Hôm nay, cá chết
Nguyễn thị Cỏ May
Theo nhiều tin tức mới thì tới nay, cá chết đã lan rộng tới Đà nẵng. Có tin nói đã tới biển Nha trang. Về mức độ nghiêm trọng thì phải nói đây là một thảm nạn xảy ra lần đầu tiên ở Việt nam. Vì quan hệ «Sông liền sông, Núi liền núi». Người dân, ai cũng biết đó là do chất độc hóa chất của nhà máy Formosa ở Vũng Áng thải ra qua một ống cống có đường kính khổng lồ. Dân chúng trên cả nước xuống đường biểu tình phản đối với thái độ khẩn trương nhưng nhà cầm quyền cộng sản vẫn giữ thái độ ứng xử bình thản. Như không có chuyện gì xảy ra.
Hay thiệt !
Sự trầm tỉnh này còn thấy rõ khi hiện tượng cá chết đã xảy ra, dân chúng đã la ó, thì hơn hai tuần sau, nhà cầm quyền mới từ từ lên tiếng, nêu lý do xa vời «do tảo nở, dòng thủy triều đỏ» để giải thích trấn an dân chúng.
Cho tới nay, nhà cầm quyền ở Hà nội vẫn chưa nói rõ thủ phạm cá chết trên biển là gì? Là ai vào đây?
Nhắc lại khu kỹ nghệ Vũng Áng
Có tin, với cả hình ảnh kèm theo rất thuyết phục, «Vũng Áng là Tô giới Trung quốc». Tô giới Trung quốc ngay trên lãnh thổ Việt nam, một quốc gia độc lập, được sao? Tô giới là một sự kiện pháp lý. Vậy phải có văn bản qui định lý do tô giới. Ai đã trông thấy tài liệu này? Chuyện xảy ra lúc nào, ở đâu? Tấm bảng dựng lên, với cổng lớn vắt qua đường, có ghi rõ «Tô giới Trung quốc. Cấm người Việt nam lai vãng» là sự thật hay lại thứ sản phẩm của photoshop?
Xin thưa đó là sản phẩm photoshop.
Đây là chuyện nghiêm trọng, chết sống của dân tộc, thế mà vẫn có người đã dám dựng chuyện lên mặc dầu với mục đích nhằm khiêu khích hoặc gây thêm căm thù Tàu đi nữa. Trong việc tranh đấu, sự thiếu nghìêm chỉnh chẳng những không đem lại kết quả tốt mà trái lại, còn có tác dụng vô cùng tiêu cực. Ở hải ngoại, phong trào kháng chìến và yểm trợ kháng chiến của thập niên 80 thế kỷ trước nay vẫn còn là một trường hợp điển hình. Hảy cảnh giác những trò «phá du kích» của VC tuy cũ mà vẫn thành công. Vả lại mọi người Việt Nam, ai cũng đang căm thù Tàu cộng tới tận cổ rồi. Ngoại trừ người cộng sản. Đúng vậy vì tên Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hà Tĩnh, đã có thể nói được với dân chúng «Cứ yên tâm ăn cá, tắm biển ở Vũng Áng».
Mặc dầu Vũng Áng không phải là tô giới Trung quốc đi nữa, nhưng số nhà thầu Trung quốc và công nhơn Trung quốc chiếm đa số thì đây cũng biến thành một vùng lãnh thổ Việt Nam mất chủ quyền về xã hội và cả chánh trị. Nhưng chưa mất nước hẳn!
Formosa
Tập đoàn Formosa là một đại công ty có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Công ty Formosa đã nhận giải “Hành tinh đen” năm 2009. Đây là một giải do Ethecon – tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức dành cho những cá nhân hay tổ chức có thành tích “đóng góp” vào việc phá hủy môi trường.
Tập đoàn Formosa, tên đầy đủ là Formosa Plastics Group (FPG), là một tổ hợp công nghiệp đa ngành của Đài Loan (hóa, dầu mỏ, chất dẻo, công nghệ sinh học, nhà máy phát điện, máy móc điện tử, quang sợi, công nghiệp ô tô…).
Cùng với các thành tựu rất lớn đóng góp vào công nghiệp hóa Đài Loan, tập đoàn này cũng mang nhiều tai tiếng về vi phạm môi trường tại chính Đài Loan cũng như một số nước khác.
Tại Đài Loan, các nhà khoa học của Đại Học Quốc Gia Đài Loan đã công bố về ô nhiễm các chất gây ung thư và phá hủy mô gan, do công nghệ cracking dầu mỏ của Formosa tại Yulin gây ra.
Và hiện tại,Việt Nam có 196 Khu công nghiệp, Khu chế xuất,… mọc rải rác từ Bắc chí Nam, làm ô nhiễm hầu hết các sông ngòi, đất đai chung quanh… vì có thể nói 99% Khu công nghiệp nầy đều không có hệ thống thanh lọc phế thải cho nên phế thải đặc, lỏng, khí đều được thải thẳng vào môi trường (Ts Mai Thanh Truyết, Blog MTT).
Formosa hoạt động "chùa"
Theo một thông tin nhận được từ một giới chức cao cấp, Giáo sư và Đại biểu chánh phủ, ở Hà nội, gởi cho người em dâu ở Pháp, thì Formosa đang «hoạt động chùa» ở Vũng Áng!
Qua vụ cá chết hàng loạt, người ta đều quan tâm tới Công ty Formosa nhưng hiểu mối quan hệ, nguồn gốc của Tập đoàn TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh lại là một bí hiểm sâu kín khác.
Chủ Công ty Formosa là ông bà Wang Yung-ching, tỷ phú ở Đài loan. Ông Wang mất năm 2008, hưởng thọ 91 tuổi. Hai người có 2 con trai, 8 con gái. Ông Wang lấy tỳ thiếp, có người con trai lớn tên là Winston Wang, làm Chủ tịch Formosa Plastics Group và là bạn thân của Jiang Mianheng, con trai của Jiang Zemin (Giang Trạch Dân, cựu Chủ tịch đảng cộng sản Trung quốc)).
Hai người cùng sáng lập Công ty Trung quốc Grace Semiconducteur Manufacturing chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho Bộ Quốc phòng Trung quốc, đặt cơ sở tại Shanghai.
William Wong, Chủ tịch Formosa Chemicals & Fibre, là cháu của ông Wang Yung-Ching, cùng với cậu là Winston Wang, Chủ tịch Formosa Plastics Group, góp vốn mở Tập đoàn Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa, nghe nói khi chưa được chánh phủ đồng ý(?).
Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là một Công Ty Đài Loan, tuy nhiên sự "dây mơ rễ má" lại liên quan ruột thịt với Quốc Phòng Trung Quốc qua người chủ sáng lập. Hay đây chính là hoạt động ẩn danh của Bộ Quốc phòng Bắc kinh?
Formosa đã được nhà cầm quyền cộng sản Hà tĩnh cho thuê hơn 33 triệu m2 đất, thời hạn 70 năm, giá thuê đất là 80 đồng/m2/năm, giá thuê mặt nước là 10 triệu đồng/km2/năm. Khu Công Nghiệp nầy được hưởng chế độ ưu đãi là miễn thuê đất 15 năm đầu và chỉ thu tiền thuê đất trong thời hạn 55 năm về sau.
Như vậy hiện nay Formosa được hoạt động CHÙA, không cần phải trả tiền cho Hà Tĩnh. Hơn nữa, tiền đặt cọc để thuê đất, Formosa đã thiếu nợ 46 tỉ không chịu trả, xù luôn 136,76 tỉ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Tính đến nay, Formosa đã thiếu Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng và Chánh quyền Hà Tĩnh là 182,76 tỉ đồng.
Hà Tĩnh đã phải bỏ tiền túi ra chi trả gần 33 tỉ đồng cho việc "Giải Phóng Mặt Bằng", bồi thường gần 42 ha đất cũng như chi trả 15,5 tỉ đồng bồi thường di dời các hộ trong khu vực.
Formosa hiện nay khước từ, không chịu trả cho Hà Tĩnh 182,76 tỉ tiền nợ thuê đất và thuế, đồng thời, trước đó, đã bắt Hà Tĩnh phải ứng trước số tiền 48,5 tỉ để đuổi hàng nghìn hộ gia đình ở Vũng Áng đi nơi khác để chiếm đất làm Khu Công Nghiệp.
Formosa không phải trả thuê đất trong vòng 15 năm đầu, không đóng thuế cho Việt Nam, đồng thời hủy hoại môi trường biển trầm trọng...
Vậy mà ngày 25/4/2016, Chu Xuân Phàm, trưởng Văn phòng Formosa tại Hà Nội, đã phát biểu : "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi! Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được ”...
Người Việt Nam nên đặc biệt quan tâm hiện tượng cá chết hôm nay để kịp có cái nhìn về môi trường đất nước ở ngày mai.
Theo nhà khoa học người Pháp, ông Jean Hetzel, trả lời Đài RFI của Pháp, thì sự di hại sẽ vô cùng thảm hai và kéo dài ít nhứt 50 năm nữa, trong một phạm vi rộng lớn chưa thể uớc tính được. Ông giải thích:
«Khi nước biển bị ô nhiễm nặng, hậu quả nghiêm trọng là điều khó tránh vì: thứ nhất, khó cô lập vùng ô nhiễm, thứ hai, các phân tích của mẫu được thu thập dễ bị sai lệch, và thứ ba, chuỗi thức ăn tự nhiên trong vùng như chim, động-thực vật dưới biển bị lây nhiễm. Cuối cùng là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhất là ung thư. Nếu có những độc chất không thể hòa tan, quá trình luân chuyển và hậu quả có thể kéo dài đến 50 năm….»
Thật tình mà nói, trong quan hệ làm ăn, chưa thấy có thứ chánh quyền nào u mê hơn cộng sản ở Hà nội. Chỉ u mê thiệt hay có cái gì thầm kín khác?
16 chữ vàng và 4 tốt
Nên thấy trong lịch sử bang giao, chưa có nước nào tự tròng vào cổ mình phương châm hữu nghị «16 chữ vàng, 4 tốt». Vàng đâu không thấy, tốt đâu không thấy. Chỉ thấy cá chết, môi sinh chết và người Việt Nam đang chết vì bịnh tật do nhiễm độc thực phẩm.
Có người bắt đầu giựt mình, lo sợ, đề nghị yêu cầu Trung quốc cải thiện những hoạt động kỹ nghệ để tránh ô nhiễm môi trường. Trung quốc sẽ làm được không?
Trong một bài viết, Giáo sư Canada gốc Hoa, Khương Văn Nhiên (Wenran Jiang) của Đại học Alberta, nhận xét: «… Trung Quốc đang tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái nước họ trong quá trình hiện đại hóa cực nhanh, thì làm thế nào có thể hy vọng họ áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn phương Tây ở những nơi khác?».
Cùng với việc xuất khẩu lực lượng lao động, xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc còn xuất khẩu luôn cả văn hóa bê bối và bất lương trong đầu tư-kinh doanh. Bất cứ nơi nào họ tới, họ cũng tàn phá và hủy diệt môi trường không khác như họ đối xử với con người và môi trường ở đất nước họ. Ở những nước như Việt Nam, nơi có hệ thống luật môi trường lỏng lẻo và nhứt là nhà cầm quyền cộng sản có truyền thống khuất phục «Ông Trung quốc» từ hơn nửa thế kỷ nay, thì khó có thể can thiệp khi họ mang đến những tai họa thảm khốc.
Các nước châu Phi cũng không khá hơn từ khi mở cửa rước giới đầu tư Trung Quốc. Nhưng điều đáng nói là không quốc gia nào giống Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc. Không quốc gia nào bị thảm nạn khủng khiếp do Trung quốc đem tới bằng Việt Nam.
Tại sao vậy?
Bởi vì xưa nay không có chánh phủ nào tỉnh táo và khôn ngoan lại cúi mình rước chủ thuyết ngoại lai về làm chủ thuyết chính trị cai trị đất nước. Hậu quả của chánh sách vĩ mô về quan hệ Trung Quốc-Việt Nam nói chung, không phải bây giờ, mà từ thập niên 1940, cuối cùng đã biến Việt Nam thành một phiên bản của Trung Quốc. Bất kỳ cái xấu nào xuất hiện ở Trung Quốc, từ gian lận, buôn bán bằng cấp, buôn gian bán dối, đầu độc con người, bất tín và tàn ác, đạo đức suy bại, tham nhũng có hệ thống, thần thánh hớa lãnh tụ… đều có y hệt tại Việt Nam. Trung Quốc xuất khẩu rất nhanh những điều tồi tệ vào Việt Nam và Việt Nam tiếp nhận cũng rất nhanh những điều tồi tệ từ Trung Quốc. Về kinh tế, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc. Về chánh trị, Việt Nam cũng nhập siêu cả những thuật ngữ mà Bắc Kinh thường dùng, như “thế lực thù địch”, “diễn biến hòa bình”, ở Trung quốc có «Tư tưởng Mao Trạch Đông» thì ở Hà nội có ngay «Tư tưởng Hồ chí Minh»,… Giờ đây, cái gì còn lại không giống Trung quốc thì đang lần lượt được tiêu hủy. Lịch sử đánh Tàu phải hủy bỏ hoặc sửa lại cho phù hợp vai trò Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nước chư hầu. Thậm chí, binh sĩ hy sinh trong mặt trận chống Tàu xâm lược năm 1979, ngày nay, dân chúng không được làm lễ tưởng niệm.
Giáo sư Khương Văn Nhiên nhấn mạnh như để đánh thức lờng yêu nước ở người Việt Nam «Vấn đề không chỉ là những con cá chết do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Cái chết của một dân tộc đang mất gốc mới là điều đáng suy nghĩ và lo âu. Rồi sẽ có những “Formosa Hà Tĩnh” khác. Rồi sẽ có những kỳ “Đền Hùng thất thủ” tiếp theo. Một quốc gia không có «căn cước» luôn đi rất nhanh đến bờ vực sụp đổ mà người ta thấy rõ nhất ở cách mà con người sống và hành xử. Một đất nước đã tự đánh mất định tính dân tộc khi chấp nhận dùng hệ thống định tính khác để quy chiếu và áp dụng thì sự lệ thuộc và ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Nếu không đủ dũng khí tự cởi nút thòng lọng khỏi cái giá treo cổ lủng lẳng “16 chữ vàng và 4 tốt”, thì Việt Nam sẽ còn lại gì, ngoài mớ tro tàn của mảnh căn cước bị thiêu hủy….»
Nguyễn thị Cỏ May
Trung Quốc phát lệnh xả độc vào biển
FB Tuấn Khanh
5-5-2016
Ảnh cá chết trên bờ biển quanh đảo Pag-asa (Thị Tứ). Nguồn: FB Kalayaan ATIN ITO
Mời xem lại: Rộ nghi vấn ‘tàu lạ’ trong vụ cá chết hàng loạt (VOA/ BS).
Chỉ cần một chút tinh ý, bạn sẽ nhìn thấy đất nước Việt Nam đang lâm vào cuộc bao vây nào, cũng như sự im lặng của nhiều quan chức Việt Nam là hoàn toàn có thể phỏng đoán được vì sao.
Đầu tháng 5/2016, tương tự như người dân ở 4 tỉnh miền Trung việt Nam, những người dân Phi Luật Tân sống ở gần đảo Pag-asa (Thị Tứ), một hòn đảo ở gần vùng biển phía Tây Phi Luật Tân, cho biết họ kinh hoàng nhìn thấy hàng hàng lớp lớp các loài sinh vật biển chết, trôi dạt đầy các bờ. Thủ phạm cũng không khó tìm: chính các tàu cá giả dạng của chính quyền Trung Quốc đã đến gần, đổ hàng tấn hóa chất độc xuống nhằm hủy diệt môi trường, nhằm triệt hạ đường sống của ngư dân ở đây.
Lời tố cáo chính thức, phát đi trên trang Elitereaders, cho biết hành động hủy diệt này của Trung Quốc là có chủ ý rõ ràng. Khi môi trường của khu vực này bị hủy diệt, tức đời sống và nền kinh tế của dân cư chung quanh đó tê liệt và sợ hãi, sẽ khiến họ rời bỏ ngư trường. Đảo và biển sẽ bị bỏ hoang. Sau đó, Trung Quốc sẽ bất ngờ tiến vào kiểm soát, và thiết lập căn cứ quân sự ở đó.
Trung Quốc đẩy mạnh việc xả độc vào các vùng biển mà họ đang tranh chấp hay nhắm tới, nơi mà họ dùng ngư dân hoặc giả dạng ngư dân làm lá chắn để gây hấn. Đặc biệt, chiến dịch xả độc và gây hấn sẽ tăng mạnn trong mùa đi biển của ngư dân các nước.
“Tháng Ba, bà già đi biển”, mùa làm ăn Bính Thân 2016 của ngư dân Việt vừa khởi động đã vấp phải sự cố xả độc chất ra biển của Formosa Hà tĩnh, Vũng Áng. Toàn bộ 4 tỉnh miền Trung hoàn toàn tê liệt trước thảm cảnh thủy sinh vật chết tràn ngập các bờ biển. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn tàu cá Trung Quốc ra khơi được trang bị vũ khí là một tín hiệu đe dọa cho bất kỳ tàu cá nào của Việt Nam muốn vượt xa ngoài 20 hải lý – đánh bắt dài ngày – để tìm nguồn cá sạch mang về đất liền. Hàng trăm cây số bờ biển Việt Nam bị cô lập.
Cùng thời điểm mà Formosa Hà Tĩnh bất ngờ đẩy mạnh việc xả hàng tấn độc chất ra biển, cũng là lúc nhiều tàu cá Trung Quốc nhận nhiệm vụ âm thầm xâm nhập sâu bờ biển Việt Nam. Nhiệm vụ của họ không phải là đánh cá. Ngày 8 tháng 4, lực lượng tuần tra biên phòng Quảng Bình chận bắt 6 tàu cá như vậy mà chỉ còn cách cửa Nhật Lệ (TP Đồng Hới) khoảng 19 hải lý về phía Đông, cách cửa Gianh khoảng 24 hải lý về phía Đông Đông Nam. Hồ sơ của biên phòng biển Quảng Bình ghi nhận rằng các ngư dân này bất hợp tác, nhiều phần là tàu trinh sát giả dạng.
6 chiếc tàu nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có thể hình dung rằng ngoài việc Formosa “vô tình” ồ ạt xả độc ra biển vào thời điểm cụ thể, thì những chiếc tàu Trung Quốc như vậy cũng thực hiện nhiệm vụ thả các thùng độc chất dọc bờ biển không khác gì họ đã làm trên đảo Pag-asa mà người Phi Luật Tân báo động. Biển nhiễm độc kéo dài không điểm dừng tạo nên nỗi sợ hãi của người dân Việt, đồng thời gây hoang mang, tạo cớ cho những thành phần thông đồng với Formosa, núp bóng trong chính quyền hiện hành, lên tiếng chạy chữa, hoặc im lặng né tránh cho tội ác của khu tự trị Vũng Áng.
Nhiều ngày sau khi Formosa Hà Tĩnh ngưng xả độc và bất hợp tác với chính quyền sở tại trong việc cung cấp các dữ liệu MSDS (Material Safety Data Sheets), tức các thành tố minh chứng an toàn trong việc xả độc của họ, cá vẫn chết dọc miền Trung. Ngày 1/5, ngư dân vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị cách bờ 20 hải lý cho biết lặn sâu dưới mặt biển 5m vẫn thấy hàng đàn cá lờ đờ nhiễm độc và chết dần. Nước biển thì loang màu đỏ nâu.
Cho đến ngày 4/5 thì nước biển màu đỏ nâu này nổi rõ, xuất hiện dài đến 1,5km ở Bố Trạch Quảng Bình. Dân chúng hoảng sợ, các quan chức thì chết lặng với hiện tượng mới này, không tìm ra cách đối phó. Đồng thời ở Thừa Thiên Huế, cá nuôi nước biển cũng chết dần hàng loạt, bí ẩn. Có phải những thùng độc chất được đục thủng và cho chảy dần, thả dưới lòng biển, tương tự như ở đảo Pag-asa đã bắt đầu có tác dụng?
Ngày 4/5, ông Lê Hữu Phước, Phó Chủ Tịch UBND huyện Hải Lăng, Quảng Trị bàng hoàng trước tình trạng cá chình chết trôi lạ lùng. “Cá chình hết sức khó bắt vì nó sống ở tầng nước sâu, trong kẽ san hô nhưng giờ phải ngoi lên mặt nước là chuyện hết sức lạ thường” – ông Phước nhấn mạnh.
Đến lúc này, mọi chuyện không chỉ nên dừng ở Formosa, mà đó có thể là một nghi vấn về sự liên kết chặt chẽ trong cuộc bao vây đường biển và ngư dân Việt. Một sách lược rất quen thuộc mà ai cũng có thể biết, nếu đã từng tham chiếu phương thức lấn đất, công thành của người Trung Quốc qua các thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc: bỏ độc và bao vây.
Những ngày cá chết rộ lên, độc chất lộ ra… cũng là những ngày mà dân biển Thừa Thiên Huế nói họ nhìn thấy nhiều tàu cá Trung Quốc im lặng xâm nhập sâu. Ngày nước biển Quảng Trị bốc lên mùi hôi thối kỳ lạ, cũng là ngày mà đại tá Hồ Ngọc Hoàng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết tàu cá Trung Quốc bất ngờ xâm phạm hải phận của tỉnh, chỉ còn cách đảo Cồn Cỏ từ 8-10 hải lý.
Chiến thuật bao vây biển cũng chặt chẽ hơn khi ngư dân Việt muốn thoát khỏi sự cùng quẫn của thảm họa gần bờ, họ đi xa hơn 20 hải lý thì luôn bị rượt đuổi, đâm tàu bởi các nhóm đi biển Trung Quốc, hơn nữa, các nhóm tàu cá Trung quốc hung dữ này giờ lại được phát súng.
Câu chuyện cá chết hôm nay, hoàn toàn khác với 15-20 ngày trước. Bên cạnh thảm họa về môi trường còn là một cảnh báo về an nguy của Việt Nam trước Trung Quốc. Viễn tượng thù trong giặc ngoài đang mỗi lúc một hiện rõ, mà nhân dân là người gánh chịu đau thương. Câu chuyện cá chết, biển nhiễm độc hôm nay chính là giờ phút đòi hỏi các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải chứng minh mạnh mẽ lời thề của mình khi nhậm chức, chứng minh sự dứt khoát chọn lựa thế đứng của mình thuộc về đâu, trước hiện thực đã quá rõ của thời cuộc.
https://nhacsituankhanh.wordpress.com
Chính quyền Việt Nam đang kích động nổi loạn
SÀI GÒN (NV) - Cá chết trắng biển đã đẩy tâm trạng bất an do môi trường sống bị đầu độc thành bất bình và việc đàn áp phản kháng ô nhiễm khiến bất bình chuyển thành căm giận.
Ví dụ về vượt ngưỡng...
Dân chúng Việt Nam vẫn tiếp tục loay hoay trong việc làm sao để được sống an toàn. Lối hành xử vô trách nhiệm trong quản trị xã hội khiến trộm cướp, đâm chém trở thành một loại “giặc” mà hệ thống công quyền bó tay. Ðồng hành với thứ “giặc” ấy là tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm - những vấn nạn trầm kha của Việt Nam.
Ðòi được sống sạch, ăn sạch. (Hình: Facebook)
Giữa tuần vừa qua, có một sự kiện có thể dùng như ví dụ minh họa cho sự ngột ngạt vì bất an về môi trường sống tồi tệ ở Việt Nam đã đến mức vượt ngoài sự tưởng tượng của nhiều người: Ðài truyền hình Việt Nam công bố một video clip cho thấy, do người tiêu dùng tại Việt Nam sợ rau non, đẹp nên nông dân phải dùng chổi tre phá rau mà họ trồng để có thể bán được rau.
Video clip này ghi lại cảnh nông dân dùng chổi tre quét lên các luống rau nhằm làm cho rau mà họ trồng bị rách lá, thủng lỗ. Tâm sự của những nông dân trồng rau khiến nhiều người dở khóc, dở cười. Theo họ, bởi tất cả mọi người cùng bị ám ảnh rằng, rau mơn mởn, bắt mắt là nhờ hóa chất trừ sâu và thuốc kích thích tăng trưởng, nguy hại cho sức khỏe nên lúc này, người tiêu dùng ở Việt Nam chỉ mua những loại rau bị sâu ăn thủng lá hay già, héo...
Khi nhiều người đinh ninh, rau bị sâu ăn hoặc già, héo mới là rau... sạch vì không dính hóa chất trừ sâu hay thuốc kích thích tăng trưởng thì người trồng rau chỉ còn một cách là... hủy hoại rau họ trồng cho hợp với... thị hiếu của người mua.
Video clip vừa kể chỉ ra rằng, vấn nạn an toàn thực phẩm đã hủy hoại cả sức khỏe lẫn niềm tin của con người vào sự thiện lương của đồng loại. Việt Nam đang trong giai đoạn mà dân chúng phải tự gạt bỏ những điều tưởng như đương nhiên: Ðược ăn ngon (rau non, xanh) để chọn những thứ vốn dành cho heo (rau bị sâu ăn, già héo), với hy vọng sẽ không chết dần, chết mòn.
Tại sao vậy? Tại vì chính quyền dung dưỡng chuyện đầu độc con người. Dân chỉ là công cụ, không phải là đối tượng phải phục vụ hay bảo vệ.
Ai cũng muốn được sống an toàn
Bối cảnh xã hội như đã kể khiến nhiều người cảm thấy phải bày tỏ thái độ. Họ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình phản kháng ô nhiễm, đe dọa quyền được sống an toàn của chính mình và thân nhân của mình. Thảm họa môi trường: Cá chết trắng một đoạn bờ biển dài tới 250 cây số ở phía Bắc miền Trung thật ra chỉ là giọt nước làm tràn ly.
Ðược sống an toàn là lợi ích chính đáng nhưng lợi ích đó không được bảo vệ. Bày tỏ thái độ là quyền hợp pháp, song quyền đó không được nhìn nhận.
Biểu tình không chỉ bị ngăn chặn mà còn bị trấn áp thô bạo. Internet đã bày ra cho mọi người “tận mục sở thị” sự thô bạo đó đến mức độ nào. Nhiều người không gọi đó là thô bạo nữa, họ gọi cách mà chính quyền Việt Nam ứng xử với những người bày tỏ khát vọng được sống an toàn là tàn bạo.
Thông qua đàn áp, chính quyền Việt Nam tiếp tục chứng minh họ khinh dân.
Khác nhiều cuộc biểu tình trước, lần này, tâm sự của những người biểu tình bị bắt, bị đánh, cho thấy mầm loạn đã rất lớn.
Và cách đáp ứng từ chính quyền “của dân, do dân, vì dân.” (Hình: Facebook)
Yếu tố đầu tiên là lai lịch của những người biểu tình. Tham gia đòi quyền được sống an toàn hôm Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016, có những người vốn gắn bó mật thiết với chính quyền hiện tại. Sự ngột ngạt về môi trường sống hiện tại, tâm trạng bất an khi nhìn đến tương lai đã đẩy họ ra đường, đồng hành cùng những người khác.
Một facebooker với nickname là “Chuối Chín Cây” viết status “Ơn Trời tôi đã bị bắt.” “Chuối Chín Cây” khẳng định, những người biểu tình đã hành xử hết sức ôn hòa nhưng đủ loại lực lượng mặc đồng phục và những kẻ mặc thường phục (mà ai cũng biết là ai) vẫn xông vào đánh họ bằng tay chân, dùi cui, thậm chí đánh vào hạ bộ... rồi túm họ đẩy lên bus. Trong đó có cả những người bị tách khỏi con và những đứa trẻ chỉ mới hai tuổi, bốn tuổi, không có cha mẹ, ngơ ngác dưới lòng đường.
Hàng trăm người bị bắt đã bị đưa về sân Hoa Lư ở đường Ðinh Tiên Hoàng, quận 1, đói, khát vì bị giữ cho đến chiều để phân loại và lập biên bản cảnh cáo vì “gây rối trật tự công cộng.”
Theo lời “Chuối Chín Cây” thì khi phải làm việc với công an, bà đã khẳng định sẽ tiếp tục cùng mọi người biểu tình chống Trung Quốc và yêu cầu chính quyền phải có biện pháp tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Thật ra, so với chuyện mà nhiều người đã kể thì cả tường thuật lẫn thái độ của “Chuối Chín Cây” chẳng có gì khác, trừ... điểm xuất phát của bà. “Chuối Chín Cây” là một nhà báo kỳ cựu của tờ Phụ Nữ TP.HCM, chồng là cựu tổng biên tập tờ Pháp Luật TP.HCM. “Chuối Chín Cây” đã nói với những sĩ quan “an ninh” làm việc với bà rằng: “Cô tin với trái tim của người Việt chân chính, các con cũng sẽ làm như cô nếu các con không mặc đồng phục!”
Giống như “Chuối Chín Cây” và hàng trăm người khác đã bị bắt sáng 8 tháng 5 tại Sài Gòn, một facebooker tên “Hương Tô” bị tống lên bus sau khi bảo với những người tham gia vây bắt, đánh đập những người biểu tình rằng, hãy nghĩ cho gia đình của họ, điều họ đang chống lại chính là thứ đang cố giúp họ, còn thứ mà họ đang phục tùng sẽ không mang lại thứ gì sạch để ăn.
Hương Tô “bị xô ngã xuống đất, đá vào đầu, đạp vào bụng, kéo lê trên mặt đất” song cô khẳng định vẫn “không là gì so với những anh chị, cô chú đáng tuổi cha mẹ chúng mà đầu vẫn tuôn máu ướt vai áo.” “Hương Tô” nhấn mạnh “Có đi, có trải.”
“Hương Tô” là một họa sĩ thiết kế. Cha cô từng là tổng biên tập tờ Sài Gòn Giải Phóng. Mẹ cô từng là sĩ quan công an.
Yếu tố thứ hai về mầm loạn đang lớn là tường thuật của những người nhập cuộc như “Chuối Chín Cây,” “Hương Tô” cho thấy một điều quan trọng khác.
“Chuối Chín Cây” nhận định: “Nói cho công bằng thì cũng có một số khá đông anh em thanh niên xung phong, cảnh sát cơ động, công an và an ninh cư xử nhũn nhặn khi bị chúng tôi từ chối thẳng thừng và phản ứng gay gắt về việc lăn tay, chụp hình. Hoặc khi thấy một số người quật dân biểu tình bằng dùi cui, họ hò hét che chắn cho những người già như tôi. Một số khác dù không nói ra nhưng nhìn ánh mắt của họ, tôi hiểu họ bắt giữ chúng tôi chỉ vì công vụ thôi.”
“Hương Tô” cũng đề cập đến những người “thực thi công vụ” cúi mặt khi người biểu tình bảo với họ rằng, biểu tình là cách đòi quyền lợi cho chính họ - những kẻ đã ngăn chặn biểu tình.
Khi những người như “Chuối Chín Cây,” “Hương Tô” bị chính quyền mà họ hoặc cha mẹ họ từng phục vụ đẩy đến chỗ phải nhập cuộc thì thời điểm mà “cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè” của các thành viên “thực thi công vụ” cũng nhập cuộc chắc chẳng còn xa.
Tiếp tục nhẫn nhục - chuyện khó tin
Báo chí Việt Nam không có dòng nào về hai cuộc biểu tình phản kháng ô nhiễm, diễn ra vào Chủ Nhật, 1 tháng 5, và Chủ Nhật, 8 tháng 5. Một facebooker hiện là biên tập viên của tờ Tuổi Trẻ đã viết như thế này trên trang facebook của ông ta - nguyên văn:
Câm nín và đối thoại
(Chuyện nghe được ở quán cà phê Ðu Ðủ Xanh)
- Này, mấy ông làm báo cái kiểu con c... gì thế?
- Thế ông muốn hỏi cái con c... gì?
- Tại sao vụ cá chết người ta biểu tình rầm trời ở cả hai đầu đất nước mà tôi thấy báo chí mấy ông đ... đăng lấy một dòng?
- À, thì đ... đăng lấy một dòng chứ sao!
- Mấy ông điếc à, hay mù?
- Không điếc, cũng không mù mà là không được phép đăng.
- Mấy ông không thấy nhục khi bán báo à?
- Thấy chứ. Nhục cũng có mà không nhục cũng có.
- Lại ăn nói lòng vòng đ... hiểu cái con c... gì?
- Nhục là vì chúng tôi lỡ bước chân vào cái nghề này nên phải chịu... nhục. Còn không nhục là vì chúng tôi đã cố gắng đăng nhưng cái kiểu làm báo xứ Việt ta là thế, họ đ... muốn anh đăng thì anh đ... được đăng, hiểu chưa, đồ ngu?
- Vậy chẳng lẽ mấy ông cứ im lặng chịu nhục ngày này sang ngày khác à?
- Ðúng vậy. Bọn trẻ thì phải cắn răng tiếp tục chịu... nhục, bọn già thì mong đến ngày về hưu để hết... nhục. Vậy thôi!
- Vậy thôi?
- Buồn nhỉ?
- Ừ, buồn lắm. Bỏ nghề thì không đành vì đeo theo nó nhiều năm, nó thành máu rồi. Mà bỏ nghề thì biết làm gì? Chẳng lẽ đi bán bánh canh như thằng Ðủ? Thôi thì tìm đọc “Ðể Gió Cuốn Ði” của Ái Vân cho đỡ buồn vậy!
Chỉ trong vài tiếng, status mới trích dẫn nhận được khoảng 150 likes, kèm nhiều bình luận. Khoảng hai phần ba những người thích status này đã từng hoặc đang làm cho nhiều tờ báo ở Việt Nam. Có người khẳng định, về hưu rồi thì vẫn nhục, nhục từ trong máu nhục ra!
Người ta sẽ cắn răng chịu nhục để cả mình lẫn con cháu chết dần, chết mòn? Dường như chính quyền Việt Nam vẫn còn tin là có thể làm được như vậy.
Tội nghiệp! (G.Ð)
Đăng ngày 10 tháng 05.2016