banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chợ trời Hạnh phúc


Nguyễn thị Cỏ May

Nhiều người ngày nay cho rằng Thượng Đế đã chết nên họ tôn thờ Oméga 3 như vị thần linh phù hộ cho họ có sức khỏe tốt, sống lâu, hưởng hạnh phúc sung mãn. Chánh trị chẳng những không giúp gì cho họ có hạnh phúc mà còn đem lại nhiều ưu phiền. Thôi thì bây giờ, mọi người hãy trở về với chính mình để tìm giải pháp thực tế.
Sống trong thời nhiễu nhương: môi trường ô nhiễm, lường gạt, khủng bố, mất niềm tin, chân lý đảo điên... một thứ đức tin mới như tôn giáo xuất hiện. Phương tiện quảng bá là sách báo chiếm thị trường chữ nghĩa. Còn len cả vào các Đại học. Tìm mua Hạnh phúc, thật sự, trở thành một thứ tôn giáo mới hay một ngành kỹ nghệ mới đang phát triển...

Chợ bán Hạnh phúc ở Paris
Ở đây, những cục đá, nhờ «năng lực, sự thực hành chuyên cần với tâm linh», sẽ giúp giải quyết những bịnh lo âu. Ở đàng kia, những «viên nhộng chứa bột rong biển» sẽ giúp chữa lành chứng đau nhức kinh niên… Sách vở, kinh điển, dụng cụ luyện tập đem lại sức khỏe bày biện trên kệ, giới thiệu ầm ỉ qua máy phát thanh. Hình ảnh, màu sắc, lời giải thích đầy bí hiểm và quyến rủ của người chủ gian hàng làm cho khách thăm viếng có cảm tưởng mình đang lạc lối vào một khu chợ ở vùng Hi-mã-lạp-sơn những năm 60 của thế kỷ trước, quên hẳn mình đang đi Hội Chợ Cổng Versailles của Paris ( Porte de Versailles de Paris).
Hôm 4–8 tháng 2/2016 vừa qua, «Hội chợ Hạnh Phúc và ngoại khoa» (Tạm hiểu từ « Salon du Bien-Être et médecine douce) qui tụ 320 nhà trưng bày và 6 gian hàng để giới thiệu «những món hàng đặc biệt giúp đem lại Hạnh Phúc». Nào khoa «chữa bịnh theo tự nhiên, nấu những món ăn không đường, yoga nhập môn và xoa bớp theo cách californien… Gần như những bịnh thời đại của xã hội Âu châu đều có thể có giải pháp ở đây.
Qua 4 ngày Hội chợ, có ít nhứt 40000 khách lần lượt tới để thử tìm cho mình một món thuốc hiệu nghiệm khác hơn trong toa bác sĩ, một hướng dẫn mới, một phương pháp dưỡng sinh… để khả dĩ cải thiện tình trạng hiện tại.
Với tầm vóc hội chợ và khách thăm viếng, nhứt là sự hăm hở của mọi người tới muốn tìm một sự an lạc cho đời sống, người ta có thể nói đây là một hiện tượng xã hội mới. Sau 4 ngày ở Paris, chợ bán Hạnh phúc sẽ tổ chức tiếp ở các thành phố khác khắp nước Pháp trải dài cho tới cuối năm.

hanhphuc
Ảnh của Courrier International

Ngày nay, nhiều người cảm thấy mình đang sống trong một thế giới đầy hỗn loạn. Tuổi trẻ mất định hướng vì tôn giáo bị các nhà làm tôn giáo làm cho thoái trào và chánh trị xuống cấp chỉ còn đọng lại ở giá trị lá phiếu trở thành vùng đất màu mỡ xuất hiện những người buôn bán món hàng mới, đó là rao bán «cái đời sống khá hơn». Họ bày đủ thứ hàng, như dụng cụ thể thao chữa bịnh, sách vở về tâm linh, tâm lý, triết học, pháp thuật huyền bí… Nhìn vào, có người lại cho đây là một thứ tôn giáo mới đang phổ biến vì ngày càng có thêm tín đồ. Nếu không phải tôn giáo thì đây cũng phải là một ngành kỹ nghệ mới trên đà phát triển ở nước mở mang. Điều dễ thấy là khách hàng sẽ không vắng vì sản phẩm của ngành kỹ nghệ mới có giá trị thời thượng, có sức hấp dẫn người tiêu thụ cực mạnh. Nó nhằm làm giảm căng thẳng ở mọi người do đời sống ngày nay gây ra. Người ta không còn chờ đợi ở Nhà thờ, ở Nhà nước mà tự tìm cho mình giải đáp. Và giải đáp ở ngay ngành kỹ nghệ hay tôn giáo mới này!
Giáo lý dạy rất đơn giản «Muốn tránh bị khủng hoảng, trước tiên hãy tìm về với bản thân. Vì khủng hoảng ở ngay trong chúng ta. Ở con người thiệt sâu thẳm tận cùng bên trong chúng ta. Chúng ta phải nhận diện đúng nó, cải thiện nó».
Bạn thất nghiệp và sắp hết trợ cấp? hãy tập yoga để giữ thân tâm ổn định! Kết quả tới đâu, không biết nhưng điều rõ ràng là, ở Pháp, hiện có không dưới 2 triệu đệ tử môn này luyện tập thường xuyên hằng tuần nhằm mục tìêu thực hiện thân tâm làm một.
Cách nay mươi năm, khi nhìn thấy một người Pháp tập yoga, không khỏi có nhiều người chế diễu. Ngày nay, việc tập yoga, tài-chi, thiền đã trở thành một nếp sanh hoạt bình thường ở xã hội Pháp. Bình thường như nhìn thấy một người Tàu trên métro Paris nói chuyện la lớn bằng tiếng Tàu trong smarphone.
Theo kết quả điều tra 6000 «tín đồ tôn giáo mới» này trong vòng 5 năm qua của nhà nghiên cứu Jean-François Barbier-Bouvier ở Trường Cao đẳng Xã hội Paris công bố năm 2014 thì trong số này, có 76% phụ nữ, tuổi từ 50 tới 65, trải đều trên xứ Pháp, tức từ thành thị tới thôn quê, tất cả đều thuộc thành phần tử tế, có giáo dục và học thức. Nếu xem đây là một thứ «tôn giáo» thì căn bản qui chiếu là giáo lý Phật giáo. Những người Thiên Chúa giáo theo tập không thấy có gì trở ngại hết cả.
Nhà nhân chủng học Marion Dapsance giải thích tâm lý «hồ hởi» của nhiều người Pháp tập yoga, tập thiền vì họ thấy ở Ông Phật không có điều gì đáng nghi ngờ. Tất cả chỉ nhằm tạo Hạnh Phúc cho người luyện tập. Một thứ hạnh phúc mọi người có thể đạt được bằng nếp sống của chính mình.
Ngày nay, ở nhiều nơi, Văn phờng bảo hiểm, phòng thẩm mỹ, trên TV… thường thấy có hinh Ông Phật tượng trưng cho Hạnh phúc.

Vào Đại học
Từ mươi năm nay, một thừ từ ngữ mới bắt đầu xâm chiếm các kệ sách, len vào những trao đổi quen thuộc của một tầng lớp xã hội Pháp, đó là «an lạc» thân tâm, «thương chính mình», «hiểu mình».
Hiện tượng tìm sự «an lạc» thân tâm ảnh hưởng không ít giới chức Y khoa Pháp, cả trong nhiều Đại học Y khoa. Họ thấy đây là phương pháp trị liệu bổ sung phương pháp cổ truyền có thể đem giảng dạy, cấp bằng cấp hành nghề cho sinh viên tốt nghiệp. Như một thầy thuốc. Và môn học sẽ đem lại một ngân khoản không nhỏ cho Đại học đang trong tình trạng ngân sách eo hẹp. Nó xuất hiện như một chứng bịnh dịch làm bấn loạn y giới ở Pháp. Có cả hai mươi Trường y khoa mở lớp đào tạo ngắn hạn những y sĩ «Đông y ngoại khoa» này.
Hiện tượng tìm “an lạc” thân tâm mà không cần thuốc men nở rộ có lẽ một phần do một số nhà bào chế vì lợi nhuận thiếu kiểm soát sản phẩm cẩn thận đã gây ra nhiều tai nạn chết người ở bịnh nhơn. Đìển hình là vụ Mediator gây ra cái chết của 2100 bịnh nhơn ở Pháp, năm 2009, bị cấm lưu hành trên thị trường.
Năm 2013, trưóc đà phát triên ồ ạt của bộ môn mới này, Hàn Lâm viện Y khoa Pháp cho mở cuộc điều tra. Dựa theo kết quả điều tra, những nhà bác học ghi nhận, đối với bộ môn mới này, có vài sự ngờ vực nào đó nhưng có thể chấp nhận như phương pháp trị liệu bổ sung nhưng không thể nói đó là thứ «y khoa thay thế y khoa thiệt thọ đang áp dụng chánh thức».
Thực tế, từ năm 2010, nhiều Đại học Y khoa Pháp đã mở lớp giảng dạy ngành học mới. Vậy một khi đã cùng có mặt trong Đại học Y khoa thì đâu là biên giới giữa «y khoa chính danh» và y khoa «ngoại khoa» ?
Đại học Y khoa Lille II (Lille, tỉnh miền Bắc Pháp, cách Paris 250 km) tổ chức một chương trình học 132 giờ. Đại Học Strasbourg (tỉnh Đông-Bắc Pháp, cách Paris 500 km) cũng đề nghị một chương trình dạy xoa bóp, khí công, dược thảo… Học xong, qua kiểm tra, sinh viên được cấp Văn bằng «Đại Học» của trường, bằng cấp sẽ không được Bộ Đại học nhìn nhận. Tức không phải bằng cấp quốc gia.
Giới chức hành chánh của Đại học Y khoa cho mở cuộc điều tra để biết tới nay có bao nhìêu Đại học giảng dạy những môn chữa trị bổ sung? Kết quả: có ít nhứt 20 trường trong 39 trường. Trong vòng 5 năm qua, có 90 văn bằng thiết lập cho những môn mới này.
Gìáo sư Loïc Capron, Cựu Chủ tịch Ủy Ban Y khoa của AP-HP (Assistance Publique-Hopitaux Paris) bất mãn, thét lên «Giảng dạy trong Đại học Y khoa những thứ y học huyền bí thì không khác gì nhổ vào mặt Y tổ Hippocrate».
Đại học tư Công giáo Guingamp lấy từ 2200€ tới 3220€ một khóa. Trong bộ môn mới có thêm môn "âm nhạc chữa bịnh" được giảng dạy tại Đại học Y khoa Nantes (tỉnh Tây-Bắc Pháp, cách Paris 400km), với giá học phí 8100€ cho 3 năm học. Môn này được thừa nhận ở một số quốc gia Âu châu nhưng chưa được thừa nhận ở Pháp.
Số người học xong ngành học mới tới nay cũng khá đông. Họ lấy bằng cấp bỏ túi, in danh thiếp ghi chuyên môn tốt nghiệp ở Đại học Y khoa X, Y… nhưng cho tới nay, vẫn chưa biết rõ việc họ hành nghề như thế nào, trong lúc Pháp đang khủng hoảng trầm trọng, số người thất nghiệp chỉ có gia tăng.
Bị ảnh hưởng bởi tình hình khủng hoảng kéo dài từ nhiều năm nay, mất tinh thần do nạn thất nghiệp, mất niềm tin tôn giáo do nhiều tu sĩ bị tục hóa, người Pháp thấy cần một sự cứu rỗi. Trước nhứt, và cụ thể hơn hết, là cứu rỗi bản thân.
Nhưng phải biết tra vấn về chính mình. Ai cũng biết đúng là trí tuệ giúp giải thoát mọi khổ đau, được xây dựng trên thể nghiệm và tư duy.
Nếu tin mà không biết tra vấn là không khác gì mê tín, dị đoan.

Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 02 tháng 05.2016