banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

TỜ BÁO CUỐI CÙNG

Mai Kha

bao xuan GL75Hình bên cạnh là bìa cuốn báo Xuân cuối cùng của trường Nữ Trung Học Gia Long, Saigon, phát hành vào tháng giêng năm 1975. Đặc san gồm 104 trang, không tính bìa.

Trong cuốn Thơ Miền Nam tập I do Văn Nghệ xuất bản năm 1991, Võ Phiến viết, “…Vào tháng 2 năm 1975, Bộ Giáo Dục tổ chức một cuộc thi làm báo Xuân học đường giữa các trường trung học trong nước. Giai phẩm Xuân của trường trung học Gia Long (Saigon) được trao giải nhất, giai phẩm Xuân trường Bùi thị Xuân (Đà Lạt) được giải nhì…”

Ngày nay, cầm tờ báo cũ ra đời đúng 40 năm trước, lòng tôi không khỏi bùi ngùi cảm động. Thuở đó tất cả mọi thứ đều làm bằng tay (manual), từ việc trình bày (lay out) toàn bộ cuốn báo đến các chữ viết kiểu cọ dành cho những tựa đề (titles) của từng bài thơ, văn, truyện ngắn, cũng như rất nhiều hình vẽ đẹp… Tất cả đều là công trình nắn nót của Ban Biên Tập và “họa sĩ” học trò của trường, như Thùy Liên, Thúy, Tnga, Bnga, Thùy Nhiên, AnhThư….

Đọc các bài viết trong tờ đặc san Xuân Gia Long 1975, không thể nào không nhận thấy, chiến tranh đã là nỗi ưu tư, hòa bình đã là niềm khao khát của những thiếu nữ bé dại đang tuổi thanh xuân; 17-18 tuổi, trong khi quí trọng quá khứ đẹp đẽ, họ đồng thời mạnh mẽ bước tới tương lai (Cám Ơn Mùa Xuân, Hòa Bình Em Hãy Đến, Đôi Mắt Sáng Nhìn Lên, Này Em Ta Nhớ Ngày Xưa, Tháng Ngày Dần Xa, Bài Luận Cuối Cùng…)

Trong bộ “Saigon Chuyện Đời Của Phố” xuất bản tại Việt Nam, Phạm Công Luận cho biết, “Cuộc thi làm báo Xuân học đường năm 1975 đó, có trên 50 tờ dự thi, từ những tập in ronéo của các trường quận lỵ thiếu thốn mọi mặt đến các tập in rực rỡ bìa láng cóng bốn năm màu…” Với giải nhất đem vinh dự về cho trường, bài thơ ở trang 14 của Vũ thị Gio Linh — Bây Giờ Là Xuân Cuối — đã “được chọn để đọc trong lễ phát thưởng cho các Hiệu Đoàn có báo Xuân xuất sắc”.

Thôi thưa thầy con đi
Năm cuối cùng đã hết
Chưa sang một mùa thi
Đã nghe đầy thương tiếc
Nhìn xuân về lộc biếc
Chim én lượn thầm thì
Những giọt buồn thế hệ
Đưa tiễn những người đi

Vở chưa phai mực thầy
Những lời phê nho nhỏ
Sáng lên màu tươi đỏ
Thâm trầm nỗi tin yêu
Bên màu xanh biển chiều
Của những dòng nước lặng
Thầy bảo đời rất đẹp
Nhưng cũng lắm gian nan
Bao ô đời còn khép
Chưa rộng mở thênh thang
Như những ô tập vở
Cần những kẻ khai hoang
Áo cơm là hơi thở
Mơ mộng là son vàng

Con lúc nào cũng nhớ
Con lúc nào cũng biết
Áo trắng có thể nhòa
Những bụi đường cơ khổ
Mai con đi thầy ở
Những lớp học lại đầy
Có những cánh chim bay
Và những chồi non chớm
Con chưa là người lớn
Con muốn ở lại trường
Như ở lại quê hương
Đầy hoa thơm trái ngọt
Có con chim nào hót
Ngoài cửa sổ chiều nay
Hỏi rằng chim có hay
Phấn buồn trên bảng trống
Ta sắp vào cuộc sống
Chào bẩy năm mây trôi
Không một ngày biển động

Mai giữa trời cao rộng
Phải tìm thấy bình minh
Phải lo cuộc mưu sinh
Không còn thầy vẽ lối
Bây giờ là xuân cuối
Thôi, thưa thầy con đi...
Vũ thị Gio Linh

Có ai ngờ, mùa xuân cuối của Vũ thị Gio Linh cũng là mùa xuân cuối của người dân miền Nam?
Chúng ta may mắn được nuôi dưỡng và giáo dục trong một xã hội có kỷ cương, mà chỉ cần một tờ báo đơn sơ nhỏ bé, người người cũng thấy nói lên được điều ấy. “Nội san Xuân học đường trước 1975 là một sân chơi đàng hoàng. Ở đó ngoài công sức của học trò, có các thầy cô mẫn cán bên các em có năng khiếu, khuyến khích và miệt mài cùng học trò trên một vùng đất hồn nhiên trong trẻo mà ai cũng chỉ trải qua một lần…” (Phạm Công Luận, sđd)
Những lời sau hết là lời cám ơn dành cho Lan V, đã gìn giữ và tặng cho tôi cuốn báo Xuân GL cuối cùng; là lời cám ơn dành cho hương hồn của bố Lan V—nguyên Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ--mười mấy năm trước đã cầm tờ báo này từ Oregon về miền Nam California đưa tận tay… Những lời sau hết là lời chúc lành đến Ngọc Thúy, Thu Quang trong Ban Biên Tập đã 40 năm chưa một lần gặp lại và không biết nay lưu lạc nơi nào… Tôi tin rằng, ẩn dấu đàng sau những giòng chữ trong tất cả mọi cuốn Xuân Gia Long, là những khuôn mặt và những cuộc đời không bao giờ làm hổ thẹn Thầy Cô và hai chữ Gia Long.

Mai Kha
(Trích đăng từ Đặc san mùa thu 2015 "40 năm bên bờ đại dương" - Ái hữu Gia Long Nam Cali).


Gia Long ngày ấy

Chúng tôi sống êm đềm, trật tự và nề nếp. Mỗi sáng thứ hai một lớp đứng hát quốc ca và lá cờ được kéo lên từ từ. Rồi đến sáng thứ bẩy, cũng lớp ấy đứng hát và lá cờ từ từ kéo xuống.  Các lớp thay phiên nhau phụ trách việc này. Các lớp khác thì đứng nghiêm ngay truớc lớp của mình. Khi hát quốc ca, chúng tôi nghiêm chỉnh, không đùa giỡn. 
Chính vì thế chúng tôi, học sinh của những thập niên ấy, không bao giờ quên được  bản quốc ca.

 Chúng tôi học đàng hoàng, không đùa giỡn hay phá phách quá đáng vì muốn thi đậu vào Gia Long thì phải giỏi. Nếu đã học giỏi thì thường đi đôi với việc ít phá.
 Kỹ luật quá nghiêm. Không được  đi giày cao. Ôi tôi thấy nữ sinh  bây giờ đi giày cao gót lộp cộp mà buồn quá. Không được  mang nữ trang. Chẳng thấy nữ sinh nào diêm dúa vòng vàng lấn át các cô giáo như bây giờ. Chúng tôi đơn sơ giản dị và nhu mì biết bao.
 Chúng tôi đi đứng đàng hoàng. Ai chạy là… kỳ cục, là bất kính. Lên cầu thang chúng tôi đi cũng nhẹ nhàng, rón rén. Gặp cô giáo là đi sau, không dám vượt. Ô hay, bây giờ hình ảnh ấy hiếm lắm.
Trừ phi là cô giáo của lớp thì học trò còn nhuờng. Nếu Thầy Cô khác lớp thì đường ta, ta cứ việc lên, chẳng phải nhuờng ai.

Chúng tôi gìn giữ lớp học  và sân trường  như những gì được học ở bậc Tiểu Học trong các giờ công dân giáo dục. Tôi chẳng thấy ai phá trường, phá lớp. Chúng tôi có quán ăn trong trường. Cũng xơi quà giờ ra chơi nhưng ít khi nào vừa đi lang thang vừa ăn. Chúng tôi đứng trước quán và ăn. Vậy thôi. 
Còn chúng tôi đi dạo trong sân trường . 
Vì sao vậy, vì chúng tôi được  dạy rằng đang đi trong sân, gặp cô giáo trong khi mình đang nhồm nhoàm bánh kẹo hay cóc ổi gì đó là…xấu hổ lắm.

Mọi thành tích về học hành đa số tập trung vào bốn trường nam nữ nổi tiếng ấy. Chúng tôi chỉ thi Tú Tài 1, Tú Tài 2. Bằng Trung Học, muốn thi cũng được, không thì đủ điểm vẫn lên lớp. Nhưng nhiều người  vẫn thi vì sau đó đi làm.  Với bằng trung học thời tôi, có thể làm thư ký được rồi. Chúng tôi chỉ có duy nhất Bằng Trung học Toàn Quốc để thi tuyển học sinh giỏi. Thế thôi. 

Ngày đó, thời tôi, thi Tú Tài còn các thứ hạng Tối Ưu, Ưu, Bình, Bình Thứ và Thứ tuỳ theo số điểm trung bình cho các môn phải là 18/20, 16/20, 14//20, 12/20…Tối Ưu thì hiếm vô cùng. Ưu thì một lớp chừng hai đến ba người . Vậy thôi.
 Chúng tôi không phải chạy theo thành tích nào cả. Lương Giáo Sư, thời ấy gọi là Giáo Sư, khoảng 5200đ (vợ được trợ cấp 1200đ và mỗi con là 800đ ). Một tô phở khá thời ấy là năm (5) đồng. Coi như lương giáo sư độc thân khoảng 1040 tô phở khá.

À há, còn bây giờ, lương giáo viên cấp 3 vừa được  điều chỉnh thì khoảng hơn một triệu trong khi tô phở khá là 7,000, còn phở “xịn” là 14,0000. Coi như lương giáo viên bây giờ khoảng 144 tô phở khá, chưa xịn . Có lẽ chỉ bằng 1/10 lương giáo sư ngày? Thì hỏi làm sao giáo viên không bê bối? Làm sao giáo viên không đánh mất lương tâm? Báo chí trong nước nêu đầy lên đó thôi. Dạy ở trường  thì dở nhưng kéo học trò về nhà thì hay .

Nên đừng nói rằng Gia Long hay NTMK thì cũng thế. Cũng sân trường  ấy, chỉ có người là khác.
Không, khác nhiều lắm...
Khác ở sân trường, chỉ có áo trắng tung bay.
Khác ở giáo sư không kéo học trò về nhà dạy.
Khác ở học sinh không phải thi đua thành tích ảo .
Khác ở nề nếp, ngày đó chúng tôi sống và học thật đúng với câu " Tiên học lễ, hậu học văn".
Còn nữa ....
Nhưng thế thôi. Ngừng vậy .
Đó,“hồn trường” được  làm nên bởi các Giáo Sư và chúng tôi, được làm bởi những gốc cây, bụi cỏ, bệnh thất, hồ bơi, sân võ… Nếp trường  được làm bởi những nết na của đa số nữ sinh.

(Đã từ lâu, sau 1975, truớc cổng trường treo đầy quảng cáo. Nào là Trung Tâm Nhật Ngữ, nào là Trung Tâm Tin Học. Ôi cái “mặt tiền” xinh đẹp của Gia Long ngày ấy đang bị nham nhở bởi vô vàn những cái bảng kinh doanh).

Gia Long của tôi, của chúng tôi ngày xưa là như thế…Và dù có đi đâu, ở đâu , chúng tôi luôn tự hào“ Vâng, nữ  sinh Gia Long ngày ấy đây! ”
Trường xưa dù có mất tên nhưng truyền thống của những thời ấy thì vẫn còn mãi với thời gian.
Em gái Gia Long của tôi ơi
Dù có đi đâu bốn phương trời
Xin em nhớ giữ hồn xưa  nhé
Danh tiếng Gia Long đã một  thời ...

Người Gia Long

 

Đăng ngày 06 tháng 11.2015