Đường trần của Mẹ

phuong

Trần Thúy Phương

Mẹ tôi qua đời khi mùa xuân đang trờ tới: ngày 24 Tết.
Chín mươi ba năm trên dương thế, vài năm cuối mẹ tôi đã mỏi mệt nhiều. Mẹ tôi thường bảo, “Cầu cho mẹ được bình an! Mẹ sợ phải nằm một chỗ lắm con!” Mỗi lần nghe thế, tôi lại gượng cười, “Bình an chứ sao lại không hở mẹ?”. Tôi hiểu, “bình an” đây có nghĩa là được ra đi một cách nhẹ nhàng, không bị nằm liệt một chỗ, không phải cần có người đút ăn, thay áo quần, tắm rửa…

Năm năm trước ba tôi mất. Vốn là một người phụ nữ can đảm có đức tin mạnh mẽ vào tôn giáo của mình, mẹ tôi đã ngày đêm cầu nguyện bền bỉ cho linh hồn ba cũng như cho đời sống của các con, dù tinh thần cũng như sức khỏe dường như phần lớn đã đi theo ba… Mẹ tôi vẫn còn gắng đi nhà thờ thêm một thời gian nữa, cho đến lúc chỉ còn có thể chậm chạp vịn vào đồ đạc hay vách tường trong nhà, di chuyển từ phòng ngủ ra phòng khách, bước xuống sân, rồi lần trở ngược vào phòng ngủ, đi xuống bếp… Bà vẫn còn có thể tự mình làm vệ sinh cá nhân đều đặn mỗi ngày, tự mình ăn uống, chuyện trò… nhưng thế giới đã thu hẹp lại trong căn nhà bà đã ở gần 50 năm, kể từ ngày rời Huế.

Tháng bảy mùa hè ba năm trước, lần nữa, tôi về thăm mẹ. Chuyến đi vẫn chỉ mười ngày, vẫn chỉ quanh quẩn ra vào trong căn nhà thời thơ ấu… Vài ngày trước khi tôi rời Saigon, đầu gối mẹ tôi sưng to, đau nhức. Bà không đứng lên được, không bước đi được. Chị Nguyệt bảo, “Má cũng bị như vậy vài lần rồi…” Mỗi ngày hàng chục lần mẹ tôi đòi dép, chống gậy đứng dậy, thử đặt chân bước đi. Lần nào bà cũng thở dài, “Không đi được, đau lắm, yếu lắm…” Tôi đưa thuốc giảm đau và thuốc trị viêm khớp cho mẹ uống, chỉ vì không thể ngồi yên nhìn mẹ rên xiết, chứ không nghĩ các viên thuốc đó có thể giúp mẹ đi lại được. Thế mà, một bữa từ bếp đi lên, ngang chỗ mẹ thường nằm, thấy giường trống không, tôi hoảng hốt. Thêm vài bước nữa, tôi thấy mẹ đang ngồi đọc báo ngoài phòng khách như bao năm vẫn ngồi ở chỗ đó, vẫn bộ áo quần vải mềm in hoa nho nhỏ với những màu nhạt nhạt, vẫn sống mũi cao thanh tú, hai hố mắt sâu, môi cười tươi nét. Mẹ tôi vui mừng vì chưa phải bị nằm một chỗ; tôi vui mừng vì mẹ tôi vẫn tỉnh táo, di chuyển không cần ai giúp đỡ… Trên tất cả, mẹ vẫn là điểm tựa của chúng tôi…

phuongNgày từ giã mẹ để trở về đời sống nơi đây, khi ôm hôn mẹ, lần đầu tiên tôi thấy hương thơm của mẹ đã phai nhạt nhiều—cái mùi thơm của hiệu phấn Coty, của các loại nước hoa Pháp như Madame Rochas hay Guerlain mà mẹ đã xài từ thời thiếu nữ, cái mùi thơm đã ngấm vào da thịt mẹ tưởng chừng sẽ không bao giờ bay mất, hôm ấy đã như thể không còn. Khi ôm hôn mẹ, nói lời từ giã và hứa sẽ gặp lại mẹ nay mai, mẹ không khóc. Mẹ cười nhè nhẹ, nụ cười hơi có chút ngẩn ngơ và cam chịu… Giá mẹ khóc như bao lần xe taxi đến, có lẽ tôi sẽ yên lòng hơn… Nụ cười hơi có chút ngẩn ngơ và cam chịu ấy, đi theo tôi suốt chuyến bay dài hai mươi tiếng đồng hồ, và sẽ ở lại trong trí nhớ tôi cho đến ngày tôi gặp lại mẹ bên kia đời sống.
Một tháng sau khi tôi trở về đây, mẹ lại đau đầu gối và yếu chân. Mẹ lại không đứng lên đi được nữa. Bà vẫn nuôi hy vọng, như những lần trước, sẽ lại đứng lên, lần dò quanh quẩn trong nhà. Sau ba tuần lễ, hy vọng của mẹ dường như tắt lịm. Chị Nguyệt kể, mẹ bắt đầu bức rức, bực bội… Mỗi ngày mẹ đòi gậy, đòi dép… để cố đứng dậy hàng chục lần… Một lần, khi chị Nguyệt và người giúp việc ở trước sân, mẹ tự đi vào tận buồng tắm, nhưng không trở ra được nữa: mẹ té ngã trong ấy, may là không gãy xương. Từ đấy, mẹ cam chịu sự bất lực của thể xác. Bị giam hãm trên giường, tuyệt vọng buồn rầu, trí óc mẹ bắt đầu mù mờ. Mỗi ngày tôi gọi về, lúc đầu mẹ còn nói chuyện, “Khương đấy hả con? Mai mốt về thăm mẹ nghe!”. Dần dà mẹ không cầm phone nữa: “Mẹ không nghe được gì cả!”

Vẫn biết sẽ tới lúc mẹ phải ra đi, nhưng ai là người không thảng thốt khi nghĩ đến sự chia lìa? Mẹ là sợi dây cột tôi với quá khứ, với quê hương, với căn nhà nơi tôi từng là một cành cây non dại đã được vun trồng kỹ lưỡng… Bao nhiêu thứ sẽ bị cắt lìa, tan tác khi mẹ ra đi?
Trong cái buồn buồn hiu hắt của những ngày cuối năm âm lịch, mẹ đã như ngọn đèn leo lét cháy đến từng giọt dầu cuối cùng. Rồi đèn tắt, ánh sáng vụt biến.
Trong sự bận rộn tất bật của những ngày sửa soạn đón năm mới sắp đến, tôi và các chị quày quả trở về quê hương để nhìn mẹ lần cuối. Tang lễ mẹ được thu xếp cho xong trước ngày đầu năm. Ba mươi Tết, cái lò thiêu khổng lồ nuốt chửng mẹ vào như năm năm trước đã thiêu ba. Nhớ trong các lần về thăm, ba mẹ kể cho tôi biết hai miếng đất mà ba mẹ đã xây “kim tĩnh” để dành cho việc chôn cất ông bà về sau, “nhà nước” đã “giải tỏa, thu mua” với giá rẻ mạt. Ba mẹ tôi lại tìm mua đất nghĩa trang ở nơi xa hơn; ít năm sau lại “thu mua, giải tỏa”… Cứ thế, sau vài lần, ông bà bỏ cuộc. Ba nói, giọng buồn rầu, “Bây giờ muốn chôn phải đi xa lắm con… Phải ra các tỉnh lân cận chứ Saigon làm gì còn đất. Các con thì ở xa, chị Nguyệt thì cũng bận bịu con cháu, xa xôi quá dễ gì đi lại, rồi mồ hoang mả lạnh… Thôi thì cứ thiêu ba má, tro gởi nhà thờ con à…”
Cũng như lần ba mất, tôi không đủ thời gian để kịp đau, kịp khóc…

Tối ba mươi, tôi về nằm trong căn phòng ba mẹ đã ngủ mấy chục năm, nước mắt ứa ra không dứt, chảy xuống hai bên thái dương, tóc và gối ướt đẫm. Tiếng nấc nghẹn kìm xuống làm đau nhói cổ và ngực. Mới sáng sớm đó thôi, người chủ tế đám ma, điều khiển toán phu khiêng quan tài, hô những hiệu lệnh cho họ nhún người xuống vài lần khi ra khỏi cổng nhà: Quan tài mẹ như vẫy tay từ giã. Ông ta nói, “Để bà cụ vĩnh biệt nhà cửa…” Đi một đoạn, đến cuối đường là ngã ba, trước khi đẩy quan tài mẹ vào xe, ông ta lại điều khiển toán phu khiêng quay đầu quan tài hướng về nhà, và nói thay mẹ những lời từ biệt hàng xóm… Hẳn là ông đã làm việc ấy không biết bao lần, vậy mà tôi có cảm giác ông chỉ làm cho riêng mẹ với một mối chân tình. Tôi đau xé ruột khi hình dung mẹ đang nhìn nhà cửa, con cháu, và láng giềng trước khi vĩnh viễn rời xa.
Khóc đến mỏi mệt, tôi ngủ chập chờn, và có lúc bỗng thấy lạnh vì một cơn gió lạ thổi từ cái sân giữa nhà, lùa lên. Cái gió của mùa đông mấy chục năm trước, khi tôi còn thơ ấu. Cái gió của Saigon thuở các con đường còn đầy bóng mát. Cái gió ấy tưởng đã mất biệt vì bao lần trở về thăm ba mẹ, tôi chỉ biết có nắng và bụi, nóng và rít rát… Vậy mà đêm ấy, gió cuối năm của hàng vạn ngày trước, bỗng trở về trùm lên tôi, như hơi thở của mẹ, hương thơm của mẹ, sự chở che của mẹ…

Trở về đây, tôi tránh không trả lời điện thoại, thư từ… Tôi sợ nghe lời chia buồn, tôi sợ mình mếu máo kể khóc. Một vài tuần trôi qua mà tưởng đã hàng năm hàng tháng. Tôi cứ nghĩ “Ô, không bao giờ mình còn thấy mẹ nữa à?” Và nước mắt lại chảy hoài… Chín mươi ba năm, dài đăng đẳng đó chứ, mẹ đã mệt mỏi nhiều đó chứ, vậy mà sao như mới hôm qua mẹ còn đi chợ về, mới hôm kia mẹ chuẩn bị đồ đi thăm nuôi ba đang ở tù cải tạo tận Thái Nguyên, mới hôm trước mẹ sửa soạn đồ cho tôi đi vượt biên, mới tháng nào rất gần mẹ còn đi nhà thờ mỗi chiều, tà áo dài còn bay trong gió… Trời ơi, tôi như còn ngửi được mùi nước hoa mẹ xức mỗi chiều đi nhà thờ. Mẹ ra khỏi nhà rồi, nằm trên võng trong sân vẫn còn ngửi mùi thơm cho đến tối. Lảng vảng đâu đó người đàn bà xuân sắc, giỏi giang, lo toan nhà cửa, săn sóc chồng con, mạnh bạo đương đầu với thời cuộc nhiễu nhương, sao có thể tàn tạ, nằm một chỗ, không đi được, không ăn được, và không thở nữa, mẹ ơi?

***

California ngày 24 tháng giêng 2017
Thi ơi,
Vài ngày nữa là Tết rồi, “thêm việc mà làm” Thi hở? Khương chúc Thi năm Con Gà luôn khỏe mạnh, bình an. Khương vẫn “as busy as a bee”; lâu lắm mới có dịp soi gương kỹ, thấy nhiều tóc bạc lấp ló, hết hồn!
Khương thấy một cô thư ký đem bịch mứt dừa vô, mẹ cổ làm, có chỗ cháy vàng… Khương nhớ những ngày mình học Gia Long, nhớ những gói mứt thừa sau Tết, ngon lạ lùng. Nhớ cả những cái thiệp tự làm, tụi mình gởi cho nhau… “Xa lắc rồi em…” phải không Thi?
Hôm qua Khương gọi Thùy Liên hỏi thăm. Thường Thùy Liên hay gọi, hoặc email cho Khương… Lâu lắm Khương không nghe tiếng cũng như không thấy chữ của nó, mà mỗi lần park xe phía sau cái building chỗ làm việc, thì Khương lại nhớ tới Thùy Liên, và nhủ thầm, phải hỏi thăm cô nàng. Thế rồi vào tới bàn giấy là việc nọ tới việc kia, quên tuốt! À, “park xe phía sau building chỗ làm thì nhớ tới Thùy Liên” vì đối diện bãi đậu xe là sân sau của một nhà người Việt. Ở đó có một cây bưởi khá lớn, trái xum xuê, nhất là cuối năm đang mùa sắp chín. Cách đây mấy mùa xuân, Thùy Liên và anh Vĩnh về đây ăn Tết. Buổi trưa, buổi chiều thì đi tiệm ăn, đi xem chợ hoa, đi tới đi lui… Có một lúc cùng nhau trở về chỗ làm của Khương, đang đậu xe thì thấy một người đàn ông đang hái bưởi. Khương nói, “Anh ơi, tặng tụi này bưởi đi…” Lúc đó có Nguyệt Ánh nữa. Vậy mà ổng đưa cho ba, bốn trái, mỗi đứa hí ha hí hửng như … được quà. Mà thực sự thì đúng là “được quà”, Thi hả? Thế mà nhiều năm đã trôi qua, mỗi mùa nhìn những quả bưởi lớn dần, Khương lại nhớ ngày hôm đó, mình đã như con nhỏ lí lắc hồn nhiên mấy chục năm xưa… Lẩn khuất trong mỗi người chúng ta vẫn là một đứa bé ngày thơ dại, phải không Thi?
À báo với Thi là tuần tới Khương sẽ — một lần nữa — về Saigon. Thi có nhớ mấy chục năm nay, Khương luôn lập đi lập lại, rằng ba mẹ Khương mà qua đời, Khương sẽ không bao giờ trở về Việt Nam nữa. Mỗi lần nói câu ấy, lướt nhanh trong đầu Khương bao thất vọng, bao tiếc nuối, bao uất ức khổ sở về một quê hương tươi đẹp đã nát vụn, tan hoang. Nhưng tụi Khương còn chị Nguyệt và Nu, Ni, hai đứa con của chị. Chị Nguyệt đã thay tụi Khương săn sóc cha mẹ từ thuở ba mươi mấy tuổi, nay chị đã hơn 65 rồi. Cả năm qua, mỗi tuần gọi về, Khương đều cảm nhận được sự trầm cảm chị đang rơi vào. Mẹ Khương mất đi, sáng trưa chiều tối chị hơ hãi với nỗi quạnh vắng. Buổi sáng người giúp việc đến làm vài giờ rồi đi. Chị bắt đầu ngồi đợi con Nu đi làm về. Kế đó chồng của Nu cũng ghé vào sau khi tan sở. Tụi nó quanh quẩn với chị, trông coi bài vở cho đứa con gái, con bé tên Mi, đã 12 tuổi, đeo cứng bà ngoại vì chị Nguyệt chăm sóc nó từ lúc lọt lòng… Mi ở luôn với chị Nguyệt bên nhà ba mẹ Khương chứ không muốn về nhà ba má nó, nên, cho tới giờ đi ngủ thì vợ chồng Nu mới phải về nhà của mình, chỉ cách nhà ba mẹ Khương năm căn, đi vào con hẻm lớn. Thằng Ni thì rất ít thấy mặt, cứ năm ba bữa lại đi công tác, khi trong nước, khi ngoài nước. Tối tối chị Nguyệt và Mi rút vào căn phòng của chị, căn nhà càng thêm trống trải lạnh lẽo. Khương có thể hình dung ra nỗi “sợ” của chị. Chị bảo, “Lúc trước còn má, thì má cũng đã già yếu, nhất là những tháng má nằm một chỗ, đâu có làm gì được nữa… Vậy mà chị đi chợ, đi đón cháu, chỉ việc lòn tay vào cổng, khóa sơ sài, cứ nghĩ là có má trong nhà. Bây giờ sao nhà rộng quá! Chị ngồi đàng trước không thấy đàng sau, ngồi đàng sau không thấy đàng trước… Căn nhà đã 100 tuổi, bề ngoài thấy đồ sộ vậy chứ rệu rạo lắm rồi. Nó có thể… sập bất cứ lúc nào!!!”. Tụi Khương đã hơn một lần bàn tính với chị: tiếp tục giữ nhà ba mẹ thì phải xây lại. Xây lại, đâu còn là căn nhà của tụi Khương khi còn nhỏ? Rồi ai ở? Con của chị cũng có nhà riêng của tụi nó… Vì thế, Thi ơi, tụi Khương tất cả đều đồng ý tặng chị Nguyệt căn nhà đó để chị bán rồi về ở hẳn bên Nu.
Ít bữa nữa Khương trở về Saigon để giỗ đầu mẹ Khương, và nhìn căn nhà lần cuối. Chị Nguyệt đã bán căn nhà mấy tháng nay, nhưng thuê lại chỉ để đợi Khương về giỗ đầy năm mẹ trong căn nhà đó.

***
Cứ như mới hôm qua, còn che cái nón lá trên đầu, đi vào con hẻm nhà Nu. Đứng đầu hẻm này còn thấy cánh cổng xanh nhà ba mẹ tôi thấp thoáng đầu kia. Cứ như mới hôm qua, giao chìa khóa cho chủ mới, họ vẫn đóng cửa để đấy thôi… Đi ngang mà nát ruột, tưởng tượng từng viên gạch, từng cánh cửa đang nhíu mày hỏi, “Cô chủ ơi, sao để hoang lạnh thế này?” May là vẫn còn quanh quẩn trong xóm cũ. Tôi hình dung những người phải bán nhà rồi “tha phương cầu thực”, tội nghiệp biết chừng nào…
Vậy mà lại một năm nữa trôi qua. Chị Nguyệt hỏi “Chừng nào về chơi với chị lần nữa?” Tôi ướt mắt, nhớ những lần mẹ nói, “Chừng nào con lại về thăm mẹ?”; nhớ Nu nhăn bà ngoại, “Bà ơi, dì vừa mới về đây mà… Bển còn bao việc phải làm, dì đi hoài sao được?” Tôi nhớ mình dặn riêng Nu, “Kệ bà, con! Lúc trước bà đâu có bao giờ muốn mấy dì phải bận tâm thăm viếng, bà biết mấy dì tối tăm mặt mũi mà… Bây giờ bà như thế, chắc…” Tôi nghẹn lời, không nói tiếp được…

Tháng lại qua tháng, năm lại hết năm, và bao mùa xuân đã đến đã đi… Mỗi năm hoa lá úa tàn rồi lại đâm chồi nẩy lộc, chỉ có kiếp người một khi đã tàn lụi thì vĩnh viễn ta không còn gặp lại được những kẻ thân yêu. Có những đức tin cho con người niềm hy vọng về sự gặp gỡ ở thế giới bên kia, hay sự tái sinh ở đời này, đời khác… Đức tin của tôi không đủ mạnh để mỉm cười khi nghĩ đến các điều đó. Tôi, trong những giây phút hiu hắt của tháng ngày lũ lượt kéo nhau trôi, vẫn nhớ đến ba mẹ với tất cả nỗi chua xót của tử biệt sinh ly. Tôi vẫn nhớ đến ba mẹ với tất cả niềm thương tiếc về bao mùa xuân êm ấm tươi đẹp ngày còn thanh xuân trẻ dại. Người ta bảo với tôi rằng tôi thừa hưởng đôi môi đầy đặn, miệng cười tươi, và cặp mắt sâu rất lạ của mẹ. Có một điều không ai biết, trong tôi là lòng thuần lương, là tính ngay thẳng và minh bạch, là sự mạnh mẽ và kiên nhẫn khi đối phó với nghịch cảnh cam go của đời sống… Và những thứ đó mới chính là di sản đích thực mà mẹ đã truyền lại cho tôi. Cho nên, dẫu chua xót vì chia lìa ba mẹ, dẫu tiếc thương chuỗi quá khứ dài với muôn triệu bướm hoa, dẫu đường đi có trăm hạt sạn chui vào giày làm đau thốn, tôi vẫn luôn ngẩng cao đầu, luôn thẳng lưng bước tới, luôn giữ gìn lương tri, luôn đắp bồi nhân phẩm, và luôn cười tươi như mẹ đã cười trong suốt hành trình trên dương thế.
Ở đâu đó, mẹ tôi vẫn tiếp tục tự hào và hãnh diện về con cái, những công trình mẹ đã để lại dương trần.

THÚY PHƯƠNG



Chờ con

Dường như trời đã chớm thu
Thoảng nghe gió nhắn mùa Vu Lan về
Rưng rưng lá rụng bên hè
Nghiệp trần lưu chuyển người về nơi nao…
Con xa cố quận thu nào
Mẹ hiền tấc dạ dạt dào nhớ thương…
Con như nước chảy quên nguồn
Tháng ngày trôi, Mẹ tuyết sương mái đầu.

Nắng chiều vàng ngọn cây cau
Đốt hương rồi Mẹ bấm đầu ngón tay…
Con chừ tựa cánh chim bay
Sau lưng mắt Mẹ tháng ngày dõi theo...
Bờ lau in bóng liêu xiêu
Đường trần con hỡi lãng phiêu chốn nào!

… Chiều quê hương lúa ngạt ngào
Chỗ nằm con, mẹ vẫn vào viếng thăm
Ba mươi, mùng một, ngày rằm
Từng đêm khấn nguyện âm thầm cho con
Đường công danh được vẹn toàn
"Đá mềm chân cứng", vuông tròn ước mơ…

- Mẹ xưa đi chợ con chờ
Chừ khôn lớn… Mẹ từng giờ đợi con
Mây trời xuống ngủ đầu non
Ầu ơ… tiếng Mẹ ai còn nhớ chăng…
Những lời khuyên bảo, dạy răn
Còn theo con vạn bước trần gieo neo?

Con ơi tuổi Mẹ đã chiều
Vẳng nghe trời đất nhủ điều trăm năm
Đôi khi dừng bước thăng trầm
Con về cho Mẹ được cầm đôi tay!
Một mai mẹ hóa thành mây
Muộn màng… con ngắm một cây nhang buồn…

Vu Lan… thoảng lại hồi chuông
Giật mình, ngỡ tiếng vô thường vọng sang
Ai xuôi ngược... buổi chiều tàn
Về mau, kẻo Mẹ hôn hoàng nắng thu…

Như Nhiên - Thích Tánh Tuệ

_______________________


Nợ Mẹ

Năm xưa con ngồi bên Mẹ
Tay gầy mẹ chở che con
Đâu hay đời qua rất lẹ
Năm nay Mẹ đã không còn.

Xưa đi nhà thờ bên Mẹ
Vai gầy bước nhỏ liêu xiêu
Tóc bay theo làn gió nhẹ
Bạc phơ trong nắng ban chiều.

Đã qua bao lần dâu bể
Nợ đời như có như không
Chỉ nghe tim buồn kể lể
Nợ Mẹ vẫn trả chưa xong.

Nghìn thu con còn nợ Mẹ
Bao lần hối lỗi ăn năn
Nghìn thu con còn nợ Mẹ
Bao đêm nước mắt lăn thầm.

Là thôi, Mẹ già như nắng
Chiều tàn nắng tắt bên sông
Bơ vơ nẻo về sương trắng
Sông xưa lạc lối quên dòng.
tth


"Xuân về nhớ mẹ" (Thơ: tth - Nhạc: Cao Nhang)

 

 Đăng ngày 10 tháng 02.2018