banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

NHÂN KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY MẤT CỦA

NHÀ CHÍ SĨ CÁCH MẠNG PHAN CHÂU TRINH

(24/03/1926 – 24/03/2017)

Lê Quang Huy

Đầu thế kỷ 20, công cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và cho tiến bộ xã hội đã thu hút toàn bộ tâm trí và sức lực của giới sĩ phu khoa bảng nước Nam lúc đó. Nhưng khác với những người cùng thời, Phan Châu Trinh, do sớm được tiếp cận với tân thư tân văn, đã hiểu được những vấn đề của thế giới hiện đại, tiếp cận với tư tưởng Khai sáng và những tư tưởng về dân chủ - dân quyền – nhân quyền đã làm thay đổi châu Âu trước đó. Nhận thức rằng cốt lõi của tư tưởng Khai sáng chính là nguyên lý về sự cách tân, Phan Châu Chinh đã dứt khoát lựa chọn con đường đó cho Việt Nam.

Nói đến phong trào yêu nước hồi đầu thế kỷ 20, người ta thường nhắc đến 2 ông già họ Phan – Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu – và coi hai ông là đại diện nổi bật nhất của phong trào kháng Pháp đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam. Nhưng xét về phương thức đấu tranh và tập hợp lực lượng, 2 ông đi theo 2 đường hướng hoàn toàn khác nhau. Do tiếp xúc với tân thư muộn hơn so với Phan Châu Trinh, nên những hiểu biết các vấn đề của thế giới hiện đại của Phan Bội Châu không được cập nhật bằng Phan Châu Trinh. Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Phan Bội Châu luôn quyết tâm theo đuổi con đường đấu tranh vũ trang, sử dụng bạo lực.
Năm 1906, Phan Châu Trinh tìm đường đến Nhật để gặp gỡ Phan Bội Châu bàn quốc sự. Ngoài việc trao đổi ý kiến về chủ trương chiến lược chống Pháp, Phan Châu Trinh còn muốn tận mắt xem cái tư tưởng dân quyền đã được thực hiện như thế nào ở nước Nhật, điều mà ông mới chỉ biết đến qua tân thư, tân văn. Sau những gì đã trải nghiệm, Phan Châu Trinh rút ra được một kết luận quan trọng quyết định đến chủ trương “Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh” mà ông đề xướng sau này và theo đuổi cho đến cuối đời: đó là nước Nhật đã biết gạn đục khơi học thuyết Nho giáo của Khổng Tử, chỉ giữ lấy phần đạo đức thuần túy, còn những gì liên quan đến chế độ chính trị thì bỏ hết, nhất là “chế độ khoa cử đã di hại nước Tàu, nước Nam, và nước Cao Ly biết bao nhiêu mà kể”. Nhưng ông lại suy nghĩ khác với Phan Bội Châu khi cho rằng nước Pháp mới đúng là nơi để tìm hiểu học hỏi về xây dựng một nền dân quyền.
Phan Châu Trinh chủ trương rằng con đường cứu nước và canh tân xã hội phải dựa trên những nền tảng tư tưởng “Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh”, nếu không có được nền tảng đó việc phục quốc cũng chỉ đi theo lối mòn cũ và chuốc lấy những thất bại như trước đây. Vì thế, ông không chủ trương đấu tranh bạo động và tổ chức "ám xã" (hội kín) mà chủ trương bất bạo động một cách minh bạch và công khai.
Lúc bấy giờ, phong trào Duy Tân đã đánh thức giới sĩ phu ra khỏi cơn mộng mị của ý thức hệ Nho giáo, giúp họ thay đổi đầu óc và cách nhìn nhận về chế độ và xã hội, ra sức học tập những cái hay cái đẹp của tư tưởng Dân chủ và Dân quyền của Tây phương, quên đi cái trật tự vô lý “Quân – Sư – Phụ” trói buộc và nô dịch con người trong một sự phục tùng vô lối, từ đó dấn thân vào cuộc đấu tranh để giành lại quyền làm chủ cho nhân dân, giành lại độc lập cho nước Nam. Công cuộc “Khai Dân Trí’ của Phan Châu Trinh do đó còn bao hàm cả ý nghĩa “giải phóng đầu óc, giải phóng tư tưởng”. Đối với thực trạng xã hội lúc đấy giờ, công cuộc “Khai Dân Trí” của phong trào Duy Tân quả là một cuộc đại cách mạng về văn hóa – tư tưởng, qua đó giải phóng con người khỏi những tư tưởng nô dịch của một ý thức hệ hủ lậu giáo điều ngu dân, hướng con người đến với các giá trị về dân chủ – dân quyền – nhân quyền

Khác với chủ trương cầu viện nước ngoài của Phan Bội Châu và nhiều nhà cách mạng đương thời khác, Phan Châu Trinh chủ trương "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" (Dựa vào người Pháp để tiến bộ). Ở đây, Phan Châu Trinh đã rất tỉnh táo, không cực đoan khi nhận ra mặt tích cực của chủ nghĩa thực dân, đó là mặt xây dựng chứ không chỉ là mặt khai thác, bóc lột. Nhưng cũng chính vì chủ trương này cũng như tư tưởng canh tân bất bạo động mà trong suốt một thời gian khá dài, người ta đã lên tiếng phê phán Phan Châu Trinh như là một nhà cách mạng với xu hướng cải lương, thiếu tinh thần cách mạng mạnh mẽ.
Nhưng khi lên tiếng phê phán Phan Châu Trinh, họ đã không thấy được rằng chủ trương "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" lúc đó là một việc làm hết sức đúng đắn và sáng suốt. Chẳng phải nhờ vào hệ thống giáo dục của nước Pháp lúc bấy giờ mà Việt Nam đã có được một đội ngũ trí thức Tây học sau đó đã đóng góp rất lớn cho công cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho nước nhà đó sao? Nhìn nhận điều đó để thấy dược cái viễn kiến trong tầm nhìn của nhà chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh.

Trong thời gian gần đây, người ta đã có nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận nhà chí sĩ cách mạng này. Từ chỗ trước đây bị coi là một nhà cải lương, thiếu "sắt và máu", Phan Châu Trinh được đánh giá lại một cách đúng đắn như một nhà yêu nước, nhà tư tưởng có chủ trương đường lối sáng suốt. Tên của ông được lấy đặt cho một quĩ văn hóa đang ngày càng có uy tín và cho một trường đại học ở Hội An mang tinh thần khai phóng rất cao. Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được tổ chức hàng năm đã gây được một sức ảnh hưởng lớn và được rất nhiều trí thức trong và ngoài nước ủng hộ.

Lê Quang Huy

 

Đăng ngày 26 tháng 03.2017