Việt Minh nay nó không ác lắm?
Nguyễn thị Cỏ May
«Hôm 12/05/23, Ông Trần văn Bang 62 tuổi, kỹ sư, quê quán Hải Dương, vì hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam, bị kết án 8 năm tù giam về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 117 của bộ luật Hình sự năm 2015. Trước đây một năm, ông đã nhiều lần bị công an hăm dọa, khủng bố, đánh đập mang thương tích nặng cũng chỉ vì những hoạt động xã hội của ông,
Phiên Tòa xử tội hoạt động xã hội của ông được thông báo là công khai nhưng lại không cho người nhà của ông tham dự, Bà mẹ của ông, 92 tuổi, nhờ 2 cô em của ông xốc nách đưa bà lướt đại vào, nhờ đó Bà trông thấy được con.
Trước cảnh con trai bị án tù 8 năm, Bà không xúc động, trái lại, rất bình tĩnh và yên lòng. Không phải vì Bà hiểu ý nghĩa việc làm của con trai và bản án tù của chế độ.
Thật vậy, từ hôm anh Bang bị bắt, Bà lo buồn lắm, Bà không nói ra thôi, chỉ biết cầu Trời, khấn Phật. Nay thấy con trai còn sống, Bà mừng lắm. Bà bảo, tao cứ nghĩ thằng Bang không còn sống đâu, mà có sống cũng thành tật, nay nhìn thấy nó vẫn còn sống, còn nguyên vẹn, đi đứng ngay ngắn, tao mừng lắm.
Bà chẳng để ý bản án nặng nhẹ ra sao, con bà làm gì bị tù, mà thấy con của mình còn sống là Bà yên tâm.
Rồi Bà kể, cái giống Việt Minh nó ác lắm, vào tay nó không chết thì cũng tàn tật. Ngày hội tề ấy, có ông Lý cựu, mù hai mắt, tai điếc, ông nói to lắm, ông hỏi tối qua Việt Minh về họp bàn cái gì?… Thế thôi, vậy mà họ về giết ông ấy. Họ giết để được thành tích, báo cáo lên trên là đã diệt được một tên việt gian, phản động…
Rồi cải cách ruộng đất, nó bắt mấy người giàu có trong làng đem giam cầm, đấu tố… Người bị bắn chết, người còn sống, thì thân tàn ma dại… Nay thằng Bang bị bọn nó bắt, giam cầm hơn một năm mà còn sống nguyên lành. Coi như trước khi chết, mẹ được thấy nó lần cuối là mừng rồi!» (Mạc văn Trang, DCV, 26/05/23 – Lời chị Bích kể),
Cái hạnh phúc của Bà Cụ 92 tuổi ở Việt nam ngày nay thật đơn giản khi thấy con trai của mình bị Việt Minh bắt giam cầm cả năm mà nay hãy còn sống, lành lặn, còn tới được trước Tòa lãnh án 8 năm tù ở. Bà hoàn toàn không thắc mắc điều gì khác hơn là tạ ơn Trời Phật,
Và chắc Bà thầm nghĩ con của Bà còn sống phải chăng vì nay Việt Minh nó không còn ác lắm như trước kia? Và vì cái lão Hồ Chí Minh đã chết lâu rồi!
Việt Minh và Hồ Chí Minh
Khi nói Việt Minh và Hồ Chí Minh, có lẽ nên nhắc lại tại sao có «Mặt Trận Việt Minh» và cái tên «Hồ Chí Minh» đi liền theo từ đó? Và đừng quên cái thảm hại của đất nước Việt nam cho tới ngày nay cũng bắt đầu từ đó.
«Ngô Thị Khôn Nghi là ái nữ của nhà yêu nước Ngô Quảng. Ông Ngô Quảng là một hổ tướng của lực lựợng chống Tây do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Sau này ông là đồng chí của nhà ái quốc Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du. Bà Ngô Thị Khôn Nghi sau này là đồng chí và là vợ của ông Hồ Học Lãm.
Hồ Học Lãm từng là sinh viên xuất sắc khi học tại trường Chấn Võ ở Nhật Bản. Hồ Học Lãm từng kết bạn với nhà cách mạng Trung Hoa Tưởng Giới Thạch khi cả hai cùng ở bên Nhật. Hồ Học Lãm cũng từng là sinh viên sĩ quan ưu tú ở trường Võ Bị Bảo Định tại Trung Hoa, và sau này từng là sĩ quan cao cấp trong quân đội Trung Hoa của Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch.
Hồ Học Lãm về sau được các đoàn thể tranh đấu Việt Nam bầu lên làm Chủ Nhiệm «Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội». Khi nắm vai trò lãnh đạo hội này, ông Hồ Học Lãm đổi tên là «Hồ Chí Minh»,
Khi “Hồ Chí Minh thật” qua đời, thì sau đó, Lý Thuỵ lấy tên “Hồ Chí Minh”, tức tên Nguyễn Sinh Cung hay Nguyễn Tất Thành chôm tên Hồ Chí Minh làm tên của mình,
Vào giữa tháng 9 năm 1945, bà “Hồ Chí Minh thật” (tức bà Ngô thị Khôn Nghi) biết rõ Lý Thuỵ lấy tên chồng mình và còn tự nhận là người sáng lập ra «Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội», Bà quyết vạch mặt Lý Thuỵ, nhưng các tướng Tàu tìm đủ cách ngăn cản bà nói ra sự thật. Chính thời gian đó, ông Lê Khang, tức Lê Ninh, một nhà lãnh đạo VNQDĐ, anh ruột của Lê Hưng, muốn giúp bà, nhưng “tứ bề thọ địch”, nên cuối cùng ông Lê Khang chỉ còn cách gửi gắm bà vào ở nhà một thương gia người Tàu. Sau đó tông tích bà bị lộ, đảng viên cộng sản tên Hoàng Đạo - không phải nhà văn Hoàng Đạo của Tự Lực Văn Đoàn - muốn hại bà, nhưng được tướng Nguyễn Sơn che chở. Cho đến khi tướng Nguyễn Sơn bị cách chức, Và sau đấy, bà “Hồ Chí Minh thật” bị chết thảm bới bọn “Hồ Chí Minh giả” đã cướp đoạt tổ chức có tên «Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội».
Sau khi cướp được tổ chức này, bọn chúng bỏ tên “Hội”, và thay vào đó “Mặt Trận”, trở thành « Mặt Trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh”, gọi tắt là «Việt Minh»(*), Việt Minh có từ đó. (Tài liệu VNQDĐ - Lê Thành Nhân ghi lại qua thư của cố đồng chí Lê Hưng).
Việt Minh, chính cái lão Hồ Chí Minh
Tháng 9/1945, ông Tạ Thu Thâu từ Hà nội trở về, ghé qua Huế để chờ nghe ngóng tình hình để liệu về Nam gấp, Ông vô cùng nôn nóng phải về Nam càng sớm càng tốt vì tình hình Việt nam rất khẩn trương khi Pháp điều đình để trở lại. Ông chờ có xe lửa đi Nam, ông liền đi, Tới Quảng Ngãi, ông bị Việt Minh nhận ra và bắt đem đi nhốt chờ xét xử.
Nói về cái chết của nhà ái quốc Tạ Thu Thâu, có nhiều nguồn tin, nhưng có lẽ Ông Đỗ Bá Thế, nhà báo, nhà làm điện ảnh ở Sài gòn, trong truyện Thím Bảy Giỏi (**) đăng hàng ngày trên nhựt báo Quyết Tiến xuất bản ở Sài gòn trong thập niên 60 của thế kỳ trước là rõ ràng vì ông là người theo sát ông Tạ Thu Thâu cho tới ngày cuối.
Trước khi giết ông Tạ Thu Thâu, Tư Ty, công an Huyện ở Quảng Ngãi, nhưng là người thân tín và làm việc trực tiếp với Trung ương ở Hà nội nhờ gốc vô lại, cho trinh sát dẫn ông Tạ Thu Thâu tới để xét xử, Ông bị trói gô lại.
Ông mặc chiếc áo cẩm tự phai màu, trở thành vàng sậm, rách và nhầu nát. Cặp mắt kiếng mất một tròng. Vẻ mệt mỏi hiện rõ chắc vì nhiều đêm không ngủ được, phải thức để trả lời những câu hỏi của công an Việt minh.
Tại phiên xử, ông nói rất nhiều để giải thích cho bọn Tư Ty và mọi người cùng nghe. Ông nhấn mạnh từng lời như muốn nhét vào đầu bọn Việt minh u mê Tư Ty đang buộc tội ông là việt gian, phản quốc. Ông nói rất nhiều dường như ông muốn nói để bọn Tư Ty ghi lại và báo cáo về Hà nội. Ông dõng dạc bảo Tư Ty hãy rút lại mấy lời trong bản cáo trạng buộc tội ông là việt gian, phản quốc, phản cách mạng.
Cuối cùng, ông nói «May là Việt nam còn giữ được cái xác của Tạ Thu Thâu».
Phiên xử tuyên án tử hình nhưng không trinh sát nào dám thi hành. Bọn Tư Ty cúi gục mặt xuống, không tên nào dám hó hé. Dân chúng bị kêu gọi đi dự phiên xét xử, ai cũng môi mím lại, lặng nhìn Tư Ty căm hờn như muốn ăn tươi nuốt sống nó. Tư Ty ngồi yên một chặp như có chút gợn lòng nhưng hắn lo sợ dân chúng bất thần phản ứng nên đứng dậy, quắc mắt nhìn mọi người rồi như con thú dữ, rút khẩu 7,35 bên hông, tiến tới, nhắm ông Thâu nổ hai phát liên tiếp.
Tiếng súng nổ, ông Thâu ngã khuỵu xuống, Mọi người, và cả bọn trinh sát và cán bộ của Tư Ty rú lên, làm cho hắn tức giận:
- Đồ quân hèn nhát. Không giết nổi một tên Việt gian thì làm sao chống nổi quân thù?
Hiền nói với bà Nghĩa Lợi, chủ nhà ngủ «Tôi uất quá mà khóc chớ không phải hèn nhát mà khóc đâu bà chủ à. Ông Thâu là thầy dạy tôi học ở trường Huỳnh Khương Ninh. Thầy suốt đời gian khổ tù tội nhưng vẫn quyết một lòng bồi đắp, gây mầm cách mạng chống đế quốc để cho nước Việt nam được Tự do, Độc lập ấm no. Đời Thầy chỉ mong có ngày cách mạng thành công. Thầy yêu nước hơn bản thân, và đức độ vô song đến giặc Pháp còn không dám coi thường.
Bà Nghĩa Lợi, chủ khách sạn, đột ngột nói:
- Có phải thằng Tư Ty giết ông Thâu đâu? Chính bọn Việt Minh, chính cái lão Hồ Chí Minh đã giết ông Thâu đó (Thím Bảy Giỏi, trg 610 - 620).
(*) Xin đừng lầm với «Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội» (gọi tắt là Việt Cách), mà người lãnh đạo là cụ Trương Bội Công và sau này là cụ Nguyễn Hải Thần.
(**) Đỗ Bá Thế, «Thím Bảy Giỏi», Paris, 9/2016 do gia đình xuất bản, số lượng ít, không bán, dành cho Thư viện và bạn bè.
Nguyễn thị Cỏ May
Đăng ngày 28 tháng 06.2023