banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Uống mùa dịch Vũ hán

Nguyễn thị Cỏ May

Cơ hội gặp nhau hoặc một mình buồn, ghé vào làm một hai ly chơi. Không còn nữa! Vì nhà hàng, bar, café đều đóng cửa. Đại dịch Vũ hán thật quái ác. Thế mà trong lúc đó, rượu lại được tiêu thụ nhiều hơn lúc bình thường trước đây. Kết quả điều tra cho thấy số lượng bán ra tăng từ hơn một năm nay. Như vậy phải chăng có điều gì bất thường?

Rượu và uống
Nói «rượu» nhưng hiểu đúng tiếng này lại không đơn giản. Cùng một tiếng «rượu», tây với ta không hiểu giống nhau. Cả cách uống. Vì văn hóa đông/tây khác nhau?
Người Việt nam thông thường gọi la-de, vin (rượu chát), các loại whisky, cognac, gin, rhum, wooka, đế... chung một tiếng là «rượu». Đức Luu Linh đã dạy như vậy. Tức thức uống có men, không quen uống vào bị say.
Nhưng Tây, họ nói và hiểu khác hơn. La-de, vin, họ không cho là rượu. Cấm rượu thi hai thứ này không bị cấm. Cấm rượu là cấm whisky, cognac, rhum... những thứ từ 40° trở lên. Vì những thứ này mới đúng là rượu. Vin, la-de chỉ là thức uống bình thường hằng ngày có chút men. Nếu uống vài ly mà say là tại người chớ không phải tại mấy thứ này.

Về «uống», Tây và Ta cũng lại hiểu không giống nhau nữa
Với Tây, «uống» là uống vin, uống rượu. Bết lắm cũng phải la-de. Còn uống nước thì phải nói cho rõ là  «uống nước». Có chữ nước đi liền với uống thì ông Tây nhà ta mới không hiểu lầm!
Chuyện cực kỳ quan trọng.


Một bác sĩ người Việt nam, một hôm, khám bịnh cho một người Pháp ở phòng mạch của ông. Nhận thấy bịnh nhơn bị thiếu nước, ngoài vài bịnh khác, nên sau khi cho toa, ông ân cần căn dặn thêm bịnh nhơn của ông phải nhớ uống thật nhiều. Ngày ít lắm, phải 1,5 lít. Theo thói quen và cách diễn tả Việt nam, ông nói gọn uống ít lắm phải 1 lít rưởi mỗi ngày mới đủ. Ông không nói rõ là uống nước!
Bịnh nhơn vâng dạ.
Mươi ngày sau, bịnh nhơn trở lại tái khám để kiểm soát. Các thứ bịnh mà ông cần đi bác sĩ nay đều hết nhưng người ông lừ nhừ như kẻ say rượu. Và mùi rượu bốc ra từ người, cả quần áo của ông.
Bác sĩ vội hỏi với vẻ khó chịu «Ông uống rượu nhiều lắm hay sao? Hết bịnh nhưng người ông không thấy tươi tỉnh?».
- Bình thường tôi vẫn uống nhưng không quá 2 ly mỗi ngày. Bác sĩ bảo tôi thiếu nước, phải uống ít lắm 1,5l mỗi ngày nên từ hôm đó, mỗi ngày tôi phải ráng uống 2 chai. Hôm nay, tôi trở lại để nói với bác sĩ, tôi chịu hết nổi rồi!
- Trời ơi! Tôi dặn ông uống nước chớ có bảo ông uống rượu đâu?
- Uống nước! Bác sĩ không nói rõ là uống nước. Nên tôi hiểu là uống vin mỗi ngày, ít lắm phải 1,5l.
Nhưng anh chàng này yếu quá. Một người bình thường, mỗi bữa ăn có thể uống hết một chai. Người ghiền, hay thợ hồ, công nhơn nông nghiệp vì làm việc ngoài trời suốt ngày vào mùa lạnh, mỗi ngày phải uống từ ba đến bốn lít là bình thường để giữ ấm.
Vì uống vin thay nước nên người Pháp hiểu uống là uống vin một cách tự nhiên, từ thế hệ này qua thế hệ kia. Do đó họ đều có cặp môi mỏng để khi uống, môi dính liền với thành ly, không để rơi rớt một giọt nào. Giọt rượu là giọt máu!
Chánh phủ Pháp đang làm hồ sơ xin UNESCO công nhận «vin là di sản phi vật thể» của Pháp sau khi «ẩm thực» Pháp đã được UNESCO công nhận năm 2011.

Dân chủ và bình đẳng!
Dịch Vũ hán từ hơn một năm qua tàn phá các ngành thương mãi trên khắp thế giới, không riêng gì Pháp. Bar, café, nhà hàng, quán ăn...đóng cửa nên cơ hội bạn bè gặp nhau bên ly ruọu không còn nữa nhưng không vì vậy mà ruọu ế dài ra. Trái lại bán chạy hơn lúc bình thường. Cơ quan điều tra của Y tế Pháp (Coviprev de Santé publique France) hôm đầu tháng tư cho biết có 51% dân chúng uống nhiều hơn lúc trước đây khi chưa có dịch. Nói cho rõ có 10% số ly tăng và 23% số ly và người uống tăng.
Trên các quảng cáo rượu, cả la-de, đếu phải ghi câu «uống chừng mực vì sức khỏe» nhưng khi mức tiêu thụ rượu gia tăng thì các nhà sản xuất và buôn bán rượu không khỏi vui mừng. Cơ hội phát tài. Như các nhà mai táng trên khắp thế giới, chưa bao giờ được như lúc này, việc làm không xuể. Các tiệm bán rượu mở cửa. Nhờ lúc nhà hàng, bar, café đóng cửa.
Ngay tháng đầu tiên có lịnh «cấm cửa» (confinement) trên cả nước, dường như mọi người lo sợ. Nhiều người đi chợ dự trữ lương thực, nhứt là giấy đi cầu. Trong lúc đó, cửa hàng rượu không phải bán ra từng chai như lúc bình thường, mà từng kết, từng bình 4 lít. Cũng trong dịp này, nhiều chai mắc tiền nằm trên kệ lâu ngày, tưởng đâu không bán được, nay đều biến mất. Một sự gia tăng về số lượng và cả về phẩm nữa.
Thật chưa bao giờ được như vậy!
Đại dịch Vũ hán thay đổi mọi thứ trong đời sống. Cả thân phận con người. Một hiện tượng mới xuất hiện trong ngành bán rượu ở Pháp. Thật ra rượu ở đâu cũng có bán nhưng giới chuyên bán rượu «caviste» ở Pháp xưa nay trong nghề vẫn được coi như giới uu tú. Và cửa hàng của họ dành riêng cho dân sành điệu. Giá rượu ở đây dĩ nhiên phải mắc hơn năm bảy phần trăm. Nhưng mua ở đây không sợ bị hàng xấu hay hư vì người «caviste» lựa chọn kỹ và theo dõi hàng ở cửa hàng của mình. Nơi để rượu (cave) phải giữ từ 8°c tới 18°c. Không ánh sáng rọi vào. Không tiếng động. Chai rượu phải để nằm và thường lắc nó một cái cho nó thở.
Nhưng nay, cửa hàng «caviste» không còn chỉ dành riêng cho một từng lớp khách hàng nữa. Đại dịch đã dân chủ hóa nó! Đúng vậy. Vì giới trẻ và cả các bà, các cô, đã bắt đầu tràn tới, lựa mua đem về dự trữ. Sợ khan hiếm.
Chẳng phải chỉ dân chủ hóa mà còn bình đẳng nam nữ và trẻ trung hóa khách hàng nữa. Giới caviste ghi nhận lớp khách hàng mới này, phần đông trẻ hơn 3 tuổi, nam nữ gần bằng nhau. Trước kia, khách hàng mua rượu, phụ nữ chiếm 40%, nay tăng thêm 5%.

Vì lo sợ mà...
Khi số người mua rượu gia tăng, dĩ nhiên số người ghiền cũng nhảy vọt theo.
Dịch Vũ hán vẫn là động cơ thời cuộc. Người bình thường nay uống và uống nhiều hơn, người quen uống thì nay là cơ hội tốt. Họ lo sợ bị lây nhiễm hoặc nhìn thấy người thân, bạn bè bị bịnh, bị «cấm cửa», bị mất việc làm, bị giảm lợi tức… Những điều này đều có thể trở thành lý do để họ uống và uống nhiều. Trong những ngày đầu virus Vũ hán tới, người ta còn bình tĩnh, tự tin. Họ giữ được mức độ bình thường trong việc dùng rượu (vin) hằng ngày. Nhưng khi hãng xưởng đóng cửa, mọi hoạt động ngừng, tinh thần họ suy sụp. Thế là đi tìm sự yên ổn qua ngày trong ly rượu.
Ngoài ra rượu còn là nhu cầu quan hệ xã hội rất quan trọng của chúng ta. Mặc dầu ngăn cách nhau. Vừa lúc chánh phủ ban hành lệnh «cấm cửa» (confinement) lần đầu tiên, nhiều người ở nhiều nơi liên lạc nhau cùng hẹn tổ chức «apéros Zoom» hoặc «Face Time». Thế là chỉ sau thời gian, có không ít người cần uống một mình, nhiều hơn và thường hơn.
Rượu vẫn hấp dẫn hơn hết. Có một số người hút cần sa, vì giá cần sa tăng lên gấp đôi, khó kiếm nữa, vội nhảy qua làm đệ tử Luu Linh vì dễ kiếm và giá vói tới dễ dàng. Thế là dân số của Luu Linh nhờ đó mà tăng vọt nhanh chóng.

Một nghịch lý?
Kết quả điều tra hồi tháng 6 (trên 1000 người được hỏi) của hãng Odoxa et la FG2A nói rằng trong thời gian «cấm cửa», dân Pháp uống rượu ít hơn, hút thuốc ít hơn và ăn chất béo, ăn mặn cũng ít hơn. Nhưng lại có 1/3 dân Pháp mập hơn 3,2 kg. Trong lúc đó, họ vẫn tập thể dục ở nhà đều đặn hơn, kỷ hơn.
Cụ thể số người Pháp uống rượu hằng ngày hay chỉ cơ hội nay cũng giảm 6 điểm, từ 57% xuống còn 51%.
Còn hút thuốc thì có 27% người hút cũng giảm xuống được 4%.
Như vậy, theo đây, virus Vũ hán có tác động tích cực cho dân chúng về mặt bảo vệ sức khỏe!
Có người ngạc nhiên trước kết quả điều tra này nên hỏi tại sao có sự éo le như vậy. Người ta giải thích đó là do thiếu hoàn cảnh gặp gỡ. Người ta dễ uống nhiều, hút liên miên, ăn nhiều khi người ta gặp nhau đông đảo, vui vẻ với nhau. Nay bị cấm cửa, ai ở nhà đó. Buồn chết, còn lòng dạ nào mà uống, mà hút, mà ăn cho được.
Nên nhớ Tây uống là phải uống la-de, vin. Chớ không phải uống nước. Vì văn hóa Pháp có nguồn gốc Thiên Chúa giáo. Trước năm 1905, đời sống xã hội Pháp hoàn toàn bị đặt dưới áp lực của Giáo hội. Như lý lịch của một người Pháp có điều gì không rõ, thì người ta đem đối chiếu với sổ rửa tội là chắc ăn hơn hết. Không còn nghi ngờ gì nữa.
Trong làng, trong xóm, trên ông xã là ông Cha Sở. Lời nói của Cha Sở là chơn lý.  
Tây uống la-de và vin vì nghe lời Cha cắt nghĩa trong la-de có sự «Tự do», trong vin có «Trí tuệ» và trong nước có «Vi khuẩn»!
Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 11 tháng 11.2021