banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Macron và lễ tấn phong

Nguyễn thị Cỏ May

Hôm 14 tháng 5/2017, ông Emmanuel Macron chánh thức trở thành Tổng thống thứ 8 của Đệ V Cộng Hòa Pháp. Ông còn là ông Tổng thống trẻ nhứt từ trước tới giờ.
Lễ tấn phong diễn ra từ sân danh dự của điện Elysée, với thảm đỏ dài 60 m, dẫn tới phòng khánh tiết. Ông Tổng thống mãn nhiệm Hollande đón chào ông Macron trước thềm điện Elysée, đưa thẳng lên văn phòng Tổng thống trên lầu I, ký giấy tờ bàn giao và chuyển luôn cho ông Tổnmacrong thống mới chìa khóa võ khí nguyên tử. Thường việc bàn giao chỉ diễn ra trong vòng nửa giờ là xong. Hôm ấy, ông Hollande đã cố ý kéo dài 1 giờ 15 phút.
Sau khi tiễn ông Hollande ra đi, ông Macron quay trở lại phòng khánh tiết để nghe ông Laurent Fabius, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp (Viện Bảo hiến) long trọng tuyên bố ông Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống Cộng hòa Pháp với 66,10% phiếu tín nhiệm, tức 20.753.798 phiếu. Tính theo số phiếu đắc cử, ông Macron hơn ông Hollande và cả ông Sarkozy, nhưng kém hơn ông Chirac. Năm 2012, ông Jean-Louis Debré Chủ tịch Quốc Hội thuộc cánh Hữu tuyên bố ông Hollande đắc cử Tổng thống.

  macron

Kẻ ở người đi
Nghi lễ tấn phong để chánh thức xác nhận Tổng thống mãn nhiệm trao quyền lại cho Tổng thống mới đắc cử. Ngày tổ chức lễ là ngày mãn nhiệm của vị Tổng thống đương nhiệm, với nghi lễ vô cùng long trọng. Nó tượng trưng cho sự liên tục của Nhà nước Cộng hòa.
Nền đệ V Cộng hòa chứng kiến 6 lần bàn giao Chánh quyền Tổng thống. Bàn giao Nhà nước là một nghi lễ long trọng vì dưới thời quân chủ, việc chuyển giao quyền lực chỉ diễn ra vào đúng lúc nhà vua băng hà. Trong chế độ Dân chủ, đó là nghi lễ chánh trị, biểu tượng nền Cộng hòa.
Vì Tổng thống, ngoài vai trò chánh trị, còn có vai trò quân sự là Tổng Tư lệnh Quân đội. Chính ông quyết định có nên xử dụng võ khí nguyên tử hay không để giải quyết chiến tranh. Do đó mà ngày nhậm chức, như hôm nay, ông được chào mừng bằng 21 phát đại bác bắn đi từ Bảo tàng viện Quân sự Invalides gần đó.
Ngày 14 tháng 1/1959, trong sân trước Điện Elysée, Tổng thống mãn nhiệm René Coty đứng bên cạnh Tướng De Gaulle, dự lễ bàn giao chánh quyền lại cho Tướng De Gaulle vừa đắc cử.
Tổng thống De Gaulle lập nền Đệ V Cộng hòa, chấm dứt nền Đệ IV Cộng hòa và Tổng thống René Coty là vị Tổng thống cuối cùng.
Ngày 21 tháng 5/1981, Tổng thống Giscard d’Estaing trao quyền lại cho ông François Mitterrand. Lễ bàn giao diễn ra lạnh nhạt. Ông Mitterrand thuộc đảng xã hội (chủ nghĩa), lúc đó hãy còn nặng tinh thần đấu tranh giai cấp nên khó tỏ ra thân thiện với kẻ thù tư bản. Ông Mitterrand bắt tay ông Giscard d’Estaing một cách cứng ngắt. Cuộc bàn giao lạnh lùng. Chẳng những bàn giao Nhà nước mà còn là cuộc thay đổi từ chế độ dân chủ tự do qua chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là lần đầu tiên sau 23 năm nền Đệ V Cộng hòa vẫn thuộc phe Hữu cầm quyền.
Trong lễ tấn phong, mỗi ông Tổng thống đắc cử đều muốn để lại dấu ấn riêng của mình. Năm 1974, ông Giscard d’Estaing phá lệ. Sau lễ tấn phong, ông tới khải hoàn môn khơi sáng ngọn lửa thiêng ở Đài Chiến sĩ trận vong, đi bộ trên Đại lộ Champs-Elysées, bước chậm lại chào dân chúng đứng hai bên, mặc thường phục màu sậm, cà-vạt xanh. Ông không đứng trên xe và mặc áo thụng đen theo lễ phục truyền thống. Một dấu hiệu đổi mới cho hợp thời !
Ông Mitterrand chọn làm lễ tại Văn miếu Panthéon. Ông đi bộ, theo sau cả ngàn người reo mừng. Khi gần tới Panthéon, ông tiến lên một mình để vào. Nên nhớ trong Panthéon chia làm 2 khu vực : một phần dành cho chế độ Quân chủ, phần kia dành cho Cộng hòa.
Năm 1995, ông Mitterrand trao quyền lại ông Chirac. Lễ khá đơn giản vì ông bịnh nặng.
Năm 2007, ông Chirac trao quyền lại ông Sarkozy. Lễ diễn ra rất thân thiện tuy ông Sarkozy đã bỏ ông, chạy theo ông Balladur khi ông này ra tranh cử chống lại ông Chirac, sếp của mình.
Qua năm 2012, lễ bàn giao giửa ông Sarkozy với ông Hollande diễn ra rất mau. Ông Hollande không tiễn ông Sarkozy ra xe như thông lệ. Ông Sarkozy và vợ mới cưới, bà Carla Bruni, hai ngưòi lủi thủi ra về, trông thật thảm nảo của kẻ thất bại. Cũng là thái độ ứng xử của ông Tổng thống xã hội chủ nghĩa với vị tiền nhiệm thuộc cánh Hữu, phe tư bản. Ông François Bayrou, Chủ tịch đảng Mo-dem, cựu Tổng trưởng, cựu ứng viên Tổng thống, đã không tiếc lời phê phán ông Hollande “Thật là một thái độ ngu ngốc vô cùng”.
Sau này, trong nhiệm kỳ 5 năm cầm quyền, có lẽ vì uy tín ngày càng xuống thấp, chỉ còn 13% dân chúng tín nhiệm nên ông đã tỏ ra lấy làm tiếc đã không tiển đưa ông bà Sarkozy ra tận xe cho phải phép. Quả thật Hollande là một ông Tổng thống tệ nhứt trong nền Đệ V Cộng hòa về các mặt, ngoại trừ tài ba có nhiều bồ bịch.

Cái đít có trí nhớ mạnh nhứt
Từ một tuần lễ trước ngày bàn giao quyền hành với Tổng thống mới, ông Hollande đã không ngừng “kè sát” ông Macron, với những cử chỉ, lời nói của kẻ gia trưởng, cho tới phút cuối cùng. Chủ nhựt 14 tháng 5 vừa rồi là ngày ông phải bàn giao. Thời hạn, ông không thể kéo dài thêm được tuy ông vẫn muốn hưởng thụ đời sống làm Tổng thống ở Điện Elysée cho tới cùng.
Thấy thái độ của ông, người ta nghĩ nếu được phép, ông Tổng thống mãn nhiệm François Hollande sẽ đẩy lui thời điểm bàn giao tới nửa đêm hôm chủ nhựt để ông tận hưởng thêm quyền lực. “Tôi không dám nói đó là hạnh phúc, mà đó chỉ là cái gì được hơn”, ông Hollande nói trong quyển “Một ông Tổng thống lẽ ra không nên nới điều đó” của 2 nhà báo Gérard Davet và Fabrice Lhomme (Stock, Paris, 2016).
Ông Hollande phải giao lại chìa khóa Điện Elysée thân yêu của ông suốt 5 năm cầm quyền cho kẻ cựu thủ hạ chưa một lần nắm nhiệm vụ dân cử trong lúc ông, trước đây, nhiều đêm, phải ngồi xe lửa về Corrèze tiếp xúc với cử tri đơn vị của ông. Số mạng sao lắm mỉa mai! Vậy phải chăng có cái gì bí ẩn vượt sự bình thường chớ?
Ông Hollande phải tìm cách phục hận. Thế là ông kè sát người kế nhiệm trẻ, kể cả điều đó có thể ảnh hưởng xấu do thành quả 5 năm cầm quyền tệ hại của ông. Hôm lễ đình chiến mùng 8 tháng 5/1945, sau ngày kết quả bầu cử vòng 2, ông hướng dẫn ông Macron theo từng bước trong buổi lễ, nói chuyện vừa vổ đầu ông Macron như cử chỉ khen thưởng dành cho một một cậu bé vừa mới thi đậu.
Ông Hollande đã không dấu diếm ẩn ý của ông. Ông là Tổng thống, giờ đây ở ông, con người đầy kinh nghiệm mà ông Macron có thể tiếp thu để tiếp tục con đường của ông. Trong những năm vừa qua, ông Macron theo ông nhưng sau cùng, ông ấy đã tách ra khỏi ông. Và “Tôi rất cảm động… tôi hướng dẫn Emmanuel Macron bước theo tôi”.
Năm 2012, sau lễ tưởng niệm Đài Chiến sĩ trận vong, ông Hollande phải qua Berlin gặp bà Thủ tướng Đức, Angela Merkel, để bàn chuyện Âu châu và 2 nước Pháp-Đức. Máy bay chở ông vừa cất cánh từ phi trường quân sự Villacoublay, ngoại ô Paris, bổng bị sét đánh. Ông sợ xanh mặt nhưng lấy lại bình tỉnh và mỉm cười tự nhủ “Trời đánh mà vẫn không sao thì từ đây, ta còn ngán gì nữa?”. Ông gặp bà Merkel trể mấy tiếng đồng hồ.
Nhưng chắc chắn ông Macron không có đủ can đảm theo ông Hollande hướng dẫn bởi ông đủ thông minh để thấy ông Tổng thống tiền nhiệm của ông chỉ cai trị với hơn 10% dân chúng tín nhiệm. Một ông Tổng thống dở nhứt rong nền Đệ V Cộng hòa!

Tư thái của Emmanuel Macron
Trong lễ nhậm chức Tổng thống, ông Macron tuyên bố “Dân pháp hôm 7 tháng 5 đã chọn niềm hi vọng và tinh thần chinh phục. Ông bảo đảm là sẽ không khoan nhượng một điều gì trong những cam kết của ông với dân chúng Pháp”. Và sau cùng, ông sẽ “đem lại cho dân Pháp sự tin tưởng ở chính mình”…
Ông tiếp “Trách nhiệm mà nhơn dân đã uỷ thác cho tôi là cả một danh dự. Tôi sẽ cân nhắc kỷ mức độ quan trọng của nó. Thế giới cần điều mà nhơn dân Pháp đã đem lại, đó là sự can đảm tranh đấu cho tự do, sự đòi hỏi bình đẳng, ý chí tôn trọng tình huynh đệ”…
Từ nhiều thập niên nay, nước Pháp ngở vực chính mình bởi cảm thấy nền văn hóa của mình bị hăm dọa, mô hình xã hội của mình bị bào mòn, tín ngưỡng của mình bị xúc phạm sâu xa… Do đó mà tôi đã nêu ra 2 điểm then chốt để thực hiện: đem lại cho nước Pháp sự tin tưởng ở chính mình, tổ chức lại Âu châu".
Ông Macron không quên tỏ lời tưởng niệm những vị tiền nhiệm của nền Đệ V Cộng hòa: Tướng De Gaulle phục hồi nước Pháp, đưa lại nưóc Pháp đứng vào hàng ngũ cường quốc, T.T Georges Pompidou biến nước Pháp trở thành cường quốc kỷ nghệ, T.T Valéry Giscard d’Estaing đem lại sự tân tiến cho xã hội nước Pháp, T.T Mitterrand kết hợp giấc mơ của nước Pháp với giấc mờ Âu châu, T.T Sarkozy làm việc không ngừng nghỉ để giải quyết sự khủng hoảng tiền tệ hoành hành thế giới, T.T Hollande kỳ thỏa ưóc về khí hậu, bảo vệ nước Pháp chống lại khủng bố”. Cũng làm việc này, năm 2012, ông Tổng thống Hollande đã không nhắc tên ông Tổng thống mãn nhiệm Sarkozy.
Kết thúc bài diễn văn nhậm chức, ông Macron cho biết “Và ngay chiều nay, tôi bắt tay vào việc”.

Thành lập chánh phủ mới
Tổng thống Macron chủ trương phá bỏ đi cái truyền thống lâu đời của chánh trị Pháp là Tả/Hữu. Chỉ có nước Pháp mà thôi.
Trước kia, ông Mitterrand đã để lại phe xã hội chủ nghĩa của ông suy yếu, sau khi liên kết với cộng sản để nắm được chánh quyền, rồi làm cho cộng sản không ngóc đầu lên nổi. Không dám ra tranh cử nữa vì lần sau cùng bà Buffet chỉ kiếm được không tới 3% phiếu. Ông đã từng nói sau ông không còn chánh khách nữa mà chỉ có người làm kế toán mà thôi. Nay thừa hưởng sự nghiệp Mitterrand, ông Hollande đưa các đồng chí của ông trở thành những kẻ vừa thất nghiệp vừa vô gia cư (đảng xã hội chủ nghĩa tan nát).
Ông Macron chủ trương thành lập một chánh phủ gồm một số người của cánh Tả cũ, cánh Hữu cũ và những người thuộc xã hội dân sự. Khi ông mời người bạn thân, ông Edouard Philippe, đứng ra lập chánh phủ thì đảng Cộng hòa (Những Người Cộng hòa), sau khi tái cấu trúc để vươn lên, lại một lần nữa phân hóa hàng ngũ nội bộ.
Thủ tướng Edouard Philippe phải dời ngày ra mắt chánh phủ cho tới 3 giờ chiều ngày 17/05 để chờ kết quả rà soát tài sản và khai báo của thành viên nên đã không họp kịp Hội đồng Nội các vào sáng thứ tư như dự trù.
macronChánh phủ gồm 22 người, 18 Bộ trưởng, 4 Thứ trưởng, nam nữ đề huề, đủ 3 thành phần như ý muốn.
Không chơi với hai cánh “cực” Tả và Hữu nên bị ngay ông Mélenchon, cánh cực Tả, phê bình là“chánh phủ Macron là chánh phủ Hữu phái”.
Tới đây tạm ổn chuyện nhơn sự, chỉ còn phải có đa số ở Quốc hội để có thể áp dụng chương trình thắng cử. Với tình trạng không còn Tả/Hữu, chánh phủ mới sẽ tránh được “chánh phủ liên hiệp”, cảnh “đồng sàng dị mộng” chăng?
Theo thăm dò dư luận thì phe chánh phủ sẽ chiếm được từ 200 tới 240 ghế trong Quốc hội sẽ được bầu vào thượng tuần tháng 6 tới.
Nếu phong trào “Lên đường” của T.T Macron chiếm được đa số trong Quốc hôi thì dân Pháp chỉ còn chờ kết quả cầm quyền của chánh phủ mới.
Trước đây, lời hứa thường xa vời với thực tế. Mong rằng nay hỏa tiễn Macron “ma-dê in Hollande” sẽ bay cao, bay xa bằng thực lực của mình, bỏ lại bệ phóng!
Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 19 tháng 05.2017