Ngày 19/5 nhắc người ta nhớ Bác!
Nguyễn thị Cỏ May
Nói ngày 19/05 là ngày sanh của bác, tức của Hồ Chí Minh, tên khai sanh là Nguyễn Sinh Cung, con của Cụ Nguyễn Sinh Sắc, em của bà Nguyễn thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm, quê ở Nghệ An, người hiểu chuyện dứt khoát không ai tin là đúng. Bởi tự tay Hồ Chí Minh đã lần lượt khai với nhà cầm quyền Pháp ngay từ ngày mới bước chơn lên Marseille, nhà cầm quyền Anh, các năm sanh 1891, 1892, 1893, 1894 và 1895. Chỉ có năm sanh, chớ không có ngày sanh. Mà cũng dễ hiểu vì Nghệ An thuộc Triều đình Huế mà thuở đó chưa có chế độ hộ tịch phổ biến như ở Nam kỳ, thì làm gì mà có cả ngày sanh (19), và tháng sanh (05)?
Vậy cái ngày 19 tháng 05 năm 1890 này là chắc chắn không có. Là xạo. Là thứ đểu như ngày nay dân Hà nội quen dùng để nói về điều không đúng, không thiệt.
Nhưng tại sao phải mãi tới năm 1946 mới thò ra cái ngày 19/05/1980 và nói là ngày sanh của bác? Cũng dễ hiểu thôi.
Từ năm 1911, Hồ Chí Minh bắt đầu sống ở Tây phương, tuy với thân phận bửa củi, rửa bếp nhưng được tiếp xúc trực tiếp với nền văn minh Tây phương gốc Thiên Chúa giáo nên được nghe nói tới sanh nhựt và lễ sanh nhựt. Thế là bác nhà ta bèn chiếm để bụng. Trong văn hóa truyền thống Việt nam, nhứt là ở miền Trung, còn nặng tinh thần Nho học, người ta chỉ biết có kỵ nhựt, tức ngày cúng giổ mà thôi. Vì biết và giữ kỵ nhựt là điều quan trọng trong Đạo thờ cúng Ông Bà, đạo hiếu của người Việt nam.
Ngày 19/05 nói là ngày sanh của bác, mà phải hiểu nó không thiệt, nó là sản phẩm dỏm, đểu, do Cụ Vũ Đình Quỳnh, Bí thư riêng của bác, chánh thức khai và lập khai sanh cho bác và từ đó trở thành chánh thức. Bác ôm giữ nó chết bỏ, không buông ra! (Ai không tin, cứ hỏi lại Cụ Vũ Thư Hiên, con của Cụ Quỳnh, hiện ở Paris XI).
Nguồn gốc có cái ngày đó, nó cũng đểu giả, thể hiện rõ bản chất của con người bác. Sau khi ký thỏa hiệp án 6/3/46 chấp nhận thực dân Pháp trở lại. Ngày 19/5, Đô đốc D'Argenlieu lên Hà nội. Bác muốn phải tiếp rước D'Argenlieu với cờ quạt cho tươm tất, cho phải phép, nhưng lại sợ dân chúng sỉ vả. Cụ Vũ Đình Quỳnh có sáng kiến «Ta cứ làm và nói hôm nay thành phố treo cờ mừng sanh nhựt của bác». Và chính Cụ Quỳnh đi thông báo Hà nội treo cờ mừng sanh nhựt bác! Lịch sự, tối hôm đó, có một phái đoàn của D'Argenlieu gởi tới chúc mừng sanh nhựt của Hồ Chí Minh. Và Hồ Chí Minh đã khai thác ngay việc này để tuyên truyền với dân chúng «Đó thấy không, Tây còn tới chúc mừng sanh nhựt của bác!».
Nhưng cái đểu giả và ác ôn của Hồ Chí Minh, đừng ai quên khi nhắc tới ngày 19/05, là Hồ Chí Minh đón rước Tây lúc trở lại là để hợp tác với Tây, hướng dẫn lính Tây truy lùng các tổ chức võ trang chống Tây mà không phải cộng sản ở vùng Hà nội, và tiếp theo, cùng với Tây lên Việt Bắc tiêu diệt lực lượng các đảng phái cách mạng như Việt Quốc, Đại Việt... vì Việt Minh lúc đó còn yếu, về người và cả võ khí.
Vậy ngày 19/05 không có ý nghĩa gì khác hơn là nhắc mọi người đừng vội quên con người thiệt của Hồ Chí Minh là thứ đại gian đại ác, cực kỳ đểu cáng vốn từ bản chất và được tôi luyện thêm bởi cộng sản.
Vì Hồ Chí Minh được đào tạo làm chỉ điểm
Khi nói về Hồ Chí Minh nên tìm biết mặt thật của con người này. Như Hồ có hơn 200 tên khác nhau do báo điện tử đảng phổ biến để nhắm tuyên truyền cái “phi thường” hơn người của ông ta. Thế mà trong số tên đó lại không có cái tên cực kỳ quan trọng vì nó là tên khởi nghiệp của Hồ: “Ferdinand Hồ Chí Minh”!
Tại sao đảng cộng sản không công bố cái tên quan trọng này? Vì thiếu thông tin hay vì che dấu một sư thật?
Mà tên “Ferdinand Hồ Chí Minh” là gì? Tại sao có mà cả Hồ lẫn đảng cộng sản đều dấu kỹ?
Thật ra tên «Ferdinand» không gắn liền với tên Hồ Chí Minh mà gắn liền với tên Nguyễn Ái Quốc vì lúc đó chưa có tên Hồ Chí Minh. Nhưng người Pháp khi nói chuyện với Nguyễn Ái Quốc hoặc về Nguyễn Ái Quốc, họ thấy khó phát âm cho đúng nên họ đặt thêm cho ông một tên khác, dựa theo xuất xứ của ông: «Ferdinand l’Annamite» (Annamite là người Việt nam ngày nay vì lúc đó còn gọi là người An-nam. Người Việt ở Pháp bị gọi là «mít», Á–rập là «rệp»).
Cũng từ sau Hội nghị Tours, ở Paris, xuất hiện thêm một tên nữa «Le Petit Rouquin Rouge» (Thằng nhỏ tóc đỏ), tên thiệt là Jean Crémet. Hồ với Crémet làm thành một cặp được Dmitri Manuilsky, cán bộ Đệ Tam Quốc tế, chọn, huấn luyện nghề chỉ điểm, đặt dưới trướng và sau đó, gởi qua Moscou. Cũng như Hồ Chí Minh, Jean Crémet có nhiều tên, bí danh khác nhau nhưng không thể bằng Hồ được (Thibault hay Samuel Herssens…). Điều lạ là trong các thông tin của Quốc tế cộng sản, người ta chỉ thấy tên Jean Crémet mà lại không có tên Ferdinand cho tới khi Hồ xuất hiện ở Moscou.
Dmitri Manuilsky gởi Ferdinand qua Moscou để được huấn luyện về cộng sản và tình báo. Ferdinand được chọn vì tại Hội nghị Tours, ông đã dõng dạc tuyên bố theo đề cương Lê-nin giải phóng các nước nông nghiệp thoát khỏi thực dân. Ông còn nhấn mạnh chỉ có cộng sản là con đường duy nhứt dẫn đến thành công. Ferdinand còn tỏ ra khôn ngoan, không hề phê bình hay góp ý kiến cho đường lối của Quốc tế cộng sản, cũng không nói nhiều, lúc nào cũng giữ thái độ chấp hành (Roget Faligot, Fayard, Paris, trg 90, 228).
Ferdinand tới Petrograd vào cuối tháng 6/1923 và tham dự Đại hội Nông hội (Krestintern) do Komintern thành lập. Nghĩa là Ferdinand, tức Hồ Chí Minh, không hề có tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản V như Hà nội nói, nhằm mục đích tuyên truyền đánh bóng lãnh tụ.
Thêm một điều đáng để ý nữa là Ferdinand và Le Petit Rouquin rouge cùng có mặt ở Moscou, cùng ở chung tại khách sạn Lux, cùng thời điểm, mà hai người không gặp nhau. Le Petit Rouquin rouge lại vào Trung ương Quốc tế còn Ferdinand thì không được.
Trong thời gian từ tháng 2/1925 tới tháng 3/1926, Ferdinand đi Quảng châu làm Đại diện cho Nông hội (Krestintern) có ăn lương. Theo Sophie Quin-Judge, tháng 8/1925, ông nhận được 5000 roubles (bằng 2500 usd) tiền lương và cả công tác phí như in bích chương, sách bỏ túi nói về nông dân, gởi thêm nhiều đại diện đi các tỉnh khác ở Trung quốc, gởi báo cáo định kỳ và thường xuyên về tình hình nông dân Trung quốc về Moscou.
Tháng 2/1930, từ Hồng Kông, Jean Crémet chuyển lệnh của Moscou cho Ferdinand dạy hãy kết hợp 3 tổ chức cộng sản ở Đông dương thành một đảng thống nhứt. Đó là đảng cộng sản Đông dương. Ferdinand làm xong nhiệm vụ làm cho Le Rouquin rouge vô cùng hài lòng khi gặp lại Ferdinand tại đây.
Vẫn theo Bà Sophie Quin-Judge, Ferdinand l’Annamite, tức Hồ Chí Minh sau này, đã nhận tiền của Krestintern và Komintern, vừa tiền lương và tiền công tác theo lệnh của Moscow.
Trong thời gian từ tháng 12/1927 tới tháng 5/1928, Ferdinand ở tại Berlin chờ đợi tiền và lệnh của Komintern cử đi công tác ở Á châu. Ông khai chỉ nhận được của Hội Cúu trợ Đỏ có 18 marks (tiền Đức)/tuần, không thể đủ để sống mà không thiếu nợ. Sốt ruột, Ferdinand bèn viết thư cho Krestintern yêu cầu gởi cho ông 500 usd và lệnh công tác.
Qua ngày 12/4/1928, Ferdinand viết thư cho Humbert-Droz, Ban Bí thư Quốc tế cộng sản, ta thán hoàn cảnh túng quẩn của ông: «Đồng chí có nghĩ được không tinh thần và vật chất hiện tại của tôi, chẳng có việc gì làm, cũng không có tiền, trong khi đó có biết bao nhiêu việc phải làm mà phải sống ngày qua ngày, bị bắt buộc không hoạt động».
Ngày 28/4/1928, Humbert-Droz trả lời thư của Ferdinand: «Khoản tiền mà chúng tôi sẽ gởi cho đồng chí trong nay mai sẽ tùy thuộc các thông tin từ đồng chí. Nhưng tôi nghĩ đồng chí nên tập sống với mọi hoàn cảnh và tốt hơn là tìm cách tự lực mà không cần đến việc nhận tài trợ từ bất kỳ nguồn nào» (Sophie Quin-Judge, Ho Chi Minh: The Missing Years, Berkeley, California, 2002).
Xin nhắc nghề «chỉ điểm - mouchard» có rất sớm ở Âu châu, từ thời Trung cổ. Darius trẻ, vua xứ Perse, là người đầu tiên rải người của mình ra khắp xã hội để nhờ chúng mà biết chuyện gì xảy ra. Denys bạo chúa noi gương Darius cũng sử dụng chỉ điểm để lấy tin tức mà biết được tình hình bên ngoài thành.
Ngày 19/05 nhắc lại tội ác Hồ Chí Minh
Chiều 17/12/1946, Hồ Chí Minh và đồng đảng rút sâu vào hang trong núi ở Sơn Tây để trốn Tây. Nửa đêm 19/12/1946, từ chỗ ẩn náu an toàn, bác ta bèn hùng hổ tuyên bố “Toàn quốc kháng chiến”, báo hại đám du kích, tự vệ thành… ngơ ngác không thấy bác ở đâu, đảng ở đâu, nhưng họ thiệt lòng muốn đánh Tây nên cầm tầm vông vạt nhọn, dao găm, mã tấu, anh dũng… làm bia đỡ đạn Pháp ở Hà Nội!
Nhìn thêm bộ mặt thiệt của cộng sản ở Nam kỳ
Ngày 23/09/45, khi Pháp mở cuộc tổng phản công, “Ủy Ban Hành Chánh” của Trần Văn Giàu (cộng sản thứ thiệt) đã chạy thục mạng vô Chợ Đệm. Pháp tiến quân ra Phú Lâm (còn cách 17 km), Ủy Ban chạy tới Tân An (xa thêm 35 km). Pháp mở cuộc ruồng bố Tân An, Ủy Ban chạy xuống Mỹ Tho, rồi tiện đường… dông tuốt vô Đồng Tháp Mười mất dạng. Trong khi đó, các lãnh tụ quốc gia như Trần Văn Ân, Nguyễn Văn Sâm, Kha Vạng Cân, Hồ Văn Ngà... liều chết ở lại lập Ủy Ban phong toả Saigon, Chợ Lớn.
Trước khi bôn tẩu, “Ủy Ban Kháng Chiến” của Trần Văn Giàu ra lịnh đốt chợ, đốt phố, đốt nhà dân, và cho tự vệ đi lùng bắt các lãnh tụ quốc gia, đảng phái, tôn giáọ… đem thủ tiêu. Cách “chiến đấu” của Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản là như vậy. Tỉnh nào, ở đâu cũng hành động đúng theo chỉ thị của Hồ.
Đến lúc về Hà nôi an toàn sau 54, Hồ vâng lênh Mao, làm cải cách ruộng đất, giết hơn nửa triệu nông dân vô tội, trong đó có hơn 80 ngàn là đảng viên cộng sản, gốc trí thức tiểu tư sản, đi theo Việt minh vì lòng yêu nước thật sự.
Trong số nạn nhơn cải cách ruộng đất, có Bà Năm là trường hợp điển hình nói lên tội ác của Hồ Chí Minh đối với nhơn dân và bản chất đại gian đại ác của con người cộng sản tinh ròng đó.
Rồi tới vụ Nhân Văn Giai Phẩm, giết hại, tù đày các trí thức, văn nghệ sĩ ưu tú của Hà nội. Từ Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường tới Nguyễn Hũu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An… suốt đời bị tù tội, bị cắt đứt nguồn sống để trừng phạt tội không biết vâng lời đảng.
Sau 30/04/75, cũng cái đảng của Hồ, cướp tài sản, nhà cửa của dân trong Miền Nam, người bị đưa lên vùng rừng sâu nước độc, những người trong chánh quyền Sài gòn bị đi tù dài hạn... Năm 1954, bác tới, dân Miền Bắc bỏ chạy vào Nam. 1975, bác tới Sài gòn, dân Nam kỳ chạy ra biển tìm tự do... Bác và cái đảng của bác tới thì dân lương thiện không thể sống được, phải liều mạng chạy thoát thân!
Cùng thời điểm, các nước trong vùng như Ấn độ, Mã lai, Phi luật tân... bị Tây phương đô hộ, đều lần lượt thu hồi độc lập, tổ chức đất nước theo thể chế tự do dân chủ và nhờ đó, đất nước phát triển mà không phải có hơn 10 triệu dân chết oan uổng như Việt nam.
Chỉ vì họ không có hiện tượng Hồ Chí Minh!
Nguyễn thị Cỏ May
Tháng Tư... ngu!
Huy Phương
Trước hết, tôi xin tự kiểm điểm cái ngu của bản thân mình trước, trong hàng nghìn cái ngu của thiên hạ, vì ngu mà phải mất nước, “lỗi tại tôi mọi đàng” hay “tôi làm tôi mất nước.” Là một cán bộ chiến tranh chính trị trung cấp, hết làm tâm lý chiến, rồi chính huấn, tức là huấn luyện chính trị cho hàng nghìn tân binh tại một trung tâm huấn luyện lớn nhất nước, mà khi nghe Cộng Sản vào đến Sài Gòn, không chịu tìm đường chạy, vì cứ nghĩ mình gốc nhà giáo, hòa bình rồi, đi 'học” mấy ngày rồi về dạy học lại!
Tôi ngu vì đã suy diễn hay hiểu sai thời gian đi “học tập,” nên chỉ đem theo 10 gói mì ăn liền Vifon, để ăn sáng trong 10 ngày, ngày thứ 11 đã ăn cơm nhà rồi!
Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn-Gia Định ra thông cáo tất cả các quân nhân cấp úy phải trình diện đi “học tập cải tạo,” mang theo tiền ăn trong 10 ngày, cấp tá mang theo tiền ăn cho một tháng. Sau này có người đi tù 17 năm ròng rã, chúng ta “chửi” Cộng Sản lừa dối, nhưng xem kỹ lại các văn bản, không thấy đoạn nào nói, cấp úy chỉ đi tù 10 ngày, cấp tá một tháng, mà chỉ nói “đóng tiền ăn.” Chẳng qua, vì chúng ta hay suy luận, và ngây thơ, khờ dại nên mắc mưu sự khôn lanh, xảo quyệt của kẻ thù, đó chính là vì chúng ta ngu!
Sau này, ra Bắc, chính tai tôi đã nghe một quản giáo cai tù nói rằng: “Đưa các anh ra biển thì cũng từ từ, trước hết là gần bờ, sau mới dần dần đưa các anh ra xa hơn, nếu không các anh chóng mặt, say sóng, chịu làm sao nổi!”
Tôi đoan chắc anh em chúng ta, nhất là quý vị tướng lãnh, nếu biết được những ngày tù không bản án, mà có người ra đi biền biệt 17 năm trời, chịu bao nhiêu khổ ải, nhọc nhằn, nhục nhã, thì một nửa trong chúng ta đã tự sát tại nhà mà chết, hoặc chạy vào rừng để rồi cũng chết vì súng đạn của Việt Cộng. May hay rủi, vì ngu mà chúng ta mới sống đến ngày hôm nay.
Khi đến các địa điểm trình diện, không ai nghĩ “đi tù” mà chỉ nghĩ “đi học.” Tại trường Trưng Vương, là nơi trình diện từ cấp phó giám đốc trở lên, hai vị, một từng là phó thủ tướng VNCH, dân biểu, một vị đã là thượng nghị sĩ, đi học còn mang theo gối ôm, và khi xếp hàng vào cổng, có vị đã giành đi trước, vì có giấy giới thiệu của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn-Gia Định. Sau đó, bộ đội Cộng Sản mới ra lệnh: “Ai có giấy giới thiệu thì đứng qua một bên!” Giấy giới thiệu đây là giấy gọi “trình diện” cho các viên chức cấp cao, còn đối với cấp nhỏ thì chỉ có thông cáo chung trên báo chí, đài phát thanh.
Những ai còn đứng lấp ló ngoài cửa chưa chịu vào, còn nghi ngại dò la thì những chiếc xe mang tên nhà hàng Soái Kình Lâm, Đồng Khánh... mang thức ăn vào quý vị dùng bữa tối, hẳn đã đánh tan mối hoài nghi về thiện ý của người thắng trận.
Đến khi lên xe Molotova, phủ bạt kín rồi, chúng tôi vẫn còn lạc quan tin lời Cộng Sản được đưa đến chỗ đầy “đủ tiện nghi,” (chắc là có đủ điện nước, máy lạnh, sân bóng chuyền...) để học tập và khi biết đoàn xe ra đến xa lộ Biên Hòa, thì việc di chuyển lên Đà Lạt như cầm chắc trong tay. Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, trường Chỉ Huy Tham Mưu, trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị là những nơi lý tưởng nhất để “học tập.” Khi đến nơi ở tù rồi, Cộng Sản đưa tù vào một cái nhà kho, một trại gia binh hay một cánh rừng thì vẫn tin tưởng vào số ngày trong thông cáo, chờ ngày ra sân vận động Cộng Hòa làm lễ mãn khóa: “Quỳ xuống hỡi những cải tạo viên - Đứng lên hỡi những công dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam!”
Câu chuyện những người trên con tàu Việt Nam Thương Tín, Tháng Năm, 1975, sang đến đảo Guam rồi, lại đốt “barrack,” tuyệt thực đề đòi “về với tổ quốc,” là một bài học xót xa cho những người trong cuộc, có người phải trả giá bằng 17 năm tù. Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh kể chuyện, anh em “tù cải tạo” tại trại tù K2, Nghệ Tĩnh, gọi những người này bằng biệt danh “đội q...!”
Tại trại 15 NV. Long Thành, một nhạc sĩ đã hồ hởi sáng tác những bản nhạc được cai tù bắt cả trại hát: “Trồng rau, trồng đậu, trồng tình thương trong tâm hồn người...” Ra tới Bắc Thái lại thêm một bài “Ngày vui đã tới!” nhưng mà “ngày về” thì xa lắc xa lơ!
Thậm chí khi lên con tàu chở súc vật Sông Hương lưu đày ra Việt Bắc rồi, có người vẫn lạc quan “biết đâu nó chở tù miền Nam ra Đệ Thất Hạm Đội Hoa kỳ hay đi thẳng qua Guam để giao cho Mỹ!” Tàu chạy hơn một ngày một đêm rồi mà vẫn nghĩ là cập bến Đà Nẵng chứ không ai nghĩ là lên cảng Hải Phòng.
Ở trong nhà tù vẫn còn người tin tưởng “học tập, lao động” tốt thì được “Cách Mạng” cứu xét cho về với gia đình sớm, nên làm trối chết, kiệt sức, đấu tố anh em... để lấy điểm với cán bộ, cũng như đau xót cho quý bà ở nhà, dắt díu con cái đi vùng “kinh tế mới” cho chồng sớm được tha! Sau 10 “bài học tập,” tới buổi “thu hoạch” thì cứ nghĩ là viết hay thì được tha về, viết dở thì ở lại “học” tiếp.
Trước ngày 29 Tháng Ba, 1975, khi Cộng Quân chưa vào Đà Nẵng, một số người thuộc phe hòa hợp hòa giải tin tưởng thời cơ đã đến nên đã sắp đặt đưa Bác Sĩ Phạm Văn Lương lên làm thị trưởng Đà Nẵng, tin sau đó được đài BBC loan báo. Trong lần phỏng vấn bà quả phụ Phạm Văn Lương tại Nam California, bà xác nhận với chúng tôi Bác Sĩ Phạm Văn Lương chưa bao giờ là thị trưởng Đà Nẵng, nhưng có chuyện là khi có nguồn tin này, một vị trung tá đã đến gặp ông xin làm tài xế cho ông, để nhờ ông che chở, lánh nạn. Sao có người “ngu” đến mức như thế!
Ngày 5 Tháng Tư, 1975, Bác Sĩ Phạm Văn Lương cùng nhiều y sĩ khác bị đưa vào nhà tù Kỳ Sơn, và một năm vào ngày 3 Tháng Tư, 1976, Bác Sĩ Lương đã uống thuốc ngủ cùng 10 viên cloroquine để tự tử.
Trong những ngày cuối cùng của miền Nam, Tướng Dương Văn Minh vẫn còn tin tưởng Thượng Tọa Thích Trí Quang, người hứa sẽ đưa người “phía bên kia” đến thương lượng để thành lập chính phủ liên hiệp. Nhưng cuối cùng, tiếng than cuối cùng tuyệt vọng của “Tổng Thống” Dương Văn Minh là: “Thầy giết tôi rồi!”
Có những người làm lớn hoặc từng “làm rung rinh nước Mỹ” mà còn ngây thơ như vậy, thì đừng trách chi một thằng lính như tôi tin tưởng vào lời của “cách mạng” đem đủ 10 gói mì ăn liền, là... ngu!
Quân tử, ngay thẳng, ngây thơ mà đối đầu với tiểu nhân, xảo trá, độc ác thì không chết cũng bị thương. Tôi đâm ra nghi ngờ rằng, khó “đem đại nghĩa để thắng hung tàn,” và thời nay thấy nhan nhản chuyện “cường bạo áp đảo cả chí nhân!”
Tạp ghi Huy Phương
Fb Huy Phương
https://www.facebook.com/
Một người Sài Gòn vừa bị công an CS tống giam vào ngục. Trong lúc anh đang ngơ ngác thì các người tù khác vây quanh anh và hỏi :
- Tại sao anh bị vào tù ?
- Tôi là nhân viên bán hàng ở 1 tiệm sách và bị tù về tội đã bày trong tủ kính chân dung tổng bí thư Nông Đứt Mạch.
- Như vậy có gì đáng bị tù đâu ? Ngưỡng mộ lãnh tụ là tốt sao lại bị tù ?
- Tại tôi vô tình đặt dưới chân dung tổng bí thư Nông Đứt Mạch cuốn "Thằng Ngốc" của Dostoevski.
- Tại sao anh không làm kiểm điểm và xin lỗi, rồi dẹp cuốn "Thằng Ngốc" đó đi.
- Tôi đã làm như thế và thay vào đó bức ảnh chụp tổng bí thư và vợ cùng các con ông ấy.
- Như vậy càng quí chớ có tội tình gì đâu ?
- Nhưng kỳ này tôi lại sơ ý đặt dưới bức hình đó cuốn sách "Gia Đình Bất Hạnh".
- Rồi sau đó ra sao ?
- Công an đến cảnh cáo tôi; tôi dẹp cuốn sách đó ngay và thay bằng bức hình của toàn bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam .
- Lần này anh có đặt phía dưới cái gì không ?
- Có mới chết chứ ! Tôi lại sơ ý để cuốn "Alibaba và 40 tên cướp" dưới bức hình của toàn bộ Chính Trị của đảng cộng sản Việt Nam.
- Thế nên anh bị họ đưa vào đây ?
- Chưa, sau khi đút lót ít tiền , tôi được bỏ qua và lần này tôi để hình "bác Hồ" vào đó.
- Thế thì tuyệt quá. Vậy tại sao anh còn bị đưa vào đây ?
- Vì sơ ý, tôi đã để quên cuốn sách " Tên Trùm Mafia " dưới chân dung " bác Hồ " .
Nguồn: Internet
Đăng ngày 27 tháng 05.2021