banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Vẫn còn một bức tường... 

Nguyễn thị Cỏ May

Nếu không kêu gọi lòng ái quốc của nhơn dân và Giáo hội Cơ đốc, không đồng minh với Anh và Mỹ, thì chắc chắn Liên Xô đã cáo chung. Thế chiến kết thức không có mặt Liên Xô thì Đông Âu đã không bị cộng sản hóa và dân chúng đã không bị thảm nạn Xịt-ta-lin khủng bố và đán áp hằng loạt.
Ngày 30 tháng 12 năm 1922, Liên Xô sanh ra để ngày 9 tháng 11 năm 1989 tư đào mồ chôn mình trên ngay quê hương. Trong nỗi vui mừng của Cộng Hòa Dân chủ Đức, của khối cộng sản Đông Âu và của cả thế giới. Tưởng chừng như hơn 70 năm cộng sản chưa hề có! Một cái chết thật đẹp! Thật nên thơ!
Ba thập niên sau, sự hứa hẹn một đời sống phồn vinh như các nước Tây phương đã biến thành thất vọng ở những nước cộng sản cũ. «Hồ hởi» và vui mừng sau khi Bức Tường Bá linh sụp đổ nay chỉ còn là nhũng kỷ niệm đẹp để nhắc lại.  
Một bộ phận quan trọng người dân Đông Đức bi quan cho rằng Đông Đức của họ đã bị Tây Đức thôn tính, đúng hơn là được giải phóng khỏi chế độ cộng sản, tuy nhiên không có ai tỏ ra tiếc rẻ cái chế độ đáng nguyền rủa của thời trước đây.
Có những thay đổi tích cực được ghi nhận. Như những cải tiến dân chủ nhanh chóng thực hiện, nhiều quyền lợi mới dành cho người dân mà trước kia không hề  nghe nói… Nhưng cũng có nhiều thứ quyền lợi nay không còn… Cái thế giới anh em bình đẳng như đã được hứa hẹn thì nay, thực tế, chỉ thấy đại bộ phận dân chúng thất nghiệp, đi làm có mức lương thấp hơn so với người cùng nghề ở phía Tây Đức.
Sự thay đổi, sau cùng, đem lại sự hụt hẫng, sự cay đẳng, sự tức giận trong dân chúng. Trước đây không có ai có thể nghĩ đến hiện tượng nghiêm trọng này. Đâu có ai nghĩ Bức Tường sụp đổ còn để lại những rào cản nho nhỏ rải rác khắp nơi trên đất nước đã thống nhứt về một nhà, một dân tộc ?
 
Sự thay đổi nào cũng có cái giá của nó
Kết quả những cuộc thăm dò dư luận cho thấy một tỷ lệ quan trọng dân Đông Đức, 67%, luôn luôn tự cho mình chỉ là thứ công dân hạng hai mặc dầu họ biết rằng từ giữa năm 1990 và 2013, Đông Đức đã chuyển qua Tây Đức 1600 tỷ euros cho những chương trình tư nhơn hóa cấp bách nền kinh tế Đông Đức.
Người ta thường nhắc về những hậu quả của giai đọan đau buồn này với những người dân Đông Đức. Trái lại, rất ít nói tới những kẻ hưởng lợi lớn nhờ những thay đổi từ sau khi Bức Tường sụp đổ. Họ cũng là dân Đức, nhưng thuộc phía Tây Đức.
Tài sản của Đông Đức được chuyển nhượng, sang, bán lại cho Tây Đức để cùng phát triển đất nước theo nền kinh tế thị trường tự do. Chương trình này do Treuhand, một Cơ quan chuyên môn trách nhiệm. Mọi hoạt động được báo cáo rât rõ ràng.
Năm 1990, Treuhand được giao tư nhơn hóa 8000 xí nghiệp, 1,72 tỷ mẩu đất nông nghiệp, 1,96 tỷ mẩu rừng và 25 tỷ m2 nhà và đất. Ngoài ra, còng iao cho phía Tây Đức 40000 cửa hàng, rạp chiếu bóng, khách sạn và nhà thuôc tây. Cuối năm 1994, khi chương trình chuyển nhượng này chấm dứt, dân Đông Đức thấy buồn lòng mà không giữ được tiếng thở than «Tây Đức đã mua sạch Đông Đức rồi!».
Người ta không thấy suốt 30 năm qua, những xí nghiệp này làm ăn ra sao, đất đai ruộng vườn này sanh lợi như thế nào? Nhưng nay bán đi thì ai cũng thấy bị mất mát và đau lòng.
Tài sản xứ sở đem bán sạch. Đúng quá. 80% xí nghiệp Đông Đức do Treuhand quản lý bán lại cho người dân Tây Đức, 15% bán cho ngoại quốc và chỉ có 5% bán lại cho công nhơn của xí nghiệp.
Trong những người hưởng lợi trong dịp ngàn năm một thuở này, có Công ty Bảo hiểm Allianz là hưởng lợi nhiều hơn hết nhờ sự thông minh của ông Tổng Giám độc Chủ tịch của Công ty. Chỉ 6 ngày sau khi Bức Tường sụp đổ, ông cho triệu tập Hội đồng Quản trị để bàn bằng mọi cách phải mua cho được Công ty Bảo hiểm quốc doanh quản lý tất cả hợp đồng bào hiểm của người dân Đông Đức. Việc Allianz mua lại không gặp khó khăn vì ông Phó Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Đông Đức đang cần một đối tác vững mạnh để dựa vào đó mà tồn tại. Lúc này Cơ quan Treuhand chưa ra đời, nhưng việc mua bán giữa hai bên kết thúc rất đơn giản. Thế là Allianz mua lại được 30 triệu hợp đồng với giá 271 đức mã Đông Đức (giá thấp hơn tiền Tây đức lúc đó) và trở thành công ty lãnh đạo duy nhứt về ngành bảo hiểm ở Đông Đức. Dĩ nhiên bị nhiều công ty khác phản đối nhưng rồi đâu cũng vào đó.
Sau cùng Ngân hàng Nhà nước Đông Đức bán rẻ lại cho Ngân hàng Tây Đức để trở thành ngân hàng tư.
Hai mươi năm sau, Phó Chủ tịch BangThuringe, xu hướng bảo thủ theo Helmuk Kohl, gay gắt tuyên bố «rõ ràng một xí nghiệp Đông Đức hy sanh cho sự sống còn của một xí nghiệp Tây Đức. Nhơn đó tôi mói thấy bộ mặt lạnh lùng và ghê gớm của chủ nghĩa tư bản». Nhưng đừng quên khi sửa soạn thống nhứt hai nước Đức, ông Helmuk Kohl quả quyết với nhơn dân Đông Đức sự thống nhứt sẽ biến Đông Đức cũ trở thành rực rỡ không thua kém bất kỳ ai.
 
Chênh lệch Đông-Tây vẫn còn
Nước Đức là một. Những ông chủ Tây Đức tỏ ra ưu ái với vùng lãnh thổ phía Đông vì ở đây mức lương công nhơn thấp hơn bên phía Tây. Năm 2018,sự chênh lệch lương bổng còn khá cao. Cùng một việc làm, ở phía Đông, tiền lương là 2600€ so với 3339€ ở phía Tây. Cho nên hai hãng xe nổi tiếng của Đức BMW và Porsche đưa qua Đông Đức một phân xưởng để hưởng mức lương công nhơn thấp.
Các thị xã Đông Đức chỉ thâu được thuế bằng 61% của mức thuế của thị xã Tây Đức thâu được.
Nhưng trước khi Bức Tường sụp đổ, người dân Đông Bá-linh không phải không bằng lòng đời sống của họ. Một thợ lau chùi nhà cửa lãnh lương 964 đức mã/1tháng. Là mức lương tương đối cao. Mức lương trung bình là 600 đức mã.
Anh làm việc ngày 8 giờ. Anh bắt đầu 7 giờ sáng tới sở, cùng bạn bè ăn sáng. Tới 9 giờ 30, anh với các bạn mới thât sự bắt đầu làm việc. Giờ ăn trưa tới, mọi người nghỉ ăn trưa. Xong bữa ăn trưa, ngày làm việc cũng sắp hết. Thế là chuẩn bị ra về.
Làm công việc lau chùi nhà cửa, phòng ốc, cửa kiếng, anh phải học ba năm. Đúng vậy. Chế độ xã hội chủ nghĩa kỹ lưỡng, trọng sự hiểu biết về lao động lắm. Người chùi rửa thảm bắt buộc phải biết từng loại chỉ dệt thảm, biết màu sắc và phải có trình độ hóa học tương đối. Cả dụng cụ làm việc như chổi, giẻ lau, máy hút bụi, máy chà bóng, cũng phải biết đặc tính và công dụng của mỗi thứ.
Sau 3 năm học, phải qua kỳ thi để trở thành «Kỹ sư Lau chùi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Đức».
Nếu có ai bảo ở đây buồn chết, anh sẽ phản đối kịch liệt. Anh quả quyết nếu có ai chạy tới xô bức tường ngả xuống, anh cũng không thèm bước chơn qua bên kia nữa. Ở đây, hạnh phúc lắm rồi. Anh là kỹ sư lau chùi, anh chắc chắn có miếng steak của anh, được bảo đảm theo tièu chuẩn của anh. Đó là chế độ mà! Trước đây, lúc còn đi học, anh có dịp qua Hòa-lan nhưng anh không hề có ý nghĩ ở lại đó tuy anh muốn ở lại cũng không phải là khó.
Ở đây, tức ở Đông Bá-linh, người ta muốn thứ gì cũng có. Cả xi-gà cuba, 15 đức mã/1 hộp 3 điếu. TV đen trắng của Tiệp giá 1200 đức mã. Còn đi nhảy nhót, thì không ở đâu bằng ở đây vì ở đây có vô số những club, những bar mở cửa không bao giờ đóng.
 
Ngày nay, sau 30 năm nước Đức thống nhứt, vẫn còn một bộ phận khá quan trọng người dân của Đông Đức cũ bất mãn đời sống hiện tại, vẫn hoài vọng về Đông Đức trước khi Bức Tường sụp đổ.  
Thực hiện chương trình thống nhứt, Tây Đức đã chi 2000 tỷ € để nâng kinh tế Đông Đức đưa vào hội nhập nền kinh tế thị trường tự do, giải quyết nạn thất nghiệp, cải thiện và «nâng cấp» đời sống xã hội. Nhưng thất nghiệp bên Đông Đức vẫn cao, mức lương vẫn thấp do khả năng làm việc kém, «tay nghề» non nớt, khó hội nhập. Lớp tuổi 40, lúc thống nhứt, đã khônlàm việc theo kịp nhịp độ của Tây Đức. Tu nghiệp không nổi. Lớp tuổi 50 còn buồn chán hơn nữa vì cảm thấy bị loại ra ngoài lề xã hội.
Họ tiếc cho Đông Đức cũ vì với Đông Đức, họ an tâm theo chế độ «bao cấp». Họ xếp hàng cả buổi nhưng họ có được món hàng theo tiêu chuẩn của họ. Ghi tên mua chiếc xe Trabant, sau khi hội đủ hồ sơ, có khi họ chờ đợi 10 năm và giá bằng 2 năm lương, nhưng nếu họ có điều kiện mua, họ chắc chắn mua được. Ngày nay, khỏi xếp hàng, khỏi chờ đợi dài hơi, mọi thứ có sẵn trước mắt, nhưng không phải muốn là có được.
Sau 30 năm thống nhứt, Bức Tường Bá-linh đã hoàn toàn sụp đổ nhưng trong lòng một lớp ngưới dân Đức vẫn còn một bức tường nhỏ ngăn cách giữa cùng người Đức với nhau.

Nhưng bức tường đó như thế nào?
Tưởng nên trở lại năm 90, lúc Bức Tường chia đôi Bá-linh, chia đôi nước Đức và chia đôi thế giới sụp đổ, giai đoạn Trung Âu vừa thoát ra khỏi cộng sản, chuyển biến qua dân chủ tự do theo Tây Âu. Ngay lúc này, nhiều dấu hiệu phản kháng xuất hiện đây đó, không phải toàn khắp. Sự chống đối rõ hơn khi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trên đà mất hẳn nhường bước cho nền kinh tế thị trường tự do.
Trong giới trí thức bảo thủ, nhiều người lo ngại cho xã hội tự do vì nó sẽ biến toàn bộ xã hội cũ thành một thứ tập hợp những gia đình hạt nhân, mất đi mối liên hệ thân ái tập thể sẽ dẩn đến mất đi sự đoàn kết dân tộc.  
Người dân Đông Đức đã một lần lo sợ mất mát lớn lúc xe tăng liên-xô càn quét và đè bẹp họ dưới chế độ cộng sản toàn trị. Nay bánh xe cao su mềm mại của Tây Âu cũng sẽ đè bẹp họ thêm một lần nữa, biến họ thành những mảnh vụn rời rạc!

Nhìn lại Việt Nam
Nếu ngày mai này, nếu cộng sản Hà nội bỗng nhiên sụp đổ qua một cơn gió thoảng, thì Việt Nam có bị ngăn cách giữa người Việt Nam với nhau bằng một bức tường nào đó hay không ?
Chắc phải có. Hiện giờ, ở Việt Nam đã có một bức tường sừng sững Bắc/Nam ngăn cách người của hai miền. Về nhiều mặt. Ít nhứt là người Bắc ở miền Bắc có học, có lý luận (theo Nguyễn Phú Trọng nói trước đại hội đảng cs XII), có trình độ văn minh xã hội chủ nghĩa cao, khôn ngoan biết cách làm kinh tế chớp nhoáng theo  quy trình xhcn giàu lớn và mau… Người Miền Nam không học được theo cnxh, chỉ có một số ít biết chạy theo ủng hộ anh chị Cả miền Bắc làm giải phóng miền Nam, để mong trở thành người có học, có lý luận xhcn, nhưng sau cùng, vì không tiến theo kịp, cũng trở thành thứ CCCĐ (cầm c…cho chó đái)!  
Có thêm một bức tường nữa, tuy nhỏ hơn, nhưng cũng kiên cố, đang ngăn cách giữa người Việt Nam Hải ngoại với người Việt Nam ở trong nước về mặt văn hóa và những giá trị truyền thống dân tộc.
Khi ấy, tay bắt mặt mừng đoàn tụ nhưng sau đó, phải cần bao nhiêu năm tháng để san bằng? Để người Việt Nam thật sự một Nhà sum họp?
22-11-2019  
Nguyễn thị Cỏ May


 

Nỗi ô nhục dành cho Cộng Sản

Huy Phương

Tường cao, dây thép gai và chòi canh của bức tường Berlin hơn 30 năm trước giờ đây là di tích lịch sử.
(Hình: Getty Images)

 

(Nhân kỷ niệm 30 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ)

Trong khi 39 người dân Việt chết trong thùng container đông lạnh ở Anh, 9 người theo phi cơ của Quốc Hội trốn ở lại Nam Hàn, hằng trăm người đóng thuyền chạy trốn sang Úc, thì câu nói “nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?” của Tổng Bí Thư đảng CSVN, chẳng qua là một câu nói của kẻ “ngáo đá” đang hung hăng đứng trên cột điện cao thế Hà Nội mà la lối. Và câu chuyện đảng và nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đến vái lạy tượng Lê Nin ở Hà Nội, nhân kỷ niệm “Cách Mạng Tháng 10 Nga” mới đây, trong khi ngay tại các xứ sở Cộng Sản, tượng Lê Nin đã bị đập bỏ, kéo lê trên đường phố, là hành động của những kẻ hoang tưởng, mộng du.

Cũng nhân ngày 9 Tháng Mười Một năm nay, kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin bị giật sập, chúng ta nhớ lại một câu nói vĩ đại của Tổng Thống Mỹ Ronald W. Reagan: “Tôi có một câu hỏi cho các nhà lãnh đạo ở các nước chủ nghĩa cộng sản: nếu chủ nghĩa cộng sản có tương lai, tại sao mấy ông cần phải xây dựng những bức tường để giữ mọi người lại và dùng quân đội, cảnh sát chìm để bắt mọi người im lặng?”  Và Milton Friedman, giải Nobel Khoa học Kinh Tế 1976: “Hãy nhìn bao nhiêu người từ xứ cộng sản bất chấp cái chết để vượt biên qua xứ tư bản, nhiêu đó cũng cho chúng ta nhân loại đã bình chọn ra sao!”

Bức tường Berlin, từng được Chính Phủ Đông Đức (Cộng Hòa Dân Chủ Đức) gọi là “Tường thành bảo vệ chống phát xít” (tiếng Đức: Antifaschistischer Schutzwall) nhưng không thấy Tây Phương tấn công vào Đông Đức và cũng không ai trèo qua tường để vào vùng Cộng Sản kiểm soát tìm tự do. Cho đến ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, 12 Tháng Mười Một năm 1989, trong lịch sử vượt thoát đã có 171 người thiệt mạng khi cố vượt qua bức tường, nhưng cũng đã có hơn 5,000 người Đông Đức (trong đó có cả 600 lính biên phòng Đông Đức,) đã vượt qua được bức tường bằng cách nhảy từ cửa sổ tòa nhà gần bức tường, trèo qua dây thép gai, bay bằng khinh khí cầu, bò qua cống và lái xe băng qua những phần bỏ ngỏ của bức tường.

Sau khi Thế Chiến Thứ II kết thúc vào năm 1945, nước Đức chia đôi. Đông Đức thuộc về Liên Xô dưới chế độ Cộng Sản (Cộng Hòa Dân Chủ Đức,) Tây Đức thuộc về các nước Mỹ, Anh và Pháp (Cộng Hòa Liên Bang Đức). Thành phố Bá Linh nằm trong vùng do Liên Xô kiểm soát cũng bị cắt đôi: Đông và Tây Bá Linh. Liên Xô tìm cách phong toả Tây Bá Linh trong một thời gian dài nhưng không thành công.

Năm 1949, khi Liên Xô quyết định ngưng phong tỏa Tây Bá Linh, gần ba triệu người đã chạy trốn khỏi Đông Đức, trong số đó có nhiều trí thức có chuyên môn như bác sĩ, giáo sư, kỹ sư. Từ đó cho đến năm 1958, người dân Đông Đức vẫn tiếp tục ồ ạt ra đi. Tính đến Tháng Sáu năm 1961, khoảng 19,000 người rời Cộng Hòa Dân Chủ Đức qua Tây Bá Linh. Tháng 7 sau đó, 30,000 người, và chỉ trong 11 ngày vào Tháng Tám, có tới 16,000 người Đông Đức vượt qua ranh giới để vào Tây Bá Linh. Đặc biệt là vào ngày 12 Tháng Tám, có 2,400 người đã di tản khỏi Đông Đức, con số lớn nhất trong riêng một ngày, như một cơn thác lũ không có gì ngăn chặn nỗi.

Ngay đêm đó, chính quyền Đông Đức quyết định ngăn dòng người di tản bằng cách đóng cửa biên giới vĩnh viễn. Chỉ trong hai tuần, quân đội, cảnh sát và các công nhân xây dựng của Đông Đức đã hoàn tất hàng rào thép gai và bức tường bê tông, ngăn đôi thành phố.

Bức tường Berlin chia đôi nước Đức hay còn gọi là “bức tường ô nhục.”
(Hình: Getty Images)

Nhưng việc xây bức tường Berlin này có nhiều sơ hở, đã không ngăn được dòng người di tản từ Đông sang Tây, nên sau đó, năm 1961, chính quyền Đông Đức thay thế bức tường tạm bằng một bức tường kiên cố hơn, dựng bằng các tấm bê tông cốt thép cao 3.6 m, rộng 1.2 m chôn sâu dưới đất khiến việc trèo qua tường gần như không thực hiện được. Đông Đức gọi bức tường này là để ngăn chận Phát Xít xâm nhập (!) nhưng thực sự là để ngăn chận dân chúng Đông Đức chạy trốn chế độ Cộng Sản. Những khẩu súng máy, vọng gác và lính canh, đèn pha quét hàng đêm, chó dữ, với chỉ thị bắn bỏ những người có ý định trèo qua bức tường bỏ trốn.

Vào ngày 1 Tháng Mười Một năm 1989, kinh tế Đông Đức đang trên bờ vực sụp đổ và chính quyền không thể trả lãi cho những món nợ khổng lồ, các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn nổ ra ở Leipzig lan tới Bá Linh. Đông Đức cần được Liên Xô hỗ trợ về tài chính và quân sự ngăn chặn tình trạng suy sụp, tuy nhiên, Gorbachev tuyên bố Liên Xô không có trách nhiệm ngăn lượng người di tản quy mô lớn khỏi Đông Đức.

Vào ngày 9 Tháng Mười Một năm 1989, Đông Berlin mở cửa cho dân chúng được tự do vượt qua ranh giới.

Ngay sau đó, bức tường bị đánh sập và Berlin lần đầu tiên được thống nhất ngày 3 Tháng Mười năm 1990, trở thành nước Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay.

Trong khi đó tại bán đảo Triều Tiên, giữa Nam và Bắc không có “bức tường ô nhục,” nhưng tính tới cuối Tháng Tám năm 2016, đã có 29,688 người người Bắc Hàn vượt thoát sang Nam Hàn sinh sống vì điều kiện sống ở xứ này càng ngày càng trở nên khắc nghiệt, trong đó cả các lính Bắc Hàn và ngay cả Thae Yong Ho, Phó Đại Sứ Bắc Hàn tại Luân Đôn cũng xin tị nạn chính trị. Park Kun-ha phải trốn qua ngả Trung Quốc trong cuộc hành trình đầy nguy hiểm phải mất 5 năm mới đặt được chân tới thủ đô Hán Thành. Eunsun, một cô gái trốn khỏi địa ngục Bắc Hàn, phải mất 9 năm mới đến được bờ Nam.

Sau Hiệp Định Geneve Tháng Tư năm 1954, Việt Nam bị chia làm hai, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải- Cầu Hiền Lương) làm ranh giới, khoảng một triệu người dân miền Bắc (khoảng 800 ngàn trong đó là người Công giáo) di cư đến miền Nam Việt Nam trong những năm 1954-1955 theo những chuyến tàu thủy do Pháp và Mỹ tổ chức. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khiếu nại cho rằng chính phủ quốc gia đã ép buộc đồng bào di cư vào Nam. Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đã mở cuộc điều tra đơn khiếu nại của Bắc Việt, nhưng trong số 25,000 người được Ủy Hội tiếp xúc, không có ai nhận là họ bị “cưỡng bách di cư” hay muốn trở về Bắc cả, như lời tố cáo của phe Cộng Sản. Thêm vào đó, còn tới 102,861 người tự tìm đường bộ hoặc ghe thuyền và phương tiện riêng để vào Nam.

Trong số các nhà văn nhà thơ từ miền Nam đi tập kết ra Bắc vào năm 1954 có Vũ Anh Khanh và Xuân Vũ. Xuân Vũ sau này, khoảng 1965, đã vượt Trường Sơn vào Nam cầm bút trở lại để phơi bày thực trạng của nhân dân miền Bắc và cái giá mà ông và bạn hữu phải trả vì sự lầm lẫn của mình về Cộng Sản, thì nhà thơ Vũ Anh Khanh, trong khi bơi qua sông Bến Hải, bị bắn chết giữa dòng sông.

Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, vi phạm Hiệp Định Paris, chế độ Hà Nội tiến công chiếm miền Nam. Để tránh nạn Cộng Sản, đã có hàng nghìn người di tản khỏi Việt Nam. Sau đó, với tính chất cai trị sắt máu, Cộng Sản cưỡng chế người dân đi vùng kinh tế mới, và tập trung trên một triệu người miền Nam vào các trại tù cải tạo, những làn sóng di tản bằng đường biển bắt đầu gia tăng. Đến cuối năm 1977, đã có trên 15,000 người Việt sang tị nạn tại các nước trong vùng Đông Nam Á.

Năm 1978, khi nhà cầm quyền Cộng Sản phát động chính sách cải tạo tư sản, và tiếp theo đó là việc xua quân sang Cam Bốt, và phải đương đầu với cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, làn sóng tị nạn bằng đường biển đã tăng lên gấp bốn lần, với đa số người ra đi thuộc khối người Việt gốc Hoa, để sau đó được đưa sang định cư tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc.

Vào cuối năm 1978, đã có 62,000 thuyền nhân người Việt tị nạn tại các nước Đông-Nam Á. Riêng trong Tháng Sáu năm 1979, đã có trên 54,000 thuyền nhân Việt Nam đến tị nạn tại các nước nói trên. Hàng chục nghìn thuyền nhân bỏ nước ra đi đã bị bão tố, bị nạn hải tặc đánh cướp, hãm hiếp, giết chết bỏ thây trên biển cả.

Theo số liệu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849,228 người vượt biên bằng đường biển và đường bộ đến định cư tại các nước tự do, nhưng số người vượt biên chỉ thành công 50%, cứ một người đến được bờ tự do thì có một người chết trên Biển Đông hay trong rừng thẳm. Và vào thời điểm 2017, người Việt Nam dưới chế độ CHXH Việt Nam-Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc sau 42 năm đã thấm đòn cai trị của đảng Cộng Sản, còn đóng tàu vượt biển sang Úc.

Bây giờ sau 42 năm, người Việt trong nước đã biết rõ thế nào là chế độ Cộng Sản rồi, nếu có một cơ hội để rời đất nước ra đi, thì đây là một cơ hội tốt không ai từ chối.

Qua chuyện chia cắt của Đức Quốc, Triều Tiên rồi đến Việt Nam, các cấp đảng viên Cộng Sản, dân chúng miền Bắc, các dư luận viên, hàng ngũ bộ đội, công an… nhận định và giải thích ra sao về chuyện dân chúng của các nước trên, luôn luôn liều chết, vượt biên giới bỏ chế độ Cộng Sản Đông Đức, Bắc Hàn, Bắc Việt và bây giờ là CSVN để chạy sang phía tư bản, xứ tự do, phía phi cộng sản.

Chế độ Cộng Sản nếu tốt đẹp, no ấm, tự do, hạnh phúc thì con người không ai liều chết để ra đi như vậy. Rõ ràng bên kia và bên này khác nhau như đêm và ngày, tự do và tù đày, mà con người phải có một lựa chọn cho bản thân mình và con cháu đời sau. Không có gì, kể cả cái chết, ngăn được bước chân những người ra đi, chọn cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và tương lai cho con cái! (Huy Phương)

https://www.nguoi-viet.com

 

Đăng ngày 26 tháng 11.2019