Mới đó, mà đã nhiều năm...

thuy phuong
Trần Thúy Phương

Nghe tiếng đẩy máy cắt cỏ của người làm vườn, Bối chạy ra sân. Cô dắt José—tên người làm vườn—đến gốc ngọc lan, dặn dò … José gật đầu lia lịa, cười hăng hắc. Ông nghĩ mình cùng tham dự vào trò chơi của Bối. José không biết, thực sự cô nhỏ buồn, buồn lắm…
Bối trở vào nhà, nói với mẹ, “Không dặn là lúc hốt rác thế nào ổng cũng hốt đi luôn cái mộ của El Rey…”
El Rey, Le Roi, The King, Ông Vua…tên con cá betta của Bối…

Mùa hè ba năm trước, một lần đi ăn trưa vào cuối tuần với nhóm bạn của bố mẹ, Bối ngồi cạnh bác Hằng. Như thường lệ, hai bác cháu đụng đâu nói đó. Không có chuyện gì đáng kể, Bối quay sang hỏi thăm hồ cá koi của bác. Bỗng dưng bác Hằng đề nghị Bối nuôi cá. “Chỉ một con thôi, dễ chăm sóc lắm!” Là đứa con duy nhất, Bối khá cô đơn, nhưng cô chưa bao giờ có ý thèm anh chị em hay muốn nuôi chó mèo chim thỏ… Bạn bè, bà con thường cười cười, “À, mẹ nó brain wash đó! Nuôi pet cực lắm! Nuôi người cực hơn!” Khi nghe bác Hằng xúi Bối nuôi cá, mẹ chồm sang, “Thôi, hồi xưa đã có hồ cá vàng rồi cũng phải dẹp… Với lại giờ đâu? Con bận bao nhiêu thứ…” Bối cương quyết, “Mẹ kệ con. Để con tính!”
Về nhà, Bối nghiên cứu ngay. Cá betta một mình một cõi, nhốt hai con chung nhau là chúng uýnh lộn tơi bời. Nước thay một tuần một lần, giữ một nửa nước cũ, thêm vào một nửa nước mới, nhỏ vài giọt hóa chất làm tan chlorine và giúp cho nước neutralized. Đây, cái bình tròn nho nhỏ độ 2 gallons, có đèn nhấp nháy nhiều màu. Đây, đá lụn vụn màu xanh lơ để dưới đáy bình. Đây, cây rong có nhánh dài uốn lượn theo nước. Đây, thức ăn chính, thức ăn phụ…
Chuẩn bị xong xuôi, Bối la cà ở mấy tiệm bán chó mèo chim cảnh, ở đó cũng có bán cá nhưng không nhiều. Chẳng vừa ý, cô tìm đến những tiệm chuyên bán cá kiểng thôi. Bối mê mẫn với đủ loại cá nước mặn màu sắc rực rỡ, nhưng luôn biết mình muốn gì và biết dừng lại chỗ nào, Bối ẵm về một con betta như đã dự định. Cô hãnh diện giới thiệu—Cá của con thuộc loại Half Moon Betta đó nghe. Khi nó xí xọn, nó múa, đuôi nó xòe ra hẳn cả một vòng tròn đó mẹ. Con cá chưa “diệu võ giương oai” cũng đã thấy đuôi xòe rộng như cánh quạt, màu nước biển thăm thẳm. Những cái vây màu đỏ san hô. Những cái vảy lóng lánh màu xanh đen. Đi đâu Bối cũng tươi cười bắt chuyện với mọi người; về nhà, cô luôn tuôn ra một mớ kinh nghiệm nghe từ người khác. Lần này cũng vậy. Mẹ, người bán hàng cũng có nuôi cá. Nó nói đừng cho cá ăn nhiều, cá bị mập mau chết. Mình giới hạn một ngày mấy viên thức ăn thôi. Có thể cho nó thêm snack. Cái hộp này là snack. À, con đặt tên nó là El Rey. Mẹ ậm ừ cho qua chuyện. Ừ, El Rey. Bố nghe loáng thoáng, El Rey nghĩa là gì? Mẹ nói hớt, là Le Roi, là The King, là Ông Vua!

Mỗi ngày Bối thả từng viên thức ăn vào bình nuôi cá. Cô đếm đủ bao nhiêu giây mà El Rey vẫn còn nhởn nhơ chưa đớp, thì cô lật đật dùng cái thìa dành riêng cho El Rey, vớt viên thức ăn ra. Bối sợ thức ăn chìm xuống đáy bình, nằm lẫn lộn giữa những viên đá bé màu xanh kia, rất nhanh, chúng sẽ rã ra, làm bẩn nước mau hơn, và El Rey có thể bị bệnh…
Mùa hè qua nhanh, rồi mùa thu cũng trôi đi. Mùa đông, cái đuôi hình cánh quạt của El Rey trông xơ xác, có những chỗ rách y như một cái cờ cũ tả tơi. Bối lại nghiên cứu trên internet, đọc kinh nghiệm của những người nuôi cá. Mẹ à, người ta nói khi cái đuôi của nó rách và cụt dần như vậy là có thể nó bị 1 loại nấm—fungus… Mẹ à, cá betta gốc vùng nhiệt đới, nó thích khí hậu ấm, bây giờ trời lạnh, phải bật đèn thêm cho nó. Với lại chắc phải cho nó ăn nhiều hơn 1 chút, người ta nói thức ăn không đủ chất bổ thì màu nó hết đẹp… Mẹ à, hôm nay sẽ bỏ hết nước cũ trong bình, không cần giữ lại một nửa…
Qua mùa xuân, El Rey vẫn chưa trở lại vẻ đẹp thuở ban đầu. Một hôm đi làm về, mẹ kinh ngạc thấy nước trong bình nuôi cá đen như mực. Bối kể, mấy hôm rồi cô mua trụ sinh—Tetracycline—ở tiệm bán cá, thả vào nước để nếu bị nấm thì El Rey sẽ lành bệnh. Sau đợt trụ sinh phải thả 1 filter chứa đầy carbon vào bình, carbon trong filter làm màu đen như vậy đó mẹ. Mẹ ngán ngẫm không nói gì, nhưng nhìn cái màu đen đó, đủ thấy ngộp thở dùm con cá. Có lẽ Bối cũng cảm thấy giống mẹ, nên thay vì để cái filter chứa đầy carbon trong bình đủ nhiều ngày như chỉ dẫn, ngay hôm sau Bối vớt cái filter ra. Cô làm những gì, mẹ không muốn nhìn tới, chỉ thấy dần dà nước trong trở lại, con El Rey vẫn lội tung tăng. Bối loay hoay với cái bình và con cá, mất nhiều thì giờ trong khi việc học và các thứ sinh hoạt khác lúc nào cũng dồn dập.

Một ngày, mẹ bảo, “Mẹ không hiểu tại sao con lại bỏ quá nhiều thì giờ cho con cá như vậy? Con đã biết trước là con rất bận; mình đã không có thì giờ lại kiếm thêm chuyện mà lo! Mẹ đã nói với con ngay từ đầu, nuôi con gì cũng cực hết!”
Bất thình lình, Bối khóc. Cô thổn thức kể lể trong khi mẹ lặng người. “Hè rồi bố mua vé máy bay đi Âu Châu một mình. Mẹ không nói gì với con hết, không ai nói gì với con hết, nhưng con biết there’s something fishy. Khi con nuôi El Rey, con nghĩ con sẽ mất cái gia đình này, con sẽ mất bố hoặc mẹ… Khi không còn ai hết, con sẽ còn nó”. Mẹ ôm Bối, giọng bình thản đều đều, “Chẳng có gì quan trọng đâu Bối. Con thấy đó, bố mua vé máy bay nhưng bố vẫn ở nhà, bố không đi chơi một mình…” Bối vẫn tức tưởi, “It smells fishy!” Mẹ cười, “Ừ, cá thì smells fishy chứ”. “Không, cái chuyện kia kìa!”
Từ đó mẹ không nói gì về việc Bối mất nhiều thì giờ săn sóc con El Rey nữa.

Mùa hè lại đến. Bối sang England học lớp art hai tháng. Ở nhà mẹ thay nước và cho cá ăn đều đặn. Trong tấm hình chụp El Rey mẹ gởi cho Bối, cái đuôi cánh quạt lại dài ra, uyển chuyển đẹp đẽ với nhiều màu lộng lẫy…
Thu đến, đông qua, xuân lại… Trường học và nhiều sinh hoạt khác ngoài giờ học cuốn Bối đi, thời khóa biểu của cô hầu như không có một kẽ hở nào. Tấm bảng gắn trên tủ lạnh chỉ còn chữ của mẹ: “Thay nước cho El Rey ngày… tháng…” Thỉnh thoảng, trong lúc vội vàng uống ly sữa trước khi rời nhà, Bối thả vài viên thức ăn vào cho El Rey, và cúi nhìn con cá, cô từ giã nó – Good-bye, little buddy!

Mấy tháng sau này El Rey ăn ít hẳn lại. Thoạt đầu, khi thả thức ăn vào, phải đập nhè nhẹ vào chỗ El Rey đang nằm, nó mới quẫy mình bơi tới lui và nhẫn nha ăn… Mẹ dành nhiều thì giờ hơn trong việc thả thức ăn vào cho nó. Dần dà, El Rey đớp hụt, như thể không thấy gì nữa. Mẹ thảng thốt, “Bối à, El Rey nó mù rồi, nó già rồi…” Bối tự trấn an mình, “Mẹ không biết là cá nó không chỉ nhìn bằng mắt sao? Nó còn cảm nhận được thức ăn hoặc đồ vật bằng nhiều giác quan khác nhau…” Chẳng bao lâu sau, Bối hỏi, “Có cách gì mình đút cho nó ăn không mẹ?” Xong cô cười khì như tự chế riễu sự ngớ ngẩn của chính mình…
Mấy ngày cuối El Rey hầu như không ăn gì cả. Chiều chủ nhật, khi vào bếp nhìn bình nuôi cá, Bối nói, “A, con El Rey nó nằm ngộ quá!” Mẹ đến sát, nhìn, và lại thảng thốt, “Nó chết rồi con!”
El Rey nằm dưới đáy bình, lặng lẽ, cái màu xanh đỏ rực rỡ đã u tối, cái đuôi không còn tung tăng với nước, nó trở nên bé nhỏ lạ thường. Bối thì thầm, “Giống kiếp người quá phải không mẹ? Như ông ngoại, già, yếu, ông ngoại bỏ ăn hai tuần, và ông ngoại ra đi…”
Bối tìm hai cây gỗ nhỏ (loại dùng để đè lưỡi người ta xuống để nhìn sâu vào họng khi khám bệnh). Cô cột hai thanh gỗ lại thành hình chữ thập, nắn nót viết bằng bút lông màu: RIP—Rest in Peace—El Rey, good friend, good fish, little buddy… Cô hỏi, “Mẹ, mình sẽ chôn El Rey ở đâu?” “Chắc ở chân cây blueberry, đất chỗ đó mềm, dễ xới”. “Con muốn ở gốc cây ngọc lan”…

Mười giờ tối mẹ mới xong việc trong bếp. Bối cầm cái dĩa nhỏ đựng xác cứng đờ của con cá; mẹ cầm đèn, lựa chiếc xẻng nhỏ có đầu nhọn… Chỉ cần sâu hơn nửa gang tay, thả con cá vào lòng đất, hai mẹ con đứng lặng một hồi. Không phải chôn một sinh vật nhỏ nhoi, mà chôn luôn những ngày tháng dài của một truyện cổ tích. Truyện một người đàn bà cầm quả tim của chính mình, mỉm cười trong khi lật qua lật lại, săm soi rồi sơn phết những vết rách, những chỗ nứt nẻ trên trái tim đó, và luôn luôn há miệng cười… Bối cầm tay mẹ, nói nho nhỏ, “Người ta bảo đời sống trung bình của một con betta là từ 3 đến 5 năm. Mình đem nó về từ mùa hè 2012, trước đó không biết nó đã mấy tuổi mẹ hở… Nhưng nó ở với mình đã hơn 3 năm, thế là già rồi đó mẹ… Mới đó, mà đã nhiều năm…”
Giọng Bối nhỏ dần, nghẹn ngào. Cô cảm thấy mình già hơn một chút, trưởng thành hơn một chút. Mẹ cũng nhận ra điều đó qua giọng nói của cô. An toàn với bóng đêm, mẹ để những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên má. Đúng vậy, mới đó mà đã nhiều năm trôi qua…

Trần Thúy Phương

(Bài đã đăng trong Đặc san mùa Thu 2015 - Gia Long Nam Cali.)

 

Đăng ngày 01 tháng 11.2015