Nắng mưa miền đất cũ
Trần Thúy Phương
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...
(Sơn Nam)
Người đàn bà đi chậm lại, ngập ngừng, Chị đặt bàn tay lên hàng song sắt cũ kỹ, loang lỗ nước sơn và rỉ sét. Chiếc đồng hồ trên cao chỉ một con số cho chị biết nó bị hư, không hiểu mới đây hay đã lâu lắm rồi. Lâu lắm rồi... Phút chốc chị quên cái nóng đang hừng hực từ trời xuống, quên nỗi ghét bỏ chị vừa dành cho cái quầm jeans và đôi giày vải vô tội—chiếc quần và đôi giày từng giúp chị thoải mái nhẹ nhàng vào những cuối tuần tất tả đi chợ, vào những chuyến đi chơi xa, bỗng trở nên chật chội, ngột ngạt. Phút chốc chị quên nỗi bực bội vì mùi khói, mùi xăng dầu, vì hàng ngàn tiếng động cơ, tiếng còi xe ầm ĩ sát ngay bên... Những dòng mồ hôi chảy trong lưng áo bỗng lành lạnh...
Chị thấy kia rồi, đứa bé gái tóc cắt bom bê, hai vạt áo dài lếch thếch lúng túng, buổi chiều nhập học đầu tiên vào lớp sáu, mùa thu Mậu Thân. Khi ra về có cơn mưa, đứa bé hoảng hốt luýnh quýnh chạy từ cổng Bà Huyện Thanh Quan qua cổng Phan Thanh Giản tìm người anh để được chở về... Chỗ này đây. Chị thấy kia rồi đứa bé gái. Ngôi trường trong mắt chị cũ kỹ và nhỏ bé, mà sao đứa trẻ thơ kia sợ đi lạc đến thế. Nó, những ngày sau đó, chỉ biết có một lối vào, một chỗ xếp hàng, một cầu thang lên xuống. Nó không dám ngay cả băng qua sân trường.
Thất 11, lớp nhỏ nhất của 5 lớp khối Pháp Văn. Lớp học ở lầu ba; ngay cổng vào Bà Huyện Thanh Quan là cầu thang, leo hết mấy tầng cầu thang, lớp nằm bên tay trái. Đệ thất 10, lớp lớn nhất của 10 lớp khối Anh Văn, mỗi ngày xếp hàng vào lớp đều rầm rập băng ngang lớp con bé. Từ cửa sổ lớp nhìn xuống đường, thấp thoáng các hàng quà rong và mái cong cong của chùa Xá Lợi. Con bé hầu như chưa bao giờ dám đứng sát vào cửa sổ để nhìn ra ngoài. Từ chỗ ngồi, qua những khung cửa sổ mở rộng cả hai bên, nó đã thong thả gởi biết bao mộng ước lên những tàng cây hai bên đường và trong sân trường, gởi bao buồn vui theo những quả sao xoay tít theo những cơn gió lộng.
Buổi nhập học đầu tiên ấy, con bé ngỡ ngàng thán phục nhìn anh Thanh của Trần thị Bích Phượng, leo lên bảng đen, cầm phấn, viết một câu gì đó, và hỏi Bích Phượng có đọc được không. Bích Phượng ngồi ngay trước mặt con bé, với mái tóc óng mượt, da trắng mịn, đeo kính cận. Khi Bích Phượng gật đầu tỏ ý chỗ ngồi đó không trở ngại gì với cặp mắt cận, anh Thanh mới ra về. Những hình ảnh săn sóc lẫn nhau trong một gia đình bao giờ cũng cho con bé một cảm tình đặc biệt... Có lẽ bởi vì lớn lên trong một gia đình tương đối cũng khá đông anh chị em, nhưng nó không được hưởng những cảnh thân thiết đùm bọc như thế, mặc dù nó là út...
Người đàn bà thở dài. Những năm về sau, khi đã trưởng thành, chị và các chị em trong nhà tỏ lộ tình cảm dành cho nhau rõ ràng hơn, chăm sóc lo lắng cho nhau nhiều hơn, nhưng cái tuổi thơ lành lạnh buồn buồn vẫn là một bóng mây đen trong đời chị
Đứa bé của 37 năm về trước, chỉ được ông anh đưa đi đón về vài buổi. Rồi từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, làm sao đếm được bao lần nó đã đi bộ một mình dọc suốt con đường này? Băng qua góc Đoàn thị Điểm, Trương Minh Giảng, Lê Quý Đôn, Công Lý rồi đến Pasteur là quẹo, đi một khúc nữa là tới nhà. Bao nhiêu buổi chiều đứa bé đã đi học về, ngang qua những ngôi biệt thự thơm ngát mùi móng rồng, ngọc lan, sứ trắng... Mười tuổi, nó đã biết buồn rất sớm, những nỗi buồn mơ hồ nhưng nặng trĩu. Bao nhiêu lần nó đã buồn như thế khi đi học về trong bóng chiều tà chập choạng đó? Bao nhiêu lần nó đã thương nhớ những mùi hoa, đã thầm ngưỡng mộ những dáng người đàn bà bới tóc, mặc áo chít eo, đi giày cao của các bữa tiệc trong sân những ngôi biệt thự nó đi qua, ở đó những bàn ghế phủ khăn trắng được bày ra sân và chi chít những bóng đèn giăng sáng trên các cành cây... Đếm làm sao hết những trưa đến trường lưng áo đẫm mồ hôi? Đếm làm sao hết nhửng ly kem ly chè đã nhẩn nha cùng bạn? Làm sao nhớ đủ bao nhiêu lần chiếc dép đứt quai?
Bao nhiêu ngày mưa tháng nắng trôi qua, đứa bé dần lớn lên. Người anh cả lao vào sinh hoạt chính trị, vắng nhà, ít gặp. Họa hoằn một năm đôi ba bận, con bé ngạc nhiên mừng rỡ thấy anh đợi đón về. Năm nó 15 tuổi, người anh lìa bỏ cuộc đời. Cái họ Trần Đình, khuôn mặt oai phong, vóc dáng cao lớn quen thuộc trong nhiều năm của trường Luật, thoắt một cái, nằm xuống, tan vào lòng đất. Tuổi 15, người ta còn quá nhỏ để cảm nhận đầy đủ những mất mát đau đớn của tử biệt sinh ly... Nó chỉ thấy thiếu những ngạc nhiên mừng rỡ khi gặp anh ngồi trên chiếc Bridgestone màu đen bên hông trường... Rồi vẫn lề đường Phan Thanh Giản và hàng cây cho nó chút bóng mát buổi trưa miền nhiệt đới, nó bình thản đi về một mình.
Người đàn bà bỗng nhìn ngược xuôi hai đầu đường, tìm kiếm... Không còn bóng cây nào hết, con đường trơ trụi, xe cộ luồn lách, chen lấn, bóp còi. Đâu rồi những hàng cây từng che chở tuổi thơ, từng là nơi trú ngụ của vạn điều mơ ước? Ngày ấy các lớp học đều mở cửa sổ và thành phố yên tĩnh êm đềm biết mấy.
Con đường Phan Thanh Giản này bắt đầu từ một ngã năm, ngã sáu nào đó, nhưng với chị nó bắt đầu từ góc Bà Huyện Thanh Quan này. Trước khi thi đậu vào đệ thất, chị chưa bao giờ đi tới khúc trên kia. Cổng trường phía Bà Huyện Thanh Quan là nơi lần đầu đứa bé gái năm xưa tập ăn quà vặt trên hè phố. Con đường Phan Thanh Giản này cũng chạy dài ra tới ngoại ô, nhưng với chị nó chấm dứt ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi... Chị thấy rồi, đứa con gái vừa đủ lớn để dám lang thang một mình. Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi là nơi nó từng bỏ các buổi học ở Hội Việt Mỹ để lần mò giữa những ngôi mộ, tìm đọc những câu thơ người sống dành cho kẻ chết, để háo hức trở lại sau trận mưa xem cây ngọc lan nhỏ bé vừa trồng ở ngôi mộ của một thiếu nữ đã nở được nụ hoa nào chưa... Đó cũng là nơi vô cùng tình cờ nó gặp Hồng Phi, người bạn đã học cùng từ lớp sáu... Hồng Phi bỏ buổi học ở Văn Hóa Pháp để cũng vẩn vơ tìm những câu thơ, để đứng ngưỡng mộ những vị tướng trẻ đã chết vì đất nước...
Người đàn bà chớp mắt. Những kỷ niệm, những hình ảnh chợt đến chợt đi không theo một thứ tự nào cả. Chị nhớ rồi, năm lớp bảy phòng học ở tầng trệt dãy Phan Thanh Giản này đây. Con bé tóc đã dài hơn, ngồi sát ngay cửa sổ. Bên ngoài cửa sổ là vườn hoa, cả một khoảng sân rộng mới ra tới hàng rào này. Năm lớp tám tóc nó lại dài hơn một chút; lớp học ở dãy Ngô Thời Nhiệm, lầu hai, bên dưới là giảng đường... Khác với cầu thang phía Bà Huyện Thanh Quan xây bằng gạch lót đá hoa mát lạnh, cầu thang của dãy lầu phía này bằng gỗ, mỗi lần lũ học trò lên xuống, gót giày nện rầm rập dù đã gượng nhẹ.
Năm lớp bảy con bé bắt đầu có bạn, Lê thị Phương Chi. Mỗi chiều hai đứa đi bộ về với nhau. Con bé không đi đường Phan Thanh Giản nữa, nó đi đường Hiền Vương với Phương Chi... Người đàn bà nhớ ngả rẽ Hiền Vương—Trương Minh Giảng thường khá đông xe, nhưng chỉ cần băng xéo xéo qua góc đường đó, hai đứa lại đi tiếp trên con đường Nguyễn Đình Chiểu yên tĩnh. Tới một con đường nhỏ (ngày nay chị đã quên tên), Phương Chi rẽ vào đó để ra Yên Đỗ, còn chị đi tiếp đến Pasteur. Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, những kẻ nắm quyền chiếm hết các ngôi biệt thự vô chủ (và nhiều khi vẫn còn chủ). Họ cho dựng hẳn hai cánh cổng sắt bít kín đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu từ góc Công Lý ra tới gần Trương Minh Giảng, làm thành một khu vực riêng rẽ của họ, dân không đuợc đi vào đoạn đường đó. Lần đầu tiên thấy cánh cổng sắt ấy, chị đã uất nghẹn, bừng bừng phẫn nộ. Bao nhiêu năm chị đã qua lại đoạn đường đó, tuổi thơ chị lớn lên từ mỗi chiều về học ở đó, tà áo dài vụng về quấn bước chân. Đứa bé thơ ngày xưa nhiều lần ngập ngừng cùng bạn vói hái những bông hoa trong sân những ngôi biệt thự trải sỏi trắng, có người lính ngồi gác ở bên cổng. Người lính gác thường ngồi yên điềm tĩnh, lũ nhỏ tụi chị không hề bị la rầy, ngăn cấm... Cùng với nỗi phẫn nộ bừng bừng hôm ấy là vang trong trí nhớ chị lời cô Tố Tâm năm lớp mười. Lớp mười ban C chương trình Việt Văn học về Kiều và Chinh Phụ Ngâm. Một lần đang lơ đãng nghe cô giảng, chị chợt chú ý, bởi mặt cô bừng lên một ánh sáng rạng rỡ, với son màu cam, đôi gò má cũng phơn phớt cùng màu, cô say sưa nói về các cuộc cách mạng của nhân loại... “Cuộc cách mạng nào cũng là một luồng sóng, nếu mình không thể chụp lấy nó, nương theo nó, thì nó sẽ cuốn ta đi. Cách mạng, nghĩ cho cùng, chỉ là đem cái gì bên trên đặt xuống dưới và lấy những gì ở dưới đặt lên trên, chỉ là sự xáo trộn trật tự theo ý những kẻ có quyền bính trong tay”... Mấy năm sau, khi đi ngang con đường bỗng bị bít kín chỉ để dành cho những kẻ có quyền thế, câu giảng của cô giáo năm xưa chợt vang trong trí nhớ, trộn lẫn với giọng nói chát chúa phát ra từ một cái loa công cộng đang rêu rao về “quyền làm chủ của nhân dân”, về sự “quản lý tài sản chung của nhân dân”... Chị đã cảm thấy chán ghét đến nỗi chị tránh không đi ngang khúc đường ấy nữa trong suốt thời gian còn ở quê nhà... Đã 30 năm rồi, không biết cánh cổng đó vẫn còn đứng sững thách thức hay đã đổ xuống?
Người đàn bà chậm rãi đi dọc theo hàng rào, vạn hình ảnh lộn xộn chen nhau trong đầu. Chị thấy kia rồi, con bé năm xưa đã là một thiếu nữ. Năm lớp chín cô chuyển lên học buổi sáng, trở về cái phòng của năm lớp sáu, và cũng trở về những ngày lủi thủi đi học một mình vì Phương Chi được người chị để lại chiếc xe Honda PC khi chị sang Bỉ du học. Mệt mỏi với cái nắng gắt buổi trưa, cô dành tiền ăn quà vào việc đi xích lô. Năm lớp mười, lớp mười một, phong trào xe đạp mini thịnh hành, cô cũng được một chiếc. Những buổi sáng thong thả đạp xe đến trường, tà áo bay trong gió, những vòm lá xanh non còn ủ bóng đèn vàng chưa kịp tắt, mờ mờ trong sương... Những ngày đó lũ nhỏ như cô không lo gì hơn ngoài việc học. Những tà áo trắng cùng ngồi cạnh nhau trên những băng ghế dài, không có trí tưởng tượng nào trong những mái đầu xanh biếc đó có thể tưởng tượng ra muôn vạn lối về sau chia cách họ, đẩy họ xa nhau.
Lớp mười, phòng học sát đường Ngô thời Nhiệm, giáp lưng bệnh thất, nhìn ra hồ bơi. Lớp mười một, lại trở về lầu ba bên Bà Huyện Thanh Quan. Năm đó đang khoảng thời gian chuẩn bị tờ báo Xuân, một hôm thầy Tôn dạy Việt Văn gọi riêng cô ra và hỏi có phải trong một buổi họp ban Báo Chí trước đó, thầy Trần đã hàm ý mỉa mai khối báo chí năm thầy Tôn hướng dẫn lem nhem tiền bạc? Thầy Tôn bảo, một người học trò cũ của thầy đã kể cho thầy rõ hết rồi. Thầy lại tiếp rằng không tiện cho chị ấy ra mặt làm chứng, nên thầy cần nhờ em đứng lên xác nhận câu nói của thầy Trần trong một buổi họp mà thầy đã yêu cầu nhà trường triệu tập vào tuần tới. Tuổi 16, cô không dám nói chữ “không” với người thầy dạy một tuần 6 giờ Việt Văn. Buổi họp diễn ra đúng như ý thầy Tôn mong muốn. Cô ngồi chúi đầu sau lưng một mái tóc dài ở ghế trước. Khi thầy Tôn nhìn cô hất hàm ra dấu lần thứ hai, cô từ từ đứng lên và lắp bắp lập lại câu nói vô tình của thầy Trần. Cô nhớ ánh mắt bà giám học nhìn cô, lạnh leõ, lạ lùng, trách móc như thể vì cô mà có sự xích mích giữa hai thầy. Cô những muốn nói rằng con không biết gì hết những chiến tranh giữa người lớn, con chỉ biết con phải vâng lời vì thầy Tôn đang dạy con một tuần 6 giờ học... Nhưng cô chỉ có thể ngồi im cho đến hết buổi họp. Kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt năm đó cô được điểm hạng nhất môn Việt Văn. Cô biết đó là phần thưởng thấy Tôn cho cô: văn nghị luận không bao giờ là mặt mạnh của cô!
Người đàn bà lắc đầu. Mỗi khi nhớ tới chuyện này, chị lại thấy tâm hồn u ám, như một vết nám đen trên da. Sau này khi chị có con, đứa con gái lớn lên trong một nền giáo dục mà ở đó trẻ em được khuyến khích nói lên những tư tưởng và ý kiến cá biệt mà không hề bị xem là hỗn, là cứng đầu... chị vẫn thường nhớ lại thời niên thiếu của mình, ở đó sự vâng lời hầu như là tuyệt đối và Người đàn bà nhìn vào ô cửa sổ ngay tầm mắt kia. Chị nhớ như mới hôm qua, ở đó, năm cuối cùng, lớp 12. Có một cuốn sách Hồng Phi lựa cho chị từ thư viện của trường, tựa là Une Année Scolaire Pas Comme Les Autres, đại khái chuyện lũ học trò ở Pháp khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ... Chị thích cái tựa đó, và như định mệnh, năm học cuối cùng đó là một năm học không giống bất cứ năm học nào trong đời chị.
Lớp 12, họ cảm thấy mình lớn hẳn ra với 8 giờ Triết mỗi tuần. Ban C mỗi tuần chỉ có một giờ Toán, một giờ Lý Hóa, một giờ Vạn vật. ..Tụi chị nhởn nhơ khi phải bắt đầu óc suy luận trong giờ Tân Toán Học. Thầy Tuấn trả bài kiểm tra gõ cái cóc lên đầu chị ngồi ngay đầu bàn trong khi tay thầy chỉ vào một câu hỏi đuợc chị trả lời bằng câu viết “Thầy ơi con không hiểu”. Một tuần 8 giờ Anh Văn dầu là sinh ngữ phụ, phần lớn các giờ Anh Văn cả lớp sung sướng học hành quơ quào vì cô Nhạn dạy môn này khá bận rộn với chức vụ giám học. Thường cô đưa cho một mớ ngữ vựng, văn phạm, bài tập..., cả lớp hí hoáy ghi ghi chép chép với nhau, chuyện gẫu rì rào... Những hôm không bận ở phòng giám học, cô giở sách ra đọc với giọng đặc sệt tiếng Pháp, làm Hồng Phi thỉnh thoảng hích cùi chỏ vào hông chị.
Lớp 12, năm học không yên với những biến động của chiến tranh. Muốn hay không thì bom đạn, chết chóc, ly tán bỗng thật cận kề. Bạn bè của bố mẹ chị hớt hải chạy vào đến Saigon từ các tỉnh miền trung và cao nguyên, nỗi kinh hoàng còn in đậm trên nét mặt họ và những câu chuyện thương tâm làm chị ngẩn ngơ. Đứa em họ chạy từ Huế vào Đà Nẵng bằng cách đeo toòng teng ở thanh sắt làm cầu thang của một chiếc trực thăng; từ Đà Nẵng nó tả xung hữu đột để chiếm được một chỗ ngồi trên sàn chiếc máy bay dân sự đã chật cứng, tới được Saigon. Nó cúi nhìn hai bàn chân đi hai chiếc dép khác nhau:
“Mấy ngày qua em đã sống như một ai khác...”
Tháng Tư, cái thời khóa biểu vốn nhàn nhã lại có thêm nhiều giờ nghỉ vì vắng giáo sư. Có ai quên những ngày tháng đó không? Phượng bắt đầu đơm nụ, niên học sắp chấm dứt, mộng ước, hoạch định tương lai, mọi thứ đứng sững lại, lửng lơ chờ đợi. Lớp học đang từ phía Ngô Thời Nhiệm dời ra dãy Phan Thanh Giản, sát phòng kế toán. Trước cửa lớp cây mít già cỗi lác đác vài ba quả còi cọc xanh. Giờ rảnh không có thầy dạy tụi chị ra ngoài bậc thềm ngồi dưới bóng mát của cây mít mà không thấy bà giám thị xuất hiện la mắng. Thu Hà cố hái cho được trái mít sống nhăn, dấu dưới bục gỗ. Cô Ánh giám thị tìm chị: “Trưởng lớp mà để vậy đó hả?” Chị không biết trò nghịch ngợm của Thu Hà, mà nếu biết, chắc gì chị đứng ngoài? Nhưng chị ngoan ngoãn nghe cô cằn nhằn, mà cô cũng không khó như thường lệ. Một không khí khác lạ, chớm những tai ương, những chia lìa làm lòng mọi người chùng xuống, thổn thức.
Tuần lễ cuối tháng tư đó, bố chị dặn lũ con tạm ngưng đi học, phải luôn có mặt ở nhà. Mẹ chị phát cho mỗi đứa một cái túi. Trong khi chị Thương, chị Miên xếp vào đó vài bộ áo quần, chị cầm lên bỏ xuống những tờ giấy đẹp đẽ mà chị và Hồng Phi đã gởi cho nhau: những bài thơ, bài nhạc, những thiệp chúc sinh nhật tự tay làm lấy, thiệp chúc Tết bạn viết “cung chúc... năm mới” vì lơ đãng, những tờ báo lần đầu tập tễnh viết văn, những cuốn sách gối đầu... Trời ơi, làm sao đem theo hết được cả gia tài tuổi nhỏ đó? Khi chị Thương cầm cái túi ấy lên, chị trợn mắt: “Sao nặng vậy? Sao toàn giấy vậy? Khùng à?”
Một buổi sáng trong tuần, chị len lén dắt chiếc Honda PC ra khỏi cổng; không có áo dài đồng phục, chị chạy vội tới trường. Cổng chính của trường đóng kín và lối đi phụ bên cạnh được mở ra như thường lệ đang trong giờ học. Chị dắt xe rón rén đi vào, và ở khoảng sân bên trong hàng rào kia, ngay chỗ đó, chị đã đu lên bậc cửa sổ, thì thào gọi bạn đang ngồi bên cửa sổ. Chị biết đó là giờ Anh Văn, và chị hy vọng bà giám học bận không dạy. Hồng Phi đã nhổm dậy, cũng chồm lên bệ cửa sổ: “Trời ơi, không đi học hả... Cô lên phòng giám học rồi”. Cái bệ cửa sổ rộng quá, cái cửa sổ được trổ cao quá, một tay chị cố bám lấy cửa, tay kia chị nắm một ngón tay của bạn: “Phi ơi, bố Mai bảo phải ở nhà đợi... Mai không biết...” Mấy cái đầu nữa trong lớp nhô ra, lao nhao: “ Hoài Hương, Lan Vinh tụi nó cũng nghỉ mấy bữa nay rồi...” “Thôi Phi ơi, Mai phải về.” Bàn tay mỏi nhừ vuột khỏi bệ cửa sổ, ngón tay bạn cũng vuột khỏi bàn tay kia. Chị nhảy xuống khỏi chân tường, loạng choạng, nghẹn ngào, vội vã chạy xe trở về nhà.
Mắt người đàn bà nhòa lệ. Ba mươi năm rồi, chị vẫn nhớ ánh mắt thảng thốt của bạn ngày hôm đó, và cả nhiều lần trong những năm về sau, mỗi khi chị từ giã bạn để lại lao đầu vào một chuyến vượt biên đầy bất trắc. Ba mươi năm đã qua, chị thấy kia rồi, lảng vảng quanh đây hình ảnh bầy thiếu nữ với những ước mơ tàn lụi, với những khổ cực không ngờ.
Những ngày bỏ học ở nhà chờ đợi được chấm dứt bằng buổi trưa ngày cuối tháng tư. Bố chị ôm đầu trong hai tay, ngồi bất động. Người anh thứ trở về từ Thủ Đức, quân phục và thẻ bài trút bỏ ở đống rác cuối đường. Mẹ chị hối lũ con lấy đồ đạc ra khỏi mấy túi xách tay, xếp vào chỗ cũ.
Chị và bạn bè mon men trở về trường, hoang mang lo lắng. Nhưng họ còn quá trẻ để buồn lâu, để lo nhiều. Họ bắt đầu làm quen với nhiều điều dị hợm được xem như là tiêu chuẩn của xã hội mới. Họ lại tiếp tục đùa vui, quen dần những khó khăn khổ sở. Người đàn bà mỉm cười một mình. Chị nhớ việc đầu tiên lúc đó là phải khai lý lịch, tờ lý lịch mở đầu cho vô số những tờ lý lịch tiếp theo trong quãng đời còn ở Việt Nam. Khi gom xếp lý lịch để trình lên trên, chị và Hồng Phi ngồi kiểm lại từng tờ. Nè, Vũ Thị Nga nhà giàu quá mà khai “làm nước mắm” khơi khơi vậy đâu được, sửa lại, sửa “đại lý nước mắm” cho bảnh chớ! Còn Thùy Liên nữa, đâu có để “buôn bán” vô thưởng vô phạt như vầy, tư sản mờ... À, thêm chữ “lớn” vô, “buôn bán lớn”, nghe bảnh lắm... Phần tui, thêm chữ “quèn” vô sau nghề thư ký của má tui là có hơi hám chuyên chính vô sản rồi... Ba chị hả, nợ máu với nhân dân à nhen, ghi “công chức” để đó, có gì tính tiếp... Hai đứa thì thầm khúc khích, chị chị tui tui rất là tương đắc.
Vài năm sau, một lần đạp xe ngang nhà Vũ Thị Nga trên đường Phan Thanh Giản, chị thấy ngôi biệt thự to lớn xinh đẹp của gia đình Nga đã trở thành Nhà Trẻ Măng Non (hay một cái tên gọi tương tự như thế, đầy dẫy trong thành phố lúc bấy giờ). Chị nhớ tới khuôn mặt bầu bĩnh nâu hồng của Nga, nhớ lần ghé vào ngồi ở chiếc xích đu dưới tàn cây mận kia, nhớ Nga giới thiệu với chị hai cô em gái cùng cha khác mẹ đang chơi gần đó... Chị cầu mong bạn được bình an và đến được nơi muốn đến.
Mùa hè năm đó, để chuẩn bị thi vào đại học, mỗi chiều đám học trò trở lại trường để cùng các thầy cô tập làm quen với các bài học chính trị.
Những chiều hè ấy, mỗi chiều đạp xe từ trường về cũng trên con đường Phan thanh Giản này, tim chị vẫn thắt lại vì các mùi hoa từ sân các ngôi biệt thự nồng lên sau cơn mưa. Tim chị thắt lại nhiều hơn khi nhớ những tà áo thướt tha, những gót giày lịch sự, và những giây đèn màu giăng mắc trên những cành cây. Tất cả như một khúc phim cứ quay đi quay lại trong trí chị, lúc vụt gần, lúc dạt xa tít tắp... Và trời ơi, lạ chưa kìa, dường như đó là đời sống của một ai khác mà chị là một khán giả ngồi xem. Những chiều hè năm 75 ấy, những giây đèn màu được thay thế bằng những bộ áo quần vải thô, đen đúa, thản nhiên phất phơ theo gió...
Mùa mưa đến
Bàng hoàng như sự thật
Bất chợt và đau đớn...
Mùa hè năm đó, giữa đám học trò lớp 12, khó nhận ra cô Nguyễn Thị Mỹ dạy Pháp Văn. Cô Mỹ đã dạy tụi chị hai năm liền, mỗi tuần tám giờ học. Cô thường mặc áo dài trắng với những đóa hoa dệt nổi lên mặt lụa láng mềm. Tóc cắt ngắn, xách cặp đen, không trang điểm, cô trẻ măng và tươi mát như bông hoa buổi sáng. Mùa hè đó, tụi chị và cô vẫn còn giữ được hai vạt áo dài tha thướt, cách nhau một bục gỗ nhưng thầy trò gần nhau hơn bao giờ hết. Dẹp vào một bên những La Martine, Alphonse Daudet, cô giúp tụi chị làm quen với những chữ như “cách mạng, vô sản chuyên chính, đế quốc, phong kiến, nhân dân anh hùng”... Thầy trò chăm chỉ cặm cụi dịch qua tiếng Pháp các bài chính trị đem từ miền Bắc vào. Một lần, khi nhắc nhở tụi chị các thể chia động từ trong quá khứ, cô nói: “Các em nhớ tất cả đều đã xảy ra trong quá khứ. Anh Nguyễn văn Trỗi đã chết, nhưng trước khi bị bắn chết anh làm gì?” Chị mau mắn: “Dạ, anh la bãi hãi!” Cả lớp cười ồ. Cô nhìn lên trần nhà, dấu nụ cười, tiếp: “... Anh đã hô to Đảng Cộng Sản Việt Nam muôn năm!”
Đã 30 năm qua, không biết bây giờ cô đang ở đâu? Cô có còn mái tóc ngắn? Cô có còn khuôn mặt tươi sáng không chút phấn son? Cô có qua những ngày vất vả lặn lội với miếng cơm manh áo trong một xã hội mà mọi khuôn thước đạo đức không còn giá trị và nhân phẩm con người bị chà đạp thô bạo? Nếu hôm nay tình cờ gặp cô đâu đó, nếu không nói ra, làm sao em nhận ra được cô Nguyễn thị Mỹ dạy Pháp Văn lớp 12C niên khóa 74- 75?
Người đàn bà nuốt nước miếng một cách khó nhọc. Những tiếng nức nở phải nuốt xuống làm chị nhói buốt ở cuống họng. Bao nhiêu năm rồi, tôi trở về đây, không là biển cả biến thành ruộng dâu, thế mà tôi vẫn chỉ là một kẻ xa lạ, bị lưu lạc ngay trên chính quê hương của mình. Tôi không tìm ra được góc đường mình đã chia tay với bạn. Tôi không tìm ra được chỗ trú ngụ bình yên của thời niên thiếu. Làm sao tìm lại được những buổi tối xách dép lên tay bước đi trên đường nhựa yên ả với mùi dạ lý nồng nàn? Tìm đâu những sáng nắng vàng, tóc và áo thơm tho bay trong gió? Tìm đâu những chiều mưa chạy ùa về ngồi bên bếp ấm? Ngôi trường này không chỉ là nơi chị lớn lên từng ngày, từ đứa bé con trở thành thiếu nữ, mà còn là điểm hẹn của chị và bạn bè những năm sau. Họ trở về cùng ngồi với nhau bên hông trường, uống ly chè, ăn cuốn bò bía, nhắc nhau kỷ niệm.
Chị thấy kia rồi, cô thiếu nữ năm xưa qua khỏi tuổi hai mươi đã lâu lắm rồi. Thập niên 80, Saigon xuống tận cùng sự sa sút. Thành phố chỉ toàn cơm độn và xe đạp nhưng họ còn rất trẻ để tìm ra được nhiều nụ cười và những niềm vui giản dị, như chiều chiều đạp xe tới bạn, bắt chiếc ghế con ngồi trước cổng hóng gió và nói với nhau nghìn mẩu chuyện vụn vặt thoáng qua trong óc. Đời sống ngày ấy tuyệt vọng nhưng không dễ làm họ chảy nước mắt. Vậy mà... Chị nhớ cái lần mình đã khóc như chưa bao giờ được khóc. Tháng tám. Chiều mưa.
Mưa trắng cả hồn tôi tháng tám
Như mưa về chia cắt đời nhau
Em biết đâu duới trời hiu quạnh
Tôi cùng mưa đợi tiễn đưa nhau
Ngày đó chị vừa chia tay với người đàn ông của đời chị sau 6 năm tình lận đận. Những biệt ly xảy ra dồn dập trong thành phố, người người hối hả ra đi, bằng cách này hay cách khác. Tháng tám, chị và bạn thân buổi chiều đạp xe về con đường quen cũ, dừng lại bên hông trường như đã ngừng bao nhiêu lần trong đời họ. Chị và bạn thân mỗi người cầm một ly chè nhẩn nha như đã từng cầm bao nhiêu ly chè ở chỗ đó trong đời họ. Rồi mưa ập xuống. Câu chuyện đang nửa chừng. Mỗi người vội vã mặc áo mưa của mình vào. Hai thân thể nhỏ bé trong hai chiếc áo mưa màu vàng và đỏ lùng thùng, hai chiếc xe đạp kê vào nhau bên cạnh, họ đã ngồi ở hàng rào này đây, ngay chính chỗ này đây. Mưa xối xả một màu trắng xóa, đường phố phút chốc vắng tanh. Chị và bạn thân vẫn ngồi lì dưới mưa chiều đó. Họ nép sát vào nhau, và chị đang khóc, lúc ấy. Nước mắt và nước mưa hòa lẫn vào nhau ràn rụa trên mặt chị. Và bạn thân ngồi đó, bối rối lặng im. Nhiều năm về sau, khi cách nhau nửa vòng quả đất, bạn viết cho chị: “Hạ vẫn nhớ những giọt nước mắt của Mai đã rơi trong buổi chiều mưa bên hông trường Gia Long. Bây giờ nhắc lại chuyện ấy mới thấy mình đã già thêm một chút. Mai không biết hôm ấy Hạ đã thực sự lo sợ; Hạ sợ nhỡ Mai ngã lăn ra bất tỉnh thì Hạ sẽ không biết xoay xở như thế nào... Nhờ ơn Chúa, mọi sự rồi cũng đã qua đi, nhưng còn lại trong lòng Hạ cái cảm giác “ông ấy” là một người đáng ghét...”
Phải, mọi sự rồi cũng qua đi, mộng lành, mộng dữ, ngày vui, tháng buồn... Còn lại trong chúng ta là những vết sẹo, những dấu ấn, những kỷ niệm, những ủi an... Mắt người đàn bà nhòa lệ. Chị chớp nhiều lần nhưng vẫn không thấy rõ được cảnh vật chung quanh; cùng lúc, rõ nét trong ký ức chị chuỗi ngày tươi trẻ. Những xâu chuỗi hình ảnh lũ lượt kéo về, chồng chất lên nhau, rượt đuổi nhau như một xảo thuật điện ảnh. Và, một lần nữa, chị lại thảng thốt mà nhận ra rằng , lạ chưa kìa, những hình ảnh đó như thuộc về một ai khác mà chị chỉ là kẻ đứng xem.
Người đàn bà đã quẹo vào con đường khác. Ở đây vẫn còn những gốc cây thuở xưa. Chị tựa vào một thân cây, ngước tìm một quả sao xoay tròn để gởi theo giấc mơ ngày cũ. Xuyên qua kẽ lá, nắng vẫn vàng như chưa bao giờ có những ngày u tối. Dầu yêu nắng, chị biết chị vẫn thèm một cơn mưa để xóa bớt cái nóng ngày hè này, chị biết mọi người cũng đang chờ một cơn mưa...
Nắng mưa, mưa nắng, miền đất cũ của tôi ơi.
Trần Thúy Phương
(Đã đăng trong Đặc san Gia Long Nam Cali năm 2005)