Quyền Đàn ông hay Nhơn quyền
Nguyễn Thị Cỏ May
Vụ sách nhiễu tình dục của nhà điện ảnh huê kỳ Weinstein bị tố cáo năm rồi tới nay vẫn còn khuấy động dư luận.
Một nữ ký giả lên tiếng kêu gọi các bà hãy mạnh dạn tố cáo những người đã sách nhiễu tình dục mà mình là nạn nhơn đang làm xuất hiện nhiều nhơn chứng và trên truyền thông, nhiều diễn đàn thảo luận gay gắt và sôi nổi.
Cuối tháng 10/2017, phụ nữ biểu tình trên đường phố Paris khá rầm rộ, với đông đảo các tổ chức phụ nữ tranh đấu nữ quyền tham dự. Tuy khí thế rất hung hãn, với khẩu hiệu “Balance ton porc” được phổ biến tràn lan trên các mạng xã hội, nhưng người ta thấy khó biết chắc phản ứng của các bà sẽ làm thay đổi lâu dài quan hệ nam nữ hay không?
Nó sẽ dẫn đến thực tế là các bà sẽ được kính trọng hơn, bình đẳng hơn hay lại bị coi thường hơn, chịu nhiều bạo hành hơn?
Thật khó nói trước ngay bây giờ. Nhưng phụ nữ nạn nhơn đã dám phá tan sự im lặng cố hữu từ nhiều thập niên qua, quả là một điều phi thường. Người này nói ra trường hợp của mình là nạn nhơn và tố cáo thủ phạm, người kia hưởng ứng theo. Cứ như vậy mà ngày nay, ở Pháp, đã có không ít phụ nữ trong các giới lần lượt lên tiếng tố cáo thủ phạm. Và thủ phạm cũng thuộc nhiều thành phần xã hội. Giới đìện ảnh là đông hơn hết, rồi tới giới làm chánh trị. Trong các cơ quan Chánh phủ (thí dụ 30% trong Hiến binh (Gendarmerie) và 23% trong Police, theo Bộ Nội vụ) và trong đảng phái, nhứt là đảng phái cánh tả như đảng cộng sản và Xã Hội (PS – Đảng xhcn).
Hiện tượng này trở thành một biến cố lớn ở cuối năm 2017 của nước Pháp, cái nôi của Nhơn quyền!
Từ lâu các bà nạn nhơn không chịu tố cáo
Về vụ nổi đình nổi đám của Weinstein, kết quả một cuộc điều tra dài cho thấy thủ phạm đã dùng đủ loại hăm dọa các nữ nhơn viên, các tài tử tập sự hay thành danh để đạt được những quan hệ tình dục. Nhiều nạn nhơn ở Pháp cũng đồng loạt lên tiếng tố cáo những nhà sản xuất điện ảnh chẳng những chỉ lợi dụng quyền hạn của mình mà còn biết khai thác sự im lặng của nạn nhơn.
Thật vậy, ở Pháp chỉ có 5% nạn nhơn nơi làm việc có may mắn lên tiếng và nội vụ nhờ đó mới đưa ra được trước Tòa. Còn 93% đơn thưa bị Tòa án xếp lại do thiếu nhơn chứng và bằng cớ! Nên chỉ có 1/10 nạn nhơn bị hiếp dâm mới muốn nộp đơn thưa.
Sự im lặng “khó hiểu” của nạn nhơn đã gợi ý cho nữ ký giả Sandra Muller, ngày 13/10/217 đưa lên mạng xã hội khẩu hiệu “Lancetonporc” và tiếp theo, khẩu hiệu nữa “Too Me” kêu gọi các bà nạn nhơn hãy mạnh dạn nói ra tên thủ phạm và tất cả chi tiết vụ sách nhiễu hay bạo hành tình dục.
Chỉ vài tuần sau, có 580000 thư khiếu nại. Nhưng nạn nhơn, hầu hết, vẫn chưa đưa tên tuổi của mình ra mà chỉ kể lại chi tiết vụ việc như chuyện xảy ra nơi làm việc, trên đường phố, trên Métro, trong café, hồ bơi…
Nhiều ông khi nghe những lời tố cáo không khỏi lấy làm lo ngại cho thân nhơn của mình như mẹ, vợ, con gái của chính mình biết đâu đã không từng là nạn nhơn? Họ vui mừng đã có nhiều người lên tiếng để ngăn chận tệ nạn xã hội đồi trụy này nhưng đồng thời họ cũng lo nghĩ không biết sự tố cáo nạn nhơn này sẽ biến thành một thứ “tố cáo”, “chỉ điểm” theo chánh sách của chế độ cộng sản hay không?. Pháp đã từng là nạn nhơn của “tố cáo, chỉ điểm” dưới thời bị Đức quốc xã chiếm đóng. Việt nam là nạn nhơn từ khi Hồ Chí Minh về Hà nội và cho tới ngày nay. Ông tổ của “tố cáo, chỉ điểm” ở Việt nam không ai khác hơn là Hồ Chí Minh. Hồ bắt đầu nghề này hoạt động ở bên Tàu phục vụ cho Staline để kiếm cơm và nuôi tham vọng, nhờ sự cúc cung phục vụ của mình, sẽ được Staline cho về làm vua cộng sản ở Việt nam. Ông đã toại nguyện và nhờ đó đã phục hận cho cha và cả bản thân!
Khi các bà lên tiếng
Có người cho rằng người Việt nam ta phần lớn đều thích «có ý kiến». Thật ra cãi nhau hay tranh luận ỏm tỏi, bất tận, phải nói là truyền thống của các bà đầm ở xứ Tây. Nói dai là đầm trắng, nói lớn là đầm đen!
Tiếp theo chiến dịch «Balancetonporc” và “TooMe” là Diễn đàn (Tribune, Le Monde, 9/1/2018, Paris) với 100 chữ ký của các bà đầm với nhiều bà nổi tiếng, nổi cộm là nữ Tài tử điện ảnh pháp Catherine Deneuve. Khi thấy có Catherine Deneuve tham gia ký tên thì các bà cũng tham gia có ý kiến. Mục tiêu thật tình ban đầu nhằm bênh vực ngưòi phụ nữ nạn nhơn xách nhiễu tình dục lần lần bị lệch đi. Dư luận chỉ đọng lại ở vài ý kiến chánh như coi chừng «đưa người phụ nữ trở về với thanh giáo (puritanisme) mà đánh mất đi nữ quyền, bạo hành tình dục và sự khoái cảm tột đỉnh».
Bản văn của Diễn đàn mở đầu «Hiếp dâm là một tội hình sự (crime), nhưng sự tán tỉnh dai dẳng hay vụng về không phải phạm tội, cũng như «nịnh đầm» vẫn không phải là sự tấn công tình dục».
Qua hôm sau, bà Brigitte Lahaie, tranh đấu nữ quyền, tranh luận với bà Caroline De Haas, trên đài BFM TV, chương trình News et compagnie. Bà De Haas đưa ra ý kiến «Có một chuyện rất đơn giản, đó là ngưng những bạo hành, vì bạo hành làm mất đi hứng thú trong quan hệ tình dục. Khi các bạn bị hiếp, các bạn, thật sự, thấy hứng thú kém hơn lúc bình thường».
Bà Brigitte Lahaie phản đối: «Tôi lưu ý bà là ngưòi ta có thể sung sướng trong lúc bị hiếp». Ý kiến của bà Lahaie đã làm cho đối phương cứng lưỡi, không thốt ra lời. Nhưng sau đó, trên mạng xã hội, bà De Haas viết: «Cơ thể nạn nhơn bị bạo hành có thể phản ứng nhiều cách khác nhau. Nhưng điều này không làm thay đổi được bạo hành vẫn là một trọng tội. Nói như vậy thì có khác gì nói sự bạo hành tình dục là một sanh hoạt sinh lý bình thường».
Nhiều bà theo dõi chương trình trên đài BFM TV phản đối tại sao người điều khiển chương trình không can thiệp khi có những ý kiến rất khiếm nhả như vậy. Thật là thiếu trách nhiệm!
Dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học về đề tài này, tuần báo L’Express viết «thật ra rất có thể một nạn nhơn bị hiếp dâm, lúc bị hiếp, cảm nhận được sự hứng thú tột đỉnh (Orgasme - điểm G) nhưng điều đó không có một liên hệ nào với sự đồng tinh hay thích thú». Theo một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí y khoa Clinical Forensic Medicine, có từ 4% tới 5% nạn nhơn khai ra khi bị hiếp, có cảm thấy đạt đến điểm G. Đúng vì «Cơ thể chúng ta đáp ứng sự tác động sex và cả sợ hãi». Và «Cơ thể chúng ta phản ứng thường ngoài sự hưởng ứng của chúng ta.
Cũng như điểm G trong trường hợp bị hiếp dâm không phải là tột đỉnh khoái cảm thật sự của ái ân».
Khi bị hiếp dâm, nạn nhơn ngất xỉu và tử vong vì chống cự mạnh. Nếu hợp tác tiêu cực với thủ phạm có thể bảo vệ được sức khỏe và sự an toàn.
Trên diễn đàn CNews, ngày 9/1/2018, bà Sophie De Menthon, nhà báo, chủ xí nghiệp, thành viên Hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường (CESE), phát biểu ý kiến ủng hộ quan điểm bạo hành tình dục: «Đang có một đợt sóng thù hằn đàn ông. Tôi có cảm tưởng người ta đang có xu hướng và một trân chiến chống lại điều lẽ ra phải làm. Không biết có đúng như vậy không nhưng tôi vẫn suy nghĩ và tôi vẫn tự bảo với chính mình rằng, thật tình, nếu ông chồng của tôi không bạo hành với tôi một chút thì có lẽ tôi đã không lấy ông ấy»!
Có người phản ứng mạnh cho rằng khi nói nạn nhơn bị bạo hành tình dục cảm thấy sung sướng là một cách sỉ nhục cực ác người phụ nữ. Sau cùng bà Brigitte Lahaie đã phải công khai xin lỗi.
Bà Brigitte Bardot, tuy hơn 80 tuổi, cũng lên tiếng «Chuyện này chỉ liên hệ tới các bà tài tử, chớ không phải tất cả phụ nữ. Trong nhiều trường hợp, đó chỉ là đạo đức giả, lố bịch, không hay ho gì cả. Còn nhiều vấn đề khác quan trọng hơn, tại sao không thảo luận? Có nhiều bà tài tử có ý «khiêu khích» các nhà sản xuất để mong giựt được một vai. Kế đó để người ta nói đến mình nên la lên mình bị xách nhiễu tình dục…».
Nhưng cao trào tố cáo xách nhiễu tình dục của các bà đang hồi lên cao điểm, ở Mỹ, làm cho các ông bắt đầu không dám đi chung thang máy với các bà!
Quyền đàn ông hay nhơn quyền
Từ xưa, ở Pháp, cả ở Âu châu, sự đoàn kết giai cấp (trưởng giả) vượt trên các ứng xử khác. Xã hội coi trọng đàn ông nên dễ dãi trước những trọng tội do đàn ông gây ra mà đàn bà là nạn nhơn. Những người thân cận của lãnh chúa Louis de Thuringe ở thế kỷ XIII khuyên bảo «Anh không nên cứ lẩn quẩn bên cạnh bà vợ của anh hoài… Tại sao anh không «viếng» các nữ gia nhơn của anh?». Ngược thời gian xa hơn nữa, dưới thời phong kiến – nhơn đây, Cỏ May tôi xin quả quyết Vìệt nam hoàn toàn không có phong kiến, tuy lịch sử Việt nam gắn liền với chế độ quân chủ – đàn ông sử dụng những nữ gia nhơn của mình như những nô lệ tình dục. Trong gần đây, sử gia Alain Boureau gán những lạm dụng này thuộc thứ «quyền đàn ông», quyền của thời phong kiến âu châu (Alain Boureau, Mythe du droit de cuissage médiéval). Nữ triết gia Geneviève Fraisse nhận xét sử gia Allain Boureau đã bỏ qua thực tế những nhóm kỵ sĩ trẻ đã ngang nhiên hãm hiếp phụ nữ chớ không riêng gì các lãnh chúa hành xử quyền hạn tuyệt đối của mình như «Droit de cuissage» (là quyền của lãnh chúa làm tình đêm đầu tiên vợ mới cưới của thanh niên sống trong lãnh địa của mình).
Nữ sử gia Michelle Perrot than phiền là lịch sử phụ nữ bị cưỡng hành tình dục suốt thời gian dài, nói ra đã bị coi như là điều cấm kỵ. Hay đúng hơn người ta đã mù quáng mà không nhận thấy.
Không riêng chỉ lãnh chúa hay kỵ sĩ, cả những trưởng xưởng, trưởng nhóm, thợ chánh của xí nghiệp, cho tới Đệ II Thế chiến ở Pháp, cũng có thể cưỡng chế tình dục các nữ công nhơn trẻ. Nếu bị từ chối, họ có thể bị sa thải. Trong gia đình khá giả, ông chủ nhà vẫn thường ép các cô giúp việc làm tình, được bà vợ đồng ý.
Như vậy phải chăng từ lãnh chúa thời phong kiến tới chủ gia đình khá giả, chủ xí nghiệp, trưởng xưởng, trưởng thợ ở thế kỷ XX đều có thể cưỡng chế phụ nữ thỏa mãn tình dục? Nếu đó là một thứ quyền thì đó là «quyền của kẻ mạnh». Quyền do tương quan sức mạnh. Và kẻ mạnh thắng, mà kẻ mạnh là đàn ông.
Nên nhà báo Yves Daudu (Tuần báo Marianne, số 1086, Paris) cho rằng quyền lãnh chúa (Droit de cuissage) ngày nay vẫn chưa biến mất.
Và đó mới thật sự là thứ «Quyền» (Droit) của «đàn ông» (l’homme – Droit de l’homme - Nhơn Quyền)* phổ quát nhứt và cổ xưa nhứt. Các sử gia cổ điển xếp thứ «nhơn quyền» này thuộc loại thời cổ đại của quyền phong kiến. Thật ra, sự lạm dụng quyền lực của kẻ mạnh đã tồn tại vượt qua cả giai cấp quí tộc và chỉ mới bị tố cáo ngày nay mà thôi!
Nguyễn thị Cỏ May
•Droit de l’homme (= Nhơn quyền) là quyền của đàn ông. Không có nghĩa như «Nhơn quyền» theo Hiến chương LHQ. Tiếng Anh rõ hơn (Human rights)
Nhơn đầu năm Tuất
Lan man chuyện CHÓ
Nguyễn thị Cỏ May
Tuất và Chó
Cứ mỗi lần Tết đến, dầu ở tận góc biển chân trời nào, người Việt vẫn giữ tập tục chuẩn bị đón Tết, ăn Tết. Trong việc chuẩn bị đón Tết, ăn Tết, chắc chắn người Việt hải ngoại cũng như ở quê hương Việt Nam, không để thiếu vắng việc chuẩn bị báo Tết cho thật tươm tất, vừa để phô trương bề thế của tờ báo mình.
Ở miền Bắc và miền Nam bán cầu, như Âu Châu, Mỹ Châu và Úc Châu, thì người Việt hải ngoại có Tết chớ chưa hoặc không có Xuân.
Nhưng khi các nhà báo làm báo Tết hay báo Xuân, có ai nghĩ tại sao có báo Xuân không? Chắc chắn là chỉ có Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới này có báo Xuân mà thôi. Vậy trong trường hợp nào báo Xuân Việt Nam ra đời?
Đó lại là chuyện dài liên hệ tới lịch sử báo chí việt nam. Nay, ở đây, tưởng chỉ nhìn qua báo Xuân hay báo Tết việt nam. Từ thuở có báo Xuân thì y như rằng hễ năm Dậu thì báo Xuân phải nói chuyện gà; cả gà cúm cũng nói. Năm Tuất, dứt khoát là báo Xuân phải nói đến chó, chuyện chó. Vì Tuất là chó kia mà!
Nhưng xin hỏi các ông làm báo Xuân năm Tuất: tại sao Tuất có nghĩa là chó, Dậu có nghĩa là gà, Tý có nghĩa là chuột?
Có phải Tuất nghĩa là chó không?
Chúng tôi đã thắc mắc mà không tìm được giải đáp cho chính mình, bèn đi tìm hỏi những người thâm nho thì những vị này cũng lắc đầu. Các vị cũng không hiểu tại sao Dậu là Gà, Tuất là Chó? Phải chăng đó chỉ là một chọn lựa qui ước? Chớ tiếng ấy không có nghĩa như vậy!
Chúng tôi đành giữ nguyên cho mình thắc mắc về ngữ nghĩa của từ ấy mà tạm thời “cẩu sự” cùng quí bạn đọc cho vui để đón chờ những ngày Xuân ấm áp sắp đến!
Chó và Người
Con chó sống với loài người phải từ thuở bình minh lịch sử. Người ta cho rằng chó có mặt bên cạnh con người, làm bạn chí thân chí thiết với con người từ 15000 năm qua. Như vậy chó đã dấn thân giúp con người trong nền văn minh săn bắn?
Con chó bám sát con người từng bước trong quá trình tiến hóa để hiện diện cùng với con người qua văn học, cùng chia xẻ số phận con người qua những biến thiên lịch sử đất nước, vẫn giữ đức tính tinh ròng của loài chó, không bội bạc, không phản trắc. Để người phụ chớ không phụ người! Thế mới là chó!
Cho nên, người đời nguyền rủa những kẻ ám hại người một cách hèn hạ, đốn mạt là “thứ đâm heo thuốc chó”. Thứ này bị người đời nguyền rủa thậm tệ hơn thứ cùng hung cực ác “chửi cha, chém chú, lắc vú chị dâu, cạo đầu bà thím”!
Thế mà trong trường hợp nào đó, để mắng chửi người ngu, hoặc vụng về, ngờ nghệch, người ta lại mượn chó ra để làm chuẩn mực: “đồ ngu như chó”. Khi so sánh “người ngu với chó”, không biết có chắc người ta có thiệt tình hiểu chó là “ngu” không? Nếu con người hiểu được tiếng chó, biết đâu con người cũng sẽ nghe chó mắng chó là “thứ đồ ngu như người”?
Lại khi gặp phải vận rủi, mưu sự đều thất bại, người ta mượn chó ra diễn tả “đời đen như mõm chó”.
Nhưng có điều, như chân lý, là không có ai chửi người phản trắc bằng cách đem chó ra làm biểu tượng “đồ ăn cháo đái bát như chó”!
Chó vẫn là hiện thân của giá trị tiêu chuẩn về đức tín “trung thành”, trước sau như một: “Chó không chê chủ nghèo”.
Nền văn minh chó
Tôi không dám định nghĩa văn minh là gì? Văn minh chó là gì? Bởi Giáo sư chủ nhiệm Đổ Chín không cho phép đi vào nền nếp cũ lỗi thời là cái học từ chương, trích cú như các cụ đồ nho ngày xưa.
Theo “cẩu luận khoa học và biện chứng” thì chó ngày nay thật sự vô cùng văn minh, tức vô cùng đẹp. Cái văn minh, cái đẹp ở đây, không chỉ dành riêng cho chó mà loài người lại chia xẻ, hưởng thụ nhiều hơn. Nói như vậy không hàm ý người khôn hơn chó tuy người thường bị mắng là “ngu như chó”!
Người Việt hải ngoại, từ bốn mươi năm nay, đã hấp thụ nền văn minh chó làm thay đổi hẳn, vô cùng sâu sắc, nếp tư duy cũ, cách ứng xử, trong từng cá nhân.
Riêng đối với lớp trẻ sanh đẻ ở hải ngoại thì lại hoàn toàn sống theo nền văn minh chó trăm phần trăm.
Thử nêu ra mức phát triển kinh tế thế giới liên quan đến đời sống hằng ngày của chó, đủ cho ta hình dung được đỉnh cao của nền văn minh chó. Hàng năm, các ngành hoạt động phục vụ cho chó đạt được 50 tỷ mỹ kim.
Về thực phẩm, đứng đầu là Nestlé, Danone, rồi mới đến các hiệu của Mỹ như Pedegree, … Những thứ thực phẩm này không mang nhãn hiệu Nestlé, Danone vì sợ người ta mua lầm, ăn thấy ngon rồi lại tranh nhau mua hết không còn để chó ăn.
Vào mùa lễ cuối năm, có những sản phẩm dành cho người làm quà biếu cho người thì cũng có những thứ quà biếu cho chó. Như một cái túi bằng loại hàng vải mắc tiền, cắt may thẩm mỹ, đựng bên trong cái “áo len” đắt tiền, chai dầu thơm do nhà Chanel chế tạo, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, kéo cắt móng chưn, vòng đeo cổ… tất cả giá là 1000$US.
Có những trung tâm thẩm mỹ thể dục trị liệu cho chó. Ở đây, chó sẽ được chuyên viên cao cấp tắm chó bằng tia nước nóng lạnh (tắm âm dương), bằng nước bùn, đắp rong biển, nước biển, xoa bóp khớp xương chữa phong thấp. Có thầy thuốc khám, kê đơn chỉ dẫn chế độ ăn uống theo từng trường hợp. Bên cạnh, lại có phần thể dục tương tợ dành cho chủ chó. Giá cho chó là 150$US/ngày. Những săn sóc đặc biệt, tính giá riêng. Tắm, cắt lông, móng, mỗi lần 50$US là bình thường và phổ thông, trong lúc làm móng tay cho các bà chỉ có 25$US.
Người Việt hải ngoại ngày nay, ai không dám nuôi chó thì thôi, hễ ai nuôi chó thì phải chạy theo nền văn minh chó, không ai dám làm khác hơn, bởi bị sức mạnh của nền văn minh thu hút và bắt buộc. Mà luật pháp cũng bắt buộc, bởi nền văn minh chó ngày nay đã được định chế hóa rồi. Tức cẩu quyền đã được luật pháp hóa, chỉ còn chờ một ngày gần đây Liên hiệp Quốc ban hành “Bản tuyên ngôn quốc tế cẩu quyền” nữa là đủ!
Sống theo nền văn minh chó, người Việt hải ngoại cũng bắt đầu đặt tên cho chó của mình. Chọn cái tên dễ thương. Chỉ chưa thấy ai lấy tên của người thân đặt tên cho chó. Hãy còn húy kỵ. Đặt tên cho chó vừa tỏ cho mọi người biết con chó của mình là chó văn minh, đồng thời ngầm nói lên mình cũng là người văn minh nữa!
Chó có tên không phải chỉ là ý muốn của chủ chó mà còn do luật pháp quy định. Bởi mỗi con chó nuôi đều phải được kiểm tra về mặt thú y nên phải có hộ tịch.
Đơn giản lắm cũng phải mang một con số đăng ký như giấy chứng minh nhân dân ở xứ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Hà Nội: chó kiki, chó nikiki, Mickey…
Có điều đáng để ý, chủ chó là người Việt, nhưng tên chó đều mang tên ngoại quốc. Có khi nói chuyện với chó, chủ chó Việt Nam lại nói bằng tiếng ngoại quốc!
Cũng nhờ sống ở hải ngoại khá lâu, hấp thụ nền văn minh chó, nên một người Việt Nam lớn tuổi mới bắt đầu hiểu tại sao ở Việt Nam trước năm 1975, hai con chó Mỹ ở nhà ông, trong những ngày đầu không chịu ăn. Chúng cương quyết nhịn đói như muốn tuyệt thực phản kháng vậy. Bởi ông không cho chúng đúng thứ đồ ăn của P.X mà chúng thường ăn mỗi ngày.
Một người Mỹ láng giềng đem gởi ông hai con chó, hẹn tối sẽ dắt về. Mãi mấy hôm, không thấy người Mỹ trở lại nhận chó. Ông bảo con nhỏ giúp việc trong nhà cho hai con chó ăn. Theo thói quen Việt Nam, nó đem tất cả thứ gì còn lại từ bữa ăn, trộn thêm cơm cho ăn. Hai con chó hửi qua rồi lạnh lùng bỏ đi. Con nhỏ giúp việc nói chuyện với hai con chó, hai con chó không hiểu. Ông chủ mới hiểu ra vì hai con chó của Mỹ nên chỉ hiểu tiếng Mỹ. Ông bèn dạy vài câu tiếng Mỹ cho con nhỏ giúp việc để đàm thoại cấp tốc với chó. Nhưng gốc nhà quê đặt sệt, con nhỏ học tiếng Mỹ không vô. Ông chủ bèn lấy mấy tấm cạt-tông viết lên đó mấy câu tiếng Mỹ phiên âm qua giọng Việt để cho con nhỏ dễ học và thuộc lòng: “xít-ao; gô; ít;”… Từ đấy, con nhỏ đi đâu cũng cầm theo mấy tấm cạt-tông cẩm nang như vật bất ly thân để nói chuyện với hai con chó Mỹ. Nhiều lúc vội vàng, con nhỏ muốn ra lệnh “hãy ngồi xuống” lại lấy nhầm cẩm nang dạy “hãy đi chỗ khác”, đọc lên, hai con chó bèn bỏ đi. Nó chạy theo muốn hụt hơi. (Nhưng nhờ vậy, mà sau ngày 30/04/1975, chạy qua Mỹ, nó nói được tiếng Mỹ và đã giỏi tiếng Mỹ. Nó làm thông dịch cho những người tỵ nạn Việt Nam vượt biển qua Mỹ sau nó).
Sau vài hôm, có lẽ vì đói bụng quá, hai con chó Mỹ bắt đầu chịu ăn theo chế độ ẩm thực Việt Nam. Và nó hội nhập từ đây.
Mà nào riêng gì chó, người Mỹ ở “khách sạn Hilton” tại Hà nội, VC ném cho thứ gì cũng “ ích ” hết. Chưa đủ no, muốn “ ích” thêm cũng không có.
Tôi có người bạn nuôi một con chó gốc bẹc-giê. Một hôm chị vợ cùng với con cái đi chơi xa. Anh chàng ở nhà giữ nhà và giữ chó.
Lần đầu tiên, anh cho chó ăn. Chó đến hửi rồi bỏ đi. Anh lo sợ chó bị bệnh nên bỏ ăn, bèn điện thoại hỏi ý kiến vợ. Chị vợ hỏi anh có nêm nước mắm trong thức ăn không?
Hiểu ra, anh xịt thêm vài giọt nước mắm Phú Quốc. Quả nhiên, chó ngửi mùi quê hương, nhào tới đớp liền!
Chó qua vài trang sách vở
Con chó thiết cận với con người Việt Nam như vậy, nhưng có ai biết chó có tên gọi từ bao giờ không?
Một cách chính xác thì không thể nói, nhưng điều chắc chắn là trước khi người Pháp tới, chó Việt Nam không có tên. Người ta gọi chó qua tướng mạo của chó, như chó đen được gọi là chó Mực, trắng là Cò, vàng là Phèn, vằn là Vện…
Trong câu thơ của Nguyễn Trãi (Quốc Âm thi tập), con chó được nói tới bằng tướng mạo:
“Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen xú xứa ngại nuôi vằn…”
Vằn có nghĩa là sọc, như khăn vằn, ngựa vằn, nhưng vằn thường bị đọc sai thành rằn như khăn rằn, ngựa rằn.
Khi nói đến quả cau ửng sọc trên vỏ thì chữ vằn đổi lại thành vân: “quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân”.
Con chó được dẫn theo người đi dạo, vừa để làm bạn vừa để bảo vệ an ninh cho người, có lẽ phải đến khi người Pháp đến Việt Nam và đã đặt xong nền đô hộ.
Vì có lẽ phải từ lúc này, người Việt Nam mới bắt đầu biết chó có tên gọi riêng do người đặt cho. Những người Việt Nam này cũng phải thuộc giới tây học hoặc ở đợ cho tây.
Ở Hà Nội, người ta còn nhớ vào cuối thế kỷ 19, có bài văn tế ông tây Rivière, với những câu có đề cập đến con chó của ông ấy:
“ Nhớ ông xưa,
Mắt ông xanh lè, mũi ông thò lõ.
Đít ông cưỡi lừa, mồm ông huýt chó ”…*
Huỳnh Mẩn Đạt, người Gia định, chống tây cướp nước thất bại (thế kỷ 19), tuổi cao, gởi gấm tâm sự của mình qua con chó già:
“Tuy rằng muông cẩu có âm ba
Răng rụng lâu năm nó phải già.
…Không ai trấn Bắc ngăn bầy cáo,
Ít kẻ ngừa Tây giữ đứa tà…”
Học Lạc (Nguyễn văn Lạc) người Mỹ tho, cay đắng thân phận con người ái quốc khi thất thời mạt vận:
…“Vằn vện xác còn phơi lững đững
Thúi tha danh hãy nổi lều bều… ”
…Một trận gió dồn cùng sóng dập
Tan tành xương thịt biết bao nhiêu”.
Nhà ái quốc Nguyễn Đình Chiểu mô tả cảnh lụt lội nhưng không để mất cơ hội mắng chửi vào mặt bọn xu thời hèn mạt, chớp thời cơ để ăn trên ngồi xổm trước, thứ mà thời nào cũng có, nhứt là ngày nay ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
“Lổm ngổm giường cao thấy chó ngồi...
Vì lúc bấy giờ đất nước đã mất trọn vẹn vào tay giặc Pháp:
“Bốn mặt Giang sơn ngập cả rồi!”
Gần đây, giáo sư Phạm công Thiện đi dạo chợ trời vùng Paris, trông thấy cảnh bán buôn đủ loại hàng mới cũ với giá rẻ mạt. Và người đi chợ cũng đủ thành phần xã hội. Ông bèn tức cảnh, và cũng xúc cảm thân phận của chính ông lúc ấy:
“Thân anh như con chó,
Treo bảng bán chợ chiều.
Một lần em qua đó,
Con chó đứng nhìn theo". **
Đọc thơ của tác giả “Hố thẳm tư tưởng”, có người lại liên tưởng đến câu ca dao diễn tả mối quan hệ “anh em” qua hình ảnh con chó thương yêu:
“Em như cục cứt trôi sông,
Anh như con chó đứng trông trên bờ”.
Thân phận “anh em” đã thấy tội nghiệp rồi. Mà thân phận của đất nước lại càng thảm hại hơn. Một đất nước mà hạ tầng cơ sở chưa có để giải quyết vấn đề chất thải một cách hợp lý, tránh bị nạn ô nhiễm môi trường. Con người còn sống ở một trình độ như vậy thì con chó làm sao có được thức ăn riêng của chó?
Thân phận con người và con chó tương xứng! Tương xứng ở nấc thang thấp nhất của sinh vật.
Nói về chó qua văn học không thể không nhắc một giai thoại thi ca liên quan đến nhà thơ lớn Xã hội chủ nghĩa Tố Hữu, một thời lãnh đạo văn học Hà nội, ra tay dùng “mã tấu văn học” phạt những nhà văn nhà thơ tài hoa và lương thiện khác như Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, để chiếm ngôi độc tôn trong thi ca. Và cũng chính Tố Hữu là đồ tể trong vụ án Nhân văn giai phẩm ở Hà nội vào giữa thập niên 50 trong thế kỷ qua.
Gần đây, một sinh viên văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội, phản ứng về Tố Hữu khi phải học thơ của Tố Hữu, và phổ biến trên mạng điện tử bài thơ cuối đời của thi sĩ được huân chương cao quí nhứt “sao vàng”:
…“ Còn mấy vần thơ, một nắm tro
Thơ gởi lại đời, tro bón đất
Sống là cho, chết cũng là cho…”
Tố Hữu
Những câu này được sinh viên khoa Văn Hà Nội đọc lại :
…“ Còn mấy vần thơ, một nắm tro
Thơ gởi lại đời, tro bón đất
Sống là CHÓ, chết cũng là CHÓ…”
Tội nghiệp cho chó vì chó không bao giờ đối xử với người như nhà thơ vĩ đại Tố Hữu!
Dưới thời Pháp đô hộ đất nước, một người Việt Nam làm bồi cho ông quan tây, một hôm, trông thấy con chó của ông chủ sao mà nó đẫy đà đầy quyến rủ, khiêu khích anh đến rỏ giải. Không thể tự chế được nữa, anh bồi bèn tập kích hạ ngay “cờ tây”. Lẽ dĩ nhiên, chuyện này phải xảy ra ở Hà Nội, cái nôi của cách mạng vô sản Hồ chí minh.
Phát hiện con chó của mình mất tích, quan tây mở cuộc điều tra. Kết quả: anh bồi bị đưa ra tòa và lãnh một tháng tù ở.
Dầu sao quan tây thực dân vẫn còn biết thượng tôn luật pháp, luật pháp của chính mình, nên đã không tự xử lý sự việc một cách tùy tiện!
Chó việt nam thời văn minh xã hội chủ nghĩa
Toàn dân kháng chiến. Ở khắp nông thôn, chiến dịch “tiêu thổ” kháng chiến được người người nhiệt tình hưởng ứng. Người nông dân chất phác, suốt đời lam lủ một nắng hai sương, vừa xây dựng được cơ nghiệp làm mái ấm gia đình, thì nay, tự tay mình, mạnh dạn dơ cao ngọn đuốc châm vào thiêu hủy cơ nghiệp của mình.
Dân làng kéo nhau đi vào vùng sâu, bỏ lại làng mạc hoang vắng với những đống tro tàn. Con chó cảm nhận được hoàn cảnh của chủ nó, nên cũng theo chủ, không luyến tiếc nơi êm ấm quen thuộc. Đôi khi trên đường “di tản chiến thuật”, chó bị lạc chủ:
…“ Mái nhà trăm năm thôi để lại,
Lạc chủ chó gầy, mắt hoang dại”.
Quang Dũng
Sau đó, khi Pháp tái lập sự cai trị, dân chúng lục tục kéo nhau trở về làng cũ, xây cất lại nhà cửa. Kháng chiến cũng lần theo bước chân dân chúng kéo về ẩn núp trong thôn xóm. Họ phải dựa vào dân chúng để giải quyết cái ăn hằng ngày, theo phương châm “cá với nước”.
Ban ngày, Tây đi hành quân tảo trừ kháng chiến, Việt Minh chờ đêm xuống đi phục kích hoặc tấn công đồn bót Tây. Để bảo toàn hoạt động về đêm, Việt Minh ra lịnh “cấm chó sủa”. Thế là chó chịu chung số phận bị “hạ cờ tây” tập thể. Người dân sợ tây bắt vì bị tình nghi Việt Minh, đồng thời cũng sợ bị Việt Minh cho “mò tôm” vì bị nghi là Việt gian. Chó vốn có linh tính, nên trước tình hình này vội cụp đuôi, thu hình núp trong nhà, không dám sủa.
“ Chó đen rin rít những điều khó hiểu
Hồn ai đang lang thang trong đêm”.
Quang Dũng
Chó đen được tiếng là chó khôn trong loài chó, có thể nhìn thấy ma trong đêm, canh giữ quân gian rất giỏi. Nhưng chó vẫn không sợ giặc Tây bằng sợ VC. Nơi nào và khi nào VC đến là chó không dám sủa.
Sau 30/04/1975, ở Miền Nam Việt Nam, dân chúng thường gọi thời VC cai trị là thời “chó chết” vì nhân dân xơ xác, chó mà còn không sống nỗi! Trái lại, trước kia, người ta dùng tiếng “chó đẻ” để mắng những người sai trái, vi phạm qui ước xã hội: “quân chó đẻ, đồ chó đẻ, thằng chó đẻ” Nhưng, “chó đẻ” vẫn hơn “chó chết”! Vì chó còn đẻ được!
Một thời gian sau khi Việt cộng vào miền Nam, Linh mục Seitz bị đuổi về Pháp. Ông đã viết một cuốn sách mô tả đời sống ở Việt Nam dưới chế độ cách mạng, trong những ngày ông còn ở đó. Sách mang tựa “Thời chó câm” (Le Temps des chiens muets - 1977 - Flammarion). Mọi quyền tự do căn bản đều bị VC tước đoạt. Thậm chí, quyền sủa của chó cũng bị đảng tước đoạt. Nhưng có người thấy, qua những dòng “thời chó câm” ấy, cha Seitz còn ngầm ngụ ý phản đối tự do tư tưởng của người tu sĩ công giáo bị bề trên ngăn cấm, do chánh sách đối ngoại nhằm mục đích dài hạn của Giáo hội?
Dân miền Nam gọi thời gian VC vào cai trị miền Nam là “thời chó chết”. Phải chăng lời nói của dân gian thường linh ứng mà những sinh vật di chuyển bằng bốn chân vào thời gian ấy đều không thấy xuất hiện. Không riêng gì con người miền Nam bị tập trung vào các trại cải tạo mà ngay cả thần hoàng, thổ địa cũng phiêu bạt.
Nhà thơ Tô thùy Yên nói lên tiếng nói trung thực của nhân chứng cảnh Việt Nam “thời chó mạt”:
…“Làng mạc giờ đây đã trống trơn,
Con dê, con chó cũng không còn.
Người đi bỏ xác nơi bờ bụi,
Miếu sạt, thần hoàng rũ héo hon”.
(Trại cải tạo Nghệ Tĩnh, 1979 ) (1)
Nhưng, bỗng người còn sống nghe tiếng tru rú lên rùng rợn. Không phải tiếng tru của loài chó rừng, mà là tiếng tru của những con người sắp chết tức tưởi, đầy uất hận, cô đơn trong trại tập trung:
…“Cái chết tru rân giờ nguyệt tận,
Máu bung từ mỗi lỗ chơn lông.
Mọi người nghe chính mình kêu rú,
Liệu sáng mai còn ai nữa không?”
(Tô thùy Yên, trại cải tạo 1979) (1)
Đến khi được thả khỏi trại, lần mò về quê nhà, tìm mãi mới được căn nhà cũ vì tất cả đều đã đổi thay. Đến con chó không nhìn ra chủ ngày nào :
…“Đòi phen năm tháng cũ dò về,
Chó già lạ hơi sủa… ”
Bước vào căn nhà xưa, bàn thờ không nhang khói cúng lễ, thì con chó cũng tuyệt vọng chờ bữa ăn:
“Bàn thờ nhện giăng,
Nói chi cơm cúng.
Tội cho hồn con chó nhỏ vẫn nằm chờ
Mơ màng người chủ vừa ra đi…”
(Tô thùy Yên)
Thân phận của người đi cải tạo tập trung trở về với thân phận con chó ở “thời chó chết” không khác, vì không ai hơn ai giữa chủ và chó.
…“Tôi về nhà vào năm thứ mười ba,
Đã có nó trong nhiều khuôn mặt mới.
…Tôi, quản chế, thu mình trong bóng tối,
Nó, can gì, cũng chẳng dám chun ra?
… Khách lạ tới, nó lùi vô một xó,
Không dám gầm gừ nói lên tiếng chó.
Thì mong gì canh giữ được quân gian.
…Tao với mầy nào có khác gì nhau,
Chó với người cùng một kiếp thương đau.
…Quyền người chưa trọng, nói chi quyền chó?”
(Thanh Thanh)
Ở Việt Nam, chó luôn luôn chịu chung số phận như con người trong thời đất nước chiến tranh. Sinh mạng con người không đáng một cắc bạc thì sinh mạng chó có đáng gì đâu?
Nhưng đến khi cách mạng thiết lập chánh quyền trên cả nước thì chó bắt đầu có giá …Nhứt là từ khi đảng cộng sản Hà Nội ban hành chánh sách “đổi mới”, thì chó trở thành một nguồn phát triển kinh tế thị trường theo “định hướng Xã hội chủ nghĩa”.
Ở Long Bình, cuối xa lộ Biên Hòa, đường ra Vũng Tàu, mỗi ngày, người kinh doanh chó thu mua để phân phối đi các nơi có đến bảy tấn chó sống.
Ở Hà Nội, các cửa hàng ăn chuyên bán thịt chó đủ món, tiêu thụ mười tấn chó (tháng/ngày, không nhớ rõ vì nghe qua phim “Việt nam ăn nhậu”).
Chó không còn là nạn nhân thời cuộc như khi đất nước chiến tranh, mà trực tiếp nạn nhân của con người trong thời bình xã hội chủ nghĩa cho những đòi hỏi khẩu vị của những người không phải thứ “ngu như chó”.
Chó qua dòng lịch sử
Chó với người đã sống chung từ 15000 năm qua. Riêng ở Việt Nam, trong lịch sử lập quốc, An Dương Vương lên ngôi vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, khi dời đô về Cổ Loa là theo dấu chân đàn chó.
Lê Lợi cũng vậy. Đàn chó dẫn nhau tìm về Cổ Loa dọn ổ đẻ. Dân chúng cùng nhau chọn nơi chó đẻ để định cư lập nghiệp, vì tin đó là vùng đất vượng phát.
Mẹ Lý Công Uẩn, ngủ nằm mơ thấy con chó bằng đá. Bà thọ thai, sanh con trai đem đến chùa Cổ Pháp và kể lại giấc mơ cho sư ông Lý Khánh Vân nghe. Nhà sư cho đó là điềm lành nên nhận đứa bé và cho mang họ Lý. Bỗng con chó bằng đồng chưng ở trong chùa cất tiếng sủa vang như mừng rỡ có tân chủ. Lý Công Uẩn theo học văn võ với Sư Vạn Hạnh, sau làm tướng rồi lên ngôi vua, lập ra triều Lý.
Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, gần Cổ Loa, lấy tên là Thăng Long. Lúc dời đô, có con chó cái bơi từ Cổ Pháp vượt sông Hồng, theo Vua về lót ổ đẻ bên Hồ Tây, chỗ Hồ Trúc Bạch, bây giờ còn dấu tích.
Truyền thuyết khác cho rằng con chó ở Cổ Pháp vượt sông Hồng, lót ổ đẻ trên núi Nùng. Lý Thái Tổ dời đô về phía đó và lập đền thờ.
Con chó ở Cổ Pháp đẻ con sắc trắng có đốm đen thành ra hai chữ thiên tử, ứng vào người sanh vào năm Tuất làm thiên tử, tức Lý Công Uẩn.
Con chó đã sớm đi vào tín ngưỡng dân gian trở thành thần. Ở Hà Nội có đền thờ thần chó làm bằng đá.
Từ hai mươi năm nay, nhà cầm quyền địa phương Ba Đình muốn san bằng đền Cẩu Nhi, thờ thần chó con cạnh bờ hồ, để lấy mặt bằng xây trụ sở chánh quyền. Những nhà nghiên cứu, các tổ chức quần chúng phản đối, muốn bảo tồn di tích lịch sử tín ngưỡng dân gian. Theo những người này thì tín ngưỡng dân gian có trước các tôn giáo du nhập Việt Nam, tại sao lại không được giữ gìn như di tích?
Chó của ông Lê Nhân ở Hà nội ngày nay
Trong bài trả lời phỏng vấn báo điện tử Đàn Chim Việt ở Warsovie, ông Lê Nhân từ Hà Nội dám quả quyết:
…“Con người lắm khi không bằng một con chó”. Thật thế. Chúng ta cứ xem chó con đẻ ra chỉ bảy ngày là mở mắt.
Con người thiệt ở bên trong con người mang tên Lê Nhân này cứ thập thò, như con ma xó, trả lời của Lê Nhân với đảng viên đảng Cộng sản: “Bẩm Quan cách mạng. Bấy lâu nay, con có mắt đâu mà Quan bảo con hãy mở mắt. Con trốn vào hai đầu gối đã chai sạn của Quan từ lâu rồi. Quan hãy nhìn xuống đầu gối mà xem: mắt và tư duy của Quan cũng đều nằm trọn nơi đó”!
Chó trong sấm ký
Năm 1938, Phó bảng Nguyễn Can Mộng ưu tư thời cuộc, bèn chọn ngày lành, lên đền Ngọc Sơn cầu cơ để hỏi vận mạng đất nước trong những ngày tới. Đức Thánh Mẫu Phủ Giầy về cơ, giáng bút phát họa tình hình nước Việt Nam, cho đến sau 1955, căn bản đều đúng như:
… “Ba màu đến hội suy vong,
Khỉ về gà khóc, vầng hồng nổi lên.
… Mèo lùi, cáo nắm kỷ cương,
Tương tàn cốt nhục nhiễu nhương lạ kỳ.
… Vảy rồng tạm tách làm đôi.
… Kể từ đôi ngũ còn chờ,
Thầy tu mở nước bấy giờ mới hay.
Chẳng qua cũng giống quỷ tây…”
Nói lại một cách giản lược:
“Tây suy vong. Năm Dậu 1945, Nhật đảo chánh. Bảo Đại thoái vị, trao chánh quyền cho Hồ chí Minh. Chiến tranh chết chóc ở cả hai bên, thiệt hại hơn 3 triệu người. Dẫn đến đất nước chia đôi để chiến tranh tạm ngưng. Ngô đình Diệm, gốc thầy tu, lên nắm chánh quyền vào năm 1955 (55 = đôi ngũ). Cũng gốc Tây phương. Vì từ thế lực tây phương đưa về”.
Đến năm Tuất thì Việt Nam sẽ có thái bình. Năm Tuất nào, tính từ năm 1938 là năm mà Phó bảng Nguyễn Can Mộng cầu cơ?
Lần theo cơ bút là sống bằng hy vọng vì con người đã tận nhơn lực?
… “Chó mừng tân chủ rỡ ràng,
Gần xa tấp nập lên đường hồi hương”.
Chó, kỳ này, tức Mậu Tuất, sẽ mừng tân chủ, nghĩa là không phải chủ xã hội chủ nghĩa? Bởi chủ xã hội chủ nghĩa là chủ của “thời chó chết” thì làm sao chó mừng được?
“Gần xa tấp nập lên đường hồi hương” là một hiện tượng chỉ có thể xảy ra cho Việt Nam từ sau 30/04/1975 mà thôi.
Có nên hy vọng lắm không?
- Xin thưa: trước sau vẫn là “cẩu sự” đầu năm Tuất!
Nguyễn thị Cỏ May
Ghi chú:
(*) (** ) Trích dẫn theo Đặng Tiến, Talawas.
(1) Trích bài thơ "Mùa hạn" - Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, Minesota, 1995.
Để chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ
Ba bà Bộ trưởng Pháp đăng đàn diễn tuồng «Lời độc thoại của âm hộ - les monologues du vagin - the vagina monologues»
Nguyễn thị Cỏ May
Bà Marlène Schiappa, đương kim Bộ trưởng đặc trách Nam/Nữ bình đẳng, cùng với bà Roselyne Bachelot, cựu Bộ trưởng Y tề của chánh phủ Sarkozy và bà Myriam El Khomri, cựu Bộ trưởng Lao động của chánh phủ Hollande, một hôm trước Ngày Quốc tế Phụ nữ, lên sân khấu rạp Bobino, 14-20 đường Gaité, Paris XIV diễn vở tuồng “Những lời độc thoại của Âm hộ” của bà Eve Ensler, người Mỹ.
Vở kịch “Lời độc thoại của Âm hộ” đã nổi tiếng khắp thế giới nhờ đã lưu diễn trên hơn 130 quốc gia, qua 146 thứ tiếng khác nhau, nay được ba bà Bộ trưởng của ba chánh phủ Tả/Hữu trình diễn chắc chắn sẽ thu hút khán giả chật rạp Bobino của ông Jean-Marc Dumontet có sức chứa cả ngàn người.
Ba bà Bộ trưởng Marlène Schiappa, Roselyne Bachelot et Myriam El Khomri
lên sân khấu rạp Bobino ngày 7/3/2018
Vở kịch được kịch sĩ Eve Ensler sáng tác năm 1966, hai năm sau, tác giả thành lập một phong trào tranh đấu chống sự bạo hành phụ nữ. Từ đó, cứ tới ngày 8 tháng 5 là ngày V-Day (V vừa chỉ Vagin, âm hộ, vừa chỉ Victoire, chiến thắng và Violence, bạo hành), các bà họp lại cùng đọc những đoạn trích của vở kịch như một màn trình diễn thu hẹp chào mừng ngày V-Day.
Hôm thứ năm 15/2, ba nữ chánh khách lên sân khấu tập dượt, có báo JDD (Nhựt báo Chủ nhựt) tham dự. Tuy không phải là kịch sĩ nhà nghề, nhưng ba bà diễn xuất vô cùng chuyên nghiệp. Cũng rên rỉ làm như đang đạt cực đỉnh. Những tiếng chỉ bộ sinh dục «vagin, clitoris, couilles» thường được lập đi lập lại rất nhiều lần.
Nhà báo phải thừa nhận là cả ba bà Bộ trưởng đều rất can đảm nên đã hấp dẫn người tham dự. Chắc ba bà sẽ khó tránh những lời phê bình sau vở kịch. Rìêng bà Marlène Schiappa nhận thấy qua vở kịch mà bà tham dự trình diễn sẽ là sự nối dài con đường tranh đấu nữ quyền của bà. Vả lại, Thủ tướng E.Philippe cũng đã chỉ thị bà hãy tiến hành cuộc tranh đấu văn hóa này.
Cũng như những lần diễn trước, số tiền thu được ở lần này sẽ đưa trọn cho tổ chức nữ quyền chống nạn hiếp dâm (CFCV).
Thành công của vở kịch
Riêng ở Pháp và Paris, vở kịch «Lời độc thoại của âm hộ» từ năm 2000 đã thu hút được cả triệu khán giả. 50 triêu mỹ kim thâu được, nhơn ngày V- Day, đem giúp cho các Hội từ thiện và Hội những người phụ nữ bị bạo hành.
Bích chương quảng cáo vở kịch của Eve Ensler dán trong Métro Paris đã làm nhiều người khó chịu khi ghé mắt qua nhìn thấy cái tựa lớn «Lời độc thoại của âm hộ». Tuy không có hình ảnh minh họa theo cái tựa, mà chỉ có hình của tác giả và vài diễn viên, đều ăn mặc chỉnh tề. Tức một bích chương về mặt tiếp thị rất khiêm nhường và nghiêm chỉnh so với những chương trình quảng cáo phim ảnh tuồng hát khác với hình nữ tài tử đầy khêu gợi. Người ta bị dị ứng chỉ vì từ ngữ “âm hộ» (vagin) mà thôi. Bởi thông thường có những sự thật ai cũng biết, sự thật gắn liền với bản thân mình, nhưng lại không muốn hay không được nói tới. Một thứ cấm kỵ thường tình thôi.
Nhựt báo Le Monde, số ra ngày 10 tháng 7-2008, trang Kịch nghệ, có bài “Câu chuyện phiêu lưu sôi nổi” của “Những màn độc thoại của âm hộ” và qua đầu tháng 9, tuần báo Le Nouvel Observateur giới thiệu sự thành công của vở kịch với cái tít đầy kích thích “Sự toàn cầu hóa âm hộ”, có lẽ chẳng những đánh tan sự dị ứng của dư luận mà còn thu hút sự quan tâm mạnh của dư luận.
Eve Ensler là một phụ nữ Mỹ, sanh trưởng (1953) trong một gia đình bình thường ở thành phố Scardale, tiểu bang New York, tốt nghiệp Đại học kịch nghệ nhưng bà có người cha loạn luân và hung bạo. Điều này, khán giả sẽ được biết qua thời gian dài trình diễn vở kịch, vì tác giả không hề bộc lộ mình là nạn nhơn. Trái lại, vở kịch của bà được xây dựng từ những cuộc nói chuyện với hàng ngàn phụ nữ Bosnia, Mỹ, Phi châu…
Trước kia, vừa xong Đại học năm 1975, Eve Ensler cũng đã từng nếm qua rượu, xì-ke, và đã từng sống bụi đời trong các hầm métro Nữu-Ước. Cho đến khi vở kịch của bà thành công trước non một trăm khán giả ở thành phố Greenwich Village, rồi lan rộng ra như một mảng bụi lớn bay đến Haïti, Ấn độ, A-phú-hãn, và sau cùng chiếm hơn 130 quốc gia trên thế giới.
Riêng ở Pháp, vở kịch vẫn được trình diễn bằng cả ngôn ngữ dấu (braille) dành cho những người khiếm tật. Tổng kết được cả triệu khán giả, không chỉ riêng giới phụ nữ. Diễn viên gồm cả một đội ngũ những diễn viên danh tiếng như Fanny Cottençon, Micheline Dax, Bernadette Lafont, Marie-Christine Barrault…
Dư luận dị ứng vì cái tít của vở kịch, nhưng khi trình diễn, trên sân khấu, cảnh trí rất đơn sơ. Ba nữ diễn viên xuất hiện, với những nụ cười, những lời khôi hài ý nhị. Thỉnh thoảng xuất hiện nhân chứng về những bạo hành tình dục hoặc phụ nữ bị ngược đãi trong gia đình, ngoài xã hội.
Và người phụ nữ, muốn ý thức mình là phụ nữ, không ai cần phải nhìn vào gương, ngắm xem «cái của mình». Nhưng tại sao có một người đàn ông duy nhứt xuất hiện để ngắm âm hộ của người bạn gái hàng giờ? Về điều này, mỗi người tự tìm riêng cho mình một cách suy nghĩ khám phá.
Có điều đáng chú ý, ở Nga, ở Congo, ở Mễ-tây-cơ, ở nước Hồi giáo, phụ nữ chấp nhận diễn vở kịch này không chỉ bị phê bình tổn thương đến danh dự, tên tuổi của mình mà còn bị nguy hiểm đến tánh mạng nữa. Thế mà, một cuộc điều tra của bà Moira Sauvage, nguyên đặc trách về phụ nữ của Ân xá Quốc tế, đưa đến kết quả vô cùng bất ngờ. Vì mục đích bất vụ lợi, vở kịch đã thu vào 50 triệu mỹ kim. Số tiền khổng lồ này đem phân phát cho các Trung tâm đón nhận những phụ nữ bị bạo hành, mở trường học và tài trợ những chiến dịch tuyên truyền chống nạn xâm phạm bộ phận sinh dục phụ nữ theo hủ tục ở Phi châu và nhứt là nạn buôn bán phụ nữ cho mãi dâm.
Những khó khăn buổi đầu vì cái tựa vở kịch
Vở kịch chỉ cần 3 diễn viên trên sân khấu cũng đủ. Một người nói, hai người kia tay cầm bản văn lắng tai nghe. Bằng độc thoại, nữ diễn viên tuần tự kể lại câu truyện bi thảm sâu kín về đời con gái của mình. Thường thì câu chuyện oái oăm, gay cấn. Nhưng cũng không thiếu vắng tính tàn bạo, dã man của con người mà phụ nữ là nạn nhân muôn thuở.
Lúc ban đầu, vở kịch vì cái tựa làm cho nhiều người sợ hãi, tuy đã thành công khá ngoạn mục từ năm 1996. Khi qua Âu châu, vở kịch được trình diễn trước ở Bỉ, rồi mới qua Pháp. Thế mà có nhiều thành phố ở vùng quê của Pháp không chấp nhận cho trình diễn. Cũng chỉ vì cái tít. Không riêng gì khán giả phản kháng, diễn viên nhà nghề như Michèle Dax cũng bị khựng, nhưng sau cùng vượt qua được. Sau 6 tháng trình diễn, bà thú thật, trước đây bà mất 6 năm mới dám đi xem vở kịch lần đầu tiên.
Michèle Dax kể lại chính bà đã phải đọc tên vở kịch qua từ ngữ khác “Lời độc thoại của cái ấy”. Vở kịch khó trình diễn vì thật sự không phải là một vở kịch như những vở kịch bình thường khác, mà người trình diễn phải xuất hiện trên sân khấu với những người phụ nữ nhân chứng.
Tiếng “âm hộ” trong hơn một giờ trình diễn được nói đi nói lại đền 123 lần. Tiểu thuyết gia, bà Geneviève Brisac, thú nhận, bà cũng như nhiều người khác, bị khó chịu vì cái tựa của vở kịch. Nhưng bà chấp nhận trình diễn chung với giới nhà văn, nhà xuất bản, nhà bán sách. Bà lo sợ bị một sự hành hung, bị dư luận chửi bới nên bà chỉ đọc vắn tắt “Lời độc thoại” mà thôi. Thật vậy, khi gọi thẳng “cái ấy” không phải là điều hiển nhiên trong xã hội nặng ảnh hưởng văn hóa tôn giáo. Nhưng bà Geneviève Brisac đã bị hoang mang, quay cuồng giữa sức mạnh và sự yếu ớt.
Điều làm cho người ta thức tỉnh là sự đối diện với tàn bạo, ngược đãi, sự chồng chất những sự việc tố cáo thân phận nghiệt ngã của người phụ nữ nạn nhơn.
Trong số nữ diễn viên tại Paris, một hôm có bà Valérie Létard, Bộ trưởng đặc trách về tương trợ, xuất hiện trên sân khấu theo lời mời của nữ đạo diễn Stéphanie Bataille. Bà nói: “thật phi thường, vì lên sân khấu không giống như đọc diễn văn trước 1500 thính giả. Bà đã phải nỗ lực hết sức mình, nhưng quan trọng, chính là điều đòi hỏi ở người phụ nữ nạn nhân phải dám vượt khỏi sự e thẹn, sự sợ hãi, vượt qua khỏi cái khung thành kiến cố hữu. Bà nhận lời lên sân khấu vì còn là trách nhiệm của bà nữa”.
Vở kịch còn khán giả thì còn nạn nhân phụ nữ
Nhà văn nữ, Geneviève Brisac nhận xét “Là nhà văn, tôi quan niệm có những từ ngữ chói tai, nhưng vấn đề là ở chỗ khác. Hiệu ứng truyền thông. Người ta muốn dẫn mẹ, con gái, đàn ông đến. Vở kịch là bản văn đưa con người đến tình yêu, tình huynh đệ. Và trước hơn hết, nó làm cho mọi người thấy mình có can đảm”.
Nhưng người ta hỏi tại sao vở kịch chỉ là một vở độc thoại, với cái tít khi đọc lên nhiều người không khỏi lắc đầu, lại thành công ngoài sức tưởng tượng như vậy? Phải chăng vì ai cũng chống lại sự khủng bố, sự bạo hành con người, nhứt lại là người phụ nữ nạn nhân?
Nếu giờ đây chưa có câu giải đáp xác đáng thì ít ra vở kịch là tiếng kêu la của thiểu số bất hạnh được truyền đi, và tiếp nối ở địa phương, từ sân khấu này qua sân khấu kia, và sau cùng, qua hệ thống internet toàn cầu.
Sự thành công, ở mặt khác, đã tố cáo thảm trạng của người phụ nữ trên thế giới ngày nay vẫn còn bị ngược đãi nặng nề, từ gia đình đến ngoài xã hội. Riêng ở Pháp, cái nôi của Cách mạng Nhân quyền, hàng năm có đến 50000 phụ nữ bị hiếp dâm, bạo hành. Thế mà không thấy người Pháp lên tiếng tuyên chiến với những thứ bạo lực ác ôn ấy.
Hội nghị quốc tế về phụ nữ đã nhóm họp đến lần thứ tư. Nhiều đạo luật bảo vệ nữ quyền đã ban hành, những bản tuyên bố kêu gọi tôn trọng nữ quyền đã đưa ra, nhưng người phụ nữ trên khắp thế giới vẫn còn là nạn nhân thảm hại của những vụ ngược đãi, bạo hành, tử vong oan ức...
Nói về người phụ nữ Việt Nam, thì người phụ nữ Việt Nam hiền lành lắm, không bao giờ dám khơi động một cuộc xung đột, dù nhỏ đi nữa. Trái lại, người phụ nữ Việt Nam chỉ ra sức giải quyết những xung đột. Bởi đó, người phụ nữ Việt Nam chỉ mong muốn mọi người hãy chịu lắng nghe tiếng nói của những tấm lòng kiên trì và can đảm, của những tấm lòng vị tha và hy sinh của người phụ nữ, để những hắc ám của thù hận và ngoan cố sớm bị thổi tan đi, và để cho những nỗi thống khổ và tuyệt vọng triền miên được xoa dịu, trong đó có thân phận người phụ nữ.
Nguyễn thị Cỏ May
LỜI ĐỘC THOẠI CỦA ÂM HỘ
Từ Thức (14/02/2018)
Ba nữ bộ trưởng Pháp, thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, đối lập nhau, sẽ lên sân khấu Paris ngày 7 tháng 3 sắp tới, trở thành diễn viên trong vở kịch nổi tiếng của Eve Ensler, Les Monologues Du Vagin (Lời Độc Thoại của Âm hộ )
Đó là cách chào mừng Ngày Phụ Nữ của ba chính trị gia, bà ROSELYNE BACHELOT, cựu bộ trưởng Y tế thời Nicolas Sarkozy, hữu phái, MYRIAM EL KHOMRI, cựu bộ trưởng Lao Động thời François Hollande, tả phái, và MARLENE SCHIAPPA, đương kim thứ trưởng bộ Nam Nữ Bình Quyền của Emmanuel Macron, không hữu không tả.
"Lời Độc thoại của âm hộ" (The Vagina Monologues) được trình diễn trên khắp thế giới từ trên 20 năm nay, được coi là tác phẩm tranh đấu cho phụ nữ quyền ngang hàng với "Le Deuxième Sexe", cuốn sách gối đầu giường của những phong trào tranh đấu cho nữ quyền, của Simone de Beauvoir.
Tác giả, Eve Ensler, nhận thấy cuối thế kỷ 20, cái âm hộ, hay đúng hơn là âm đạo, cái vagin, vagina, cái sexe của đàn bà, vẫn còn là một tabou, một điều cấm kỵ. Đàn bà, trong bất cứ văn hóa nào, được coi là một dụng cụ sinh đẻ để truyền giống. Phụ nữ không có quyền có lạc thú, nhất là lạc thú thể xác.
Phụ nữ không dám tìm hiểu, đề cập tới một phần thân thể mình. Một nhân vật trong Les Monologues du Vagin nói chưa bao giờ dám nhìn cái sexe cuả mình. Đó chỉ là đề tài đùa dỡn của đàn ông những lúc trà dư tửu hậu, và thường thường là những lời lẽ diễu cợt khoe khoang ngu dốt của những người tưởng mình biết hết, tường tận vấn đề.
Eve Ensler đi phỏng vấn 200 phụ nữ, nghe họ nói về cái âm hộ của họ. Với những nhận xét khôi hài, tế nhị, thâm thúy, ranh mãnh hay đau xót, phẫn nộ của họ, Ensler viết thành một vở kịch, trình diễn lần đầu tại kinh đô kịch nghệ Broadway ở New York, năm 1996.
Những ngày đầu, chỉ đọc cái tên vở kịch, khán giả ngần ngại, diễn viên ngập ngừng. Dần dần, vở kịch trở thành một hiện tượng văn hóa, xã hội, được trình diễn liên tục trên 140 quốc gia, qua 50 ngôn ngữ, bởi nhiều thế hệ kịch sĩ, kể cả những nghệ sĩ uy tín nhất.
Ba năm sau, kịch bản của Eve Ensler được dịch ở Pháp, và năm 2000, buổi trình diễn đầu tiên.
Từ đó 3500 buổi trình diễn trên khắp nước Pháp đã thu hút trên 800000 khán giả. Tại Toulouse chẳng hạn, vở kịch được trình diễn liên tục từ 13 năm nay tại Théâtre des 3T.
Vở kịch rất đơn sơ, không cần dàn cảnh phức tạp. Ba nữ diễn viên nói về cái âm hộ của mình. Đúng hơn là đọc lại lời tự thuật hay suy nghĩ của những người đàn bà đã được phỏng vấn, về thao thức, đòi hỏi sinh lý, về kinh nguyệt, về mang nặng đẻ đau
Mở đầu vở kịch, một diễn viên nói: Tôi sẽ gọi đích danh cái âm hộ. Bởi vì người ta che dấu, không dám nhìn, bỏ quên nó. Cái gì dấu diếm sẽ đưa tới sợ hãi, ngượng ngùng, bối rối, khinh miệt và sự ghê tởm (l'angoisse, le gêne, le mépris, le dégoût). Không dám nhìn nhận nó, đưa tới cái xấu hổ, cái sợ hãi, cái mặc cảm tội lỗi. Không, cái âm hộ chỉ là một bộ phận trên cơ thể phụ nữ, nói tới nó là vượt qua những cấm kỵ, để trở thành người tự do.
Vở kịch trở thành tiêu biểu cho cuộc tranh đấu cho quyền phụ nữ, vì bên cạnh mục tiêu giải phóng phụ nữ khỏi những cấm kỵ, những tabou, để tìm hiểu về thân xác, về chính mình, tác giả đề cập, tố cáo những tệ nạn nghiêm trọng mà đàn bà là nạn nhân: cắt xéo âm hộ, hiếp dâm, hôn nhân cưỡng bách, án tử hình phụ nữ bị kết án ngoại tình, tệ trạng bạo hành của đàn ông trong bất cứ xã hội nào, từ xưa tới nay vv...
Trong Le Deuxième Sexe, Simone De Beauvoir viết: "Người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà" (On ne naît pas femme, on le devient). Nghiã là tư duy, hành động, cách sống của phụ nữ không có gì tự nhiên, chỉ là sản phẩm của văn hoá, giáo dục, tôn giáo của những xã hội do đàn ông tạo ra, ngự trị.
Một ông coi xong vở kịch, nói: cái âm hộ quả thực là cội nguồn của thế giới. Ám chỉ tác phẩm "L’Origine du Monde" (The Origin of the World), nổi tiếng không kém của Gustave Courbet, gần đây bị Google kiểm duyệt vì phô bày cái sexe của phụ nữ. Đôi khi cái đạo đức giả của những xứ tân tiến nó gặp cái đạo đức giả của những nước độc tài, nơi The Vagina Monologues bị cấm.
Một bà nói: Ra khỏi rạp hát, tôi hết mặc cảm, thấy yêu cái sexe của mình hơn
Ba bà bộ trưởng nhận lên sân khấu, diễn kịch một đêm, nhân ngày phụ nữ quốc tế, để nhắc nhở là mặc dầu chúng ta đang ở thế kỷ 21, còn nhiều đường đất mới đi tới giải phóng phụ nữ. Và chuyện đầu tiên là giải phóng khỏi những tabou. Không có gì đáng phải hổ thẹn về thân xác của chính mình.
Photo: Ba bà Bộ trưởng (từ trái qua phải): El Khomry, Schiappa, Bachelot
Đăng ngày 10 tháng 03.2018