banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Ru ngủ mà cũng được giải Nobel Y khoa

Nguyễn thị Cỏ May

Hàng năm, cứ vào đầu tháng 10, Ủy ban Nobel tổ chức lễ cấp phát giải thưởng cao quí có từ năm 1901. Năm nay, về Y khoa, có 3 nhà khoa học người Mỹ chia nhau giải thưởng về đề tài họ cùng nghiên cứu chung. Các môn khác như Hóa học, Kinh tế, Văn chương, … đều có người được giải thưởng nhưng đều là đàn ông. Hoàn toàn không có đàn bà.
Người ta bảo rằng Nobel từ 116 năm qua vẫn bị đàn ông đô hộ, chưa được bình quyền vì chưa được nữ hóa. Lập luận bài bác rất hùng hồn vì theo thống kê thì từ ngày thành lập cho đến nay, năm 2017, chỉ mới có 48 phụ nữ được giải thưởng Nobel (trên 923): 16 Nhơn quyền, 14 Văn chương, 4 Hóa học, 2 Vật lý và 1 Kinh tế. Tuy các bà có tiếng quản lý kinh tế gia đình rất giỏi!

Nobel Y khoa năm nay chia cho 3 người Mỹ, các ông Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young. Đề tài ba người cùng nghiên cứu chung là «Đồng hồ sinh học» (Horloges biologiques).

nobel 2017
Jeffrey C Hall, Michael Rosbash and Michael W Young
Photograph: Chinese University Of Hong Kong Handout/EPA

Sự khám phá giúp giải thích cho chúng ta biết phải thích ứng như thế nào với chu kỳ vận hành của đồng hồ sinh học cơ thể chúng ta để nó bắt nhịp hài hòa với sự tuần hoàn của vũ trụ, trái đất xoay chung quanh mặt trời. Điều này Tây phương mới khám phá được trong lúc Đông phương đã biết từ cả ngàn năm trước đây “Sống thuận theo Trời Đất thì còn, ngịch Trời Đất thì chết» (Thuận Thiên gỉả tồn, nghịch Thiên gỉả vong).
Như để ngủ ngon giấc, 3 nhà khoa học bảo chúng ta hãy kết hợp hài hòa đời sống của chúng ta với nhịp hoạt động của đồng hồ sinh học. Ý muốn nói hãy tổ chức sanh hoạt của chúng ta ăn khớp với nhịp thời gian ngày và đêm. Và khi chúng ta cảm thấy khó chịu như mệt mỏi, bịnh hoạn thì hãy biết đó là do chúng ta đã sống lệch ra khỏi cái chu kỳ ấy.
Mấy ai trong chúng ta nghĩ hằng năm có trung bình 10000 bài nghiên cứu về giấc ngủ được công bố. Tính ra gấp 100 lần hơn trước đây mười năm. Nhiều người nay đã bắt đầu ý thức về ảnh hưởng tai hại của sự thiếu ngủ đến sức khỏe, và cả sự kém sáng tạo về mặt khoa học, kỹ thuật nữa.
Nhơn nói về giải Nobel Y khoa năm nay lọt vào tay 3 ngưòi đàn ông Mỹ, tưởng cũng nên nhắc lại những người phụ nữ Nobel từ ngày lập giải thưởng.

Người phụ nữ và Nobel
Phụ nữ cho tới nay vẫn còn là thiểu số đối với đàn ông trong việc tranh giải Nobel. Tuy nhiên, có 48 bà trên 923 người được thưởng cũng là con số đáng kể. Với thành tích này, người ta có thể nói Ủy Ban Nobel đã sáng suốt muốn “phụ nữ hóa” Nobel trong thời gian gần đây. Một sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ rất đáng cổ vũ. Thật vậy ta thử so sánh giữa năm 2001 và năm 2016, có tới 19 bà giựt giải Nobel trong lúc đó chỉ có 4 bà từ năm 1901 tới năm 1920 nhưng về khoa học, thì các bà chỉ có 3% được giải Nobel, tức 17 bà trên tổng số 583 người.
Tại sao có hiện tượng người phụ nữ thiếu vắng trong giải Nobel khoa học đối với nam giới? Ngày xưa, nền văn hóa Tây Âu dưới ảnh hưởng tôn giáo có xu hướng trọng nam khinh nữ rất gay gắt. Người đàn bà phải ở nhà dành thì giờ lo việc gia đình và giáo dục tôn giáo. Ai thiếu sót nề nếp này bị xã hội phê bình và nhứt là nam giới coi thường vì cho rằng người phụ nữ như vậy là thiếu giáo dục. Những phụ nữ học giỏi phải là những người có bản lãnh phấn đấu kiên cường mới có thể vượt qua được những thành kiến quái ác của dư luận. Thật ra, ngày nay, về địa hạt nghiên cứu khoa học hay kỹ thuật, sự thành đạt của phụ nữ vẫn còn giữ tỷ lệ khiêm tốn so với nam giới. Vậy phải chăng chỉ khi nào người phụ nữ cảm nhận độ lạnh bằng nam giới thì mới thật sự có nam/nữ bình đẳng?
Khi nói về tình trạng người phụ nữ thua thiệt trong việc tranh gỉải Nobel khoa học, xin đừng vội quên những ơn ích to lớn và thành tích sáng chói của Bà Marie Curie. Ngay năm 1903, hai năm sau Nobel ra đời, bà đã được tưởng thưởng Nobel cho công trình nghiên cứu Vật lý – tuy nhờ ông chồng Pierre Curie viết thư cho Ủy Ban giải thích rằng bà hợp tác với ông cùng nghiên cứu phóng xạ nguyên tử, và 9 năm sau, bà nhận một mình trọn phần thưởng Nobel Hóa học.

Khám phá chức năng của Đồng hồ sinh học
Ba ông Hall, Rosbash và Young vừa được Viện Karolinska ở Stockholm, Suède, cấp giải Nobel Y khoa tưởng thưởng sự khám phá chung của 3 ông về hệ thống phân tử điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể con người, hay đơn giản là đồng hồ sinh học.
Bộ phận này - đồng hồ sinh học - nằm ở trung tâm não bộ của chúng ta. Nó như vị nhạc trưởng điều khiển sự hoạt động của cơ thể chúng ta cho nhịp nhàng để bảo đảm tình trạng sức khỏe cho chúng ta vì nó điều tiết giấc ngủ, khẩu vị ăn uống, áp suất máu, nhiệt độ cơ thể của chúng ta. Một chu kỳ trải dài suốt 24 giờ, được các nhà khoa học ghi nhận cụ thể như sau:
Từ sau 12 giờ khuya tới 6 giờ sáng: ngủ ngon, nhiệt độ cơ thể xuống ở mức thấp nhứt ; 6 giờ sáng: cơ thể phóng thích chất cortisol ; từ sau 6 giờ sáng tới 12 giờ trưa: áp huyết tăng, ý thức mọi việc ; 12 giờ trưa tới 6 giờ chiều: phản ứng nhanh nhẹn, nhiệt độ cơ thể cao nhứt ; sau 6 giờ tới 12 giờ khuya: áp huyết cao nhứt, chất mélatonine được phóng thích để buồn ngủ và đi ngủ (AFP – Le Point, n°2351, 9/2017).
Điều quan trọng nên nhớ là không bao giờ để cho sanh hoạt lệch lạc với chu kỳ sinh học. Cứ mỗi lần đồng hồ sinh học của cơ thể chúng ta xáo trộn thì cơ thể chúng ta sẽ dễ bị bệnh tật tấn công.
Về sự tăng trưởng, khi chúng ta sanh hoạt theo đúng qui trình sinh học thì nhờ đó hormone tăng trưởng sẽ được tiết ra, nhứt là trong lúc ngủ ngon. Và cũng từ đây sản xuất ra protéines. Nên trẻ con thiếu ngủ sẽ khó tránh khỏi tình trạng chậm lớn.
Để buồn ngủ, đồng hồ sinh học sẽ tiết ra chất mélatonine. Chất mélatonine là thứ đồng hồ biết nói. Chính nó sẽ bảo: “Khuya rồi, hãy đi ngủ”. Mélatonine giúp điều tiết nhiệt độ cơ thể, mà giấc ngủ sẽ tới sau khi nhiệt độ thấp xuống lần lần.
Khi trời sáng, đồng hồ sinh học tiết ra chất cortisol chấm dứt giấc ngủ, người ngủ tỉnh dậy. Thông thường, chất cortisol được tiết ra vào lúc từ 5 giờ sáng.
Chẳng những giúp hiểu rỏ đời sống sinh lý như ăn, ngủ, lớn lên… được điều hòa, giữ sức khỏe cho cơ thể mà sự khám phá về Đồng hồ sinh học còn giúp cho thấy thêm mối liên hệ mật thiết giữa giấc ngủ và tình trạng thoải mái, vui vẻ của con người. Nói chung khi đồng hồ sinh học của chúng ta trể hoặc sớm thì tâm trạng của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng mà thay đổi. Nếu sự sớm-trể kéo dài thì hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ suy giảm nghiêm trọng, bệnh tật sẽ xuất hiện. Lúc đó, chúng ta không phải không thoải mái mà đau đớn.
Vậy thì phải làm sao? Hãy ngủ đúng theo sự vận hành của chu kỳ sinh học. Nên một giấc ngủ ngon hoàn toàn không phải là một giấc ngủ kéo dài,cả lúc cảm thấy mệt. Thời gian ngủ và dậy của chúng ta thay đổi linh động theo tuổi tác. Trẻ con thường dậy trễ. Người già thức sớm. Khi người già dậy trể thì đó là lúc người già muốn sanh sự. Nhưng trẻ con ở tuổi bước vào vị thành niên lại có xu hướng dậy trễ.

Béo phì, ung thư, tim mạch… do thiếu ngủ
Những cái hại cho sức khỏe do thiếu ngủ đem lại, ai cũng đều biết. Nhưng cụ thể có những tác hại mà nhiều người không để ý, lại nghĩ do những yếu tố khác. Như thiếu ngủ sẽ sanh ra bệnh béo phì, thứ bệnh mà các bà không mấy ai ưa thích. Nhưng trường hợp này đã làm cho 34% các bà mắc phải. Khi béo phì, người ta lo uống thuốc giảm cân, ăn uống cử kiêng, tập thể dục nhưng thường quên có một nguyên nhơn là thiếu ngủ thường xuyên. Sự thiếu ngủ làm xáo trộn hoạt động của cơ thể, nó tiết ra 2 thứ hormones: leptine và ghréline. Thứ vừa làm cho người ta không muốn ăn, không thấy đói, còn thứ lại làm cho cảm thấy đói cồn cào, phải ăn và ăn nhiều chất béo và chất ngọt mới đủ. Khi thiếu ngủ, leptine xuống thấp còn ghréline tăng cao bất thường. Ngoài ra, béo phì còn là nguyên nhơn gây ra bịnh quên ngủ (apnée) (Vìện Quốc Pháp gia nghiên cứu về giấc ngủ).
Thiếu ngủ do làm việc ban đêm hay công việc nghịch giờ vừa được khám phá đó là nguyên nhơn gây ra bệnh ung thư vú cho phụ nữ, ung thư ruột già (colon) và prostate cho nam giới. Cơ quan Y tế thế giới liệt kê việc làm đêm là mầm ung thư nên đang tìm cách cải thiện. Nhưng sẽ không đơn giản trong xã hội sản xuất/tiêu thụ ngày nay!

Đang báo động đỏ thiếu ngủ cho trẻ con từ Mẫu giáo
Đối với trẻ con, thiếu ngủ sẽ làm cho chúng nó chậm lớn, giảm sức phát triển cơ thể và trí óc. Người ta ước tính trẻ con ngày nay thiếu ngủ từ 15 tới 20 phút mỗi đêm.
Ở trung học, lớp nào cũng có học sinh, vào lối 14 giờ 30, mặt mày thờ thẩn, ngáp dài, ngủ gục hoặc khoanh tay lên bàn, úp mặt vào ngủ thẳng cẳng. Theo kết quả điều tra năm 2014 của Cơ quan Sức khỏe Trẻ con Quốc tế thì có 16% học sinh 11 tuổi và 40,5% học sinh 15 tuổi trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng do chơi smartphones, computers, tablettes… Hậu quả trước mắt là học xuống hạng, kém tập trung, hay quên, bịnh tật, béo phì… về lâu, khó tránh ung thư, tim mạch…
Cũng theo cơ quan này thì trẻ con mẫu giáo, từ 3 tới 5 tuổi, phải ngủ đủ 10 giờ tới 13 giờ mỗi đêm, từ 6 tuổi tới 13 tuổi, phải ngủ từ 9 giờ tới 11 giờ, từ 14 tuổi tới 17 tuổi, phải ngủ từ 8 giờ tới 10 giờ. Khi trưởng thành, thanh niên 18 tuôi và người lớn từ 65 tuổi trở lên, phải ngủ từ 7 tới 8 giờ mỗi đêm.
Trẻ con luôn luôn cần được giữ giới hạn, ngay cả lúc nhỏ. Được buông lỏng, chúng sẽ chạy theo sở thích, khó trở thành học sinh giỏi, thường bỏ học khi vừa qua khỏi Trung học Đệ nhứt cấp (Collège). Phần đông cha mẹ dễ chìu ý con lúc chúng còn trẻ để tránh bị la khóc mà quên đi những tai hại liền sau đó mà suốt cả đời chúng phải lãnh đủ.

Những Ông Lớn ngủ mấy giờ một đêm?
Những ông lớn trên thế giới ngày nay, có những ông ngủ nhiều, tức đủ tiêu chuẩn cho sức khỏe tốt. Nhưng cũng có ông ngủ rất ít. Ít một cách rất bất thường thế mà họ vẫn còn được mạnh khỏe.
Giáo Hoàng François thuộc nhóm ngủ nhiều. Ông còn ngủ thêm 40 phút buổi trưa. Ông Carlos Tavares, Chủ Tịch Tổng Giám đốc Peugeot-Citroën của Pháp, đêm phải ngủ đủ 8 giờ, đúng tiêu chuẩn, sáng ra mới làm việc được. Ông Jeff Bezos, sáng lập và Chủ tịch Tổng Giám đốc Amazon, cũng ngủ cho đủ 8 tiếng/đêm. Trong lúc đó, ông Tổng Thống Trump chỉ ngủ từ 1 giờ 30 phút tới 4 giờ /đêm. Có lẽ vì thiếu ngủ nhiều quá mà ông cau có bất thường, tuyên bố tùy hứng làm cho ai chờ đợi ở ông đều phải ngao ngán, gây nhiều phức tạp trong nội tình chánh trị Mỹ? Ông Tổng Thống Macron của Pháp, tuy còn trẻ nhưng cũng ngủ dưới tiêu chuẩn: từ 3 tới 5 giờ/đêm. Ông nói để "có thời giờ đọc sách” hay vì lý do nào khác, như nằm bên cạnh bà vợ…?
Ở đời thật khổ! Người có vợ trẻ đẹp ngủ ít, mà kẻ có vợ già lại cũng ít ngủ !
Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 09 tháng 11.2017