Phong Lôi Hổ
Điệp Mỹ Linh
Để nhớ ơn Người Lính V.N.C.H.
Đập mạnh tay vào thành xe để tạo tiếng động lớn, Huân vừa reo vui vừa vẫy tay về phía người bán hàng bên cầu Xóm-Bóng, cạnh bậc cấp dưới chân Tháp Bà và reo lên:
- Má! Má ơi, Má! Con nè, Má!
Mỗi lần nghe tiếng đứa con thân yêu, Hạnh lính quýnh, bỏ quầy hàng và bỏ cả khách hàng, chạy ra sát lề đường, vừa che mắt vừa nhìn theo chiếc xe đò để thấy anh chàng “lơ” xe vừa vẫy tay về phía Hạnh vừa cười.
Chiếc xe đò lẩn khuất trong dòng xe cộ ngược xuôi trên cầu Xóm-Bóng, nhưng Hạnh vẫn tần ngần nhìn theo. Ôi, chiếc cầu nối hai miền thân yêu của quê Nội hiền hòa mà sao chiếc cầu lại chia cách Hạnh với Phong – kể từ ngày Hạnh tiễn Phong trở lại đơn vị lần sau cùng! Chỉ vài năm sau, trong khi Phong biền biệt nơi nào gia đình không nhận được tin, chiếc cầu lại chia cách Hạnh và Huân để Huân theo những chuyến xe đò xuyên Việt, kiếm tiền nuôi thân và cũng giúp Mẹ nuôi em.
Khi nào nhớ đến Phong và Huân, Hạnh cũng mủi lòng, đưa tay quẹt nước mắt. Vừa khi đó, Hạnh bị níu tay và giọng ái ngại của Thủy vang lên nho nhỏ:
- Má! Đừng khóc, Má.
Hạnh quay lại và nhận ra cặp mắt của Thủy cũng ửng đỏ. Thủy nén tiếng nấc, tiếp:
- Má đã hứa với con là Má không khóc nữa mà! Nếu Má cứ khóc mỗi khi thấy anh Huân thì con sẽ dặn anh ấy, khi nào xe chạy ngang đây, anh ấy sẽ không gọi má nữa.
Giọng Hạnh có vẻ hoảng hốt:
- Đừng! đừng, con. Lâu lâu Má mới thấy anh Huân một lần mà, con.
Thủy ân cần kéo tay Hạnh:
- Đi, Má. Má trở lại thối tiền cho người ta.
Như hiểu phần nào thảm cảnh của mẹ con nàng, người khách khoát tay. Thôi, chị giữ để mua quà cho cháu. Rồi người ấy lẫn vào với nhóm du khách vừa từ Tháp Bà xuống. Thấy khách thưa dần, Thủy đề nghị:
- Chiều rồi, con về nấu cơm rồi con sửa sọan đi học nhen, Má. A, mà Má về thì Má ăn trước đi, đừng chờ con.
Trước khi lên xe đạp, Thủy quay lại, dặn dò:
- Má không muốn nghe tiếng hát của ông công an “dê” Má thì Má đóng cửa lại, nhen, Má.
Quanh xóm ai cũng biết chàng thiếu tá công an si tình Hạnh. Nhiều người khuyên Hạnh nên “chấp nối” để các con đỡ khổ và cũng để cho Hạnh bớt nhọc nhằn. Hạnh chỉ yên lặng, cười. Bây giờ nghe Thủy nhắc đến anh công an, Hạnh cũng chỉ cười, khoát tay cho Thủy đi.
Nhìn dáng Thủy gầy guộc băng ngang con đường nhựa, Hạnh tưởng như Hạnh có thể thấy được hình ảnh của chính nàng cách nay rất lâu; có khác chăng, Thủy, vì đói khổ và bị đời “nhào nặn” cho nên Thủy gầy gò, sành sỏi, và lanh lẹ. Và Hạnh, ngày xưa, lại tươi thắm, dịu dàng, xinh đẹp và còn có tí tài mọn.
Chính tí tài mọn và nét dịu dàng, quý phái của Hạnh đã làm nhiều thanh niên trí thức của Nha trang say mê. Khi giáp mặt với những nhân vật theo đuổi Hạnh, tại nhà của Hạnh, Phong cứ nghĩ rằng sẽ không bao giờ Phong có thể “chiến thắng” được – dù Phong là một sĩ quan Lôi-Hổ!
Khi nhận biết Hạnh có cảm tình đặc biệt với Phong, Phong vừa vui thích, vừa hãnh diện, vừa nghi ngờ, không hiểu Hạnh yêu chàng hay là Hạnh – vì sự ngây thơ, dại khờ và tâm hồn lãng mạn của một nghệ sĩ tài tử – bị lời ca của bản Chiến sĩ của lòng em khích động! Lý do Phong nghĩ như vậy là vì, một lần về phép, Phong được mấy cô cậu em rủ đi xem văn nghệ do học sinh trường Võ Tánh trình diễn tại rạp Minh Châu.
Suốt buổi trình diễn, mục nào Phong cũng tán thưởng nồng nhiệt để cổ võ tinh thần các em hoc sinh của ngôi trường thân yêu mà Phong đã lìa xa sau khi chàng đỗ tú tài toàn phần, ban Toán. Nhưng đến mục đơn ca do cô bé tóc kẹp, hơi gầy, tên Hạnh, trình bày thì Phong lại ngồi yên, lòng cảm thấy rộn ràng, phơi phới, lâng lâng theo điệu swing. Khi Hạnh hát đến câu: “…Khi nước nhà phút ngã nghiêng, em mơ người trai anh dũng, mang thanh thế hiến giang san, chí quật cường hiên ngang. Chiến sĩ của lòng em đắm đuối ước mơ, ở chiến trường xa dãi nắng, dầm mưa…” (1) thì Phong tưởng như quanh chàng không còn ai và Hạnh hát bài này cho chàng và chỉ cho một mình chàng thôi. Phong chợt mỉm cười. Mấy người em của Phong không bỏ sót một cử động nào của Phong cả. Khi thấy Phong cứ tủm tỉm cười một mình và đôi vai nhun nhún, đầu gật gật nhè nhẹ, mấy người em bấm nhau, cười. Cô em liếng nhất nhà nghiêng sang Phong, nói vừa đủ cho Phong nghe: “Bắt được anh Phong rồi đó nghe. Nhỏ Hạnh học lớp em đó, anh bao tụi em đu đủ bò khô, em giới thiệu cho.” Phong vờ “ký” lên đầu cô em. Cô em cười, né sang một bên.
Khi buổi trình diễn chấm dứt, với nước da sạm nắng và nhân dáng cao lớn, đượm chút phong trần của Phong – trong bộ quân phục bốn túi, màu hoa rừng và chiếc ‘bê-rê’ màu nâu đội hơi nghiêng – nổi hẳn lên giữa những khuôn mặt trẻ thơ và những bộ đồ dân sự. Nhiều nam sinh len lén nhìn Phong với ánh mắt đầy thiện cảm và ngưỡng phục.
Riêng Hạnh, khi được cô em của Phong giới thiệu, Hạnh chỉ lễ phép cúi đầu chào chứ không biết gì để nói. Sau đó, mỗi khi được về phép, Phong thường đến nhà thăm Hạnh và xin phép ông bà Hiển – Ba Má của Hạnh – để Hạnh đàn cho chàng nghe. Hạnh vui vẻ đàn chứ Hạnh cũng chẳng nghĩ gì.
Rồi một hôm, Hạnh được một người bà con cho tháp tùng nhóm học sinh đi ủy lạo binh sĩ tiền đồn, gần biên giới Lào-Việt. Toàn nhóm được di chuyển bằng trực thăng, sáng sớm khởi hành, chiều trở về.
Chiều, trong khi đi bộ dọc theo con đường mòn quanh co từ ngọn đồi xuống chân đồi để đến bãi đáp trực thăng, Hạnh bỗng nghe tiếng hát và tiếng đệm guitar, trong điệu Rhumba melody, văng vẳng trong không gian im vắng của núi rừng. Nhờ trình độ thẩm âm cao, Hạnh nhận ra tiếng hát và tiếng đàn không phải từ radio. Tuy nhiên, tiếng hát và lời ca của bản nhạc trong khung cảnh này tác động mạnh vào tâm hồn rất nhạy cảm của Hạnh. Hạnh bước chậm lại, lắng nghe, câu được câu mất: “…Chiều nao, anh đứng gác ngoài biên khu. Gió xa về dâng sương khói mịt mù. Đàn chim tung cánh bay về tổ ấm. Đêm xuống phai nhòa quê hương yêu dấu… Biệt ly qua bao tháng ngày anh đi. Lắng nghe thời gian giây phút hẹn về… Đây, núi rừng âm u, suối rừng vi vu, khói lam u huyền lững lờ buôn trên xóm vắng. Đây, những chiều hành quân, xóm nghèo dừng chân, nhớ thương Mẹ già nơi quê nhà xa xôi lắm…” Nhìn quanh, Hạnh chợt thấy một người mặc quân phục hoa rừng, mang giày trận, đội nón sắt, đang ngồi trên “lô-cốt”, vừa đàn vừa hát một mình.
Trong những tia nắng cuối ngày, hình ảnh của người lính nghệ sĩ trông vừa rực rỡ, vừa hào hùng, vừa lãng mạn... Hạnh bàng hoàng dừng lại, nhìn sững và nghĩ, hình tượng đẹp quá! Hình tượng đáng yêu quá! Việt-Cộng – dù là những người vô tri – có lẽ cũng không nỡ “bắn sẻ” khi nghe người lính nghệ sĩ ca lên nỗi niềm của mình đối với quê hương, đối với gia đình và đối với thân phận của chính mình.
Một vị sĩ quan của đơn vị trú đóng quay lại thúc Hạnh đi nhanh, vì ngại trời tối sẽ nguy hiểm. Hạnh chỉ người lính nghệ sĩ và hỏi tên. Vị sĩ quan đáp: “Thưa cô, đó là thiếu úy Phong, thuộc đơn vị bạn, đến tăng cường cho đơn vị của chúng tôi”. Hạnh ngạc nhiên: “Sao lúc trưa các anh không mời anh ấy hát?” Vị sĩ quan cười: “Đơn vị của anh ấy đi hành quân mới vừa về thôi. Chiều nào cũng vậy, sau khi hành quân trở về, Phong cũng ngồi chỗ đó, đàn và hát một mình”. Hạnh ngập ngừng: “Dạ, anh biết anh Phong họ gì không, thưa anh?” Vị sĩ quan lại cười và đưa tay có ý giúp Hạnh bước lên trực thăng: “Thưa cô, xin lỗi, tôi không để ý. Nhưng tôi nghe ai cũng gọi anh ấy là Phong Lôi-Hổ.” Thốt nhiên tim của Hạnh lỗi một nhịp.
Từ trực thăng, nhìn những dòng sông uốn khúc, những ruộng lúa xanh rì, và đồi núi chập chùng tiếp nối nhau, Hạnh nhận ra vẻ đẹp hùng vĩ của quê hương. Nhưng hình ảnh khắc ghi vào tâm khảm của Hạnh lại là một Phong Lôi-Hổ ôm guitar ngồi trên “lô-cốt” hát bản "Chiều biên khu"…
Đang chìm đắm trong dòng hồi tưởng, Hạnh chợt nghe tiếng:
- Chị ơi, chị! Cặp ngựa bằng đá này giá bao nhiêu?
Hạnh hơi lúng túng. Chỉ một thóang thôi, Hạnh bình tĩnh trở lại, mỉm cười, nhìn người khách và cho giá món hàng. Người khách rất dễ dãi, không trả giá, yêu cầu Hạnh gói cặp ngựa màu xam xám. Trong khi gói hàng, Hạnh cảm biết người khách đang nhìn nàng chăm chăm. Khi trao hàng cho người khách, Hạnh nhìn ông ấy. Ông ấy, một tay đưa tiền, một tay nhận gói hàng nhưng ánh mắt vẫn không rời Hạnh. Bất ngờ ông khách hỏi:
- Hạnh! Có phải chị là Hạnh, con ông bà Hiển không?
Hạnh vô cùng ngạc nhiên
- Tại sao ông biết Ba Má tôi?
Ông khách nhìn quanh, không thấy ai lạ, ngoài người con trai của ông đang ngồi trên yên xe đạp, chờ ông, ông đổi cách xưng hô:
- Hạnh! Em không nhận ra anh cũng phải. Bao nhiêu năm gian khổ trong rừng sâu và gần hai mươi năm tù khổ sai thì làm thế nào em nhận ra anh được! Hồi trước anh chơi Hạ-Uy-Cầm...
Duy chưa dứt câu, Hạnh đã vui mừng reo lên nho nhỏ:
- Anh Duy, phải không?
- Ừ, anh đây.
- Ba Má em và mấy cô chú hồi trước trong ban Bình-Minh đều nghe nhiều người bảo là anh theo Kháng chiến và sau đó bị bắt, bị tù đày.
Duy cười:
- Ừ. Còn Phong thì sao?
- Dạ…
Hạnh chỉ thốt lên được một tiếng rồi nghẹn ngào. Duy nắm tay Hạnh, nhìn vào mắt nàng:
- Hạnh! Em đừng nói với anh là Phong đã chết, nghe chưa? Anh mà còn sống thì không thể nào Phong chết được.
- Anh gặp anh Phong ở đâu, anh Duy?
- Anh và Phong gia nhập một tổ chức Phục Quốc.
Hạnh khóc òa:
- Ôi, Trời ơi!
- Hạnh! Một người như Phong không bao giờ để Việt cộng cầm tù một cách êm thắm đâu. Em nên nhớ và nên hãnh diện về chồng của em.
Hạnh im lặng. Nàng không lạ gì bản tính liều lĩnh, can cường và bất khuất của Phong. Nhưng Duy đưa tin đột ngột quá khiến Hạnh bàng hoàng. Duy tiếp:
- Anh trở lại nhà của Ba Má em nhưng không ai biết Ba Má em đi đâu cả.
- Họ tịch thu nhà rồi đuổi Ba Má em đi kinh tế mới. Em và hai đứa con của em cũng bị đi kinh tế mới suốt thời gian dài. Cách nay khoảng một năm, à, anh nhớ Tân, em của em không?
- Ừ, cái thằng ôm ốm, sau đi Thủ đức rồi về Pháo binh diện địa đó chứ gì?
- Dạ. Tân bảo lãnh ba má em sang Mỹ. Nhờ ba má em gửi tiền về giúp cho nên em mới tìm cách đưa hai cháu về được đây.
- Vậy là mừng cho hai bác. Còn em và hai cháu, Tân có dự tính bảo lãnh em và hai cháu không?
- Thưa anh, có, nhưng em từ chối.
- Tại sao? Trời! Sao em dại quá vậy?
- Anh nghĩ xem, em đi sao đành khi mà em không biết tin tức gì về anh Phong cả.
- Phong không liên lạc gì với gia đình sao?
- Dạ không.
- Nhưng em ở lại em cũng không thể lo gì cho Phong được. Em hãy nghĩ đến tương lai hai cháu.
- Em đã nghĩ đến điều đó. Nhưng, cháu Huân trên 21 tuổi, không đủ điều kiện. Cháu Thủy đủ điều kiện. Nhưng, Thủy và em sang Mỹ làm gì trong khi anh Phong vẫn biệt tăm và cháu Huân ở lại đây một mình?
Duy trầm ngâm một chốc:
- Em nghĩ như thế cũng phải.
Hạnh nhìn Duy:
- Anh Duy, anh cho em hỏi anh một câu, được không?
- Ơ, cái cô này! Em muốn hỏi gì thì cứ hỏi, sao lại phải xin phép?
- Vì câu này có thể chạm tự ái của anh.
- Chạm gì? Em nhớ, hồi đó, em đàn hoặc hát sai nhịp là anh rầy liền. Anh đâu có sợ chạm tự ái em. Anh em là phải như thế.
- Dạ, em muốn hỏi anh là anh hiền và dáng vóc trông nghệ sĩ như vậy mà tại sao anh xin về Thủy quân Lục chiến rồi sau lại dám theo Kháng chiến?
- Ơ, nghệ sĩ thì nghệ sĩ, hiền thì hiền chứ. Thủy quân Lục chiến chỉ dữ với Việt-Cộng thôi chứ đâu có dữ với ai. Còn anh, Ông bà nội ngoại và bố mẹ của anh đều bị Việt cộng đấu tố đến chết…
Duy nói chưa dứt câu, vội dừng lại, vì tiếng cô bé đạp xe đạp ngang qua:
- Thưa Má con đi học.
Hạnh đưa tay ngoắt Thủy:
- Thủy! Con tới chào bác Duy, con.
Sau khi Thủy dựng xe đạp, khoanh tay chào, Duy xoa tóc Thủy:
- Con gắng học giỏi cho Mẹ vui, nhé.
Nhìn sang Hạnh, Duy tiếp:
- Con bé giống y như em, hồi em còn bé. Ờ, mà sao em không cho cháu nó học lớp ban ngày?
- Dạ, ban ngày cháu phải phụ em bán hàng; nếu không thì trẻ con ăn cắp. Mấy đứa bé ăn cắp nhanh và “nghề” lắm, một mình em trông hàng không được.
Hạnh vừa dứt câu, người con trai của Duy lên tiếng:
- Bố ơi, sắp đến giờ đón Mẹ, Bố coi chừng trễ.
- Ô, anh phải đến nhà thương đón chị. Anh mua cặp ngựa này để biếu bác sĩ điều trị cho chị đó.
- Chị bị bệnh gì mà phải vào nhà thương?
- Sau khi nghe anh bị “tòa án nhân dân” kết tội 18 năm khổ sai, rồi đứa con gái của anh chị đi vượt biên bị hải tặc hiếp dâm đến chết, chị chịu không nổi, điên! Thôi, chuyện dài lắm, cũng giống chuyện của Phong và anh vậy. Ghi địa chỉ của em vào mảnh giấy gói hàng đây, hôm nào anh ghé thăm, anh kể hết cho em nghe.
Duy vội vã quay đi. Hạnh chạy theo, đưa lại tiền cho Duy:
- Anh Duy, cho em gửi lại tiền. Em không lấy tiền đâu. Em biếu anh chị…
Duy khóat tay trong khi người con còng lưng đạp lấy trớn.
Còn lại một mình, thấy khách nhàn du thưa thớt, Hạnh muốn dọn hàng về nhưng tự dưng Hạnh cảm thấy sợ hãi niềm cô đơn nên không muốn về. Hạnh khoanh tay trước ngực như muốn ôm kín nỗi quạnh hiu. Nhìn mông ra dòng sông Cái, Hạnh thấy chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng và hai bên bờ sông cây cỏ nhạt nhòa trong bóng hoàng hôn; chỉ có hòn đá Chữ ngạo nghễ vươn cao để những tia nắng cuối ngày ve vuốt từng kẻ đá rong rêu.
Nhìn hòn đá Chữ một lúc Hạnh mới nhận ra những đóm sáng thật xa, kết thành hình cánh cung. Đó là những ngọn đèn đường dọc bờ biển Nha trang. Dọc theo bờ biển đó, ngày xưa, mỗi lần về phép, Phong và nàng thường lặng lẽ đi bên nhau. Khi chiều xuống, “hai đứa” dừng chân bên gốc dừa hoặc ngồi cạnh nhau nơi bãi vắng. Những lúc đó Phong thường bảo Hạnh hát cho chàng nghe. Phong thích nhất bản "Dans tes bras" của Dalida, một nghệ sĩ tài danh mang hai dòng máu Pháp và Ai Cập. Hạnh tựa đầu lên vai Phong, hát nho nhỏ. Phong âu yếm vuốt tóc nàng. Khi Hạnh hát đến đoạn:
“…Dans tes bras
je m’endors dans tes bras
jusqu’au jour qui viendra
me séparer de toi
loin de toi
chaque instant loin de toi
j’attends ce moment-là
je l’attends chaque fois
Loin de toi…”
Phong tưởng như tiếng hát của người yêu vang vọng cả vùng không gian êm đềm quanh đây và vang vọng trong trái tim ngùn ngụt thương yêu của chàng.
Tình thương yêu bao la của Phong, không những Phong dành cho Hạnh, mà trên hết, Phong dành cho Chúa và cho Cha Mẹ. Nhưng, lạy Chúa! Phong nghĩ rằng Phong đã phụ lòng Chúa và Cha Mẹ; bởi vì Cha Mẹ gửi Phong vào chủng viện, hy vọng sau này Phong sẽ trở thành linh mục. Nhưng Phong, với bản tính phóng khoáng, thích phiêu lưu, thích thực hiện những điều mà “người lính chiến thường kể cho nhau nghe”, cho nên Phong rời chủng viện, thi vào Trường Võ-Bị Quốc-Gia Dalat. Sau khi mãn khóa, Phong chọn binh chủng Lôi-Hổ để thỏa chí tang bồng.
Thời gian đầu, Cha Mẹ rất bất mãn, buồn phiền. Nhưng thấy Phong vui và Phong rất hãnh diện về bộ quân phục của chàng, Cha Mẹ tha thứ cho Phong và Cha Mẹ lại hãnh diện với bạn bè, làng xóm về Phong.
Niềm hãnh diện của Cha Mẹ đối với Phong chẳng khác chi niềm hãnh diện của Phong khi Phong sánh bước cùng Hạnh trên những con đường thương mến quanh ngôi trường Võ-Tánh.
Khi đi trên con đường chia cách trường Võ-Tánh và bệnh viện Nguyễn-Huệ, Hạnh thấy một chiếc Jeep chậm lại và từ chiếc Jeep, một sĩ quan mặc quân phục Hải-Quân chồm ra, nhìn Phong: “Phong! Phải Phong không?” Phong vui mừng reo lên: “Dạ, thưa Thầy, em, Phong đây.” Vị sĩ quan Hải-Quân bước xuống, bắt tay Phong: “Sao, khỏe không? Dạo này ít thấy Phong ghé thăm.” Phong cười: “Dạ, vì em bận hành quân liên miên. Em cũng tính nay mai ghé thăm Thầy đó chứ.” Vị sĩ quan Hải-Quân vỗ vai Phong: “Thôi, gọi bằng anh đi. Kỳ này Phong về được mấy ngày?” Phong chưa kịp đáp đã thấy vị sĩ quan Hải quân nhìn về phía Hạnh rất nhanh, ánh mắt như dò hỏi. Phong xoay sang Hạnh, giới thiệu: “Dạ, thưa Thầy, ô, thưa anh, đây là cô Hạnh, bạn của em. Và đây là Thầy Sơn, giáo sư của anh.” Sơn xuất thân từ một trường đào tạo sĩ-quan Hải-Quân của Pháp. Sau khi trở về nước và phục vụ cho Hải quân Việt-Nam Cộng-Hòa, Sơn trở thành Thầy của nhiều khóa sĩ-quan Hải quân Nha trang. Và sau đó Sơn trúng cử và trở thành Dân biểu Quốc hội. Hạnh chỉ biết như vậy thôi. Đến khi nghe Phong giới thiệu, Hạnh ngây thơ: “Ủa, Thầy dạy ở Võ-Tánh tại sao em không biết?” Phong cười, pha trò: “Cái cô này! Thầy là giáo sư của những lớp lớn, như anh nè. Còn em là học trò… hụt.” Sơn cười hiền hòa: “Tôi là Thầy… hụt của Hạnh thì đúng hơn”. Nói xong, cả ba người cùng cười…
Nhớ đến kỷ niệm vui, Hạnh bình tâm trở lại. Hạnh lủi thủi dọn hàng về.
Sau khi hâm nóng nồi cá nục kho khô, gắp ra dĩa, Hạnh xắt trái dưa leo, đem hai chén và hai đôi đũa để trong lồng bàn, đậy lại. Hạnh ngồi nơi ngạch cửa đợi con về.
Khi nào thấy Hạnh, anh thiếu tá công an – được “nhà nước” cho chiếm cứ ngôi nhà của một sĩ quan “Ngụy” đã di tản, nằm đối diện con hẻm nhỏ, trước ngôi nhà Hạnh thuê – cũng cất tiếng ca “tồ tồ” để ve vãn Hạnh: “…Hoàng hôn nhuộm sương buồn. Là mùa Thu thê lương. Em mỏi mòn mong chờ một ngày về quá xa. Dưới rèm mắt em mờ trông bóng anh với quân lên đường. Lá rơi, kìa, Thu! Thu đến bao lần. Hỡi người quả phụ phòng không. Mùa Thu đến chàng không về. Hôm nay hoa lá rơi điêu tàn! Ai ơi, mùa Thu đến cô đơn…”.(2) Hạnh than thầm, lời ca sướt mướt của một bản nhạc tình được viết theo thể điệu Boston, âm giai Ré trưởng mà được anh chàng công an “xướng” lên như vậy thì quả là… phản nghệ thuật! Hạnh bực mình, vào giường, lấy gối che tai để khỏi phải nghe.
Tuy không phải nghe, nhưng vì anh thiếu tá công an cứ hát bản đó hoài cho nên Hạnh thuộc và Hạnh nhận ra lời ca của bản nhạc đó diễn tả được phần nào hòan cảnh và tâm trạng của nàng. Và tối nay, lời ca của bản nhạc đó lại đem niềm thương nhớ Phong trở về trong lòng Hạnh. Hạnh mủi lòng, khóc cho sự quạnh hiu của nàng; khóc cho sự khổ nạn của Phong; và khóc cho hoàn cảnh thiệt thòi của Huân và Thủy. Hạnh cứ để nước mắt tuôn tràn, không cầm giữ mà cũng không lau. Một lúc lâu lắm, Hạnh cảm biết như có người đến cạnh nàng. Và mùi da thịt của người chồng hơn 20 năm bặt tin chợt thoang thoảng quanh nàng. Hạnh cảm nhận được Phong đang ve vuốt mái tóc đã ngã màu của nàng. Rồi Phong thì thầm hát cho nàng nghe: “Another day has gone. I thought I heard you cry asking me to come and hold you in my arms. I hear your prayers. Your burdens I will bear… you are not alone, for I am here with you. Though we’re far apart, you’re always in my heart for you are not alone… I am here to stay…” (3)
Hạnh nắm bàn tay của Phong áp lên khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nàng để mê đắm theo tiếng hát của Phong. Phong từ từ cúi xuống… Giữa lúc Hạnh sẵn sàng đón nhận nụ hôn nồng nàn của Phong thì Hạnh chợt nghe tiếng thì thầm của Thủy:
- Má! Đừng khóc nữa, Má. Má phải phấn đấu để sống thì anh Huân và con mới có nơi nương tựa…
Nói chưa dứt câu, Thủy sà vào lòng Mẹ. Hai mẹ con ôm nhau, khóc vùi!
***
“Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây lá xác xơ. Về đây đâu còn phút sum vầy, đâu còn bóng người xưa, lạnh lùng ngắm trời mây. Ôi, quê hương giờ đây nát tan! Đò vắng không người sang, thôn xóm trông điêu tàn. Xa xa nghe tiếng chim kêu đàn, nghe suối reo bên ngàn, dường như oán như than!...” (4)
Nghe người hành khất cứ hát tới hát lui mấy câu đó, Phong vừa khom người bỏ vài đồng tiền lẻ vào chiếc nón nhà binh rách, đặt trước mặt người hành khất, vừa nói nhỏ, giọng buồn bả:
- Nè, anh bạn! Anh còn bài nào khác không, sao cứ hát bài này hoài, nghe buồn quá!
- Tui đâu phải ca sĩ mà có bài khác.
- Hát bài này anh không sợ sao?
- Sợ gì? Tui cùi, đâu sợ lỡ. Mẹ, “uýnh” nhau mấy mươi năm không… rụng sợi lông; bầy đặt rút quân để tụi tui như rắn không đầu. Lúc đó tụi tui đang quần thảo với quân chính quy Bắc-Việt tại đèo Phượng-Hoàng. Sau khi bắt được tụi tui, “cha con tụi nó” muốn sỉ nhục tụi tui, bắt tụi tui cởi bỏ đồ trận, bận quần xà-lỏn, áo thun, đi hàng một dọc theo đường cái. Mẹ! Tui đâu chịu nhục. Chờ thời cơ thuận tiện, tui cướp súng của một thằng cảnh vệ. Tui chưa kịp bắn thì thằng cảnh vệ khác bắn tui! “Cha con tụi nó” tưởng tui chết thiệt thành ra “cha con tụi nó” dẫn tù, bỏ đi.
Suốt ngày Phong tìm cha mẹ, vợ con không ra, lòng rối như tơ vò. Bây giờ gặp người “nói chuyện xưa” Phong đưa đẩy câu chuyện trong khi tâm trí của chàng vẫn còn lo lắng, không biết sẽ tìm gia đình bằng phương cách nào!
- Vậy anh là thứ dữ, “dân” Dù, phải không?
- Sao biết?
- Tôi từ trại giam Lam Sơn về. Trong trại giam Lam Sơn có nhà giam số 10 dành cho trung đội Dù bị bắt tại đèo Phượng-Hoàng, thuộc quận Khánh Dương…
Người hành khất đánh vào đùi một cái, cắt lời Phong:
- Chết mẹ rồi! “Cha con tụi nó” “tóm” trọn “ổ” trung đội của tui rồi!
- Anh là cấp chỉ huy của đơn vị đó à?
- Giỡn, cha! Sĩ quan Dù “ngon” lắm chứ đâu có như tui. Cấp chỉ huy gì ăn nói “ba đá” như tui, cha. Tui là lính trơn hà. Rồi sao nữa, cha kể tiếp cho tui nghe giùm đi.
- Trung đội đó chỉ có một đại úy và một trung úy; số còn lại là hạ sĩ quan và lính.
Người hành khất lầm bầm:
- Ủa, còn ông Thầy của tui đâu cà? Lạy Trời cho ổng còn sống...
Bất chợt người hành khất nhìn Phong, tiếp:
- Còn cha? Cha làm gì mà vô trại Lam Sơn?
- Tôi bị bắt cùng một lần với trung đội Dù đó.
- Ô, vậy cha cũng là thứ dữ rồi, mà sao cha được tha về, lẹ vậy?
Bản tính bộc trực, “ruột để ngoài da” nhưng Phong hiểu không nên nói sự thật trong hoàn cảnh này cho nên nói hơi trại đi một tý:
- Ban quản giáo phái tôi về đây mua cưa máy để tù nhân cưa cây, tự sửa sang nhà tù của mình.
Giọng người hành khất trầm hẳn xuống:
- Sao không trốn đi, cha?
Phong cười, chỉ Thiệt, đang ngồi chồm hổm trên bậc cấp, dưới chân Tháp Bà, nhìn chàng không rời:
- Thấy anh trung sĩ đó không? Anh ấy là cán bộ hướng dẫn nhà 10. Ban quản giáo cử anh ấy đi theo tôi để “bảo vệ” tôi trong chuyến công tác này. Anh ấy hiền, rất dễ thương, có cảm tình với tất cả tù nhân chúng tôi.
Từ nãy giờ nghe Phong nói chuyện rất nhã nhặn, bây giờ lại nghe Phong gọi “thằng Việt cộng” là anh trung sĩ, người hành khất nghĩ rằng Phong không cùng giai tầng với mình, cho nên đổi cách xưng hô:
- Anh thấy “cha con tụi nó” dùng chữ hay không? Đi theo canh tù thì nói đi theo canh tù, bầy đặt gọi là bảo vệ! Còn anh, anh cũng là thứ dữ, vậy sao “cha con tụi nó” để anh về thành phố mà chỉ có một thằng đi theo?
Phong cười, không đáp.
Trong thời gian ở trại Lam Sơn, Phong cố chinh phục lòng tin của ban quản giáo để mưu đồ việc lớn. Ban quản giáo không hề biết ý đồ “đen tối” của Phong cho nên có vẻ tin tưởng Phong. Vì muốn tìm cách về thăm cha mẹ, vợ con một lần sau cùng trước khi cùng Duy thực hiện kế hoạch quy mô cho nên Phong nói với ban quản giáo là chàng muốn về mua cưa máy đem lên tặng cho Trại. Ban quản giáo phái Thiệt – có võ trang – đi theo.
Suốt ngày đi theo Phong, Thiệt cảm thấy có cảm tình với Phong nhiều hơn, không phải vì Phong cho Thiệt ăn những món đặc sản miền Nam – do tiền Phong bán chiếc nhẫn cưới – mà vì phong thái của Phong rất hiên ngang, ngạo mạn, chẳng biết sợ ai. Thiệt nhớ, trong một lần Thiệt đến trại 10 làm nhiệm vụ hướng dẫn, trong lúc vui miệng, Thiệt thuật lại cho nhiều “trại viên” nghe về một trận đánh đẫm máu giữa đơn vị của Thiệt và một đơn vị quân đội V.N.C.H. để giành một vị trí chiến lược gần Lộc-Ninh. Thiệt bảo, dù chấp nhận mọi tổn thất nhân mạng, đơn vị của Thiệt cũng vẫn không chiếm được mục tiêu. Phong cho biết, đơn vị của chàng được biệt phái tăng cường trong trận đánh đó. Và Phong kết luận: “Đánh đấm với các anh chán bỏ mẹ! Quân của các anh chỉ toàn con nít, cỡ 14 hay 15 tuổi, không biết gì khác ngoài việc xông tới, hết lớp này đến lớp khác. Chúng tôi bắn quân của các anh chết, thây chồng chất lên nhau, trông vừa thương tâm vừa kinh tởm!” Chưa hết! Khi ban quản giáo bảo “trại viên” viết bản thu hoạch, Thiệt thấy Phong chỉ viết có vài dòng. Thiệt hỏi. Phong bảo: “Các anh nói các anh đã biết hết rồi thì tôi còn gì để viết nữa. Tôi viết ngắn, gọn: Tôi là một sĩ quan Lôi-Hổ, một binh chủng được huấn luyện để thực hiện những công tác đột kích vào mật khu Việt-Cộng. Và tôi đã giết nhiều cán bộ cao cấp trong những lần đột kích đó. Tôi sẵn sàng nhận lãnh hậu quả của người chiến bại theo tinh thần thượng võ; không có gì để các anh khoan hồng hay bắt tôi khai báo”. Nhiều “trại viên” nhìn Phong với ánh mắt ái ngại. Một “trại viên” tên Sơn – mà Phong lộ vẻ rất kính trọng và nói với mọi người đó là Thầy của Phong – khuyên Phong nên thận trọng. Phong đáp tỉnh bơ: “Thưa anh, em biết họ và họ biết rõ em. Trước sau gì họ cũng giết em. Hôm bị bắt, em đã muốn tự vẫn, nhưng vì em là người theo đạo Thiên Chúa. Bây giờ em phải nói để họ biết rằng Người Lính V.N.C.H. không hèn nhát. Thua, chúng tôi chấp nhận mọi hậu quả. Chúng tôi không than trách, không đổ thừa đồng minh bỏ chạy.” Thiệt thầm nghĩ, Phong “chì” thật. Tiếng “chì” Thiệt bắt chước ngôn ngữ miền Nam.
Là một người gan dạ và rất “chì”, nhưng suốt ngày tìm không được cha mẹ, các em và vợ con, Phong thiểu não ngồi nơi bậc cấp dưới chân Tháp Bà, gục đầu vào lòng bàn tay. Suy nghĩ mãi Phong cũng không thể đoán được điều gì đã xảy ra cho đại gia đình và tiểu gia đình của chàng. Cuối cùng, Phong nghĩ, có thể gia đình di tản ra ngoại quốc. Giả thuyết này giúp Phong yên lòng. Phong ngẩng lên, nhìn suốt con đường quen thuộc đối diện với Tháp Bà.
Trên con đường quen thuộc đó không biết bao nhiêu lần Phong lái Vespa chầm chậm, xa xa, lén theo sau Hạnh, rồi lượn qua lượn lại trước nhà nàng chứ không dám vào. Sau khi “hai đứa” thầm lén yêu nhau một thời gian, Hạnh viết thư cho Phong biết rằng ông bà Hiển không cho phép nàng quá thân thiện với những người khác tôn giáo và những sĩ quan tác chiến – như chàng. Phong buồn lắm, chỉ ngại Hạnh nghe lời cha mẹ, đoạn tuyệt với chàng. Và, Phong xin nghỉ phép đặc ân.
Vào một buổi sáng cuối tuần, cũng trên con đường đó, trẻ em và người tò mò đã ùa ra nhìn hai chiếc Jeep. Chiếc Jeep đi trước chỉ có tài xế, ngồi cạnh tài xế là trung úy Lôi Hổ Nguyễn Phong, trong quân phục đại lễ, lưng đeo súng lục, ngực đầy huy chương và trên xe cũng đầy sính lễ. Chiếc Jeep thứ hai gồm tài xế, một đại úy đại diện nhà trai và một trung úy phụ rể.
Khi thấy hai chú lính trang trọng bưng sính lễ vào nhà và Phong cùng hai sĩ quan đột ngột xuất hiện, ông bà Hiển vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng phải ra tiếp. Ông Hiển hỏi: “Xin lỗi, quý vị có nhầm nhà hay không? Tại sao trung úy Phong hôm nay lại xuất hiện một cách trang trọng như vậy?” Vị đại úy chủ hôn trình bày lý do. Ông Hiển lắc đầu: “Chúng tôi chưa bao giờ chấp thuận lời cầu hôn của bất cứ ai, cho con gái của chúng tôi”. Vị đại úy xin ông bà Hiển cho phép Hạnh ra phòng khách để được xác định.
Bà Hiển vào gọi Hạnh. Hạnh – đã theo đúng kế hoạch do Phong dặn trước – e dè bước ra trong chiếc áo dài màu hồng, tai đeo đôi hoa tai lấp lánh, cổ đeo kiềng chạm, tóc vấn khăn vành. Ông bà Hiển chỉ biết nhìn nhau. Vị đại úy chủ hôn hỏi Hạnh: “Cô Hạnh! Cô biết hôm nay là ngày gì và tại sao chúng tôi dâng sính lễ hay không?” Hạnh thẹn thùng cúi mặt, nói nho nhỏ: “Kính thưa Ba Má! Xin Ba Má tha tội cho con. Hôm nay là ngày anh Phong xin phép Ba Má cho con về làm vợ anh ấy.” Ông Hiển giận quá, tái mặt, muốn nói đều gì đó; nhưng bà Hiển bấm tay ông, nói nhỏ: “Thôi, ông. Con nó lỡ thương thì thôi.” Trước khi nắm tay Hạnh bước ra xe, Phong hơi cúi đầu trước mặt ông bà Hiển: “Con xin biết ơn Ba Má.”
Ông bà Hiển vừa giận vừa buồn nhìn theo hai chiếc Jeep. Trẻ con chạy theo xe reo hò trong khi Hạnh, ngồi cạnh Phong, khóc sướt mướt; không biết Hạnh khóc vì lấy được người nàng yêu hay là khóc vì đã làm cha mẹ buồn lòng!
Ngày xưa đó, dù Hạnh khóc vì lý do nào đi nữa thì những dòng nước mắt của Hạnh cũng không mang niềm uất hận và sợ hãi như khi Hạnh khóc lúc hay tin đơn vị của Phong “tan hàng”! Nghĩ đến cha mẹ, ông bà Hiển và vợ con cùng những quân nhân trong đơn của chàng, Phong chỉ biết thở dài.
Xa xa, tiếng hát của người hành khất vẫn dội vào tâm thức buồn thảm của Phong: “Về đây…”
Tại trại Lam Sơn, thời gian đầu, vợ con tù nhân có thể thăm viếng tù một cách dễ dãi. Nhưng Phong không muốn nhắn cho gia đình biết tin vì chàng có dụng ý riêng. Trước cổng trại Lam Sơn ban quản giáo còn cho phép họp chợ bán thức ăn và mọi thứ cần dùng cho tù nhân. Nhờ vậy Phong mới bán đưọc chiếc nhẫn cưới.
Khi từ Nha trang trở về, thấy không ai mua bán gì trước trại Lam Sơn như mọi hôm, Phong hỏi Thiệt. Thiệt bảo chả biết. Linh tính nhạy bén báo cho Phong biết rằng có chuyện không hay. Vào trong trại, sau khi trình diện ban quản giáo, Phong vội vã trở về nhà 10.
Vừa thấy Phong, Sơn kín đáo ra dấu để Phong theo chàng ra ngoài. Nhìn quanh, không thấy ai, Sơn cho Phong biết, hôm qua Duy và vài bạn tù vượt thoát, nhờ lẫn vào những người buôn bán trước cổng Trại. Phong sốt ruột: “Có ai bị bắt lại không, anh?” Sơn lắc đầu: “Không. Hy vọng tất cả thoát được. Có điều tệ hại là ban quản giáo đã tìm ra danh sách của những tù nhân liên hệ trong một tổ chức bí mật! Tôi thấy Phong thân với anh Duy cho nên tôi báo cho Phong biết. Cẩn thận, nha.” Phong ngần ngừ, muốn nói điều gì đó, nhưng vội ngưng.
Chiều đến, đang ngồi cạnh con đường đất, Sơn bỗng nghe tiếng Phong từ một GMC đang chạy ngang: “Anh Sơn ơi! Em đi đây. Vĩnh biệt anh!”. Sơn vội đứng lên, nhìn theo. Sơn thấy Phong đưa cao tay vẫy vẩy và cố hét lớn: “Anh Sơn! Vĩnh biệt anh!” Sơn đứng lặng, tưởng như tiếng gào của Phong vang dội, làm rung chuyển cả núi đồi. Khi chiếc GMC khuất ở cuối đèo chính là lúc một tâm niệm vừa khởi lên trong lòng Sơn. Nếu còn sống, Sơn sẽ tìm mọi cách gặp vợ con của Phong để kể lại giây phút bi hùng của Phong Lôi-Hổ.
Hơn ba mươi năm sau, từ ngọai quốc trở về thăm quê hương, tình cờ Sơn gặp lại Duy. Sơn cho Duy biết tâm nguyện của Sơn. Duy vui mừng: “Anh đến nhà giờ này không gặp cô ấy đâu. Anh đến thẳng chỗ quầy hàng, bên kia cầu Xóm-Bóng, dưới chân Tháp Bà, là anh thấy Mẹ con của cô ấy ngay.”
***
Thời gian đã phôi phai, nhưng khi kể đến giây phút bi hùng có thật của Phong, Sơn vẫn tưởng như tiếng gào cùa Phong còn xoáy sâu trong lòng chàng. Và Huân, khi nghe Sơn lập lại năm tiếng sau cùng của Phong, Huân chịu không nổi, vội đứng lên, đi nhanh ra chỗ khác. Thủy đưa tay quẹt nước mắt. Sơn nhìn Hạnh. Hạnh vẫn ngồi lặng yên, mắt đăm đăm nhìn xuống dòng sông, không chớp. Tự dưng Sơn mong được thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng của Hạnh. Hạnh vẫn ngồi trơ như pho tượng. Một lúc lâu, Sơn thấy dường như Hạnh đang cố nuốt vật gì to lớn lắm. Sơn thở dài, thầm nhủ: Khóc đi Hạnh! Khóc đi cho vơi bớt sầu thương.
Hạnh vẫn không khóc. Nhìn con đò nhỏ xuôi dòng, Hạnh chợt nhớ lại câu nói của Duy: “Anh mà không chết thì không thể nào Phong chết được!” Vừa lúc đó Hạnh tưởng như nàng nghe được giọng hò êm ái của cô lái đò vang xa trong không gian loáng thoáng ánh trăng non:“....Hò… ho…hó…ho…ho…Nghe...gió lùa...trong đêm vắng. Em... mơ thấy chàng ... bên sông mờ trăng…” (5)
Hạnh từ từ nghiêng sang Thủy, tựa đầu lên vai con, thổn thức…
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
* Cảm tác và “mượn” vài chi tiết từ bài viết “Chuyện Một Người Chiến Binh Trong Cuộc Chiến Nam Bắc” của Trần-Bình-Nam.
1. Chiến Sĩ của Lòng Em của Canh-Thân
2. Thu Cô Phụ của Điệp-Linh
3. You Are Not Alone của R. Kelly
4. Trở Về của Châu-Kỳ
5. Bên Sông Cũ của Điệp-Linh
Đăng ngày 24 tháng 01.2017