Lá đa, lá nho
Hay sự sai lầm của Thánh kinh ?
Nguyễn thị Cỏ May
Noël là dịp gợi lại cho nhiều người có đạo hay không những kỷ niệm tình cảm thời trẻ thường rất đẹp. Ở Sài gòn vào thập niên 50, học trò, cứ tới từ giữa tháng 12, bắt đầu để dành tiền ăn sáng, tức nhịn ăn, tìm mua thiệp chúc Noël và Tết Tây để gởi cho bạn cùng lớp hoặc bạn khác trường, với những lời chúc tốt đẹp. Thiệp thuở đó so với ngày nay thì thật là quê mùa: hình vẻ ngôi sao, cành thông, viền kim tuyến chớp sáng. Nhưng giá lại mắc hơn gói xôi nhiều.
Khi lên Trung học Đệ II cấp, tới Noël, chúng tôi, vốn là những người ngoại đạo, nên vội vàng gia nhập «Đạo vòng» để lượn hết nhà thờ Đức Bà, Catinat, rồi Nguyễn Huệ, Chợ Sài gòn.
Thật ra, chúng tôi chỉ làm tín đồ "Đạo vòng" mà thôi, không dám vào nhà thờ. Vì gốc nhà quê nên quen tánh giữ sự tôn trọng những nơi trang nghiêm. Trong lúc đó cũng thường nghe kể chuyện bạn bè trang lứa, không thiếu những người bám theo bạn gái vào nhà thờ, quì bên cạnh, bạn đọc kinh thì anh ta cũng thành tâm lâm râm khấn nguyện:
"Lạy chúa, chiên lành xin thú tội,
Vì nàng đẹp quá khiến con thương…"
(Thơ Jean Leiba?)
Nước mất, người Việt nam chạy tủa ra bốn phương tìm lại đời sống tự do. Họ tới đâu thì mang theo tín ngưỡng của mình tới đó. Chùa, nhà thờ lần lượt mọc lên, theo từng bước đời sống ổn định,vẫn giữ nếp cũ như lúc còn ở quê nhà.
Lớp trẻ sau này dạn dĩ hơn. Đêm Noël, chúng theo bạn gái đi nhà thờ, vào thẳng bên trong. Và từ đây nảy sanh những mối tình giữa người có đạo, người không. Nhưng ngày nay, có lẽ do ảnh hưởng thời cuộc, và Cộng đồng II Vatican, giáo hội dễ dãi cho phép kết hôn, đạo ai nấy giữ. Nhờ vậy những chàng trai lấy được vợ có đạo, khởi phải cầu nguyện như trước kia:
"Con quỳ lạy Chúa Ba ngôi,
Con lấy được vợ, con thôi nhà thờ"
Cỏ May tôi có hai người bạn: kẻ ở Úc, người ở Thụy sĩ. Khi nói tới lễ Noël, tôi thường nhớ tới hai người bạn này với chuyện tình của họ.
Người bạn ở Úc, lúc trẻ yêu một cô người công giáo thuần thành, công giáo gốc Bồ đào nha rất khắt khe về phép đạo, nên không thể làm đám cưới được vì làm đám cưới, thì anh phải chịu phép rửa tội, học giáo lý, vô đạo trong lúc Bà Cụ là phật tử thuần thành, ăn chay trường, xuống tóc. Mà ván đã đóng xong thuyền rồi. Anh hứa khi Bà Cụ qua đời, hết kẹt, anh sẽ vô đạo. Cách nay ít lâu, bạn bè được tin anh làm đám cưới, chịu đủ phép, có linh mục làm lễ. Có người bảo nếu anh quên luôn thì Chúa cũng đâu có phạt vì Chúa đã rao dạy bác ái cho mọi người mà. Vả lại, hai người nay cũng đã già. Nhưng anh là mẫu người của xứ Nam kỳ Lục tỉnh, thời "Luân lý giáo khoa thư", thuộc lòng câu "Quân tử nhứt ngôn"!
Người bạn ở Thụy sĩ, gốc linh mục. Lúc dạy ở Đại học Văn khoa Huế, anh yêu một cô sinh viên. Hai người kết hôn. Dĩ nhiên anh phải xin phép giáo hội, trả lại chén. Ít lâu sau khi đã có với nhau hai cô con gái, chị vợ xin phép anh chị đi tu và vào chùa ở luôn. Lên Trung học được vài năm, hai cô con gái cũng theo mẹ vào chùa đi tu luôn. Chán đời, anh xin phép trở lại đi tu nhưng giáo hội không cho. Anh mất một thân một minh ở Thụy sĩ. Có bạn bè tiễn anh.
Phải chi anh đi tu theo Phật giáo thì anh đâu bị đau khổ như vậy. Vì chỉ cần 5 phút cạo trọc, anh trở thành thầy chùa ngay. Kinh kệ đã thuộc sẵn rồi.
Người Công giáo ở Pháp
Nhiều ông linh mục Việt nam ở Pháp than phiền người Công giáo không được như người Phật tử việt nam. Họ có chùa riêng của họ. Ngày tư ngày Tết, họ kéo nhau tới chùa tổ chức lễ, gói bánh tét, bánh chưng, giống như ngày Tết hồi còn ở Việt nam trong lúc đó, ông không xin được phép cất nhà thờ Việt nam riêng cho giáo dân Việt nam, với kinh phí hoàn toàn của giáo dân đóng góp vì nhà thờ Pháp hãy còn dư xử dụng. Giáo dân Việt nam ở địa phương nào thì chỉ cần coi thời biểu lễ của nhà thờ ở thành phố đó mà đi lễ. Muốn đi lễ với linh mục Việt nam thì linh mục Việt nam hợp tác với nhà thờ, thu xếp thời biểu với nhau. Gói bánh tét, bánh chưng lại không nhằm lễ Noël, lễ Phục sinh nên không kéo nhau vào nhà thờ được.
Nghi lễ Công giáo ở Pháp cũng giống như ở Viêt nam bởi Công giáo Pháp tới Việt nam cùng với chánh quyền thực dân, truyền bá công giáo. Nhưng ở Đức, Anh, Hòa lan… có nhiều khác biệt.
Người Đức tổ chức mừng lễ Giáng Sinh rất tươm tất. Ngay từ đầu tháng mười một, người ta đã bày bán những vòng hoa Advent với bốn ngọn nến để chuẩn bị cho tuần vọng, và chưng như vậy mãi cho đến lễ Ba Vua, ngày mùng sáu tháng Giêng mới tháo đèn, tháo hoa và mang thông đi bỏ. Đốt nến cũng phải có qui củ. Đợi đến đầu tháng mười hai mới được đốt lên ngọn nến đầu tiên. Tuần kế tiếp, đốt ngọn nến thứ hai. Và cứ như vậy cho tới ngày lễ Noël.
Ở Hoa Kỳ cũng có bán nhiều Advent wreath, nhưng phần lớn người ta chỉ chưng chứ không đốt. Và nếu có đốt thì thường là đốt cả bốn ngọn vào đêm Giáng Sinh. Không có ai mỗi tuần đốt một ngọn như vậy. Có lẽ vì người Mỹ quá thực tế!
Những ngày Noël
Ngày lễ Noël cho tới nay vẫn không thống nhứt. Người Chánh Thống giáo (Orthodoxe) có ngày Noël khác hơn. Nhứt là Giáo hội chánh thống giáo Nga và Grèce còn giữ lịch julien nên Noël nhằm ngày 7 tháng giêng, không giống người Công giáo trên thế giới theo Vatican chọn ngày Noël là 25 tháng 12 theo lịch Grégorien. Lịch julien do Jules César ban hành, lịch Grégorien do Giáo hoàng Grégoire XIII ở thế kỷ XVI thiết lập, áp dụng chung trên phần lớn Âu châu và phần còn lại của thế giới. Lịch Julien nhiều hơn lịch Grégorien 13 ngày nên có sự chênh lệch đó.
Phật giáo trước đây lấy ngày mùng 8 tháng 4 là ngày lễ Phật đản nhưng từ sau đại hội Phật giáo thế giới năm 1960 họp ở Nam vang (Cao miên) thống nhứt chọn ngày 15 tháng 4 (ngày rằm) làm ngày Đản sanh.
Thật ra, kinh sách Phật giáo không có ghi chép rõ ràng ngày Đản sanh, mà chỉ ghi Phật ra đời nhằm ngày trăng tròn tháng Vesaka theo lịch Ấn độ. Chiếu theo âm lịch thì đó là tháng 4 mà trăng tròn thì phải là ngày rằm.
Với Thiên Chúa giáo, thời gian 40 ngày trước Noël, để sửa soạn lễ, gọi là Carême de Noël, nghĩa là giai đoạn cho người tín đồ dọn mình mừng lễ. Trong suốt thời gian này, họ nhịn đói hay ăn kiêng, ăn ít thịt, phần ăn nhỏ lại và có thể bớt đi bửa ăn trong ngày. Nhưng ngày nay, người tín đồ được phép chỉ cử ăn từ sau bữa ăn trưa ngày 24, chờ làm lễ nửa đêm xong, mới ăn. Nên bữa ăn Noël sau 12 giờ đêm trở thành quan trọng, rượu thịt ê hề. Để ăn bù cho nửa ngày nhịn đói.
Lá đa hay lá nho ?
Trong nền văn minh Tây phương, nhiều bức tượng Hi lạp xưa trình bày người đàn ông khỏa thân tự nhiên, trái lại tượng người đàn bà, thì phần từ bụng xuống được phủ một chiếc áo dài hay chiếc áo choàng. Nét nghệ thuật này được thấy trong nghệ thuật La-mã cổ điển cho tới khi đế quốc La-mã nhập đạo Thiên Chúa thì hình ảnh khỏa thân hùng dũng không còn nữa. Trong thời Trung cổ, khỏa thân nghệ thuật bị xóa bỏ. Nên Adam và Eve được trinh bày dưới dạng tranh hay tượng đều có chiếc là nho che, đúng theo lời dạy trong thánh kinh.
Tới thế kỷ XVI, ở Vatican, trần của nhà thờ Sixtine trang hoàng những bức họa của Michel Ange bị phản đối mạnh vì tất cả nhơn vật trong tranh đều khỏa thân. Giáo hoàng Paul IV phải nhờ họa sĩ Daniele da Volterra thêm vào những nhơn vật đó vài nét để che khuất bớt vùng nhạy cảm, bằng khăn, bằng cành cây hoặc bằng lá cây. Còn những pho tượng, người ta lại dùng lá nho che.
Tại sao người ta chọn lá nho che bộ phận nhạy cảm của Adam và Eve trên nhiều tranh ảnh hoặc tượng? Thật ra trong Thánh kinh và Cựu ước, che chổ kín của 2 kẻ phạm tội không phải lá nho mà lá «sung» (lá cây figuier- Genèse 3:7)
Cũng như bà Eve không chìa ra cho ông Adam trái táo (pomme) mà là trái sung (la figue). Cây sung (le figuier) là thứ cây duy nhứt của Âu châu thuộc họ nhiệt đới, sống ở vùng Địa trung hải, gồm tới hơn sáu trăm loại. Cây sung được trồng từ nhiều ngàn năm ở Âu châu. Nó xuất hiện trong nhiều chuyện thần thoại. Trong Kinh Tân ước, người ta chỉ thấy ghi thứ trái bị cấm là «pomum», tiếng la-tinh có nghĩa là «trái». Rồi những nghệ sĩ cảm hứng vẻ thành "trái táo" (la pomme). Có người lại lấy chùm nho.
Nhưng hai vị thủy tổ của chúng ta, sau khi cải lời Chúa Trời, bổng ý thức mình không phải như trước đây nữa, mà là hai kẻ khác giới tính, nam-nữ rõ ràng. Tâm động, thiên đàng, địa ngục liền xuất hiện. Họ vội vàng hái lá sung (la feuille du figuier) che lại. Từ đó, lá sung trở thành một biểu tượng khiêu dâm nên bị giáo hội cấm (Genèse 3, chương 7).
Ai cũng dễ quả quyết phải lá sung mới đúng vì lá sung lớn hơn lá nho và chắc chắn hơn là nho. Nhứt là đối với Adam.
Nguyễn thị Cỏ May
Noël năm nay, bà con mình đi ăn
nhà hàng ở Úc hay ở Paris?
Nguyễn Thị Cỏ May
Chuyện về “Đàn bà” vẫn là chuyện dài xưa nay. Không phải các bà nói chuyện dai hay dài chuyện mà chuyện về các bà dài, nói hoài không hết chuyện.
Ở Tây, chuyện giới tính, chuyện đồng tính, chuyện kỳ thị nam/nữ, chuyện lương bổng chênh lệch… chuyện nữ quyền, phong trào nữ quyền rộ lên. Và có lẽ chuyện ông Đại sứ nước Úc ở Paris là nổi cộm hơn hết. Vừa được tin chánh phủ Úc cho phép đám cưới đồng tính, hôm 7 tháng 12 vừa qua, Ngài Brendan Berne bèn tuyên bố ngay tại Tòa Đại sứ Úc là Ngài sẽ làm đám cưới với người yêu của Ngài từ bấy lâu nay.
Trên Twitter, Ngài viết "Ngày 7 tháng 12 sẽ là một ngày trọng đại cho nước Úc: chính ngày này, hôn nhân đồng tính đã được hợp thức hóa ở Úc". Đại sứ Úc ở Pháp thừa cơ hội chào mừng tin này và phổ biến một vidéo đặc bìệt với lời tuyên bố «Với tư cách Đại sứ, đó là một ngày trọng đại cho xứ tôi, nước Úc, vừa mới chấp thuận hôn nhân cho mọi người. Nhưng đối với tôi, điều đó còn là một quan điểm riêng».
Nhưng chuyện này mới liên hệ trực tiếp đến các bà. Ở Úc, ngay giữa thành phố Melbourne, nhà hàng ăn chay «Handsome Her» quyết định tranh đấu bảo vệ nữ quyền triệt để theo cách riêng của mình. Thật vậy, từ hôm đó, thực khách đàn ông phải trả bữa ăn của mình mắc hơn các bà 18%.
Nay thực khách đàn ông bước chơn vào bar restaurant Handsome Her không còn ý nghĩa chỉ ăn nhậu đơn thuần, mà biểu hiện một thái độ công dân. Nhà hàng nói rõ sự phụ thu này là để tranh đấu xóa đi chênh lệch trong mức lương giữa nam/nữ từ xưa nay ở Úc. Nhanh chóng, việc làm của nhà hàng đã lan rộng khắp nơi, qua mạng xã hội, thu hút nhiều nhà hàng khác hưởng ứng và nhập cuộc.
Khách hàng từ nhiều nơi ở xa cũng tới, phần đông là đàn ông. Họ tới để có cơ hội trả thêm 18% ủng hộ chủ trương của nhà hàng Handsome Her.
Một sáng kiến đẹp nhưng chưa hấp dẫn bằng một nhà hàng mới mở ở Paris, Quân XII. Nhà hàng O’Naturel.
Nhà hàng này trang trí rất trang nhả, cửa kiếng phủ màn trắng để bảo vệ khung cảnh ấm cúng bên trong. Người vào ăn phải cởi bỏ y phục. Để thật sự binh đẳng, khi ngồi vào bàn ăn, trên người không còn dính một món gì khác là sản phẩm xã hội.
Mời bạn đọc bước vào
Nhà hàng dành riêng cho thực khách vào phải thoát y 100%, trước tiên, mở cửa hồi đầu năm rồi ở Luân –đôn, Anh, rồi mới vượt qua Paris. Đó là nhà hàng Bunvadi ở khu phố L’ Éléphant and Castle, phía Nam thành phố. Anh xưa nay vẫn là xứ dẫn đầu những điều lạ về sanh hoạt văn hóa xã hội. Phong trào nhạc trẻ Beatles, thanh niên để tóc như bờm ngựa và nhuộm nhiều màu, các môn thể thao… đều là sản phẩm của Anh. Pháp là nước láng giềng đón nhận những luồng gió mới từ Anh thổi qua.
Nhà hàng Bunvadi có qui chế riêng của nó, lúc đầu không tránh khỏi làm cho thực khách tỏ ra khá dị ứng. Vào nhà hàng, y phục và điện thoại bị cấm. Chủ trương của nhà hàng là muốn đem lại cho khách một trải nghiệm đặc biệt về sự tự do trọn vẹn. Người làm nhà hàng phải đợi một lúc cho những dị ứng lắng dịu xuống vì dầu sao nhiều người vẫn chưa kịp chia sẻ quan niệm của người chủ nhà hàng. Nhưng sự thành công không phải chờ đợi. Lập tức có ngay 46.000 người điện thoại tới đặt chỗ.
Chỉ trong 3 tháng hoạt động, nhà hàng tiếp tới 4000 thực khách. Nhiều người điện thoại than phiền họ không biết đường đi tới được, bị lạc. Nhu cầu của khách hàng thật đúng là một hiện tượng lạ lùng. Ở Anh, có hơn 4 triêu người sống theo phái khỏa thân.
Một thực khách trẻ người Anh, sau khi ăn ở đây xong, có nhận xét "Rất khác với mọi nơi. Thật là hấp dẫn và lại rất mực khiêm tốn, rất đơn giản".
O’Naturel ở Paris
Pháp luôn luôn đi theo sát bước chơn của Anh. Một nhà hàng ăn kiểu Bunvadi ở Luân-đôn vừa mở cửa hồi đầu mùa Thu, ở số 9, đường Gravelle, Quận XII, Paris do hai anh em sanh đôi Mike và Stéphane Saada nghỉ làm cho hãng bảo hiểm, cùng đứng ra thành lập và điều hành.
Cả hai đều ăn mặc tươm tất tiếp khách rất lịch sự nhưng khách hàng khi tới được yêu cầu để quần áo, giày vớ vào tủ có khóa riêng cẩn thận.
O’Naturel là nhà hàng ăn đầu tiên xuất hiện ở Paris dành riêng cho khách hàng là những người theo «đạo khỏa thân». Nói «đạo khỏa thân» vì nếp sanh hoạt này được những người theo coi như một thứ tôn giáo, chỉ không có thần linh để khấn lễ mà thôi.
Hai anh em Saada quyết định mở loại nhà hàng khỏa thân vì bị ảnh hưởng ở sự thành công của Bunvadi ở Luân-đôn. Họ chọn Quận XII Paris vì muốn thu hút khách là những đệ tử của đạo khỏa thân mà hồi tháng 9 vừa rồi, lần đầu tiên, tổ chức trại rất thành công ở rừng Vincennes, ngoại ô phía Đông Nam, sát Paris.
Bên ngoài nhà hàng rất trang nhả và kín đáo, cửa kiếng được một bức màn dày màu trắng phủ kín. Tôn trọng đúng qui luật nhà hàng, trước cửa vào, có tấm bảng kê các món ăn và giá cả từ 39€ tới 49€. Có cả món chay rất được thực khách khỏa thân ưa chuộng.
Bên trong ánh sáng đầy đủ. Khách ngồi vào bàn, hai anh em Saada đem ngay nhiều loại vins chọn lọc mời khai vị.
Bàn ăn trải khăn bàn trắng toát, cả khăn ăn thứ khá sang nhưng chỉ dùng một lần. Riêng ghế ngồi, vì giữ vệ sanh, được phủ lên một lớp khăn trắng và khăn này cũng chỉ dùng một lần.
Ngoài 2 anh em Saada, 3 người nữa làm việc trong bếp và trong phòng ăn đều phải mặc quần áo nghìêm chỉnh.
Stéphane nói «Chúng tôi tổ chức nơi đây theo cách làm cho các đệ tử môn phái khỏa thân cảm thấy thật sự thoải mái và cả cho những ai muốn tới đây để thử nghiệm điều đó». Riêng chúng tôi lại không theo đạo khỏa thân nhưng chúng tôi muốn đem nghệ thuật làm bếp ngon phục vụ tôn giáo này».
O’Naturel từ lúc khai trương cho tới nay, theo kết quả thăm dò lối xóm, chưa hề bị dư lưận phản đối hay phê bình không tốt. Con em của Mike đi học vườn trẻ gần đó, ông ta cũng không nghe tiếng thị phi nào cả.
Thật ra luật pháp chỉ yêu cầu nhà hàng phải tôn trọng 2 điều: việc khỏa thân, ở bên ngoài không trông thấy và nhơn viên phòng ăn và nhà bếp phải ăn mặc nghiêm chỉnh.
Hai điều này, O’Naturel tôn trọng và nhà hàng chỉ mở cửa vào buổi tối, từ 19 giờ 30.Ở Pháp có lối 2 triệu tín đồ khỏa thân, kém hơn Anh. Nhưng cộng đồng giáo dân này đang trẻ hóa từ ít năm nay. Đó là không tính số du khách khỏa thân tới Pháp hằng năm cũng không ít. Dĩ nhiên trong số thực khách thật sự sẽ có những người ngoại đạo muốn vào thử cho biết qua cảm giác như thế nào. Có cả nhiều gia đình tới với đông đủ trẻ con.
Hôm khai trương, O’Naturel đón tiếp những khách hàng đầu tiên là hội viên nam/nữ của Liên đoàn Khỏa thân Pháp. Sau đó, nhà hàng mở cửa cho thực khách chấp nhận nội qui là bước vào cửa, phải thoát y 100%.
(Địa chỉ: 9, rue Gravelle, 75012 Paris – France. Bản tin của LCL, Paris – Coi thêm www.restaurant-onaturel.fr)
Đạo khỏa thân và thoát y
Nói «Đạo» hay «Tôn giáo» là cách nói theo Tây phương. Tiếng pháp "Nudisme", với tiếp vĩ ngữ "isme" chỉ một chủ thuyết, một hệ tư tưởng. Như Catholicisme là Công giáo, Islamisme là Hồi giáo, Bouddhisme là Phật giáo. Theo đây, tiếp vĩ ngữ «isme» có nghĩa là "giáo".
Từ ngữ nu/nud là "không mặc quần áo". Nhưng chủ trương «không mặc quần áo» vì một mục đích theo đuổi một ý nghĩa đẹp, một tôn chỉ trong nếp sống của mình và đồng thời là thành viên của một tổ chức, thì đó là nudisme (Đạo khỏa thân).
Ở Paris, từ vài năm nay, xuất hìện một tổ chức phụ nữ tranh đấu đòi hỏi nữ quyền cho phụ nữ Hồi giáo, tên là "Femen". Họ thoát y hoàn toàn, đứng ở Bảo tàng viện Louvres, vào cả nhà thờ Notre Dame, cả Vatican, hô hào nữ quyền. Thoát y chỉ là cách họ tranh đấu để lôi cuốn sự chú ý của dư luận. Đây vẫn là những người khỏa thân (les femmes nues) mà không phải là tín đồ khỏa thân.
Nên "Đạo khỏa thân" được hiểu là một nếp sống thành cộng đồng trong một không gian riêng biệt nhằm theo đuổi sự lợi lạc cho thân thể khỏa thân tiếp xúc với môi trường thiên nhiên như không khí trong lành, mặt trời, nước, cây cỏ, đất cát. Đệ tử khỏa thân không để ý có bị dư luận phê bình là hàm ý khìêu dâm hay không, mà chỉ quan tâm sống như vậy là để đem cơ thể của minh trở về đúng địa vị thật của nó. Sự lõa thể theo chủ nghĩa khỏa thân phải được hiểu là sự lỏa thể nguyên sơ như mỗi người trong chúng ta lúc mới sanh ra. Nó tự nhiện và trong lành.
Đạo khỏa thân chủ trương gìải phóng con người khỏi sức ép trong nhiều năm của giáo dục và những qui ước xã hội. Và nhờ đó con người mới khám phá ra được con người thật của chính mình.
Về mặt đạo lý xã hội, đạo khỏa thân tuyên giảng sự tha thứ, sự tự trọng và sự kính trọng kẻ khác. Cùng sống khỏa thân trong một không gian thiên nhiên, mọi người sẽ cảm thấy những rào cản cố hữu không còn nữa, những trao đổi với nhau đều rất bình đẳng. Rất nhân bản.
Về sức khỏe, đạo khỏa thân là động cơ để làm nảy nở và phát triển con người.
Sanh hoạt trong đạo khỏa thân gồm chung cả gia đình, với con, cháu. Ở Pháp, và ngay sát Paris, có những Làng khỏa thân, những người tới đây còn giữ được 3 thế hệ, có vài gia đình cả 4 thế hệ, cùng sống với nhau. Một môi trường như vậy dễ giúp trẻ con có điều kiện nảy nở trọn vẹn và sống hoàn toàn hòa hợp với cơ thể của chúng nó cho tới ngày trưởng thành. Nên có người nói khỏa thân (nudisme) là một triết lý sống đẹp và trọn vẹn hiện nay!
Nguyễn thị Cỏ May
Đăng ngày 27 tháng 12.2017