banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Ai mua chủ nghĩa xã hội... hô...n?

Nguyễn thị Cỏ May

Đảng Xã hội chủ nghĩa (Le Parti Socialiste) của Pháp ngày nay, về tài sản vật chất, không còn gì có thể đem đi bán được. Trụ sở ở số 10, đường Solférino, Paris VII, được mua năm 1980 để sửa soạn bề thế cho đảng trưởng François Mitterrand lên cầm quyền. Ông François Hollande thừa kế làm đảng trưởng  và qua 5 năm sau, ông đắc cử Tổng thống một nhiệm kỳ. Năm 2017, ông Benoit Hamon, đảng trưởng tiếp nối ông François Hollande, ứng cử Tổng thống, chỉ được có 6% phiếu bầu. Thất bại thảm hại. Đảng viên tan tác bốn phương trời, không còn người đóng góp. Mặt khác, đảng  mắc nợ khá nhiều, phải hoàn tiền trả theo thời hạn. Thế là trụ sở đảng phải bán vội để trả nợ, với giá 45 triệu euros. Chỉ có 3 năm sau, cũng chính cơ sở này bán lại lần nữa giá 125 triệu euros cho Công ty mỹ phẩm Interparfums (Lanvin, Rochas, Boucheron…).
Đảng xã hội Pháp là một trường hợp phá sản cơ bản. Ông Manuel Valls, Ủy viên Bộ Chánh trị, làm Thủ tướng thời Hollande, đã phải chạy vội về Espagne, quê hương cũ, tìm lại đất cắm dùi. Ra tranh cử Hội đồng Thị xã ở Barcelone (Espagne) cũng thất bại. Vì thành tích xã hội chủ nghĩa ở Paris?
Ngày nay, đang lúc mọi người sửa soạn cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, ông Benoit Hamon, cựu Đảng trưởng, cựu ứng cử viên Tổng thống 2017, khi được hỏi về đảng xã hội của ông, trả lời không cần suy nghĩ: «Không còn đảng xã hội nữa»!
Vai vế của đảng Xã hội còn được thấy rõ thêm trong cuộc bấu cử Hội đồng Địa phương và Hội đồng Tỉnh hôm 20 và 27/06/21 vừa qua (lần đầu tiên, số dân chúng không đi bầu lên tới 66,78%), thật sự bi đát chưa từng có. Vừa không có đảng Xã hội tranh cử, mà chỉ có tàn dư cá nhơn của đảng kết hợp với các đảng khác cùng phe tả ra tranh cử, đạt được kết quả:
-Cực tả được 2, 82% phiếu (cs III, IV, Chống tư bản, Pháp bất khuất...)
-Tả (các xu hướng Tả phái: xã hội, xanh…) được 1,44% phiếu.
Như vây, ai muốn bán chủ nghĩa xã hội lúc này là làm «áp-phe» không thức thời. Thực tế, không biết có lượm được mấy mảnh vụn còn sót, rơi rớt lại, để đem bán đây?

Trên đà suy sụp
Cánh Tả Pháp năm 1981, lên cầm quyền lần đầu tiên trong nền Đệ V Cộng hòa, khi vừa rời chánh quyền thì đảng không tránh khỏi bị phân hóa và tan rả. Quá trình là lịch sử của cả một thảm họa. Nó không sụp đổ ngay trong một sớm một chiều như Liên-xô hay bức tường Bá-linh. Mà nó tan rả từ từ, mục rửa và tự phân hóa nên làm cho chúng ta không kịp nhìn thấy.
Năm 2019, lần đầu tiên đảng Xã hội (chủ nghĩa - socialiste) của Pháp không ra tranh cử Hội đồng Âu châu, với tư cách chánh thức «Đảng Xã hội chủ nghĩa». Cả ông Olivier Faure, đảng trưởng từ năm 2018, cũng từ chối đứng đầu danh sách gồm những đảng viên xã hội gom góp lại. Kết quả bầu cử: danh sách của ông được 6% phiếu bầu!
Thế là ngày nay, người ta bèn hỏi « Cánh Tả đâu rồi? ». Và trước hết, « Cánh Tả là cái quái gì? ».
«Cánh Tả là cái quái gì?» còn là cái tựa của cuốn sách do hơn ba mươi nhà văn, nhà báo, nhà chánh trị học, trí thức khuynh Tả cùng trả lời câu hỏi «Cánh Tả là cái quái gì? để tìm hiểu đúng nghĩa chủ nghĩa xã hội, vai trò của đảng xã hội. Và nhứt là họ tìm một vị cúu tinh mới cho chủ nghĩa xã hội. Thật ra họ tranh nhau đi tìm chính họ thì đúng hơn! (Quyển sách nhiều tác giả do nhà Fayard xuất bản năm 2017 ở Paris)       
Hơn ba mươi người tranh nhau trả lời câu hỏi «Qu'est-ce que la Gauche?» đã đủ cho thấy thứ « chủ nghĩa xã hội cấp tiến hay khoa học » đang thật sự bị khủng hoảng một cách vô cùng khoa học, vô cùng biện chứng.  Nhà chánh trị học Michel Wieviorka xác nhận vì cho rằng «Chủ thuyết của Tả phái đã trở thành thứ không thể chấp nhận được».

Một thứ im lặng bất thường
Xưa nay cánh Tả vẫn là cái loa lớn tiếng, ồn ào nhứt trong lịch sử tranh đấu quần chúng. Lúc nào họ cũng biểu tình được, yêu sách được, cả đòi hỏi những điều mà chính họ biết là không thể thực hiện được. Họ chỉ cần đòi lấy được mà thôi. Thế mà hôm đại dịch Vũ hán lan tràn, chánh quyền lúng túng trước những biện pháp cúu cấp, những người Xã hội chủ nghĩa không có lấy một tiếng nói. Họ im re một cách bất thường. Có nghiệp đoàn thợ thuyền nhưng đảng Xã hội không dựa vào được vì không phải cơ sở của họ. Nên nhớ Đảng Xã hội Pháp không tranh đấu cho giới lao động vì họ gồm đảng viên là những trí thức, sinh viên, thanh niên khuynh Tả nhưng giữ nếp sống theo tiểu tư sản. Đảng Xã hội Pháp là thứ «Tả caviar» (caviar là trứng cá, món ăn trưởng giả có giá từ 2000€/1kg tới 40000€/1kg). Nhà kinh tế học Pháp, ông Thomas Piketty, trong một tập điều tra về đảng phái, đã gọi đảng Xã hội là đảng hay những người «Tả brahmane» (Thomas Piketty, La Gauche brahmane contre La Droite marchande).
Từ năm 2017, năm đảng trưởng Benoit Hamon thất cử Tổng thống, theo nhà chánh trị học Gérard Grunberg thì «không còn đảng Xã hội nữa. Nó chết mất rồi! Nay không có gì chắc chắn đương kim đảng trưởng Olivier Faure sẽ có thể ra tranh cử Tổng thống vào năm tới được vì khó kiếm đủ 500 chữ ký giới thiệu». Ông giải thích thêm: «Về phương diện thi hành quyền lực, về lãnh đạo, cánh Tả không còn nữa. Luôn luôn chia rẻ, nó không được dân chúng tín nhiệm đủ đắc cử. Đúng như ông Mitterrand nói trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông «sau tôi sẽ không có người lên thay thế tôi cầm quyền tiếp»!
Sau hai năm, Mitterrand vì bị mê hoặc chủ nghĩa Mác-xít, học đòi áp dụng kinh tế xã hội chủ nghĩa làm cho tăng trưởng khựng lại, nguồn vốn tuôn ra nước ngoài, ông vội từ bỏ hết. Về tổ chức hành chánh, ông cho tản quyền tối đa, làm cho bộ máy công quyền quá cồng kềnh của Nhà nước lại suy yếu hơn thời của các vị tiền nhiệm, cũng Tả phái, như Léon Blum, Jean Jaurès. Để cứu vãn kinh tế, ông cho giải tư trở lại, nhưng ông lại giải tư rộng rải hơn những chánh phủ cánh Hũu trước ông. Thế là cử tri cảm thấy hoang mang và nghĩ rằng họ bị phản bội vì ông Tổng thống Mitterrand không giữ lời hứa.

Chủ nghĩa Xã hội phải dẹp tiệm
Chánh sách của đảng Xã hội từ năm 1981 đã làm cho Nhà nước liên tục phình to ra, ngày càng thêm cồng kềnh trong lúc các nước khác lo giảm chi phí quản lý công quyền để đối phó với nạn khủng hoảng kinh tế. Vì thế, chi phí công đã tăng lên từ 46% (của PIB) năm 1980 lên tới 56%, vì chủ trương tăng chi phí cho chánh sách xã hội. Ông Mitterrand muốn cải tổ Nhà nước để biến quan hệ giữa xã hội và Nhà nước có chiều sâu hơn. Theo đó, ông nghĩ là đang thực hiện xóa đi những bất bình đẳng xã hội vì ông gia tăng trọng lượng của «Nhà nước-bảo hộ» (hay Nhà nước-vú em) và nhứt là gia tăng ngân sách của chánh sách xã hội mặc dầu ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất. Thêm vào đó, Nhà nước tạo công ăn việc làm bằng cách tuyển dụng công chức lên tới 40% trong lúc đó, dân số chỉ tăng có 18%.
Để trang trải chi phí, Nhà nước Xã hội chủ nghĩa phải ban hành thứ thuế bắt buộc 48,8% (PIB), dành cho chi phí công quyền 56,5% và cho chi phí xã hội 31%.
Từ nay, dân chúng cảm thấy bất mãn xã hội đầy rẩy nạn bất bình đẳng, người nghèo ngày càng nhiều hơn và khi cần đến công sở thì việc tiếp đãi thiếu lịch sự, công việc kém hiệu quả.
Kịp khi đại dịch tới làm nổi cộm những kẽ hở quá lớn của hệ thống chánh quyền thừa hưởng từ thời Mitterrand tới nay chưa cải tổ được. Tuy y tế của Pháp có tiếng là tốt nhứt nhì thế giới mà nay nhà thương thiếu giường bịnh, thiếu thuốc men, thiếu nhiều thứ dụng cụ… do suốt một thời gian dài Nhà nước quá ỷ lại vào ngoại quốc. Một số bịnh nhơn đã phải đưa qua Đức, Thụy sĩ nhờ chữa trị.
Khủng hoảng kinh tế và xã hội hiện nay do khủng hoảng y tế gây ra sẽ là cơ hội để tránh đi những biện pháp theo thuyết Xã hội chủ nghĩa. Dứt khoát với giáo điều Xã hội chủ nghĩa đã cai trị (Mitterrand và Hollande cầm quyền mất 19 năm) và ảnh hưởng nước Pháp từ bốn mươi năm nay để xây dựng lại một chơn trời mới. Đấy là cái chọn lựa đúng và tốt nhứt cho nước Pháp!
Pháp ngày nay bị khó khăn về phát triển do 19 năm Xã hội chủ nghĩa. Năm 1981, đảng Xã hội cầm quyền đã để lại những di sản cồng kềnh, một thứ  chủ nghĩa Xã hội phá sản. Nếu sau đó, đảng Xã hội có liên tiếp thất cử nhưng nó đã thay đổi lâu dài nước Pháp, về mặt Nhà nước làm việc và về ý niệm lao động.  Pháp không tham dự tích cực được vào hệ thống toàn cầu cũng vì chế độ thư lại (do đảng Xã hội lập ra nhằm đãi ngộ đảng viên) và bớt giờ làm việc còn 35 giờ/tuần (còn muốn hạ thêm còn 29 giờ/tuần) dẫn đến sản xuất kém và không đủ sức cạnh tranh. Từ đó, nước Pháp cứ phải lo đối phó liên tục với những khủng hoảng và một tình trạng suy thoái kéo dài. Trở lại với những năm phát triển trước 1981, Pháp phải can đảm từ bỏ vĩnh viễn cách suy nghĩ theo chủ nghĩa Xã hội, dứt khoát mọi ảnh hưởng của những năm dài Mitterrand!
Nguyễn thị Cỏ May


 
Trung Cộng đã thâm nhập nước Pháp như thế nào?

Trong nhiều thập kỷ, Trung Cộng đã tìm cách để thâm nhập và phá hoại nước Pháp trên tất cả các cấp độ và họ gần như đã thành công.

Tổ chức Pháp – Trung
Tổ chức này do ông Emmanuel Lenain, cựu cố vấn ngoại giao của cựu Thủ tướng Pháp Édouard Philippe điều hành, chịu trách nhiệm kết nối các mối quan hệ từ các tập đoàn công nghiệp lớn, tổ chức các buổi dạ tiệc tại Cung điện Versailles, trao giải thưởng … và tổ chức này rất “nghe lời” chỉ dẫn của Trung Cộng. Hội đồng Chiến lược của tổ chức Pháp-Trung bao gồm các cựu Thủ tướng–ông Édouard Philippe, ông Laurent Fabius và ông Jean-Pierre Raffarin, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hubert Védrine và trong tổ hợp nhân sự hỗn tạp đó còn có Giám đốc điều hành của Tập đoàn Năng lượng Engie, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Axa, Nhà công nghiệp Alain Mérieux (cũng là kiến trúc sư xây dựng phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán).
Trong số các “quán quân” của Tổ chức Pháp-Trung vào năm 2019, có sự góp mặt của ông Olivier Véran, Bộ trưởng Bộ Y tế đương nhiệm, một số tướng lĩnh cao cấp của Pháp, các nghị sĩ, các thành viên của gia đình Rothschild và các giáo sư phẫu thuật. Vào năm 2018, có sự tham gia của chủ tịch của Đài phát thanh Pháp Sibylle Veil; năm 2017 có nghị sĩ Coralie Dubost, cũng là cộng sự của ông Olivier Véran, các lãnh đạo cấp cao của đài TF1, ông chủ của công ty dược phẩm Biomérieux, các Ngoại trưởng là ông Agnès Pannier-Runnacher và ông Brune Poirson. Vào năm 2016, có mặt Thượng nghị sĩ Courtial, “người con tinh thần” của ông Jean-Pierre Raffarin, các lãnh đạo cao cấp của Free, SNCF. Vào năm 2015, có sự tham gia của đài truyền hình vệ tinh số 2 Eutelsat, mà trước đó không lâu đã đồng ý chặn việc truyền qua vệ tinh [ở Trung Quốc] một kênh không do Trung Cộng kiểm soát. Năm 2014, có cựu Giám đốc điều hành Đài phát thanh Pháp Matthieu Gallet và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Franck Riester. Hãy xem xét mối quan hệ hợp tác tuyệt vời gần đây giữa Huawei và Nhà hát Opera Paris. Còn phải nhắc đến sự hiện diện của Tổng biên tập Les Échos và Thủ tướng Édouard Philippe và năm 2013. Tổng thống Emmanuel Macron gần đây đã biến mất một cách kỳ lạ khỏi danh sách những vị quán quân, mà ông vốn thực sự là một người trong số đó.
Vào tháng Ba và tháng Tư năm 2020, khi không còn đủ khẩu trang trên lãnh thổ và trong các bệnh viện, các giới chức của Pháp đã giữ im lặng. Nước Pháp không còn thiết bị bảo hộ dành cho những người chăm sóc y tế, nhưng vào ngày 17/02, Pháp đã gửi 17 tấn thiết bị y tế ủng hộ Trung Quốc. Sau một tháng rưỡi, Bắc Kinh từ chối áp dụng biện pháp tương hỗ song phương với Pháp. Điều này đã không khiến Bộ Y tế [Pháp] có bất kỳ phản ứng nào.
Có lẽ sẽ ít ngạc nhiên hơn nếu chúng ta biết rằng cố vấn của ông Veran phụ trách vấn đề COVID-19, ông Antoine Tesner, đồng điều hành Tổ chức Pháp-Trung, và điều hành một nền tảng đào tạo y tế mà khách hàng chính là… Trung Cộng. Hồi tháng 03/2021, ông Tesnier được bổ nhiệm làm giám đốc của dự án Paris Santé Campus, có diện tích 70,000 m2 và được cho là địa điểm chiến lược nhất để bảo vệ dữ liệu y tế ở Pháp và bảo đảm sự độc lập về chiến lược của Pháp trong lĩnh vực sức khỏe kỹ thuật số.

“Đối tác” khoa học và bệnh viện
Bộ Y tế mô tả đó là “một mối quan hệ hợp tác lâu dài, không ngừng đổi mới và mở rộng, đây cũng là sự hợp tác quan trọng nhất của Pháp ở ngoại quốc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe” và họ hoan nghênh thực tế rằng “hầu hết tất cả các CHU (Bệnh viện Đại học Y Dược) của chúng ta đã kết nghĩa với 17 thành phố lớn của Trung Quốc.” Tất nhiên, điều này là không tính đến việc mỗi thành phố lớn này [ở Trung Quốc] đều tham gia vào việc mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm và các bác sĩ Trung Quốc được đào tạo tại Pháp có thể liên quan đến tội ác này.
Về khoa học và công nghệ, Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc chào đón “gần 3,000 nhà nghiên cứu từ cả hai quốc gia, từ hơn 600 đơn vị nghiên cứu, [mà] ngày nay hợp tác trong khoảng 50 tổ chức công có mặt tại khoảng 40 thành phố ở Pháp và khoảng 30 thành phố ở Trung Quốc.” Trong năm 2014, Đại sứ quán đặc biệt hoan nghênh những nỗ lực phát triển công nghệ nhân bản với Trung Quốc, nhất là ở thành phố Thâm Quyến–nơi mà vào năm 2019, một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã biến đổi gene phôi người, tạo ra những phôi thai người đầu tiên “đã biến đổi gen” và hiện nay chúng ta đã không còn được nghe nói về việc đó.
Sự thâm nhập vào các trường đào tạo kỹ sư và liên kết với quân đội
Tại Brest, trụ sở của Hải quân Đại Tây Dương thuộc Lực lượng Chiến lược Đại Tây Dương và căn cứ ở Đảo Longue, nơi có tàu ngầm răn đe nguyên tử chiến lược của Pháp, thì sự hiện diện của Trung Quốc quả là rất ấn tượng. Xung quanh các trường kỹ thuật và 400 công ty hoạt động trong ngành công nghiệp vũ khí, những vụ trộm lớn của những “chim én” [sinh viên Trung Quốc trẻ tuổi] phát sinh đều đặn hàng năm. Ký giả Antoine Izambard trích dẫn một báo cáo mật của Tổng thư ký Quốc phòng và An ninh Quốc gia (SGDSN), trong đó ghi nhận “gia tăng số lượng các cuộc hôn nhân giữa binh lính ở Brittany và sinh viên Trung Quốc.”
Không chỉ ở Bretagne … Đô đốc Morio de l’Isle đã thừa nhận trong một phiên điều trần tại Quốc hội rằng cơ sở ngoại quốc đang “tăng cường sức mạnh xung quanh” bốn trung tâm truyền tải (CTM) của Lực lượng Đại dương Chiến lược (FOST). … Ví dụ như ở vùng lân cận Rosnay (Indre), Trung Quốc đã mở một trường đại học gần phi trường Châteauroux. Ngoài ra còn phải nói thêm việc [Trung Quốc] đã mua đất nông nghiệp gần khu vực quân sự này … và thêm một lần nữa, không thấy có sự kháng cự hoặc ngăn cản rõ ràng từ phía chính phủ Pháp.

Mua đất nông nghiệp và bất động sản của Pháp
Tận dụng cơ hội được trợ cấp cho nông nghiệp của Âu Châu và sự lơi là của chính quyền Pháp, các công ty đến từ Trung Quốc đã đầu tư vào một số vùng đất nông nghiệp đẹp nhất của đất nước này, và giờ đây họ đang sở hữu những vườn nho nổi tiếng nhất. Các giao dịch mua bán gần đây bao gồm:
– Năm 2016, hơn 1,700 ha đất trồng ngũ cốc ở Berry, được tập đoàn Reward Group của Trung Quốc mua.
– Năm 2017, hơn 900 ha đất đã được mua ở Allier.
– 165 lâu đài và điền trang, bao gồm Saint-Emilion và Pomerol, đã bị các nhà đầu tư Trung Quốc kiểm soát.
– Năm 2018, người Trung Quốc cũng trở thành những người mua bất động sản lớn nhất ở Paris, chiếm 14% giao dịch. Không giống như hầu hết các thủ đô lớn khác, Paris không có hạn chế đối với việc mua [bất động sản] của người ngoại quốc.

Huawei
“Đối tác” của Nhà hát Opera Paris, đại công ty Trung Quốc Huawei đang xây dựng một nhà máy ở Alsace, Brumath, dưới sự hỗ trợ của chính phủ Pháp. Với sự thành lập nhà máy ở Âu Châu này, công ty Trung Quốc hy vọng sẽ đánh bại các đối thủ cạnh tranh ở Âu Châu là Ericsson và Nokia, đồng thời đảo ngược các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác áp đặt nhằm ngăn chặn một công ty liên kết chặt chẽ với quân đội Trung Quốc để tiến hành chuỗi gián điệp ở phương Tây. Đây là một lời buộc tội mà Huawei luôn kịch liệt phủ nhận nhưng quả là vô ích.

Viện Khổng Tử
“Viện Khổng Tử là một thành tựu mới. Sau 10 năm phát triển nhanh chóng, chúng tôi đã mở 1,500 Học viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử ở hơn 130 quốc gia,” ông Mã Kiến Phi (Ma Jianfei), Bí thư chi bộ Đảng tại Hán Biện (Hanban–Trụ sở chính của Viện Khổng Tử tại Trung Quốc), Bộ Giáo dục Trung Quốc, đã giải thích vào năm 2016. Ông cho biết thêm: “Chúng tôi đã cắm những lá cờ đỏ trên toàn thế giới.”
Trung Cộng đã thâm nhập nước Pháp(Ảnh: Thomas Samson/Pool/AFP/Getty Images)
Bà Khâu Tiểu Vân (Qiu Xiaoyun), Giám đốc Nghiên cứu về Tinh thần Cách mạng của Trường Sư phạm phía Nam tỉnh Giang Tây và là giảng viên của Viện Khổng Tử, đã nhấn mạnh hồi tháng 08/2018 về sứ mệnh của các Viện Khổng Tử, “Chúng ta phải tích hợp DNA đỏ trong máu và truyền nó từ thế hệ này sang thế hệ khác. […] Đây là trách nhiệm của chúng ta với tư cách là giảng viên.” 17 Học viện Khổng Tử gần đây đã được mở tại Pháp. Viện mới được mở gần đây nhất là ở thành phố Pau, vào tháng 09/2019, ông François Bayrou là thị trưởng thành phố khẳng định rằng, “Chúng tôi đã gửi đề nghị đến nhà cầm quyền Trung Quốc và chúng tôi đã đến Trung Quốc.”
Một năm sau, ông Bayrou được thăng chức Ủy viên Kế hoạch, chịu trách nhiệm lập kế hoạch cho nước Pháp trong 30 năm tới. Nên hay không nên có thiên kiến ​​ủng hộ Trung Quốc?

Kiểm soát các công ty Pháp
Từ 10 năm qua, tỷ lệ cổ phần của Trung Quốc trong các công ty lớn của Pháp đã tăng lên đáng kể và thậm chí ngày càng thường xuyên hơn. Sau đây là một số ví dụ:
– Phi trường Toulouse-Blagnac, được mua với giá 308 triệu euro vào năm 2015 bởi tập đoàn Shandong Hi-Speed ​​và quỹ Friedmann Pacific của Hồng Kông.
– Các công ty thực phẩm Aosta, Justin Bridou, Cochonou, được Tập đoàn Song Hối (Shuanghui) mua vào năm 2013.
– Thương hiệu sang trọng Baccarat trong ngành pha lê, được Fortune Fountain Capital mua vào năm 2018 với giá 184 triệu USD.
– Hệ thống khách sạn Campanile, Kyriad, Première Classe và Golden Tulip, được tập đoàn Jin Jiang International mua vào năm 2015 với giá 1.3 tỷ euro.
– Các thương hiệu quần áo trẻ em Catimini, Z, Absorba, Chipie, Lili Gaufrette, được tập đoàn Zhejiang Semir Textile mua vào năm 2018 với giá 132 triệu USD.
– Công ty du lịch Club Med, được Fosun mua vào năm 2015 với giá 939 triệu euro.
– Thương hiệu thời trang Naf Naf, được tập đoàn Shanghai La Chapelle Fashion Co, mua vào năm 2018.
– Thương hiệu Sonia Rykiel, cũng được mua năm 2012.
– Thương hiệu thời trang Lanvin, được Fosun mua vào năm 2018 với giá 100 triệu USD.
– Hệ thống phân phối nước hoa và mỹ phẩm Marionnaud, được tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành mua vào năm 2005.
– Các thương hiệu thời trang Sandro, Maje và Claudie Pierlot, được tập đoàn Shandong Ruyi mua vào năm 2016.
– Công ty Ván trượt Salomon, được Anta Sports của Trung Quốc mua vào năm 2019 với giá 4.6 tỷ euro.
– Chuỗi nhà hàng St. Hubert, được tập đoàn Fosun Sanyuan mua vào năm 2018 với giá 700 triệu USD.
Thứ năm, 01/07/2021
Theo Epoch Times Pháp ngữ
Ngọc Quỳnh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ Epoch Times Pháp ngữ

Đăng ngày 06 tháng 07.2021