Đầu ghềnh cuối bãi
Trần Thúy Phương
Chàng đã lớn, đã đi và đã sống
Đã đầu ghềnh, cuối bãi, với chân mây
Đời sống hỡi thăng trầm như khóc được
Mà sao lòng còn tơ sợi thơ ngây…
Nước ngập quá vai, mặt nước sóng sánh, mấp mé bờ môi. Phượng rướn cao cổ, hất cằm lên. Lạy trời, đừng sâu hơn nữa. Tôi không biết bơi biết lội, tôi không biết ngay cả cách thở hay nín thở gì đó dưới nước. Tay Phượng níu cứng vạt áo của người phía trước. Cô không biết người đó là ai, đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Cô chỉ biết sẩy tay ra là cô hoàn toàn mất tích trong khu rừng đước này. Bàn chân trần của cô vấp liên tục vào rễ cây chằng chịt dưới nước. Bàn chân không biết đau, nó quơ quào mãnh liệt để tìm một chỗ đặt xuống, để bàn chân kia tiếp tục lần mò đi tới. Trời tối đen, Phượng không thấy gì hết ngoài mặt nước lăn tăn và vô số những thân cây khẳng khiu nhô lên mờ mờ. Họ đang băng qua một cánh rừng đước. Phượng nhớ tới bếp than nấu cơm của gia đình cô hơn mười một năm nay. Than đước nhỏ miếng, gầy còm nhưng đượm lửa lâu tàn. Cô biết cây đước sống trong vùng nước mặn và là một trong những cây trải đời nó để thuần hóa phù sa như trong những truyện về Cà Mau của Sơn Nam. Rừng đước, nước mặn, cửa biển, phù sa… Từng ấy ý nghĩ lướt qua cho Phượng tia hy vọng. Ừ, chắc sắp tới chỗ lên tàu rồi.
Nước dần dần chỉ còn ngang ngực, ngang bụng, ngang đùi… Rồi chân Phượng không còn vấp rễ cây chằng chịt. Phượng biết mình đang đi trên bùn nhão, rồi tới đất thịt, lá mục, cành nhỏ… Phượng lúp xúp chạy theo người đi trước, tay vẫn không rời vạt áo người đó. Sau lưng Phượng hình như cũng có người trong nhóm. Phượng nghe tiếng thở hồi hộp, không biết của người trước mặt, người sau lưng, hay của chính mình. Thỉnh thoảng những cành gai chung quanh quẹt vào mặt, móc vào tay chân Phượng một cách dữ tợn. Tôi không có thì giờ để đau. Rồi sẽ có lúc tôi ngồi xuống nghỉ ngơi, xoa bóp đôi chân, săn sóc những vết cắt vết trầy, nhưng chưa là bây giờ. Phượng vẫn lúp xúp chạy theo người trước mặt. Tay cô tê cứng và Phượng phải dùng bàn tay kia để gỡ vạt áo người trước mặt ra khỏi nắm tay mình.
Họ ngừng lại giữa rừng chà là. Trời đã bắt đầu sáng. Phượng hoang mang nhìn những khối cây đen chung quanh, trong thứ ánh sáng mờ nhạt của một ngày sắp đến. Phượng đoán có lẽ khoảng 5 giờ sáng. Cô bắt đầu lạnh run với lớp áo quần ướt sũng trên người đang dần khô. Cái quần đen vải thô và chiếc áo bà ba màu xanh đen là bộ đồ sắm sửa để dành cho mỗi lần đi về các tỉnh vùng ven biển. Bộ áo quần đã ướt rồi khô từ đầu hôm, khi người đưa đường dắt cô rời căn nhà tranh, nơi họ dấu cô từ trưa, lúc nhảy ra khỏi chuyến xe đò đường Saigon-Bà Rịa. Cơn mưa tầm tã và bóng tối là hai điều thuận lợi, người đưa đường nói thế. Phượng chỉ có cái nón lá che đỡ nước mưa. Ông ta chở Phượng trên chiếc xe đạp ọp ẹp. Phượng không hiểu mình đã đeo cứng vào cái xe cách nào để không bị rơi, để vượt qua được một số con đường mòn ngoằn ngoèo và vài khúc đường nhựa, rồi được đẩy tọt ngay vào một cái chòi tranh ở đó đã có sẵn vài người đang núp. Sự di chuyển trong bóng tối ở một nơi hoàn toàn xa lạ làm Phượng mất phương hướng và không nhận định được các thứ quanh mình. Cô nghe vài tiếng thì thào hỏi đáp gần ngay bên. Thình lình Phượng hoảng hốt vì một hơi thở phì phò sát người, một vật ướt nóng dụi vào tay cô. Phượng co rúm lại, thụt lui một bước và dẫm lên một cái gì lầy nhầy. Bây giờ Phượng đã ngửi được mùi súc vật, mùi rơm, mùi phân. Phượng hiểu là mình đang ở trong chuồng trâu bò. Không biết con bò hay trâu đây? Nó có sừng cong vút nhọn hoắt? Nó có nổi điên? Có biết cô là người lạ? Phượng không kịp thắc mắc gì thêm. Một bàn tay kéo cô lao ra ngoài trời mưa và họ bắt đầu lội ruộng. Đôi dép nhựa nằm lại luôn dưới ruộng ngay từ bước đầu tiên. Phượng lủi hai chân trần vào lớp bùn, cố bấu víu để giữ thăng bằng nhưng cô vẫn té điên té đảo… Người dẫn đường thì thào cho biết đấy là ruộng muối. Ruộng đắp bằng đất sét để giữ nước mặn nằm trên chờ bốc hơi thành muối… Đất sét, nước… Thảo nào Phượng té ngã từng bước, mà những người kia không ai té ngã nhiều như cô. Có những lúc Phượng bò bằng cả hai tay và hai chân để bắt kịp người đi trước. Chiếc nón lá rơi mất tự lúc nào. Phượng cũng không hiểu sức mạnh nào giúp cô chồm dậy từ mỗi cái té sấp té ngửa để lao theo các người đồng hành. Rồi cô cũng băng qua được khoảng năm bảy cánh đồng muối. Họ đã ngồi nép sát vào các lùm cây dọc theo bờ ruộng một thời gian rất lâu. Phượng hiểu là cô chỉ biết chờ đợi và làm tất cả những gì người dẫn đường bảo làm. Dù trời khuya ẩm lạnh, áo quần cô cũng khô ráo được phần nào. Rồi qua rừng đước, rừng chà là…
* * *
Bây giờ Phượng đứng đây, giữa khu rừng hoang vắng và một đêm dài sắp qua. Ruột gan Phượng nóng như lửa. Kiến thức hẹp hòi cho Phượng ý nghĩ rằng chuyện vượt biển lên tàu phải diễn ra trong bóng đêm. Bây giờ trời đã sắp sáng mà vẫn chưa thấy tàu bè, sông biển đâu cả…
Đây là lần cố gắng vượt biển bỏ nhà ra đi thứ 16 của Phượng. Mười lăm lần trước là những chuyến đi đi về về các tuyến đường Saigon-Nha trang, Saigon-Phan Thiết, Saigon-Phan Rang, Phan Rí… Những chuyến xe đò cũ mèm nhét người không còn một kẽ hở, những ổ gà nảy tung cô lên đầu đập cả vào trần xe, những viên đạn của du kích địa phương bắn vãi lên sườn núi cạnh nhà máy nước suối Vĩnh Hảo khi cô được dấu trên sườn núi đó… Những chuyến mạo hiểm kết thúc bằng lần bị nhốt tù ở Phan Thiết hơn một tháng, bằng những lần trèo đèo vượt suối ra nằm trên bãi biển đợi chờ một chiếc tàu không hề vào bờ, rồi lại vội vã trèo đèo vượt suối trở ra quốc lộ tìm đường trở về Saigon. Những chuyến mạo hiểm kết thúc bằng những đêm cô và vài người bạn gái cùng tuổi lủi thủi chạy bộ dọc theo con đường nhựa chính từ các tỉnh ven biển miền Trung dẫn vào Saigon. Họ tom góp tất cả các chỉ vàng, các tờ giấy bạc phòng thân để được leo lên các xe chở hàng, đi từng chặng, trở về nhà. Các cô gái xinh đẹp yểu điệu, ở đoạn cuối của các chuyến mạo hiểm đó, đã đủ sức đu lên ngồi trên những súc gỗ vắt vẻo lắc lư của chính các người “bộ đội” đi đốn cây về cho cơ quan của họ. Một tấm bạt trùm lên dấu các cô sau khi những nắm tiền được dúi vào tay các người lính miền Bắc. Cô và vài người bạn đã đủ sức để níu vào hông các chiếc xe vận tải cao ngệu, ném người qua các tấm gỗ chắn cao bằng cô, rơi vào xe và nằm chen giữa những sọt cá tôm tanh tưởi. Có những đoạn chủ xe đuổi xuống, các cô chạy dáo dác trong bóng tối, qua các trạm kiểm soát, cầu nguyện rằng chiếc xe chở hàng kia sẽ đợi mình sau khi qua khỏi trạm canh… Tất cả những thứ đó chỉ cho cô thêm một chút gan dạ và kinh nghiệm sống. Rồi khi trở về nhà, khi cánh cổng đóng kín sau lưng, khi chùi chân lên tấm thảm sơ dừa đặt ở bậc cấp trước khi bước vào phòng khách, là lần nữa cô bỏ lại sau lưng những tai ương, những thử thách để trú ẩn dưới sự chở che của gia đình.
Năm nay Phượng đã 28 tuổi nhưng ở cô chưa tìm ra được sự từng trải nào. Khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, Phượng mới 17 tuổi. Cha cô đang giữ một chức vụ khá cao trong hệ thống tòa án thuộc bộ Tư Pháp. Với kinh nghiệm di cư từ Bắc vào, cha mẹ cô vô cùng kinh hoàng nghe lệnh đầu hàng loan trên đài phát thanh ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cũng với kinh nghiệm thế nào là Cộng Sản, cha cô bảo ông phải “thành thực khai báo” tất cả những công việc đã làm, vì ông tin rằng hệ thống theo dõi lẫn nhau, tố cáo lẫn nhau do Cộng Sản xúi bẫy trong dân chúng, xóm làng rất là đáng ngại. “Điều gì rồi nó cũng lần ra, mà lúc đó nó trả thù hành hạ còn ghê gớm hơn… Thôi kệ, học tập một tháng rồi về liệu cách sống… Chả lẽ nó giết hết dân miền Nam?” Cha cô khai đầy đủ từng năm làm việc: từ các cấp quận trưởng, phó tỉnh trưởng các tỉnh miền Trung thời Ngô Đình Diệm, tới các việc của một kỹ sư canh nông khi ông chuyển ngành, đến lúc ông lại mê khoác chiếc áo đen của một quan tòa, tốt nghiệp cử nhân Luật, thi đậu vào ngành Thẩm Phán, đứng đầu tòa Sơ Thẩm một tỉnh miền Nam, rồi Saigon… Sự thành thật đó mang tới cho ông hơn 5 năm ở trong tù cải tạo. Từ làng cô nhi Long Thành ông bị chuyển đi nhiều lần mà nơi cuối là Thái Nguyên miền Bắc. Mẹ con Phượng quanh năm gom góp thức ăn, chế biến thành những món đồ khô để dành được rất lâu. Hễ khi nào cha cô gởi về một lá thư báo tin được phép nhận quà thăm nuôi, mẹ con Phượng đều làm đủ mọi cách để tiếp tế cho ông tối đa, có khi mẹ con Phượng đi đến tận nơi, có khi gởi qua đường bưu điện. Sau mỗi lần như thế cha cô lại bặt tin khá lâu, và sau này Phượng hiểu họ cho gia đình tiếp tế để tù nhân có thêm chút lương thực trước khi tiếp tục đi khai phá những vùng rừng núi hoang vu. Chỉ 5 năm tù cải tạo là một may mắn lớn đối với cha cô. Có những người thẩm phán trẻ mới ra trường đã ở 13, 15 năm trong tù cải tạo. Ngày trở về nhà của ông là một ngày cả gia đình không hề chờ đợi vì đã quá mỏi mòn trong việc trông ngóng. Cha Phượng trở về với tấm thân còm cõi và sự chắt chiu thức ăn dư thừa quá mức tưởng tượng của cô. Ông kể lại cái chết của các người bạn tù, trong đó có một ông là bậc đàn anh trong ngành Tư Pháp và vợ là cô giáo Pháp Văn của Phượng ở trường Gia Long năm lớp bảy… Sáng thức giấc thấy người bên cạnh vĩnh viễn không còn đứng dậy… Bác ấy chết vì đói, vì lạnh, vì già yếu… Cha Phượng, là một thứ “cạo giấy”, đã sống sót một cách hãnh diện giữa những điều kiện vô cùng khắc nghiệt của thiên nhiên và tình người. Cha Phượng vốn rất hiền lành và ít nói. Ông chỉ kể sơ nhưng đủ cho Phượng hình dung những ngày họ đẽo đá từ núi ra, chất lên xe kéo, cặp 2 càng xe vào nách và còng lưng kéo như trâu ngựa… Hay những sáng tinh mơ đi thu thập 2 thùng phân đầy đem tưới vườn rau… Toàn là dốc đồi, rừng sâu, núi thẳm. Những đoàn người ốm đói trở về thời tiền sử với áo quần rách rưới giữa khí hậu lạnh căm của miền thượng du Bắc Việt, cùng những bàn chân trần, những bàn tay rướm máu. Vậy mà họ đốn rừng, xẻ núi… Họ khai phá và thuần hóa những vùng thâm sơn cùng cốc, xây nhà tù cho chính mình. Phượng đã từng bâng khuâng tự hỏi, trong nhiều thế hệ về sau, khi dân chúng dần lập nên làng mạc, sinh cư lập nghiệp ở những vùng đó, lịch sử có khi nào ghi lại rằng chốn ấy xưa kia là núi rừng hoang dã và là mồ chôn không biết bao nhiêu người đàn ông cường tráng—Họ đã tiêu hết phần đời trẻ trung để đền tội, tội yêu tự do và bất đồng chính kiến…
* * *
Bây giờ Phượng đứng đây, trong khu rừng hoang vắng tứ bề là gai. Im lắng tới độ không cả một tiếng chim kêu, tiếng côn trùng rỉ rả… Thế là cô xa nhà sắp tròn 24 tiếng đồng hồ. Sáng hôm qua bà Trương dắt cô rời nhà khoảng 10 giờ sáng. Cha cô đã mở cánh cổng sắt cao vượt tường kín mít, che sân nhà với con đường bên ngoài, ló đầu ra nhìn quanh quất, xong quay lại nhìn cô ra dấu rằng cô có thể đi vì chung quanh hàng xóm không có ai… Phượng kéo sụp cái nón lá che mặt, lách ra khỏi cổng. Đi một bước, Phượng quay lại nhìn cha và bắt gặp giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt đã hết tinh anh dù ông chỉ mới 61 tuổi. “Tuổi già giọt lệ như sương”… Tim Phượng thắt lại, nhưng cô không có thì giờ để chua xót lâu hơn. Cô nhớ người đàn bà dắt cô đi quay nhìn cô, giọng trách móc: “Răng mi không chịu khó dang nắng cho đen thêm một chút? Dặn rồi…” Bỗng cũng giọng nói ấy vang bên tai Phượng: “Phượng, đi đi chớ!” Phượng giật mình. Đoàn người đã di chuyển bỏ xa cô mấy thước. Phượng chạy theo. Gai, sỏi, bùn, lá… đủ thứ lụn vụn dưới bàn chân trần. Trời đã sáng tỏ. Phượng không biết mình có phải băng qua ngần ấy đoạn đường để lại trở về nhà như những lần trước hay không? Cô chỉ biết im lặng bám sát mọi người.
Họ đến một khe suối, con rạch, rồi bờ sông… Những giây leo chằng chịt, những lau sậy um tùm che khuất một cái thuyền nhỏ. Phượng chỉ nhận ra cái thuyền khi mọi người chen chúc leo lên. Chiếc thuyền bề ngang độ 2 mét, bề dài khoảng 7 mét. Mỗi đầu thuyền được chắn ngang từ mũi nhọn trở vào khoảng 1 mét, và mặt sàn của hai phần đầu hai mũi thuyền đó được đóng cao hẳn lên, chỉ cách mép thuyền khoảng hai tấc, là nơi đặt bánh lái, tay lái. Khoang thuyền ở giữa như vậy chỉ còn lại bề dài độ 5 mét, trũng thấp xuống so với hai đầu thuyền. Một máy có động cơ chiếm hết một chỗ lớn của cái diện tích 5 mét dài 2 mét rộng đó. Một tấm phên đan hình chữ nhật chắn vào hai bên hông thuyền, tạo một hình cong bán nguyệt trên đầu làm mái che. Chiếc thuyền y hệt một chiếc thuyền câu trong các tranh vẽ. Loay hoay một lát Phượng mới tìm được một chỗ ngồi ở trong khoang thuyền, ngay bên cạnh cái máy bắt đầu nổ và phun khói sặc sụa.
Chiếc thuyền bắt đầu luồn lách giữa những con rạch đầy cây đan nghiêng ngã trên đầu, dần dần tiến ra sông… Rồi mặt nước ngầu phù sa trải dài, Phượng không còn nhận ra bờ sông ở phía nào nữa… Bên phải? Bên trái? Chỗ nào thì mới được lên ghe lớn hoặc tàu bè đây? Sao cái thuyền bé nhỏ này cứ vùn vụt chạy giữa thanh thiên bạch nhật vậy nè? Tiếng nói, cười, tiếng cãi nhau lẫn với tiếng động cơ ầm ĩ và khói xăng, cộng với sự căng thẳng và thức trắng đêm, khiến Phượng ù tai, chóng mặt. Cô nhắm mắt lại, tay níu chặt cái đà nhỏ giữa thuyền. Người chủ thuyền lớn tiếng: “Nằm xuống, nằm rạp xuống hết đi nghe. Đó, kéo tấm ny lông che hết đi. Sắp qua cửa trạm đó nghe…” Phượng hơi hé mắt để thấy chẳng có chỗ nào để nằm xuống. Cô gục đầu lên hai đầu gối; cô ngồi co quắp trên sàn ghe lấp xấp nước, thứ nước đục đen dầu cặn từ chiếc máy nổ thải ra, có những vòng tròn nhiều màu đẹp đẽ. Không biết đang ở chỗ nào đây? Còn trên sông hay đã ra tới biển? Phượng vẫn nhắm đôi mắt cay xè. Bỗng cô giật nảy người, mở mắt ra hoảng hốt. Tiếng súng nổ dòn tan lạch tạch rát bên tai. Một viên đạn cày vào mũi thuyền rồi văng xuống nước. Người chủ thuyền la lớn: “Cứ chạy đi! Cái thằng đó ngoắc lại kiểm soát đó. Kệ nó! Chạy đi!” Tiếng đọc kinh, tiếng khấn vái thay cho tiếng nói cười cãi nhau. Phượng cũng thì thầm một đoạn kinh cầu Đức Mẹ quen thuộc. Cô cảm thấy thời gian bị đạn bắn rượt như vậy kéo dài vô tận.
Tiếng đạn thưa dần rồi hết hẳn. Phượng lại trở về với cái dấu hỏi. Khi nào thì tới chỗ chuyển qua ghe lớn đây? Càng lúc càng có vẻ như đã ra tới biển. Phượng không có một khái niệm nào hết, và cô cũng không mở miệng hỏi. Ích gì đâu. Kinh nghiệm những lần trước cho Phượng biết không ai nói thật với cô cả, từ chuyện bãi bến, số người đi, tàu ghe thế nào… Trục trặc xảy ra họ sẵn sàng bỏ rơi cô giữa đường và vàng của cha mẹ cô thì cứ mất vào tay họ. Phượng lại nhắm mắt thở nhẹ. Cô không suy nghĩ gì thêm được: một cơn ói mửa kéo đến. Phượng ú ớ chụp được cái tô mẻ gần đó. Nước mắt nước mũi Phượng ràn rụa. Cũng may mình không ăn gì từ hôm qua tới giờ… Nhưng mà, trời ơi, làm sao tôi có thể bóp chặt ruột gan phèo phổi lại để nó đừng có nhào lộn co thắt liên hồi như vầy? Cô ôm chặt bụng, rồi đè mạnh ngực, rồi bóp vào cổ mình… Không, tôi không làm chủ được cái thân xác nhỏ bé này. Cái tô mẻ cũng đã vuột mất khỏi tay. Và Phượng chợt nhận ra là mọi người trên thuyền cũng nôn mửa vung vãi. Những con sóng nhồi Phượng, rút ra từ ruột gan cô cho đến hết những giọt nước vàng nhạt, cho đến khi những cơn co thắt chỉ còn đẩy ra được vài giọt nước miếng. Phượng lã đi giữa mùi mồ hôi, mùi xăng dầu, mùi thức ăn bị nôn ra…
Khi Phượng khá tỉnh táo đủ để nhìn chung quanh, trời đã tối. Chiếc thuyền nhỏ bé vẫn chạy băng băng giữa sóng nước mịt mùng. Đâu đó thỉnh thoảng một đốm sáng bé nhỏ của các ghe chài đánh cá. Phượng hiểu mình sẽ ở trên chiếc thuyền bé xíu này cho đến cuối cuộc hành trình. Phượng bắt đầu nhìn kỹ những người đang cùng cô chia xẻ chuyến phiêu lưu. Tất cả là 18 người. Vợ chồng người chủ thuyền Phượng gọi là O Dượng theo tiếng Huế. Khi hỏi cha cô thì chính ông cũng lần mò một cách vất vả mới định được mối liên hệ họ hàng. Chỉ biết trong một lần ra phố ông gặp vợ chồng ông bà Trương. Cha Phượng mừng rỡ gặp lại bà con tưởng vẫn ở tận Huế. Ôâng bà Trương mừng rỡ gặp lại người bà con tưởng đang mục xương trong tù cải tạo. Họ dắt nhau về nhà Phượng trò chuyện. Khi Phượng bưng nước ra mời thì cha Phượng xoay đề tài quanh cô con út và những chuyến vượt biển lận đận của cô. Vợ chồng ông bà Trương cho cha cô biết từ nhiều năm nay họ đã bỏ Huế vào lập nghiệp ở Bà Rịa. Chính xác hơn họ ở làng Hải Sơn, một làng nhỏ toàn người theo đạo công giáo gốc Huế. Gia đình ông đã tổ chức vượt biển thành công vài lần, con cháu ông đã thoát ra khỏi Việt Nam gần hết. Trước mắt, vợ chồng ông và gia đình cô con gái còn lại sẽ ra đi, và đó là chuyến vượt biển cuối cùng của gia đình ông bà Trương. Cha Phượng tỏ ý muốn gởi Phượng đi theo. Ông bà Trương bằng lòng với điều kiện mẹ Phượng đưa ngay cho họ 4 cây vàng, vì họ cần tiền cho các chi phí, và cũng vì sẽ không còn ai ở lại để nhận vàng từ mẹ Phượng một khi họ đã rời Việt Nam. Bốn cây vàng là cái giá rẻ so với những lần các chị của Phượng phải trả để ra đi, hoặc so với ngay cả các lần bị mất và đi hụt trước của Phượng. Dầu sao, sau 11 năm trời dưới chế độ Cộng Sản, mọi nhà đều kiệt quệ và ở thời điểm đó, 4 cây vàng không dễ kiếm. Hai đàng thỏa thuận nhanh chóng. Bà Trương nói với mẹ Phượng: “Chị muốn đem cái gì theo cho cháu thì đưa tui cầm về dưới đó trước. Ngày đi là nó đi hai tay không đó nghe, chứ không bới xén chi hết á. Bị tụi công an địa phương để ý là lộ chuyện liền… Thôi, chị đưa tui giữ cho nó mấy lon sữa, một hai bộ đồ chi đó đủ rồi. Trên ghe tui cũng trữ thức ăn đầy đủ, lo chi!”
* * *
Cũng như bao lần trước, mẹ Phượng rơm rớm nước mắt đưa cho cô một miếng vàng bà đã đem ra tiệm nhờ thổi chảy rồi vo tròn như ngón tay út. Phượng luồn miếng vàng vào lai áo bà ba, may lại kỹ lưỡng. Mẹ Phượng đưa cho cô một gói nylon gồm những miếng sâm khô cứng màu nâu bóng, bà đã cẩn thận chặt sâm ra từng mẫu nhỏ cỡ hạt đậu phụng. Có gì ngậm đỡ, cũng khỏe được ít lâu—mẹ Phượng dặn dò. Phượng quay đi, tránh những giọt nưóc mắt của mẹ. Đã bao lần mẹ Phượng rù rì, thôi cứ đợi giấy tờ đi máy bay con ạ. Mày đi vượt biển nhỡ gặp cướp nó bắt đi mất thì hết còn gặp mẹ. Và lần nào những câu trao đổi cũng dần đi đến chỗ cáu gắt giữa hai mẹ con. Đợi, con đợi tới bao giờ. Lúc mình nộp đơn xin đi Pháp đoàn tụ là lúc tụi nó cho xuất cảnh đi Âu Châu ồ ạt, vậy mà cũng không tới phiên mình. Hỏi, nó bảo tại ba đi học tập cải tạo lâu năm về nên hồ sơ phải chuyển ra Hà Nội, Năm sáu năm trời hết ra Hà Nội thì lại tới phiên nó quay ra cứu xét hồ sơ xin đi Mỹ. Xin chuyển hồ sơ qua diện đi Mỹ đoàn tụ nó bảo về nộp đơn lại từ đầu chứ ai công đâu chuyển cho mấy người. Nói chạy tiền lo lót thì mẹ bảo tao già rồi, qua bển làm vương làm tướng gì mà tốn tiền cho lũ khỉ rừng này. Mỗi lần nói tới đó là Phượng gần nổi khùng. Cô không thể hiểu tại sao ở cái tuổi khỏe mạnh đẹp đẽ nhất, có thể làm được nhiều việc nhất, cô và bạn bè cùng cảnh ngộ lại bị hầu như là gạt ra ngoài xã hội, cái xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa ngu si, láu cá, bần tiện.
Học sớm một năm, khi chính quyền Saigon sụp đổ Phượng đang học lớp 12. Cô và bạn bè đang chuẩn bị cho mùa hè trước mặt, nào thi tú tài, nào vào đại học… Lớp 12 C Pháp Văn của cô chỉ có 28 đứa vì ban văn chương ngoại ngữ vốn không thực dụng theo cái nhìn của đa số… Bỗng bầy chim tan tác, đứa còn đứa mất… Sau những ngày xáo trộn hỗn loạn, Phượng trở lại trường. Lớp học nhìn ra sân thể thao bị đạn pháo kích sập, mái trần lủng lẳng đong đưa vài mảnh gỗ và những bóng đèn kéo lê thê theo gió thổi vào. Lớp Phượng dời từ dãy nhìn ra đường Phan Thanh Giản qua phía Bà Huyện Thanh Quan, rồi lại trở vào phía hồ bơi. Thầy trò lếch thếch nhìn nhau, cười tủm tỉm với chương trình học bỗng nhiên chỉ toàn các câu tuyên truyền ngây ngô và các câu chuyện vô lý ngớ ngẩn về các “anh hùng cách mạng”.
Ở tuổi 17 Phượng đã đủ bình tĩnh và lì lợm để tạo cho mình một “lý lịch trong sáng”, không có cha là “ngụy quyền” đang ở tù cải tạo khi nộp đơn thi vào đại học. Bốn năm lê la ở trường Đại Học Sư Phạm với Phượng là một trò chơi miễn cưỡng. Cô bĩu môi ngọ ngoạy không yên trong các buổi thảo luận kiểm điểm; cô méo miệng lé mắt trong các buổi học chính trị; cô tỉnh bơ ra vẻ vô tội khi “bí thư chi đoàn” hầm hừ phê bình cô là đồ “tiểu tư sản”. Bao nhiêu những áo dài đẹp của mẹ và chị Nga lớn nhất được chị Thư, chị Xu lấy cắt may làm áo sơ-mi, áo kiểu này kiểu nọ. Phượng không bao giờ muốn khoác cái quần đen và áo bà ba như thể ta là kẻ “giác ngộ cách mạng” hay gì đó đại loại, như vài người bạn của cô đã làm. Cô vẫn là con bé đỏm điệu của tuổi 18, dù mỗi tháng vẫn đợi lãnh 22 đồng rưỡi tiền “học bổng”, dù mỗi tháng cô và bạn bè vẫn chờ chực ở hành lang, ở sân trường để chia nhau nhúm bột mì, khoai lang, nui, sắn, gạo… tùy theo phòng lương thực mua về được món gì. Bạn cô cầm những túi nylon be bé đó tạt ngay vào chợ bán, lời được 5-10 đồng. Phượng luôn luôn hãnh diện đem về đưa tận tay mẹ. Những chiều mưa tầm tã cả nhà xúm xít ăn các món ăn chế biến từ bột mì, nui, sắn… thay cơm.
Đầu niên học năm thứ hai, Ngọc Quý, cô bạn cùng lớp bị đưa ra kiểm điểm trước toàn lớp học và sau đó trường quyết định đuổi học vì phát giác ra cha Ngọc Quý là sĩ quan phi công đang ở tù cải tạo. Phượng lại gần Ngọc Quý, cầm tay cô: “Quý, ở nhà dễ đi vượt biên hơn. Đi học mà cứ nghỉ ít ngày là nó để ý… Phượng không biết mình cứ học ba đồ quỷ này mai mốt dạy gì cho lũ con nít đây…” Quý ngước khuôn mặt thông minh, trả lời: “Nhà Quý không có tiền để đi vượt biên đâu Phượng ơi. Quý còn 4 đứa em nhỏ…” Phượng không biết nói gì nữa. Cuối niên học năm thứ hai đó “bí thư chi bộ” về địa phương của Phượng “sưu tra lý lịch” cô. Phượng còn nhớ buổi chiều tháng Năm oi bức đó, người trưởng lớp bảo Phượng ở lại họp đặc biệt. Một mình cô ngồi nghe lơ là khoảng chục người “chức sắc” của lớp nói năng lẩn thẩn về đạo đức cách mạng. Cô chỉ bắt đầu chú ý khi Đắc nhìn cô gay gắt. Anh ta bảo cô hoàn toàn không có đạo đức cách mạng vì đã dám lừa dối ban lãnh đạo nhà trường. “Chị có biết tội khai man lý lịch là nặng lắm không?” Phượng từ tốn: “Tui đâu có khai man lý lịch. Bố tui viết thư về nói ở trong trại cải tạo ổng toàn làm ruộng làm rẫy tăng gia sản xuất thì tui khai ổng làm rẫy chứ biết nói gì… Đâu có nghề gì… ở trại cải tạo…” Vậy mà không giống như Ngọc Quý, Phượng được ở lại học tiếp cho tới khi tốt nghiệp, vì “nhà nước tiếc công đã đào tạo chị được nửa đoạn đường. Nhà nước ta bao giờ cũng khoan hồng với những kẻ biết cải tà qui chánh. Chị cứ an tâm học tập… Vả lại chị cũng khá sáng dạ. Nhà nước ta biết trọng dụng nhân tài lắm đấy!”
Hai năm sau nữa Phượng ra trường. Mảnh bằng đại học 4 năm cô chưa bao giờ được cầm, vì tất cả sinh viên ra trường phải nhận nhiệm sở và làm việc 3 năm; sau 3 năm đó, nếu “thủ trưởng” chứng nhận là một kẻ đầy đủ đạo đức cách mạng, họ sẽ trở về trường để xin cấp bằng. Phượng được bổ lên vùng Tây Nguyên. Từ ty giáo dục ở một thị trấn nhỏ vắng vẻ, Phượng cầm tờ giấy ghi rõ nơi phải đến: một buôn làng của sắc tộc thiểu số cô chưa hề nghe tới. Người cán bộ ở ty giáo dục tử tế tìm một người dẫn đường cho Phượng. Họ quá giang xe bò, xe đạp thồ hàng hóa… và đi bộ để đến một vùng rất hoang dại nghèo nàn. Nhà sàn, nhà trệt, chòi tranh, chó, heo, gà, vịt, trẻ con bụng ỏng, người lớn ở trần… lẫn lộn. Không có chỗ nào tạm gọi là trường học cả. Phượng năn nỉ người dẫn đường đưa trở lại ty giáo dục. Người cán bộ nghiêm nghị: “Chị không biết khắc phục khó khăn gì hết. Nhân dân sẽ giúp chị dựng lớp làm trường. Chị được đào tạo để dạy cấp 3 thì đã sao? Chị cứ dạy cho các em nhỏ tập đọc, tập viết, cho chúng vào lớp một rồi chúng lên lớp 12 mấy hồi? Chừng ấy chị là giáo viên cấp 3 chứ còn ai vào đây nữa! Tiếng Pháp hả? Cái này sao không thấy ghi trong giấy tờ… Nhưng chẳng sao! Cứ dạy tiếng Việt xong thì tiếng Pháp thông thạo ngay ấy mà!” Phượng không nói một câu, tức tốc tìm đường trở về nhà ngay hôm ấy.
Trong hơn sáu năm trời tiếp theo đó, Phượng cố tìm một chỗ đứng để được làm việc và sống bình thường, nhưng cô hoàn toàn thất bại, khi thì vì cha cô là công chức cao cấp chế độ cũ, “nặng nợ máu với nhân dân”, khi thì vì cô là kẻ “vô kỷ luật, tự ý bỏ nhiệm sở”… Khi bộ ngoại vụ gởi giấy gọi cô hoàn trả lại “kinh phí đào tạo” cho trường đại học, Phượng tạm ngưng việc tìm đường vượt biển một thời gian; nhưng dần dà tia hy vọng ra đi chính thức tắt ngấm, Phượng trở lại với những mưu toan mạo hiểm.
* * *
Và giờ đây trong đêm tối chiếc thuyền nhỏ vẫn chạy, Phượng vẫn ngồi co quắp trên sàn ghe lấp xấp nước. Cô bắt đầu thấy ngứa ngáy ở mông, chân cùng đùi tê cứng. Tiếng nói chuyện, đòi ăn, đòi uống lao xao. Tai cô ù ù nhưng cô cũng phân biệt được các giọng nói và định được liên hệ của các nhóm người. Ông bà Trương tuổi trên 60, rất khoẻ mạnh. Cô con gái của họ tên Sương, chồng là Thuận, cả hai tuổi độ trên 35. Cặp vợ chồng này lại có đứa con gái khoảng 10 tuổi. Gia đình ông bà Trương như vậy gồm 5 người. Ba đứa cháu trai gọi ông Trương bằng chú, hai đứa cháu trai gọi bà Trương là dì và O, tất cả đều khoảng trên 20 tuổi. Một chú bé độ 12 tuổi gọi ông bà Trương là “ôn mệ”. Một gia đình khác gồm ông bố tên Thanh và hai đứa con trai, đứa lớn khoảng 13 tuổi và đứa nhỏ kém vài tuổi. Một gia đình khác nữa cũng gồm ba người, có cô con gái cỡ tuổi Phượng. Ông cha tên Bắc, người con trai tên Nam và cô em gái Nam là Xuân Hòa. Tất cả gồm 18 người, và Phượng là kẻ lẻ loi trên chiếc thuyền này.
Rồi mặt trời lên. Rồi chiều xuống. Phượng không còn nôn mửa; cô cứ nhắm mắt và nghe tất cả các mẫu đối thoại trên ghe. Tim cô khi vui, khi buồn, khi hy vọng, khi lo lắng theo giọng nói ông Trương. Nì, chừ là vượt qua vùng Côn Đảo rồi đó nghe. Qua khỏi chỗ ni rồi là khỏi lo đứa mô bắt lại. Nì, hải phận quốc tế rồi đó nghe. Thấy cái tàu đó không? Bự tổ chảng… Ui cha, còn xa…
Ngày thứ ba chiếc thuyền tiến vào một vùng nhiều tàu lớn qua lại. Những lúc mở mắt ra Phượng có thể thấy quốc kỳ các nước sơn trên mạn tàu hay lá cờ vải bay phất phới. Phượng cố vận dụng trí nhớ để trả lời mọi người đó là cờ nước nào. Cô mơ hồ lẫn lộn giữa cờ Úc và New Zealand, cờ Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển đều có chữ thập cắt ngang… Dầu sao khoảng cách cũng quá xa và cặp mắt cận không cho cô thấy rõ như mong muốn. Các màu xanh, trắng, đỏ hầu như quốc kỳ nào cũng có, và dưới ánh nắng loang loáng trên biển xanh, mắt Phượng hoa lên. Ông Trương bảo, miễn không có cờ đỏ sao vàng và búa liềm là được. “Cứ vẫy đi! Tụi mi quấn cái áo may ô trắng vô cái gậy quơ đi!” Bao nhiêu chuyến tàu lặng lẽ đi qua. Những chiếc tàu khổng lồ như những ngôi nhà cao hàng chục tầng, cứ thấp thoáng rồi từ từ mất dạng. Có hai lần, hai tàu lớn tiến lại gần, người trên tàu dùng ống nhòm quan sát chiếc thuyền của Phượng hàng giờ. Hễ thuyền Phượng tới gần một chút thì hai chiếc tàu đó lại đi ra xa một chút. Chúng giữ một khoảng cách mà chiếc thuyền nhỏ không thể nào thu ngắn được. Sau nhiều giờ như thế, chúng bỏ đi. Ông Trương lạc quan: “Nó vớt thì vớt, không thì độ hai ba ngày nữa mình cũng tới nơi.” Phượng muốn hỏi ông tới nơi nào? Thái Lan? Nam Dương? Mã Lai? Nhưng Phượng vẫn im lặng—có những nỗi mập mờ lại là tia hy vọng…
Món lương thực duy nhất được trữ trên thuyền là món cốm dẹp đựng trong 2 thùng nhựa vốn là loại thùng 20 lít dùng để chứa xăng dầu. Lũ con trai đang sức lớn đã lấy ra ăn từ hôm trước; chúng vừa ăn vừa đỗ vãi không thương tiếc. Nước chỉ dự trữ cũng trong 3 thùng nhựa cùng loại. Ly uống là nắp bình; khi chiết nước ra nắp bình, lượng nước bị đổ mất đi có lẽ gấp ba.
Ngày thứ tư chiếc ghe vẫn nổ máy lạch bạch chạy giữa biển khơi. Tàu bè qua lại đã thấy thưa dần. Phượng không hiểu ai là người hoa tiêu điều khiển chiếc thuyền và hướng dẫn nó theo lộ trình nào. Ngồi cầm lái là một trong năm đứa cháu trai của vợ chồng ông Trương. Nó ngồi trước mũi ghe đó để bớt chật dưới khoang thuyền, cô nghĩ vậy. Chiều ngày thứ tư máy ghe ì ạch hỗn hễn rồi im bặt. Chiếc thuyền lắc lư dập dình giữa bóng chiều tà. Chân trời đỏ rực điểm những cụm mây đen ma quái. Không một cánh chim, không một bóng tàu qua lại. Chung quanh là sóng nước mênh mông. Mấy người đàn ông xúm vào rờ rẫm cái máy. Họ tháo vài con vít, thổi thổi, lắp vào. Họ đập đập chỗ này vài cái, chỗ nọ vài cái, rồi thử giựt dây cho máy nổ… Tất cả những hành động đó diễn ra trước đôi mắt tuyệt vọng của Phượng. Mẹ ơi, họ không biết gì hết, và con cũng không biết gì hết. Chiếc thuyền đứng một chỗ lắc lư nhiều hơn làm Phượng lại bất chợt nôn nao muốn ói. Cô không có gì trong bụng cả, từ 4 ngày nay. Không ai hỏi Phượng có muốn một dúm cốm xanh chăng. Chỉ có vài lần Phượng được phát vài nắp bình nước để dấp môi. Cô ứa ra một tí nước vàng từ đáy bao tử. Mông cô đau nhức với những mụn nhọt chen nhau mọc lên, vì cô đã ngồi trong thứ nước đục đen dầu cặn đã 4 ngày nay. Trời tối khuya, mọi người bất lực thôi rờ rẫm cái máy. Sáng hôm sau ông Trương quyết định tháo máy vất bỏ. Lục đục rất lâu, đám đàn ông cũng tháo ra được và quăng khối sắt vô dụng đó xuống biển. Chiếc thuyền nghiêng hẳn qua một bên khi cả đám người xúm nhau đẩy cho khối sắt kia rơi. Ông Trương la lên: “Đứa mô qua bớt bên tê dằn ghe xuống, lẹ lẹ…” Phượng tái xanh mặt mũi, chụp cứng mép thuyền. Thuyền nghiêng thêm một tí nữa, rồi cũng lấy lại được thăng bằng. Ông Trương moi dưới gầm thuyền ra một cái buồm nhỏ vá víu bằng những bao đựng cát màu xanh đen, dùng để đắp hầm trú ẩn trước năm 75. Phượng áng chừng diện tích mảnh buồm này chỉ cỡ cái giường đôi của mẹ cô. Họ giăng buồm lên, và con thuyền lừ đừ tiến đi trong cái gió uể oải của trưa tháng chín.
Phượng không dám hỏi gió sẽ đưa họ đi đâu. Cô thầm đọc kinh. Những bài kinh cầu quen thuộc cứ lần lượt xuất hiện trên môi trong khi trí óc cô tiếp nhau những khuôn mặt của cha mẹ, chị em, những kỷ niệm thuở thiếu thời…
Rồi bình minh lại đến với Phượng lần thứ sáu trên biển. Tiếng một người la lên rằng bình nước cuối cùng bị thủng lỗ chảy hết từ hồi đêm mà không ai hay. Tiếng nhốn nháo, la mắng, cãi nhau… Món cốm dẹp đã hoàn toàn biến mất; cô nghe mấy đứa con trai than đói.
Gió thổi mạnh hơn, thuyền đi nhanh hơn. Ông Trương vẫn lạc quan bảo rằng nếu gió thổi tốt như vậy thì vài ngày nữa sẽ đến nơi. Phượng vẫn không dám hỏi đến nơi nào. Cô cũng không thể hỏi ông rằng ông có biết họ đang ở đâu nếu chấm trên bản đồ thế giới, giữa màu xanh lơ của biển Đông. Không ích gì cả. Phượng thấy se lạnh trong cái gió có hơi nước. Cô mở mắt ra và bàng hoàng thấy trời mây đen kịt. Mới bình minh đây thôi, không thể là đêm đã xuống, nhưng tại sao nước và mây không còn màu xanh mà là màu mực tàu? Mây và nước quyện lẫn vào nhau. Tiếng hò hét, hạ buồm xuống. Chiếc thuyền bắt đầu vặn vẹo răng rắc. Phượng không nhìn rõ được mặt người ngồi bên—“đêm giữa ban ngày” là như vầy đây sao? Mưa ào ào đổ xuống. Sóng nhồi chiếc thuyền tung lên như trẻ con đùa giỡn quả bóng. Mọi người níu chặt vào thành ghe. Gió rít ầm ầm. Tiếng nước khi róc rách, khi réo gào vang dội. Chiếc thuyền nằm sấp xuống rồi lật trở lại như chơi trò ú tim với 18 con người nhỏ bé. Phượng tê cứng thân xác và đầu óc. Mỗi lần chiếc thuyền bị tung lên cao như tới đỉnh một ngọn núi, rồi lại bị rút xuống vùn vụt như rơi vào lòng một chiếc hang sâu thẳm, ruột gan Phượng lại co thắt đau nhức dữ dội. Cô không biết cơn bão kéo dài bao lâu và bọn họ sống sót bằng cách nào. Chỉ biết khi sóng yên gió lặng, mặt trời từ từ ló ra khỏi đám mây và dần lên chính giữa đỉnh đầu, Phượng biết là đã qua một ngày một đêm phó thác sinh mệnh mình cho Thiên Chúa giữ gìn giữa cơn bão kia.
Lũ con trai lại bắt đầu réo ôn mệ—o dượng—dì dượng để xin ăn. Ông Trương quát chúng lo tát nước ra khỏi thuyền, nhưng 5 thằng con trai cứ than đói không chịu làm. Phượng và Xuân Hòa lết ra đầu mũi thuyền, lượm cái mũ sắt méo mó và một cái đĩa sành, bắt đầu múc nước đổ ra ngoài. Lũ con trai thôi đòi ăn. Chúng đẩy Phượng xích vô: “Chị để tụi tui tát nước cho”. Phượng nhìn bà Trương: “Hôm nọ mẹ con có gởi O mấy lon sữa, không biết còn không, O lấy cho tụi nó ăn đỡ đi.” Bà Trương hầm hừ nhìn lũ con trai, móc trong cái bị lát to mà bà vẫn dựa lưng vào, lấy ra hai lon sữa quăng cho đám cháu. Ông Trương hãnh diện nói với Phượng: “Mi biết không, ghe của tau không đóng bằng gỗ với nhau mô. Cái ni gọi là thuyền nan, tau đan bằng vỏ tre… Đó mi coi, đáy ghe tau đan như đan cái rổ á, rồi trét nhựa cho kín. Nhựa trét đi hổm rày hắn rã ra nên nước rỉ vô, cứ chịu khó tát ra là được, chứ ghe mà đóng bằng đinh ốc với bù lon thì sóng đánh một trận như hôm qua là bể ra từng miếng.
Chiếc thuyền lại lờ lững trôi. Phượng không biết gió thổi họ đi đâu. Trời xanh lại cao vòi vọi và mặt nước bình yên như chưa từng nổi giận. Phượng thấy khát. Hôm qua mưa nhưng kề cái chết không ai nhớ tới chuyện hứng nước, vả lại cũng không biết hứng cách nào. Sóng gió vùi dập dữ dội mà người không văng ra khỏi ghe là một phép lạ rồi. Phượng nhớ tới một cuốn truyện của một nhà thám hiểm người Pháp. Ông ta tự mình đi lạc trên biển và chống chọi với cái khát, cái đói, để chứng minh rằng con người thường chết vì cái sợ đến trước và họ đầu hàng sớm. Ông tự thí nghiệm rằng nếu uống mỗi ngày độ một-hai chén nước biển thì tốt hơn là hoàn toàn nhịn khát không uống gì. Dĩ nhiên nếu uống nước biển liên tiếp trong nhiều ngày thì thận sẽ hư, nhưng nếu vài ngày… để cầm cự, để chờ được cứu, để mong một phép lạ… Phượng chợt nhớ tới những miếng sâm mẹ cho. Cô lần mở cái kim băng cài miệng túi áo bà ba bằng bàn tay tê dại. Xuân Hòa hỏi cô cái gì vậy. Phượng thật thà nói sâm mẹ bới cho mình, may ra giúp Phượng đỡ đói khát tí nào chăng. Xuân Hòa bảo hồi nào tới giờ tui chưa thấy sâm ra sao, chị mở ra tui coi. Phượng mở túi nylon chìa nắm sâm cho Xuân Hòa nhìn. Xuân Hòa lẹ làng bốc một nắm sâm bỏ vào miệng. Phượng ngỡ ngàng, sững sờ. Cô nắm chặt cái gói nylon nhỏ vào lòng bàn tay, quay nhìn ra biển.
Thuyền vẫn trôi hết ngày này qua ngày khác. Nhờ chỗ trống của cái máy hư vất xuống biển, Phượng có thêm chỗ duỗi chân và đôi khi cô nằm được một lát, dù chỉ nằm cong queo, lúng túng khổ sở. Đã mấy lần Phượng dùng chiếc bát mẻ múc lên một chén nước trong veo từ biển. Cô mạnh dạn uống một hơi hết nửa bát để thấy lưỡi tê rần vị mặn. Trời xanh thăm thẳm, nước tràn trề bốn phía, mà con người thì phải chết khát. Mặt biển mênh mông tứ bề giáp với chân trời xanh nhạt. Không một thứ gì khác ngoài chiếc thuyền tí tẹo này với 18 con người trên đó. Có thật là còn có đất liền? Còn có nhà cửa cây cố và hàng triệu triệu con người khác trên cõi đời này? Phượng bắt đầu mất khái niệm về thời gian. Cô không thấy đói, hay cô đói mà không biết đó là sự đói, vì bao trùm lên tất cả là cái khát cháy khô cổ họng. Phượng cứ nhắm mắt, ngồi co quắp trên sàn thuyền. Cô thấy cô đang ở nhà, trên chiếc giường êm ái, trong những ngày xa xưa; mẹ cô đút cho cô từng thìa sữa nóng. Cô lại thấy cô cùng bạn học đứng ăn kem bên hông trường, uống những ly nước đá mát rượi… Cô thấy toàn thức uống, cô không thấy thức ăn.
Những lúc tỉnh táo Phượng thấy ba cha con ông Thanh ngồi đầu mũi thuyền. Ông Thanh và thằng con lớn lải nhải mãi hoài câu “vì con đàn bà khốn nạn mà cha con mình chết giữa biển thế này.” Phượng nhìn những người có thể gọi là đàn bà trên thuyền: O Trương, chị Sương, Xuân Hòa, và Phượng. Thắc mắc mãi, Phượng hỏi Xuân Hòa: “Người đàn bà nào làm gì cha con ổng vậy?” Xuân Hòa khoát tay: “Ối xì, ổng dạy con ổng chửi má nó đó. Bả lo cho cha con ổng đi vượt biển cũng tốn tiền tốn công vậy… Ai mà dè bị như vầy. Đồ thằng cha khùng!” Thốt nhiên ông Bắc cha Xuân Hòa quát lên: “Anh em mày mới là đồ khốn nạn. Tao đâu có muốn đi vượt biển mà anh em mày cứ xúi tao đi, bây giờ chết đói chết khát chết sông chết biển thế này.” Nam cười khẩy, rung đùi: “Phải rồi, bây giờ cậu tham sống sợ chết nên đổ tội tụi tui. Vậy chứ ai dám đi khoe mình là Đại Úy Hải Quân biết lái tàu. Lái con khỉ!” Xuân Hòa cũng to tiếng: “Tụi tui có chết với cậu giữa biển tui cũng vui lòng, miễn là tui giải thoát cho má tui không còn khổ sở với cậu… “ Xuân Hòa quay sang Phượng: “Chị biết không, má tui bao lâu nay bả chỉ muốn đi tu, mà kẹt còn lũ con nên phải cực khổ buôn thúng bán mẹt, làm ruộng làm muối suốt ngày. Tối về bả chỉ muốn niệm Phật, bỏ hết chuyện thế gian… Mà cái ông này này, ổng cứ nhậu cho đã rồi đè má tui ra bắt bả thỏa mãn xác thịt ổng. Anh em tui kéo được ổng đi như vầy có chết tui cũng mát dạ. Ổng là Thượng Sĩ Hải Quân ở trên bờ quanh năm suốt tháng chứ biết sông nước con mẹ gì!” Ông Bắc càng nổi khùng lên, la lối đủ điều, Nam và Xuân Hòa cũng thay phiên nhau đối đáp. Họ nói nhiều điều mà Phượng chưa bao giờ nghe thấy trong gia đình hay từ những người quen. Cô chỉ biết mở to mắt, lạ lẫm. Xuân Hòa trạc tuổi Phượng; cô ta có đôi mắt màu hạt dẻ, to và sâu; sóng mũi của Xuân Hòa rất thanh tú, nhưng cái miệng của cô đã trừ đi hết vẻ đẹp của đôi mắt và cái mũi kia. Hàm răng Xuân Hòa vàng cáu và xiêng xẹo, hàm răng trên chùm hẳn lên hàm răng dưới và nó khiến cho Xuân Hòa hầu như không lúc nào ngậm kín miệng lại được. Miệng và răng của Xuân Hòa là khuôn đúc của cha và anh cô. Giọng nói của ông Bắc là của người miền Bắc đã pha Nam rất nhiều, trong khi anh em Hòa nói rặt giọng Nam. Họ gọi cha là cậu và gọi mẹ là má. Xuân Hòa kể với Phượng , anh em cô luôn bới tìm trong đống giấy báo buôn đi bán lại của mẹ cô và tìm được nhiều sách hay để đọc. Phượng thấy Nam kè kè trong người cuốn sách dạy tiếng Anh gồm các câu đối thoại hằng ngày. Xuân Hòa nói: “Chắc chị ở nhà sướng lắm hả? Giờ sắp chết tiếc không? Tui thì ở nhà cực quá rồi, có chết cũng vậy thôi…”
Ông Trương chợt la lên: “Nì, sắp tới nơi rồi đó. Coi tề, có cục phân trôi tê tề… Rứa là có người rồi chớ biển mênh mông ri phân ở mô ra!” Phượng nhỏm dậy nhìn quanh. Vẫn nước vẫn mây, không hề có dấu hiệu nào cho thấy có một dải đất, một thân cây, hay một chiếc tàu ngang qua. Ông Trương có lẽ cũng nghĩ như Phượng; ông chỉ những mảnh ván trôi bập bềnh gần đó, chặc lưỡi: “Chắc đây cũng là một cái ghe vượt biên bị sóng đánh bể tan… Chắc chết hết rồi hí.” Không ai trả lời.
Đêm lại xuống. Đêm nào Phượng cũng nghe lẫn trong tiếng sóng nước là tiếng khóc nỉ non, là những âm thanh ma quái… Trong cái thân xác ốm yếu tiều tụy là một đầu óc cũng bắt đầu mụ mẫm. Phượng hiểu mình bị ảo giác, nhưng cô cũng thấy mình đã tới kề cõi chết thật gần.
Khi bình minh đến Phượng cũng không muốn mở mắt. Tôi chỉ có một chỗ bé nhỏ này, trôi lênh đênh trên biển cả này. Tôi không có buổi sáng để bắt đầu cho một ngày với bao công việc của một người bình thường.
Bỗng Phượng nghe lũ cháu trai của ông bà Trương lao nhao: “Chụp đi, chụp đi! Nó ở đâu bay tới đây vậy hé? Trời, con cò này bay bao nhiêu lâu chắc không được nghỉ, chừ nó mỏi rồi, đuổi cũng không đi đâu. Chụp được rồi. Lấy mấy que củi nhen lửa lẹ bây!” Phượng mở mắt ra, kêu lên: “Đừng, thả nó đi. Cò mang điềm hên tới đó, đừng giết nó mà xui thêm.” Lũ con trai cười khì: “Thôi chị ơi, đói quá rồi.” Một đứa lẹ làng vặn cổ con cò chết như thể sợ Phượng làm chúng đổi ý. Chúng lôi ra cái bếp đất, vài que củi ẩm ướt làm khói bay lên mù mịt. Chúng lăng xăng nhổ lông, luộc thịt con cò… Phượng lại nhắm mắt. Bên tai cô mơ hồ một giọng nói: “Cò đã đến, tôi xin vui mừng báo tin cùng quí vị đàn cò đã đến…” như bài đọc trong cuốn Mauger năm xưa.
Khi Phượng mở mắt ra lần nữa thì một đứa cháu của bà Trương đang quơ quơ một cái que trước mặt cô. “Nè, chị muốn ăn không?” Phượng nhìn kỹ lại, đó là cái chân cò. Phượng ngần ngừ gật đầu, đưa tay cầm lấy; cô tẩn mẩn bóc lớp da bao quanh ống chân cỡ chiếc đũa dài đó, nhấm nháp. Cô không thấy mùi vị gì hết, như thể một miếng cao su hay vỏ cây gì đấy.
Chiếc thuyền cứ lặng lờ trôi theo gió. Những ngày qua lúc trưa nắng Phưọng và Xuân Hòa đều dùng cái tô mẻ múc nước từ biển dội lên đầu tóc, áo quần. Nước mát ngấm vào da thịt cho cô cảm giác sự sống được kéo dài. Thỉnh thoảng có những bầy cá chuồn bay nhảy tung tăng dọc hai bên mạn thuyền, lũ con trai lăng xăng bàn cách bắt cá nhưng chẳng đi đến đâu. Có khi một đàn cá heo nhào lộn múa may trước thuyền suốt từ sáng đến tối rồi biến mất. Đôi lúc Phượng thấy một tấm lưng vĩ đại và một vòi nước phun lên từ mặt biển của những con cá voi.
Buổi trưa nắng vàng rực rỡ; biển xanh một màu xanh đẹp đẽ mà Phượng chưa hề thấy bàn tay người nào pha ra được. Cô chưa từng gặp một tà áo nào, một món đồ nào có cái màu xanh sâu thẳm bát ngát như thế. Khi cúi gập người qua mạn thuyền, Phượng thấy những con cá đủ màu vàng đỏ đang lội quanh thuyền.
Thuyền trôi chậm nên đàn ông con trai nhảy xuống biển tìm thức ăn. Phượng rủ Xuân Hòa, hai đứa tay níu chặt bên hông thuyền, ngâm người dưới nước. Nước mát rượi ngấm vào từng lỗ chân lông. Phượng cảm thấy buồn ngủ và cô hiểu rằng nếu buông tay ra cô sẽ chìm xuống lòng đại dương một cách dễ dàng êm ái. Phượng nhớ các câu chuyện của Jack London về những người đi lạc trong tuyết, họ buồn ngủ và ngủ luôn—giấc ngủ ngàn thu, như ta vẫn thường nói. Phượng lại nhớ câu cô thỉnh thoảng đùa với người bạn lớn: “Rốt cuộc nỗi buồn lớn nhất đời em bao giờ cũng chỉ là buồn ngủ”. Tôi thèm được nghỉ ngơi. Cô thấy người nhẹ nhàng dễ chịu. “Phượng, Phượng, mi làm chi rứa? Đưa tay đây tau kéo lên. Mi có biết bơi mô mà xuống đó? Lỡ mi có mệnh hệ chi tau trả lời cha mi ra răng?” Phượng choàng tỉnh, cô đưa tay cho bà Trương và thu hết sức để trèo trở vào thuyền.
Đôi khi ông Bắc và Nam tìm được vài mảnh rong hay vài con côn trùng nào đó khi lội quanh thuyền, họ ném cho Xuân Hòa. Một lần ông Bắc tìm được một nhánh rong to, họ chia cho Phượng một lá. Phượng mừng rỡ vì cô nhớ mình vẫn ăn chè nấu với rong biển, nhưng lá rong này sao đắng chát. Phượng nói vớiù Xuân Hòa, Hòa bỉu môi: “Chị không biết chi hết, rong mà đứt rễ ra trôi lơ ngơ ở đây cho mình lượm được là thứ rong già quá rồi, hết xí quách rồi.” Một lần khác Nam ném cho cô một miếng gỗ mục. Phượng bẻ ra và bắt chước anh em Nam hút những con côn trùng li ti đang chạy loanh quanh trong các lỗ bộng của miếng gỗ mục đó, nhưng cô chỉ thấy rát ở lưỡi và đắng ngắt trong họng.
Gia đình ông Trương vẫn còn để dành được ít thức ăn trong cái bị lát mà bà Trương vẫn dựa lưng vào suốt từ lúc lên thuyền; thỉnh thoảng bà ném cho lũ cháu vài viên đường để chúng đỡ khóc rên vì đói. Cha con ông Thanh cuối cùng thấy ông bà Trương không cung cấp thức ăn nữa thì họ lần lượt móc trong người ra từng túi gói ghém 5-7 lần nylon, chia nhau kẹo đường, kẹo chanh. Phượng nhớ các lần đi vượt biên trước, lần nào mẹ cũng bọc cho cô rất nhiều đường vắt chanh phơi khô. Lần nào trở về, đồ ăn cũng hoặc rơi mất dọc đường, hoặc Phượng chán nản vất bỏ lăn lóc. Rốt lại chỉ có Phượng và cha con Xuân Hòa là không dấu diếm thức ăn mang theo.
Một buổi chiều, ông Trương cầm con dao dài để chặt củi đứng ở mạn thuyền theo dõi cái gì đó. Bỗng Phượng thấy ông dùng con dao hất từ dưới nước lên một con rắn màu xanh lục. Con rắn rơi bộp vào giữa thuyền. Ông Trương chụp lấy con rắn và lũ cháu lại lao nhao… Những mẫu thịt rắn được phân phát cho mọi người. Đưa mắt nhìn Phượng, ông hỏi: “Mi chịu ăn rắn sống không?” “Dạ, dượng cho con một miếng.” Phượng bỏ miếng thịt rắn dài cỡ 2 đốt ngón tay vào miệng. Cô nhai chậm rãi; từng giọt máu nóng ngọt từ miếng thịt rắn thấm vào cơ thể Phượng. Cô nhai rất lâu, da rắn, xương rắn… Cô không bỏ phí một tí gì. Chị Sương nhăn nhó cầm miếng thịt rắn trên tay. Chị cạp cạp một tí rồi hỏi Phượng: “Muốn ăn phần rắn của tui không?” Phượng hiểu chị còn đồ ăn trong giỏ lát nên miếng rắn sống này làm chị gớm. Cô gật đầu cám ơn. Hai miếng thịt rắn đó là miếng ăn ngon nhất đời mà Phượng từng được nếm, nó giúp cô kéo dài thêm sự sống và tia hy vọng.
Ngày thứ 17 giữa buổi trưa nắng gắt chợt một đám mây đen bay nhanh đến phủ lên vùng biển. Mưa bắt đầu rơi. Mọi người cuống quít tìm đồ hứng nước mưa. Mưa kèm theo gió làm sóng biển dữ dằn hơn, nhưng Phượng không còn sợ nữa. Cô lượm được một cái đĩa và lết ra bên ngoài. Nước mưa rơi rừ tấm phên làm mái che có màu vàng đục. Khi hứng đủ một hớp Phượng run run đưa lên môi; ngụm nước cay xé và đắng khủng khiếp, nhưng cô cứ hứng và uống hết ngụm này tới ngụm khác. Dần dần nước hứng được đã trong và có vị ngọt. Phượng ngửa mặt lên trời, nước mưa tưới tấm thân gầy còm của cô ướt đẫm. Vẫn bộ bà ba từ ngày rời nhà, hết ướt tới khô, hết khô lại ướt, cọng với dầu mỡ từ máy ghe làm cho lớp vải vốn màu đậm càng thêm đen đủi, nhăn nhúm. Phượng đưa tay vuốt tóc, từng nắm tóc nâu mượt rụng xuống lòng bàn tay cô. Những móng tay của Phượng trắng bệch, mềm xèo như giấy. Mọi người lăng xăng hứng nước được một bình nhỏ sau khi đã uống no nê. Mưa tạnh, đám mây đen tan đi, và nắng chiều lại lên rực rỡ. Phượng thì thầm đọc kinh cảm tạ Chúa đã cứu đoàn người. Cơn mưa bất chợt đó nhất định phải là một phép lạ, đối với Phượng.
Chiếc thuyền vẫn tiếp tục lênh đênh theo gió; vẫn những cãi vả giữa cha con Xuân Hòa, vẫn cái trò ngồi ở mũi thuyền chửi con đàn bà khốn nạn của cha con ông Thanh, vẫn sự lạc quan của vợ chồng ông Trương, và Phượng vẫn đôi mắt nhắm lại, đôi môi không ngớt dâng lời cầu nguyện và trong trí óc cô vẫn lướt qua vô tận hình ảnh những người thân yêu cùng bao kỷ niệm…
* * *
Ba ngày sau, vào lúc bắt đầu tối, họ chợt thấy có ánh sáng từ xa. Cái ánh sáng lúc tỏ lúc mờ theo sóng đẩy đưa con thuyền nhỏ lúc nhô lên hụp xuống, lúc quay qua quay lại. Ông Trương nhận định rằng gió thổi cánh buồm đưa chiếc thuyền đi càng lúc càng xa vùng ánh sáng đó. Họ quyết định hạ buồm xuống, nạy mảnh ván dài lót ở sàn thuyền ra làm cây chèo và bắt đầu chèo về hướng ánh sáng kia. Tất cả đàn ông con trai thay phiên nhau chèo, họ chỉ biết làm hết sức và đó là nổ lực cuối cùng trong tuyệt vọng. Nhiều lúc lũ cháu trai của ông bà Trương quăng cây không chịu chèo, chúng kêu than vì đói, vì yếu. Phượng nhỏm dậy cầm cây chèo, nhưng cây chèo nặng hơn cô tưởng và suýt rơi mất; tay chân cô như thể của một con nộm, cô không điều khiển được chúng. Ông bà Trương hết la mắng lại dỗ dành lũ cháu… Đêm qua ngày lại. Đến trưa họ đã thấy rõ hơn một khối nhà thép màu đen xám, nhìn thấy đó nhưng không biết khi nào mới tới được.
Gió thổi ngược hướng càng lúc càng mạnh. Mây đen kịt với những hình thù quái dị in lên chân trời màu đỏ như máu. Phượng rùng mình kinh hãi; chắc chắn là một cơn bão sẽ đến, như lần trước. Cô không dám nhìn bầu trời nữa. Cô lại nhắm mắt đọc kinh kêu cứu Mẹ Maria. Cô thiếp đi trong sự mỏi mệt, suy sụp.
Bỗng một bàn tay lay cô, giọng bà Trương: “Phượng, dậy nói tiếng Anh đi. Nì, ăn chút mì cho có sức.” Bà nhét vài cọng mì khô vào miệng Phượng, cô lắc đầu nhả ra. Mở mắt ra, Phượng thấy mình đang ở dưới chân toà nhà bằng thép. Nhiều bóng người lăng xăng qua lại chỉ trỏ từ trên cao. Phượng ngẩng đầu lên, kêu to từng chữ rời rạc—Help! Water! Food! Shelter! Cô biết không thể nói nhiều được, gió và sóng bạt tiếng kêu của cô đi, tan loãng.
Những giọt nước mắt tưởng khô kiệt bỗng ứa ra. Phượng vẫn ngẩng đầu lên, ánh mắt cầu khẩn. Rồi một chiếc đu điều khiển bằng điện thòng từ trên tòa nhà đó xuống, một người đàn ông ngồi trong đó. Ông ta cho chiếc đu ngừng ngay trước mặt Phượng. Cô nói ngắn gọn: “Chúng tôi là thuyền nhân Việt Nam, rời bỏ xứ sở 20 ngày trước. Chúng tôi hoàn toàn không có thức ăn và nước uống… Xin giúp đỡ!” Ông ta gãi gãi mũi, chặc lưỡi: “Trước hết bảo người của cô ngồi yên. Quanh đây chúng tôi có nuôi cá mập để bảo vệ giàn khoan dầu này, cho nên…” Ông ta thở hắt ra: “Nhìn xem, cái thuyền của cô… Nó có thể bể tan ra bất cứ lúc nào. Cô đợi tôi.” Người đàn ông bấm nút và cái đu chạy trở ngược lên.
Vài phút sau thức ăn và nước uống được ném xuống rào rào. Nhiều hộp thức ăn rơi ra ngoài thuyền, lũ cháu ông bà Trương nhoài người ra quơ chụp, gây gỗ. Trong thuyền thì mọi người cũng giành giựt, cự nự. Phượng khổ sở nhìn họ; cô nhắc đi nhắc lại nhiều lần lời người đàn ông kia nhưng vô ích. Phượng lượm một chai nước và nhấm nháp. Cô thấy mình khỏe hẳn ra, cô không đói, cô không cần ăn bất cứ món ăn nào đang tung tóe bên cạnh. Đã sống sót sau 20 ngày không thức ăn nước uống, chẳng có lý do gì để giành giựt đồ ăn như thế… Nhưng sao mọi thứ tối đen thế này? Quái thật, tôi cần phải ngủ một tí. Phượng lã đi. Lại tiếng bà Trương: “Phượng, mi nói tiếng Anh đi, răng lại ngủ giờ ni?” Một bàn tay vỗ khẽ vào má Phượng, cô gắng mở mắt ra. Người đàn ông hồi nãy lại trước mặt cô. Ông ta hỏi: “Cô thấy thế nào? Chúng tôi phải nói chuyện với cô trên kia.” Ông ta chỉ tay lên dàn khoan dầu; Phượng gật đầu nhưng cô không cử động được. Người đàn ông bế xốc Phượng, và chiếc đu đưa cô lên dàn khoan dầu.
Khi Phượng mở mắt ra, tòng teng trên đầu cô là chai nước biển mới cạn vài phân; cô nhìn theo ống dẫn và dây nhợ để thấy một kim chích đang găm ở cánh tay phải. Vài người đang đứng gần đó, cô nghe chữ deshydrated. Một người bước đến gần khi thấy Phượng mở mắt nhìn. Ông ta nói: “Tôi là y tá của giàn khoan dầu, chúng tôi thuộc một công ty hỗn hợp Mỹ-Nhật… Chúng tôi không thể để cô ở đây lâu được, nên nếu cô đã thấy khỏe thì người trưởng đoàn cần nói chuyện với cô ngay.” Lần này Phượng có thể kể tỉ mỉ về chuyến đi. Họ trải tấm bản đồ ra trước mặt Phượng, chỉ cho cô: “Nhiều năm nay chúng tôi nghe về người tị nạn Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp thuyền ra đi từ Việt Nam. Cô nhìn đây, thuyền của cô đi lạc khá xa; nếu cứ theo gió đi hướng cũ, cô sẽ vượt qua khỏi đảo Borneo. Nếu không gặp chúng tôi, chả hiểu…”
Phượng được đưa trở về thuyền. Giàn khoan dầu đã liên lạc được với một tàu chở dầu để gởi bọn Phượng về Sarawak—một đảo nhỏ thuộc quần đảo Malaysia. Nhiều tiếng đồng hồ sau, tàu chở dầu đến. Chiếc tàu khổng lồ ngừng khá xa và gởi một chiếc xuồng nhỏ tới đón bọn cô. Sóng do chiếc xuồng nhỏ gây nên cũng đủ làm cho chiếc thuyền của Phượng quay tới quay lui, lắc lư nghiêng ngã. Thủy thủ đoàn nhanh nhẹn quăng dây, cặp bè cao su vào mạn thuyền và giúp mọi người leo qua xuồng của họ. Phượng đứng không vững; cô choáng váng run rẩy. Một bàn tay đã túm cô như túm một con búp bê, chuyền lên xuồng cho một người khác đỡ. Một giọng hỏi Phượng: “Cô muốn kéo cái thuyền của cô theo không?” Phượng gật đầu dù cô không kịp suy nghĩ gì hết. Chiếc xuồng bắt đầu chuyển động, máy nổ ầm ĩ và bọt tung trắng xóa sau đuôi. Khi gần đến chiếc tàu chở dầu, một bàn tay vỗ vai cô và ra dấu cho cô nhìn lui: Chiếc thuyền của cô lật nghiêng, bể ra từng mảnh… Một người trong thủy thủ đoàn nhún vai, cầm dao cắt đứt sợi dây kéo chiếc thuyền của Phượng. Phượng thẩn thờ nhìn chiếc thuyền nan dập dình giữa sóng nước cho đến khi được một bàn tay khác túm lấy, đẩy lên tàu chở dầu. Người y tá của dàn khoan dầu cũng đến khám sơ sức khỏe cho cả 17 người còn lại trước khi chiếc tàu chở dầu tiếp tục hướng về đảo Sarawak.
Quá nửa đêm, khi chiếc tàu bình yên tiến đi trong bóng tối, trời nổi gió và mưa lại rơi ào ạt. Đó là đêm thứ 21 của Phượng trên mặt biển.
* * *
Từ đó Phượng bắt đầu lang thang từ nơi này qua nơi khác. Sau khi được hội Hồng Thập Tự Sarawak săn sóc 10 ngày, Phượng đáp máy bay xuống phi trường Kuala Lumpur vào nửa đêm. Hai giờ sáng đó Phượng bước chân qua cổng trại Sungei Besi. Hai tuần sau cô được đưa về một trại chuyển tiếp ở ven biển, ở đó ba ngày để đợi tàu đưa về đảo Pulau Bidong. Ở Pulau Bidong 3 tháng, Phượng về lại trại chuyển tiếp ven biển để trở vềSungei Besi, Kuala Lumpur. Bảy tuần sau từ Kuala Lumpur Phượng lên đường đi Philippines. Một trại chuyển tiếp ở Manila chứa Phượng hai ngày để cô tiếp tục cuộc hành trình đi đến làng Bataan. Sáu tháng rưỡi sau từ làng Bataan Phượng lại theo những con đường đèo ngoằn ngèo quanh dốc núi trở về Manila, ngủ đêm ở trại chuyển tiếp để hôm sau bay vào đất Mỹ.
Căn cước của Phượng ở các trại tị nạn Malaysia là MB644, ở trại Bataan cô thuộc về cycle 94. Phượng rời quê hương với tấm lòng mới tươi, hăm hở của một kẻ chưa bắt đầu cuộc đua. Cô tình nguyện làm nhiều việc khác nhau khi ở Bidong: Từ phòng phát thuốc cho những người lao phổi tới lớp dạy Pháp Văn cho những người đợi đi Pháp định cư, hay việc dịch những newsletters Anh-Việt, Việt-Anh cho ban báo chí… Cô hài lòng là cuộc sống bận rộn đủ để cô không suy nghĩ gì thêm. Nhưng những buổi chiều sau giờ làm việc, từ một góc vắng của bãi biển hay trên một mỏm đồi cheo leo, khi đôi mắt dõi trông những cánh dơi to lớn dị thường bay chập choạng trong bóng chiều sắp hết, khi sương mờ tím phủ lên cảnh vật, đôi khi có thêm một mảnh trăng mờ và mùi khói đốt lá cây… là những lúc muôn câu thơ xưa cũ luôn trở về trong trí nhớ, và cô thèm trở về mái nhà xưa vô kể, bởi vì cuộc sống ngoài mái gia đình luôn mở ra cho cô bao ngạc nhiên và bất trắc…
Cuộc sống ở trại tị nạn là cuộc sống cộng đồng. Phượng hiểu điều đó và cô tưạ hồ như hòa hợp với đám đông rất giỏi. Thực sự, sau những nụ cười không đắn đo không dè dặt của cô là một nỗi lòng không ai chia xẻ được.
Phượng từng mở to mắt nhìn cha con ông Thanh sau một tháng vẫn còn lôi ra nhiều hộp bánh dấu từ dàn khoan dầu. Phượng từng mở to mắt run rẩy nép vào xó nhà khi gã đàn ông chung một longhouse, trong ngày tổng vệ sinh toàn đảo, diệt chuột, đã bốc một nắm chuột con đỏ hỏn quơ trước mặt Phượng để giỡn chơi—lối giỡn chơi vô ý thức, quái đản. Phượng không thốt nỗi một tiếng kêu vì quá ghê tởm, sợ hãi. Nhìn Phượng run bần bật, xanh xám, Xuân Hòa nhảy đến giằng nắm chuột trong tay gã kia, ném mạnh vào ngực gã và gào lên rủa mắng, xong cô nhìn Phượng thương hại lẫn khinh bỉ. Phượng từng mở to mắt, đưa tay chặn lồng ngực cho tim đỡ đập khi người đàn ông ở căn longhouse đối diện nhậu say, xách dao rượt một kẻ khác, vừa chạy vừa la chửi vang trời. Phượng từng mở to mắt khi thấy các cô gái tị nạn đêm đến thay áo quần diêm dúa và trang điểm phấn son để đi xuống bờ biển ngồi với những người lính Mã Lai. Phượng từng mở to mắt, mồ hôi toát ra vì sợ khi lần đầu tiên kéo một gàu nước giếng, chiếc thùng sắt nặng nề đầy nước kéo tuột cô té sấp trên miệng giếng sạt lỡ, nửa người cô vắt trên miệng giếng đầy bùn và lòng giếng sâu thăm thẳm…
Mắt càng mở to bao nhiêu, nụ cười Phượng càng thu nhỏ lại. Cô âm thầm kéo nước xách nước một mình, chẻ củi nấu nước để ăn một gói mì khô vào những giờ không ai ở trong bếp. Cô giới hạn tối đa những lời đùa giỡn và cô cũng biết nhẫn nhịn im lặng trước các nỗi bất bình. Lòng tự trọng là kim chỉ nam dẫn đường cho cô trong một năm trời lang thang từ chỗ này qua chỗ khác. Cô sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai với tất cả sức lực của cô, nhưng Phượng không bao giờ muốn làm phiền ai, muốn mang ơn ai. Cô sớm hiểu rằng những xô nước để tắm, những ống shampoo gội đầu, ly cà phê mời mọc là bắt đầu cho những phiền toái về sau. “Giữ vững nhân cách là thử thách cam go nhất của một đời người”. Phượng hài lòng là trong mọi trường hợp, cô đã vượt qua được sự thử thách đó một cách tốt đẹp.
Ở Philippines Phượng cũng vẫn giữ cho mình một thời khóa biểu bận rộn. Buổi sáng cô làm phụ giáo cho các thầy cô người Phi ở các lớp hướng dẫn và chuẩn bị cho người tị nạn khi vào đất Mỹ. Buổi chiều cô làm thông dịch viên cho phái đoàn Mỹ phỏng vấn những người mới nhập trại cũng như sắp rời trại.
Những tháng cuối ở Bataan là mùa mưa. Những ngày mưa lê thê, những chiều ngồi ở hàng hiên nhìn khói trắng uốn éo xa xa trong lớp sương mù, những đêm tạnh ráo ngước tìm một vì sao nhỏ… là những lúc bao câu thơ về mùa mưa cũ lại đến trong trí nhớ—những câu thơ đã ướp đẫm tâm hồn Phượng… Và bao giờ cũng thế, Phượng ao ước được trở về căn nhà cũ, nơi cô đã lớn lên, đã mơ mộng, đã có bao kỷ niệm tuổi thanh xuân. Nhưng Phượng cũng hiểu rằng cô phải chọn lựa, và cái gì đã qua, là qua. Rốt cuộc ta chỉ có thể giải quyết mọi sự bằng cách bỏ lại sau lưng. Phượng bỏ lại sau lưng những năm tháng thơ ngây tươi mới, bỏ lại sau lưng cha mẹ già, giàn hoa trắng thơm ngát đêm mưa, con chó nhỏ… Bỏ lại sau lưng những vui, buồn, hờn, giận. Bỏ lại những ấm êm sung sướng, những khổ cực hoang mang, những giọt nước mắt chảy ngược vào tim mà không hề ứa ra khóe mắt…
Phượng đặt chân xuống phi trường Los Angeles một buổi sáng có cơn mưa vừa tạnh. Mây sẫm màu chì, những vũng nước đọng trên lối đi… Khói và sương mù của thành phố cọng với sự mỏi mệt trái giờ làm mắt cô cay xé. Los Angeles là đây. “Vị đáo sanh bình hận bất tiêu”, mà “đắc đáo” thì “hoàn lai vô biệt sự”… Phượng nén một tiếng thở dài, và cũng như bao lần, Phượng mím môi đi tới. Cô tự nhắc nhủ mình, cái “biệt sự” đó chính là sự tự do mà cô cũng như hàng triệu người khác đã đem sinh mạng mình ra để đổi—và xứ của tự do là đây.
Phượng rời bỏ Saigon, bỏ gia đình ra đi ngày 27 tháng 9 năm 1986.
Ngày cô đặt chân xuống Los Angeles là ngày 23 tháng 10 năm 1987.
TRẦN THÚY PHƯƠNG
(Đã đăng trong Đặc san Mayflowers-Y Khoa 1972)