Ai sẽ làm Đệ nhứt Phu nhơn Pháp?
Và vài nét đặc thù
Nguyễn thị Cỏ May
Pháp vốn là một nước quân chủ cho tới Cách mạng 1789. Dưới thời quân chủ, vợ của vua gọi là Hoàng hậu. Qua thời Cộng Hòa, Tổng thống là người thay thế vua trong vai trò cai trị Quốc gia. Vợ của Tổng thống thường được gọi là Đệ nhứt Phu nhơn. Pháp gọi là «Première Dame», do ảnh hưởng từ Mỹ «First Lady». Xưa nay, vợ của Tổng thống – épouse du Président - tiếng Pháp tự nhiên sẽ viết là «la Présidente». Theo văn phạm pháp «Monsieur le Président» thì lập tức, phải «Madame la Présidente». Nhưng từ khi báo chí «giống cái hóa» tiếng Pháp, như «le docteur, la docteure» (chữ này chưa dứt khoát bởi có người giữ tiếng xưa là «la doctoresse»), người ta chọn theo Mỹ «La Première Dame hay First Lady» để chuẩn bị cho trường hợp có phụ nữ làm Tổng thống. Và lúc đó cũng sẽ phải nghĩ tới qui chế dành cho chồng Bà Tổng thống. Le Premier Sieur – First Gentlemen? Hiện nay, chỉ mới có chồng Bà Thượng Nghị sĩ ở Mỹ được gọi là «First Gentlemen». Còn trong trường hợp Ông Tổng thống không có vợ, người thay thế vai trò bà vợ trong Phủ Tổng thống, cũng chỉ có ở Mỹ, sẽ gọi là «White House hostess».
Nhưng suốt từ Đệ I tới nay Đệ V Cộng Hòa đều không có qui chế chánh thức, tức luật định, dành cho Đệ nhứt Phu nhơn mà chỉ có sự đối đải theo tập quán giao tế và nghi lễ.
Đến lúc ông François Hollande, thuộc đảng Xã hội (chủ nghĩa), đắc cử Tổng thống ngày 6 tháng 5 năm 2012 mới nổi lên vấn đề có nên đặt lại rõ ràng «qui chế» cho vợ của Ông Tổng thống ở chung với Ông Tổng thống trong Điện Élysée hay không? Và vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ vì bà bồ của ông Hollande bị ông cho de đột ngột, ngoài sự tưởng tượng của bà, vì ông cặp được bà bồ khác, Bà Julie Gayet, trẻ hơn, đẹp hơn nhiều. Nay ông Hollande sắp mãn nhiệm kỳ, có lẽ nên dự đoán liệu ông có khả năng giữ được bà bồ nhí này hay không khi mà ông vừa mất chỗ ở ngon lành, vừa mất job?
Qui chế cho Đệ Nhứt Phu nhơn, tưởng Chánh phủ Pháp cũng nên đưa ra giải quyết một lần cho xong bởi nên phòng xa là, kỳ này nếu rủi Benoit Hamon đắc cử, thì bà bồ của Ông Tổng thống Hamon sẽ có địa vị thế nào trong quốc dân, trong quan hệ đối ngoại, và cả chi phí bằng công quỹ cho bà ấy nữa. Bởi đây cũng là một thứ đặc thù của nước Pháp: phần lớn các chánh khách nhà nghề phe tả của Pháp đều không ai có vợ hoặc có chồng. Chỉ có bồ mà thôi. Ông Mitterrand có vợ nhưng sống với bồ nhí, có con và tuy không công khai, suốt thời gian ở chánh quyền, ông vẫn dùng công quỹ chi trả cho đời sống riêng của bà bồ và con gái riêng, cả việc lo bảo vệ an ninh gia đình riêng này.
Cần được qui định bởi cho tới nay, những đặc quyền mà bà vợ hay bà bồ của Ông Tổng thống Pháp thật sự quá lớn.
Bà Martha Washington, Ông Georges Washington là Tổng thống đầu tiên của Mỹ, đã xúc tiến thủ tục định chế hóa vai trò của vợ Tổng thống nhưng vai trò của các First Ladies vẫn chưa được xác định rõ ràng. Và vai trò của các phu nhơn thay đổi theo thời gian, từ «quản gia» Bạch ốc tới cố vấn trong bóng tối. Các bà thường ảnh hưởng tới những quyết định chánh trị quốc gia nhưng nếu không thái quá một cách lộ liễu thì vẫn chưa cần tới những qui định của luật pháp.
Đến thời ông Roosevelt, vì ông bị bịnh bại xuội, bà vợ trở thành «tai mắt của Tổng thống». Năm 1985, nhơn cuộc hội kiến giữa hai ông Reagan-Gorbatchev ở Genève, báo chí Mỹ đua nhau săn tin và nói đùa đây là cuộc họp thượng đỉnh cấp nhà nước giữa Nancy Reagan-Raïssa Gorbatchev.
Ở Pháp, qui chế First Lady chưa có. Cựu Tổng thống Giscard d’Estaing, trong một buổi họp Hội đồng Nội các năm 1979, nhắc lại Bà Michèle Auriol, phu nhơn Tổng thống Vincent Auriol, vừa đề cao vai trò của bà trong Điện Elysée và ông đã dùng danh từ «Première Dame de France» để mô tả công việc quản trị Phủ Tổng thống và nhứt là bà đã sáng lập một chương trình công tác xã hội vô cùng tích cực. Bà đã cho chỉnh trang lại Điện Elysée bị hư hại và bỏ phế sau chiến tranh. Mỗi khi có quốc khách tới và lưu lại vài ngày, Bà cho trang hoàng phòng ốc phù hợp theo sở thích của khách. Tuy Pháp không có qui chế First Dame nhưng Bà Michèle Auriol, người Phụ nữ đầu tiên, nêu lên hình ảnh và đồng thời thật sự đặt nền móng cho vai trò của Đệ Nhứt Phu nhơn trong Tổng thống phủ.
Khi nói về First Dame của Pháp, người ta thường chú ý tới hai First Dame gần đây hơn hết. Và nếu bày tỏ cảm tình thì nhiều người sẽ quí mến Bà Carla Sarkozy và thị phi Bà Valérie Trierweiler, bồ của Ông Tổng thống Hollande do tánh tình quá «ta đây» của bà ấy.
Ông Sarkozy cũng là khách đồng điệu với Ông Hollande nhưng khác ông Hollande là mê ai là chụp liền và làm đám cưới. Còn Hollande chỉ muốn người khác làm đám cưới, ông chủ trương sống tự do cho dễ ứng xử.
Bà Valérie Trierweiler cũng vốn đồng điệu nên chỉ muốn làm «First Dame» chớ không cưói hỏi. Từ đây, vị trí của bà ở Điện Elysée mới trở thành phức tạp. Chỉ có báo chí gọi bà là «First Dame» nhưng khi gọi «First Dame», không ai biết họ có ngụ ý mỉa mai hay không? Khi bà Valérie Trierweiler tỏ ra hợm mình, dân Pháp chánh gốc, còn giữ nền nếp đạo đức dân tộc, tuy còn nặng tinh thần thế kỷ XIX, gọi bà Valérie Trierweiler là «Tình nhơn» (maîtresse) hoặc «làm lẻ» (concubine) hoặc «gà mái» (la poule). Phải chi những người này dùng tiếng Anh «The First girlfriend» (Đệ nhứt bạn gái) cho nhẹ hơn, lịch sự hơn. Có lẽ vì vậy mà dân tả phái, vì ít có người Pháp chánh gốc, nên không ưa cánh hữu, càng căm thù cánh cực hữu. Vì những người này đi đâu cũng vác theo cây thánh giá, cả lúc ngồi vào bàn ăn!
Không chỉ dùng lời lẽ không đẹp để gọi bà bồ của Ông Tổng thống Hollande, họ còn đem cả đàn gà mái trắng tới thả ngay trước nhà, số 8 đường Cauchy, Paris XV, nơi bà Valérie Trierweiler tới ở với Ông Hollande từ trước khi làm Tổng thống. Lúc Ông Hollande nghe tin đắc cử, Bà bồ cũ Ségolène Royal tới «bisous» (hôn má) chào mừng ông thì Bà Valérie Trierweiler nhảy ra, ôm ông Hollande vừa bảo «Anh hãy bú mồm (*) em đi» để xác định sự quan hệ «bồ» nhưng khác hơn Bà Ségolène Royal.
Ảnh hưởng của «First Dame»
Vai trò của First Dame chưa được qui định rõ, cả ở Mỹ và Âu châu. Cho tới nay, các Bà chỉ hành xử theo tập quán, sáng kiến cá nhơn miễn sao phù hợp với nhu cầu của sanh hoạt và nghi lễ ở Dinh Tổng thống. Tuy vậy, các Bà vẫn được xử dụng một văn phóng với một ê-kíp nhơn viên cao cấp về chuyên môn do Phủ Tổng thống đài thọ chi phí. Về khoảng này, theo Ông Jean-Marc Ayrault, Thủ tướng của Ông Hollande, cho biết văn phòng của Bà Valérie Trierweiler tốn phí mất 19743€/tháng, còn của bà vợ Ông Sarkozy, 60000€/tháng.
Phần lớn các bà đều ảnh hưởng mạnh lên một số sự chọn lựa hoặc quyết định của chồng, nhứt là khi các bà đã từng hoạt đông chánh trị hay học giỏi. Như Bà Hillary Clinton được chồng bổ nhiệm vào ban cố vấn cải tổ Y tế Mỹ.
Thường các bà quyết định nhiều việc dùm cho chồng. Sau khi đắc cử Tổng thống, Bà Cécilia Sarkozy chọn nhà hàng Fouquet's ở đại lộ Champs-Elysée, Paris VIII, làm tiệc liên hoan. Và đi nghỉ bằng du thuyền của bạn tư bản cho mượn. Bà Valérie Trierweiler chọn mướn đưa vào ăn ở tại Elysée một thợ hớt tóc cho Ông Hollande với hợp đồng 5 năm, lương tháng 9500€.
Về các mệnh phụ, dân Pháp kính trọng Bà De Gaulle. Họ gọi bà một cách thân tình như đối với bậc phụ huynh “Dì Yvonne” (Tante Yvonne). Bà chọn cách sống kín đáo theo nếp gia đình gia giáo tiểu tư sản. Bà Anne-Aymonne Giscard d’Estaing cũng được dân chúng Pháp gọi Dì Anne-Aymonne. Và bà còn có thêm biệt danh Dì DQ (Tante DQ – Dignité (sự xứng đáng) Qualité (phẩm chất). Có một tờ báo phê bình bà có mái tóc bê-tông cốt sắt nhưng nhìn nhận bà là người phụ nữ đức hạnh trọn vẹn. Còn Dì Yvonne nổi tiếng về tài đan áo và làm mứt.
Bên kia Đại Tây dương, Bà Barbara chọn mua đôi giày 29US$ mang đi dự ngày lễ nhậm chức Tổng thống Huê kỳ của chồng G.Bush.
Về ảnh hưởng với chồng, Bà De Gaulle chỉ một mình âm thầm quyết định dùng thuốc ngừa thai vì Ông De Gaulle là người theo Thiên Chúa giáo thuần thành nên không dám làm trái ý Thiên Chúa khi Thiên Chúa muốn ban cho bao nhiêu con thì nhận bấy nhiêu.
Trong 4 ứng cử viên cùng đi tới vòng một với số phiếu ngang ngửa nhau, theo kết quả thăm dò dư luận tuy sư thăm dò dư luận ngày nay đã cho thấy không còn đáng tín nhiệm nữa, thì chỉ có Ông François Fillon là có vợ con đàng hoàng. Con đông nhưng bà Fillon một mình nuôi dạy con, không mướn người giúp việc. Ông Macron có vợ có đám cưới, nhưng nghe nói bà vợ chỉ là tấm bình phong vì ông có bịnh riêng (?). Benoit Hamon vì đảng viên Xã hộị (chủ nghĩa) nên chỉ kết bồ tuy có con với bà bồ Gabrielle Guallar. Mélenchon tạm thời không có vợ, cũng không nghe nói có bồ. Bà Marine Le Pen chỉ có bồ nhưng hiện nay không thấy ông bồ xuất hiện công khai bên cạnh bà trong các cuộc vận động tranh cử.
Trong vài ngày nữa, dĩ nhiên Pháp sẽ có Tổng thống mới nên vấn đề qui chế cho Đệ Nhứt Phu nhơn hay Đệ Nhứt Phu quân tưởng lại rất cần phải được đặt ra, kết quả rõ ràng.
Và giờ đây ?
Ông Hollande lúc vận động tranh cử đưa ra khẩu hiệu “ Thay đổi bây giờ đây” (Changement maintenant). Và nay, sắp mãn nhiệm kỳ, người ta cũng muốn biết “Và giờ đây sẽ thế nào? Sẽ có gì thay đổi trong đời sống riêng tư của ông hay không? Ông vẫn ở với bà bồ Julie Gayet không cưới hỏi như trước giờ?
Theo nhiều người thân cận thì Hollande và Gayet đang trải qua nhiều chuyện cơm không lành, canh không ngọt. Nhiều người không thấy họ tới lui với nhau nữa. Thường thì Bà Julie Gayet tối tới với Ông Hollande, sáng ra kín đáo về sớm. Từ ít lâu nay, thỉnh thoảng Ông Hollande đi coi hát, cũng chỉ đi một mình.
Theo người bạn trong giới điện ảnh biết chuyện thì Bà Gayet không muốn ở luôn trong Elysée mà chỉ vào đó những lúc cần và bà cũng không có tham vọng làm First Dame mà chỉ muốn theo đuổi điện ảnh. Cũng theo người bạn này thì mối quan hệ giữa Ông Hollande và Bà Gayet chưa bao giờ đáng lo ngại như lúc này.
(*) Nhớ lại lời cán bộ quản giáo mắng tù tập trung Ngụy “…tư tưởng thì nệch nạc, học tập thì nơ nà, nao động thì nếu náo, chỉ có bú mồm nà nia nịa… Vc ghét cách chào âu yếm của các bà vợ vào thăm nuôi chồng.
Nguyễn thị Cỏ May
Đăng ngày 21 tháng 04.2017