Giải pháp nào cho cuộc chiến Ukraine?
Nguyễn thị Cỏ May
Trong những ngày gần đây, thấy tình hình Ukraine có vẻ tạm lắng dịu, nhiều nhà bình luận đưa ra đề nghị nên tiến hành đàm phán để giải quyết chiến tanh Ukraine, tránh chết chóc thảm khốc cho hai bên và dân chúng Ukraine thoát được cảnh cơ cực. Có cả vài nhà bình luận Pháp lại cho rằng có nhượng bộ Poutine cũng là điều tự nhiên vì tránh voi có gì xấu mặt. Hơn là để cuộc chiến leo thang và chiến tranh thứ III bùng nổ sẽ còn thảm hại hơn nữa. Nhưng đồng thời cũng có nhiều người am hiểu về Nga và nhứt là Poutine, trái lại, cho rằng giải pháp dứt khoát chỉ có hạ được Poutine, đưa Nga trở thành một nước Âu Châu. Để thiên hạ thái bình.
Trước tình hình cực kỳ gay gắt của Ukraine, bà Françoise Thom, sử gia chuyên về Nga, quả quyết Poutine sẽ đánh Ukraine dã man và tới cùng. Đừng quên Poutine là người nối tiếp đế quốc Nga và Liên xô sau này. Và cũng đừng quên nhà cầm quyền ở Điện Cẩm linh vẫn thừa nhận mình là một «đế quốc bành trướng thường xuyên». Cụ thể như khi đánh chiếm Ukraine hiện nay là để nới rộng biên giới của Nga tránh mối hăm dọa xâm lăng của Âu châu. Từ thế kỷ XVIII, Nữ Hoàng Catherine đã viết cho Voltaire «Chúng tôi không hề tìm thấy phương tiện nào khác hơn để bảo đảm biên giới của chúng tôi bằng cách mở rộng biên giới».
Nên thấy đó là bản chất của đế quốc Nga ở Điện Cẩm-linh mà Poutine ngày nay đang tiếp tục thực hiện. Năm 2016, sau khi chiếm Crimée, như để bày tỏ sự hài lòng của mình, Poutine nói «Biên giới của Nga không hề chấm dứt ở đâu hết». Thật ra đó cũng là cái nhìn về biên giới của đế quốc Nga qua nhiều thế hệ cầm quyền.
Cũng là lý tưởng của dân Nga
Theo bà Françoise Thom, từ nhiều thế kỷ qua, người Nga không coi mình là một dân tộc, một quốc gia, mà là một đế quốc, và một đế quốc thường xuyên bị hăm dọa. Poutine làm đủ mọi thứ để nhằm củng cố niềm tin này nên bộ máy tuyên truyền càng xoáy mạnh vào điểm này.
Khi tuyên truyền cho dân chúng về hiểm họa mở rộng lấn chiếm Nga của Âu châu và Otan, Poutine đã không ngần ngại chửi rủa Âu châu là quỷ sứ nguy hiểm cho những giá trị Thiên Chúa giáo mà Moscou đã bảo vệ và nhờ đó được coi là «La mã thứ ba» (troisième Rome). Hơn nữa chính Giáo chủ Kirill tích cực không ngừng cổ vũ cho chủ trương đế quốc của Poutine.
Từ Ivan le Terrible (Sa Hoàng đầu tiên thê kỷ XVI) tới Poutine, nổi ám ảnh đế quốc đã biện minh cho thứ chánh trị độc tài vì xưa nay độc tài và đế quốc vẫn là hai thứ không thể tách rời nhau.
Trong quá khứ, có nhiều Sa Hoàng đã muốn tự do hóa chế độ như thử tổ chức một bộ phận có tính đại diện, như một thứ quốc hội. Nhưng cứ mỗi lần như thế dự tính đều phải dẹp đi vì bị người khác cho là sẽ gây xáo trộn và làm suy yếu Nhà nước. Nên mọi người cứ nghĩ mở rộng đế quốc là đúng và từ đó chủ trương độc tài trở thành chánh nghĩa, là chủ thuyết
lãnh đạo của Điện Cẩm-linh.
Và chính chủ thuyết này đã hướng dẫn Poutine không ngừng khôi phục nước Nga trở thành một cường quốc bằng cách kiểm soát các nước láng giềng để bảo vệ xã hội Nga.
Từ sau khi chiếm Crimée 2014 và tấn công Ukraine tháng 2/2022, Poutine bắt đầu dẹp bỏ ở Nga các thứ tự do, đóng cửa báo chí tư nhơn, ai chống đối thì bị bắt nhốt hoặc thủ tiêu.
Theo cái nhìn đế quốc, Poutine đánh chiếm Ukraine, chớ không phải chỉ bảo vệ nhóm dân nói tiếng Nga ở phía Đông Ukraine, để nhằm kiểm soát giới uu tú của các nước láng giềng. Đúng như Staline đã làm trước kia ở những nước trong khối Liên xô, đặt những người lãnh đạo phải là cộng sản, chớ không phải những người yêu nước đã từng chiến đấu kiên cường chống quốc xã.
Hãy để ý, năm 2014, Poutine bắt đầu đánh chiếm Ukraine rồi vì người của Điện Cẩm-linh, Ianoukovitch, thất cử và người thay thế, Zelensky hiện nay, không phải là người của Poutine. Tháng 2/2022, khi mở «hành quân đặc biệt», Poutine thật sự nhằm bắt sống hoặc tiêu diệt lãnh đạo Ukraine đắc cử mà không phải là người của mình để thay thế vào đó đúng là người của mình chọn.
Kiểm soát thành phần uu tú xưa nay vẫn là chủ trương của đế quốc. Và đế quốc lâu đời Nga.
Ngoài ra, khi đánh chiếm Ukraine, Poutine còn có cái nhìn khác nữa. Nếu không thật sự kiểm soát được Ukraine, hệ thống kỹ nghệ quân sự, nguồn nông nghiệp phong phú, quân đội hùng mạnh và đội ngũ uu tú của Ukraine... thì địa vị cường quốc của Nga sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Thật vậy, một lãnh đạo nhóm ly khai ở Donbass, Igor Guirkine, đã từng tuyên bố «không có Ukraine, Nga chỉ là một thân mình khổng lồ không tay, không chơn».
Đế quốc Nga khi thắng Ukraine
Nếu chẳng may, Poutine đánh chiếm được Ukraine như hắn mơ, thì đế quốc Nga sẽ trở thành Bắc Hàn, một mối nguy hiểm cho các nước láng giềng xa gần. Trái lại, nều Ukraine đẩy lui vĩnh viễn được quân xâm lược Nga ra khỏi lãnh thổ của mình thì lập tức, Liên bang Nga sẽ tan rả thành mảnh vụn.
Vì vậy Poutine đã tuyển một lực lượng dánh thuê gồm những nhóm dân thiểu số gởi tới chiến trường miền Đông Ukraine thay thế cánh quân chánh quy nên gần đây mới chiếm lại lẻ tẻ vài chỗ.
Vẫn theo bà Françoise Thom, nếu mai này, đế quốc Nga tan rả như Liên xô hồi năm 1991, thì Âu châu đừng phản ứng như lúc đó nữa mà hãy để cho Nga thật sự trở về với chính họ. Vì hễ Nga vẫn là đế quốc thì vẫn còn là mối nguy hiểm cho các nước láng giềng. Nga phải thấy mình là một quốc gia như bao nhiêu quốc gia khác sống hài hòa với nhau. Một quốc gia thiết lập trên cơ chế dân chủ pháp định, chớ hoàn toàn không dựa theo thần quyền, theo ý Chúa, có sứ mạng thôn tính các nước khác. Nhưng chắc chắn ý tưởng Nga phải là nước Dân chủ sẽ làm cho Poutine và cánh của hắn ta run sợ vì cánh cửa Tòa án Quốc tế đang mở ra chờ thân chủ mới.
Vì vậy mà Poutine phải tận dụng lực lượng quân sự, động viên thêm, tìm thêm võ khí, để chiếm lấy cho bằng được Ukraine, xóa nước Ukraine khỏi bản đồ. Được như vậy, Poutine mới giữ được đế quốc Nga và giữ được chế độ độc tài của mình.
Nguyễn thị Cỏ May
Đăng ngày 13 tháng 02.2023