BẸO
Chân Diện Mục
Thơ Trịnh Sâm tả cảnh Động Hương Tích có câu :
Danh lừng thiên cổ đã nên bêu
Cảnh hữu tình của Động Hương Tích thật đáng bêu lên cho người ta chiêm ngưỡng!
Chữ bêu có nguồn gốc từ Phiêu, Tiêu, Biêu! Bàng Hiệu, Thương Hiệu người ta thường đọc là phiêu! Chữ bêu bây giờ thường có nghĩa xấu: Bêu đầu tội nhân, bêu tên một học sinh xấu trên micro để cho chừa tính xấu đi. Một cô gái bẹo dạng để người ta chú ý tới nhan sắc của mình (!), chữ bẹo dạng ở đây có nghĩa xấu (!)
Ông Hàn Mặc Tử viết:
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió Đông về để lả lơi
Hiển nhiên mặt trăng của Hàn Mặc Tử ở đây đang bẹo dạng! Nhưng ông Hàn đang phát huy ma lực của ngòi bút lớn!
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
Sự bẹo dạng ở đây quá lộ liễu, quá dung tục, nhưng dưới ngòi bút thần của chàng thì còn vượt trội hơn Hồ Xuân Hương nhiều lắm!
Sự bẹo dạng dưới ý đồ câu khách thì thật không hấp dẫn chút nào, như cô gái bẹo dạng để câu khách háo sắc “Đường đi qua khách sạn, Việt Kiều ngắm mhìn em, Vội vàng em lên tiếng, Anh ơi em đây này“! Đó đích thị là cái bẹo dạng của thơ Bùi Chát! Chàng làm thơ mà gọi đích danh của cái Yoni, cái Ling ga thì thực chẳng hay ho gì! Thứ thơ dung tục đó chỉ để đem in ở nhà in “Giấy Vụn“
Thơ bêu tính xấu của con người để làm gương của Tú Xương, Tản Đà, thật mỗi người một vẻ đáng yêu!
Thơ Tú Xương thường vô thưởng vô phạt (à quên: vô thưởng có phạt). Tú Xương thường tả những ông quan, những nhà giầu phong lưu vô duyên:
Lưng ông mốc thếch như trăn gió
Ông được phong lưu bởi nước da
Và rồi ông cầu chúc:
Vua quan sĩ thứ người trong nước
Sao được cho ra cái giống người
Tản Đà, trái lại, bêu người khác lên còn mình thì rơi lệ
Cũng phường dối nước quân ăn cướp
Cũng lũ tàn dân giống hại dân
Lạnh lẽo hơi sương tòa tạp chí
Lệ ai dàn dụa với giang san
Một tay từ Ba Lê về khua múa rổn rang lừng lẫy:
Hôm nay Nga buồn như một con chó cái ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Nhưng những trái bom tấn này chỉ huyền hoặc những độc giả ưa hơi thơ lạ! Nhưng mà… hầu hết những độc giả này là những học sinh cấp ba… và những bài thơ bẹo dạng này được nâng niu…. trong ngăn cặp! Nói của đáng tội: Nguyên Sa có những bài thơ bẹo dạng vô duyên nhưng cũng có những bài thơ mà đọc lên ta sút mồ hôi hột:
Sao người không là một cung đàn
Cho lòng tôi mềm trong tiếng than
Khi trăng chảy lạnh từng chân tóc
Khi gió se trùng muôn không gian
Tay Thần bút Vũ Hoàng Chương đã bẹo dạng những người đẹp của ông trên cả tuyệt vời:
- Mười phần xuân có gầy hao
Tấm lòng xuân vẫn dạt dào như xưa…
- Cảm thông giữa phút hàn huyên
Ta nghe cặp mắt u huyền nao nao
- Biết đến bao giờ thu có nguyệt
Chén hoa vàng có mắt ai xanh
Tôi không mê thơ Nguyễn Duy nhưng tôi rất thích thơ Nguyễn Duy. Những bài thơ ông tôn vinh mẹ và trân trọng tình vợ chồng… đáng được người ta coi ông là một nhà thơ lớn.
Đọc những câu như:
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Ai mà không ngậm ngùi khi nghĩ đến những tấm tình cao quí, những tình cảm thiết tha…
Và rồi tôi thích nhất cái anh chàng bẹo dạng vào bậc thượng thừa! Cái anh chàng này không phải điên nhưng suốt ngày bẹo dạng. Quần áo xốc xếch, lê lết đầu đường xó chợ, gặp ai cũng nhe răng cười! Hơn một lần chàng leo rào vào vườn người ta… hái hoa! Chủ nhân ra, chàng nhăn răng cười!
Chỉ có những người cười cợt với đời một cách đạt đạo như thế mới thở ra được những câu:
TRẪM NHỚ EM
Em mở hai hàng cỏ mọc ra
Trẫm nhìn thơ mộng cỏ chan hòa
Um tùm một cõi hương lồng lộng
Phơ phất tà xiêm phe phẩy hoa.
19/11/2016
Chân Diện Mục
CHUYỆN LÔNG RÙA SỪNG THỎ
Cụ Nguyễn văn Siêu (thần Siêu thánh Quát) khi nói về Kim Chỉ Nam của Tầu giúp phái đoàn Việt Nam đi qua Phù Nam, Lâm Ấp về nước đã phán một câu: Trong chiêm bao nói chuyện chiêm bao!
Cụ Nguyễn văn Siêu đã chê rất nhiều Học giả, Sử gia. Trong số người bị chê có cả Lê Quý Đôn, mà người Việt tôn làm Đại Học giả. Nếu cụ Nguyễn chê đúng thì văn cụ Lê không đáng tận tín. Nếu chê sai thì văn cụ Nguyễn bất như vô thư.
Rà soát lại thì Sử, Sách… bị chê nhiều lắm.
Những chuyện trong Thiền Uyển Tập Anh và Mã Tổ Bách Trương chỉ là chuyện Lông Rùa Sừng Thỏ (chữ của các thiền sư đấy!) Hai vị Thiền Sư gặp nhau, một vị nói: Ê ngồi xuống đây nói chuyện lông rùa sừng thỏ chơi!
Hồng Châu Thuỷ Lão đến tham học, hỏi: Ý sang Đông của Tổ Sư đích thực là gì ?
Sư nói: Vái lạy đi
Thuỷ Lão vừa vái lạy, sư liền đạp cho một đạp. Thuỷ Lão liền đại ngộ, đứng dậy vỗ tay cười lớn!
Đó không phải là chuyện đánh bùn sang ao hay sao?
Một vị đến hỏi về Phật Pháp
Một vị trả lời:
Cây khô tựa giá lạnh
Trời Đông có ấm đâu
Đó không phải là chuyện đầu cua tai ếch sao?
Tôi gặp một ông người Hoa hỏi: Người Tầu nói 80 phần trăm dân Tầu theo đạo Phật, nhưng tôi thấy người Hoa các tỉnh cục nam thờ bà Quan Âm Nam Hải, bà Mã Hậu và nhất là Quan Vân Trường. Vào các chùa Tầu, gọi là chùa nhưng chỉ thấy thờ Quan Vân Trường chứ có thờ ông Thích Ca đâu? Chỉ thấy câu đối:
Chí tại Xuân Thu danh tại Hán
Trung đồng nhật nguyệt nghĩa đồng thiên
Tôi hỏi lại thì người Hoa nói: Cái ông Thích Ca ai mà thờ làm chi! Người ta tới chùa là cầu phước lộc chứ có ai thờ mấy ông: Không, Không, Không (sắc tức thị không…) Người ta muốn danh hanh thông, lợi phát tài… mà mấy ông cho chữ không thì… mời ông đi chỗ khác chơi…! Người Tầu quả là người thực dụng nhất thế giới! Tôi không thực dụng như thế nhưng đọc những “Công Án“ của các cao tăng Đường, Tống không đã bằng đọc “góp nhặt cát đá“ cũa một thiền sư Nhật Bản!
Chuuyện Chiêm Bao nghe cũng thơ mộng đấy nhưng chỉ nên nghe trong lúc chiêm bao mà thôi!
Chuyện Đức Mẹ Đồng Trinh, chuyện thái tử Tất Đạt Đa bỏ nhà đi tu, bà vợ chạy theo… Thái Tử đưa ngón tay chỉ bụng bà nói lớn: về đi… bà về… liền có mang! Những chuyện như thế cũng chỉ nên nghe trong lúc chiêm bao mà thôi!
Quan Công đốt đuốc gác suốt đêm cho hai bà chị dâu ngủ ngon, khiến người bình thường nghĩ quan công thực hay hình nộm, hay Quan Công ngủ gật, xuất hồn đi tằng tịu với hai bà (Lúc đó anh em Quan Công chạy xấc bấc xang bang chẳng biết sống chết lúc nào, thôi thì… chiêm bao cho đã)
Chuyện Nguyễn Trãi – Thị Lộ đúng là chuyện lông rùa sừng thỏ 100 phần 100. Bởi một cuốn sử lề trái (không phải chính sử mà cũng không phải dã sử) đã viết rằng ông Nguyễn xin về hưu, vua không cho, ông phải dâng người thiếp là Thị Lộ, vua mới ưng! Nếu tôi nói rằng Thái Tông cướp vợ của Nguyễn Trãi thì quí vị chửi tắt bếp!
Chuyện thơ Tuyệt Mệnh tôi nói nhiều lần rồi. Người ta làm thơ tuyệt mệnh cho thủ khoa Huân rồi làm thơ tuyệt mệnh cho Nguyễn văn Trắm Y CHANG, thế là thơ đầu cua tai ếch!
Chuyện thầy trò Đường Tăng qua nước Nữ Nhi bị chơi khăm khiến tôi nghĩ đến con đường tơ lụa. Người ta chở gấm vóc (thời đó có gấm vóc chưa?) từ Hàng Châu qua hàng vạn cây số, qua rừng rậm, sa mạc, qua hàng ngàn bộ lạc ăn thịt người để tới La Mã và Âu Châu. Tôi chiêm bao thấy đoàn thương nhân uống nước ở nước Nữ Nhi rồi… từ đàn ông tới ngựa đực, lạc đà đực đều chửa ễnh bụng lên mà mắc cười hoài, Tôi nghĩ… có Phật Bà Quan Âm cũng cứu không kịp!
Chuyện gần đây cũng mắc cười không kém. Tới giờ ngơi, vua Minh Mệnh đang thiu thiu giấc điệp, một Phi tần đang đứng quạt thấy ngài đẹp trai quá bèn cúi xuống… hôn. Ngài chợt tỉnh giấc bèn ra lệnh chém người đó vì… đã phạm tội khi quân.
Chuyện Nguyễn Trung Trực ngồi trên lưng ngựa phi nước đại từ đất liền qua Phú Quốc, từ Phú Quốc trở về! Chắc con ngựa của ngài như con Thiên Lí Mã (tưởng tượng) Bắc Triều Tiên. Không phải ngựa thật mà như là quốc huy, quốc hiệu Triều Tiên. Tôi có được coi tấn hình chụp khu phủ Chủ Tịch và các quan lớn, các sứ quán. Quả là con đường đẹp nhất thế giới, Các cao ốc rất hoành tráng và… không một bóng người! Đường đó rộng cỡ 10 lằn xe và… không một hạt bụi! Chắc con Thiên Lí Mã đã phi nước đại đưa dân chúng xuống hố cả nút!
Gần đây nhất: Đó là thời Hiện Đại, tuy không hại điện nhưng lại Hại Óc con người. Người ta chưa thoát khỏi nghèo khổ, ngu ngốc nhưng lại “hội thảo về Mưa nhân tạo“ và đem máy bay đi phun thuốc trừ sâu cho nông trường mấy hecta và… rất gần nhà dân!
Cái tật của tôi là vẫn dành mấy giòng cuối bài để nói chuyện ly kỳ nhất:
Chuyện như thế nầy: Ông Trịnh Kiều đánh nhau với ông Nguyễn Phước Kiều.
Bà Trịnh vốn Nam Hà, sai con là Trịnh Kiều vào Nam thăm cậu! Chúa Nguyễn bèn gả con gái cho và phong làm Chưởng Dinh, ban tên là Nguyễn Phước Kiều… Thế rồi một lần hai bên xung đột. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Phước Kiều ra biên giới, Chúa Trịnh sai Trịnh Kiều ra biên giới… Hai bên đánh nhau! Ối giời ôi! Có lẽ ông này học được kiểu Song Thủ Hổ Bác của Châu Bá Thông trong truyện của Kim Dung nên biến thành chiêu Song Thủ Tương Kích, tay phải tay trái đánh lẫn nhau để thiên hạ lé mắt chơi!!! Rất nhiều vị sử gia uyên bác đã viết thế! Trong đó có cụ Phan Khoang, Giáo sư Đại Học Văn Khoa, tôi không được học nhưng rất trọng, rất kính! Tôi xin mạo muội nói với quí vị rằng: xin đừng viết lông rùa sừng thỏ như thế!
2-11-2016
Chân Diện Mục
Đăng ngày 20 tháng 12.2016