Từ «hành quân đặc biệt»
tới «chiến tranh nhơn dân»
Nguyễn thị Cỏ May
Hôm trước ngày kỷ niệm một năm chiến tranh Ukraine, Đại Hội đồng LHQ lên tiếng kêu gọi Poutine hãy rút hết quân đội Nga ra khỏi biên giới được quốc tế nhìn nhận của Ukraine ngay lập tức và vô điều kiện (afp), để tái lập một nền hòa bình chánh đáng và bền vững. Bản nghị quyết không có tính cưỡng chế thu được 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 23 quốc gia vắng mặt trong đó có Trung cộng và Ấn độ. Còn những nước chống gồm có Nga, Biélorussie, Syrie, Bắc Hàn, Mali, Nicaragua và Érythrée. Hồi tháng 10 năm trước, khi Poutine thôn tính 3 vùng đất phía Đông của Ukraine, cũng có 143 quốc gia ủng hộ Ukraine và chỉ có 5 nước chống. Bản nghị quyết cũng kêu gọi ngưng mọi xung đột, điều kiện cần để có hòa bình sớm nhứt có thể, đúng theo hiến chương LHQ.
Từ cả năm nay, Nga sử dụng quyền phủ quyết ngăn cản Hội đồng An ninh có mọi hành động về Ukraine. Nay, Đại hội đưa ra bản nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine. Tuy bản văn không có giá trị cưỡng hành nhưng, theo quan điểm của ông Josep Borrell, Chủ nhiệm Ngoại giao của Âu châu, «nó không phải chỉ là một mảnh giấy lộn bởi nó phản ảnh ý chí của cộng đồng quốc tế».
Theo nhà Ngoại giao Đức, bà Annalena Baerbock, thì con đường hòa bình cho Ukraine rất rõ ràng: «Nga ngưng oanh tạc Ukraine. Vì hòa bình không phải là kẻ xâm lược đòi hỏi nạn nhơn chấp nhận mất nước». Hôm thứ tư khai mạc Đại hội đồng, ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký LHQ đã thẳng tay lên án Poutine «Việc tiến chiếm Ukraine không khác gì đòn thù đánh ập vào lương tri tập thể của chúng ta».
Nhưng trong bài diễn văn với lập luận chống Tây phương, Poutine «thề tiếp tục tiến chiếm cho bằng được Ukraine». Đại sứ Nga ở LHQ, ông Vassili Nebenzia, cũng qui trách nhiệm cho Tây phương là «làm mọi cách để cho Nga phải thất bại trong việc lấy lại Ukraine, sẵn sàng nhận chìm thế giới xuống vực thẩm của chiến tranh».
Ngoại trưởng Âu châu Josep Borrell phản bác Đại sứ Nga «Cuộc chiến này không phải là một vấn đề của Tây phương chống Nga. Mà đây là vấn đề phi pháp liên hệ cả thế giới: Bắc, Nam và Đông, Tây. Và đó còn là một cuộc chiến toàn thế giới».
Ở Đại Hội, Trung cộng lại vắng mặt, hứa sẽ công bố trong tuần này một giải pháp chánh trị theo đó, Trung cộng sẽ đưa ra những yếu tố cho Kiev và Moscou. Phó Đại sứ Trung cộng ở LHQ cho rằng «Chiến tranh không có kẻ chiến thắng. Một năm sau cuộc chiến khai diễn, sự kiện cho thấy võ khí không đem lại hòa bình" nên ông ta kêu gợi "Kiev và Moscou hãy trở lại bàn hội nghị càng sớm càng tốt».
Quốc tế phản ứng về Poutine xâm lược Ukraine, chỉ trong một năm, đã có 3 lần Đại Hội bỏ phiếu, đều có số phiếu tối đa ủng hộ Ukraine. Riêng lần thứ tư, Đại Hội bỏ phiếu loại Nga ra khỏi Hội Đồng Nhơn quyền vói số phiếu cao 93 nhưng không tuyệt đại đa số.
Chiến tranh nhơn dân
Hơn bao giờ hết, Tây phương hiện đang trong tầm mắt ngắm của Poutine. Trong bài diễn văn vừa qua, Poutine đổ trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine thẳng cho Tây phương. Theo Poutine, Tây phương muốn Nga phải thất bại và như thế, Nga sẽ vĩnh viễn không còn là một cường quốc nữa.
Liền đó, Poutine tuyên bố rút khỏi hiệp ước New Start về gỡ bỏ võ khí nguyên tử, vừa hăm dọa sẽ làm những thí nghiệm mới, vừa nhiều lần hăm dọa sử dụng bom nguyên tử chiến thuật đánh Ukraine khi Tây phương nổ lực giúp Ukraine chống lại Nga.
Theo sử gia Françoise Thom, Poutine đang biến cuộc chiến hiện nay trở thành thứ «chiến tranh nhơn dân», nghĩa là «chiến tranh yêu nước», «chiến tranh của toàn dân Nga». Một thứ chiến tranh toàn diện. Đó còn là cách tuyên truyền của Poutine «Nếu thua, nước Nga sẽ biến mất, không còn vết tích một nước Nga nữa».
Ukraine đang chuẩn bị ứng chiến những cuộc tấn công mới của Nga vào mùa xuân tới đây. Poutine đã thật sự tham chiến trong một cuộc chiến toàn diện, chớ không còn chỉ là một cuộc «hành quân đặc biệt» nữa. Khi thay đổi chiến thuật, Poutine tuyên bố sẽ tổng động viên, tăng quân số lên triệu rưỡi binh sĩ, sẽ tập trung kinh tế phục vụ chiến tranh. Ngay trong những ngày tới, sẽ động viên nửa triệu tân binh. Mục đích của Poutine là trong những cuộc tấn công tới sẽ áp dụng «chiến thuật biển người» như hồi Đệ II Thế chiến. Ý nghĩ được Poutine giải thích cho dân chúng Nga hiểu đây là «cuộc chiến vì yêu nước», «cuộc chiến chống lại điều Ác». Mỗi người nga phải đứng lên và sẵn sàng hi sanh cho đất nước. Ở Nga hiện nay không còn ai dám lên tiếng chống lại Poutine nữa. Một xã hội mất hết phản ứng theo lương tri, theo lẽ phải.
Nhưng trên thực tế, chính Evgueni Prigojine, chỉ huy lực lượng đánh thuê Wagner, đã nhìn nhận những khó khăn khi đánh chiếm một thành phố nhỏ ở Bakhmout. Prigojine than phiền thiếu trang bị. Cả đạn dược cũng thiếu nên tiến quân vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Và đây cũng là vấn đề mà Bộ Quốc phòng Nga đã gặp phải.
Poutine đưa tên đánh thuê Prigojine ra đánh bóng chỉ nhằm hù dọa Tây phương mà thôi.
Ngoài ra, truyền thông Nga còn hăm dọa mai kia, nếu Nga thua cuộc chiến, tan rã thì liệu khối võ khí nguyên tử khổng lồ sẽ lọt về tay ai? Thế giới sẽ ra sao khi ai cũng có bom nguyên tử? Và quả thật chính đây là điều mà thế giới lo sợ nếu chẳng may Poutine thua trận! Sợ nhưng không ai suy nghĩ sâu hơn? Nếu hạ được Poutine, Liên xô tan rã, mỗi nước trở thành quốc gia độc lập, dân chủ, pháp trị thì Âu châu có thái bình không? Viễn ảnh này chỉ có Trung cộng không muốn vì Xi sẽ không thực hiện được «giấc mơ tàu» của hắn và còn bị mất ngôi hoàng đế đỏ.
Poutine có thể bị hạ không ?
Chắc chắn Poutine sẽ bị hạ nếu đưa ra được một chương trình khả thi hậu Poutine. Chương trình hậu Poutine chính nó đã là chiến thắng được phân nửa rồi vậy. Vì chương trình chỉ cho dân Nga thấy khi chế độ Poutine không còn nữa hoàn toàn không có nghĩa là nước Nga mất. Một nước Nga khác thành hình và xuất hiện tại chỗ, thay thế nước Nga với chế độ ác ôn của Poutine hiện nay. Nước Nga hoàn toàn thạnh vượng, nhưng không giữ tham vọng làm đế quốc xâm chiếm nước khác, trái lại sẵn sàng hội nhập vào thế giới Tây phương để cùng phát triển.
Chế độ Poutine phải được làm đề tài cho dân chúng suy nghĩ để thấy tất cả những bất hạnh, đau khổ đều do chế độ Poutine gây ra. Khi đó sẽ có nhiều người bắt đầu suy nghĩ khác hơn. Và sẽ thoát ra được ảnh hưởng tuyên truyền và nổi sợ hãi chế độ để có chọn lựa mới cho chính mình và cho đất nước.
Sau cuộc chiến Ukraine ?
Tuy cuộc chiến chưa thấy chắc chắn bao giờ kết thúc nhưng Poutine đã báo sự đô hộ của Tây phương đã thật sự chấm dứt. Nhưng chiến tranh Ukraine là giữa những người Âu châu với nhau lại đã phơi bày hiện tượng chia tay sâu sắc giữa Tây phương và một phía Nam với Tàu và Ấn độ, và Phi châu, Nam Mỹ vì những nước này đã thẳng thừng phản đối nghị quyết của LHQ lên án Nga xâm lược.
Poutine cương quyết phải chiếm cho bằng được Ukraine nhưng cho tới nay điều đó vẫn còn xa vời. Âu châu và Otan nay đã thật sự thức tỉnh nhận thấy chiến tranh Ukraine là chiến tranh của Âu châu. Tuy võ khí mới chưa tới Ukraine đầy đủ nhưng Ukraine vẫn còn trụ vững vàng trước những đợt tấn công của Nga trong tuần qua. Nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng Poutine khó thắng được Ukraine.
Hôm ở Ba-lan, sau khi rời Kiev, Tổng thống Biden tuyên bố «Ukraine sẽ không bao giờ là chiến thắng của Nga. Một tên độc tài muốn tái lập một đế quốc sẽ không bao giờ có thể dạy dân chúng biết thế nào là tình yêu tự do. Sự tàn bạo sẽ không bao giờ tiêu diệt được ý chí của những kẻ muốn sống tự do. Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng cho Nga. Không bao giờ!».
Nguyễn thị Cỏ May
Đăng ngày 28 tháng 02.2023