banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Những bức thư mùa Noël

Thư gởi Ông Già Noël và thư gởi nàng Juliette của Roméo ở Ý

Nguyễn thị Cỏ May

Noel đã bao lần qua nhưng những bức thư của trẻ con viết và gởi cho Ông Già Noel mỗi năm từ tháng 11 và tất cả đều lần lược được hồi âm cho tới đầu thàng giêng năm sau trong số đó có không ít những bức thư vẫn thật sự làm rung động lòng người. Vì những ý nghĩ ngây thơ, trong sáng của tuổi trẻ. Cho tới gần đây, riêng ở Pháp, số thư trẻ con mỗi năm viết tay gởi cho Ông Già Noel vẫn còn chiếm con số rất lớn. Dĩ nhiên có nhìều cô cậu được cha mẹ hướng dẫn viết bằng computer. Thời đại tin học mà!
Riêng bức thư của cô bé Virginia O’Hanlon, 8 tuổi, ở Manhattan-NY, viết năm 1897 gởi cho báo The New York Sun hỏi “Ông Già Noel có thật không?” bất ngờ trở thành nổi tiếng và vượt thời gian nhờ bức thư trả lời của báo. Giai thoại này từ hơn 100 năm qua được kể lại mỗi mùa Noel.

thư noelMùa Noel năm nay, câu chuyện lại được nhắc lại trên mạng thông tin. Và bức thư trả lời của ký giả Francis Pharcellus lại thêm một lần nữa đánh động lòng người:

"… Virginia, ông già Noel có thật. Ông có thật cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta ảm đạm biết bao. Nếu không có những em bé như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Khi đó cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, chẳng có lãng mạn. Con người chỉ là những cỗ máy khô khan. Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.
...Ông Già Noel vẫn sống và sẽ sống mãi. Hàng nghìn năm sau Virginia à, mà không phải, hàng trăm nghìn năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này. Chúc cháu Giáng sinh hạnh phúc".

Bức thư của biên tập viên Francis Pharcellus Church là hành trang theo suốt cuộc đời Virginia. Trọn đời bà đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ em tật nguyền.
Bà mất năm 1971, ở tuổi 81 và đã mang lá thư phúc đáp của ông Church suốt cuộc đời mình.

Cỏ May nhắc lại chuyện Ông Già Noel nhơn mùa Noel vì nó đã làm cho Cỏ May xúc động không ít hôm tối 24 vừa qua. Trẻ con vui chơi vì mới 10 giờ tối. Người lớn sửa soạn bửa ăn tối. Năm nay, ở Paris, trời không lạnh. Tây có câu “Hể Noel đứng được ở bao-lơn thì Phục-sinh phải ngồi trước lò sưởi”. Tuy không lạnh nhưng cửa sổ vẫn đóng. Thằng bé 7 tuổi tên Lenny, học lớp 1, cứ đòi mở ít nhứt một cửa sổ "để cho Ông Già Noel tới". Trước khi nghỉ học cuối năm, ở trường, cô giáo nói chuyện cho học sinh trong lớp nghe về Ông Già Noel. Và bảo học trò hãy viết thư cho Ông Già Noel xin quà. Học trò viết như một bài tập. Cậu bé Lenny chăm chỉ viết và gởi cả niềm tin vào trang giấy. Các bạn của nó phần đông không có đứa nào tin. Riêng nó tin có Ông Già Noel.
Tối hôm ấy, bất ngờ, cha của nó làm ngã cây thông. Nó òa lên khóc vừa đau khổ “Ông Già Noel không tới…”. Nó hiểu như một điềm không lành. Nó bỏ chạy vào phòng khóc tức tưởi. Và ngủ thiếp đi. Sau đó, mẹ của nó lấy quà ra bày lên những đôi giày của trẻ con để sáng ra, chúng nó nhận quà. Ngủ dậy, Lenny thấy có nhiều quà, reo lên mừng rỡ. Quên những chuyện buồn của tối hôm trước.
Đúng là cái đẹp vẫn ở niềm tin. Và niềm tin của trẻ con là đẹp hơn cả!

Viết thư gởi Ông Già Noël
Trẻ con Pháp viết thư gởi Ông Già Noel hoàn toàn miễn phí. Ban thư ký của ông là Bưu điện và địa chỉ gởi thư là:
Ông Già Noel
14, đường sao xẹt trên Trời
33500 Libourne – France (Miền Tây-Nam Pháp – Gần Bordeaux)
Theo tin mới nhứt, cập nhựt ngày 28 tháng 12 năm 2014, Ban Thư ký của Ông Gìà Noel đã được mở cửa làm việc trở lại. Đó là tin mừng cho tất cả trẻ con ngoan, học giỏi, vì có thể viết thư gởi miễn phí cho Ông Già Noel, xin ông quà. Ông sẽ mang tới đặt dưới chân cây thông vào ngày Noel năm tới.
Hằng năm, vào tháng 11, Bưu điện mở Văn phòng truyền thống tọa lạc ở Thành phố Libourne thuộc Tỉnh Gironde. Năm 2012, Văn phòng nhận được 1,7 triêu bức thư và ăn mừng năm thứ 52. Năm rồi, Văn phòng nhận được 1,2 triêu bức thư viết tay và cả 200000 e-mails của trẻ con trong đó có những hình vẻ và sự mong ước nhận được những món quà và đồ chơi. Những bức thư này gởi tới từ 126 quốc gia trên thế giới. Năm 1962, Văn phòng mới thành lập chỉ nhận được có 5000 thư. Ngày nay, Văn phòng có 60 nhơn viên trả lời thư.
Ngày hằng năm, trẻ con bắt đầu viết thư gởi Ông Già Noel, là ngày 6 tháng 11. Với danh sách kèm theo liệt kê những món quà mong đợi. Tất cả thư nhận được đều được Ban Thư ký đọc kỷ và trả lời liền. Điều đặc biệt là thư không đề địa chỉ đầy đủ, như chỉ ghi «Ông Già Noel», dán lại, bỏ vào thùng thư cũng tới tận Văn phòng của Ông Già Noel và được hồi âm kịp lúc.
Chánh Văn phòng của Ông Già Noel là Bà Teulières. Bà rất xúc động khi đọc qua những bức thư của tác giả từ 3 tới 9 tuổi vì đó là những dòng chữ, những hình vẻ ngoằn ngoèo bộc lộ đầy sự ngây ngô trong sáng, vô cùng dễ thương, gởi cho người sẽ đem tới những niềm vui vào ngày cuối năm.
Qua hơn năm mươi năm hoạt động, Ban Thư ký của Ông Già Noel đã có tên tuổi khắp thế giới.

Những bức thư tình
Chuyện tình ngang trái của Juliette và Roméo đã đi vào lịch sử tình yêu được nhà văn Anh Shakespeare đưa vào kịch nghệ nay trở thành bất hủ.
Juliette vẫn trả lời hằng năm 4000 bức thư gởi tới nhà ở Vérona - Ý, nay trở thành bảo tàng viện lịch sử.
Juliette và Roméo là hai người yêu nhau nhưng cả hai trở thành nạn nhơn của sự xung đột của hai gia đình. Gia đình Capulet của Juliette và Montaigu của Roméo cùng ở thị trấn Vérona, miền Đông Bắc Ý, vào thời Phục Hưng. Những bức thư tình từ trên khắp thế giới gởi tới để tâm sự với Juliette vì cũng đồng cảnh ngộ.
Phần nhiều người viết thư cho Juliette không biết rõ địa chỉ, chỉ ghi ngoài bao thư «Juliette, Vérona (Vérone), Italie». Nhưng Bưu điện Ý vẫn đưa thư tới vì biết thư gởi cho Juliette là những lời tâm sự.
Tại ngôi nhà xưa của Juliette nay là bảo tàng viện, có 10 phụ nữ làm việc tự nguyện để trả lời thư từ. Một bà cho biết những thư tâm sự đó phần lớn gởi từ Pháp, Đức và Huê kỳ. Tác giả những bức thư này là phụ nữ. Có cả những cô gái vị thành niên.
Họ viết thư để bày tỏ tâm sự trong tình yêu và hỏi Juliette cho những lời khuyên bảo để ứng xử. Nhiều người không biết làm thế nào để tỏ tình, để bảo vệ tình yêu, kẻ khác tỏ bày niềm hạnh phúc, sự đau khổ,… Đôi khi thư kèm theo một bức tranh, tấm hình của hai người yêu nhau, hoặc một bài thơ tình.
Văn phòng của Juliette trả lời tất cả thư nhận được. Bằng tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Nhựt, tiếng Nga. Những thứ tiếng mà mười phụ nữ tự nguyện ở đây có khả năng.
Những bức thư trả lời được viết tay, sát theo từng trường hợp của người gởi. Không hề có thứ trả lời chung, một cách kiểu mẫu. Người trả lời viết theo cảm hứng của mình, theo nhịp tim của mình sau khi đọc thư.
Trong năm, có hai mùa, Văn phòng Juliette nhận nhiều thư hơn hết: mùa Lễ Tình Yêu và Noel.
Cỏ May ghi ra đây địa chỉ Văn phòng Juliette để bạn đọc (các Bà trong các Hội Cao niên) có thể viết thư không lo thư bị thất lạc:
Via Galilée
37133 Verona - Italia

Bao-lơn lịch sử Juliette
thư noelDu khách tới Verona không thể không đưa mắt ngước nhìn bao-lơn nơi Juliette đứng nhận lời tỏ tình của Roméo. Verona là một thành phố nhỏ đầy chất lãng mạn nhứt của nước Ý. Nhờ chuyện tình bất diệt của cặp tình nhơn Roméo và Juliette. Thật ra chuyện tình này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thế kỷ thứ XIX, vào năm 1930, biến thành câu chuyện tình hấp dẫn du khách thế giới.
Từ đó, bao-lơn trước ngôi nhà của Juliette được mọi người tới Verona không thể bỏ qua. Nó trông ra cái sân nhỏ, hàng ngày đông đầy du khách tứ phương. Họ chụp hình nhau với «phông» là bao-lơn. Hoặc chụp với pho tượng Juliette trong vườn.
Theo truyền thuyết, mỗi ngưới tới đây, trước khi ra đi, phải gởi lại Juliette một cái gì. Vì vậy, ngôi nhà của Juliette như được gói bằng những tờ giấy lớn, nhỏ, ghi vội những lời yêu đương nồng nàn, hay những lời đầy nước mắt của những ngưòi yêu nhau trong cảnh ngang trái. Hoặc những món nữ trang nho nhỏ. Cả miếng chewing-gum nắn thành trái tim dán lên tường…thư noel
Nếu du khách muốn viếng bảo tàng tình yêu của Juliette, đứng trên bao-lơn, thì phải đóng góp 6e cho chi phí quản lý cơ sở lịch sử này.
Do ảnh hưởng lịch sử chuyện tình bao trùm ngôi nhà của Juliette mà những người tới đây, sau chốc lát nhìn ngắm khung cảnh xong, khó mà không ôm nhau hôn người đi bên cạnh mình.
Cũng theo lời kể lại. Các bà, các cô vào đây, nên rờ vú bên mặt của pho tượng Juliette để lấy hên như giữ được tình yêu bền vững, có đông con.
Còn rờ cả hai vú thì sẽ gặp được người trong mộng. Các ông ế vợ mà rờ cả hai vú của Juliette sẽ có vợ sớm. Chẳng những có một vợ mà tới hai vợ.
Không biết thật sự chuyện này ứng nghìệm như thế nào. Chớ nhiều cặp yêu nhau và thường cải nhau, tới đây, rờ vú Juliette, họ được cơm lành canh ngọt suốt ba năm!
Nếu không tin, xin mời bạn đọc nào, hai người thường cải nhau, tới đây, rờ cả hai vú Juliette thử để biết chuyện sẽ ứng nghiệm tới đâu. Cả những anh chàng ế vợ…

Nguyễn thị Cỏ May

 


Những mùa Noël cũ

Thanh Dũng

alt

Mặc dù chinh chiến điêu linh, quê hương ngập tràn khói lửa, mỗi mùa Giáng Sinh về, cách riêng đối với người dân Sài Gòn, đã trở nên một dịp lễ hội đặc biệt.
Tại trung tâm thủ đô, người ta tưng bừng bày bán thiệp Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới Dương Lịch khắp các vỉa hè, nhiều nhất là trên con đường Lê Lợi, còn gọi là Bonard. Từ thời thập niên 50, 60, những tấm thiệp thiết kế mỹ thuật, đa dạng, thường được in ấn tại ngoại quốc rồi nhập cảnh về, với nhiều màu sắc hình ảnh lung linh đã trở nên rất hấp dẫn đối với giới trẻ Sài Gòn.
Đường Lê Lợi, cũng như đường Nguyễn Huệ và đường Tự Do thường không cho xe cộ lưu thông vào buổi chiều trước đêm Giáng Sinh. Cả khu vực như chỉ dành cho những người đi bộ vui chơi đêm Noel. Các quán cà phê đều đông đúc giới trẻ, vừa túm tụm nhâm nhi cà phê, vừa ngồi ngắm thiên hạ ngược xuôi. Chủ nhân các quán cà phê cũng thường trang trí với cây thông nho nhỏ đặt trên quầy và mở nhạc Noel.
Xen lẫn những giai điệu Giáng Sinh rộn ràng của Âu Mỹ thế nào cũng có lẫn những nhạc phẩm về mùa Noel của các nhạc sĩ Việt. Không ít người Việt lớp cũ có lẽ vẫn còn nhớ những năm xưa Đài Phát Thanh Sài Gòn thường phát lại nhạc phẩm “Mùa Sao Sáng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua giọng hát Giao Linh: “Một mùa sao sáng / đêm Noel Chúa sinh ra đời / người hẹn cùng tôi / ngày về khi đất nước yên vui…” Lời hát thường vang lên vào dạo đầu tháng 12, nửa như báo trước một mùa lễ lớn sắp về, nửa như nhắc nhớ hoàn cảnh loạn ly của xứ sở.

alt
Đúng buổi chiều Giáng Sinh 1964, khủng bố VC gài nổ xe bom tại Cư Xá Brinks này (nằm trên đường Hai Bà Trưng Quận 1 Sài Gòn) giết hại 2 binh sĩ Đồng Minh và nhiều thường dân Việt. Ngày nay, nơi này thành Park Hyatt Hotel

alt
Giáng Sinh 1965, binh sĩ VNCH và đồng minh tặng quà cho trẻ cô nhi một trại mồ côi của Công Giáo tại Xuân Lộc

alt
Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn chiều Noel 1964

alt
Binh sĩ Đồng Minh phát quà cho trẻ em Việt trong vùng chiến sự mùa Noel 1965

Thời đó, tuổi trẻ nam giới không mấy người tránh được đời quân ngũ, làm bổn phận của người thanh niên, bảo vệ đồng bào, bảo vệ miền Nam Tự Do, khi quê hương đang lâm vào cơn nguy biến.
Từng năm từng năm qua, hết động viên từng phần, và đến năm 1968 thì toàn phần Tổng Ðộng Viên. Với những chàng thư sinh phải xếp bút nghiên theo việc đao binh, thì cảnh “anh tiền tuyến, em hậu phương” cũng càng lúc càng thêm phổ biến. Có lẽ có phần từ thực tế này mà nảy sinh một dòng nhạc riêng biệt gọi là “Nhạc Giáng Sinh” qua tiếng hát của các ca sĩ thời thượng hồi đó như Thanh Lan, Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Carol Kim... Nhạc Giáng Sinh Việt không rộn ràng như nhạc Noel Âu Mỹ, trái lại còn có thể ảm đạm, thậm chí buồn bã. Giai điệu lẫn ca từ ám ảnh nỗi buồn chiến tranh (những cuộc tình phân ly, những người tình cùng đi lễ nửa đêm, cùng quỳ thề nguyện trong giáo đường, những yêu nhau rồi lại xa nhau, v.v...)

alt
alt
Phụ nữVNCH những ngày Noel cuối năm 1970

Dòng nhạc Giáng Sinh hay những mùa Noel cũ dễ khơi gợi niềm luyến tiếc một thời Việt Nam Cộng Hoà cách chung và một thời tuổi trẻ rất riêng tư của không ít người Việt. Trong hơn 20 năm, dù gặp hoàn cảnh bất lợi, người Việt quốc gia đã kịp giúp xứ sở của mình thăng hoa: giáo dục khai phóng, xã hội năng động, cầu tiến chưa từng thấy. Bây giờ, gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tâm lý... hoài cổ có lẽ càng khiến dòng nhạc Giáng Sinh, cũng như những kỷ niệm Giáng Sinh xa xưa của một thời chinh chiến càng thêm tha thiết. Xem lại những hình ảnh Sài Gòn xưa cũng có thể vừa để hoài niệm, vừa để trân quý một thời đại tốt đẹp mà những giá trị của nó chưa hẳn đã mai một qua thời gian.

alt
Tạp chí LIFE ghi lại hình ảnh một người trai Việt thời loạn bắt tay binh sĩ Đồng Minh

alt
Một góc Sài Gòn mùa Noel 1972

 

 
An
 
Song Thao
 
caroling_montreal
 

Bản tin chiều ngày 5 tháng 12 vừa qua của đài truyền hình CBC có chiếu cảnh một nhóm khoảng hai chục sinh viên đang hát caroling ngoài đường phố Montreal. Nhìn các thanh niên nam nữ đứng giữa trời lạnh căm của mùa đông, mặt mũi phơi phới hát những bài hát truyền thống của mùa lễ Giáng Sinh, tôi như bắt được thông điệp các em truyền cho mọi người: bằng an dưới thế cho người thiện tâm! Tôi bắt được nhanh chóng như vậy bởi vì chính tôi cũng đã từng đi caroling như vậy.

Cũng lâu lắm rồi, khi tôi còn…trẻ! Giáng Sinh năm 1973, tôi đang theo học tại University of Phillippines mà người dân Phi gọi tắt một cách thân mật pha chút hãnh diện là UP. Bởi vì trường là niềm tự hào của đất nước Phi. Trường có nhiều chi nhánh mà chuyên khoa Canh Nông ở Los Banos là nơi có nhiều sinh viên Việt Nam theo học nhất.
Tôi học ở ngay trường chính tọa lạc tại thành phố Quezon City, nằm sát bên thủ đô Manila. Khuôn viên của trường là một cơ ngơi rất rộng gồm nhiều tòa nhà dùng làm giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, nhà nguyện (Phi là một nước có tới 90% dân chúng theo Công Giáo) và các tòa nhà dùng cho việc học hành khác. Trong khuôn viên còn có vô số các ký túc xá cho sinh viên trú ngụ. Tôi chẳng biết có tới bao nhiêu building dành cho sinh viên nhưng hầu hết các sinh viên đều ở ngay trong trường. Sinh viên ngoại quốc tới du học được dành cho một ký túc xá riêng rất đẹp tên là International justify (Trung Tâm Quốc Tế) mà các sinh viên bản xứ phải ganh tị.
Giáng Sinh năm đó một sinh viên du học Việt Nam đang học năm chót về kinh tế, anh Quý, có sáng kiến tổ chức một ban du ca gồm các sinh viên đủ mọi quốc tịch đi hát caroling nơi các ký túc xá (dorm) của các bạn sinh viên Phi.
Ban du ca mà chúng tôi gọi là ban “hát rong” gồm khoảng ba chục sinh viên, chịu khó bỏ thời giờ mỗi buổi tối, tập luyện khoảng hai tháng trước lễ Giáng Sinh. Chúng tôi tập vài chục bài quen thuộc, hát bốn bè đàng hoàng, chỉ có một cây tây ban cầm đệm theo. Tôi hát bè bass đứng ở hàng chót ì à ì ầm như cóc kêu đệm cho các bè hát giọng cao khác đứng ở phía trên. Chính nhờ vào vị trí khiêm nhượng này mà tôi thấy hết vẻ đẹp của một buổi caroling. Ban hát rong chúng tôi, mỗi người một cây đèn cầy trên tay, đứng trong màn đêm, hát vọng lên những tầng lầu đầy những khuôn mặt sinh viên Phi trên từng cửa sổ. Rồi những ánh nến cũng dần dần bừng cháy trong tay bạn bè lấp ló trong khuôn cửa vuông vức. Những ánh nến trong tay chúng tôi như với lên những ánh nến trong khung cửa tạo thành một niềm an bình hạnh phúc được các giai điệu thánh thiện nâng lên trời cao. Hết dorm này tới dorm khác, chúng tôi mang niềm an bình tới từng người bạn học.
Tôi không biết trong mấy đêm liền, chúng tôi đã đi hát rong được bao nhiêu dorm, nhưng niềm vui của chúng tôi thật tràn đầy trong một thế giới thật an bình.

An bình là trạng thái ngây ngất của mọi người trong mùa Giáng Sinh.
Tôi nhìn thấy sự thân mật và nụ cười luôn rộng mở trên các khuôn mặt tôi gặp trong các shopping justify ngày nay. Không biết là do khung cảnh được trang hoàng lộng lẫy hay do giai điệu những bài hát đã trở thành dấu ấn không thể thiếu trong mùa lễ này. Có lẽ do cả hai nhưng tôi nghĩ phần lớn là do cõi lòng mỗi người trong những ngày tháng cuối năm này. Trái tim mọi người như một chiếc hộp rộng mở. Ai cũng muốn truyền sự an bình và vui mừng tới người khác.
Ban phát sự vui mừng rõ rệt nhất là những ông già Noel ngự trong các vương quốc màu mè tại các khu mua sắm. Lúc nào cũng có hàng đoàn trẻ em đứng xếp hàng chờ tới lượt được ông già râu trắng ôm trên người, chụp một tấm hình, phát cho tí quà nho nhỏ là vui như tết.
Tôi đã vui lây với các em khi thấy những khuôn mặt ngây thơ nửa mắc cở nửa như ôm một niềm vui bộn bề mà còn rất lâu sau các em mới quên được. Phần lớn các em bé đều có tâm trạng phơi phới vô tư như vậy. Nhưng cũng có ngoại lệ.
Tại khu mua sắm McAllister Mall ở thành phố Saint John, tỉnh bang Newfoundland của Canada, một cậu bé trèo lên chiếc bục cao tới gặp ông già Noel. Trong tay em có tấm hình một bé gái. Ông già Noel nhìn thấy, hỏi: “Hình ai vậy con? Bạn con hả?”. Cậu bé trả lời ngay: “Đây là hình chị con hiện đang đau rất nặng.” Ông già áo đỏ liếc nhìn xuống người bà của cậu bé đang chờ ở dưới và thấy bà đưa khăn lên chậm mắt. Cậu bé nói thêm: “Chị con muốn đi với con tới gặp ông, muốn lắm! Ông ơi! Chị con nhớ ông!”. Ông già ôm cậu bé và hỏi cậu muốn ông già Noel cho quà gì?”. Vừa lúc đó, bà của cậu bé bước lên đỡ cậu bé xuống khỏi đùi ông già, bà muốn nói chi nhưng ngừng lại. Ông già Noel hỏi: “Có chuyện chi vậy, thưa bà?”. Bà nghẹn ngào trả lời: “Dạ, tôi biết là thật quá đáng nếu tôi nói với ông, nhưng…”. Bà bỏ dở câu nói, một lúc sau, nhạt nhòa nước mắt, bà tiếp: “Cháu gái trong hình là cháu tôi…Cháu bị ung thư máu và không biết có qua được mùa lễ này không. Có cách nào để ông có thể tới thăm Sarah được không ạ? Đó là tất cả ước muốn của cháu trong dịp Giáng Sinh này.” Ông già râu trắng ngồi lặng câm rồi khẽ nói với bà để lại địa chỉ bệnh viện nơi Sarah đang nằm cho người thư ký bên dưới để ông tính. Cả ngày hôm đó, ông già Noel ôm những đứa trẻ ngây thơ nhưng hình ảnh một đứa trẻ nằm bệnh không bao giờ rời khỏi tâm trí ông. Ông biết ông phải làm gì. Ông tự nhủ lòng: “Nếu đó là cháu của chính ta đang nằm trong bệnh viện chờ chết! Đó là điều tối thiểu ta phải làm”. Chiều tối, khi phiên làm việc của ông chấm dứt, ông vội hỏi người thư ký tên bệnh viện bé Sarah đang nằm. Ông không biết đường đi. Ông kể lại câu chuyện với người thư ký, anh ta liền tình nguyện chở ông tới. Họ tìm được phòng của Sarah. Người thư ký bảo ông già Noel vào một mình. Ông chuồi người qua khung cửa nửa đóng nửa mở và thấy Sarah xanh xao nằm trên giường. Bên giường bệnh, ngoài người bà và đứa bé ông đã gặp, còn lố nhố nhiều người mà về sau ông biết là mẹ và các dì của Sarah. Ông thấy tình yêu thương và bầu không khí ấm cúng tỏa ra khắp phòng. Ông vội cười bằng tiếng cười truyền thống của ông già Noel: “Ho! Ho! Ho!”. Cô bé đang lịm trên giường bỗng choàng dậy và cục cựa như muốn nhảy ra khỏi giường để ôm lấy ông. Ông nhào vào giường, ôm chặt cô bé. Cô bé khoảng 9 tuổi, cỡ tuổi con ông, vui mừng nhìn ông chăm chăm. Da cô bé tái xanh với cái đầu trọc lốc vì hậu quả của hóa trị. Nhưng ông già chỉ nhìn thấy cặp mắt xanh biếc tròn trĩnh. Tim ông như muốn vữa ra. Những người thân trong phòng tới nắm vai, nắm tay ông khẽ thốt lời cám ơn. Ông và Sarah nói chuyện vui vẻ. Cô bé kể ra những món quà mà cô muốn, không quên nhấn mạnh là năm nay cô rất ngoan. Ông già muốn mọi người quây quần bên ông để cầu nguyện cho Sarah. Ông khẽ hỏi cô bé tin có thiên thần không. Cô bé đáp ngay: “Thưa ông, cháu tin!”. Ông tiếp: “Vậy, ta sẽ cầu nguyện thiên thần luôn ở bên cạnh săn sóc cháu”. Ông đặt tay lên đầu Sarah, nhắm mắt và cầu nguyện. Ông xin Chúa ban ơn và chữa lành bệnh cho đứa cháu bé nhỏ của ông. Khi chấm dứt lời nguyện, ông vẫn nhắm mắt và khẽ cất tiếng hát đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, kết chữ đồng…Mọi người cất tiếng hát theo, tay trong tay, người nọ nối người kia, mỉm cười với Sarah trong khi nước mắt vẫn tuôn tràn. Sarah nhìn trân tất cả. Chấm dứt bài hát, ông già Noel cầm đôi bàn tay xanh xao yếu ớt của Sarah: “Bây giờ, cháu Sarah, ông nhờ cháu một việc: hãy hứa với ông là cháu sẽ chỉ nghĩ tới việc khỏi dứt bệnh. Ta muốn mùa hè này cháu sẽ chạy chơi với các bạn, và sang năm, cũng vào dịp này, cháu sẽ tới MaAllister Mall để gặp ta!”. Ông biết điều đó thật quá đáng đối với một cô bé đang ở thời kỳ cuối của căn bệnh ung thư máu, nhưng ông vẫn phải nói như vậy. Ông phải cho cô bé món quà lớn nhất, không phải búp bê hay đồ chơi, nhưng là sự hy vọng. Mắt Sarah sáng lên: “Dạ thưa, cháu hứa!”. Ông cúi xuống hôn lên trán cô bé và ra về. Khi gặp lại người thư ký ở ngoài hành lang, hai người không cầm được nước mắt, ôm nhau khóc ròng. Bà và mẹ của Sarah chạy tới cám ơn. Ông già nói trong nước mắt: “Đứa con độc nhất của tôi cũng bằng tuổi Sarah. Đó là điều tối thiểu tôi có thể làm được cho cháu”.
Năm sau, ông lại nhận công việc làm ông già Noel trong sáu tuần lễ cho thương xá cũ. Một bữa, một cô bé tới ngồi trên chân ông, bá vai ông hỏi: “Cháu chào ông, ông có còn nhớ cháu không?”. Ông vỗ về cô bé: “Nhớ chứ, chắc chắn là ông nhớ”. Thực ra, ông đã tiếp tới cả ngàn cháu bé, làm sao ông nhớ được, nhưng ông vẫn phải làm như trên đời ông chỉ biết có một mình nó thôi để nó vui lòng. Cô bé thấy giọng ông có vẻ như không nhớ nên nhắc ông: “Năm ngoái ông tới thăm cháu ở bệnh viện!”. Ông sực nhớ lại ngay, nước mắt tự dưng tuôn ra. Ông ôm đứa bé thật chặt, khẽ nói: “Sarah!”. Quả thực ông không nhận ra cô bé vì tóc cô bé đã dài, chảy mượt mà xuống vai, hai má bé đỏ au, không có nét chi nhắc ông tới cô bé xanh xao trọc lốc ông gặp ở bệnh viện năm trước. Ông đã tận mắt chứng kiến, đã ban ơn lành, đã cầu nguyện cùng cả gia đình để phép lạ này xảy ra. Sarah nay đã hoàn toàn bình phục, hết hẳn bệnh ung thư, khỏe mạnh và yêu đời. Ông nhìn lên trời, khẽ thốt ra: “Cám ơn Cha, đây đúng thật là một lễ Giáng Sinh vui vẻ!”. Đó là Giáng Sinh vui nhất trong đời làm ông già Noel của ông.

Câu chuyện trên không phải là hư cấu. Đó là câu chuyện thật xảy ra vào năm 1997 và 1998 tại Saint John, Canada!
Nhân vật ông già Noel rất được việc. Ông đã mang lại niềm vui và sự tin tưởng vào cuộc đời cho những đứa trẻ. Những ông già Noel hóa thân ngồi trong các khu thương mại là hình ảnh gần gũi. Nhưng, xa hơn, còn một ông già Noel nhân hậu ngụ tại Bắc Cực để các trẻ em tha hồ viết thư mè nheo xin quà. Quà các em xin thường chỉ là bánh kẹo, đồ chơi, những hạnh phúc sờ thấy được của các em. Nhưng còn nhiều em trong nhiều gia đình không hạnh phúc lại xin những thứ khác. Những thứ chúng cần hơn đồ chơi, bánh kẹo. Một em bé Việt Nam, 10 tuổi, viết thư xin: “Con chỉ xin ông cho ba con bỏ tật nghiện rượu để không đánh đập mẹ con nữa. Ngày nào ba con cũng nhậu xỉn về đánh con đau lắm, nhiều lúc con chỉ muốn chết thôi”. Một bé khác xin: “Ông ơi, bố cháu vừa bị tai nạn giao thông nặng lắm mà bà cháu bảo chân của bố cháu không thể đi được nữa. Cháu xin ông hãy hóa phép cho bố cháu khỏi bệnh đi ông”. Tội nghiệp cho một cô bé khác, sống trong một gia đình có bố mẹ bất hòa, đã xin như sau: “Xin Chúa cho ba má con không còn cãi nhau, không phải ra tòa ly dị. Mọi người sẽ không bao giờ bỏ con trong căn nhà không có một chút tình thương nào đó, nơi mà mỗi đứa trẻ xứng đáng để nhận niềm vui này!”.
Mừng Giáng Sinh đúng chỗ không phải ở các thương xá nhộn nhịp người mua sắm, người móc bóp, kẻ thu tiền, rất trần gian, mà phải ở trong nhà Chúa. Nhưng thương xá thì đông nghẹt người mà nhà thờ thì vắng hoe nên niềm vui tràn ra ngoài phố thị nhiều hơn.

Cuộc sống ngày nay hình như đã đổi khác. Nhà thờ không phải là nơi người ta nghĩ tới, không những trong các thánh lễ ngày Chủ Nhật mà còn trong những dịp lễ lớn như lễ Giáng Sinh. Luật đòi hỏi người Công giáo phải dự lễ ngày Chủ Nhật. Nếu làm lơ là có tội. Nếu vì lý do chính đáng không dự lễ được phải đọc kinh hoặc làm những việc công đức khác để đền bù. Nếu vậy sao nhà thờ lại vắng tanh vào ngày Chủ Nhật và các ngày lễ buộc phải dự lễ tại nhà thờ? Hỏi tức là trả lời. Tình trạng đáng buồn này mỗi ngày một trầm trọng hơn.

Một linh mục công giáo, cha Mathew Vellankal, cha sở giáo xứ The Holy Spirit ở Frement, tiểu bang California, đã suy nghĩ. Ông thấy các cửa tiệm ăn như McDonald’s, Starbucks có cách lôi kéo khách hàng không có thời giờ vào tiệm bằng dịch vụ drive-through. Khách hàng chỉ cần lái xe vào mua đồ tại một ô cửa sổ mà không phải xuống xe, rất nhanh chóng và tiện lợi, nên ông cha chịu chơi này tự hỏi: “Tôi thấy chỗ nào cũng có dịch vụ drive-through mua thức ăn, mua cà phê, vậy thì tại sao không lập ra dịch vụ drive-through gặp Chúa? Không cần phải sửa soạn, không cần phải tính toán thời gian, người ta có thể tìm thấy tình yêu của Chúa trong vòng vài ba phút”. Ông thử tiến hành dịch vụ lái xe tìm tới Chúa này. Cuối tháng 11 năm nay, một nhóm giáo dân tình nguyện đã cùng cha Mathew đứng ngoài đường trong sân nhà thờ vào giờ tan sở để đón tiếp khách đến với Chúa mà không phải bước ra khỏi xe. Họ dừng xe, cùng cầu nguyện vắn tắt và nhận ơn bình an. Cha Mathew công nhận cách thế này về phẩm không đầy đủ nhưng cha chú trọng tới lượng. Cứ kéo được nhiều người về với khuôn viên nhà thờ là phúc rồi. Kiểu “chiêu hàng” của cha Mathew được nhiều người hưởng ứng. Trên đường từ sở về nhà, họ tạt qua sân nhà thờ, vẫn ngồi yên trong xe, cùng cha cầu nguyện đôi câu ngắn gọn, nhận phép lành, rồi vọt xe đi liền. Ngay trong buổi drive-through gặp Chúa lần đầu tiên, nhiều xe đã xếp hàng chờ tới lượt. Cha Mathew tâm sự: “Dĩ nhiên là cà phê drive-thru hay đồ ăn drive-thru không phải là thứ tốt, nhưng đó là thứ tiện lợi nhất”.Bà Jacqueline Ramacciotti, một giáo dân cho biết: “Tôi nghĩ thật là tốt. Dĩ nhiên rất tiện lợi!”. Một giáo dân khác trong hàng xe vào giáo đường đã phát biểu: “Đây là kiểu thế giới mà chúng ta đang sống!”. Cha Mathew thổ lộ: “Không phải ai cũng có thể bỏ ra một tiếng đồng hồ để tham dự thánh lễ, vậy nên bỏ chút thời giờ để cầu nguyện với người khác, theo tôi nghĩ, là một việc khả dĩ họ làm được”.

Dọn nhà thờ ra ngoài sân có là ý nghĩ táo bạo không? Cha Mathew bảo là không. Giáo Hoàng Francis hiện nay là một người cấp tiến. Ngài đã hô hào các vị linh mục hãy mạnh dạn ra khỏi khu trú ẩn để với tay tới những người đã bị bỏ quên. Bước đi ngoạn mục của cha Mathew Vellankal có thể được coi là đi theo cùng hướng đó. Giữa không gian bao la ngoài trời, người ta như cảm thấy gần đấng Tối Cao hơn.
Trong tôi vẫn còn đó hình ảnh các em sinh viên hào hứng caroling ngoài đường phố Montreal giá lạnh trong mùa Giáng Sinh. Nhìn những đám khói tuôn ra cùng với những tiếng hát thanh thoát, tôi như thấy được tinh thần của lễ Giáng Sinh: ấm áp và chân tình. Sự ấm áp và chân tình mà tôi đã từng cảm thấy khi cầm cây đèn cầy đứng giữa khuôn viên trường Đại học trong một đêm tối trời để hát một cách say sưa trong không gian lồng lộng. Tiếng hát như bay bổng lên trời cao. Joy to the world, the Lord is come… Hát cho người. Hát cho mình. Cho sự an bình của tất cả chúng sinh trong đêm thánh.

12/2014
Song Thao

http://sangtao.org

 

Đăng ngày 23 tháng 12.2015