banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chiến tranh Ukraine sau 1 năm

& thế giới

Nguyễn thị Cỏ May

Một năm sau cuộc «hành quân đặc biệt» của Poutine ngày 24/02/2022, cuộc chiến Ukraine nay đã trở thành thứ chiến tranh toàn diện, có mục đích nhằm làm tiêu hao lực lượng  của đối phương. Nga quyết chiến và kéo dài dựa vào số đông quân, tuy tử trận và bị thương nặng đã lên đến 200000 người.  Phía Ukraine vẫn giữ đất, tấn công giành đất nhờ viện trợ của Huê kỳ và Âu châu. Kết thúc cuộc chiến khó thấy ở bàn hội nghị hơn là ở khả năng chỉ huy cuộc chiến.
Cho đến nay, Poutine đã tận dụng võ lực, chỉ còn nguyên tử chiến thuật nữa mà thôi. Ukraine gồng hết mình phản công, can trường chiến đấu tới cùng để bảo vệ chủ quyền, bản sắc dân tộc và sự tự do.
Về ý nghĩa chiến lược, cuộc chiến Ukraine là sự xung đột gay gắt, một mất một còn, giữa dân chủ và độc tài. Nó không chỉ nhằm vào Ukraine mà còn Âu châu và Anh quốc. Nay nó đang lôi kéo vào cuộc cả Á châu, Phi châu và Trung đông. Và làm vỡ tung những cơ chế và qui luật bảo vệ an ninh thế giới chống bạo lực đã có từ lâu.
Huê kỳ và Âu châu, không ai chủ trương gây chiến nên trách nhiệm tàn phá đất nước Ukraine, với tội danh chống nhơn loại là hoàn toàn ở Nga.  Nhưng Poutine vẫn cáo buộc Huê kỳ và Âu châu gây chiến với Nga vì tích cực giúp Ukraine chống lại Nga. Điều này không đúng vì trước kia, Liên xô và Trung cộng cùng hùng hậu viện trợ quân sự và kinh tế cho Bắc việt để xâm nhập đánh chiếm miền Nam VN.  Riêng Trung cộng đã đưa 320000 quân qua Hà nội giúp bảo vệ miền Bắc để quân Vc dồn lực lượng vào Nam, tại sao thế giới không lên tiếng tố cáo khối cộng sản tham chiến chống VNCH?
Nhưng dĩ nhiên không ai ngạc nhiên vì biết, xưa nay, bọn độc tài, nhứt là bọn Vc, luôn luôn ăn nói bằng lưỡi gổ!

Ảnh hưởng về kinh tế
Chiến tranh Ukraine làm cho kinh tế toàn cầu suy thoái tuy không phải bị cấm vận như Nga.  
Âu châu và Huê kỳ bị lạm phát, vật giá gia tăng. Riêng Âu châu, từ tháng 3 này, vật giá, nhứt là thực phẩm bắt đầu tăng từ trên 10%. Hàng loạt ngành kỹ nghệ như may mặc, đóng cửa.  
Nhưng Huê kỳ lại làm ăn khấm khá. Kinh tế Huê kỳ bắt đầu phục hồi ở các ngành năng lượng, công nghệ cao, võ trang và nông nghiệp. Đồng mỹ kim vẫn giữ vững quyền lực.  Sức mạnh kinh tế và quân sự Huê kỳ đủ bảo đảm an ninh cho chính mình và cả đồng minh trong lúc này.
Tàu có thể lợi dụng tình trạng Poutine đang  cầu cạnh Tàu giúp đỡ kinh tế và quân sự để mua nhiên liệu giá rẻ và đưa người qua khai thác tài nguyên của Nga.  Nhưng cái lợi này vẫn không đủ bù lại cái thiệt hại về kinh tế trong thời gian vừa qua do biện pháp Zéro Covid đem lại.  Ngoài ra còn có những tai hại khác có tính cơ bản như dân số giảm mạnh và nhanh, kinh tế suy sụp, tăng trưởng xuống từ 9,5% còn 3% (Theo Nicolas Baverez, Le  Point).
Xã hội Tàu có hiện tượng bất ổn vì dân chúng cho rằng Xi, vì tham vọng làm Hoàng đế muôn năm, áp dụng đường lối của Mao mà đường lối của Mao đã hoàn toàn thất bại, dẫn đến cái chết thê thảm của hơn 80 triệu dân Tàu.

Khi xâm chiếm Ukraine, Poutine đã trở thành nạn nhơn của cuộc chiến. Pou tự giam mình trong ngõ cụt quân sự, tiêu hao tài lực, nhơn lực cực kỳ trầm trọng. Viễn ảnh Liên bang Nga tan rả e khó tránh.  Để thoát khỏi thảm cảnh này, Poutine sẽ chấp nhận nạp mình cho Xi? Và Xi sẽ cứu anh lính Poutine với một cái giá nào đó?
Cùng lúc cả Âu châu cũng phải chia xẻ sự thiệt hại lớn do chiến tranh Ukraine gây ra: về khủng hoảng năng lượng, đón nhận hàng triệu người Ukraine tỵ nạn. Chiến cuộc Ukraine xảy ra, Âu châu mới giựt mình thấy mình bất lực trước sự hung hăng của đế quốc độc tài, lại phụ thuộc Nga về năng lượng giá rẻ, Tàu về hàng dỏm giá rẻ, Huê kỳ công nghệ cao và an ninh.  Nhưng có cái hay là ai cũng bắt đầu sáng mắt ra về việc trước giờ ham lợi bắt tay làm ăn với chế độ độc tài và giới tài phiệt tham nhũng mà quên mình.
Sau một năm chiến cuộc Ukraine, thực tế cho mọi người thấy là đế quốc đồ sộ và độc tài vẫn không phải là vô địch. Và dân chủ vẫn không phải suy yếu để biến mất như Xi và Pou từng rêu rao.

Thế giới thay đổi?
Viễn ảnh kết thúc chiến tranh chưa thấy nhưng có điều chắc chắn là  Ukraine, Nga, Âu châu và cả thế giới sẽ không còn như ngày hôm qua nữa. Riêng Âu châu, từ một năm nay, đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kể từ Đệ II Thế chiến.
Quân đội  Ukraine anh dũng chiến đấu, giữ được đất nước và còn lấy lại được một phần đất đã bị Nga cưỡng chiếm.  Âu châu và Huê kỳ viện trợ võ khí mới tăng cường sức mạnh cho Ukraine nhưng chừng nào cuộc chiến kết thúc? vẫn còn trong dự đoán.  Trong lúc đó Poutine cương quyết, bằng mọi giá, phải giữ 2 vùng đất đã chiếm được ở phía đông.  Nhưng lằn ranh đỏ nay đã thay đổi thuận lợi về phía Ukraine hơn làm cho thuyết «không có Ukraine» mà chỉ có «chủ thuyết về Ukraine» (ukrainisme) mà thôi của Vladislay Sourkov, lý thuyết gia của Poutine, không còn đứng vững nữa.
Dân Ukraine đã ý thức rõ mình là dân của quốc gia Ukraine.  Năm 1992, sau khi Liên xô tan rả, toàn dân  Ukraine đã chọn bản quốc ca để hùng hồn cùng xác nhận «Quốc gia Ukraine không chết đâu».  Đúng như vậy vì ba mươi năm sau, qua nhiều biến cố, Ukraine trở thành một nước dân chủ thật sự, với một ông Tổng thống đắc cử minh bạch dưới sự kiểm soát quốc tế.  
Trong cuộc chiến do  Poutine xâm chiếm, dân Ukraine tỏ ra đoàn kết, hi sanh và chiến đâu kiên cường để bảo vệ đất nước vẹn toàn.  Điều này khác hẳn với dân Nga và quân đội của Nga
Nên một nhà ngoại giao Pháp nhận xét «Cuộc chiến có kết thúc thế nào đi nữa, thì sự chiến đấu anh dũng của Ukraine cũng là một phần quan trọng làm nên lịch sử Âu châu».  Hôm 17/01/23, Bộ trưởng Quốc phòng  Ukraine, ông  Oleksii RezHnikov, sau khi đón nhận những viện trợ quân sự mới của Âu châu, đã hân hoan tuyên bố «Chúng  tôi trên thực tế đã là thành viên  của  Otan rồi».

Tuy có thắng lợi về quân sự,  Ukraine vẫn còn nhiều khó khăn.  Ngoài việc chưa biết chắc cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào,  Ukraine sẽ phải đối phó với những hư hại vật chất do Poutine chủ tâm tàn phá, ước tính lên tới 600 tỷ euros.  Về nhơn sự, có 40000 người dân thiệt mạng, 100000 binh lính tử trận.  Không kể hàng triệu di dân tỵ nạn.
Vế phía kẻ xâm lược, cuộc chiến Ukraine là cả sự thảm bại về mặt quân sự, kinh tế và địa chánh (Theo Steven Pifer, Brooking Institution, VA).  Nhiều nhà phân tích khác cho rằng cuộc chiến tới nay đã làm hoen ố bộ mặt quân đội Nga, từ lâu có tiếng là cường  quốc thứ nhì của thế giới vì có mục tiêu bắt sống hoặc hạ sát Tổng thống  Zelensky và chiếm Kiev chỉ trong vài hôm nhưng đã hoàn toàn thất bại và bị đầy lui xa.  Trước kia, Poutine bất ngờ chiếm được 25% lãnh thổ Ukrainne, nay chỉ còn 15%.  Quân đội Nga bị thế giới buộc tội vi phạm luật chiến tranh và Poutine, tội ác chống nhơn loại.  Phải bị lôi ra Tòa án Quốc tế.

Âu châu chỉ trong vài ngày sau khi Poutine tiến chiếm Ukraine đã thấy cái trật tự cũ không còn nữa nên liền thay đổi nhận thức.  Đức tách ra xa với Nga, võ trang và quyết định giúp quân sự cho Ukraine.  Bruxelles đồng  thời cũng nổ lực giúp Ukraine và còn cam kết khi chiến tranh chấm dứt, sẽ giúp Ukraine tái thiết bằng tài sản của những nhà tài phiệt Nga thân Poutine đang bị Âu châu phong tỏa.  Từ nay, Âu châu có vai trò mới về mặt địa chánh quan trọng và thực hữu.
Riêng Ba lan đang trở thành một cường quốc quân sự của Âu châu, có vai trò chủ động về an ninh cho Âu châu.  Hiện nay, Âu châu cũng đang dựa vào thế mạnh của Ba lan để phòng đối phó với Poutine có thể xua quân khỏi Ukraine.
Khi Poutine tiến hành xâm lược Ukraine là muốn mở rộng vùng an ninh lãnh thổ, đẩy xa biên giới Otan, nhưng kết quả lại trái ngược.  Thấy Poutine đánh chiếm Ukraine, lập tức Phần lan và Thụy điển gia nhập Otan, từ bỏ qui chế trung lập cố hũu để cầu hòa với Nga.  Otan từ nay có chánh nghĩa để lớn mạnh và đảm nhiệm vai trò hàng  đầu là ngăn chận sự bành trướng của Nga.
Otan bảo đảm Nga không thể xâm lấn bất kỳ một nước thành viên nào của Otan được.   

Tình bạn keo sơn như đá tảng
Xi và Pou  cùng quả quyết cả hai «có nghĩa vụ bảo vệ nền dân chủ thứ thiệt, cùng xác nhận tình bạn không giới hạn và cả hai sẵn sàng hợp tác trong mọi địa hạt» (Thượng đỉnh Samarcande, 16/09/22).  Vì bạn nên Xi đã không lên án Poutine xâm lăng Ukraine ở LHQ.  Sau bảy tháng thất bại liên tiếp ở Ukraine, Xi trấn an Pou là «ta cùng nhau đảm nhiệm vai trò cường quốc và lãnh đạo thế giới».  Họ nói thật lòng  vì cả hai đều chống cho bằng được vai trò lãnh đạo thế giói theo đường lối dân chủ tự do của Huê kỳ và Âu châu.
Cựu Ngoại trưởng Nga, ông Igor  Ivanov, đánh giá vai trò của Nga trong tình thế chiến lược mới «Nga nay không còn là sườn phía đông  của một Âu châu trên đà tan rả nữa mà trở thành sườn phía tây của Đại Âu Á đang thành hình dưới sự lãnh đạo của Tàu».  Một viễn ảnh mới khó tránh cho Huê kỳ mối lo ngại sẽ phải đối đầu cùng lúc với cả hai siêu cường nguyên tử.
Nhưng trước cuộc chiến Ukraine, Xi rút ra được bài học thế nào về giấc mơ thôn tính Đài loan năm 2027?
Hôm Đại hội đảng cộng sản lần thứ XX, Xi vẫn hung  hăng tuyên bố «sẽ không  từ bỏ ý định chiếm lấy Đài loan bằng võ lực».  Vẫn vào năm 2027 thay vì 2035 như kế hoạch trước kia.
Nhưng theo học giả chuyên về Trung cộng, Tai Ming Cheung của Viện IGCC ở San Diego, Huê kỳ, thì «Tàu lập quân đội theo mô hình Liên xô, mua võ khí của Moscou... Khi họ thấy quân đội Nga bị mất hàng trăm ngàn, tiêu hao hơn phân nửa võ khí, mà mục tiêu không đạt được, thì họ thấy khả năng quân sự của mình chắc không khá hơn».  Hơn nữa, từ sau 1979, vụ dạy cho thằng con hư Hồ Chí Minh một bài học, quân đội Bắc kinh chưa từng tham chiến trong một trận chiến gay go như ở  Ukraine, nên những nhà quân sự Bắc kinh phải đắn đo khi muốn đánh Đài loan vì nếu thua thì cái đảng cộng sản sẽ tiêu vong.

Một trật tự mới?
Theo học giả Ivan Kravtsev thì sau chiến tranh  Ukraine, thế giới vẫn chưa có một trật tự mới, trái lại đó sẽ là một tình trạng mới vô trật tự.  Chiến tranh kết thúc, các nhà ngoại giao, chuyên viên LHQ, sẽ hỏi nhau chúng ta nên trở lại với một San Francisco mới chăng? Như hồi 1945, để viết lại đầy đủ hơn qui luật điều hành thế giới. Vai trò của LHQ đã không còn hiệu lực nữa đối với các nhà cầm quyền dộc tài như Pou và Xi.
Thực tế, muốn tái lập hoa bình, trước hết phải thắng cuộc chiến Ukraine.  Sự xâm chiếm Ukraine của Poutine phải bị trừng phạt.  Muốn có kết thúc tốt đẹp, Huê kỳ và Âu châu phải nổ lực viện trợ cho Ukraine đầy đủ võ khí cần cho cuộc phản công trong những ngày tới.  
Chiến tranh Ukraine phải sớm kết thúc như Tổng thống Zelensky tuyên bố!
Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 6 tháng 03.2023