Nam. Vì sao một Tổng thống Mỹ như ông Obama lại nhắc tới Phan Châu Trinh chứ không phải một nhà Duy Tân nào khác và điều đó gợi mở cho chúng ta điều gì trong bối cảnh hiện nay. VietNamNet có cuộc trao đổi với GS Trần Ngọc Vương xoay quanh vấn đề này.
GS Trần Ngọc Vương, Khoa Văn học, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phóng viên:Trong bài phát biểu trước 4.000 người Việt Nam, Tổng thống Mỹ Obama đã nhắc tới "tư tưởng Phan Châu Trinh" như một đại diện của tinh túy tri thức Việt Nam, cùng với thơ Nguyễn Du và toán học Ngô Bảo Châu. Vậy, tư tưởng Phan Châu Trinh có vai trò thế nào trong dòng chảy tư tưởng Việt Nam, thưa GS?
GS Trần Ngọc Vương: Đầu thế kỷ 20, phong trào đấu tranh cho độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, tiến bộ xã hội trở thành công việc cấp bách mà như diễn đạt của người đương thời là "lửa xém lông mày". Thế nhưng, vào thời điểm đó, tầng lớp trí thức mới ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện.
Tuy nhiên, những tư tưởng cách tân thực tế đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 ở những trí thức lớn như Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ… Cuộc đấu tranh giữa 2 xu hướng cách tân và thủ cựu diễn ra lúc sôi động, lúc âm ỉ trong gần suốt thế kỷ thứ 19 kể cả trước khi có mặt của Chủ nghĩa thực dân cho tới khi Chủ nghĩa thực dân hiện hữu tại Việt Nam.
Trong cái áp lực chung là nếu không tự đổi mới thì cái mới ngoài mong muốn sẽ xuất hiện và làm cho cái chủ thể từng bước bị tiêu vong, từ cục bộ đến toàn thể, triều đình nhà Nguyễn đã lựa chọn cách ứng xử "cách tân để thủ cựu", một lối "đổi mới" mang tính ứng phó, chỉ nhằm mục đích giữ lại cái cũ. Đây cũng là quá trình mà triều Nguyễn đi từ "hòa" đến "hàng" trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp.
Trong bài phát biểu của mình vào chiều 24/5 tại Hà Nội, khi nói về hợp tác giáo dục Việt - Mỹ và sự thành lập Đại học Fulbright ở Việt Nam, Tổng thống Obama nói:
Sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào chính sách công, quản trị và kinh doanh, kỹ thuật và tin học, và nghệ thuật, mọi thứ từ thơ Nguyễn Du, đến tư tưởng Phan Châu Trinh đến toán học Ngô Bảo Châu.
Phong trào Cần Vương tiếp sau đó thực chất vẫn là nhằm duy trì "hồng đồ" của cha ông để lại. Và cuộc đấu tranh này cũng nhanh chóng thất bại với những bi kịch nội bộ càng ngày càng lớn. Câu chuyện của Phan Văn Bình, cha của Phan Châu Trinh thực chất cũng là một bi kịch như vậy.
Phan Văn Bình vốn là một võ quan và cũng đi theo tiếng gọi của phong trào Cần Vương trong đội quân của Lê Hiệu ở khu vực Lưỡng Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi - PV). Tuy nhiên, vì một sự việc hiểu lầm, Phan Văn Bình đã bị chính nghĩa quân khép cho tội phản bội và giết chết ngay trước mặt con trai là Phan Châu Trinh khi đó mới chỉ 13 tuổi. Đó là một cú sốc lớn đối với Phan Châu Trinh.
Đối diện với phong trào Cần Vương bằng chính mạng sống của cha mình, Phan Châu Trinh vẫn tiếp tục đi học, chuyên tâm với nghiệp khoa cử và đỗ tới Phó Bảng. Tuy nhiên, ngoài học "chữ thánh hiền" Phan Châu Trinh cũng là người tiếp cận rất sớm với các tài liệu tân văn, tân thư và ông đọc các tài liệu này một cách có ý thức, tiếp nhận và phản biện quyết liệt hơn so với những người khác.
Việc tiếp cận sớm với tân thư, tân văn đã giúp Phan Châu Trinh hiểu được những vấn đề của thế giới hiện đại, tiếp cận với tư tưởng Khai sáng đã làm thay đổi châu Âu trước đó. Cần chú ý rằng, Khai sáng không phải là một "phong trào" mà là một "truyền thống" ở phương Tây được đặt nền móng vững chắc từ nhiều thế kỷ trước đó. Cuộc Cách mạng xã hội Pháp diễn ra vào cuối thế kỷ 18 thế nhưng những thay đổi trong nhận thức xã hội đã lần lượt "vỡ ra" từ thế kỷ thứ 16.
Bản chất của tư tưởng Khai sáng chính là nguyên lý: Sự đổi mới, cách tân phải có nền tảng từ nhận thức, từ hệ hình tư duy, hệ hình văn hóa. Đó là quá trình chuyển từ thần học sang khoa học, từ tư duy siêu nghiệm tư biện luận lý sang tư duy thế tục, duy lý. Từ sự duy lý hóa, thế tục hóa xã hội mới ba động và tạo ra tất cả những điều khác.
Phan Châu Chinh với tất cả trải nghiệm cá nhân, bi kịch gia đình cũng như truyền thống học vấn và khát vọng cá nhân cũng đã lựa chọn con đường đó cho Việt Nam.
- Điều khiến tôi thắc mắc là vì sao Obama lại nhắc tới Phan Châu Trinh chứ không phải là một lãnh tụ nào khác của phong trào Duy Tân, như Phan Bội Châu?
- Trong cả một thời kỳ dài người ta thường hay nhóm sự đa dạng trong hành xử của các thủ lĩnh phong trào vào một vài người nào đó mà không nhận ra sự khác biệt giữa họ. Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu cũng thuộc trường hợp như vậy khi người ta coi hai ông là đại diện nổi bật nhất của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam.
Nếu xét ở chiều sâu, trong cách cổ vũ, tập hợp lực lượng và dương ngọn cờ đổi mới, người ta có thể nói về nói về 2 cụ Phan. Thế nhưng thực chất, Phan Châu Trinh là nhân vật phức tạp hơn, phong phú hơn về mặt nhận thức và "rắc rối" về tư tưởng.
Phan Châu Trinh được đánh giá là người có tư tưởng dân chủ sớm so với các nho sĩ tiến bộ đầu thế kỷ 20.
Phan Bội Châu là một nhân cách là người vĩ đại, một con người có trái tim lớn, lòng yêu nước nồng nàn, mãnh liệt. Ông cũng nổi tiếng là người tài ba trong chốn học hành, được coi là "người hay chữ nhất nước". Nói cách khác, về nhân cách cá nhân Phan Bội Châu hấp dẫn nhiều người. Do đó, với tư cách là người đứng đầu phong trào, Phan Bội Châu được coi là một vị huynh trưởng không thể chối cãi.
Tuy nhiên, Phan Bội Châu tiếp xúc với tân thư muộn hơn so với Phan Châu Trinh. Do đó, việc hiểu biết các vấn đề của thế giới hiện đại của ông không cập nhật bằng Phan Châu Trinh. Cho nên về mặt tinh thần, Phan Bội Châu là "con đẻ" của phòng trào Cần Vương. Đây cũng là lý do Phan Bội Châu quyết tâm theo đuổi con đường đấu tranh vũ trang, sử dụng bạo lực.
Phong trào Đông Du mà Phan Bội Châu khởi xướng là cuộc vận động thất bại. Bởi mục đích ban đầu người chủ xướng ra nó sang Nhật là để cầu viện, xin quân tiếp viện, mua vũ khí, thực hiện sách lược truyền thống là "nội công ngoại kích". Dùng đấu tranh vũ trang tái lập lại phong trào đấu tranh vũ trang. Tới khi sang Nhật, gặp Lương Khải Siêu và các chính khách nhật, Phan Bội châu mới vỡ ra rằng, việc thực hiện các mục tiêu bằng phương pháp truyền thống hãy còn xa lắm.
Nói như vậy để thấy rằng, tư tưởng Phan Bội Châu chưa ra khỏi hệ hình tư duy truyền thống. Và trong thực tế, Phan Châu Trinh không đồng tình với tư tưởng của Phan Bội Châu và không ít lần hai người tranh cãi dù về quan hệ cá nhân, hai người vẫn rất kính trọng, vị nể nhau. Trong lá thư gửi Toàn quyền Beau, Phan Châu Trinh từng nói rằng: "Toàn bộ cái học của Phan Bội Châu chẳng qua chỉ là 'Chiến quốc sách' mà thôi".
Nói cách khác, với Phan Châu Trinh, mô hình lý thuyết, hệ hình chính trị mà Phan Bội Châu theo đuổi rất là cổ. Điều này phản ánh rằng trong mắt Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu không kịp nhận thức xã hội hiện đại. Và đánh giá ấy, tôi cho là khách quan và công bằng về mặt tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu.
- Vậy điều gì làm nên sự khác biệt trong tư tưởng của Phan Châu Trinh, thưa GS?
- Trong bối cảnh cá nhân và xã hội như vậy, Phan Châu Trinh sớm nhận ra cái khó khăn của công cuộc cải tạo xã hội và những chặng đường gập ghềnh của tiến bộ xã hội. Vì vậy, khác với Phan Bội Châu chủ trương sử dụng bạo lực, Phan Châu Trinh chủ trương đi theo con đường khai sáng với tư tưởng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
28/05/2016
Hàng ngàn giáo viên ở Cà Mau
bị nợ lương cả trăm tỷ đồng
Ðây là sự việc được Sở Tài Chính tỉnh Cà Mau cho biết hồi cuối tuần qua và chưa hiểu nhà cầm quyền địa phương sẽ đào đâu ra tiền để “xử lý” một vụ việc khá bất thường nhưng đã kéo dài suốt nhiều năm, gây khốn đốn cho hàng nghìn giáo viên trong tỉnh.
Ngay từ đầu tháng 8, báo chí cho hay riêng huyện Thới Bình đã “nợ lương và chế độ chính sách” giáo viên 6 tháng đầu năm 2016, với số tiền hơn 24.5 tỷ đồng. Cơ quan giáo dục huyện Thới Bình kêu rằng họ bị “mất cân đối thu chi” suốt một thời gian dài nên đã dẫn tới tình trạng nợ tiền giáo viên.
Theo quy định, sau một năm làm việc đủ điều kiện, giáo viên sẽ được hưởng 100% lương. Nhưng đã 5 năm trôi qua, các giáo viên tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau vẫn chỉ được hưởng 85% lương. Sự việc kéo dài khiến đời sống của giáo viên trẻ hết sức chật vật với đồng lương xấp xỉ 2.5 triệu đồng/tháng.
Nhìn qua các tài liệu, giới báo chí tại Việt Nam nhận thấy cơ quan giáo dục huyện Thới Bình “có đến 5 khoản nợ đối với gần 2,000 giáo viên các cấp, đến nay mới trả được 1.7 tỉ đồng, vẫn còn 4 khoản nợ chưa được chi trả cho giáo viên.”
Chuyện nợ lương giáo viên không chỉ xảy ra ở Cà Mau. Hồi năm ngoái, người ta thấy huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu cũng đã ỳ ra không trả tiền lương giáo viên suốt nhiều tháng, lấy cớ “ngân sách của huyện gặp khó khăn nên không thể chi trả hết lương cho giáo viên,” theo bản tin tờ Dân Trí ngày 24 tháng 5, 2015.
Vì lương giáo viên tại Việt Nam rất thấp, không đủ sống, một số người đã dạy học thêm, dạy kèm bên ngoài để kiếm thêm ít tiền. Mới đây, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn cấm giáo viên dạy thêm, hiện đang gây nhiều phản ứng gay gắt. (TN)