banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Cậu Ủn:

Một trường hợp "đột biến" ngoạn mục?

Nguyễn Thị Cỏ May

Gọi Chủ tịch Kim Jong-un là Cậu Ủn để thấy sự trưởng thành, sự vĩ đại thật sự của Cậu như người mang hia 7 dặm cất bước trên đường lập nghiệp. Sau khi gặp Tập Cận Bình, lãnh tụ cường quốc thứ II, cậu Ủn xuống khu phi quân sự bắt tay Tổng Thống Nam Hàn nói chuyện về tương lai thống nhứt đất nước, và sẽ bắt tay, nói chuyện tay đôi với ông Trump, Tổng Thống đệ I cường quốc Huê kỳ, về quan hệ giữa 2 nước, Nam-Bắc Hàn, tình hình khu vực và thế giới. Mọi chuyện xảy ra trong khoảng thời gian cực ngắn trong lúc sự căng thẳng với Nam Hàn và Huê kỳ tưởng như không bao giờ kết thúc nếu không có chiến tranh bùng nổ.
Nhưng ngày mai sẽ như thế nào, phải chờ coi. Hiện tại rất đáng làm cho mọi người cảm thấy nhẹ nhỏm và quan tâm theo dõi. Và vị thế lãnh tụ của Cậu cũng qua thời gian ngắn này được cả thế giới hùng hồn xác định.

Nhìn lại 2 nước Triều Tiên
Xa xưa, Triều tiên là một nước gồm 3 vương quốc, thường bị 2 nước lớn láng giềng Tàu và Mông-cổ thay phiên nhau xâm lăng thôn tính trong suốt thời gian dài. Nhưng cũng có lúc, Triều tiên độc lập cho tới giữa thế kỷ XIII, bị Mông cổ xâm chiếm lần nữa cho tới giữa thế kỷ XIV mới lấy lại nền độc lập. Từ đây tới thế kỷ XVII, Triều tiên độc lập và thống nhứt. Sau đó, Tàu xâm chiếm, cai trị cho tới cuối thế kỷ XIX.
Tàu và Nhựt đánh nhau, Nhựt thắng, giải thoát Triều tiên khỏi chế độ Tàu nhưng lại trở thành một thứ “đồng minh” phụ thuộc Nhựt. Nhưng khi Thế chiến II kết thúc, Triều tiên bị chia đôi, miền Bắc thuộc Nga và miền nam thuộc Huê kỳ.
Từ nay sự thống nhứt 2 nước Triều tiên trở thành một viễn ảnh xa vời. Cũng như nước Đức, cùng hoàn cảnh, nếu thống nhứt, thì sẽ bao giờ và trong những điều kiện nào?
Nhưng năm 1950, chiến tranh xảy ra ở Triều tiên mà không ở Đức. Phải chăng vì Triều tiên là một nước thống nhứt nhuần nhuyễn gồm nhiều vương quốc, nhiều thành phố còn Đức, trước năm 1871, chưa bao giờ thật sự là một nước thống nhứt?
Tuy nhiên những xung đột giữa hai miền vẫn được giới hạn nên đã chưa biến thành một thế chiến. Điều đáng để ý là sự xung đột đó xảy ra dễ dàng và khá hung hăng là do miền Bắc đề xuất. Cũng như trường hợp Việt nam từ sau năm 1954. Miền Bắc vừa tạm yên vụ cải cách ruộng đất thì lập tức chuẩn bị đem chiến tranh vào miền Nam. Hồ Chí Minh tuyên bố đốt hết cả dải Trường Sơn đề chìếm lấy miền Nam cũng làm, không ngần ngại. Làm để phục vụ quyền lợi Quốc tế cộng sản!
Cũng giống như Triều tiên, Việt nam là một nước thống nhứt xuyên suốt tứ Bắc vào Nam. Dân tộc là một, tiếng nói là một và văn hóa là một. Chiến tranh xảy ra hung hãn chỉ vì Hồ Chí Minh làm nghĩa vụ cộng sản hóa Miền Nam cho Staline và Mao, tàn sát những người ái quốc không cộng sản, gây thiệt hại dân chúng cả mươi triệu người.
Bắc Việt nam và Bắc Triều tiên, trên đại thể giống nhau, một nước thống nhứt về nhân văn, hơn nữa, rất đặc bìệt cho trường hợp Việt nam, người dân còn gọi nhau là «đồng bào», tức cùng ruột thịt và cả trên tiểu tiết cũng giống nhau là cùng say đắm cái “rất nhỏ khác nhau” mà cả hai cùng mê muội tôn thờ. Đó là chủ nghĩa cộng sản. Bỏ nó là họ thật sự không còn gì cả, không còn chính mình nữa. Nên phải chết sống cho «cái khác nhau bé nhỏ» này mà không ngần ngại đẩy người dân lao vào cuộc chiến làm cho đồng bào chém giết nhau mà hoàn toàn không vì quyền lợi đất nước dân tộc (Le narcissisme de la petite différence de Freud – mê muội cái dị biệc nhỏ).

Triều tiên sẽ tái thống nhứt?
Theo dõi cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Triều tiên, ai cũng nhận thấy thái độ của Cậu Ủn tỏ ra thành thật khi nói về phi hạt nhơn hóa hoàn toàn bán đảo, tái lập hòa bình và tái thống nhứt đất nước. Dĩ nhiên về phía Nam Hàn, Tổng Thống Moon Jae-in đã tỏ ra thiết tha về thống nhứt đất nước từ lâu. Cái khao khát này ở ông dễ hiểu vì ông là người Miền Bắc. Nay lớn tuổi nên nỗi nhớ quê hương ngày càng thêm thôi thúc ở ông.
Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đã mở ra một trang sử mới giữa hai Miền Nam-Bắc là điều mà trước đây chỉ vài tháng không ai dám nghĩ tới. Hai nhà lãnh đạo, trong thông cáo chung, đã cùng xác nhận mục tiêu chung là cùng thực hiện hòa bình, chấm dứt sự chia cắt đất nước và sự hiềm khích đã kéo dài hơn sáu thập niên qua.
Nhà lãnh đạo trẻ hứa là không tái diễn một quá khứ bất hạnh cho đất nước. Cậu Ủn nói rõ «Tôi đến đây để chấm dứt thứ lịch sử tranh chấp mà không vì quyền lợi thật sự của đất nước”.
Kim Jong-un và Moon Jae-in cùng đưa cao cái bắt tay, một cử chỉ vô cùng biểu tượng ở ngay đường phi quân sự chia đôi bán đảo Triều tiên.
Khi ông Moon Jae-in tuyên bố với nụ cười mãn nguyện “Tôi sung sướng được hội kìến với bạn” trong lúc đó, Cậu Ủn vượt qua đường phân chia Nam-Bắc bằng bê-tông và Cậu là người đầu tiên đặt chơn lên lãnh thổ Nam Hàn từ sau chiến tranh Triều tiên.
Theo lời mời của Cậu Ủn, hai nhà lãnh đạo cùng đi vài bước tượng trưng dọc theo đường phân ranh, bên lãnh thổ Bắc Hàn để rồi cùng tới Tòa nhà Hòa bình ở Bàng-môn điếm, nơi trước kia đã ký hiệp ước đình chiến.
Cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo Nam-Bắc minh họa thêm cụ thể sự thư giãn khi Cậu Ủn loan báo sẽ tham dự Thế vận hội mùa đông tổ chức vừa rồi ở Nam Hàn. Lời tuyên bố của Cậu đã gây ngạc nhìên cả thế giới.
Lên ngôi năm 2011 nối nghiệp cha, Kim Jong-un quyết tâm dồn nỗ lực thực hiện chương trình chế tạo hỏa tiễn tầm xa và hạt nhơn hóa Bắc Hàn. Nhưng theo sử gia chuyên về Bắc Hàn, bà Juliette Morillot, khi nói «phi hạt nhơn hóa bán đảo», đó chỉ mới là một khái niệm còn rất mơ hồ.
Cũng như bản thỏa hiệp giữa hai ông Kim và Moon về vấn đề võ khí cũng rất vắn tắt. Có thể Kim muốn đưa ông Trump vào thế phải thảo luận vấn đề võ khí hạt nhơn ở bán đảo này chăng?
Nhưng thực tế ngày nay, ai cũng phải thừa nhận Bắc Hàn đã đạt được địa vị một nước có võ khí nguyên tử có thể giúp Bắc Hàn làm giảm đi phần nào những áp lực từ phía Trung cộng và đồng thời tạo cho Bắc Hàn tư thế mới để nói chuyện với Huê kỳ. Ở vị thế mới này, Kim Jong-un đã chủ động đưa ý kiến tham dự thế vận hội mùa đông tổ chức ở Nam Hàn, tuyên bố sẵn sàng gặp ông Trump, thực hiện phi hạt nhân hóa, mời các nước tới quan sát. Một bước đi mới vô cùng ngoạn mục trong ngoại giao của một nước nhỏ.
Từ đây, Bắc Hàn sẽ lo phát triển kinh tề để phát triển đất nước, cải thiện đời sống dân chúng.
Hai mươi bảy năm trước đây, phân nửa nước Đức đã từ bỏ cộng sản, sáp nhập qua Tây Đức để trở thành một nước Đức thống nhứt theo chế độ Dân chủ Tự do của thế giới văn minh. Tiến trình giải thể cộng sản và thống nhứt thật ôn hòa, tốt đẹp tuy Đức, trong lịch sử, không có được điều kiện nhân văn như Trìều tiên hay Việt nam.
Mai này, nếu Bắc-Nam Hàn thống nhứt theo mô hình nước Đức, Triều tiên cũng sẽ trở thành một nước mạnh về quân sự, bạo về kinh tế, không còn e dè nước lớn Trung cộng luôn luôn muốn kiềm chế Bắc Hàn dưới trướng của mình phải làm tiền đồn giữ an ninh, đồng thời còn từng bước độc lập với Huê kỳ. Trong trường hợp chưa thống nhứt được, hai nước ký kết hợp tác quân sự, Nam Hàn giúp phát triển kinh tế, Bắc Hàn bảo vệ lãnh thổ chung thì cũng thoát khỏi ảnh hưởng của Trung cộng. Mà Cậu Ủn có thật tình ứng xử như tuyên bố hay không? Nhưng tới đây cũng đủ cho mọi người đánh giá Cậu Ủn là một thanh niên đầy bản lãnh. Có “đột biến” thì đó cũng là thứ “đột biến” cực kỳ thông minh.

Việt nam có điều kiện thoát Trung cộng, độc lập và phát triển hay không?
Thưa có. Việt nam ngày nay có điều kiện, tuy không được tốt đẹp như Đức hay hai nước Nam-Bắc Hàn. Đông Đức có Tây Đức, Bắc Hàn có Nam Hàn, đều là 2 nước biệt lập, độc lập và phát triển. Việt nam có 1 nước Việt nam Hải ngoại, với hơn 3 trìệu người, GDP cao, trình độ khoa học kỹ thuật ngang hàng với người Mỹ và Âu châu. Ở Âu châu và nhứt là Mỹ, người Việt bắt đầu có chơn đứng trong chánh phủ và quân đội. Vị thế này tuy không đủ mang tính quyết định nhưng có khả năng giúp người Việt vận động gây ảnh hưởng tốt cho quyền lợi Việt nam khi cần cho việc quan trọng và chánh đáng.
Giờ đây chỉ còn vấn đề là nhà cầm quyền Hà Nội có đủ can đảm và sáng suốt dám lấy quyết định dựa vào cái thế của Việt nam Hải ngoại mà cởi cái vòng kim cô Bắc Kinh ném vào thùng rác lịch sử, thật sự trở về với toàn dân hay không?
Trước giờ, Hà nội thay vì có cái nhìn lớn, lại chỉ thấy Việt nam Hải ngoại là nguồn lợi để tìm cách rút rỉa. Không được thì quậy phá. Đúng là hành động của kẻ tiểu nhơn. Mà lại là thứ tiểu nhơn cộng sản!
Đại họa của Việt nam ngày nay thật sự bắt nguồn từ cái ngày hắc ám 19/8 và 2/9 và sự xuất hiện tên Hồ Chí Minh. Từ đó, Việt nam chỉ có kẻ cầm quyền biết vâng lời, không có kẻ lãnh đạo đất nước.
Một đất nước không có lãnh đạo thì chỉ có lạc hậu và lệ thuộc vì giới cầm quyền chỉ biết yêu mù quáng «cái bé nhỏ khác hơn» mà thôi!
Nguyễn Thị Cỏ May

https://vietbao.com



Tháng 5/1968 và tháng 5/2018, có gì lạ ?

Nguyễn thị Cỏ May

Nay đúng 50 năm xảy ra biến cố bạo loạn khắp nước Pháp . Xảy ra một cách hoàn toàn đột biến . Ngoài trí tưởng tượng của mọi người. Nguyên nhơn rất nhàm chán nhưng cường độ lan rộng, thu hút vào cuộc nhiều người, nhiều tổ chức xã hội lại vô cùng mãnh liệt.
Năm nay, ngày 1 tháng 5/18, các nghiệp đoàn, các đảng phái phe tả kêu gọi biểu tình cho hùng hồn, vừa để kỷ niệm biến cố lịch sử tháng 5/68, vừa để làm áp lực chánh phủ phải bỏ chọn lọc vào Đại học, ngưng chương trình cải tổ chánh sách xã hội, phải giử nguyên những gì thợ thuyền đat được. Cảnh sát paris cảnh giác có những «nhóm quá khích» đã muốn biến ngày Quốc tế Lao động năm nay thành «Ngày cách mạng». Chúng sẽ tấn công vào lực lượng giữ an ninh và tất cả những biểu tượng tư bản. Trong lúc đó, một số nghiệp đoàn khác biểu tình dưới khẩu hiệu «yêu sách và văn hóa», chủ trương «đối thoại và thương thảo». Thế là trên tầm vóc quốc gia, các tổ chức lao động đã chia rẻ nhau khá nghiêm trọng tuy nhiên tình hình xã hội pháp vẫn đang căng thẳng do những cuộc biểu tinh,bải khóa, chiếm trường sở của sinh viên và biểu tình, đình công liên tục của nghiệp đoàn, của công chức, của giới hưu trí, và có thể kéo dài tới mùa hè.
Phía chánh phủ có vẻ kiên quyết giử lập trường trước đòi hỏi của các nghìệp đoàn. Ông Tổng thống Emmanuel Macron vẫn đi thăm viếng nước Úc và Tân Đảo (Nouvelle Calédonie) như thời biểu dự liệu.
Năm nay, đặc biệt hơn các năm qua, biểu tình không chỉ cho ngày 1/5 mà liên tục từ 1/5 kéo dài cho tới 5/5, ngày mà các tổ chức bìểu tình làm lễ dành cho Tổng thống Macron và chánh sách của ông với khẩu hiệu «Thôi đủ rồi». Phong trào tả khuynh «Nước Pháp bất khuất» của Mélenchon tích cực vận động cho cuộc biểu tình thành công. Phe cộng sản hô khẩu hiệu «chúng tôi tranh đấu chống Macron tới cùng»!
Một bản kêu gọi được năm mươi trí thức, nghệ sĩ phái tả ký sẽ đưa ra trong cuộc biểu tình hôm thứ bảy 5/5 để phản đối chánh sách «tự do và độc đoán» của ông Macron. Cảnh sát Paris chuẩn bị 2000 người để sẳn sàng can thiệp ngày 5/5 tới đây tại công trường Opéra, Paris VIII.

Ngày 1/5
Cuộc biểu tình truyền thống của các nghiệp đoàn vừa bắt đầu chiều hôm nay ở Công trường Bastille (Paris XI) để đi tới Công trướng Italie (Paris XIII) thì xảy ra cuộc bạo loạn, cảnh sát can thiệp, biểu tình phải thay đổi lộ trình, nhưng cũng vì bạo loạn, đoàn người bị tản mác khá nhiều. Theo cảnh sát, biểu tình có lối 20000 người tham dự. Ban tổ chức cho rằng con số đó chỉ mới phân nửa trên thực tế.
Cùng theo đoàn biểu tình, có 14500 người sẳn sàng bạo loạn. Trong số này, có 1200 người bị cảnh sát nhận diện thuộc băng đảng cực đoan (Blac blocs). Khói lửa bắt đầu bốc lên do những trái molotov của họ ném ra. Cửa hàng - dấu hiệu tư bản - bị đập phá trong số đó, Mc Donald bị đập phá tan tành. Cảnh sát bắt giữ 200 người.
Ngày quốc tế lao động 1/5 là ngày lễ truyền thống nhưng lịch sử của nó đã bị thay đổi. Tưởng cũng nên nhắc lại đôi dòng.
Nó khởi đầu ở Mỹ - cũng như Ngày Quốc tế Phụ nữ - là «Ngày Quốc tế của Người lao động Nam/Nữ». Âu châu thừa hưởng do Đệ II Quốc tế tiếp nhận năm 1886 và Thống chế Pétain, sau đó, đổi lại thành Ngày quốc tế lao động.
Năm 1886, các nghiệp đoàn ở Chicago (Mỹ) tổ chức biểu tình lớn đòi ngày làm việc 8 giờ. Khi diển giả cuối cùng bước lên diển đàn, cảnh sát bắt đầu can thiệp làm một người chết và mươi người bị thương. Nghiệp đoàn kêu gọi biểu tình ngày 4/5 để phản đối. Bom nổ, có thêm người chết và bị thương. Những người bị bắt được đưa ra Tòa xử theo tội chống phá vô chánh phủ. Tòa án được yêu cầu xử họ để làm gương và cứu vảng tình trạng xã hội hết bạo loạn.
Năm 1889, Đệ II Quốc tế lấy «ngày 1/5 làm ngày hành động» của thợ thuyền cho cả thế giới. Qua năm sau, thợ thuyền đòi thành công ngày làm việc 8 giờ và lấy ngày 1/5 làm ngày vĩnh viễn đánh dấu sự thắng lợi này.
Ngày 1/5 được chọn để kỷ niệm ngày thợ thuyển ở Chicago đổ máu, đồng thời ở Âu châu, ngày 1/5 được các phong trào chánh trị phe xã hội Đệ II Quốc tế chọn, chớ không phải do các nghiệp đoàn. Càng không phải do cộng sản đề nghị vì cộng sản chưa được thai nghén.
Năm 1919, Quốc hội pháp bìểu quyết công nhơn làm việc ngày 8 giờ và ngày 1/5 được nghỉ.
Năm 1947, Đệ IV Cộng hòa chấp nhận ngày 1/5 làm ngày lễ nghỉ và ăn lương. Qua năm sau, ngày 1/5 chánh thức trở thành «Ngày Quốc tế lao động» tuy hoàn toàn sai với sự ra đời của nó ở buổi đầu (Theo Thierry Noisette, L’Obs, 1/5/18).

Tháng 5/1968
Người xưa nói «Một đóm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả một khu rừng lớn”. Mùa Xuân 68, một cuộc nổi dậy của sinh viên Paris dẩn đến một cuộc xung đột gay gắt với cảnh sát, lan tràn khắp nước Pháp khi sinh viên các Đại học tham gia, cả nghiệp đoàn thợ thuyền, nông dân cũng nhâp cuộc. Bạo động kéo dài hơn cả tháng làm cho nước Pháp như đang trong một cuộc chiến tranh tự phát.
Năm mươi năm sau, người ta vẫn còn tự hỏi tại sao có thể một cuộc bạo loạn như vậy xảy ra một cách dễ dàng vì lúc ấy, tình hình xã hội không quá nhạy cảm như ngày nay. Năm 68, sinh viên không quá 700.000 người (2017 : 2.600.000), thất nghiệp có 584.000 ngưòi (ngày nay, hơn 3 triệu), Tổng thống De Gaulle được dân chúng ngưỡng mộ vị anh hừng giải phóng nước Pháp… Nhiều phân tách, nhận định nhưng vẫn chưa có kết luận dứt khoát ngoài điều cụ thể là xã hội Pháp biến chuyển tận gốc rể còn để lại vết tích tận ngày nay.
Bạo loạn được châm ngòi ngày 22/03 năm 68 ở Đại học Nanterre, ngoại ô Tây-Bắc Paris. Người xách động là thanh niên 22 tuổi Daniel Cohn-Bendit, sinh viên người Đức theo học Xã hội học, cùng với 142 sinh viên khác chiếm đóng khu hành chánh của trường. Họ yêu cầu cảnh sát thả những sinh viên bị bắt vì biểu tình chống chiến tranh Việt nam, đập phá trụ sở American Express. Đây là những sinh viên của tổ chức cộng sản phản chiến Ủy hội Quốc gia Việt nam, gốc Staline, Mao, Castro… Họ kêu gọi sinh viên Nanterre bắt tay với họ. Họ hô khẩu hiệu “trả tự do bạn chúng tôi”.
Nhưng vụ bắt giữ nhóm sinh viên biểu tình chỉ là một giọt nước làm tràn ly.
Trước đó, một số nam sinh viên tới khu vực nữ sinh viên bị ngăn cản vì nội qui cấm từ 22 giờ. Chính đìều này đã làm họ bất mãn tràn ngập. Tuổi trẻ cảm thấy bực bội cái xã hội Pháp còn nặng bảo thủ những nếp cũ. Về chánh trị, họ chống lại “tư bản, tư sản, Đế quốc Mỹ, sự kiểm duyệt, sự đàn áp cua chánh phủ De Gaulle cai trị độc đoán tuy nước Pháp đang phát triển đem lại đời sống vật chất khá sung mản.Trong lúc đó, họ nhìn thấy ở Anh, thanh niên không bị ràng buộc, sống phóng túng, phong trào nhạc trẻ Beatles đang có sức thu hút như một làn sóng mới, đẩy tuổi trẻ sống thác loạn, đắm mình trong cần sa, ma túy, tình dục…
Tuổi trẻ Pháp cảm thấy bị ngột ngạt, muốn đập phá để tự giải phóng, tự mình quyết định cuộc sống của mình: “Sống không bị ràng buộc. Hưởng thụ không bị ngăn cản” như một khẩu hiệu trên tường Đại học Sorbonne.
Những người của 50 năm trước ngày nay nhớ lại không khỏi cười “Tháng 5/68 là mùa xuân của bạo loạn và không tưởng”.
Mà đúng vậy. Tuổi trẻ Pháp lúc bấy giờ chỉ muốn thay đổi xã hội, hoàn toàn không nghĩ gì đền quyền lực. Vì đó là một cuộc nổi loạn. Không ai đặt vấn đề chánh trị như thay đổi Hìến pháp. Vì nổi loạn, phong trào tháng 5/68 đã phá nát nề nếp cũ, từ học đường, gia đình ra xã hội. Theo cựu TT Sarkozy, người ta có thể qui cho “tháng 5/68 tất cả những tệ nạn xã hội Pháp ngày nay. Nó áp đặt cho chúng ta tính tương đối về trí thức và đạo đức. Họ khẳng định rằng mọi thứ đều có giá trị bằng nhau, không có sự khác biệt giữa thiện và ác, giữa đúng và sai, giữa cái đẹp và cái xấu…”. Thậm chí những người làm bạo loạn 5/68 còn kêu gọi thầy giáo ngưng chấm điểm học sinh, nhà trường ngưng xếp hạng học sinh để tránh cho học sinh học dở không bị sợ hãi, không thấy xấu hổ.
Sự khủng hoảng này ngày nay còn đang tác hại xã hôi và trường học Pháp. Nhưng những người xách động phong trào 5/68, ai đứng ra nhận trách nhiệm? Nhiều lãnh đạo hoặc tham gia phong trào sau này lại tham gia chánh phủ, nhứt là chánh phủ Tả phái. Daniel Cohn-Bendit nhờ thành tích 5/68 đắc cử Dân biểu Âu châu. Ngày nay, hỏi ông chuyện 5/68, ông cười “Chuyện đã qua, chỉ đáng quên đi. Nhắc lại, chán lắm…”. Cohn–Bendit không phải cộng sản mà vẫn theo nề nếp cộng sản “Nhỏ xách động, phá phách, lớn lên làm Dân biểu” (Cộng sản, nhỏ không học, lớn lên vào Bộ chánh trị).
Trước những hệ quả của tháng 5/68 làm biến chuyển sâu xa văn hóa và xã hội Pháp trên cả nước, các chánh phủ sau này kêu gọi tái lập nền đạo đức xã hội nhưng lung túng không biết thứ đạo đức nào đây? Trong chương trình giáo dục, lập lại môn Công dân giáo dục, nghĩa vụ quân sự… nhưng chưa thấy thấm vào đâu hết cả!
Sau cùng, tháng 5/68 không chỉ biểu hiện khủng hoảng xã hội, mà còn mang sắc thái của một hiện tượng toàn cầu về sự thức tỉnh của các nước đệ tam, về phong trào cộng sản làm chiến tranh đại lý ở Việt nam.

Tháng 5/2018
Khá giống hồi 68, sinh viên cũng bắt đầu rục rich vào cuối năm 2017, qua đầu 2018, thành hình phong trào sinh viên chiếm trường học, phản đối chủ trương của chánh phủ chọn lọc vào Đại học.
Trường bị sinh viên chiếm đóng, ăn ỏ luôn tại trường, giờ học bị hủy, thi định kỳ bị hoãn. Trên tường từ hành lang tới giảng đường, xuất hiện những dòng chữ ngoằn ngoèo, graffiti, khẩu hiệu... Bàn ghế chất đống ngoài sân làm rào chắn... Đây là cách mà nhiều sinh viên của 15 Đại học Pháp trút bất bình và phẫn nộ từ cuối tháng 03/2018 để phản đối luật chọn lọc sinh viên sẽ áp dụng niên khóa tới. Vì sinh viên đòi hỏi Đại học là mở rộng cửa cho mọi người có bằng Tú Tài ghi tên vào học.
Theo thẩm định ngày 23/04/2018 của Bộ Đại học Pháp, sự thiệt hại do sinh viên gây ra lên đến hơn 1 triệu euros. Riêng Đại học Paul-Valéry ở Montpellier và Paris I, Tolbiac, Paris XIII, là hai «khu kháng chiến biểu tượng» của phong trào, bị thiệt hại từ 200.000-300.000 euros.
Sinh viên Agrève Agathe của Tolbiac trả lời RFI “…Phong trào này không chỉ nhằm phản đối luật về xét tuyển đại học, mà còn là nơi tập hợp để quy tụ mọi cuộc đấu tranh. Việc phong tỏa một khu vực nào đó cho phép thấy rõ hơn những yêu cầu, không chỉ của mỗi giới sinh viên, mà còn của các lĩnh vực công đang lâm nguy. Vì thế, điều thúc đẩy tôi đến đây, đó là góp phần vào phong trào tập hợp, vừa mang tính văn hóa, vừa mang tính chính trị. Đây chính là điểm khiến Tolbiac trở thành nơi thú vị để tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe trước việc giới chính trị có vẻ rất kiên quyết trong việc áp dụng chương trình tự do kiểu mới. Đây cũng là nơi để chúng tôi chuẩn bị bảo vệ quyền lợi của mình, không hẳn chỉ là quyền lợi của sinh viên như tôi, mà còn của những người khác đang sống trong tình trạng bấp bênh» (Thu Hằng, rfi, Paris).
Sinh biểu tình, bãi khóa ở một số trường nay yêu cầu được miễn thi nếu được điểm tối thiểu 10/20 như ở Toulouse, hoặc điểm tối đa 20/20 như ở Nanterre. Nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo «Họ phải hiểu được một điều, đó là nếu muốn qua được kỳ thi cuối năm, tốt hơn hết là họ nên ôn tập».
Ở Pháp, các phong trào Tả khuynh (Staline, Trostky, Mao, Castro), các nghiệp đoàn đang biểu tình gây bạo loạn, đình công làm tê liệt xã hội, sinh viên chiếm trường học, bãi khóa, TT Macron lại bỏ công du qua Úc và Tân Đảo. Phải chăng ông muốn nói chánh phủ giữ lập trường và để cho các đoàn thể, cả dân chúng Pháp nay phải bắt đầu hiểu trách nhiệm của mình với đất nước?
Nhiều cán bộ trong đảng của ông lên tiếng phê binh ông thiếu quan tâm tình hình đất nước. Trong lúc đó ở Sydney, ông Macron khen bà vợ của Thủ tướng Úc “ngon lành” (délicieux) làm cho dư luận có cơ hội châm biếm ông, tuy không ác ý lắm.
Nguyễn thị Cỏ May



Nỗi buồn của một người Việt

Không hiểu những người Việt khác có đồng tâm sự với tôi không nhưng mấy ngày nay, cứ mỗi lần thấy những hình ảnh về hai miền Nam Bắc Hàn thì tôi lại chạnh lòng, bởi nghĩ lại, miền Nam và miền Bắc Việt Nam cũng có thể chứng kiến một cảnh tương tự nếu lịch sử khác đi.
Tuần rồi thế giới đã kinh ngạc chứng kiến lãnh tụ của hai nước, Đại Hàn Dân Quốc ở miền Nam và Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên ở miền Bắc, bắt tay nhau rồi dắt nhau đi qua đi lại một cái biên giới tượng trưng. Ngay cả đến những người nghi ngờ nhất cũng không thể nào không thấy xúc động trước cái cảnh hai lãnh tụ của hai quốc gia đã từng lâm chiến đẫm máu có thể có một cuộc gặp gỡ thân thiện như vậy.
Tuần này, ở giải vô địch bóng bàn quốc tế, hai đội tuyển nữ của hai miền Nam Bắc Hàn lại một lần gây kinh ngạc khi họ buông vợt, bắt tay nhau, từ chối thi đấu và tuyên bố sát nhập để thành lập một đội tuyển thống nhất. Cử chỉ biểu tượng đó của họ đã khiến hội đồng quản trị của Tổng Cục Bóng Bàn Quốc Tế xúc động đến nỗi đứng lên vỗ tay hoan hô. Và lần đầu tiên trong lịch sử của bất cứ một bộ môn thể thao nào, đồng ý cho phép hai đội từ chối thi đấu được tiếp tục tham gia.
Viết trên tạp chí The New Yorker, ông Chang-rae Lee nhớ lại cha mình. Ông bảo dầu cho hội nghị thượng đỉnh có thực sự dẫn đến việc thay đổi ở bán đảo Triều Tiên hay không, ông ước gì cha mình còn sống để chứng kiến.
Ông Lee kể lại là cha ông sinh ra ở Bình Nhưỡng năm 1939. Một vài tháng trước cuộc chiến, vào mùa Thu năm 1950, cha ông và đại gia đình, cùng với nhiều triệu người miền Bắc khác, đã bỏ chạy xuống miền Nam làm người tị nạn, nơi họ gây dựng lại sự nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Nhưng câu chuyện gia đình ông còn bi thảm hơn bởi khi đại gia đình bỏ chạy xuống miền Nam thì có một ông chú, vì bà vợ mới sanh, không chạy kịp, nên mắc kẹt lại miền Bắc. Trong suốt cuộc đời còn lại, cha ông vẫn nhớ đến chú thím của mình, không biết bây giờ ra sao, nhất là khi có tin một số gia đình phân cách được gặp nhau.
Người Việt chúng ta cũng có bao nhiêu câu chuyện tương tự. Nhưng sự gặp gỡ của chúng ta cay đắng hơn nhiều.

Sau năm 1954, thế giới có ba quốc gia phân cách: Nam Bắc Việt Nam, Nam Bắc Hàn và Đông Tây Đức. Cả ba quốc gia đều là nạn nhân của cuộc Chiến Tranh Lạnh, khi hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô phân chia ảnh hưởng. Nhưng trong ba quốc gia đó, số phận hẩm hiu nhất là của Việt Nam.
Chiến tranh đến với Nam Bắc Hàn đầu tiên. Ngày 25 Tháng Sáu, 1950, sau khi đạt được sự đồng ý của Mao Trạch Đông và sự đồng ý một cách ngần ngại của Stalin, quân đội Bắc Hàn đổ qua vĩ tuyến thứ 38, lằn ranh giữa hai miền Nam Bắc được Liên Xô và Hoa Kỳ đồng ý sau Thế Chiến Thứ 2.
Cuộc chiến lúc đó hoàn toàn có lợi cho miền Bắc. Tổng Thống Harry Truman quyết định là không thể để cho miền Bắc chiếm miền Nam. May là nhờ Liên Xô tẩy chay không tham gia nên Hoa Kỳ thuyết phục được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đồng ý cho phép thành lập một lực lượng Liên Hiệp Quốc để bảo vệ Nam Hàn chống lại điều được công nhận là một sự xâm lăng của Bắc Hàn. Dần dà có 21 quốc gia gửi quân sang tham dự, nhưng thực sự Hoa Kỳ là lực lượng chủ lực, chiếm đến 90% quân số.
Cuộc chiến gay go với có những giai đoạn lực lượng Liên Hiệp Quốc và Nam Hàn thua nặng bị đẩy lùi về phía Nam và khi họ thắng trở lại đẩy lùi lực lượng miền Bắc qua lại biên giới đến bờ sông Hắc Lục, tức là biên giới với Trung Cộng. Sự tham gia đột ngột của quân đội Trung Cộng đã khiến một lần nữa lực lượng Liên Hiệp Quốc bị đẩy lùi. Trong giai đoạn này thủ đô Hán Thành đổi chủ bốn lần.
Nhưng dầu sao chăng nữa, cuộc chiến kết thúc và lằn ranh biên giới được tái lập, một thỏa thuận ngưng bắn được ký kết và từ đó, tuy có những đụng chạm, hai miền Nam Bắc được duy trì, nhất là với miền Nam ngày càng vững mạnh.
Cái may của Hàn Quốc là ở chỗ đó. Khi miền Bắc xâm lăng miền Nam, tình hình còn ở một giai đoạn mà Hoa Kỳ đang ở lúc cường thịnh nhất trong khi cả Liên Xô lẫn Trung Cộng vẫn còn yếu. Miền Bắc vì vậy không thể chiếm được miền Nam.
Câu chuyện Đông Tây Đức thì chúng ta cũng đã biết. Sau nhiều năm được Liên Xô chống đỡ, chế độ Đông Đức sụp đổ khi Liên Xô không còn muốn chống đỡ nữa, và nước Đức đã thống nhất không phải vì chiến tranh. Một Tây Đức phồn thịnh, dân chủ và vững mạnh đã đủ sức để cưu mang Đông Đức và tuy ngày nay miền Đông vẫn còn nghèo hơn miền Tây, nước Đức đã thống nhất tốt đẹp.

Việt Nam chúng ta có nhiều cái không may. Có lẽ Hà Nội đã học được bài học của Bắc Hàn nên đã áp dụng một hình thức chiến tranh mà họ đã có thể đánh lừa một số những phần tử cánh tả bảo nó không phải là một cuộc xâm lăng.
Mặc dầu cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã là một cuộc tấn công công khai xuyên qua biên giới và mặc dầu Hà Nội đã thất bại trên chiến trường, một chiến dịch tuyên truyền khôn khéo, được sự giúp đỡ vô tình của một số trí thức phản chiến, cộng với truyền thông, và sự mệt mỏi của nhân dân Hoa Kỳ, dẫn đến chiến thắng ở Hoa Kỳ và chúng ta đã bị bỏ rơi. Rốt cuộc miền Bắc chiếm miền Nam và cả triệu người Việt đã phải lưu vong.

Nhưng cái không may đó chỉ là một phần thôi bởi tấm thảm kịch Việt Nam chính là sự cương quyết chinh phục miền Nam của miền Bắc. Sau khi chiếm được nửa miền Bắc nhờ Hiệp Định Genève năm 1954, giới lãnh đạo Hà Nội đã không bao giờ từ bỏ tham vọng xâm chiếm miền Nam. Và họ đã lợi dụng tham vọng của đế quốc Cộng Sản để được cung cấp các phương tiện cho một cuộc chiến tương tàn sát hại nhiều triệu người dân của cả hai miền Nam Bắc.

Điều còn đau lòng hơn nữa cho dân tộc Việt là sau khi chiến thắng, đám cầm quyền miền Bắc đã không có nổi một sự tử tế của kẻ thắng. Họ hành xử và suy nghĩ như một bạo chúa sau chiến thắng.
Ở thế kỷ thứ 20 nhưng họ suy nghĩ như một Thành Cát Tư Hãn, chỉ muốn trả thù và cướp bóc của kẻ bại. Cả triệu quân nhân công chức bị bắt đi tù dưới cái chiêu bài “học tập cải tạo,” tài sản của miền Nam bị tước đoạt.. Chả thế mà vào thập niên 1980 thị trường vàng quốc tế tràn ngập vàng mang dấu ấn của ngân hàng Đông Dương. Số vàng đó Việt Nam Cộng Hòa thừa hưởng khi Pháp trả độc lập cho ba quốc gia Đông Dương và nó là tài sản mà Pháp đã vơ vét từ nhân dân Việt Nam.

Hồi trước năm 1975 có lần tôi thấy các quân nhân Đại Hàn trên đường lên tàu về nước người nào cũng mua một hai cái mền Sakymen do miền Nam sản xuất. Lúc đó tôi thấy tội nghiệp cho người Nam Hàn, đã phải trải qua một cuộc chiến tàn khốc và cuộc sống còn khó khăn.
Bây giờ nghĩ lại mới thấy người Việt chúng ta mới là những kẻ bất hạnh nhất. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ được chứng kiến cảnh hai lãnh tụ của hai miền Nam Bắc bắt tay nhau đi tìm một tương lai xán lạn hơn cho dân tộc.
Lê Phan



“Mỹ Ngụy” hồi đó hay

“Hán Ngụy” bây giờ?

Stephen B. Young

Mở đầu:
“..Trước đây, cái gọi là đảng Cộng Sản chụp mũ những người Việt nam không Cộng Sản mà hợp tác với Mỹ Quốc để giữ độc lập cho miền Nam Việt Nam là “Mỹ Ngụy” .
Bây giờ, nhìn về quá khứ thì chúng ta có thể đánh giá ai có công lớn hơn cho Dân Tộc Việt nam:
“Mỹ Ngụy” hồi đó hay “Hán Ngụy” bây giờ?”

Ai thống trị Việt Nam ngày nay?
Có một tổ chức hiện nay cai trị Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau như là vua chúa Phong kiến ở Tàu hay ở Âu châu thời Trung cổ. Một bộ máy võ trang tập trung các quyền hành lớn trong tay; không được dân bầu lên, và dân tuyệt đối không có quyền kiểm soát hay phê bình.
Tổ chức này mang tên là “Đảng Cộng Sản Việt Nam”.
Nhưng, thực sự, tổ chức nầy có phải là một Đảng đúng nghĩa của một đảng hay không?
Đáng lẽ ra một Đảng chánh trị phải có một chánh nghĩa, một sức mạnh do một lý tưởng, một nền tảng triết lý hay lý thuyết, một khuynh hướng thể hiện nguyện vọng của đảng viên để hành động nhằm phục vụ đất nước và dân tộc của mình.
Vì vậy, nếu cái gọi là Đảng Cộng Sản mà không phải là một Đảng đúng nghĩa, thì bộ máy đó là cái gi?
Một tập thể những người có chung một chí hướng tôn thờ người ngoài, một công ty làm ăn, một tổ chức mafia khai thác thị trường đất nước của họ chăng?
Như vậy chúng ta có vài tiêu chuẩn để đánh giá cái gọi là Đảng Cộng Sản bây giờ, đó là một đảng phái hay chỉ là một bọn làm ăn thiếu lương thiện?
Tôi đồng ý đã có thời gian cái goi là đảng Cộng Sản ngày nay có những hoạt động như là đảng phái đúng nghĩa. Nhưng những hoạt động ấy tốt xấu, hay dở, có lợi hay có hại cho đất nước Việt nam là chuyện khác.
Tôi nói đó là một “thứ đảng phái” vì lúc ấy đảng Cộng Sản theo ý thức hệ Mác-Lê, vận dụng chủ thuyết mác-lê làm cách mạng võ trang cướp chánh quyền thực dân.
Tiếp theo, đảng cộng sản phát động cuộc cách mạng xã hội, tiến hành giai cấp đấu tranh, đấu tố địa điền chủ, ám sát công chức, trí thức, lãnh đạo tôn giáo, tịch thâu tài sản của người giàu có để sau cùng đưa giới lao động, những tên du thủ du thực, lên cầm quyền và khi vào Bộ chánh trị, lại lãnh đạo đất nước, dân tộc.
Hành động của đảng cộng sản lúc đó có mục đích thi hành “chính nghĩa xã hội chủ nghĩa ” theo ý hệ Mác-Lê.
Nhưng từ lâu lắm rồi, cái gọi là đảng Cộng Sản không còn giống như trước đó nữa. Nó đã hoàn toàn biến chất để trở thành một cái gì khác hẳn. Tức nó không phải cộng sản, không mang nội dung mác-lê, không chủ trương giai cấp đấu tranh để tiến lên xã hội công bằng, người không bốc lột người, như kinh điển mác-lê dạy người cộng sản.
Cách đây vài năm, ông Đặng Quốc Bảo, Khoa giáo trung ương, trong một báo cáo phổ biến hạn chế cho đảng viên cao cấp, nói rằng “hiện tại đảng Cộng Sản không còn chính nghĩa chút nào vì thuyết Mác-Lê lỗi thời và cũng không đúng, không khoa học”. Theo ông Bảo, thì đảng cộng sản không nên áp dụng thuyết ấy nữa. Hai ông Mác và Lê đã nghĩ sai về vũ trụ, về trời đất, về đời sống nhân loại. Vậy người thông minh phải vứt bỏ chủ thuyết Mác-Lê.
Nếu ông Bảo đánh giá lý thuyết Mác-Lê đúng, thì đảng Cộng Sản không có một chính nghĩa nào để vẫn khẳng định tiếp tục đưa Việt nam đi theo con đường của mác-lê.

Vậy đảng cộng sản là cái gì?
Chỉ là một tập hợp những người đầy tham vọng và quyền lực. Họ không khác gì một thứ giặc cướp đối với nhân dân.
Ông Bảo nói thêm rằng “ tổ chức anh chị em cán bộ phải giữ quyền cai trị Việt Nam vài năm nữa, vì nếu không có một lực lượng mạnh giữ ổn định chính trị xã hội, thì nước sẽ loạn và dân sẽ khổ ”.
Lấy sự ổn định làm chính nghĩa của mình không có ý nghĩa tốt đẹp vì hoàn toàn thiếu thuyết phục.
Chính nghĩa ổn định, nhiều người bình thường có thể nói và thi hành. Cần gì phải có cái gọi là đảng Cộng Sản với 3 triệu đảng viên, với vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước và xã hội ?
Quân Đội làm được. Phật Giáo làm được. Việt Quốc làm được. Ai cũng hy vọng làm được. Cái gọi là đảng Cộng Sản không thể tự cho là chỉ có họ mới làm được.
Theo tuyên truyền của đảng cộng sản, trong quá khứ, họ có công đức lớn để đứng trên và trước mọi người khác. Tức họ cho rằng họ có vai trò lịch sử Có đúng như vậy không?
Để trả lời, giờ đây, Bộ Chính Trị hãy tổ chức gọi hồn các đồng chí của họ đã chết, chết vì hi sinh hay chết oan vì đảng cũng được, để hỏi công việc đảng làm. Rồi, có lẽ họ nên gọi hồn để hỏi cái gọi là đảng cộng sản thật sự có công đức với dân tộc Việt Nam hay không?
Rồi, họ có thể gọi hồn để hỏi đảng cộng sản tại sao ngày nay vẫn nói đi theo mác-lê, mà trên thực tế không thấy xã hội việt nam chuyển biến theo mô hình” chính nghĩa Mác-Lê.” một chút nào nữa. Vậy thì cái đảng này nên tự giải tán, và có mang tội với đất nưóc, với dân tộc không?
Chúng tôi cũng có thể gọi hồn như Bộ Chính Trị. Chúng tôi có thể gọi hồn các vị cũng nằm xuống, vì nhiều lý do khác nhau, hỏi họ về công đức của cái gọi là đảng Cộng Sản.
Thí dụ, hỏi Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, hỏi ông Trương Tử Anh, Đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng , ông Lý Đông A, Thư ký trưởng Đảng Duy Dân, các nhân sĩ yêu nước Ngô Đình Khôi, Nguyễn văn Bông, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Hồ văn Ngà, Phan văn Hùm, Nguyễn văn Sâm, … và những người dân Huế chết hồi Tết Mậu Thân, vân, vân, … cho đến 1 ,2 triệu người Việt nam bình thường khác, chết trên biển cả, trong rừng sâu, trong các trại tù rải rác khắp cả nước.
Gọi hồn tất cả những người này về và lắng tai nghe họ nói số phận của dân tộc Việt Nam từ khi Đảng Cộng Sản vận dụng “chính nghĩa Mác-Lê” để cướp lấy quyền lãnh đạo đất nước và giử độc tôn cho đảng .
Xin trả lời: Công đức ở đâu?
Bằng chứng thứ hai cho thấy cái gọi là đảng Cộng Sản là một đảng thì đảng ấy có hành động cụ thể như thế nào? Ngoài sự hiểu biết, sự suy nghĩ, sự tính toán của con người, các hành động của người đó phải cho chúng ta thấy rõ, một cách minh bạch, để kết luận người đó tốt hay xấu, giỏi hay dở, đạo đức hay gian ác, cần tồn tại hay nên vứt đi thôi ?
Cái gọi là đảng Cộng Sản đó, cách đây 8 năm, đã tự động hiến dâng đất đai của tổ tiên để lại cho Bắc Triều mới . Và cả biển nữa! Tại sao?
Để đáp ứng sự đòi hỏi của Bắc Triều mới? Phải.
Ở điểm này, chúng ta hãy nhìn rõ.
Cái gọi là đảng Cộng Sản đó vì nhu cầu tồn tại đã dâng đất, dâng biển cho Bắc kinh. Đây là nhu cầu sanh tử. Đảng cộng sản phải làm một việc tội lỗi như vậy chỉ vì đảng lo sợ nhân dân Việt nam hỏi tội của họ đối với tổ quốc và nhân dân từ trước đến giờ. Mà nhân dân hỏi tội có nghĩa là đảng sẽ bị mất quyền cai trị. Hoặc một vụ Thiên An Môn Việt Nam sẽ xảy ra .
Trước nỗi ám ảnh mất quyền lực, đảng cộng sản cần sự ủng hộ, sự tiếp tay của Bắc Triều mới, mặc dầu có tổn hại đến quyền lợi tối thượng của Quốc gia.
Như vậy đảng cộng sản ở Hà nội không thể tự cho là một đảng có chính nghĩa yêu nước được, mà phải bị kết án là một đảng bán nước mới đúng.
Nếu đảng Cộng Sản Hà nội chuyên tâm phục vụ cho đòi hỏi, tham vọng của Bắc Triều mới, thì Việt nam tất nhiên phải lâm nguy làm thân nô lệ cho Hán Tộc. Nếu chỉ có riêng cái đảng cộng sản làm nô lệ Hán tộc thì chúng ta hà tất phải tốn lời.
Thực tế ở Việt Nam cho ta thấy công an, tình báo của Việt Nam đều do công an, tình báo Trung Quốc đào tạo và cố vấn. Nhờ đó mà công an, tình báo Hà Nội mới có đủ bản lãnh đàn áp những người dân chủ ở Việt Nam, đàn áp dân oan nạn nhân của những vụ đất đai bị đảng cộng sản tước đoạt, đàn áp những vụ biểu tình chống Trung quốc xâm chiếm đất đai bằng vũ lực và thô bạo.
Nhìn lại lịch sử Việt nam thì từ thời Ngô Quyền đến nay, chỉ có vài nhà vua Việt nam theo Bắc Triều một cách xấu hổ như vậy. Có Nhà Mạc phải xin sự ủng hộ của Hoàng đế phương Bắc để đối phó với Nhà Lê. Có vua Lê Chiêu Thống xin Trung Quôc gởi binh qua Hà nội để đánh anh em Nhà Tây Sơn. Có vua Gia Long và Minh Mạng lấy y thức hệ Tống Nho của Nhà Thanh bên Tàu để làm nền tảng đạo lý xây dựng uy quyền cho Nhà Nguyễn.
Nhưng các ông vua này không làm mất đất, mất biển vào tay ngoại bang chỉ vì quyền lợi riêng tư như đảng cộng sản ngày nay.
Cầu viện thường hay lệ thuộc tư tưởng của kẻ khác, khó tránh khỏi bị dẩn đến mất chánh nghĩa quốc gia. Phải chăng vì thế mà Nhà Mạc đã không thắng Nhà Lê, vua Lê Chiêu Thống thua Quang Trung Nguyễn Huệ. Riêng Nhà Nguyễn vì chọn lựa sai lầm học thuyết lỗi thời mà cứ khăng khăng ôm giữ nên thua người Pháp. Tức một thứ lệ thuộc tư tưởng.
Khi có được chỗ dựa mạnh là Bắc kinh, cái gọi là đảng Cộng Sản sẽ đánh bại được toàn dân Việt Nam chăng? Tức đảng cộng sản vĩnh viễn đàn áp, bốc lột nhân dân chăng?
Mới đây khi nghe tin Bắc Kinh tổ chức Hoàng Sa và Trường Sa trở thành môt đơn vị hành chánh mới trực thuôc Tỉnh Hải Nam, lập tức xảy ra nhiều cuộc biểu tình của dân chúng thanh niên, sinh viên ở TP Hồ Chí Minh, ở Hà nội, chống chánh sách xâm lược của Trung Quốc.
Cái gọi là Đảng Cộng Sản không dám lên tiếng phản đối kẻ cướp đất, trái lại thô bạo đàn áp dân chúng công khai bày tỏ lòng yêu nước. Khí thế của nhân dân Việt Nam bây giờ làm cho đảng cộng sản Hà Nội bắt đầu lo sợ. Nếu đảng cộng sản khôn ngoan thì hãy thấy ở đây, tức ở nhân dân, mới là chỗ dựa vững chắc hơn thế của Trung Quốc.

Nhưng cái gọi là Đảng Cộng Sản nghe theo ai?
Buồn mà nói. Vì nói cho đúng thì phải nói lớn và nói rõ phe nhóm cai trị Việt Nam hiện nay là một bọn Hán Ngụy.
Tiếc vì chúng tôi biết chắc chắn có nhiều đảng viên của cái gọi là Đảng Cộng Sản không muốn như vậy. Họ thương dân, yêu nước thật lòng. Nhưng họ lo sợ, có thể vì bất lực, cho sự an nguy của bản thân và gia đình trước những thủ đoạn khéo léo, gian ác, đê hèn của lực lượng Công An, Tình Báo đang có mặt khắp nơi rình rập.
Bọn Hán Ngụy thật sự không có nhiều người, nhưng họ có thế mạnh và nhiều tiền bạc. Họ quyết tâm giữ quyền lực cai trị đất nước mãi mãi. Họ sẽ làm cái gì phải làm để không mất địa vị cầm quyền, tức quyền làm ăn, làm giàu của họ.
Lệ thuộc Bắc Kinh, đối với họ, là một giá phải trả, họ chấp nhận trả, để có phương tiện ổn định xã hội chính trị Việt nam, tức duy trì chế độ độc tài toàn trị. Ổn định là cho quyền lợi của họ.
Đất nước đối với họ chỉ là phương tiện trao đổi.
Trung Quốc có một triết lý bình định thiên hạ từ đời Tần Thủy Hoàng. Ông ấy lấy ý kiến của phái Pháp Gia gồm lý thuyết âm dương, ngũ hành để kiến tạo thái hòa. Làm chính trị như vậy không theo sự giảng dạy của Khổng Mạnh, trái lại, đưa ra chính sách đại đoàn kết, giữ phép nước dưới sự lãnh đạo đọc tôn theo một vị hoàng đế. Đó là thuyết của Mặc Địch.
Cái đạo chính trị này – “ hoàng đế chính thuyết ”– là lý thuyết xây dựng xã hội không cần nghe ý dân. Đi từ trên xuống, không phải từ dân lên.
Ngày nay là tập trung dân chủ, tức dân chủ xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ chí minh. Hoàng Đế nghe trời, ra lịnh và thiên hạ phải tuân theo. Dân không nghe theo thì sẽ bị phạt, nặng nhẹ tùy theo mức độ của sự phản bội, bất hiếu đối với chế độ.
Một ông Hoàng Đế không cần đức, không cần uy tín mà vẫn giữ được ổn định xã hội. Hiếu nghĩa thay thế nhân nghĩa. Cấp trên nói cái gì thì cấp dưới vâng dạ theo răm rắp. Nói vô phép, mất dạy, thì bị phạt, không được phần thưởng.
Đạo làm hoàng đế có mục đích lấy ý trời và qua cơ cấu hành chánh, ép thiên hạ vâng lệnh làm theo ý đó, mặc cho họ muốn hay không.
Trong lịch sử Việt Nam, các Nhà Lý, Trần và Lê không lấy đạo Hoàng Đế của Bắc Triều để trị dân.. Nhà Lý và Nhà Trần theo đạo Phật. Nhà Lê cho đến Vua Lê Thánh Tôn theo quan điểm nhân nghĩa do Nguyễn Trãi viết ra.
Vua Lê Thánh Tôn bắt đầu theo chủ nghĩa Bắc Triều , tức lấy Tống Nho bênh vực ngôi vị Hoàng Đế một cách mù quáng với đạo hiếu nghĩa cha mẹ, vua chúa.
Đến Nhà Mạc, Chúa Trịnh, thì ảnh hưởng Tống Nho ở cấp quan văn và các đại gia đình quan chức mở rộng. Nhà Nguyễn áp dụng Tống Nho và quan điểm hoàng đế, đưa triều đình Huế đi theo gương Nhà Thanh bên Tàu.
Trước đây, cái gọi là đảng Cộng Sản chụp mũ những người Việt nam không Cộng Sản mà hợp tác với Mỹ Quốc để giữ độc lập cho miền Nam Việt Nam là “Mỹ Ngụy”
Bây giờ, nhìn về quá khứ thì chúng ta có thể đánh giá ai có công lớn hơn cho Dân Tộc Việt nam: “Mỹ Ngụy” hồi đó hay “Hán Ngụy” bây giờ?
Người Mỹ khi họ giúp các Chính Phủ Việt nam Cộng Hòa, khi họ làm cố vấn cho Chính phủ và quân đội quốc gia, họ thật sự muốn gì? Họ khuyến khích người Quốc Gia làm gì? Họ đòi hỏi Chính Phủ Sài gòn có chính sách nào?
Nói chung, người Mỹ từ Tổng Thống Eisenhower cho đến Tổng Thống Nixon, từ Đại Sứ Elbridge Durbrow cho đến Đại Sứ Ellsworth Bunker, tất cả đều yêu cầu Chính Phủ Sài gòn lo cho dân, áp dụng chế độ hiến trị, tổ chức các cuộc bầu cử từ xã ấp đến trung ương, trong sạch, dân chủ, cải cách ruộng đất, phát triển kinh tế, mở rộng giáo dục theo tôn chỉ “nhân bản, khoa học, khai phóng” …
Đối với Mỹ thì ý dân là hơn ý trời. Mỹ không bao giờ theo “ hoàng đế chính thuyết ”.
Như vậy làm “Mỹ Ngụy” là chọn phương pháp lo cho dân, cho quê hương Việt Nam, cho văn hóa, đạo đức dân tộc.
Người Mỹ đến Việt Nam, không ở lại Việt Nam. Và “dân ngụy.” không hiến dâng đất dai, biển cả cho ngoại bang. Hơn nữa, trong lịch sử, người Mỹ không làm thuộc địa, không làm Thái thú, chỉ làm bạn đồng minh giai đoạn.
Còn người Việt nào bây giờ làm Hán Ngụy thì phục vụ ai?
Họ có lo sợ số phận Tổ quốc của họ không? Hay chỉ có chung một thứ tập hợp những người cùng chí hướng tôn thờ quyền lợi bản thân mà thôi?
Stephen B. YOUNG

 

Đăng ngày 20 tháng 05.2018