banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tin mừng: «Doggy-bag» tới Paris!

Nguyễn thị Cỏ May



Ở Huê kỳ, «Doggy-Bag» từ lâu đã trở thành quá quen thuộc, như một định luật, một tập quán xã hội giữa nhà hàng, quán ăn với thực khách. Sau khi ăn uống xong, còn thức ăn trong dĩa, không cần nói, nhà hàng tự động đem hộp ra, trút hết phần thức ăn còn lại vào hộp, gói lại, để sẵn lên bàn cho thực khách cầm về. Hai bên đều vui vẻ.
Thật ra, điều này có lợi cho cả hai bên. Khách không phí phạm, nhà hàng nhẹ thùng rác.
Chuyện đẹp như vậy mà mãi tới nay mới được du nhập vào Paris.  Paris vẫn có tiếng là Thủ đô ánh sáng!

Tránh phí phạm của Trời
Hột gạo là viên ngọc Trời ban cho nuôi sống con người. Từ xa xưa, người nông dân nghĩ như vậy nên họ quí trọng hột gạo. Ngồi vào ăn cơm, người ta cầm đũa lên, so đũa và xá nhẹ một cái. Ăn xong, cũng cầm đũa xá một cái rồi mới gác đũa lên. Cử chỉ xin phép được ăn hột gạo và cảm ơn hột gạo cho sự sống qua ngày hôm nay. Có biết như vậy mới biết quí trọng thức ăn.
Người Pháp cũng giữ cùng nếp văn hóa đẹp đó. Người Pháp đây là người Pháp thứ thiệt, có nguồn gốc trên đất Pháp, hấp thụ văn hóa Pháp Thiên Chúa giáo. Ngày nay, phần lớn sanh sống ở các thành phố đều là dân du côn từ đâu trôi giạt vào, không có văn hóa. Thứ vừa ra khỏi rừng hay ruộng đồng là muốn nhảy ngay lên ngồi Mercédès, không chịu đi xe đạp, xe gắn máy… rồi đi xe hơi.
Ở một Trung tâm tiếp cư và hướng nghiệp dành cho những người thất nghiệp, không gia đình, một người Pháp trung niên, một hôm, phụ dọn ăn trưa, anh lấy bánh mì ra để cắt từng khoanh để vào giỏ đặt lên bàn ăn.
Bắt đầu công việc, anh lấy khăn trắng trải lên bàn, cầm ổ bánh mì, tay cầm dao, trịnh trọng đưa dao lên làm dấu xẻ dọc theo chiều dài ổ bánh mì một cái, rồi tiếp theo chiều ngang, tức dấu thánh giá, rồi mời để ổ bánh mì lên khăn và cắt.
Thấy cử chỉ đặc biệt của anh không giống phần đông những người cùng ở đây - những người này, ngồi vào bàn ăn, chụp ngay bánh mì, đưa lên xé ra từng khúc cho vào giỏ - bèn đi coi lại hồ sơ cá nhơn của anh mới biết anh quê ở miền Nam, trong một gia đình tử tế. Vì anh bị môt chứng bịnh tâm thần nhẹ nên đi làm nhiều lúc thấy chán, anh bỏ đi chơi. Thất nghiệp, hết tiền, nên vào đây ở tạm một thời gian…

Ngày nay phí phạm thực phẩm ở các nước phát triển vô cùng quan trọng. Cứ nghĩ nếu gom lại hết số thưc phẩm phí phạm đó sẽ đủ nuôi sống phần dân số thế giới còn lại. Phí phạm vốn là căn bịnh trầm kha của xã hội tiêu thụ. Bởi phí phạm để sản xuất. Và cứ thế là phát triển!
Có ai nghĩ ngày nay, lúc đi ngủ, có bao nhiêu triệu trẻ con gầy yếu trên thế giới đi ngủ với cái bụng trống rổng?
Chỉ riêng ở Paris, nhà hàng ăn đang phí phạm thức ăn hằng ngày như thế nào?
Theo kết quả một cuộc điều tra của hãng Ademe phổ biến năm 2016 thì chỉ riêng hệ thống nhà hàng ăn phí bỏ 33% của số thực phẩm làm ra vì thực khách ăn xong còn thừa bỏ lại trong lúc đó chỉ có 15% những phần được thực khách ăn hết.
Trước tình trạng hoang phí thực phẩm nghiêm trọng, chánh phủ Pháp giựt mình và phản ứng. Quá muộn nhưng còn hơn không.
Từ nay, nhà hàng, quán ăn được yêu cầu dùng những chiếc hộp tái sử dụng đựng phần thức ăn của thực khách ăn còn lại đưa thực khách cầm về.
Tiếp theo việc khuyến cáo thực khách cầm về phần thức ăn của mình còn lại, chánh phủ liền hợp thức hóa viêc này thành luật và một đạo luật về «nông nghiệp và lương thực» đã được thông qua năm 2018.
Phần còn lại trong dĩa, chai ruọu uống không hết, tráng miệng chỉ kịp nếm qua một chút... Từ 1 tháng 7, nhà hàng, quán ăn bị bắt buộc phải đưa cho khách cái hộp để khách có thể cầm đi phần ăn còn dư của họ.
«Doggy-bags», những cái «hộp đựng thức ăn cầm về cho chó», là thứ ở nhiều nơi khác rất quen thuộc của nhà hàng và thực khách thì nay được thành luât ở Pháp để nhằm chống lại sự hoang phí thực phẩm vì nay người ta mới thấy sự hoang phí thực phẩm quá sức lớn ở ngành nhà hàng, tiệm ăn.



Tây sợ «hộp thức ăn cho chó»
Thông thường, mỗi khi chánh phủ, bất kỳ Tả hay Hũu, đề nghị hay ban hành một điều gì mới là có Tây chống lại. Không chống, lẳng lặng đồng ý là không phải Tây!
Thật ra, ai cũng thừa biết «doggy-bags» từ lâu phổ biến ở Huê kỳ, ở những nước văn hóa Anh (Anglo-saxons)
và Á châu, nhưng mấy ông tây bà đầm ta và cả nhà hàng, quán ăn vẫn thấy nó làm sao ấy. Có người cho rằng thức ăn đã ăn qua rồi, phần còn lại đem trút vào hộp sẽ mất vệ sinh. Nhưng phản ứng này có lẽ chỉ do văn hóa tTy không bám rể được chặt chẽ vào văn hóa Mỹ mà thôi. Trường hợp này được giải thích «Ở Mỹ, ở Á châu, ngay cả ở Trung Đông, phần ăn lớn, dĩa đầy ắp thức ăn, trái lại ở Pháp, dĩa bới vừa đủ phần ăn cho một người. Ở Á châu và Trung Đông, thức ăn bới ra đấy ắp đặt trên bàn, người ăn tùy sức mà ăn theo khả năng của mình. Hơn nữa, ở Pháp, ngay từ lúc nhỏ, trẻ con trong gia đình đã được dạy phải ăn cho hết dĩa, không được bỏ mứa».
Phần đông người Pháp có thói quen ăn xong, hết thức ăn trong dĩa, vẫn lấy một miếng bánh mì vét dĩa thật sạch, cái dĩa có thể khỏi cần rửa lại. Có khi trong suốt bữa ăn, họ không ăn tới bánh mì mà chỉ cần bánh mì để vét dĩa.  Đây là thói quen rất phổ biến, có gốc rể từ ngàn năm của dân Pháp vì khi ăn miếng bánh mì sau bữa ăn, người ta biết chắc là mình đã ăn rồi.
Các bà Việt Nam xưa cũng vậy. Ăn món gì thì sau cùng vẫn phải ăn một chút cơm để giằn bụng! Có một sắc dân Tàu, ăn cao lâu, tiệc tùng gì thì sau cùng cũng phải húp một chén cháo trắng để thật sự kết thúc bữa ăn.
Về thái độ của Tây dị ứng với «doggy-bags» không hẳn chỉ vì thói quen. Theo kết quả thăm dò dư luận của hảng YouGov thực hiện hồi năm 2014 thì có 15,1% trả lời «đi hỏi một cái «doggy-bag» cảm thấy nó bần tiện làm sao ấy. Còn 11,1%  cho là không lịch sự và 5,1% bảo không hợp vệ sinh chút nào hết. Sau cùng, 33,8% thấy rằng không ích lợi».
Luật đã ra, phản ứng của dân chúng không thuận lợi. Giờ chỉ còn chờ cách áp dụng luật vào thực tế sẽ thay đổi được thói quen của người Pháp hay không mà thôi.

Ở đây khách ăn hết sạch dĩa
Khi chánh phủ nhắc lại nhà hàng đừng quên đưa cho thực khách cái hộp lấy thức ăn còn lại cầm về thì chủ nhà hàng rất khó chịu bảo «Ở đây khách của chúng tôi đều ăn hết sạch. Không còn gì mà mang về. Nếu đưa hộp cho khách thì nhiếu lắm, tháng một cái ».
Luật là luật. Từ nay, nhà hàng phải sẵn sàng đưa cho khách cái hộp khi thấy trên dĩa còn thức ăn. Phải làm như vậy một cách nghiêm chỉnh để thât sự chấm dứt tình trạng hoang phí thực phẩm.
Tuy nhiên vẫn có chủ nhà hàng chống đối áp dụng phổ quát «doggy-bag». Họ cho rằng họ đủ thông minh để biết phải làm gì. «Khách của chúng tôi là khách quen. Trưa họ tới ăn, xong họ trở lại làm việc. Như vậy, nếu cầm theo cái hộp thì liệu thức ăn trong đó có còn tốt cho tối về ăn nữa hay không?. Bảo hãy giữ trong tủ lạnh ở sở làm, tủ lạnh có đủ chỗ cho nhiều người không? Rồi khi tan sở, thường có nhiều người lật đật đi lại quên cái hộp».
Những chủ nhà hàng này cho rằng luật có áp dụng đi nữa cũng sẽ không thay đổi được gì hay hơn. Vả lại, những người hầu bàn chưa quen hỏi khách vừa ngồi xuống có muốn cầm theo thức ăn còn lại hay không?
Thực tế, luật đã phổ biến mà vẫn còn không ít nhà hàng, quán ăn chưa biết có «doggy-bags» phải áp dụng nghiêm chỉnh. Có người bảo có đưa hộp cho khách lấy hết dĩa còn lại mang đi nhưng họ từ chối. Chúng tôi làm gì khác hơn được?
Nói chuyện thì nhà hàng cho rằng mọi trường hợp không tuân hành luật pháp về «doggy-bag» chỉ vì thói quen của Tây không phải là thói quen của Mỹ. Tây ăn vừa xong là lấy bánh mì vét dĩa ngay. Mỹ không làm như vậy.
Nhưng luật vẫn có giá trị của nó. Một thực khách ngồi bàn vỉa hè - trong thời gian giản cách vì đại dịch Vũ hán – nói chuyện với một người hầu bàn về cái doggy-bag: «Tôi phải hỏi để xin một cái hộp, thì tôi ngại lắm. Nhưng nếu nhà hàng cầm tới cho tôi, thì còn gì bằng»!
Vậy đạo luật chống lại sự phí phạm thức ăn của nhà hàng phải có giá trị làm hài lòng người dân Pháp ở một thành phần nào chớ?
Nguyễn thị Cỏ May

 
Đăng ngày 01 tháng 11.2021