Biền biệt

thuy phuong
Trần Thúy Phương

Chị Khuyên ở đâu bỗng chạy xô đến, ôm chặt ba, gào la thảm thiết, “Đừng đi ba ơi, đừng đi!”
Khương biết ba phải đi, không rõ đi đâu, nhưng ba không thể trễ. Khương la lớn, dữ dội, “Khuyên, bỏ ba ra! Để cho ba đi!”
Ba cũng vùng vẫy mãnh liệt, rồi ba thoát khỏi tay chị Khuyên; và sương trắng đục như sữa ở đâu chợt ùa đến dày đặc… Lẫn trong vài tia nắng bắt đầu le lói, ba biến vào màn sương mù đó…

Khương ngồi bật dậy, nước mắt ướt đầy tay. Ngoài kia trời cũng đang hừng sáng. Khoảng một giờ trước Khương đã thức giấc, rồi lại nằm nán, và thiếp đi. Trong giấc ngủ ngắn ngủi ấy, Khương thấy ba. Ba về, ngồi trong chiếc ghế bành có 2 tay tựa, tay ba gác lên chỗ tựa đó. Chiếc ghế không to, không bọc nệm như những chiếc ghế ngày nay mà nhỏ hơn và làm bằng gỗ. Nét mặt ba buồn buồn như thuở còn sống, nhưng bình thản, và ba trẻ như lúc 50-60 tuổi. Khương lại biết rõ, trong giấc mơ, ba đã chết… Ba chỉ về thăm chốc lát và ba sẽ phải đi xa biền biệt. Ba về trong ngôi nhà từ đường ở Huế; có mẹ, chị Khuê, và Khương. Không có chị Khanh, chị Khuyên. Khương tranh dành với thời gian, muốn kể với ba thật nhiều điều, nhưng chẳng nói được bao nhiêu… Rồi ba đứng dậy, từ dãy nhà lớn có phòng khách và phòng thờ ông bà tổ tiên, ba băng qua dãy nhà ngang mà thuở nhỏ chị em Khương vẫn quây quần sinh hoạt ở đó. Ba đi ra sân, bước về hướng hàng rào ngăn sân nhà Khương với nhà O Dung, chỗ có cây mít nghệ cổ thụ… Đó là lúc chị Khuyên bỗng ở đâu chạy đến ôm chặt ba…
Trời, mọi thứ rõ nét làm sao! Khương còn thấy trước mắt màu áo chemise ba mặc—Áo ngắn tay, ô vuông rất nhỏ, màu trắng và xanh nhạt …

Buổi sáng Khương nằm mơ ấy là một ngày giữa tháng 12 năm 2011. Đã 9 tháng rồi kể từ ngày ba Khương qua đời. Mỗi ngày Khương cuống quít đào xới ký ức, để nhớ xem ba mùa hè cuối, về Saigon, mình làm được gì, nói gì với ba…nhưng thất bại. Ngày tháng chồng lên nhau nào đã quá dày đâu, mới mấy năm thôi mà? Mỗi ngày Khương thầm kêu, trời ơi ba ơi, không có gì ghi lại trong mấy cuốn nhật ký cả. Hai mươi lăm năm xa ba, xa Saigon, xa thời thơ ấu, mấy cuốn nhật ký, chỉ toàn bất bình và phẫn nộ trong sự bất toàn của đời sống con.

Sau nhiều năm chạy trốn cái nóng, cái xô bồ của Saigon, sau nhiều năm chạy trốn nỗi thất vọng về thành phố của tuổi thơ, Khương về thăm ba để rụng rời thấy ba già nua hơn trí tưởng tượng của mình quá nhiều. Từ đó, Khương tự hứa sẽ về thăm ba mỗi năm… Nhưng chỉ làm được 3 năm liên tiếp, rồi có những việc xảy ra mà Khương tự nhủ mình không thể bỏ nhà đi hoài như thế được. Khi Khương quyết định về thăm ba lần nữa, đang chuẩn bị hành lý và vé máy bay, thì ba qua đời. Nỗi ân hận dày xéo Khương từng ngày. Hàng trăm lần chị khóc sướt mướt và gào thảm thiết trước bàn thờ ba, “Ba ơi, bây giờ thì ba biết rồi đó! Ba biết tại sao 4 năm qua con không về thăm ba được… Ba biết rồi đó, ba ơi!”

Mỗi ngày Khương cuống quít đào xới ký ức, cố nhớ những gì đã làm cho ba, nói với ba… nhưng thất bại. Chị chỉ luôn cảm nhận lại đầy đủ nỗi đau khổ của mỗi lần từ giã ba trở về đây… Không ai biết, mỗi lần quay lưng lại với ba, với căn nhà đó, là một lần Khương đau một cái đau rất thật, đau như thể bị cắt bỏ một phần thân thể, có một cái gì đó vỡ toang trong lồng ngực, chẹn ngang cổ, làm mắt mờ, họng đau buốt.

Mỗi ngày Khương cuống quít đào xới ký ức để tìm xem mình đã làm được gì những năm cuối đời ba, nhưng thất bại. Thế rồi, trong cái góc tối tăm mù mờ của ký ức, chợt sáng lên vài hình ảnh khi chị còn rất nhỏ. Chị nghe giọng mẹ -miền Bắc Trung phần- gọi người giúp việc, “Gái đâu? Đon đâu? Bế em đi chơi đi! Tới giờ cậu phải đi rồi!” Khương thấy đứa bé gái 3-4 tuổi, khóc inh ỏi, nhoài người giơ tay với tới ba. Ba luôn mặc những bộ đồ áo quần cùng màu, áo ngắn tay có 4 túi, thường màu nhạt như xám, mỡ gà… Những năm đó ba luôn đi làm xa nhà, khi thì Quảng Nam, Quảng Ngãi, khi thì Quảng Trị. Mẹ cứ trụ tại Huế, trong ngôi nhà từ đường, giữa vườn cây trái mênh mông, chăm sóc ông nội và bầy con. Mỗi lần ba về thăm nhà rồi trở lại nơi làm việc, chỉ mình Khương khóc lóc tru tréo đòi ba. Khương khóc nhiều và khóc dai tới độ mẹ chịu không nỗi, nhiều lần bảo người giúp việc thả Khương vào chuồng heo để dọa. Khi Khương lớn lên thêm vài tuổi, ba không đi xa nữa. Đó là những năm tháng, chiều chiều từ sở về, ba ngồi cạnh ly bia, đút cho Khương những cọng mực nướng xé ra từ con mực mẹ đốt bằng “dầu cồn”, mềm ngọt. Đó là những chiều mùa hè, ba trở về với những túi bánh thơm lừng từ tiệm bánh Tây nổi tiếng dưới phố. Đó là những ngày Khương bắt đầu hiểu tên ba không phải “Ấm”, cũng không phải ”Quận”, chỉ là cách gọi dành cho con của một ông quan (lúc ấy đã về hưu) hay là chức vụ ba nhận lãnh khi đi xa làm việc. Đó là những tháng ngày Khương bắt đầu mê say tủ sách của ba, đọc tất cả những gì tay cô với tới, dù chỉ mới học lớp ba, lớp tư, lớp năm…
Cũng trong vùng ký ức mù mờ kia, sáng lên vài hình ảnh thời gian mới bỏ Huế chạy vào Saigon. Mấy chị cùng học Đồng Khánh, ba phải xin cho mỗi người một trường, vì không trường nào chịu nhận cùng lúc mấy chị: chị Khuê, Lê Văn Duyệt; chị Khanh, Gia Long; chị Khuyên, Trưng Vương… Khương học tiếp lớp nhất ở tiểu học Đồ Chiểu, đợi thi vào đệ thất Gia Long. Ba là người chở Khương đi thi ở trung tâm Nguyễn Bá Tòng. Ba là người chép miệng lắc đầu, “Thấy đọc truyện không hà, chắc thi rớt…” Ba là người mở cuốn Mauger dạy vỡ lòng tiếng Pháp cho Khương… Ngẫm lại, ba cũng là người cầm tay tập viết và dạy tập đọc vỡ lòng cho mấy đứa cháu ngoại-nội ở gần…

Rồi lại cũng trong vùng ký ức mù mờ kia, sáng lên những năm tháng ba về đứng đầu ngành Công Tố Viện, thuộc bộ Tư Pháp, tỉnh GC. Mỗi mùa hè của bốn năm ba làm việc tại GC, khi không phải đến trường, tại sao không chị nào nghĩ tới việc theo ba “bầu bạn”, ngoại trừ Khương? Có phải tại Khương không sáng tối chạy đi học thêm ở các trung tâm dạy kèm Anh Văn, Pháp Văn, Toán, Lý Hóa? Có phải tại Khương không có bạn bè nên rời Saigon không nhớ bạn? Bốn mùa hè của tuổi 12-13-14-15, mỗi sáng thứ hai Khương theo ba cùng chú Giang tài xế đi GC, mỗi chiều thứ sáu theo ba và chú Giang tài xế trở lại Saigon. Con đường dài hơn hai giờ lái xe (còn nhớ đúng không?), dọc hai bên đường là ruộng lúa xanh mơn mởn, là cò trắng, là dừa nghiêng bóng, là ao bèo, là những mái tranh, thỉnh thoảng có vài mái đình, mái chùa cong cong… Những nỗi buồn man mác bao giờ cũng bắt nguồn từ các hình ảnh ấy (ngày nay không mấy ai còn dùng chữ “buồn man mác” nữa, Khương mơ hồ nhận thấy thế…). Như ngày xưa mẹ “trụ” ở Huế còn ba ngược xuôi nhiều tỉnh miền Trung, bốn năm ba ở GC mẹ lại cũng vẫn ở Saigon lo cho con cái. Khi trưởng thành, ngoái nhìn bốn mùa hè ấy, trong Khương rõ nét hình ảnh ba cao dong dõng, gầy ốm, im lặng cô đơn trong ngôi nhà rộng lớn. Bên cạnh ba, Khương cũng trở thành cái bóng lặng lẽ. Đủ trí khôn, Khương nói mình thương ba, còn lúc bé nhỏ, Khương chỉ biết thu những sinh hoạt của ba vào trí nhớ, bởi chúng khác lạ. Cả đời ba nói năng từ tốn, làm việc chu đáo, cẩn thận. Tránh làm tổn thương người khác và giữ gìn nhân cách là hai mục tiêu tối hậu trong đời ba. Biết bao lần trong thời thơ dại, Khương nghe câu “Đừng như thế, người ăn người làm họ nhìn vào kìa!” khi ba răn dạy các anh chị hay khuyên nhủ mẹ. Nhìn lại, đôi khi Khương tự hỏi, đó có phải là một nhược điểm của ba?

Trong vùng ký ức mù mờ kia, chợt sáng lên một lần trong các mùa hè đó, Khương và ba đang giờ cơm chiều. Ba ăn sớm, trời còn nắng bên ngoài. Chú Đại —người chăm sóc ba— dọn lên vài món ăn thanh đạm, thường chú khoanh tay đứng cạnh cho đến khi ba nói, “Thôi, chú làm gì cứ làm…” thì chú mới xuống nhà dưới. Hôm ấy chú Đại dẫn vào một người khách, một người đàn bà lịch sự xinh tươi. Bà bưng một lồng thức ăn nhiều món khác nhau, “Tặng ông ăn lấy thảo”. Ba nhẹ nhàng cám ơn, cương quyết từ chối. Ngày ấy Khương không hiểu. Khi đã lớn tuổi, nhớ cái không gian trang nghiêm vắng vẻ của ngôi nhà ba ở, nhớ ra mẹ luôn phải để ba đi xa một mình mà không hề lo lắng về những nỗi nóng-lạnh trong đời, Khương càng thương ba nhiều hơn nữa. Mẹ Khương thường nhận mọi thứ trong đời như thể đó là chuyện đương nhiên, tình yêu và lòng chung thủy của ba, mẹ cũng thấy là “chuyện đương nhiên”. Người ta hay nói “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông” để ám chỉ rằng khi các chuyện mờ ám xảy ra, kẻ thân cận mình nhất là người biết sau cùng. Khương không căn cứ vào cuộc sống êm ấm của mẹ để kết luận ba là người chồng tốt. Khi trưởng thành, Khương dám quả quyết mẹ là người may mắn vì Khương là đứa duy nhất trong gia đình chia xẻ cuộc sống cô tịch của ba trong những năm ba ở GC, vì Khương là đứa duy nhất trong gia đình cùng ba từ giã cái tỉnh nhỏ hiền hòa đó, chứng kiến cảnh khóc sướt mướt của tất cả nhân viên tòa án tiễn ba và Khương ra tận bến phà ngày cuối, để ba trở lại Saigon làm việc và sống cạnh vợ con.

Mỗi ngày Khương cuống quít đọc kinh cho ba sáng tối đều đặn. Khương xin Đức Mẹ nắm tay ba đi, cho ông không vấp té như những năm cuối đời. Mỗi ngày khi lái xe đi làm, Khương thì thầm với ba nhiều thứ, rồi khóc. Nước mắt mặn chảy thành giòng trên má, nắng gắt của California chiếu vào, dần dà thành 2 đường nám mà bạn Khương ngạc nhiên hỏi, chị mới nhận thấy. Bạn bảo, khóc như thế nặng chân ba; Khương lại nhớ giọng ba ôn tồn bảo mẹ, “Đừng khóc, để cho con nó đi!” mỗi lần chị về thăm rồi lại từ giã…

Mấy tuần trước bạn về Việt Nam; cũng như xưa nay, Khương thường gởi vài thứ thuốc hay hình ảnh cho ba mẹ vui. Khi lấy tờ giấy viết ít hàng, cũng chữ to, tháu, vội vàng… Khương lặng người đi khi nhận ra lần đầu tiên chị không bắt đầu bằng ba chữ “Ba Má thương” như đã 25 năm qua, mà chỉ còn hai chữ “Má thương”. Chừng đó thôi cũng đủ khiến Khương lại vật vã, “Thế mà đã 25 năm, một phần tư thế kỷ, ba ơi, con thiếu sót bao điều muốn làm và phải làm…”
Năm ngoái, có lúc tưởng phải bán căn nhà ở Lý Trần Quán vì chung quanh thiên hạ đập phá nhà cũ để xây khách sạn, ảnh hưởng tới nền móng nhà ba mẹ Khương, cũng như nhịp sống trên con phố trở nên quá xô bồ náo nhiệt làm ông bà thấy mệt mỏi, Khương đã khổ sở hình dung nỗi mất mát. Chị hình dung một cái truyện ngắn, trong đó người đàn bà bương bã trở về quê hương, chỉ để ngồi ở cái bậc thềm đó lần cuối, ngủ trong căn gác thời thơ ấu lần cuối… Khương đã thật tệ, không nghĩ ra rằng ba cũng mong gặp chị lần cuối… Thế rồi đâu ngờ Khương bương bã trở về chỉ để nhìn ba bất động trong quan tài, sau làn kính trong suốt…
***

Giỗ đầu ba, Khương lại về Saigon với mẹ. Khương quyết định trở về Huế, nơi mà mình đã bỏ đi biền biệt từ Tết Mậu Thân. Khương nhớ giọng nói dịu dàng nhưng dằn dỗi của mấy O, thời ba còn trẻ trung, khỏe mạnh, “Chị sao mà tệ! Anh Ấm xa quê, ngày càng có chức có phận, mà không lo cho anh một chuyến về thăm hết làng trên xóm dưới, cho nở mày nở mặt…” Mẹ gốc Bắc, mẹ không nhớ thương gì xứ Huế, nơi mẹ cứ bảo có “mấy mụ O nhọn mỏ”. Mấy chị lắm khi thầm thì, “Má dễ gì ai bắt nạt! Ba ra Bắc làm việc, cưới má tận ngoài đó. Năm 54 ba đem má trở vô Huế ở với ông nội, ông thương ba mà cũng thương má quá xá hả? Thời đó mà tóc phi-dê, áo dài bông ép, giày mũi nhọn, lại đạo Chúa… Mỗi tuần má đi nhà thờ, nghênh ngang với mấy O… Mấy O sợ ba, thương ba nên nuốt cục tức xuống chứ bộ…”
Chị Khanh nhiều năm trước đã về Huế, cứ nói với Khương, “Đừng về, Khương ơi, đừng về! Thất vọng lắm! Khóc được!” Nhưng Khương luôn nghĩ rằng mình phải đối diện với mọi thứ, ngay cả nỗi thất vọng, khổ đau. Nên Khương lần trở về quê nội. Khai sinh của Khương, ba ghi đầy đủ: làng Bình An, xã Thủy Xuân, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên… Không cần viết chữ Huế vào đó. Ba có lần xoa tóc Khương, “Con sẽ luôn được bình an vì ba chọn nơi cho con sinh ra. Mà ở đó có nước mùa xuân nữa. Nước lại thơm nữa…” Khương hãnh diện về mấy cái tên trên khai sinh, dù ngày càng hiếm ai hỏi đến.

Về Huế, O Dung vỗ vỗ tay Khương, “Mi về thăm mồ mã ông bà tổ tiên, thăm bà con chòm xóm, trả hiếu cho ba đó Khương!” Nhờ mấy đứa em họ dẫn đi, lộn tới lộn lui trong xóm cũ, Khương thấm thía câu “thương hải tang điền”, và cứ tự hỏi, nay ở đâu, “những người muôn năm cũ”? Chị Khanh kể, cái năm đó, lúc xe taxi dừng lại, “Tới rồi cô”, chị cứ lắc đầu quầy quậy, “Không, không phải”… Cho tới lúc tình cờ đứa em họ ở gần đó đi ra, kêu tên chị. Chị Khanh đã khóc ròng vì không còn gì cả… “Cây cối không thấy gì hết, sân vườn tan biến, lối vào nhà thờ tổ tiên của ông nội chỉ còn đủ để dắt một chiếc xe đạp thôi. Nhà ngang nhà dọc của tụi mình lúc nhỏ mất tiêu, không còn một chút gì giống trong trí nhớ… Đừng về Khương ơi, đừng về!” Chị kể, nhà O Dung nay là một cái nhà lầu mấy tầng cũng nằm trơ trọi giữa miếng sân xi măng; vườn tược ngày xưa cũng cắt xén cho con cái hết rồi… Chị Khanh vào nhà O Dung, ăn bữa cơm, trở về khách sạn, rồi vào Saigon. Chị không muốn thấy thêm bất cứ tan nát đổi thay nào nữa của Huế, Huế ngày chị ra đi 15 tuổi. Khương không như chị Khanh. Khương nhất quyết đi tìm quá khứ và cương quyết đối diện với nỗi đau của mình.

Đêm đầu tiên ở Huế, tiếng ve vang vang kéo Khương về bao mùa hè cũ, những gốc mít, nhãn, khế, vải, cau, dừa, những hàng chè tàu, những dãy tre xào xạc và tiếng ve vô tận. Bừng mắt ra Khương không thấy được màu xanh ngày cũ. Khương mím môi khổ sở, nuốt nghẹn, hất đầu lên, chấp nhận sự tan biến của cái bầu trời mênh mông đó.
Đi ra vườn cũ, chỉ còn một ít mồ mã nằm co cụm. Những ngày thanh bình ấy, mỗi mùng một Tết, xe nhà O dượng Nghè Tân, xe nhà chú thím Phán Ân, đổ xuống bầy con. Các anh chị họ của Khương lúc đó đều đang học trung học, đại học… Họ túa ra như những cánh bướm với áo dài, áo đầm lộng lẫy. Họ lượn khắp vườn, cắm hương khắp các ngôi mộ, hái hoa theo lệ “hái lộc đầu năm”, rồi vào chúc Tết ông Nội của Khương và ba Khương là vai lớn… Nay đếm kỹ thì các ngôi mộ vẫn còn đủ, nhưng phần đất làm nghĩa trang đã nhỏ lại rất nhiều.
Đi ra đường, đường mở rộng vào tới chân nhà. Ủa, cái mương rộng bao quanh sân đâu rồi? Cái cầu bắt ngang cái mương sâu để đi vào vườn đâu rồi? Mùa mưa những năm xưa nước cuồn cuộn quanh vườn như con sông nhỏ, nay con mương sâu đã mất, vậy bây giờ mưa thì nước chảy đi đâu? Mưa ơi có đi ra biển, đem tro ba về được vườn xưa?

“Đi lên Đàn Nam Giao đi Vũ”. Thằng em họ gật đầu, “Đi thì đi, chị mà nhìn ra được cái chi thì tui phục…” Ủa, cái chỗ ngày xưa mình gọi “Đồn Nông Cơ” mất tiêu rồi à? Chỗ đó hồi chị bỏ Huế đi chỉ có một mái nhà cao giữa bãi đất trống rộng lớn; dưới mái nhà để vài chiếc máy cày. Nhà cụ Lê đâu rồi? Nhớ không Vũ, Tết Mậu Thân, tụi Việt Cọng đào hầm trú ẩn quanh nhà, trong vườn rộng thênh thang. Tưởng chết cứng với họ ở đó. Rồi một bữa họ biến đi đâu hết, ba má chị và ba má em quyết định rời nhà tìm đường xuống phố, nơi quân đội Việt Nam Cọng Hòa đã làm chủ lại được. Nhớ không, mấy người lớn và một bầy con nít mà lớn nhất là anh Đình vừa 19 tuổi, mỗi đứa một cái mền quấn quanh người và áo đơn áo kép. Đoàn người dắt díu nhau đi lên phía Đàn Nam Giao này nè, ba chị ghé vô hỏi ý kiến cụ Lê… Ba nói chuyện với cụ một lát rồi dắt mọi người tìm lối ra chân núi Ngự Bình, đi men theo chân núi, vòng xuống phố… Nhớ không, tụi mình đi trong cái lạnh của ngày Tết, hai tay trắng, của cải bỏ lại hết sau lưng… Đi trên những vỏ đạn, những dây mìn, đi dưới tiếng đại bác, tiếng đạn pháo kích bay trên đầu, đi cạnh những xác chết… Cái hình ảnh sáng mãi trong trí nhớ chị là khi xuống được tới phố, đứng ở một góc đường trên lối vào trường Thiên Hựu đang dùng làm trại tạm cư, ba em run rẩy rút một điếu thuốc, vừa châm lửa, vừa khóc, vừa cười, nói với ba chị, “Sống rồi anh ơi! Sống rồi!”
Nhắc tới cụ Lê… Ngôi biệt thự trắng toát của cụ nằm giữa bãi cỏ xanh như trong tranh bên Tây, mất đâu rồi? Vũ, Vũ, nhớ không, hồi đó mỗi sáng chủ nhật cụ Lê chống gậy đi nhà thờ. Cụ mặc mấy bộ complet trắng, cụ cao gầy, lưng thẳng, uy nghi đẹp đẽ… Cô gì con của cụ? Cô Trai phải không? Cô du học ở Anh về, mỗi lúc cô đi nhà thờ, chị núp sau mấy bụi bông trang, ngắm cô, nín thở… Trời, hồi đó cô bới tóc cao, mặc áo dài sát người, cô gầy há Vũ? Cô hay ôm 1 chiếc ví dài trước ngực, dáng đi trang nghiêm, uyển chuyển… Còn một cô nữa con cụ Lê, cũng bới tóc … Cô Đan hả? Cô này cao lớn giống cụ Lê nhiều. Con trai cụ về sau là viện trưởng Viện Đại Học Huế phải không? A, nhắc tới đại học, Đại Học Xá đâu rồi? Mấy cây me đầy lá non, đầy trái xanh, bóng mát quanh năm trong sân Đại Học Xá, đâu rồi? Rồi Đồn Công Binh của những người lính năm xưa, có cả vợ con ở chung trong đó, đâu rồi? Không còn một dấu vết! Quán cà phê Nam Giao Hoài Cổ này là nhà Mệ Tham hả? Lúc chị nhỏ xíu, nhà Mệ tứ mùa cổng đóng kín mít, cũng như thể “thâm cung” trước mắt lũ con nít mình ngày ấy…

Có một đoạn đường ngắn đó thôi, thời thơ ấu chân Khương đã tới lui bao bận. Đây căn nhà ba má bán lại cho bác Hàm… Màu sơn hồng đậm, cây me và cây vải không còn. Một cô nhỏ giúp việc đang lau nhà. Khương đứng tần ngần, xong mạnh dạn bấm chuông. “Bác Hàm còn ở cái nhà này không em? Tôi ở xa về, ngày xưa cái nhà này của ba má tôi, tôi muốn thăm cái nhà, thăm bác Hàm…” Cô nhỏ biến vào trong, lát sau một người đàn bà cỡ tuổi mẹ Khương đi ra. Khương lại gần, “Bác không biết con đâu! Hồi Mậu Thân gia đình con rời Huế, con mới 9 tuổi… A quên, con là con gái út của ông bà Hi… Bác cho con thăm cái nhà chút xíu. Hồi đó con cứ trốn xuống dưới hầm rượu. Dãy nhà ngang phía sau dành cho người giúp việc bác sửa lại thành nhiều phòng riêng biệt vì các anh chị ở xa hay về hở bác? Ô, bác có lên lầu phía bên này nữa à? Cây vải bị sâu phải chặt hả bác? Trái nó ngon hơn cây vải bên vườn ông Nội con đó bác… Chị Phương Liên ở Pháp à bác?”
Rời ngôi nhà màu hồng, Khương ngẩn ngơ. Sát bên nhà phải là lối vào trường Khiết Tâm của các soeur Dòng Mến Thánh Giá chứ? Nhà thờ Nam Giao nữa? Sao biến mất hết? Nước mắt ứa đầy, chực rơi xuống. Khương lấy giọng thản nhiên, “Đây là lần thứ một trăm chị sắp sửa nói rằng mọi thứ từng có thật trong đời mình nay chỉ như những hình ảnh trong một cuốn phim nào đó mà thôi”. Ra giếng lối nào hả Vũ? Đứa em họ hả miệng tính nói gì, nhưng rồi thôi, lẳng lặng dắt Khương đi. Trời, cái giếng nước năm xưa, bao sinh hoạt diễn ra quanh đó, với mấy chị giúp việc, với những cô gái lớn trong xóm: Chị Gái, chị Cháu, chị Đon, chị Mừng em ông Cường thợ may, chị Tính con bác Đồng… Ai nữa, Khương nhỏ quá đâu biết hết… nhưng văng vẳng tiếng tạt nước, tiếng cười đùa của ngày nào vọng lại. Bây giờ giếng nước không người lai vãng, cỏ mọc kín thành giếng. Một cái nhà xây sát bên giếng, treo vài tấm gương đây đó và hình như để hoang, trông quái dị lạ lùng…
Ngày mai mình sẽ đi về làng An Phù và làng An Truyền của ông nội và bà nội, ở đó còn nhà thờ của giòng họ, trước khi ông nội vào kinh đô làm quan… Mình đã chưa hề biết làng của ông bà nội như thế nào, nên có lẽ sẽ không có gì để nhớ thương, để so sánh… Một khi bắt đầu, mình sẽ đi cho hết.

Khương ngồi thừ người trên một mỏm đá bên lối vào giếng. Những dây tơ hồng, vài bông hoa vàng xanh nhỏ xíu, những bụi cỏ dại loăn xoăn bên chân. Đừng ngó quanh, đừng nhớ lại, đừng tìm kiếm. Khương đăm đăm cúi nhìn những cọng cỏ hoa xinh tươi, mờ dần dần qua màn nước mắt. Khương thẩn thờ nghe trong đầu vang lên những nốt nhạc réo rắt chị vẫn nghe mỗi ngày lúc đi làm. Silk Road của Kitaro, đĩa số một và số hai. Silk Road. Con Đường Tơ Lụa. Ô ba ơi, once upon a time, il était une fois, ngày xưa…
Có một thuở mình đã đi trên con đường ấy… Con đường tơ lụa kia nay đã biền biệt không còn, ba ơi.

Trần Thúy Phương

(Bài đã đăng trong Đặc san mùa Thu 2015, Gia Long Nam Cali.)

 

Đăng ngày 01 tháng 11.2015