Chút êm ái buổi chiều
Điệp Mỹ Linh
Vì tò mò và cũng vì nhân dáng ngoan hiền của cô giáo, những hôm đoàn giang đỉnh về bến sớm, Duy mong tiếng kẻng tan trường vang lên để Duy được dịp quan sát cô giáo một cách kín đáo.
Cô giáo trông duyên dáng, đơn độc và thầm lặng, khác hẳn hình ảnh tinh nghịch, vui đùa của những nhóm học sinh tản mác dọc bờ sông. Lý do Duy để ý đến cô giáo có lẽ vì cô mang nhiều nét miền Trung hơn miền Nam. Sở dĩ Duy nhận biết được điều này vì cô giáo có mái tóc rất dài, được kẹp quá bờ vai một chút; cô đội nón bài thơ và mặc đồng phục trắng, trong khi các cô gái Nam thích mặc quần đen và tóc uốn.
Những lần vào Quận họp hành quân, Duy thường tìm cơ hội hỏi thăm Thiếu Tá Quận Trưởng về cô giáo. Thiếu Tá Quận Trưởng chỉ trả lời một cách mù mờ:
- Moa không biết nhiều về cô ấy. Moa là “con tem đóng dấu” rồi, đâu dám “léng phéng”. Nghe nói cô ấy là cháu ông Phó Quận trưởng Hành chánh. Cô ấy mới vừa thuyên chuyển về đây chưa được bao lâu cho nên bà xã moa chưa có dịp làm quen.
Chưa thấy mặt cô giáo, Duy không biết nhan sắc của cô như thế nào. Nhưng mái tóc dài, chiếc nón nghiêng nghiêng và dáng đi khoan thai của cô giáo khiến Duy tưởng như chàng đã gặp hình bóng ấy nơi một thành phố miền Trung, lúc chàng là Hạm Phó Trục Lôi Hạm Chương Dương II HQ 115.
Cứ mỗi lần nghĩ đến khoảng thời gian phục vụ trên chiến hạm HQ 115 là mỗi lần Duy nhớ đến buổi chiều êm ả, có nắng nghiêng nghiêng, có gió rì rào, có sóng tung tăng, có tiếng chân khua nhẹ trên khóm lá bàng khô, có tiếng cười khúc khích và tiếng thì thầm của nhóm nữ sinh trong khuôn viên Hải Học Viện, Nha Trang. Phía sau nhóm nữ sinh là toán thanh niên hơi trọng tuổi.
Duy – đang đứng chung với nhóm bạn Hải-Quân tại bậc tam cấp – đoán có lẽ toán thanh niên là sinh viên đại học. Không ai bảo ai nhưng Duy và các bạn Hải-Quân đều cố tình tìm cách làm quen với nhóm nữ sinh. Khi nhóm nữ sinh vừa e lệ nhìn nhóm Hải-Quân vừa bước xuống bậc tam cấp, Duy nghe tiếng nói từ toán thanh niên:
- Hôm nay Hải-Quân làm gì mà cả ba chiếc tàu đều giăng cờ, giăng đèn, đẹp quá! Ê, ra cầu tàu chơi, các bạn chịu không để tôi hỏi mấy cô?
Nhóm nữ sinh dừng lại cạnh nhóm Hải-Quân. Duy nghe một cô nói với cô tóc ngắn, cắt theo kiểu đơ-mi-gạc-xông:
- Có lẽ người ta tổ chức liên hoan. Lúc nãy mình thấy lính gác ngay cổng, làm sao ra cầu tàu được mà anh của nhỏ Thùy-Giang la om sòm vậy?
Cô gái có mái tóc dài và được kẹp quá bờ vai bằng chiếc kẹp đồi mồi, khẽ nói:
- Anh Toàn của mình thiệt kỳ! Anh nớ năm thứ ba dự bị Y Khoa rồi chứ nhỏ nhít chi nữa mà khi mô ảnh cũng ong óng lên như dạo còn học trung học. Mình nghĩ, nếu anh Toàn có bồ, có lẽ anh ấy sẽ chững chạc hơn. “Nhà ngươi” đồng ý không?
Qua câu nói, Duy biết ngay cô gái tóc kẹp tên là Thùy-Giang. Không cần nghe cô bạn của Thùy-Giang đáp như thế nào, Duy đánh bạo bước đến bên Thùy-Giang:
- Xin lỗi cô Thùy-Giang, nếu các cô và các anh muốn ra cầu tàu thăm chiến hạm, chúng tôi rất hân hạnh được mời tất cả các bạn.
Nhóm Hải-Quân ngạc nhiên nhìn Duy rồi nhìn nhau như ngầm hỏi: Thường ngày Duy rất ít nói, sao hôm nay Duy bạo thế này? Thấy các bạn nhìn mình, Duy cười, nhìn lơ chỗ khác sau một cái nheo mắt.
Trong khi Thùy-Giang lúng túng, chưa hiểu vì sao ông Hải-Quân này biết tên nàng thì may quá, Toàn vừa đến cạnh. Như hầu hết mấy ông anh có em gái đẹp, Toàn hơi lên mặt, làm nghiêm:
- Xin lỗi, ông cần chi? Tôi là anh của cô này. Tôi có thể giúp ông điều chi không?
Duy xoay sang Toàn:
- Chào anh. Tôi, Duy. Qua những câu đối thoại của các bạn, tôi nghĩ các bạn muốn ra cầu tàu chơi. Chiều nay nhân lễ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, chúng tôi xin phép được mời các cô và tất cả các bạn. Anh nghĩ sao, anh Toàn?
Toàn thoáng ngạc nhiên:
- Ủa, sao ông biết tên tôi?
Duy cười, đưa tay phải về phía Toàn. Toàn bắt tay Duy và hỏi:
- Có lẽ mấy cô này “kháo” nhau tên tôi cho nên ông nghe, đúng không?
Duy chỉ cười, không đáp. Toàn tiếp:
- A, chúng tôi được phép gọi bằng anh hay là phải gọi theo cấp bậc nhà binh? Nếu phải gọi theo nhà binh thì… (Toàn cười, lắc đầu) thú thật, chúng tôi chịu thua; vì không biết cách phân định cấp bậc của Hải-Quân.
- Đối với HQ 115, tôi là Đại Úy Hạm Phó. Nhưng đối với các bạn, mong các bạn gọi tôi bằng anh cho thân mật. Được không, anh Toàn?
Toàn không đáp lời Duy mà lại quay về phía các bạn, reo lên:
- Này, các bạn! Có ông Hạm Phó HQ 115 mời xuống thăm chiến hạm, đi nhanh lên!
Quay sang nhóm nữ sinh, Toàn ngoắc tay, tiếp:
- Các cô đi với chúng tôi luôn, nha.
Vài cô giả vờ nhăn mặt, thụng thịu:
- Về trễ bị la đó, anh Toàn.
- Chiều rồi. Sắp hết xe lam, làm sao tý nữa về, anh Toàn?
Toàn hơi lung túng. Duy đáp thay:
- Tý nữa tôi sẽ liên lạc với Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân, mượn xe để đưa các cô về. Các cô chịu không?
Không ai đáp lời Duy nhưng cả ba nhóm nhập lại, vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Duy cứ bám sát và cố kết thân với Toàn trong khi mắt không rời Thùy-Giang. Điều làm Duy hơi khó chịu là anh chàng cao lớn, đeo kính cận, cứ “rè rè” theo sát Thùy-Giang. Vừa đi Duy vừa hỏi chuyện để lấy lòng Toàn:
- Nghe nói anh học Y Khoa, phải không, anh Toàn?
- Dạ vâng. Năm thứ ba.
- Dạo còn học tại đại học Khoa Học, mỗi năm cứ nơm nớp sợ thi hỏng sẽ bị động viên, tinh thần tôi không yên. Cuối cùng, tôi bỏ ngang để vào Hải-Quân. Bây giờ thấy các anh sống hồn nhiên, vô tư, tôi chạnh nhớ đến cuộc đời sinh viên ngắn ngủi của mình.
Toàn có vẻ có nhiều thiện cảm với Duy:
- Uổng chứ, anh nhỉ! Mấy năm gần đây ngưỡng cửa đại học bị giới hạn trong khi cổng các quân trường lại rộng mở. Cũng vì lý do đó, tôi đang dự tính xin sang Quân Y.
Toàn có ý định chuyển sang Quân Y không phải vì lý do động viên; vì Toàn là con trai duy nhất trong gia đình; mà chỉ vì Toàn không muốn trở thành gánh nặng tài chánh cho Cha Mẹ. Duy không hiểu điều đó cho nên đưa đẩy câu chuyện:
- Tôi có thằng bạn thân học Quân Y. Có lẽ nó học trước anh hai năm.
- Vậy là bạn anh cùng học với Quý.
- Quý nào?
Toàn vỗ trán, cười xòa. Vừa nói Toàn vừa kín đáo chỉ về phía Thùy-Giang.
- A, lúc nãy lộn xộn quá cho nên chưa giới thiệu mọi người với các anh. Xin lỗi anh, nha. Quý là anh chàng cao cao, đi cạnh nhỏ em tôi kìa.
Không dưng Duy thở dài và nhìn ra khơi. Biển lặng yên. Nhưng Duy dường như đang cảm nhận được những đợt sóng ngầm trong lòng biển và trong lòng chàng. Chuyến hải hành nào không hứa hẹn nhiều vất vả, lắm gian nan; nhưng chuyến hải trình đầu đời để đi vào đường tình Duy đã thấy nhiều chướng ngại! Tuy biết chướng ngại đang giăng mắc, nhưng không hiểu tại sao ánh mắt của Duy vẫn không rời Thùy-Giang và Quý.
* * *
Trên boong tàu, các anh Hải-Quân đều chỉnh tề trong quân phục tiểu lễ trắng. Các anh lăng xăng chạy tới chạy lui lo sắp xếp bàn ghế, ly chén. Khung cảnh trông vui tươi, nhộn nhịp. Nhưng những tà áo dài thướt tha, những mái tóc bay bay trong gió, những vành nón ngại ngùng mới thật sự đem đến niềm ấm áp cho những chàng trai yêu biển và tô điểm cho buổi chiều lộng gió trên HQ 115, tại Cầu-Đá, Nha-Trang.
Không hiểu vô tình hay cố ý, ban tiếp tân sắp Thùy-Giang ngồi cạnh Quý và đối diện với Duy. Suốt buổi tiệc Duy nhìn Thùy-Giang không rời. Thỉnh thoảng Thùy-Giang liếc sang Duy và bắt gặp ánh nhìn say đắm của chàng. Thùy-Giang e thẹn cúi mặt, mỉm cười. Tuy nụ cười của Thùy-Giang không trọn, nhưng cái cằm chẻ đôi của nàng khiến Duy cứ muốn nhìn mãi nhìn hoài. Giờ này không phải là lúc phân tích sắc đẹp; nhưng Duy không hiểu tại sao chàng cứ muốn tìm xem phần nào trên khuôn mặt kiều diễm ấy đã thu hút chàng. Có thể là đôi mắt. Duy có cảm tưởng như chàng có thể thấy được cá tính dịu dàng, nhân hậu thoát ra từ đôi mắt tròn, màu nâu thẫm của Thùy-Giang. Nếu đôi mắt của Thùy-Giang mang tất cả nét hiền thục thì trái lại, sóng mũi cao, chót mũi nhọn lại cho nàng nét nghịch ngợm đáng yêu. Ý tưởng của Duy đang miên man về cô gái mới quen thì Huấn – sĩ quan đệ tam của HQ 115 – đến sau lưng Duy, reo lên:
- Trời, Hạm Phó! Hạm Phó bị coup de foudre rồi hay sao mà trông Hạm Phó thẩn thờ quá vậy?
Duy giật mình, quay lui:
- Ơ, cái gì thế?
Mọi người cười ồ. Huấn cũng cười, rồi đáp:
- Bao nhiêu người mời Hạm Phó lên micro mà Hạm Phó có nghe đâu! Thôi, mời Hạm Phó lên đi.
Vừa đứng lên Duy vừa tủm tỉm cười. Đến trước máy vi âm, Duy chấp hai tay ra sau, đằng hắng lấy giọng rồi cười, cố tình chêm giọng Bắc cho nhạt bớt giọng Huế của chàng:
- Kính thưa quý vị và các bạn, quý vị bắt tôi lên đây giúp vui quý vị như thế nào đây?
Nhiều tiếng cười xen lẫn tiếng huýt, tiếng reo. Huấn lại đến cạnh Duy, nói vào máy vi âm:
- Kính thưa quý vị, theo sự dò xét của riêng tôi thì có lẽ Hạm Phó bị “tiếng sét ái tình” đánh trúng từ lúc chiều. Vì lẽ đó, con tàu tình cảm của Hạm Phó đang lắc lư cho nên tinh thần của Hạm Phó bị chi phối hoàn toàn. Bây giờ tôi xin lập lại trò chơi của chúng ta để Hạm Phó am tường. Thưa Hạm Phó, mỗi người trong chúng ta sẽ được mời lên máy vi âm để góp vui. Sau khi thi hành phận sự của mình, người đó sẽ mời một người khác và cứ tiếp tục như vậy. Bây giờ mời Hạm Phó bắt đầu phận sự của Hạm Phó.
Duy hỏi tỉnh bơ:
-Người nào yêu cầu tôi “thế mạng” đây?
Huấn chỉ về nhóm sinh viên:
- Dạ, anh Toàn.
Duy cười:
- Xin cảm ơn anh Toàn. Như vậy có nghĩa rằng khi tôi yêu cầu người nào thì người đó không được từ chối, có phải không ạ?
Mọi người đồng thanh “đúng rồi”. Vài tiếng “đúng năm” xen vào. Huấn lại nói vào máy vi âm:
- Xin phép Hạm Phó cho tôi nói một câu cuối cùng.
Duy đứng lui, nhường máy vi âm. Huấn tinh nghịch:
- Chúng tôi xin chúc Hạm Phó sang năm có Hạm Phó phu nhân.
Tiếng vỗ tay, vỗ bàn vang dội cùng với tiếng cười dòn. Với thái độ từ tốn, giọng trầm trầm, Duy bắt đầu:
- Kính thưa quý vị và các bạn, tôi xin góp vui bằng câu chuyện mà tôi được nghe lúc tôi tu nghiệp tại quân trường U.S. Naval Postgraduate School tại tiểu bang California, Hoa Kỳ. Câu chuyện như thế này: “Trong giờ lịch sử Hoa Kỳ, giáo sư cùng sinh viên bàn luận về sự thay đổi quan niệm về sắc đẹp của phụ nữ theo từng thời đại. Vị giáo sư đưa ra một thí dụ, vào năm 1921, một hoa khôi nước Mỹ có tầm vóc lý tưởng là 108 cân Anh, vòng số một 30 inches, vòng số hai 25 inches và vòng số ba 32 inches. Các bạn thử tưởng tượng, nếu một mẫu người đẹp như vậy xuất hiện trong cuộc dự thi hoa hậu ngay vào thời đại của chúng ta thì chúng ta sẽ nghĩ như thế nào? Cả lớp im lặng. Một nam sinh viên nhún vai, nói trống ‘Không khá lắm.’ Giáo sư hỏi: ‘Tại sao?’ Anh sinh viên không cần đắn đo, đáp: ‘Bà ấy già khụ rồi!’ “ (1)
Mọi người vỗ tay. Duy nhìn xuống chỗ Thùy-Giang ngồi và yêu cầu nàng. Thùy-Giang tươi cười đứng lên. Quý kéo ghế lui ra phía sau và cũng đứng lên, bước theo Thùy-Giang. Duy cảm thấy hơi bực mình nhưng cố làm mặt vui. Khi Thùy-Giang và Quý đến cạnh, Duy hỏi:
- Xin cô cho biết cô sẽ cho chúng tôi thưởng thức tiết mục gì, cô Thùy-Giang?
- Thưa, nếu có piano tôi sẽ đàn; nhưng không có cho nên tôi xin hát.
Trong tiếng cổ võ reo hò của quan khách, Duy hỏi:
- Bản gì, thưa cô?
Quý xen vào:
- Thùy-Giang hát Gợi Giấc Mơ Xưa đi.
Thùy-Giang không đáp lời Quý mà lại hỏi Duy:
- Anh Duy thích nghe nhạc Việt hay nhạc ngoại quốc?
Không ngờ Thùy-Giang hỏi ý kiến chàng, Duy đâm ra lúng túng:
- Ơ…tùy cô… nhạc nào tôi nghĩ cô hát là phải hay rồi.
Quý lại xen vào:
- Anh thích Thùy-Giang hát Gợi Giấc Mơ Xưa. Giọng em cao, em hát bài đó rất tuyệt.
- Giang thích hát tình khúc Vaya Con Dios của Luis Mariano.
Nhìn nét mặt không vui của Quý, Duy ngầm thích trong lòng. Duy tưởng Quý sẽ bực mình, bỏ đi về chỗ ngồi, nhưng không, Quý vẫn kiên nhẫn đứng đợi.
Trong khi Thùy-Giang lắng nghe tiếng Tây Ban Cầm của Huấn đang dạo để bắt vào cho đúng “tông”, đúng nhịp thì Duy nhìn Quý. Tự dưng Duy muốn đặt cho Quý một biệt danh. Duy nghĩ, Quý cao lớn, lại trồng “cây si” quá sâu, rất hợp với tên “Cây cổ thụ”. Duy mỉm cười một mình. Tiếng Tây Ban Cầm của Huấn chậm lại, giọng soprano của Thùy-Giang cất lên:
“La nuit bleue sur l'hacienda
La nuit légère
Et soudain monte la voix
D'une prière
Vaya con Dios, mon amour
Que Dieu pense à toi, mon cœur… »
Mọi người đều im lặng. Duy nhìn quanh. Dường như gió đã dịu dần và sóng cũng thôi rì rào để lời ca và tiếng hát của Thùy-Giang vang xa trong không gian êm ái và lưu lại trong lòng Duy một hình bóng khó quên.
Sau khi cuộc vui tàn, để lấy lòng Thùy-Giang và cũng muốn biết nhà của Thùy-Giang, Duy theo xe và đề nghị sẽ đưa Thùy-Giang và Toàn về sau cùng. Trước khi chia tay trước nhà Toàn, Duy bắt tay Toàn và nói:
- Những ngày chiến hạm còn công tác ở đây, anh cho phép thỉnh thoảng tôi ghé thăm anh, anh Toàn nhé!
Siết chặt tay Duy, Toàn cười, ra chiều rất thông cảm câu nói của Duy:
- Vâng, tôi còn nghỉ đến hai tuần nữa. Anh rảnh, mời anh ghé chơi.
Duy trở ra xe. Trước khi tài xế cho xe nổ máy, Duy quay lại và thấy Thùy-Giang đang quay lui nhìn chàng. Duy nghe loáng thoáng tiếng Toàn:
- Giang thấy không? Mấy anh chàng Hải-Quân thiệt là đa tình!
Chiều hôm sau, lảng vảng trước nhà Thùy-Giang nhưng Duy không dám vào; vì nghĩ rằng chàng không nên “tấn công” quá nhanh. Quanh tới quanh lui đường Hoàng Tử Cảnh, không thể nào Duy không nghĩ đến Quý. Duy lại tưởng tượng, biết đâu Quý đang có mặt trong nhà Thùy-Giang. Ý nghĩ này khiến Duy hơi khó chịu nhưng Duy không biết làm cách nào để “bứng” “Cây cổ thụ” Quý đi chỗ khác.
Sau vài ngày đi lên đi xuống khoảng đường Hoàng Tử Cảnh, Duy quyết định bước vào nhà Thùy-Giang vào một buổi chiều. Đúng như ý Duy mong muốn, người mở cổng chính là Thùy-Giang. Thùy-Giang tươi cười mời Duy vào phòng khách. Duy bước theo nàng và cảm nhận được niềm vui thích đang dâng lên trong lòng. Vừa bước lên khỏi bậc cấp cuối cùng, Duy chạm ngay ánh nhìn “tóe lửa” của một chàng Nhảy Dù. Liếc nhanh lên cổ áo của chàng Nhảy Dù, Duy thấy một hoa mai vàng, Duy cảm thấy đỡ lo. Duy nghĩ, con gái bây giờ khôn lắm, ít cô nào còn chút lãng mạn để lấy nhau vì tình. Ngoài ra, Cha Mẹ các cô lúc nào cũng muốn con gái của mình có được người chồng có địa vị xã hội, có tiền và có một đời sống tương đối ít nguy hiểm. Ý nghĩ này giúp Duy không nhìn anh Nhảy Dù như nhìn một địch thủ đáng ngại. Nhưng, liền ngay đó, Duy lại nghĩ, nếu Bố Mẹ của Thùy-Giang cũng quan niệm như hầu hết các bậc Cha Mẹ khác thì… “Cây Cổ Thụ” Quý quả thật là một chướng ngại!
Thùy-Giang bước vào phòng khách. Duy theo sau. Anh Nhảy Dù lịch sự đứng lên trong khi Thùy-Giang giới thiệu:
- Xin giới thiệu với anh Duy, đây là anh Hà. Thưa anh Hà, đây là anh Duy, anh Toàn và em mới quen hôm xuống Cầu-Đá chơi.
Sau khi hai người bắt tay nhau, Hà đưa tay mời Duy:
- Mời anh tự nhiên.
Hà ngồi xuống, quay sang Thùy-Giang, tiếp:
- Thùy-Giang lấy nước mời anh Duy đi.
Thùy-Giang “dạ”, đi vào trong. Duy ngồi vào ghế đối diện với piano. Thùy-Giang trở ra với tách nước trà nóng, thơm mùi hoa lài. Đặt tách trà nơi bàn nhỏ, cạnh Duy, Thùy-Giang bẻn lẽn: “Dạ, mời anh”. Nói xong Thùy-Giang nhìn sang Hà và hỏi:
- Tách trà của anh chắc nguội rồi, để Giang châm thêm, anh Hà hỉ!
Hà khoát tay:
- Thôi, được rồi. Trở lại đề tài lúc nãy đi. Cô không trốn được đâu.
Thùy-Giang giả vờ nhăn mặt, nhìn Duy. Duy tròn mắt nhìn nàng, tỏ ra không hiểu gì cả. Hà dựa ngửa ra xa-lông, tiếp:
- Anh thích nghe Giang đàn bản đó. Hôm trước Giang hứa với anh rồi, nhớ không? Bây giờ có anh Duy đây, đàn đi để anh Duy cùng thưởng thức luôn.
Thùy-Giang tròn mắt, đưa tay che miệng, cử chỉ nửa như sợ nửa như đùa:
- Ý, chết rồi! Đàn bị chùng giây. Má nói đã kêu người lên giây nhưng họ chưa đến.
- Từ hôm đó đến giờ mà cũng chưa lên giây? Cô bé này đáng đánh đòn thật.
Duy ngẩn người trước lối nói chuyện của Hà. Thì ra Hà muốn cho Duy biết sự liên hệ mật thiết, đậm đà giữa chàng và Thùy-Giang đây. Cảm thấy như mình bị thừa thãi, Duy nhìn quanh và nói khác với mục đích của chàng:
- Xin lỗi, anh Toàn có ở nhà không, cô Thùy-Giang?
Hà lại nhanh nhẩu đáp thay:
- Anh Toàn vừa mới đi đâu đó. Dường như anh Toàn nói anh Toàn đi thăm anh Quý nào đó, phải không, Giang?
Thùy-Giang đáp:
- Dạ. Có lẽ đến tối anh Toàn mới về.
Duy nói dối một cách vụng về:
- Tôi tính ghé rũ anh Toàn đi dạo biển, nhưng không được gặp anh ấy. Thôi, để dịp khác.
Nói xong Duy đứng lên, cáo từ. Thùy-Giang nhìn Duy, nét mặt nàng buồn buồn; vì Thùy-Giang tin rằng Duy ghé nhà chỉ vì Toàn chứ không phải vì nàng.
Sau khi rời nhà Thùy-Giang, Duy cảm thấy buồn buồn và tự ái như bị tổn thương. Buồn một lúc, Duy chợt cười thầm cho thái độ quá tự tin của Hà. Duy nghĩ có lẽ Hà chưa biết “anh Quý nào đó” là một đối thủ rất “nặng ký” cho cả Hà và Duy. Với cõi lòng buồn rười rượi, Duy sang đường Yersin, lang thang đến đường Duy Tân rồi đón xích lô về tàu.
Tối đó, HQ 115 nhận được công điện khẩn từ Bộ Tư Lệnh Hạm Đội: HQ 115 phải rời Cầu-Đá ngay để đảm nhận vùng công tác mới. Lúc này Duy mới tự trách tại sao chàng quá vụng về, không xin địa chỉ của Thùy-Giang để viết thư.
Không ngờ, sau chuyến hải hành đó, Duy được thuyên chuyển về giang đoàn.
Bao nhiêu năm qua, mối tình đơn phương tưởng đã yên nghỉ trong vùng kỷ niệm; nhưng mấy hôm nay, mái tóc dài và nhân dáng dịu dàng của cô giáo khiến Duy nhớ đến Thùy-Giang thật nhiều.
* * *
Một buổi chiều – Duy tự hỏi tại sao những biến chuyển quan trọng trong đời chàng thường xảy ra vào buổi chiều – sau khi đoàn giang đỉnh ủi bãi, Duy lang thang dọc bờ sông thuộc quận Gò Quau, tỉnh Chương Thiện. Tự dưng Duy cảm thấy buồn buồn. Duy bước vào hiệu sách duy nhất trong quận, với dụng ý tìm mua bản nhạc Vaya Con Dios để nhớ lại người xưa.
Vừa lật từng bản nhạc trong xấp nhạc dày cộm Duy vừa cảm biết như có người vừa bước vào. Rồi Duy nghe giọng Huế “lai”:
- Lực ơi! Báo hôm ni về chưa, em?
Tiếng em bé bán sách:
- Dạ, thưa cô giáo, báo chưa về; vì đường bị Việt Cộng đắp mô ở Phụng Hiệp.
Nghe hai tiếng “cô giáo” Duy xoay nhìn ra cửa. Duy hơi sửng sốt, tưởng như chàng nhìn lầm; nhưng kìa, Thùy-Giang đang đứng đó, tròn mắt ngạc nhiên khi thấy chàng. Không nén được vui mừng, Duy bước đến:
- Cô Thùy-Giang! Xin lỗi, có phải cô là cô Thùy-Giang ở Nha-Trang không ạ?
Thùy-Giang cười, giọng đầy xúc động:
- Anh Duy!
- Cô còn nhớ tên tôi sao, cô Thùy-Giang?
Thùy-Giang cúi mặt, cười bẻn lẻn, vì nàng muốn nói: “Làm sao quên được!”nhưng không dám nói. Duy cũng hơi lúng túng cho nên hỏi một câu không đúng với ý của chàng:
- Anh Toàn vẫn khỏe chứ, Thùy-Giang?
- Dạ, cảm ơn anh. Anh Toàn cũng rứa thôi. Còn anh, anh làm chi ở đây?
- Tôi muốn hỏi Thùy-Giang câu đó mà Thùy-Giang lại hỏi tôi trước rồi.
- Anh trả lời trước đi.
Duy xoay về hướng bờ sông, chỉ đoàn giang đỉnh:
- Bây giờ tôi là “lính sông” chứ không còn là “lính biển” nữa.
Thùy-Giang reo lên nho nhỏ:
- A, giang đoàn nớ là… của anh. Rứa mà mấy hôm ni đi dạy về, Giang đi ngang hoài mà có biết mô.
Duy cười, rồi hỏi xa xôi:
- Nếu biết tôi ở giang đoàn này, Thùy-Giang có muốn ghé thăm tôi không?
- Dạ, ghé chứ. Anh Toàn cứ nhắc anh hoài. Giang cũng muốn gặp lại anh để hỏi xem Giang có làm chi anh giận hay không mà bỗng dưng anh biệt tăm.
Duy nhận thấy Thùy-Giang tỏ ra bặt thiệp, dạn dĩ chứ không nhút nhát và trầm lặng như trước kia. Duy nhìn vào mũi giày đầy bùn đất của chàng, lòng cảm thấy ngường ngượng khi nghĩ lại sự vô duyên của chàng vào buổi chiều đến nhà Thùy-Giang. Duy ngẫng lên, nhìn nàng, dò xét:
- Bây giờ gặp lại tôi rồi, Thùy-Giang có muốn hỏi tôi câu ấy nữa hay không?
Thùy-Giang cúi mặt thẹn thùng trong khi Duy lén nhìn vào ngón tay áp út nơi bàn tay trái của nàng. Một chốc, Duy hỏi lơ chuyện khác:
- Tại sao Thùy-Giang lại về dạy nơi vùng heo hút này?
- Anh cũng biết rằng Giang mang một chút nghệ sĩ tính trong dòng máu. Nghệ sĩ thường có những cái “ngông” rất dễ thương mà người bình thường không thể hiểu được. Anh đồng ý không?
Duy lúng túng chưa kịp trả lời, Thùy-Giang đã liết nhanh bàn tay trái của Duy rồi tiếp:
- Giang nghĩ có lẽ anh không đồng ý.
Duy chỉ nhìn Thùy-Giang, cười, lòng thầm nhủ “Bất cứ điều chi em nói, điều chi em làm anh cũng đồng ý cả”. Như hiểu được ý nghĩa nụ cười của Duy, Thùy- Giang nhìn đồng hồ tay, bảo:
- Chiều rồi, Giang phải về kẻo chú thím trông. Khi mô anh rảnh, mời anh ghé nhà chú thím của Giang thăm cho biết. Xin chào anh.
Vừa nói Thùy-Giang vừa bước ra cửa. Duy bước vội theo như ngại sẽ vuột mất nàng lần nữa:
- Tôi đến bây giờ, được không, Thùy-Giang?
Thùy-Giang nhìn Duy, vừa cười vừa chầm chậm bước đi. Duy bước theo. Cả hai im lặng đi bên nhau trên con đường đất. Một lúc sau Duy hỏi:
- Những người bạn hồi đó, bây giờ ra sao, Thùy-Giang?
Thùy-Giang nghiêng sang Duy, dáng tinh nghịch:
- Anh muốn biết về nhân vật nào?
Duy không thể dối lòng:
- Anh Quý.
Thùy-Giang úp chiếc nón trước ngực, cắn nhẹ vành môi để khỏi bật ra tiếng cười. Duy nhìn nàng:
- Tại sao Thùy-Giang lại cười? Câu hỏi của tôi vụng quá, phải không?
- Dạ, không phải. Giang cười vì Giang đã nghĩ anh sẽ hỏi một câu tương tự như rứa.
- Tại sao Thùy-Giang lại nghĩ như thế?
- Tại răng thì anh biết rồi; anh hỏi Giang làm chi nữa.
Cả hai cùng cười. Đi được vài bước, Duy lại không muốn bỏ qua vụ “Cây cổ thụ” cho nên hỏi:
- Anh Quý chắc ra trường rồi, phải không, Thùy-Giang?
- Dạ. Anh ấy đang phục vụ trong một đơn vị Nhảy Dù.
- Còn anh Toàn, anh ấy vẫn ở Dân Y hay đã xin sang Quân Y?
- Dạ, anh Toàn sang Quân Y lâu rồi.
Duy bóng gió xa xôi:
- Bao giờ Thùy-Giang trở thành “bà bác sĩ” nhớ mời tôi với, nhé!
Nhớ lại lần Duy đến nhà, Duy bảo Duy muốn đến rủ Toàn đi biển chứ không phải vì nàng, Thùy-Giang hờn mát:
- Anh tưởng mọi cô gái đều lóa mắt trước mảnh bằng bác sĩ cả sao? Anh nhầm ngay từ đầu. Anh xem thường Giang…
Duy hoảng, không ngờ Thùy-Giang hiểu lầm về sự nói dối của chàng ngày trước, vội cướp lời:
- Thùy-Giang! Tôi vô tình nói đùa, Thùy-Giang đừng giận. Lúc nào tôi cũng quý Thùy-Giang và không bao giờ tôi có ý xem thường Thùy-Giang đâu.
Hai người im lặng đi qua cây cầu gỗ bắt ngang con kinh đào rồi bước theo ruộng dưa hấu. Gió mơn man lạnh. Nhìn những sợi tóc lòa xòa trên vai Thùy-Giang, Duy thầm ước được vuốt ve làn tóc ấy, được thì thầm với nàng những ý nghĩ thầm kín của chàng. Thùy-Giang vẫn lặng thinh. Ngại nàng vẫn còn giận, Duy lên tiếng:
- Thùy-Giang còn giận tôi, phải không?
Thùy-Giang cười xòa.
- Dạ, mô có.
Thùy-Giang dừng bước, nhìn Duy, tiếp:
- Anh nhớ khi nãy em nói với anh về cái “ngông” của nghệ sĩ không?
- Vâng.
Đáp xong Duy mới nhận biết câu trả lời của chàng chẳng biểu lộ được gì cả. Thùy-Giang bước chầm chậm, mắt nhìn ra rừng dừa nước xa xa, giọng buồn buồn:
- Anh Quý tội nghiệp lắm! Chuyện của anh Quý và Giang không thành, anh Quý chẳng hề giận anh Toàn hay trách em. Đã vậy, lúc gặp anh Hà cùng đơn vị, anh Quý tận tình chăm sóc anh Hà mỗi khi anh Hà bị thương. Anh Hà bảo anh Quý lo lắng, giúp đỡ anh Hà mọi điều. Nhưng, lần anh Hà bị thương sau cùng, vì chiến trận ác liệt quá, trực thăng không đáp được…
Thùy-Giang dừng lại, đôi mắt ửng đỏ như sắp khóc. Duy bồn chồn:
- Rồi anh Hà… làm sao?
- Dạ, anh Hà bị tàn phế!
- Ồ!…
Cả hai cùng im lặng cho bớt xót xa. Theo cách nói của Thùy-Giang, Duy nghĩ, có lẽ Hà là người thân trong gia đình chứ không phải là một trong những “cây si” của nàng. Một lúc sau, để xác định sự suy luận của mình, Duy hỏi:
- Anh Hà có bà con với Thùy-Giang, đúng không?
- Dạ không. Anh Hà là học trò cũ của Ba em. Trong nhà ai cũng thương anh Hà như thương anh Toàn rứa. Anh Hà để ý mấy “cây si” của em kỷ lắm; bởi rứa mấy chàng “lang bang” không dám làm quen với Giang mô.
Hiểu rõ sự việc, lại nghe Thùy-Giang lúc thì xưng tên, khi thì xưng em, Duy khẽ than:
- Trời! Chỉ tại cái công điện khẩn mà tý xíu nữa…
Duy muốn nói “tý xíu nữa anh mất em” nhưng Duy dừng lại kịp. Thùy-Giang ngạc nhiên:
- Công điện khẩn chi rứa, anh Duy?
- Vì công điện khẩn, HQ 115 phải cấp tốc rời bến Cầu-Đá cho nên anh không đủ thì giờ từ giã Thùy-Giang.
- Ô, rứa mà em có biết mô, cứ nghĩ là Giang vụng về chi đó nên anh giận, anh buồn.
Duy lập lại câu hỏi lúc nãy bằng một giọng tha thiết:
- Thùy-Giang ơi! Trả lời giùm anh đi. Tại sao Thùy-Giang lại xin về dạy nơi đèo heo hút gió này?
Thùy-Giang che nón, ngượng ngập một lúc mới đủ can đảm đáp:
- Lúc học sư phạm, Giang gặp anh Huấn – sĩ quan đệ tam của HQ 115 khi trước. Thùy-Giang hỏi thăm anh. Anh Huấn bảo anh đổi đi giang đoàn, nhưng anh Huấn không nhớ giang đoàn nào. Anh Huấn chỉ giải thích rằng hầu hết các giang đoàn đều phục vụ tại vùng VI Chiến Thuật.
Thùy-Giang dừng lại, nhìn Duy, dò xét. Duy cũng nhìn nàng và thốt lên khe khẽ hai tiếng “Thùy-Giang”. Cả hai im lặng để hai tâm hồn tìm đến nhau. Bỗng dưng Duy giật mình. Vừa lục nhanh mấy túi áo tìm cuốn sổ tay Duy vừa nói:
- Đây, đây, ghi địa chỉ của Thùy-Giang vào đây cho anh ngay, nếu không rủi anh nhận được công điện khẩn nữa thì chắc anh… “nhảy dù” quá!
Thùy-Giang cười, mặt đỏ bừng, lòng cảm thấy thương sự vô duyên đáng yêu của Duy vô cùng!…
(1) Theo Reader’s Digest
ĐIỆP MỸ LINH
Kỷ niệm với Ban ca nhạc Bình Minh
Đài Phát thanh Nha Trang
Điệp Mỹ Linh
Ban ca nhạc Bình-Minh được thành lập vào giữa thập niên 50 của thế kỷ XX. Ngày Đài Phát Thanh Nha-Trang được khánh thành, trong khuôn viên Tòa Tỉnh, ban Ca Nhạc Bình-Minh đã góp mặt. Trong chương trình phát thanh trực tiếp của ngày hôm đó Thanh-Điệp trình bày nhạc phẩm Trở Về Thôn Cũ của Nhị-Hà và Thanh-Hoa trình bày nhạc phẩm Chiến Sĩ Của Lòng Em của Canh-Thân.
Nguyên nhân nào thúc đẩy Ba tôi – Cụ Điệp-Linh Nguyễn-Văn-Ngữ – thành lập Ban Bình-Minh, tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ, trước khi thành lập Ban Bình-Minh, Ba tôi đã là sáng lập viên và trở thành Trưởng Ban văn nghệ Khu Công-Chánh miền Nam Trung Nguyên Trung Phần.
Sinh hoạt của Ban Bình Minh
Ban Bình-Minh phụ trách văn nghệ cho Đài Phát Thanh Nha-Trang mỗi tuần hai lần, vào tối thứ Năm và tối Chủ Nhật. Ngoài ra, Ban Bình-Minh cũng thường trình diễn tại các rạp xi-nê thuộc thành phố Nha-Trang và các tỉnh lân cận để gây quỷ cứu trợ nạn nhân chiến tranh và nạn nhân thiên tai.
Toàn Ban tập dượt chung vào những ngày cuối tuần tại nhà của Ba tôi. Sau khi tập xong, mỗi người nhận trách nhiệm và bản nhạc để về nhà tập riêng, sẵn sàng cho buổi tập chung kế tiếp. Ba tôi có nhiệm vụ viết hòa âm và phân đoạn cho những bản song ca và hợp ca hoặc hợp tấu.
Vào thời điểm đó hầu như các chương trình phát thanh đều được thâu băng rồi đem đến Đài để Đài phát đi. Riêng Ban Bình-Minh chọn phát thanh trực tiếp. Ba tôi – cũng như quý vị trong ban Bình-Minh – đều tin tưởng vào khả năng của toàn Ban chứ không tin tưởng vào kỹ thuật thâu băng. Tôi còn là đứa bé con, ai bảo sao tôi hay vậy; tuy nhiên, tôi hiểu, phát thanh trực tiếp thì không thể gây tiếng động, không thể ngưng để thay thế hay sửa đổi bất cứ điều gì.
Vì hiểu tầm mứt quan trọng của chương trình phát thanh trực tiếp, cho nên tôi đã vừa hát vừa... khóc khi đơn ca bản Valse tiền chiến, cung Ré trưởng. Đó là bản Tiếng Thu, được một nhạc sĩ khuyết danh, trong thời kỳ tản cư, phổ nhạc từ thơ của Lưu-Trọng-Lư. (không phải bản Tiếng Thu do Phạm-Duy phổ nhạc). Bản này mang âm hưởng bán cổ điển Tây-Phương và rất khó hát; vì hát một đoạn thì ngưng cho nhạc đệm rồi lại hát, rồi lại ngưng, rồi lại hát.
Chú Phan-Phi-Phụng được toàn Ban đặt biệt hiệu là Phụng Trợn. Khi thích nhạc phẩm nào thì Chú Phụng thuộc rất nhanh, không cần nhìn bản nhạc, Chú chỉ nhìn lên trần nhà rồi say sưa vừa đàn vừa gật gù theo mỗi thì mạnh (temps fort), không cần để ý đến bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì chung quanh. Cái không may cho tôi là Chú Phụng rất thích bản Tiếng Thu này.
Khởi đầu, toàn ban hòa tấu rất nhịp nhàng và tôi hát cũng bình thường. Nhưng càng về sau Chú Phụng càng hăng, càng đàn nhanh hơn cả Valse Musette nữa và Chú chỉ nhìn lên trần nhà rồi gật gù theo tiếng đàn. Toàn Ban phải đàn nhanh theo Chú. Phòng vi âm nhỏ, không thể di chuyển dễ dàng, vì ngại gây ra tiếng động. Ba tôi, từ góc đối diện, cố phất tay ra hiệu cho Chú Phụng chậm lại, nhưng Chú có thấy đâu! Tôi, tuy vững nhịp, nhưng vẫn sợ vào sai nhịp; vì nếu tôi vào sai nhịp thì ban nhạc sẽ “rớt”. Vì vậy, tôi vừa hát vừa khóc, vì sợ “bể dĩa”.
Sau buổi phát thanh đó, trên đường về, Ba tôi và tôi gặp nhạc sĩ Minh-Kỳ – tôi gọi nhạc sĩ Minh-Kỳ bằng Chú, vì Chú trẻ hơn Ba tôi – đang đi bộ hóng mát trước nhà, trên đường Yersin. Nhà Chú Minh-Kỳ ở cách nhà tôi vài blocks. Chú Minh-Kỳ thường theo dõi chương trình ca nhạc của Đài Phát Thanh Nha-Trang. Mỗi khi gặp Ba tôi, Chú Minh-Kỳ thường góp nhiều ý kiến xây dựng và rất nhiều lần, Chú – cũng như nhạc sĩ Canh-Thân –khuyến khích Ba tôi cho tôi trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp; nhưng lúc nào Ba tôi cũng cười hiền hòa: “Thôi, để cho cháu nó đi học.” Hôm đó, vừa thấy chúng tôi, Chú Minh-Kỳ hỏi Ba tôi: “Anh Ngữ, tại sao con nhỏ Thanh-Điệp bữa nay hát nhão nhẹt vậy?” Ba tôi kể rõ nguyên nhân cho chú Minh-Kỳ nghe trong khi tôi mắc cỡ, bậm môi, nhìn chỗ khác.
Những nhân vật trong Ban Bình Minh
*- Cụ Điệp-Linh Nguyễn-Văn-Ngữ: Công chức; Trưởng Ban; đã qua đời.
Tôi không nhớ Ba tôi chọn biệt hiệu Điệp-Linh – do tên tôi và tên em trai của tôi ghép lại – từ lúc nào. Nhưng tôi nhớ, thời kỳ tản cư, Linh và tôi chỉ được chơi quanh quẩn cạnh hầm tròn, gần một quán nước bên đường, để dễ nhảy xuống hầm khi nghe báo động máy bay Pháp xuất hiện. Ba tôi mở lớp dạy học tại ngôi đình bỏ hoang. Ban ngày Ba tôi dạy văn hóa cho trẻ em; ban tối Ba tôi dạy Pháp-văn cho những cán bộ muốn trao dồi học vấn để khỏi bị mặc cảm với thanh niên trí thức miền Nam “thoát ly” ra “vùng giải phóng” ngày một nhiều.
Nhiều lần tôi nghe vài thanh niên “thoát ly” từ miền Nam, ngồi nghỉ chân nơi quán nước, hỏi Má tôi khi Má tôi gọi chị em tôi vào nhà ăn trưa: “Tại sao chị dám lấy tên của một nhạc sĩ để đặt tên cho con của chị?” Má tôi tình thật: “Dạ, mô có. Ông nớ mượn tên hai đứa con của tui để làm biệt hiệu đó.” Những thanh niên đó nhìn nhau, cười, tỏ vẻ không tin và họ nói với nhau bằng tiếng Tây cho nên tôi không hiểu.
Sau khi hồi cư một thời gian, tôi lại thấy bút hiệu Điệp-Linh xuất hiện trên tờ Đuốc-Thiêng và tờ – dường như là Sóng Thần – do bà Trùng-Dương làm chủ nhiệm. Khi lớn lên, tôi bắt đầu tập tành viết lách. Vì muốn “dựa hơi” Ba tôi, tôi xin Cụ cho tôi dùng biệt hiệu của Cụ và lấy chữ đệm từ tên của em gái tôi – Mỹ Phượng – lót vào giữa thành Điệp-Mỹ-Linh. Ba tôi đồng ý.
*- Cô Thùy-Giang: Công chức; xướng ngôn viên chính của Ban Bình-Minh; mất liên lạc.
Cô Thùy-Giang là Bắc-Kỳ di cư, nhà ở sau rạp xi-nê Modern. Cô có giọng nói rất dịu dàng, quyến rũ. Tôi vẫn nhớ, ngày đó, sau câu giới thiệu của nhân viên Đài Phát Thanh: “Bây giờ, xin quý thính giả thưởng thức phần ca nhạc do Ban Bình-Minh đảm trách.” Nhân viên ấy phất tay ra hiệu. Giọng trầm ấm của Cô Thùy-Giang trổi lên: “Kính thưa quý thính giả, đây, Ban Ca Nhạc Bình-Minh”. Cô hơi chậm lại ở năm chữ cuối và Cô nhấn giọng ở hai tiếng Bình-Minh. Cô hướng mắt về phía Ba tôi. Ba tôi phất tay ra hiệu. Toàn Ban hòa tấu bản Bình-Minh Ca Khúc của Võ-Đức-Thu.
Vào khoảng phân đoạn thứ hai của bản nhạc, Ba tôi nhẹ nhàng xoay micro để tiếng nhạc trở nên nhỏ dần, văng vẳng, xa xa, trong khi Cô Thùy-Giang giới thiệu thành phần Ban Ca cũng như Ban Nhạc và những tác phẩm sẽ được trình bày vào tối hôm đó.
Ban Nhạc gồm có:
*- Anh Phạm-Đình-Phê: Học sinh, hiện định cư tại Charlotte, NC.
Nhà Anh Phê ở gần Tòa án. Anh đàn Violon và Guitar. Tiếng đàn của Anh đã đưa Anh vào một “cuộc tình lớn”; nhưng khi vào Saigon học Anh mới gặp được “người bạn đường”. Sau khi được Cộng Sản Việt Nam thả về và trước khi sang Mỹ theo diện H.O. Anh mở lớp dạy nhạc tại Nha-Trang. Anh là người duy nhất trong Ban Bình-Minh, sau 1975, đã nuôi sống bản thân và gia đình bằng khả năng âm nhạc. Tôi say mê tiếng Guitar của Marc Antoine nhưng tiếng Guitar mà tôi yêu thích lại là của Anh Phê và của Hồ-Quang-Liêm, con út của tôi, tốt nghiệp từ Musicians Institute tại Hollywood, California.
*- Anh Hà-Quang-Đức: Học sinh, hiện còn ở Việt-Nam.
Anh là Bắc-Kỳ di cư, nhà ở Xóm Mới. Anh Đức đàn Hạ-uy-cầm rất tuyệt . Sau năm 1975, theo lời anh Phê kể, anh Hà-Quang-Đức theo Phục-Quốc. Chỉ một thời gian ngắn, anh Đức bị Việt-Cộng bắt và bị tù 18 năm. Sau khi mãn tù anh Đức trở về sống tại Nhatrang.
*- Chú Tưởng: Công chức; đàn Accordéon.
Tôi thích nhìn những ngón tay của Chú Thưởng khi Chú đàn những bản Valse và Tango.
*- Anh Cường, học sinh, chơi guitar.
Rất tiếc tôi không nhớ nhiều chi tiết về anh Cường và Chú Tưởng. Và tôi cũng mất liên lạc với hai vị này.
*- Chú Vân-Sơn. Phục vụ trong Quân Cụ.
Chú Vân-Sơn cũng Bắc-Kỳ di cư, dáng người cao lớn, rất khỏe mạnh, nhà ở Phú-Vinh. Chú Vân-Sơn đàn Hạ-uy-cầm. Tôi vẫn nhớ, mỗi lần độc tấu bản Eternally của Charlie Chaplin, cuối những phân đoạn thích hợp, Chú Vân-Sơn tạo những ngón “vuốt” rất lạ lùng, làm buốt lòng người nghe. Sau năm 1975 Chú cũng bị Việt-Cộng cho đi cải tạo. Khoảng thập niên 80, lúc vào Saigon làm thủ tục đi Mỹ, bất ngờ Ba tôi gặp lại Chú Vân-Sơn tại bến tàu. Chú làm “ban bù”, tức là phu khuân vác, ở bến tàu!
*- Chú Phan-Phi-Phụng: Giáo sư trường Kỹ-Thuật; mất liên lạc.
Chú Phụng có biệt tài đàn Banjo Alto với cả ngón tay út của bàn tay trái. Banjo Alto chỉ có bốn giây, vậy mà chú trémolo nghe đã tai lắm.
*- Anh Hoàng-Đình-Phiên: Học sinh, hiện ngụ tại Nam California.
Nhà anh Phiên là tiệm sách Kim-Anh, đầu đường Độc-Lập. Anh Phiên đàn Accordéon. Anh là “cột trụ” của Ban Gió-Mùa, cũng thuộc Đài Phát Thanh Nha-Trang. Anh chỉ tăng cường cho Ban Bình-Minh khi nào Ba tôi yêu cầu. Ba tôi thường bảo tiếng đàn Accordéon của anh Phiên không khác gì tiếng Accordéon nhà nghề của Trần-Văn-Lý. Khi bất ngờ anh Phiên đọc tùy bút Tưởng Như Trở Về, Anh hoang mang, không biết Điệp-Mỹ-Linh là ai mà lại viết rõ về Anh.
Sau đó, tôi không nhớ năm nào, trong một ngày đại hội Hải-Quân, tại quận Cam, California, tôi được mời lên sân khấu nói chuyện. Lúc thấy tôi anh Phiên rất ngạc nhiên, nói với người bạn ngồi bên cạnh: “Ủa, đây là ‘con nhỏ’ Thanh-Điệp mà. Ô, thôi rồi! Hèn gì cô nàng viết về tao không sai tý nào cả!” Tiếc rằng, sau khi tôi rời sân khấu, anh Phiên đón tôi nơi cửa, nhưng vì tính tôi hay quên mà anh Phiên lại không nói tên nên tôi... không nhận ra Anh!
*- Anh Mầu: Thương gia; bặt tin.
Tôi không nhớ anh Mầu họ gì. Tôi chỉ nhớ Anh là người Việt lai Tàu, nói tiếng Việt không rõ lắm. Anh ở nơi ngôi nhà hai tầng ngay trước chợ Đầm. Tiếng Saxophone Alto và lối trình diễn của Anh, nhất là khi Anh độc tấu những bản Jazz hay nhạc tình, có sức thu hút hết sức lạ lùng! Mỗi khi nghe tiếng Saxo. của Jim Bretney tôi lại nhớ đến tiếng Saxo. của anh Mầu.
*- Anh Trần-Nam: Học sinh; mất liên lạc.
Nhà anh Trần-Nam ở hơi xéo xéo với Ty Thông Tin. Anh Trần-Nam chơi Guitar và Clarinette. Anh có biệt tài dùng Guitar giả tiếng Đại-hồ-cầm. Khi nghe tiếng Clarinette điêu luyện của Kenny G. không thể nào tôi không nghĩ đến Anh và tiếng Clarinette của Anh.
*- Chú Huỳnh-Anh: Thương gia; bặt tin.
Nhà Chú Huỳnh-Anh ở gần nhà anh Mầu. Tôi thật sự không nhớ Chú Huỳnh-Anh này có phải là tác giả bản nhạc rất nổi tiếng lúc bấy giờ – Em Gắng Chờ – hay không. Nhưng hình ảnh tôi không thể quên được là lúc Chú đứng cạnh cây Đại-hồ-cầm. Những ngón tay của bàn tay trái của Chú tung tăng trên giây đàn, những ngón tay của bàn tay phải “búng” giây đàn trong khi chân mặt của Chú nhun nhún, nhịp nhịp theo mỗi thì mạnh (temps fort) và mắt Chú trông như chìm đắm vào cõi nào rất xa, rất mơ hồ.
*- Chú Ninh: Không-Quân; mất liên lạc.
Tôi cũng không nhớ Chú Ninh họ gì. Tiếng saxo của Chú Ninh điêu luyện lắm, nhưng có lẽ tuổi hơi lớn, khoảng gần bằng tuổi của Ba tôi, cho nên hơi của Chú không được dài. Vì vậy Chú chỉ thích chơi những bản nhạc vui, nhạc hùng. Tiếng Saxo. của Chú Ninh trong những bản swings làm cho đôi vai và tay chân của người thích khiêu vũ đều phải cử động mạnh.
*- Chú Tâm-Giao: Quân Cụ; mất liên lạc.
Chú Tâm-Giao chơi Guitar. Nhà của Chú ở đường Hai-Chùa. Chú Tâm-Giao rất hợp với Ba tôi, vì cả hai Ông đều thích nhạc Pháp. Chú thường độc tấu những nhạc phẩm bán cổ điển Tây phương.
*- Chú Thiều: Tư chức; mất liên lạc.
Tôi không nhớ Chú Thiều họ gì, nhưng tôi nhớ Chú Thiều và anh Châu (thuộc Ban Văn Nghệ Khu Công-Chánh miền Nam trung nguyên Trung phần) là hai “tay” trống “cừ khôi” nhất của Nha-Trang lúc bấy giờ.
*- Thanh-Điệp: Học sinh, đàn accodéon; hiện ngụ tại Houston.
Vào thời điểm đó, tại Saigon, ca sĩ Thúy-Nga là một phụ nữ thường đệm accordéon rồi hát những ca khúc Việt-Nam, chứ ca sĩ Thúy-Nga chưa bao giờ độc tấu accordéon bất cứ một nhạc phẩm ngoại quốc nào cả.
Trong khi đó, tại Nha-Trang, ngoài phần hòa tấu với Ban Bình-Minh, Thanh-Điệp cũng đã độc tấu những nhạc khúc bán cổ điển Tây phương, như Le Beau Danube Bleu của J. Strauss, Flots Du Danube của Ivanovici, La Golondrina của N. Serradell, Liebestraum của F. Liszt v.v… trên sân khấu cũng như trên Đài Phát thanh. Thanh-Điệp đã được các bạn cùng thời ở trường Võ-Tánh đặt biệt hiệu thân thương là “Điệp Accord.”
Ban Ca gồm có:
*- Cô Thùy-Giang: Ngoài phần xướng ngôn, Cô Thùy-Giang còn là một giọng ca nồng cốt của Ban Bình-Minh. Cô Thùy-Giang thích hát những bản Tango đổi sang Cha Cha Cha. Khi trình diễn trên sân khấu, Cô chỉ hơi lắc nhẹ đôi vai một tý là khán giả vỗ tay vang dội, vì cho là “đợt sóng mới”.
*- Chú Thu-Hoài: Phục vụ trong Liên Đoàn Bảo-An; mất liên lạc.
Chú Thu-Hoài có giọng tenor rất đặc biệt. Tôi thường nghịch, bảo Chú là Eddie Fisher của Nha-Trang. Chú Thu-Hoài chuyên đơn ca những tình khúc mang nặng tình tự dân tộc như Tình Quê Hương, Quê Nghèo, Về Miền Trung, Đố Ai, Tình Hoài Hương, v. v…
*- Chị Thúy-Minh: Học sinh; tên thật là Đỗ-Minh-Tham, hiện định cư tại New York.
Nếu Saigon có Thanh-Thúy với tiếng hát nức nở thì Nha-Trang có Thúy-Minh với giọng trầm, buồn. Tôi nhớ nhạc khúc Ánh Đèn Đêm do Thúy-Minh trình bày được yêu cầu nhiều nhất.
*- Chị Hoàng-Thu: Học sinh; tên thật là Đặng-Minh-Nguyệt, con của giáo sư Đặng-Văn-Tế. Chị hiện sống tại Saigon.
Chị Hoàng-Thu có giọng ca ngọt ngào, tha thiết và đôi khi, ở cuối một phân đoạn, Chị “láy” giọng một tý là người nghe không thể nào không mê giọng hát của chị.
*- Chị Thanh-Hoa: Học sinh; mất liên lạc.
Chị Thanh-Hoa tên thật là Tôn Nữ Canh-Thìn. Giọng chị Thanh-Hoa đúng là soprano, vừa cao, trong vừa thánh thót, mượt mà. Biệt tài của Thanh-Hoa là chị có thể hát cả nhạc êm dịu và nhạc hùng. Sau này, mỗi khi nghe Mireille Mathieu tôi đều nhớ đến giọng hát của chị Thanh-Hoa mà một thời được thính giả của Đài Phát thanh Nha-Trang yêu mến.
*- Anh Hàn-Phong-Cao: Học sinh. Hiện ngụ tại San Jose.
Giọng ca thiên phú và giọng ngân điêu luyện của anh Hàn-Phong-Cao chẳng khác nào tiếng hát nhà nghề của Anh-Ngọc. Trong những bản hợp ca nhiều bè, bao giờ giọng Anh cũng nổi bậc. Sau mấy mươi năm bặt tin tình cờ tôi gặp lại Anh vào khoảng cuối thập niên 80.
Đến năm 1995, sau khi tôi phát biểu cảm tưởng nhân ngày đại hội Hải-Quân toàn quốc, tai San Jose, xướng ngôn viên yêu cầu tôi khoang về chỗ; vì anh có vài điều muốn phỏng vấn tôi ngay trên sân khấu. Sau những câu hỏi thông thường, anh hỏi một câu cuối: “Xin chị cho bíết, tùy bút Tưởng Như Trở Về là tự truyện hay có bao nhiêu phần trăm hư cấu? Và những nhân vật trong tùy bút đó có thật ngoài đời hay là…” Xướng ngôn viên dừng lại ở đó, nhìn tôi, chờ đợi. Tôi đáp: “Thưa, để trả lời câu hỏi của anh, tôi xin mời một nhân vật trong Tưởng Như Trở Về đang hiện diện trong hội trường này đứng lên trình diện quan khách. Xin mời anh Hàn-Phong-Cao.” Vậy là anh em tôi nhận được tràng pháo tay thật dòn.
*- Chú Phan-Phi-Phụng. Chú Phan-Phi-Phụng chỉ song ca hoặc hợp ca chứ Chú không thích đơn ca, mặc dù Chú có giọng ca không kém chi chú Thu-Hoài. Chú Phan-Phi-Phụng và chị Thúy-Minh là đôi song ca không đối thủ, đặc biệt là dân ca, của Nha-Trang thời bấy giờ.
*- Anh Hà-Quang-Đức. Ngoài tiếng đàn Hạ-uy-cầm bất tuyệt, anh Hà-Quang-Đức còn có giọng ca rất ngọt ngào, trau chuốt. Anh thường trình bày những bản tình ca thời tiền chiến.
*- Thanh-Điệp: Tên thật là Nguyễn Thị Thanh-Điệp. Thanh-Điệp là giọng hát chính của Ban Bình-Minh; bởi vì, nếu bất cứ một lý do nào mà một trong những người trong Ban Ca không thể đến Đài Phát Thanh được thì Thanh-Điệp phải nhận trách nhiệm hát thế cho nhân vật đó. Cũng vì lý do này mà Cụ Điệp-Linh Nguyễn-Văn-Ngữ thường nhờ anh Hoàng-Đình-Phiên tăng cường vào giờ phút chót, vì Thanh-Điệp bận hát, không thể đàn được.
Sau khi Ban Bình-Minh tan rã, vì không chịu đựng được những lời dè bỉm đầy ác ý, tôi phản ứng tiêu cực. Tôi bỏ hát, bỏ đàn để được... yên thân!
Khi biết tôi bỏ đàn accordéon từ lâu, Ba tôi chỉ im lặng, thở dài. Nhìn nét mặt của Cụ, tôi biết Ba tôi rất thất vọng về tôi! Tôi cảm thấy đau trong lòng! Khi Ba tôi qua đời, niềm đau đó òa vỡ để cùng với niềm ân hận xoáy sâu trong lòng tôi. Tôi muốn tập đàn trở lại cho lòng bớt ray rức. Nhưng ngón tay của tôi không còn nhanh như xưa!
Con gái của tôi mua tặng tôi cây đàn, nay lại tìm mua cho tôi tập nhạc World’s Favorite Series số 27 dành riêng cho Accordéon. Khi nhìn vào bản nhạc, lúng túng tìm “gam”, tôi mới nhận ra được những khó khăn mà ngày xưa không bao giờ tôi nghĩ đến. Đó là mắt tôi nhìn theo nốt nhạc rất chậm, ngón tay tôi cũng chậm mà lại cứng như gỗ và không thể nào tôi thuộc được bản nhạc! Khi nào đàn sai, tôi có cảm tưởng như Ba tôi vẫn bên cạnh tôi để chỉ dẫn cho tôi như ngày xưa. Những lúc đó tôi khóc thầm và tôi đàn những bản buồn để nghe một mình, thương nhớ một mình, nuối tiếc một mình và xót xa, cay đắng cũng một mình!
Theo tiếng đàn, tôi tưởng như tôi thấy lại được một người đàn ông trẻ, sau khi biết đứa con gái đầu lòng thích đàn Accordéon, đã đưa đứa bé gái vào tận Saigon, đến tiệm đàn Mỹ-Tín, đường Hai-Bà-Trưng, đặt mua cây đàn từ Ý-Đại-Lợi và đặt mua cuốn sách dạy Accordéon bằng tiếng Pháp, từ Pháp. Khi tiệm đàn Mỹ-Tín gửi thư cho biết cây đàn đã về, người đàn ông đó lại đưa đứa bé gái vào Saigon nhận cây đàn để về lại Nha-Trang dạy nó đàn. Tất cả công khó đó của người Cha “được” đứa bé gái đem vùi lấp hết chỉ vì nó tự ái, không muốn tạo lý do để bị mỉa mai, tỵ hiềm!
Sự tan rã của Ban Bình Minh
Sau cuộc đảo chánh (hụt) lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Ba tôi bị người láng giềng – vì đố kỵ với Ba tôi – bịa chuyện, báo cáo với công an rằng Ba tôi hạ ảnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào đêm đảo chánh. Ba tôi bị mật vụ điều tra. Không tìm ra bằng chứng, và cũng nhờ sự can thiệp của ông Nguyễn Văn Thưởng – Trưởng Khu Công-Chánh miền Nam Trung nguyên Trung phần – Ba tôi không bị kết tội. Nhưng sau đó, Ba tôi bị (hoặc được?) “trả” về Hành chánh; Ba tôi thuộc ngạch Hành Chánh Trung Ương.
Nhờ về lại Hành chánh, ngay sau đó, Ba tôi được bổ nhiệm vào quận Cam-Lâm với chức vụ Phó Quận Trưởng Hành chánh. Chỉ một thời gian ngắn, quận Cam-Lâm trở thành thị xã Cam-Ranh và Ba tôi nhận chức Trưởng Ty Nội-An thị xã Cam-Ranh (Ba tôi bị Cộng sản Việt Nam cho đi cải tạo lâu năm chỉ vì chức vụ này) đồng thời Ba tôi cũng được biệt phái dạy Pháp-văn, toàn thời gian, cho các lớp đệ nhị cấp trường trung học công lập Cam-Ranh.
Sự thuyên chuyển của Ba tôi là nguyên nhân tạo nên sự tan rã của Ban ca nhạc Bình-Minh. Điều này khiến Ba tôi buồn bao nhiêu thì, khi Ba tôi nhận được lệnh biệt phái dạy Pháp-văn toàn thời gian cho các lớp đệ nhị cấp trường trung học Cam-Ranh, Ba tôi vui bấy nhiêu; vì Ba tôi có cơ hội “vẫy vùng” trở lại trong địa hạt mà Ba tôi yêu thích không kém chi văn chương, âm nhạc, và kịch nghệ./.
ĐIỆP MỸ LINH
Đăng ngày 25 tháng 02.2017