Một trường hợp điển hình: Bs Nguyễn Khắc Viện
Nguyễn thị Cỏ May
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, trong dư luận cộng sản ở Việt nam và cả hải ngoại, được tiếng là một người tài ba từ lúc còn học Trung học. Ở Đại học, ông còn nêu cao một tấm gương người anh hùng.
Ông đậu Tú Tài Pháp, vừa Ban Toán, vừa Triết. Với mention Bien (hạng Bình). Nhờ học giỏi, ông được qua Pháp du học. Lúc bấy giờ, dân Miền Trung (xứ An Nam của nhà Vua) đi Pháp khó khăn hơn dân Nam kỳ thuộc địa pháp.
Khi học Y khoa, Nguyễn Khắc Viện vẫn đưọc tiếng là sinh viện học giỏi. Và ông theo học ngành «Bịnh phổi» để sau này về giúp nước vì bịnh phổi lúc bấy giờ khá phổ biến ở Việt nam. Đến lúc nhà trường cần một người chịu hi sinh lá phổi của mình để làm đề tài cho một trường hợp thí nghiệm, Nguyễn Khắc Viện đứng ra xung phong tự nguyện để giúp cho việc học. Từ đó, ông sống chỉ với một lá phổi, chẳng những khỏe mạnh mà còn làm việc đa tài, cống hiến hết mình cho cách mạng việt nam.
Nhưng thực tế, Nguễn Khắc Viện có đúng như những lời tuyên truyền của Hà nội về ông như vậy không? Hay Hà nội lại muốn biến Nguyễn Khắc Viện thành một thứ anh hùng như Lê văn Tám, Bế văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Can,...?
Trước sau gì Nguyễn Khắc Viện vẫn đáng tiêu biểu cho trường hợp điển hình của một đảng viên cộng sản cúc cung tận tụy phục vụ đảng.
Nguyễn Khắc Viện, bác sĩ và bịnh nhơn
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tốt nghiệp Y khoa ở Sài gòn, còn là nhà văn và người tu tập Thiền, quen biết Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khá nhiều vì cùng làm việc chung trong Ban Nhi khoa của Bịnh viện ở Sài gòn. Ông có viết một bài về Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được phổ biến rất rộng rãi cả trong và ngoài nước để nói về phương pháp dưỡng sinh của Nguyễn Khắc Viện đã giúp ông ấy sống mạnh khỏe, như người bình thường, chỉ với 2/3 của lá phổi bên trái duy nhứt còn lại.
Theo Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Khắc Viện sanh năm 1913 tại Hà Tĩnh, bắt đầu học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa năm 1941.
Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao phổi chưa có thuốc chữa trị như ngày nay. Từ năm 1943 đến năm 1948 ông phải chịu mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái.
Các bác sĩ Pháp ở nhà thương nơi ông điều trị bảo là ông không thể sống hơn hai năm. Trong thời gian nghỉ dưỡng bịnh ở Pháp, ông «tự tìm ra» một phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới chết (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, còn họat động tích cực, năng nổ, dẻo dai, bền bĩ trong nhiều lãnh vực : giảng dạy y khoa, tâm lý học, cả về đạo học,… Chuyện khó tin nhưng có thật!
Thật ra, phương pháp thở mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện «tự tìm ra» được không phải là điều gì mới mẻ. Nó chỉ là một sự lược giản môn khí công, thiền, yoga, tài chi, dưỡng sinh… của Đông phương đã có từ ngàn xưa, nay được nhìn theo sinh lý học hô hấp của một người thầy thuốc Tây y.
Phương pháp dưỡng sinh của Nguyễn Khắc Viện được tóm gọn bằng bài vè 12 câu cho dễ nhớ:
« Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được »
Bs Nguyễn Khắc Viện, đảng viên cộng sản chí cốt
Nguyễn Khắc Viện là đảng viên đảng cộng sản Pháp. Sau này, về Hà nội, ông gia nhập đảng cộng sản Việt nam.
Ở Pháp, ông làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Việt kiều ở Paris và làm tờ báo Nam Việt viết tay, tức do ông viết tay cả tờ báo, chớ không in vì tránh chi phí.
Lúc ông bị bịnh ung buớu, sau khi mổ, về nhà dưỡng bịnh, phải nhờ bạn săn sóc vì không tiền trả y tá. Chính Bà Đinh văn Hoàng (Ông Đinh văn Hoàng làm chủ tịch Liên Hiệp Việt kiều ở Marseille vì ông học ở đây, năm 1960, được Giáo sư Lê văn Thới mời về Sài gòn dạy Hóa học ở Đại Học Khoa Học Sài gòn, sau làm Phó Khoa trưởng môn Sinh lý Sinh hóa. Đầu những năm 80, ông qua Pháp định cư ở Le Blanc-Mesnil 93, mất 2010 ở Antony) đã tận tình săn sóc ông cho tới khi lành bịnh. Vậy mà, sau 1975, vào Sài gòn, gặp lại Ông Bà Đinh văn Hoàng, ông không chào, làm ngơ như chưa bao giờ có quen biết. Ông giữ thái độ đạo đức của người cộng sản tinh ròng. Ông không nhìn Ông Bà Đinh văn Hoàng vì năm 1960 ông bà về Sài gòn làm việc cho Chánh quyền Sài gòn thay vì về Hà nội. Mà Ông Bà Đinh văn Hoàng hoạt động Liên Hiệp Việt Kiều chỉ vì xu hướng theo phong trào chống thực dân Pháp, đòi Độc lập cho Việt nam chứ họ không phải đảng viên cộng sản.
Cũng vì Liên Hiệp Việt kiều mà lúc làm việc ở Đại học Khoa học Sài gòn, ông Hoàng bị nhìn là người gốc cộng sản. Đến sau 30/04/75, những người bạn đồng nghiệp trước kia nhìn ông là cộng sản, nay lại phê bình ông là người nặng đầu óc ngụy. Không biết khi chết, ông chọn đi theo ngã nào ?
Tấm gương cộng sản kiên cường Nguyễn Khắc Vìện
Cũng Ông Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện này, những năm Đức chiếm Pháp, nơi ông học và chữa lành bịnh phổi trong gần mười năm dài, ông vận động một nhóm bạn qua Berlin xin Cơ quan Ostasia Institute trợ cấp tiền bạc, hoạt động cho Đức Quốc Xã (AOM, Indochine, Nouveau Fond, Hộp Hồ sơ 145, Hồ sơ số 1305 - MẬT). Ông còn dẫn 300 lính thợ qua Berlin đầu quân với Hitler. Trên tờ báo viết tay Nam Việt do ông chủ trương và thực hiện, số 44, ra ngày 06 tháng 08 năm 1944 tại Paris, ông viết một bài Quan điểm « Vì Đâu » không tiếc lời ca ngợi chế độ độc tài của Hitler: « độc tài là chế độ tổ chức quyền lực từ trên xuống do một ngưòi tài ba lãnh đạo, không cần ý kiến của Quốc hội chỉ là thứ thọc gậy bánh xe…».
Những năm Cải cách Ruộng Đất ở Bắc, phụ thân của ông, Cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, người làm quan đi khắp nơi đều được dân thương, bị Đội Cải cách đấu tố đến chết thảm vì tội địa chủ, phong kiến, mà tuyệt nhiên ông Viện chẳng những không hề lên tiếng bênh vực cha mà còn tiếp tục theo cộng sản phục vụ tận tụy đường lối của Hồ Chí Minh. Sau này, Ông Đặng văn Âu điện thoại nhắc lại chuyện thân phụ của ông bị đấu tố như vậy mà tại sao ông vẫn theo được Hồ Chí Minh, ông trả lời « Vì muốn có Độc lập » (Âu Đặng, Thơ gởi Chị Hoàng Ngọc An v/v Bs Trần văn Tích và đảng Việt Tân –internet). Phải chăng vì lúc đó, một phần lớn trí thức Việt nam ở Pháp đều gia nhập Hội Văn hóa Liên hiệp tại Pháp, ngã theo cộng sản vì họ tin «Chỉ có kháng chiến và chánh phủ kháng chiến do Hồ chí Minh lãnh đạo mới có thể bảo đảm một nền độc lập và dân chủ thật sự ở Việt nam?» ( Báo Cứu Quốc, số 1343, ngày 10/09/1949).
Bs Viện làm chủ nhiệm nhà xuất bản ngoại ngữ ở Hà nội, ông dịch một ít tác phẩm văn học Pháp, thỉnh thoảng viết cho báo Pháp những bài tuyên truyền cộng sản. Năm 1992 (Chánh phủ xã hội Mitterrand), ông được Hàn Lâm Viện Pháp trao tặng giải thưởng Francophonie vì có công đóng góp và phổ biến tìếng Pháp. Dư luận Pháp công kích, nhắc lại ông đã từng chạy theo Hitler. Tuần báo Le Canard Enchainé, số ra ngày 9 tháng 12 năm 1992, châm biếm Hàn Lâm Viện cấp cho ông giải thưởng «Pháp thoại cà chớn» (Franco-Connerie). Phải chăng vì trước phản ứng bất lợi của dư luận Pháp mà Ông Viện chỉ nhận tiền thưởng đem đóng góp đảng cộng sản, mà phải giữ im lặng, không dám trả lời báo Le Canard Enchainé và nhiều báo khác? Người cộng sản luôn luôn «lợi cho đảng là làm, chết bỏ» nhưng không bao giờ biết lẽ phải là gì. Mục tiêu trên hết!
Ngày 21 tháng 06 năm 1981, đến gần cuối đời, Bs Nguyễn Khắc Viện mới cảm thấy đau lòng trước tình hình bi đát của Việt nam sắp lao xuống vực thẳm, ông bèn viết một bức thư dài gởi Quốc Hội, đưa ra một số nhận xét và đề nghị thay đổi «Tình hình này không thể kéo dài và đòi hỏi có những sự thay đổi quan trọng về nhiều mặt… Nhứt là đi sâu vào những sai lầm, tìm gốc rể, nên đặt vấn đề tư tưởng: tư tưởng Mao xâm lấn vào Việt nam đến mức nào? Nay phải gột rửa như thế nào? Không nên quên rằng năm 1951 đã ghi vào Điều lệ đảng tư tưởng Mao chỉ đường cho chúng ta, không quên rằng tất cả những cách làm ăn, chính huấn, tổ chức, cải cách ruộng đất, v.v… đã do cố vấn Trung quốc sang giúp…».
Tố Hữu, cấp trên của Viện, đã phê bình một cách mỉa mai thư góp ý của ông là «sớ cải lương», và nói rõ đối với đảng, Nguyễn Khắc Viện chỉ là một «việt kiều» mà thôi. Sau đó, Vìện bị cách ly và về hưu sớm.
Trước đó, Nguyễn Khắc Viện cũng có gởi cho Lê Duẩn một bản đề cương dâng kế chống xu hướng tư bản hóa ở Miền Nam nhưng không được chiếu cố.
Đến lúc Gorbachev đưa ra chánh sách cải cách ở Nga, Viện kiến nghị đảng cộng sản Việt nam nên tiến hành đổi mới nhịp nhàng theo đàn anh.
Nhìn lại, Bs Nguyễn Khắc Viện lần lượt chạy theo Hitler, Staline, Mao, Hồ chí Minh, Lê Duẩn, Gorbachev rồi Nguyễn văn Linh, mà chỉ có mỏi cẳng, thở dốc mà thôi.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nêu một tấm gương sáng suốt đời làm người cộng sản chuyên chính, cúc cung phục vụ Hồ chí Minh và đảng cộng sản mà trước sau vẫn bị đảng xem «chỉ là một việt kiều» tuy có đảng tịch lưỡng đảng: cộng sản Pháp và cộng sản Việt nam ! Vậy những việt kiều ngày nay hay một số người Việt nam ở hải ngoại mon men về Việt nam, bày tỏ thiện chí, lòng yêu nước để mong đóng góp khả năng, tiền bạc cho cộng sản xây dựng đất nước, tưởng nên xét mình có tận tụy bằng Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không?
Vào những ngày cuối đời, Bs Nguyễn Khắc Viện bày tỏ ước mong tâm huyết sau cùng «sau khi chết, bài vè 12 câu về sức khỏe là di sản của ông mà thôi». Ông muốn phủ nhận công hãn mã của ông phục vụ cộng sản?
Và ông đã phải bộc lộ tâm sự thầm kín của người trí thức cộng sản «Vô sản không đáng sợ bằng vô học»!
Nhưng «có học» mà suốt đời theo cộng sản như một thứ bị quỉ ám thì không đáng sợ hơn sao?
Nguyễn thị Cỏ May
Bàn về bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
Nguyễn Thanh Giang
Khu tập thể Địa vật lý Máy Bay
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một trí thức tên tuổi của Việt Nam và cả quốc tế. Tất nhiên, trong giai đoạn đầu của cuộc đời, Bác Sĩ nổi tiếng là một trí thức Cộng Sản nhiệt thành và hy sinh chẳng những cho phong trào Cộng Sản mà còn cho sự xây dựng chủ nghiã xã hội tại Việt Nam.
Một người như thế - có thể nói toàn bộ cuộc đời cống hiến cho xã hội, với tâm huyết xây dựng, cải tiến chế độ đương thời cho dân chủ, cho tốt đẹp hơn (đúng là sau này ông có tỉnh ngộ về thực chất xã hội chủ nghiã và muốn thay đổi nó), đáng lý ra phải được hưởng những gì xứng đáng với sự hy sinh của ông; thì ngược lại, vì ý thức tiến bộ và dân chủ - tức muốn có dân chủ trong hệ thống chính trị và xã hội Việt Nam, ông đã phải trả giá!
Xin theo dõi giai đoạn từ năm 1962, mốc thời gian BS NGUYỄN KHẮC VIỆN chuẩn bị về nước, dẫn dần đến kết cục bi thảm của cuộc đời của ông trước khi qua đời. Đây là trường hợp điển hình diễn tả một người có công lớn đối với xã hội đã bị chế độ vùi dập như thế nào.
Năm 1962, do sự điều đình giữa chính quyền Ngô Đình Diệm với nhà chức trách Pháp, chính phủ Pháp ký lệnh trục xuất Nguyễn Khắc Viện. Ông nán lại một thời gian để làm báo cáo công tác và giúp đỡ đoàn chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Mai Văn Bộ làm đại diện tại Paris. Ngày 27 tháng 4 năm 1963, ông được Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa về nước qua đường Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc. Buổi ông rời Pháp lên đường, kiều bào và các bạn Pháp kéo đến tiễn chân, đông như một cuộc biểu tình.
Về nước, ông được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ làm Ủy viên Ban Đối ngoại, trực tiếp phụ trách công tác tuyên truyền quốc tế. Ngoài nhiệm vụ tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam và tạp chí Etudes Vietnamiennes ông còn phải đảm trách chức giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn. Hàng trăm bài báo và đầu sách ông viết bằng tiếng Pháp gửi các báo nước ngoài hoặc cho 3 cơ quan trên, khỏi phải nói, đã giúp bạn đọc Pháp và những nước nói tiếng Pháp hiểu Việt Nam một cách có lợi cho chế độ.
Giáo sư Hoàng Như Mai nhận xét là: “ Văn phong của anh Viện – khi viết Pháp văn – giản dị, trong sáng, khúc triết. Tôi nghĩ rằng anh Viện viết thứ văn Jules Michelet, Ernest Renan, một thứ văn thuần Pháp”.
Tiên phong trong sự nghiệp đổi mới và dân chủ hoá đất nước
Năm 1963, khi mới về nước, Nguyễn Khắc Viện đã tuyên bố một câu mà sau đó được giới trí thức ở Hà Nội lưu truyền: “Nếu mở mắt ra, nước Việt Nam biến thành nước Pháp thì tôi đi theo chủ nghĩa tư bản, còn như phải đi 200 năm đầy máu và nước mắt để Việt Nam trở thành nước Pháp thì tôi theo Liên Xô”.
Khi Liên Xô sụp đổ, nhà báo Lê Phú Khải thẳng thắn thân tình hỏi ông: “Khi xưa, mới về nước, bác đã nói một câu nổi tiếng về Liên Xô, nay Liên Xô đã tan rã rồi …giờ “cụ” nghĩ sao đây?”. Vẫn điềm đạm, chân tình, Nguyễn Khắc Viện trả lời: “ Giờ thì tôi đi theo kinh tế thị trường văn minh chứ không phải tư bản hoang dã …”.
Cái thứ xã hội chủ nghĩa mà Nguyễn Khắc Viện cũng như nhân dân ta đã ngây thơ kỳ vọng tới, đã đau đớn xả thân một cách lầm lạc vì nó đã không hề có trong thực tế ở Liên Xô, ở Trung Quốc… Về sống cùng quê hương xứ sở, Nguyễn Khắc Viện mới bàng hoàng nhận ra: “Chủ nghĩa xã hội ngây thơ mang tính hoàn toàn Nhà nước thúc ép tất cả mọi người vào một cái khung áp đặt từ trên xuống, tạo ra một bộ máy quan liêu và hào lý nặng nề, tiêu diệt óc sáng kiến của nhân dân” (2).
Từ cái đường lối xã hội chủ nghĩa quái đản ấy đã buộc phải thực thi những chủ trương, biện pháp sai lầm đến mức như là phản động. Nguyễn Khắc Viện phát biểu: “… sau này theo dõi thực tế và nghĩ lại, tôi mới thấy hợp tác hoá thực chất là tập thể hoá, tước đoạt quyền làm chủ của người nông dân trên mảnh đất của họ. Quyền sử dụng ruộng đất ở nông thôn, trồng gì, giá cả ra sao, chi phí thế nào … do bí thư, chủ tịch, chủ nhiệm hợp tác xã quy định, dân không có quyền gì nữa. Bộ máy dần dần thoái hoá, tiêu xài phung phí, lạm dụng quỹ chung của hợp tác xã, nông dân làm ra, cuối cùng tính công điểm chẳng còn bao nhiêu. Người nông dân không hào hứng nữa, đánh kẻng rồi mới đi làm, không còn cảnh ra đồng sớm như trước nữa. Cuộc sống nhiều khi dựa trên thu nhập từ kinh tế gia đình, trên đất 5% là chủ yếu, mặc dù nuôi được một con lợn, muốn bán cho ai, bán lúc nào, giá cả ra sao, cũng không có quyền quyết định” (3).
Ở miền Bắc, hợp tác xã có điều kiện thuận lợi hơn nên lúc đầu cũng có một số tác dụng, nhưng càng về sau càng bộc lộ những bất cập, kềm hãm sản xuất ghê gớm. Thế mà sau khi giải phóng Miền Nam, Đảng vẫn chủ trương hợp tác hoá nông nghiệp ồ ạt, đặt chỉ tiêu một cách ngông cuồn: Năm 1980 phải hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp toàn miền Nam!
Đi theo đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng những chủ trương, biện pháp hết sức sai lầm, Đảng đã nghèo khổ hoá nhân dân và đẩy đất nước đến bờ vực thẳm. Tuy nhiên, khi chợt bừng tỉnh, Đảng lại đi từ sai lầm tả khuynh đến sai lầm hữu khuynh khi giương cao khẩu hiệu “Đảng viên cũng phải biết làm giầu”. Thực tế ấy làm Nguyễn Khắc Viện trăn trở: “Cách mạng Pháp nêu khẩu hiệu “ Tự do-Bình đẳng-Bác ái ”. Trên cái nền “Tự do-Bình đẳng-Bác ái“ ấy mà nước Pháp trở thành giầu có. Nếu chỉ nêu khẩu hiệu làm giầu mà bất chấp mọi thứ thì sẽ dẫn đến chụp giựt, sa đọa, lừa đảo, phá hoại cả môi trường nhân văn và môi trường sinh thái” (4).
Trong cơn khát làm giầu như thế, hàng loạt cán bộ, đảng viên đua nhau móc ngoặc, tiếp tay cho con buôn, lạm dụng công quỹ, lợi dụng đất đai, tài sản, phương tiện của nhà nước để vơ vét vào túi tham vô đáy của mình. Ông viết bài Chống tiêu cực” vạch rõ: “Tình trạng cán bộ tham ô, ức hiếp nhân dân, không chỉ là trái đạo đức, mà còn là vấn đề chính trị”.
Kiến nghị bảy điểm
Khi tình hinh xã hội đã trở nên rất nghiêm trọng, ông viết “Thất trảm sớ” gửi Quốc hội. Nội dung tóm tắt như sau:
1 - Đường lối đề ra tiến lên sản xuất lớn XHCN, nhưng phải điều chỉnh lại để sản xuất nhỏ cũng có vị trí nhất định.
2 - Phải mở rộng quan hệ quốc tế rộng rãi, trước hết là với các nước anh em đã có quan hệ lâu năm. Việc làm ăn với Liên Xô nên đàng hoàng, thân tình, cởi mở hơn, không để cho tinh thần chống chủ nghĩa xét lại khống chế một cách nặng nề.
3 - Ở các cấp có 2 bộ máy mà bộ máy Đảng đứng trên bộ máy Nhà nước thì bộ máy Nhà nước không thể có hiệu lực, không thể nào phát triển kinh tế, văn hoá được.
4 - Thưởng phạt phải nghiêm minh.
5 - Báo chí chỉ thông tin một chiều nên không phản ánh được dư luận của nhân dân. Chế độ kiểm duyệt quá sát sao, không cho đăng ý kiến của quần chúng nên đã dẫn đến những sai lầm.
6 - Đáng nhẽ khoa học xã hội phải đi trước một bước nhưng vì phải đợi chủ trương đường lối để minh hoạ nên chẳng đóng góp được gì xứng đáng.
7 - Đại hội lần thứ 2 của Đảng (1951) đã xác định đường lối cơ sở Đảng ta dựa trên căn bản chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông. Cần nghiên cứư lại tác hại của tư tưởng Mao Trạch Đông để xoá bỏ tàn tích của nó.
Trong bản kiến nghị có một câu rất hay khi nói về quyền bình đẳng trước pháp luật: “Không làm theo kiểu phong kiến: dân thì chịu hình pháp, quan thì xử theo lễ”.
Trong một bài viết nhan đề: “Then chốt: cải tổ bộ máy”, ông vạch rõ: “Hai nhược điểm cơ bản (của bộ máy Đảng-Nhà nước ) là: 1) Thiếu nhạy bén trước yêu cầu của nhân dân, của tình hình mới của thời đại. 2) Cơ cấu tổ chức ngăn cản những tiến bộ của kinh tế xã hội. Bộ máy Đảng-Nhà nước thiếu nhạy bén do cách làm ăn thiếu dân chủ, thiếu khoa học” (4).
Ông nêu những nhận xét khái quát: “… Việt Nam có truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết với nhau, tức là có những thể chế bảo đảm quyền của cộng đồng đứng trước bộ máy nhà nước, bộ máy tôn giáo. Nhưng khái niệm và thể chế để bảo đảm quyền của con người, quyền của công dân thì chưa có …dân chủ là một khái niệm mới thì chúng ta buộc phải nhập từ Phương Tây. Việc gì phải che dấu chuyện này ” (3 ). “ Nhân dân ta có nhiều truyền thống tốt đẹp, như kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm, sống có tình có nghiã, nhưng truyền thống dân chủ thì chưa có. Con chỉ biết phục tùng cha, dân phục tùng vua quan, cá nhân phục tùng đoàn thể, vợ phục tùng chồng, trò phục tùng thầy; phục tùng trong hành động, trong cả suy nghĩ. Bề trên vừa là chỉ huy, vừa là thầy, là thánh, chân lý phát ra từ cấp trên. Không thể làm khác ý đồ của trên (2)”.
Ông bác bỏ luận điệu xảo trá, hù doạ rằng dân chủ sẽ đưa đến loạn lạc: “Ý kiến tôi cũng như nhiều anh em khác mong mỏi có dân chủ hoá. Ai cũng muốn có ổn định, chứ không phải muốn cho xáo trộn loạn lạc lên đâu. Nói như vậy chỉ là sự vu khống. Chính vì muốn tránh bùng nổ, mà tôi muốn nhịp độ dân chủ hoá phải nhanh hơn, nếu không, bề ngoài cứ tưởng là ổn định, nhưng tình trạng mất dân chủ gây nên phản ứng như những đợt sóng ngầm, đến lúc nào đó không tránh khỏi bùng nổ. Kinh nghiệm Liên Xô và Đông Âu rất đáng cho ta suy ngẫm” (3).
Ông ngán ngẩm, nhưng lại kỳ vọng: “Một sự im lặng đáng sợ đang trùm lên cả xã hội: ít ai động vào đưa ra một sáng kiến, người thì chạy vạy cho cuộc sống hết hơi, hết ngày, người thì chán nản bi quan, ngay cả phẫn nộ cũng không còn sức. Đất nước ta hiện nay đang cần những con người chủ động, có óc sáng tạo để cải tổ mọi lĩnh vực trong cuộc sống xã hội. Làm sao khuấy lên được hào hùng, tin tưởng, phẫn nộ”. (2)
Ông hồ hởi mừng vui đón nhận từng tín hiệu nhỏ làm tiền đề cho cuộc đấu tranh vì sự nghiệp dân chủ hoá: “Vụ đổi tiền tháng 9 năm 1985 quả là một tai hoạ ập đến với nhân dân ta. Nhưng nói như một ngạn ngữ phương Tây, bao giờ tai họa cũng có mặt hay của nó. Lần đầu tiên, ở nước ta, mọi người đều thấy lãnh đạo tối cao cũng có thể phạm sai lầm nghiêm trọng. Trước đó một số người đã suy nghĩ như vậy, nhưng cái mới là nay số đông bắt đầu suy nghĩ như vậy. Và dĩ nhiên, tiếp theo là từ nay ta không thể khoán trắng cho lãnh đạo suy nghĩ, động não thay thế cho mọi người” (3).
Ông hô hào: “Đừng ngồi yên chỉ biết than phiền, kêu ca. Đừng ngồi mong chờ ở “ông” khác. Trên dưới đều có người tiến bộ, có người bảo thủ, dưới có quậy, trên mới thay đổi”( 2 ). “Từ bỏ chủ nghĩa xã hội nhà nước, từ trên áp đặt xuống, ta sẽ xây dựng một chủ nghĩa xã hội trong đó Đảng lãnh đạo, lãnh đạo chứ không ôm lấy mà làm mọi việc. Đảng với nhân dân cùng suy nghĩ, có trao đi đổi lại, chứ không phải Đảng phán ra, nhân dân cúi đầu vâng theo”.(2)
Ông kêu gọi làm cách mạng: “ Trước kia chúng ta đã dựng nên một cuộc cách mạng dân tộc, nhân dân, quốc tế rộng lớn chống đế quốc ngoại xâm. Chúng ta đã tiến hành mấy cuộc kháng chiến trường kỳ nhiều mặt, để chống lại tư bản man rợ, không để nó tác oai tác quái, nay phải dựng nên một mặt trận dân tộc, nhân dân, quốc tế còn rộng hơn; tiến hành một cuộc kháng chiến mới lâu dài hơn, đa dạng hơn, mới mong hạn chế được tham nhũng, bảo vệ được môi trường, giảm nhẹ bất công xã hội, phân hoá giầu nghèo, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, phát huy tình người, tôn trọng quyền phụ nữ, trẻ em, các nhóm thiểu số. Một cuộc kháng chiến nhiều mặt với báo chí, tivi, sách vở, phim ảnh. Thành lập đủ các thứ hội đoàn, đình công, biểu tình … không bỏ sót ngóc ngách nào, trong nước, ngoài nước, đứng ở bất cứ vị trí nào cũng có thể tham gia … Chúng ta sẽ làm cho những tư tưởng dân chủ, công bằng xã hội, tinh thần quốc tế, tình nghĩa giữa người và người thâm nhập vào đại chúng. Kỹ thuật hiện đại trao cho chúng ta đầy đủ phương tiện làm việc này, biến tư bản man rợ thành tư bản văn minh. Hãy cùng nhau bước vào cuộc kháng chiến mới ” (5).
Kêu gọi bằng “hịch”, lại kêu gọi bằng thơ:
Có những người đã thức dậy
Lúc gà chưa gáy
Biết bao nhiêu còn ngái ngủ
Gáy lên đi, gà ơi !
Cho đời rộn lên, người người tỉnh thức…
Cho con người đứng thẳng lên…
Không cúi đầu trước quyền lực…
Ông vạch ra một tiến trình:
“Quá trình dân chủ hoá thể hiện qua mấy khâu:
- Đầu tiên là nhận thức của số đông là mỗi người có quyền làm công dân, có quyền suy nghĩ, nói lên ý của mình, không ai được xâm phạm những quyền cơ bản mà hiến pháp và pháp luật đã quy định
- Báo chí trở thành công cụ sắc bén của dư luận
- Các cơ quan dân cử như Quốc hội, các đoàn thể làm nhiệm vụ là thay mặt cho dân, chứ không làm “ cây cảnh ” nữa
- Những cơ quan tư pháp giữ tính độc lập, xử theo pháp luật, không chấp nhận một sức ép nào do bất kỳ từ đâu ” (2)
Hỏi ông có tin vào hiệu năng đấu tranh của lực lượng dân chủ, ông trả lời: “Theo tôi, nếu mọi người tiếp tục đấu tranh thì có 80% công cuộc đổi mới sẽ thành công, nhưng cũng còn 20% bất trắc, chủ yếu do sức chống đối của những người được hưởng đặc quyền đặc lợi mà bộ máy cũ mang lại cho họ” (4).
Vô cùng tiếc và thương một chí khí ngoan cường
Nguyễn Khắc Viện không chỉ mạnh dạn phê phán và đóng góp nhiều ý kiến mới lạ so với chủ trương đường lối của Đảng nên nghe rất “ nghịch nhĩ “ mà còn thẳng thắn, chân tình góp ý với nhiều quan chức cao cấp trong Đảng. Nghe tin Đảng định đưa nhà thơ Tố Hữu làm thủ tướng chính phủ, ông gặp trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nguyễn Đức Tâm bầy tỏ ý kiến phản đối.
Trước Đại hội VI ông đã từng viết một lá thư gửi ông Tố Hữu, đại ý như sau: Trước kia, tôi rất mến phục tài thơ của anh, tôi thích thú một số bài thơ của anh và đã dịch những bài đó ra tiếng Pháp đưa ra quốc tế. Nhưng anh làm lãnh đạo chính trị, đặc biệt về văn hoá văn nghệ, rồi làm phó thủ tướng, làm kinh tế như thế này, không ai đồng tình, nhiều người oán trách, anh nên biết rõ. Dịp này anh nên tự nguyện rút lui, đừng ứng cử vaò Trung ương nữa, trở lại làm nhà thơ, chắc anh sẽ lại được lòng kính mến tài làm thơ của anh.
Ông họa thơ Tố Hữu:
Năm mươi năm ấy vẫn còn thơ
Từ bấy đua chen mãi đến giờ
Mái tóc pha sương chưa hết dại
Con tằm rút ruột chẳng còn tơ
Thuyền con quá tải không qua sóng
Mộng lớn tài hèn chớ ước mơ
Với giá, lương, tiền dân khốn đốn
Trăm năm bia miệng, hỡi nhà thơ!
(Bài thơ của Tố Hữu đăng trên báo Văn nghệ, lúc ấy được rất nhiều người họa là:
Trên năm mươi tuổi Đảng và thơ
Từ ấy hồn vui mãi đến giờ
Mái tóc pha sương chưa cạn ý
Con tằm rút ruột vẫn còn tơ
Thuyền con vượt sóng không nghiêng ngã
Nghiệp lớn muôn đường lộng ước mơ
Mới nửa đường thôi, còn bước tiếp
Trăm năm duyên kiếp Đảng và thơ)
…Thế rồi! Không biết vì sao và từ đâu, những tai ương bắt đầu bổ xuống đời ông.
Báo Nhân Dân và hầu hết các báo cấm chỉ không đăng bài ký tên Nguyễn Khắc Viện nữa. Chẳng những thế, sau khi đài BBC phát thư kiến nghị của ông gửi Đại hội VII thì trong nước dấy lên một chiến dịch rầm rộ công kích, lên án ông. Khởi đầu là báo Nhân Dân tung ra một loạt bài, không nêu rõ tên Nguyễn Khắc Viện nhưng trích một vài đoạn trong bức thư rồi quy chụp rằng người viết những dòng như thế là có ý đồ thâm hiểm, mượn cớ dân chủ tự do để chống cách mạng, chống Đảng.
Tháng 5 năm 1991, báo công an Thành phố Hồ Chí Minh loan báo trong màng lưới tay sai cho gián điệp, có một tên gián điệp ở Pháp về. Cùng luận điệu đó, có bài ghi rõ tên đầy đủ, có bài ghi tắt N.K.V. Cán bộ tuyên huấn của Đảng đi nói chuỵện khắp nơi rằng trong nước có một nhóm chống Đảng, chống cách mạng mà Nguyễn Khắc Viện là một phần tử.
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1 tháng 6 năm 1991, câu lạc bộ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tổ chức buổi nói chuyện về tâm lý trẻ con. Khi săn biết diễn giả là Nguyễn Khắc Viện, lệnh trên truyền xuống phải huỷ bỏ buổi nói chuyện này. Cuối năm đó, khai mạc Phòng khám Tâm lý Trẻ em tại bệnh viện Đống Đa. Đây là Phòng Khám Tâm lý trẻ em đầu tiên ở nước ta. Vô tuyến truyền hình đến quay phim. Nguyễn Khắc Viện là người sáng lập tổ chức, chủ trì buổi lễ và đọc diễn văn giới thiệu ý nghĩa, mục đích việc thành lập cơ sở này. Nhưng, khi phát hình buỗi lễ lên sóng, người ta cắt đi tất cả những đoạn có hình ảnh Nguyễn Khắc Viện.
Rồi Quận uỷ Hoàn Kiếm lôi Nguyễn Khắc Viện ra đấu tố, bắt đứng lên kiểm điểm. Ông từ tốn nhưng kiên nghị nói: Nếu Quận uỷ muốn sinh hoạt chi bộ trao đổi quan điểm và thảo luận về những điều đúng, sai thì tôi làm, còn kiểm điểm thì không, vì tôi không có lỗi gì.
Cứ thế, ngày mỗi ngày càng nồng nực trong xã hội những dư luận xấu. Nguyễn Khắc Viện bị bôi bẩn, bị thoá mạ, bị săn đuổi, bị hăm doạ một cách rất tàn khốc, rất đểu cáng.
Bà Nguyễn Thị Nhất kể rằng: một hôm có người đến thăm, hỏi ông Viện đi đâu. Quen nói giọng Sài Gòn, bà trả lời: Nhà tôi chạy đâu rồi ấy. Thế là người đó hớt hải loan tin và dư luận đồn ầm lên rằng Nguyễn Khắc Viện đã trốn ra nước ngoài. (Tiếng chạy với người Sài Gòn chỉ là “đi đâu đó thôi ”, nhưng người khách miền Bắc kia lại hiểu là bỏ trốn).
Ông Hoàng Nguyên kể rằng một hôm vào khoảng cuối năm 1998, ông đang ngồi làm việc tại tòa soạn báo Le Courrier du Vietnam thì nhà điện ảnh nổi tiếng, lão thành P.V.K. hớt hải chạy vào hỏi: “Thế nào, anh Viện bị bắt rồi à?”, trong khi ông Viện vẫn đang ngồi làm việc ở tầng trên.
Cảm thương và kính phục, nhiều người đã tặng thơ ông. Bà Phương Tho - em gái ông- viết những dòng bi tráng ca:
Đứng giữa hai làn đạn
Vẫn mực thước, khoan dung
Với tấm lòng thanh thản
Với sỹ khí hào hùng
Ông Đặng Minh Phương tặng đôi câu đối:
Kiến thức bách khoa phong phú, từng trải Đông Tây, tác phẩm uyên thâm đồ sộ, ở Pháp quốc kiên trì tranh đấu, tấm lòng với nước tận trung, vòng danh lợi coi khinh, lương tâm to sáng
Tài năng đa dạng hiếm hoi, tinh thông kim cổ, tư duy sắc sảo tuyệt vời, về Việt Nam bền bỉ dựng xây, ngòi bút vì dân cương trực, thói quan liêu căm ghét , nhân cách ngát hương.
Một đêm tháng 4 năm 1988, được Nguyễn Khắc Viện đến thăm và ngủ lại nhà mình, nằm thao thức trong đêm Mỹ Tho, nhà báo Lê Phú Khải đã viết bài thơ:
Đãi ông một bữa cơm nghèo
Trải giường ông nghỉ, lòng nhiều xót thương
Lưng già ít thịt nhiều xương
Sáu, năm vết mổ sẹo còn đầy vai
Con đường dân chủ công khai
Ông như lão tướng một đời xông pha
Bọn quan liêu-lũ gian tà
Kính ông ngoài mặt, bỉ dè sau lưng
Núi sông được mấy anh hùng
Thế gian được mấy cõi lòng trinh trung?!
Khi biết ông chắc chắn sắp chết, Nguyễn Khoa Điềm vội vàng đến gắn tấm huân chương Độc lập Hạng Nhất lên bộ ngực ông đã dính đét xuống giường.
Người ta thấy mai mỉa không ít với tấm huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Sao vàng. Người ta càng thấy tủi buồn về tấm huân chương Độc lập Hạng Nhất trên ngực Nguyễn Khắc Viện.
Dẫu sao, chỉ một cái tên Nguyễn Khắc Viện không thôi đã nói lên cái gì đó của một con người trí thức, dù đứng ở bên nào!
26 Tháng 1 2006 - Cập nhật 22h26 GMT
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Khu tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm - Hà Nội
Ghi chú:
(1) Huân Chương Độc Lập Hạng Nhất, người gắn là Nguyễn Khoa Điềm (xin xem đoạn cuối bài)
(2) Đổi mới – Nhà xuất bản Thanh niên - 1988
(3) Ước mơ và hoài niệm – Nhà xuất bản Đà Nẵng ( Phần không được in )
(4) Nguyễn Khắc Viện, tác phẩm – Tập 2- Nhà xuất bản Lao động
(5) Bài “ Bước và cuộc kháng chiến mới ” ( tháng 6 năm 1993)
* * *
Quí vị có suy nghĩ gì về những ý kiến của ông Nguyễn Thanh Giang và những kiến nghị của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khi sinh thời?
Teu, Hà Nội
Trong diễn đàn này, chúng ta đã nói nhiều đến nhà trí thức Nguyễn Khắc Viện. Tôi chỉ muốn nói rằng không phải chỉ có một mình ông Viện mà nhiều trí thức khác được đào tạo bài bản ở Pháp vì yêu nước, tha thiết muốn phục vụ dân tộc đã trở về và đã bị vùi dập khi họ cất tiếng nói về dân chủ. Một trong những trí thức tài năng, người đầu tiên của VN có hai băng tiến sĩ văn khoa và luật khoa tại Pháp là ông Nguyễn Mạnh Tường đã bị cộng sản vùi dập cho đến hết đời. Toàn bộ những nghiên cứu, bài viết của ông đều không được xuất bản ở VN. Những năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc, ông Tường được điều về làm dịch thuật ở Nhà Xuất bản Giáo dục, nhưng không ai in những gì ông dịch.
Tôi lúc đó còn nhỏ, được chứng kiến ông Tường nuôi một đàn gà và mọi người cười ông "Trí thức lớn cho gà uống phi la tốp kìa". Tôi hiểu ông bất đắc chí. Lòng tôi đến giờ vẫn không hết xót xa khi nhớ về ông. Nói như người Việt mình nói "ông bị cho ngồi chơi xơi nước". CS đã vô hiệu hoá ông, họ sợ những kiến thức của ông. Họ chà đạp ông vì họ quá dốt nát. Người con gái lớn của ông, chị Nghi, học rất giỏi, nhưng cũng không được vào đại học, mà bị đưa đi đào than ở vùng than Quảng Ninh. Gia đình ông Tường hiện vẫn còn ở phố Tăng Bạt Hổ (HN). Vợ ông vẫn còn sống. Tôi mong có ai đó xót xa cho những thân phận trí thức bị chà đạp dưới chế độ CS tìm gặp và viết lại bi kịch của cuộc đời tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường.
Kỳ quốc Dũng
Ông Nguyễn khắc Viện là một trí thức khuynh tả. Ở trong các nước tư bản luôn luôn có các ông nội trí thức khuynh tả. Đó là các ngài trí thức ngây thơ với Cộng sản và khi về sống với Cộng sản thì vỡ mặt ngay. Ở nước VNCH thì có khối ông trí thức khuynh tả. Hiện nay số này ân hận rất nhiều nhưng ngậm đắng nuốt cay mà thôi. BS Nguyễn khắc Viện đã là một gương xấu do ông ta ngây thơ với CNCS và khi được vào tròng sống với CS thì chỉ còn cách là hoặc đi theo đến cùng hoặc là sám hối nửa đường.
Họ không dám làm một dissident đâu bởi vì mấy ai có can đảm thú nhận là mình sai bao giờ. Nói về ông tôi chỉ tiếc cho nhận thức chính trị của ông về CNXH còn thì các đóng góp của ông về khoa học, giáo dục và tâm lý trẻ em thì đáng trân trọng . Một trí thức khuynh tả khác vừa qua đời là ông Lý Quý Chung , ông ta chỉ có thể được chính quyền CS cho phép lên gân với bóng đá trên các tờ báo mà thôi và nhà trí thức khuynh tả này cũng có thể liệt vào hàng ngũ các trí thức khuynh tả, ngây thơ với chủ nghĩa cộng sản vậy.
Nguyen Vu, Anaheim, Hoa Kỳ
Đây là câu chuyện có thật, xãy ra vào thời gian 1980's. Tôi có người một quen ở Quảng Ngãi, có nuôi một con gấu con mới đẻ. Ông ta cưng chiều, cho nó bú sữa, chăm sóc nó hằng ngày như một đứa trẻ sơ sinh. Nó càng lớn, càng ăn nhiều và trở thành thân thiết với ông. Tuy gia đình không được khá giả lắm nhưng ông vẫn phải hy sinh nuôi nó. Ông nuôi được ít năm thì nó trở thành rất to lớn và ăn rất nhiều nên ông không thể cho nó ăn uống đều đặn như trước nữa. Nó trỏ thành gánh nặng cho gia đình, nên đã kêu ngưòi gạ bán mật cũa nó. Nhưng ông chưa kịp làm thì tự nhiện ông biến mất. Đi tìm kiếm mãi thì ngưòi ta mới khám phá ra là ông ta đã bị con gấu, vì quá bữa, đói quá đã ăn thịt ông mất rồi. Mọi ngưòi đến phân ưu, thương tiéc ô! ng, nhưng lại nghĩ ông dại, quá dại ! Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng thế, nhưng BS Viện dại, đáng trách hơn ngưòi nuôi gấu. Vì không những cá nhân ông Viện bị hại mà ông còn tuyên truyền, lôi kéo để nhiều ngưòi khác, vì nghe lời ông mà cũng bị hại lây.
Không tên, Huế, VN
Thật đáng thương cho cụ Nguyễn Khắc Viện. Cháu tuy còn nhỏ nhưng sau khi đọc xong bài viết này cháu thấy chế độ này thật dã man. Sự thật này khác xa với những gì chúng cháu được học ở trường. Cháu cảm thấy chúng ta cần đứng lên để có một cuộc sống và một đất nước tưoi đẹp hơn như mong muốn của cụ Nguyễn Khắc Viện. Thật đáng thương cho số phận bi thảm của cụ Viện. Kính mong đài hãy đăng bài này của cháu.
Hồ Minh, Sài Gòn, Việt Nam
Thật khâm phục bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, và đây cũng là bài học mà các Việt kiều nên suy ngẫm, thật sự các bạn Việt kiều có phải là khúc ruột ngàn dặm của nhà nước Việt Nam hay không?
VK
Chính trị VN có 3 loại người. Loại thứ nhất tự hỏi: "Tôi có thể làm gì cho nhân dân, quốc gia?" Loại thứ 2 tự vấn: "Nhân dân, quốc gia có thể làm gì cho Đảng?" Loại thứ 3 tự kiểm thảo: "Nhân dân, quốc gia, có thể làm gì cho cá nhân tôi?" Ông Viện thuộc loại thứ nhất; ông Hồ Chí Minh thuộc loại thứ 2, hầu hết các quan chức VN (như ông TGĐ cá nếu hút 1 điếu thuốc trong trận bóng đá sẽ bị thua 10 ngàn USD, cá đá banh mỗi tháng bằng 20 thế kỷ tiền lương) thuộc loại thứ 3.
Loại thứ 1 hiện đa số đã chết, hoặc lưu vong ở nưóc ngoài, nều còn trong nước thì hoặc đang ngậm ngùi yên lặng hoặc hiện ở tù. Loại thứ 2 hầu như đã bị diệt chủng chỉ còn vài người cấp tối cao, chẳng cần ăn hối lộ làm gì vì muốn bao nhiêu của cải lại chẳng được. Cả ngân khố VN đều là của họ kia mà. Loại thứ 3 thì hằng hà sa số, đầy dẫy ở đầu đường xó chợ, từ thành thị đến trung ương, mang danh hiệu "đầy tớ nhân dân" để vơ vét của cải, 1 phần dâng lên Đảng, phần khác bỏ túi riêng. Loại thứ 2 tuy bức xức nhưng còn làm được việc, nhưng loại thứ nhất đang rất đau khổ nhìn thấy quốc gia, dân tộc, nhân dân VN đang quá khổ sở khốn cùng mà chẳng thể làm gì được.
.....................................
Đăng ngày 01 tháng 02.2016